Với Tôi Đức Kitô Là Ai?

print

CN XXIV THƯỜNG NIÊN – B

VỚI TÔI ĐỨC KITÔ LÀ AI?

Lm. Giuse Nguyễn

Nếu có lần nào chúng ta nghe những câu hát: “Giờ này, đối với tôi, Đức Kitô là ai rồi? Giờ này đối với tôi Ngài còn là Ngài hay thôi? Là một chiếc bóng bên đường, một lần cất bước đi qua, để lại thoáng chút dư âm, và rồi lòng quên hay nhớ?” thì có lẽ thêm một lần chúng ta tự hỏi mình: “Giờ này đối với tôi, Đức Kitô là ai rồi?” Hôm nay, một lần nữa Đức Kitô chất vấn chúng ta: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Mỗi người sẽ có câu trả lời cho riêng mình tùy vào mối thân tình giữa chúng ta với Đức Kitô. Nhưng hôm nay chúng ta hãy để cho lời Chúa thấm nhập vào tâm hồn, để xem có những câu trả lời như thế nào về câu hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”, sau đó hãy tự trả lời cho chính mình: “Giờ này đối với tôi, Đức Kitô là ai rồi?”

I. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

  1. Bài Đọc I: Is 50,5-9a

Tiên tri Isaia cho chúng ta thấy khuôn mặt của Đấng Messia không phải theo quan niệm của người Do Thái: sức mạnh, cai trị… để giải thoát dân tộc của họ. Hoàn toàn là một cái nhìn chính trị. Nhưng  Đấng Messia của Thiên Chúa lại chịu nhiều đau khổ, bị người ta bắt, kết án, sỉ nhục, đánh đòn, phun nước miếng vô mặt… và giết chết. Để từ đó cho chúng ta thấy, nếu theo Chúa để tìm vinh quang thì sẽ không bao giờ gặp đươc. Mà theo Chúa là theo một Đức Kitô chịu đóng đinh.  

  1. Tin Mừng: Mc 8,27-35

Đức Kitô đến trần gian để loan báo cho người ta biết sự thật về Thiên Chúa. Sự thật đó được nhận biết qua mặc khải về bản thân của Ngài. Vì vậy hôm nay Ngài muốn trắc nghiệm xem sự nhận biết của người ta như thế nào về Ngài, để từ sự nhận biết đó Ngài đưa họ đến hành động cụ thể; kẻo nếu nhận biết sai trái sẽ dẫn đến hành động sai trái. Sau khi nghe người khác nói: “Thầy là Gioan Tẩy Giả, Thầy là ông Êlia, Thầy là một tiên tri khác…” Đức Giêsu hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Đó mới là điều quan trọng, niềm tin của chúng ta không phải là nói theo người khác, nhưng dựa trên tuyên xưng của chính mình. Tuy nhiên chính sự xác quyết của người khác sẽ giúp cho chúng ta thêm xác tín mạnh mẽ hơn, vì không phải 1 mình tôi tin như vậy, mà có những con người đã tin, và dám sống điều đó. Xác quyết đó không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng hành động của cả cuộc sống mình, giống như lời nhắc nhở của thánh Giacôbê: “Đức tin không việc làm là đức tin chết”.

Từ phụng vụ lời Chúa hôm nay, có thể nói cuộc đời chúng ta là một hành trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Đối với tôi, Đức Kitô là ai vậy?” Vì cách sống của chúng ta là tùy thuộc vào câu trả lời cho câu hỏi này.

II. ĐỐI VỚI TÔI, ĐỨC KITÔ LÀ AI?

Sẽ có nhiều câu trả lời cho câu hỏi này. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế cuộc sống, chúng ta thấy có những khuynh hướng trả lời như sau:

  1. Đức Kitô chẳng là gì hết:

Có những người cho rằng Đức Kitô chẳng là gì hết, chỉ là một thứ thuốc phiện mà người ta đặt ra để dụ dỗ một số người ngu dốt, mê muội. Chính vì người ta nghĩ như vậy nên người ta hành động như không có Thiên Chúa trong cuộc đời họ. Họ mặc sức làm những chuyện sai trái, tội lỗi mà chẳng nghĩ đến hậu quả, bởi vì họ cho rằng không có Thiên Chúa, chỉ có đời này nên phải lo ăn chơi, hưởng thụ, càng nhiều càng tốt. Đối với những người đó, chúng ta phải trả lời sao cho họ đây? Không trả lời gì cả, vì dù có nói họ cũng chẳng nghe, họ đã « bưng tai, bịt mắt » nhưng tôi chỉ xin kể hai câu chuyện rất quen thuộc.  

Câu chuyện thứ nhất: Có một chàng sinh viện bị khủng hoảng đức tin. Trong những lúc buồn bã anh ta bước lang thang đến ngôi thánh đường cổ ở Paris. Tình cờ anh ta thấy một bóng người thấp thoáng trong nhà thờ, thì ra đó là nhà bác học Amper. Đợi cho ông cầu nguyện xong, ra về, anh ta lủi thủi bước theo cho đến tận căn phòng của ông ở một trường đại học danh tiếng nước Pháp. Anh ta đến nói: “Thưa thầy con là một người công giáo, nhưng hiện tại con không muốn tin gì hết. Con muốn hỏi thầy, một bậc thầy đáng kính không chỉ của riêng con, mà còn của rất nhiều người: vừa là một nhà khoa học vĩ đại, vừa cầu nguyện có được không?” Nhà bác học nhìn anh ta một cách trìu mến rồi trả lời: “Con ơi, người ta chỉ trở nên vĩ đại khi cầu nguyện thôi!”. Người ta chỉ trở nên vĩ đại khi cầu nguyện. Một nhà bác học được cả nhân loại nhìn nhận mà còn xác quyết như vậy, thì không biết những con người khôn ngoan với bằng cấp của thời đại bây giờ, họ cho rằng không có Thiên Chúa, họ không cần cầu nguyện, vậy họ sẽ trở nên vĩ đại khi nào đây?

