14 Triều đại Giáo hoàng với Tông hiệu LEO

14 Triều đại Giáo hoàng với Tông hiệu LEO

14 Triều đại Giáo hoàng với Tông hiệu LEO

 

14 Triều đại Giáo hoàng với Tông hiệu LEO

Trích từ quyển: 266 Triều đại Giáo Hoàng trong dòng lịch sử Giáo Hội

Tác giả: Linh mục Phêrô Nguyễn Thanh Tùng

Nhà xuất bản Tôn Giáo 2014

1. Thánh Giáo hoàng Lêô Cả. (29.9.440 – 10.11.461) – Triều đại thứ 45.

2Thánh Giáo Hoàng Lêô II (682-683) – Triều đại thứ 80.

3Thánh Giáo Hoàng Lêô III (795-816)– Triều đại thứ 96.

4Thánh Giáo Hoàng Lêô IV(847855– Triều đại thứ 103.

5Đức Giáo Hoàng Lêô V (903) – Triều đại thứ 118.

6Đức Giáo Hoàng Lêô VI (928) – Triều đại thứ 123.

7Đức Giáo Hoàng Lêô VII (936-939) – Triều đại thứ 126.

8Đức Giáo Hoàng Lêô VIII (963-965)– Triều đại thứ 131.

9Thánh Giáo Hoàng Lêô IX (1049-1054) – Triều đại thứ 152.

10Đức Giáo Hoàng Lêô X (1513-1521) – Triều đại thứ 217.

11. Đức Giáo Hoàng Lêô XI (1605) – Triều đại thứ 232.

12. Đức Giáo Hoàng Lêô XII (1823-1829) – Triều đại thứ 252.

13. Đức Giáo Hoàng Lêô XIII (1878-1903) – Triều đại thứ 256.

14. Đức Giáo Hoàng Lêô XIV (2025 – ) – Triều đại thứ 267.

 

1. Thánh Giáo hoàng Lêô Cả. (Leo 29.9.440 – 10.11.461)

Đức Giáo hoàng Lêô I sinh tại Volterra, miền Tuscia, nước Ý. Là Tổng phó tế của Rôma dưới thời các đức Giáo hoàng Cêlestinô I và Sixtô III. Khi đức Sixtô III qua đời, theo sự đề cử của triều đình Ravenna, ngài đang làm nhiệm vụ ở xứ Gaule để phân xử trong cuộc xung đột giữa Thái công Êtiô và tư lệnh vệ binh Albinô, lúc đó với uy tín lớn lao, đức Lêô đã được bầu chọn làm Giáo hoàng khi ngài chưa kịp trở về Rôma. Đức Sixtô III qua đời ngày 19 tháng 8 năm 440 và đức Lêô được bầu làm Giáo hoàng, nhưng đến tháng 9 ngài mới trở về Rôma và được tấn phong Giáo hoàng ngày 29-9-440. Ngài được gọi là Lêô Cả và cũng là vị Giáo hoàng khai mở “Thời hiện đại” vì đã có công lớn trong việc gìn giữ sự hợp nhất của Giáo Hội, với những kỷ cương của Giáo hội, nhất là quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng, ngài được tôn phòng là tiến sĩ Giáo hội. Việc bầu chọn Giáo hoàng của ngài đã được sự nhất trí cao của tất cả các Giáo sĩ và dân chúng.

Kể từ triều đại giáo hoàng của ngài, ngôi vị Giáo hoàng Rôma mang đặc tính của quyền tối thượng trên bình diện kỷ luật và tín điều như hiện nay với tư cách là đấng kế vị thánh Phêrô. Quyền tối thượng này được củng cố mạnh mẽ thêm bởi sự chuẩn nhận của hoàng đế Valentinianô III. So với các vị tiền nhiệm, Đức Lêô I đã trổi vượt trên các vị Tiền nhiệm và được xem là chân dung lý tưởng của một vị Giáo hoàng Rôma cho các thời đại tiếp nối.

