Vua Tình Yêu

Vua Tình Yêu

Chúa Nhật 34 Thường Niên năm C : Lc 23, 35-43

Suy niệm

Bài đọc I cho chúng ta biết, vì mến mộ tài đức của Đavít nên các chi tộc miền Nam cũng như miền Bắc Israel đều phong Đavít làm vua của họ. Như thế là đất nước thống nhất dưới quyền lãnh đạo một vị vua duy nhất (x. 2 Sm 5,1-3). Vua Đavít là hình ảnh tiên báo về Vị Thiên Vương Tối Cao thời Tân Ước là Đức Giêsu Kitô.

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta biết Đức Giêsu đăng quang làm Vua khi bị đóng đinh trên thập giá.  Phía trên đầu Ngài, bản án ghi là: “Ðây là vua người Do Thái”. Ngài làm vua hoàn toàn khác biệt với mọi ông vua trần gian: không ngồi ngai vàng mà nằm trên thập giá; không có vương miện, mà chỉ có vòng gai; không có cẩm bào, mà chỉ có tấm thân trần trụi; không oai vệ mà hoàn toàn yếu nhược; không có câu tung hô tán tụng, mà chỉ có lời nhạo báng khinh chê; không có thái độ kính mến, mà chỉ có hành vi ngạo nghễ và thách thức:“Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Ðấng Kitô của Thiên Chúa”.

Khi thách thức như như thế, xem ra các thủ lãnh đã cuồng trí vì ghen ghét và hận thù. Bởi vì nếu Đức Giêsu muốn cứu lấy mình thì đã chẳng tự nộp mình. Ngài muốn buông mình cho Cha, đón nhận cái chết với niềm vâng phục và tín thác. Chính trong mầu nhiệm thập giá mà vị Vua bị đóng đinh lại hé lộ vương quyền của Ngài cho anh trộm lành có lòng thống hối và tin tưởng. “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Ðàng.” Với lời công bố đó, Đức Giêsu đã khai mạc vương quốc của Ngài: vương quốc của tình yêu. Vì Ngài đã mang lấy tất cả tội lỗi nhân loại, gánh chịu mọi khổ đau và nhục nhã của kiếp người. Chính tình yêu chiến thắng của Vua Giêsu đã cứu chuộc nhân loại, đã nối kết con người lại với Thiên Chúa, như thánh Phaolô đã xác quyết: “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1, 20).

Chúng ta hay nhìn sự việc và con người dưới những lăng kính phàm nhân, mang nặng tính vinh nhục, thành bại, hơn thua, được mất. Nhưng sự thật thường không thể đong đo bằng những gì đã xảy ra bên ngoài như chúng ta thấy. Thấy vậy mà không phải vậy. Trước một hoàn cảnh vẫn có hai cái nhìn khác nhau. Có những điều huyền diệu, không thể thấy bằng đôi mắt của thể xác, mà thấy bằng đôi mắt của tâm hồn, của đức tin. Bởi vậy có những lúc đượcmất, có những lúc thắng thua, có những lúc vinhnhục. Cuộc sống có khi là một định lý đảo. Chân lý vẫn trái ngược với đời thường. Hơn nữa, con người không phải là đối tượng để cho ta chinh phục, chiến thắng hay loại trừ, mà là đối tượng để yêu thương, hy sinh và phục vụ cho đến cùng.

Nhìn vào thập giá Đức Giêsu, chúng ta thấu hiểu điều đó: lúc tất cả tưởng chừng như đã sụp đổ và hoàn toàn thất bại, thì lại là lúc mà sự sống mới bắt đầu, lúc mà sự giải thoát và ơn cứu độ khai mở cho những kẻ tin. Quả thật, Đức Giêsu đã chết cho sự gian ác, kiêu căng và ảo tưởng của con người. Ngài không còn gì hết vì đã ban phát hết. Có lẽ vì cảm động tột cùng trước vị vua Giêsu này, mà R. Tagore đã dâng lời khẩn nguyện: “Ước mong tôi chẳng còn gì để được Ngài là tất cả”.

Mừng lễ Chúa Kitô Vua, chúng ta ý thức mình là công dân Nước Trời, toàn thể cuộc đời chúng ta thuộc về Chúa. Hãy để Chúa chiếm trọn tất cả con người mình, từ tư tưởng, lời nói đến việc làm. Chúng ta không còn thuộc về thế giới của bóng tối và tội lỗi. Chúng ta thuộc về vương quyền của Vua Giêsu là vương quyền tuyệt đối, đem lại sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu cho nhân loại. Đó là niềm vui lớn lao mà thánh Phaolô nhắn nhủ các tín hữu: “Anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha… Đấng đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được tha thứ tội lỗi.” (Cl 1,12-13).

Đặt lễ Chúa Kitô Vua trong Chúa nhật cuối cùng năm phụng vụ, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta: Đức Kitô chính là Vua của vũ trụ, là Chủ thời gian, Chủ sự sống, Chủ của lịch sử nhân loại, và là Chủ cuộc đời mỗi người chúng ta. Đón nhận Ngài, chúng ta hãy khước từ những thần tượng giả mạo, để suy tôn một mình Vua Giêsu là tất cả trong mọi lãnh vực của cuộc sống con người. Cuộc đời này có ý nghĩa và giá trị hay không là tùy thuộc ở thái độ và mức độ tiếp nhận của mỗi người đối với Đức Kitô. Hãy để Ngài hoàn toàn làm Vua ngự trị trong tâm hồn ta, để ta phát khởi một tình yêu sâu xa chan hòa, đầy tính sáng tạo, để góp phần với Chúa đem lại niềm vui ơn cứu độ cho đời.

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giê-su là Vua vũ trụ,
Chúa làm Vua một cách thật lạ lùng,
không dùng quyền năng mình để chinh phục,
mà chỉ dùng tình yêu để thu phục.

Chúa đã không loại trừ kẻ mê lầm,
nhưng chỉ nhằm vào giải phóng nhân tâm,
Chúa không hề trị vì như ông chủ,
nhưng luôn trong tư thế người phục vụ.

Chúa không ngự trên ngai báu ngọc ngà,
nhưng Ngài lại đăng quang trên thập giá,
không có câu tung hô của người thế,
mà chỉ có lời nhạo báng khinh chê,
không vương miện không áo mão cân đai,
mà vòng gai với bao điều oan trái,

Đám dân chúng chẳng một ai thương đoái,
nhưng may thay còn một kẻ trộm lành,
Chúa đã dành cho anh ân huệ lớn lao,
là được hưởng vinh phúc chốn trời cao,
chính lúc đó Chúa hé lộ vương quyền,
của một vương quốc vô biên siêu việt.

Lạy Chúa Giê-su là Vua muôn vua,
xin cho mọi Ki-tô hữu chúng con,
ý thức là thần dân trong Nước Chúa,
sống yêu thương và khiêm nhu phục vụ,
hướng mọi người về Nước của Giê-su,
Nước tình yêu và bình an vĩnh cửu.

Xin cho chúng con để Chúa làm chủ,
đừng manh động theo đường xưa lối cũ,
dám khước từ danh lợi và lạc thú,
vì mọi sự cũng chỉ là phù du,
niềm vui con nơi Chúa là quá đủ,
để vững vàng tới vương quốc ngàn thu. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

print