Câu chuyện thứ hai cũng gần giống như vậy: Trên chuyến xe lửa, chàng thanh niên ngạo mạn ngồi gần một cụ già. Chỉ ít phút sau khi đoàn tàu lăn bánh, ông già rút trong túi ra cổ tràng hạt và lần chuỗi. Chàng sinh viên rất bực bội trước thái độ của ông già, nhưng cũng cố gắng thinh lặng vì lịch sự. Càng về sau anh ta chịu không nổi, nên đã lên tiếng: “Thưa ông, cho tới bây giờ ông vẫn còn tin vào những chuyện nhảm nhí này hả?” Ông già đáp: “Đúng vậy, tôi vẫn tin, nhưng đây không phải là chuyện nhảm nhí! Còn cháu?” Chàng thanh niên trả lời: “Lúc nhỏ cháu có tin, nhưng bây giờ nhờ khoa học mở mắt nên cháu thấy đó là những chuyện nhảm nhí. Ông cứ tin cháu đi, rồi hãy khám phá khoa học thật nhiều, ông sẽ thấy những thứ ông tin từ trước đến giờ chỉ là nhảm nhí”. “Vậy cháu có cách nào giúp ông không?” “Ông cho cháu địa chỉ đi, rồi cháu sẽ gởi sách vở, tài liệu để giúp ông thấy từ trước đến giờ ông tin những thứ nhảm nhí”. Cụ già từ từ rút trong túi ra tấm danh thiếp đưa cho chàng thanh niên, sau khi xem qua, chàng xanh mặt và lặng lẽ rời khỏi toa tàu. Tấm danh thiếp ghi: Luis Pasteur, viện trưởng viện hàn lâm khoa học Pháp. 

Khi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đặt chân đến Liban ngày 14/09/2012, nơi mà những nhà quân sự khuyên ngài không nên đến vì tình hình an ninh, ngài vẫn đến và đã phát biểu: “Sự có mặt của tôi nơi đây muốn nói lên rằng: Thiên Chúa vẫn hiện diện và ban bình an cho anh chị em”. Đó cũng là câu trả lời của chúng ta cho những người không tin vào Thiên Chúa, xem Đức Kitô chẳng là gì trong cuộc đời của họ: Dù họ có khép chặt lòng mình lại, thì Thiên Chúa vẫn hiện diện và ở ngay chính trong tâm hồn của họ. Nếu bây giờ họ cố tình chối bỏ, thì đến ngày sau hết, họ sẽ sáng mắt ra.

  1. Đức Kitô là một vị “thần như ý”:

Có những người lại xem Đức Kitô như một vị “thần như ý”. Họ nhìn nhận Ngài có quyền năng, nhưng để phục vụ họ. Khi họ cần tiền, Ngài phải ban giống như thần tài. Khi họ cần tình, Ngài phải se duyên kết ước, giống như thần tình duyên. Khi họ cần trúng mùa, Ngài phải cho họ trúng giống như thần nông. Nói chung họ cần gì Ngài phải ban. Nếu ngoan ngoãn làm đẹp lòng họ, thì họ sẽ tế lễ cho Ngài rất hậu hĩnh, còn nếu không thì họ sẽ tìm đến với những vị thần khác.

  1. Đức Kitô là Chúa của tôi:

Tuy nhiên còn có những người tin nhận Đức Kitô là Thiên Chúa, là chủ của cuộc đời họ, nên họ sống theo những gì Ngài chỉ dạy. Họ tin Đức Kitô sẽ dẫn họ đến bến bờ hạnh phúc thực sự, vì vậy mà họ đã phó thác cuộc đời mình trong sự khôn ngoan quan phòng của Thiên Chúa. Điều họ tìm kiếm không phải là những thứ thoải mái, dễ chịu theo ý riêng mình giống như Phêrô, nhưng là làm sao để sống theo ý Chúa, dù cuộc đời có như thế nào đi chăng nữa. Và quả thật đó là con đường mà Đức Kitô muốn chúng ta đi, con đường thập giá. Nhưng sau thập giá đó là vinh quang Thiên Chúa đã dành sẵn cho những ai trung thành với Ngài.

Qua Lời Chúa hôm nay, mỗi người hãy tự chất vấn chính mình để nếu chúng ta có những cái nhìn sai trái về Chúa, thì hãy sửa đổi, trước hết là nhận thức, sau đó là cuộc sống của chúng ta. Với nhận thức Đức Kitô chính là Đấng được Chúa Cha sai đến để chỉ đường dẫn lối cho chúng ta về cùng Thiên Chúa, từ đó dẫn đến hành động đi theo Đức Kitô bằng cách rập khuôn đời mình với Ngài. Xin ơn Chúa giúp để mỗi ngày chúng con bước theo Chúa ngày càng sát gót hơn, hầu có thể theo Chúa vào hưởng gia nghiệp dành cho những kẻ thuộc về Ngài.