Trong triều đại Giáo hoàng của ngài, đã xuất hiện nhiều lạc thuyết, trong số đó, quan trọng hơn cả là thuyết của Êutykê được hoàng đế Thêôđôsô II ủng hộ và xem ra lạc thuyết này thắng thế, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. Khi ấy đức Giáo hoàng Lêô I triệu tập Công đồng để giải quyết vấn đề, nhưng đến khi hoàng đế Thêôđôsô qua đời bất ngờ, Nữ hoàng Pulkêria ủng hộ đức tin chính thống nên đã giúp triệu tập công đồng tại Calcêđônia năm 451 (Chalcédoine). Tại công đồng này, hai quyết định quan trọng đã được đưa ra là: Ban hành sắc lệnh tín lý về mầu nhiệm nhập thể dựa trên nền tảng của công đồng Nicêa năm 325; Công đồng chấp nhận thư giáo huấn của đức Giáo hoàng Lêô I viết gởi cho Giám mục Flavien thành Constantinôpôli và công đồng nhất trí rằng: “Chính thánh Phêrô đã nói qua miệng của đức Lêô”, đó là cách thế Công đồng công nhận quyền của Đức giáo hoàng.

Trong thời kỳ này, quân man di Huns của vua Attila chuẩn bị chiến tranh với Rôma, chính Đức Lêô I dẫn phái đoàn đi đàm phán với vua Attila và vua này đã đồng ý rút quân. Nhưng đến tháng 6-455 quân man di Gensêric đã tràn vào Rôma cướp bóc, tàn sát và đốt phá gây nổi kinh hoàng cho dân thành Rôma trong suốt 15 ngày. Mọi nơi đều bị tàn phá ngoại trừ các Vương cung thánh đường thánh Phêrô, thánh Phaolô và thánh Gioan Latran, khi rút đi, chúng bắt theo nhiều người làm nô lệ.

Trước thảm họa, đức Giáo hoàng Lêô I đã nổ lục tái thiết những công trình bị tan hoang, nhiều ngôi thánh đường được ngài tái thiết. Ngài cũng để lại cho Giáo hội nhiều tác phẩm và thư từ, bài giảng có giá trị. Nhiều sách Phụng vụ của Giáo hội có nguồn gốc từ Đức Giáo hoàng Lêô Cả.

Ngài qua đời ngày 10-11-461 và được an táng trong Vương cung thánh đường thánh Phêrô.

2.Thánh Giáo Hoàng Lêô II (Leo 682-683)

Đức giáo hoàng Lêô II sinh tại Catana, Silicia, được bầu làm giáo hoàng ngày 17-8-682. Ngài chuẩn nhận những quyết nghị của công đồng Constantinôpôli và cho dịch từ bản văn Hy lạp sang tiếng La tinh. Ngài đã phê phán mạnh mẽ sự khinh xuất của giáo hoàng Hônôriô vì đã không có lập trường minh bạch ngay từ đầu để chống lại lạc thuyết Nhất ý đúng như cương vị giáo hoàng đòi hỏi. Vì thế giáo hoàng Hônôriô bị lên án và phạt vạ tuyệt thông « sau khi chết » trong một công đồng xét xử ngài dù ngài đã qua đời.

Dù vậy, đức Lêô, tuy nhìn nhận sự xét xử của công đồng, ngài đã lên tiếng bênh vực cho công trình của giáo hoàng Hônôriô và cảm thông với hoàn cảnh đặc biệt mà vị giáo hoàng này phải đương đầu. Thánh Lêô thỉnh cầu hoàng đế Constantin IV ban sắc lệnh qui định thể thức tấn phong giám mục thành Ravênna. Việc tấn phong này phải được tổ chức tại Rôma và phải qui phục quyền bính của giáo hoàng.

Về phụng vụ, đức Lêô đã truyền đặt bình nước thánh tại các nơi phượng tự, ngài chỉ dụ phải cử hành các việc phụng tự với nhiều nghi thức huy hoàng, ngài cũng đặt thể thức « áp má chào bình an » trong thánh lễ. Thánh giáo hoàng Lêô II qua đời ngày 3-7-683.

