Vô Cảm

print

Vô Cảm

Khi dịch bệnh kéo tới ngôi làng nhỏ của một quốc gia kia, người ta kể nhau nghe câu chuyện này. Trong lễ tang của một nạn nhân trẻ tuổi, một người đàn ông thấy bên cạnh mình một người đàn ông khác khóc nức nở, ông ta tò mò hỏi: “Ông là thân nhân của người vắn số à? Người này trả lời: “Không! Vậy tại sao ông khóc? Tôi không thể khóc cho một người mà tuổi đời còn đẹp như thế và gia đình của cô ta sao? Phải chi tôi chết thay cho cô ta”!!!

Vài ngày sau, khi chính phủ ra lệnh hạn chế đi lại và mọi người phải ở nhà, thì chính người đàn ông “tò mò” này vì không chịu cảnh tù túng của căn nhà chật hẹp, vẫn rảo quanh các công viên, siêu thị với cớ mua thức ăn, nhu yếu phẩm… Rồi chính ông cũng mang bệnh và đã vô tình lây cho nhiều người khác. Khi biết sự thật ông òa khóc và nói: “Ôi! Phải chi tôi đừng vô cảm! Nhưng đã muộn rồi để có thể khắc phục lỗi lầm…”

Cả thế giới đã và đang chiến đấu với căn bệnh thời đại. Mỗi ngày trên các trang mạng và báo chí thống kê số người bệnh, người chết tăng vọt… Có người đọc các con số để đau buồn, cảm thông và cầu nguyện. Nhưng có người chỉ đọc để biết thông tin và thờ ơ trước nỗi đau của nhân loại. Các nhà thờ, sinh hoạt tôn giáo đóng cửa, ngưng vì dịch bệnh. Có người buồn khóc vì sự thiếu vắng, nhưng cũng có người “cảm ơn” vì được miễn trừ các lễ lại mà không phải đi xưng tội. Họ vẫn vô cảm, dửng dưng…

Trong ngày lễ các thánh mục tử, tôi đọc được những dòng sau: “Đây là người đã sống hết tình với anh em và cầu nguyện nhiều cho dân chúng. Đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Người sống hết tình, biết cầu nguyện và hy sinh tính mạng vì anh em là người có lối sống cảm thông trái ngượi với thái độ vô cảm; là người biết “vui với người vui, khóc với người khóc” và loại bỏ sự vô cảm ra khỏi cuộc sống để liên đới với anh chị em của mình trong những nỗi thăng trầm của kiếp người.

Trong Mùa Chay và Tuần Thánh, tôi chiêm ngắm Đức Kitô – Vị Mục Tử nhân lành, Người đã hy sinh tính mạng vì tôi. Người đã liên đới với tôi trong những nỗi khốn cùng và Người đã mang tất cả nỗi đau của nhân loại lên cây thập giá để sau đó Người biến chúng thành phục sinh huy hoàng. Người đã không vô cảm trước những nỗi đau của kiếp nhân sinh. Qua đó, Ngài dạy cho tôi phải bắt chước Ngài.

Tuần Thánh Phục Sinh năm nay có lẽ tôi không thể đến nhà thờ, nhưng tôi có thể chọn cách sống cảm thông, liên đới, đồng trách nhiệm với đồng loại của tôi trong tai ương chết chóc này. Tôi có thể chọn để hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa trong lời cầu nguyện, bằng việc hy sinh và bác ái với những người trong gia đình tôi và xóm giềng. Nếu tôi loại khỏi mình lối sống vô cảm chắc tôi sẽ được “sống lại” với Đấng đã chết và sống lại vì tôi.

Lm. Gs. NTH