3.Thánh Giáo Hoàng Lêô III (Leo 795-816)

Đức Lêô III sinh tại Rôma khoảng năm 750, ngài được bầu làm giáo hoàng ngày 27-12-795. Khi đắc cử giáo hoàng, hai người cháu của đức Adrianô cũng muốn tranh ngôi giáo hoàng nên cả hai đã chống lại ngài. Họ giam tù ngài, nhưng quần chúng đã giải thoát cho ngài. Bị đe dọa, ngài tới Pháp xin vua Charlemagne giúp đỡ. Sau khi được Charlemagne can thiệp, ngài trở lại Rôma, được đón tiếp long trọng và lên ngôi giáo hoàng vào năm 800.

Đêm Giáng sinh năm ấy, một biến cố lịch sử đáng ghi nhớ đã ảnh hưởng rất nhiều trong đời sống chính trị và xã hội : Đức Lêô III đã tấn phong Charlemagne là hoàng đế tại Vương Cung Thánh đường Thánh Phêrô và tuyên bố những lời thời danh như sau : Gửi tới Charles, rất đạo đức và uy dũng, đã được Chúa đăng quang, vị hoàng đế cao sang, hiếu hoà, sống thọ và vinh thắng. Đế quốc ‘thánh’ Rôma hình thành, tiếp nối đế quốc Rôma xưa kia của Tây Phương, đặt trụ sở tại Aquisgrana. Hoàng đế từ nay bảo vệ toàn vẹn quyền lợi của đức giáo hoàng và của Giáo Hội, có quyền phê chuẩn cuộc bầu cử giáo hoàng. Đức giáo hoàng tặng ban cho nước Pháp danh xưng « Trưởng nữ của Giáo Hội ». Hành động như vậy là dứt khoát đoạn tuyệt với Constantinôpôli vốn cho mình có quyền tấn công Rôma trên bình diện chính trị và giáo thuyết.

Trên thực tế, Constantinôpôli bị loại khỏi nền chính trị của Tây Phương. Giáo Hội Rôma phải lựa chọn : thiết lập một đế quốc Châu Âu mới, bảo đảm nền an ninh riêng, nhưng sẽ có một thù địch mới là Đông Phương. Âu Châu có một chế độ hành  chánh mới : lãnh thổ của Bá tước, lãnh thổ của Hầu tước, được quản trị và kiểm soát bởi những người đặc phái của Thiện Chúa. (missi dominici), họ sẽ phúc trình trực tiếp cho hoàng đế, cách chung, họ là các giám mục. Vua Charlemagne đã dâng cúng nhiều cho hàng giáo sĩ và thiết lập nhiều trường trong các đan viện. Ông thiết lập đại học nổi tiếng Palatina, đầu não của đại học Paris.

Đức Lêô qua đời ngày 12-6-816, được an táng trong Vương Cung Thánh đường Thánh Phêrô và được đức Clêmentê X phong thánh năm 1673.

4Thánh Giáo Hoàng Lêô IV (Leo 847855)

Đức Lêô IV sinh tại Rôma, gốc người Lombardi, ngài được bầu chọn làm giáo hoàng ngày 10-4-847. Trước mối đe dọa của quân xâm lược Sarrazins đức Lêô IV đã cho xây dựng một thành lũy để bảo vệ các công trình tôn giáo, tổng thể này được gọi là « Cité léonine » rất nổi tiếng, bao gồm Vương Cung Thánh Đường thánh Phêrô, các dinh thự và đồn lũy bao quanh lâu đài Saint-Ange. Công cuộc này trước kia đã được hai vua Lothaire và đức Sergiô khởi sự một cách khẩn cấp trước những hiểm họa tấn công của quân Sarasins.

Để chống lại những đoàn quân xâm lược, một liên minh quân sự được thành lập, gồm Amalfi, Gaète, Naples và vua Louis II. Chính đức giáo hoàng thân chinh cầm quân ra trận với sự ủng hộ của đạo quân miền Campanie. Quân Sarasins bị bại trận và đức giáo hoàng Lêô IV đã phong vua Louis II làm hoàng đế để tỏ lòng biết ơn.

Lịch sử ghi lại một phép lạ của đức giáo hoàng Léon đã được minh xác trong một cuộc tấn công của quân Sarasins. Một cuộc hỏa hoạn dữ dỗi xẩy ra tại thị trấn và đã thiêu hủy nhiều dinh thự, lúc ấy đức Lêô IV hiện ra trước cửa thành, giơ cao hình Đức Mẹ khiến ngọn lửa ngụp tắt dần. Sự việc này đã được hoạ sĩ Raphael vẽ lại để muôn đời ghi nhớ qua một bức hoạ treo trên tường phòng của ông với tựa đề: « hoả hoạn trong thị trấn ».

Đức giáo hoàng Lêô IV không chỉ lo chống ngoại xâm Sarasins, ngài còn lo chiến đấu với các bè rối và những sai lầm về đức tin mà ngài luôn lên án một cách mạnh mẽ. Ngài là người đầu tiên cho ghi niên hiệu triều đại giáo hoàng của mình lên các tài liệu chính thức của Giáo Hội. Ngài đã đặt nghi lễ rảy nước thánh trên người và đồ vật, để làm phép hay thanh tẩy. Đức Lêô IV qua đời ngày 17-7-877.

5. Đức Giáo Hoàng Lêô V (Leo 903)

Đức Lêô V sinh tại Arđêa gần Rôma, được bầu chọn làm giáo hoàng vào tháng 7-903, nhưng  ngài thường xuyên đau yếu và hay do dự, không đủ bản lĩnh đối phó với tình thế rối ren lúc bấy giờ. Sau một tháng trên ngai vị giáo hoàng, ngài bị hồng y Christophe, cố vấn riêng của ngài, dùng bạo lực hạ bệ và giam ngài trong một tu viện. Sau một thời gian ngắn, ngài qua đời, có lẽ bị ám sát.

Khi ấy, hồng y Christophe lạm dụng tình thế, lên ngôi giáo hoàng, cai quản Giáo Hội chưa đầy một năm, cũng bị giáng chức bằng bạo lực và có lẽ bị treo cổ bởi hồng y Sergiô là người kế vị đức giáo hoàng Lêô V.

6. Đức Giáo Hoàng Lêô VI (Leo 928-928)

Đức giáo hoàng Lêô sinh tại Rôma trong dòng họ Sanguigna, được chọn làm giáo hoàng vào tháng 5 năm 928 do ý muốn của bà Marôzia. Trong triều đại giáo hoàng của mình, ngài ra sức tái lập hoà bình giữa các phe nhóm khác nhau ở Rôma. Người ta chỉ biết đến lá thư ngài gửi cho các giám mục miền Đalmatia, khen ngợi đức vâng lời của tổng giám mục Gioan de Spôlatô. Ngoài ra, ngài chuyên cần lo việc phụng tự với một đời sống khiêm tốn và thánh thiện. Triều giáo hoàng của ngài chỉ diễn ra trong 7 tháng từ tháng 5/928-12/928, ngài chết do bị ám sát bởi những kẻ thù nghịch.

7. Đức Giáo Hoàng Lêô VII (Leo 936-939)

Đức giáo hoàng Lêô VII sinh tại Rôma, ngài được chọn làm giáo hoàng ngày 14-7-939 do sự xếp đặt của Albéric II. Rất ngưỡng mộ Albéric II, ngài đã ký thoả thuận trong đó: Albéric nắm quyền phần đời, và giáo hoàng giữ quyền phần đạo. Trước kia là đan sĩ Biển Đức, khi lên ngôi giáo hoàng, tiếp tục sự nghiệp của vị tiền nhiệm Gioan XI, ngài đặt trọng tâm vào việc cải tổ các đan viện cùng với thánh Odon de Cluny. Ngài xây cất nhiều cơ sở, trong đó có tu viện cổ gần đền thờ thánh Phaolô ngoại thành. Ngài cố gắng tái lập đời sống thiêng liêng, nhắc nhở các giám mục và hàng giáo sĩ phải cẩn trọng với hiểm hoạ phù thủy và mê tín dị đoan đang hoành hành khắp nơi. Ngài đã ra vạ tuyệt thông đối với những kẻ làm trò mê tín và các phù thủy. Đức Lêô VII qua đời ngày 13-7-939.

8. Đức Giáo Hoàng Lêô VIII (Leo 963-965)

Đức Lêô VIII sinh ra tại Rôma, là một giáo dân, được chọn làm giáo hoàng ngày 4-12-963 do ý muốn của Ottô I, trong dịp Ottô triệu tập một hội nghị giám mục tại Rôma để hạ bệ đức Gioan XII. Vì thế, người ta gọi đức Lêô VIII là ngụy giáo hoàng. Triều đại của ngài ngắn ngủi, chỉ phục vụ cho quyền lợi của hoàng đế Ottô. Thực ra ngài phải trả giá cho đức Gioan XII mà ngài đã chiếm ngôi vị, rồi cho đức Bênêđictô V đã được dân chúng Rôma bầu lên sau khi đức Gioan XII qua đời năm 964. Ngài không được dân thành Rôma mến phục, vì ngài được chọn bởi một ông vua ngoại lai. Đức Lêô VIII qua đời ngày 1-3-965.

9. Thánh Giáo Hoàng Lêô IX (Leo 1049-1054)

Đức giáo hoàng Lêô IX sinh ngày 21-6-1002 tại Lorraine miền Alsace, tên thật là Brunon d’Eguishem – Dagsbourg, thuộc dòng bá tước miền Eguisheim-Dagsbourg. Sau thời gian học tập ở Toul, ngài trở thành kinh sĩ nhà thờ thánh Stêphanô năm 1017 và sau đó làm giám mục thành Toul. Ngài có họ hàng với vua Henri III, chính Henry III đã triệu tập đại hội các lãnh chúa và các giám mục tại Worms và vận động đưa Brunon lên ngôi giáo hoàng ngày 12-2-1049. Khi đến Rôma nhậm chức, đức Lêô IX đi chân không, tỏ dấu khiêm nhường và khó nghèo, có bá tước miền Lôrraina và đan sĩ Hildebrand tháp tùng, sau đó họ là những người cộng tác thân tín của ngài.

Là một vị giáo hoàng giàu nhân cách và nghị lực, ngài thi hành tác vụ với đức can đảm phi thường. Ngài đặt mục tiêu hoạt động mục vụ là: cải thiện và chỉnh đốn lại đời sống luân lý nơi các giáo sĩ vốn từ lâu sống sa đọa do nạn buôn thành bán thánh và sống ngoại hôn.

Ngài là vị giáo hoàng lưu động, ngài đi khắp Châu Âu để tổ chức các cuộc công nghị hầu kêu gọi và ép người ta vào đời sống kỷ luật. Để bảo vệ Giáo Hội, đức Lêô IX không ngại trở thành chiến binh. Ngài lập một đạo quân để đánh đuổi quân Normands, bấy giờ ở miềm Nam nước Ý, đang chiếm cứ đất đai của Giáo Hội, cướp phá các nhà thờ và tu viện. Ngài chỉ huy trận chiến năm 1053, nhưng bị bại trận và bị bắt làm tù binh, sau đó ngài được trả tự do. Ngài đã phải chịu một nỗi khổ tâm nặng nề hơn nữa: dưới triều đại của ngài, đức thượng phụ Constantinôpôli là Michel Cêrulaire (1054) gây chia rẽ giữa Giáo Hội Rôma và Giáo hội Đông Phương. Vấn đề lớn nhất là vị thượng phụ này đã không chấp nhận quyền tối thượng của Giáo Hội Rôma trên các Giáo Hội khác. Sự bất đồng ý kiến này đã bắt đầu từ hai thế kỷ trước tức từ năm 858. Ngài đã ra vạ tuyệt thông đối với thượng phụ Michel Cérulaire vì đã gây ra sự ly giáo giữa giáo hội Tây phương và Đông Phương. Đức Lêô IX qua đời ngày 19-4-1054 và được an táng trong Vương Cung Thánh Đường thánh Phêrô.

10Đức Giáo Hoàng Lêô X (Leo1513-1521)

Đức Lêô X sinh ngày 11-12-1475 tại Florencia, tên thật là Jean de Medicis, là con thứ của Laurent le Magnifique. Ngay từ bé, ngài đã được cha mẹ hướng dẫn về đời sống tu trì, năm 1482, ngài nhận chức cắt tóc và thăng tiến rất nhanh nhờ sự giàu có và quyền hành của cha mẹ. Năm 1489, khi mới 13 tuổi , đức Innôcentê VIII đã trao cho ngài chức hồng y. Trong Mật tuyển bầu Rodrigo Borgia tức đức Alexanđê VI, hồng y Jean de Medicis đã kịch liệt phản đối. Sau cuộc bầu cử tai tiếng này, Hồng y Jean de Medicis quay về quê nhà, gia đình ông bị trục xuất năm 1494 và chính ngài phải giả dạng tu sĩ Phanxicô để trốn tránh sự trả thù. Với tinh thần canh tân Giáo hội, khi đức Giuliô II bệnh và qua đời, ngài nảy sinh ý tưởng ra ứng cử Giáo hoàng và trong mật viện, ngài được bầu chọn ngày 9-3-1513 lúc ngài được 38 tuổi và ngày 19-3-1513 ngày đăng quang Giáo hoàng. Triều giáo hoàng của đức Lêô X được xem như đỉnh cao của văn hóa và nghệ thuật. Ngài đã đón tiếp những nghệ sĩ ưu tú nhất với những bộ óc lỗi lạc nhất thời bấy giờ như: Raphael, Bramane, Michel Angel, Bembo và Pico della Mirandola. Đức Lêô X đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để sáng tạo và làm việc.

Tuy nhiên, với sự xa hoa trong lối sống, trong các công trình xây dựng, nhất là trong cách thế thu nhận tài chánh cho các công việc này đã làm nãy sinh một chia rẽ lớn trong Giáo hội với phong trào cải cách của Tin lành. Chính đức Lêô X đã tuyên bố: “Hãy để cho ta tận hưởng quyền chức giáo hoàng, bởi Thiên Chúa đã trao ban cho ta” và hầu như tất cả giáo triều cũng nghĩ như ngài. Người ta trách đức Lêô X về cái cớ gây ra đối với cuộc cải cách Tin lành của Luther, rằng đức Lêô X đã bán các ân xá để lấy tiền xây đền thờ thánh Phêrô, ngày 31-10-1517, Luther đã dán 95 luận đề của ông về ân xá tại cửa ngôi thánh đường Wittenberg. Thật ra, nguồn gốc dẫn đến cuộc nổi loạn và cải cách này có cội rễ từ xa xưa do lối sống bê tha, vô luân, đầy tai tiếng của các vị cầm quyền trong Giáo Hội, chính các ngài đã chà đạp lên những nguyên tắc căn bản nhất của đời sống Kitô giáo. Cuộc cải cách lan tràn một cách rộng rãi và mau chóng, được nhiều quốc gia, vua chúa và dân chúng ủng hộ. Trước thái độ cương quyết của Luther, ngày 15-6-1520, đức Lêô X ra ra Tông chiếu Exsurge Domine lên án 41 đề tài của Luther, cấm ông dạy Đại học và buộc ông rút lời, nhưng không thể lay chuyển được Luther, ông đã đốt tông chiếu này cùng với cuốn Giáo luật ngày 10-12-1520 tại cửa Elster của thành Wittenberg. Ngày 3-1-1521, đức Lêô X đã ra vạ tuyệt thông đối với Luther. Đức Lêô X cũng soạn ra cuốn Index, tức là thư mục những quyển sách cấm người công giáo đọc. Đức Lêô X qua đời ngày 1-12-1521.

11. Đức Giáo Hoàng Lêô XI (Leo 1605)

Đức Giáo Hoàng Lêô XI tên thật là Alexandro Ottaviano de Medici, sinh ngày 2-6-1535, tại Flôrencia, trong một gia đình quyền thế. Mẹ là Francesca Salviati, là cháu của đức Giáo hoàng Lêô X. Dưới thời đức Giáo hoàng Piô V, Alexandro Ottaviano de Medici được Cosma I de Toscane bổ nhiệm làm Đại xứ bên cạnh đức Giáo hoàng. Ngài được tấn phong Giám mục năm 1573, rồi Hồng y năm 1583.

Sau khi đức Clêmentê VIII qua đời, ngài được chọn làm Giáo hoàng ngày 1-4 và và đăng quang ngày 10-4-1605 với danh hiệu Lêô XI. Triều đại giáo hoàng của ngài rất ngắn, chỉ 27 ngày. Những ngày đầu triều giáo hoàng này, ngày bận tâm đến việc tiếp tế cho đoàn quân đang chiến đấu ở Hungarie chống lại quân Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Ngài ngã bệnh bất ngờ và qua đời ngày 27-4-1605.

12. Đức Giáo Hoàng Lêô XII (Leo 1823-1829)

Đức Lêô XII tên thật là Hannibal Sermattei Della Genga, sinh ngày 22-8-1760 tại lâu đài Genga, miền Spôlêtô, gần Ancône, trong một gia đình thuộc giới quý tộc. Chịu chức linh mục nắm 1783, làm Giám mục thành Tyr năm 1793, sau đó đi làm khâm sứ Tòa thánh tại Lucerne cho đến năm 1798. Năm 1816, làm Hồng y và năm 1820, làm giám quản Rôma. Sau khi đức Piô VII qua đời, ngài được bầu làm Giáo hoàng ngày 28-9 và đăng quang ngày 5-10-1823.   Ngài vị Giáo hoàng tốt lành và rất nhân từ, ngài qua tâm đặt biệt đến người nghèo, phân phát tiền bạc, xóa nợ cho nhiều người, xóa bỏ một số khoản thuế cho dân chúng, giảm bớt những chi phí của giáo triều. Ngài chú tâm đến những liên hệ với các quốc gia bằng những hiệp định giúp các Giáo Hội địa phương cải tổ lại nền móng. Đức Lêô XII tái xác nhận việc lập lại  Dòng Tên bởi đức Piô VII và xóa sổ tác phẩm của Galilê khỏi danh mục sách bị cấm. Ngài cử hành Năm Thánh 1825, tái thiết đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành đã bị hỏa hoạn năm 1823. Đức Lêô XII qua đời ngày 10-2-1829.

13. Đức Giáo Hoàng Lêô XIII (Leo 1878-1903)

Đức Lêô XIII tên thật là Vincenzo Gioacchino Pecci sinh ngày 2-3-1810 tại Carpinêtô – Anagni, vùng Latium. Là Tổng giám mục của Pérouse và được bầu làm giáo hoàng ngày 20-2 và đăng quang ngày 3-3-1878.

Tình hình chính trị và xã hội sau triều giáo hoàng của đức Piô IX rất khó khăn, sau một thiên niên kỷ, giờ đây Giáo hoàng Rôma mất hết mọi quyền hành thế tục và sự ảnh hưởng cua3 giáo triều Rôma đối với thế giới. Đứng trước hoàn cảnh như thế, cần phải suy xét xét lại chức vụ, quyền bính và ảnh hưởng của Giáo Hoàng cũng như của Giáo Hội, trong lãnh vực chính trị và xã hội, cụ thể cần phải nối lại liên lạc với dân chúng và nước Ý mà đức Piô IX đã cắt đứt. Do đó, ngay khi lên ngôi giáo hoàng, đức Lêô XIII đã ban phép lành tòa Thánh cho dân chúng, nhưng không từ hành lang bên ngoài phòng giáo hoàng như thường lệ, nhưng bên trong Đền thờ thánh Phêrô. Trong cách ứng xử, đức Lêô XIII vẫn giữ thái độ cứng rắn và chống đối chính quyền Ý, ngài cấm không cho người công giáo tham dự vào các hoạt động chính trị và dân sự của quốc gia. Ngài vẫn nuôi tham vong là khôi phục lại sự huy hoàng cho Giáo Hội như xưa, ngài nhắm đến việc lấy lại uy tín, quyền lực, sứ mạng cứu thế của Giáo Hội đới với thế giới và nhiệm vụ lãnh đạo tinh thần của Giáo hoàng là nhiệm vụ mà Chúa Giêsu đã trao phó cho ngài.

Năm 1879, ngài ban hành Thông điệp Aeterni Patris, nhằm phục hưng các trường Công giáo và nền triết học của thánh Tôma. Thánh 4-1884, với thông điệp Hummanum Genus, ngài tái xác định việc các vị Tiền nhiệm đã lên án Hội Tam điểm. Các hoạt động cùa ngài rất đa dạng, nhờ tương quan rộng khắp mà ngài hiểu biết hơn những vấn đề mới mẻ của các dân tộc, của giới công nhân, thở thuyền đang sống trong xã hội tân tiến, kỹ nghệ, hậu cách mạng và sau trào lưu tự do. Ngày 15-5-1891, ngài ban hành Thông điệp Rerum Novarum (Tân sự), một Thông điệp về xã hội theo tinh thần Phúc âm rất quan trọng.

Về phương diện hành chánh và luật lệ, đức Lêô XIII đã trao nhiệm vụ cho Đức ông gaspari lo soạn lại quyển Giáo luật, để cuối cùng, thành quả là Bộ Giáo luật năm 1917 được công bố dưới thời đức Giáo hoàng Piô X. Đức Lêô XIII qua đời ngày 20-7-1903.

14. Đức Giáo Hoàng Leo XIV (Leo 08/05/2025 – )

Đức Tân Giáo Hoàng Leo XIV tên thật là Robertum Franciscum Prevost, sinh ngày 14/9/1955 tại Chicago, Illinois, Hoa Kỳ. Là cựu Tổng trưởng Bộ Giám mục, có quan điểm và đường lối gần gũi với Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô. Gia nhập Dòng Thánh Augustinô (OSA) năm 1977, khấn trọn đời năm 1981.

Năm 1977, ngài đậu bằng cử nhân Toán học tại Đại học Villanova. Sau đó với bằng Thạc sĩ Thần học tại Catholic Theological Union, Chicago, Rồi Tiến sĩ Giáo Luật tại Đại học Giáo hoàng Thánh Tôma Aquinas (Angelicum – Roma), với luận đề: “Vai trò của Bề trên địa phương trong Dòng Augustinô”.

Năm 1982 ngài được chịu chức linh mục. Từ năm 1985–1986, ngài truyền giáo tại Peru, giữ chức Chưởng ấn Tòa Giám mục Chulucanas. Từ năm 1987–1988, ngài trở về Hoa Kỳ phụ trách mục vụ ơn gọi và truyền giáo cho Tỉnh dòng Augustinô Chicago. Từ năm 1988–1999, ngài tiếp tục hoạt động truyền giáo tại Peru và đảm nhiệm nhiều vai trò: Giám đốc chủng viện Augustinô Trujillo, giảng dạy môn giáo luật; là linh mục giáo xứ, Chánh án tòa án giáo phận, giám đốc công việc đào tạo chủng sinh, tu sỹ. Năm 1999,  làm Bề trên Tỉnh dòng Augustinô tại Chicago, Hoa Kỳ. Từ năm 2001–2013, là Bề trên Tổng quyền Dòng Augustinô với 2 nhiệm kỳ. Năm 2014, ngài được Đức Phanxicô bổ nhiệm làm Giám quản Tông tòa Giáo phận Chiclayo, Peru. Từ năm 2015, là Giám mục chính tòa Giáo phận Chiclayo. Từ năm 2018–2023, ngài là Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Peru, đóng góp lớn cho việc ổn định chính trị quốc gia giữa những khủng hoảng do các cuộc đảo chính tổng thống. Cũng từ năm 2020–2021, ngài còn kiêm nhiệm Giám quản Tông tòa Giáo phận Callao, Peru. Tháng 1/2023, Đức Phanxicô bổ nhiệm ngài làm Tổng trưởng Bộ Giám mục. Tháng 9/2023, ngài được phong Hồng Y và ngày 8/5/2025, Đức Hồng Y Robertum Franciscum Prevost được bầu chọn là Giáo Hoàng với Tông hiệu Leo XIV.

print