SCĐ Chúa Nhật 19 TN.B
Chủ đề :
Bánh trường sinh
“Ta là bánh trường sinh”
(Ga 6,48)
Sợi chỉ đỏ :
– Bài đọc I (1 V 19,4-8) : Thiên Chúa sai thiên thần mang cho ngôn sứ Êlia bánh và nước, nhờ đó Êlia đã có đủ sức để hoàn thành cuộc hành trình lên núi Horép gặp Chúa.
– Đáp ca (Tv 33) : “Kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhận lời, cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn”.
– Tin Mừng (Ga 6,41-51) : Đức Giêsu tiếp tục bài giảng về bánh trường sinh, dẫn đến ý tưởng “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh Ta ban tặng chính là thịt Ta đây, để cho thế gian được sống”
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Chúng ta là những khách lữ hành trên dương thế. Điểm tới của chúng ta là quê trời. Nhưng cuộc hành trình vừa dài lâu vừa vất vả. Chúa biết thế nên Ngài thương ban cho chúng ta thứ lương thực bồi dưỡng sức lực là chính Mình Ngài trong Bí Tích Thánh Thể.
Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy đến với Chúa, hãy sốt sắng rước Ngài vào lòng, để có sức tiếp tục cuộc hành trình của chúng ta.
II. Gợi ý sám hối
– Xin Chúa thứ tha cho những lần chúng con ngã lòng, chua chát và phiền trách Chúa.
– Xin Chúa tha thứ vì những lần mệt mỏi chán chường chúng con đã không chạy đến tìm sức mạnh nơi Chúa.
– Xin Chúa tha thứ vì những lần chúng con rước lễ mà không đủ đức tin.
III. Lời Chúa
- Bài đọc I (1 V 19,4-8)
Sau lần ngôn sứ Êlia giết các sư sãi baal, ông bị hoàng hậu Giêsabel truy nã gắt gao. Ông phải chạy trốn lên núi Horép. Nhưng dọc đường vì quá mệt ông đã nằm ỳ xuống đất. Chúa sai thiên thần mang đến cho ông một chiếc bánh và một vò nước. Sau khi ăn uống xong, Êlia lấy lại sức và đi một mạch lên đến núi Horép diện kiến Chúa.
- Đáp ca (Tv 33)
Thánh vịnh này của một tác giả đã từng gặp hoạn nạn, đã kêu xin Chúa và đã được Ngài cứu thoát. Một câu trong Thánh vịnh rất đúng với hoàn cảnh của ngôn sứ Êlia : “Kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhận lời, cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn”.
- Tin Mừng (Ga 6,41-51)
Hai ý tưởng then chốt của bài Tin Mừng này là “đến với” và “tin vào” Chúa :
Việc “tin vào” Đức Giêsu, thể hiện bằng việc “đến với” Ngài là kết quả của sự hợp tác của hai phía :
– Phía Thiên Chúa : Thiên Chúa ban ơn “lôi kéo” con người tin vào Đức Giêsu và đến với Ngài : “Không ai đến được với Ta nếu Cha Ta là Đấng sai Ta không lôi kéo kẻ ấy” (câu 44). Thực ra, Thiên Chúa luôn muốn “lôi kéo” con người đến với Đức Giêsu để con người được sống. Nhưng con người ít ra phải ngoan ngoãn để cho Thiên Chúa lôi kéo. Nhiều người do thái đã không ngoan ngoãn như vậy nên đã không đến được với Đức Giêsu.
– Phía con người : phải “nghe lời giáo huấn” của Thiên Chúa. : “Ai nghe lời giáo huấn của Cha thì đến với Ta” (câu 45). Mà Thiên Chúa thì luôn giáo huấn con người : “Trong sách các ngôn sứ có chép rằng mọi người sẽ được Thiên Chúa giáo huấn” (câu 45). Câu nói này ngầm trích dẫn Is 54,13. Mà đại ý chương 54 sách Isaia là kinh nghiệm của dân Israel vào cuối thời lưu đày : họ đã thấy rằng Thiên Chúa luôn quyến luyện con người như một người chồng quyến luyến vợ. Đó chính là giáo huấn mà Thiên Chúa đã ban cho Israel qua dòng lịch sử. Như thế, “nghe lời giáo huấn của Thiên Chúa” nghĩa là ý thức rằng Thiên Chúa luôn yêu thương mình.
Tóm lại, việc “tin vào” Đức Giêsu và “đến với” Ngài là điều Thiên Chúa yêu thương luôn tạo điều kiện để con người thực hiện được dễ dàng. Chỉ cần ngoan ngoãn phó thác vào tình thương Thiên Chúa thì con người có thể làm được.
- Bài đọc II: (Êp 4,30-32–5,2) (Chủ đề phụ)
Sau khi khuyên dạy các tín hữu phải cởi bỏ nếp sống cũ hồi còn là dân ngoại để mặc lấy nếp sống mới giống Đức Kitô (Chúa nhật 18), Thánh Phaolô giải thích rõ hơn về nếp sống mới : tha thứ cho những điều xấu người khác gây cho mình, và sống bác ái yêu thương. Có như thế kitô hữu mới trở thành hy lễ tựa hương thơm ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa.
IV. Gợi ý giảng
* 1. Bánh hằng sống
Bài đọc thứ I của Thánh Lễ hôm nay được trích từ sách Các Vua và kể về cuộc hành trình gian khổ của Tiên tri Êlia : Vì ông đã tiêu diệt thứ đạo đầy mê tín dị đoan mà bà Hoàng Hậu Jésabel đem vào nước nên ông bị Bà này thù ghét tìm giết. Do đó ông phải chạy trốn và định trốn lên tận đỉnh núi Horep. Nhưng đường quá dài và nhiều gian nan nên ông mệt mỏi, chán nản bi quan nằm đại xuống đường phó mặc cho số mạng tới đâu thì tới. Lúc ấy Chúa sai Thiên Thần đem đến cho ông một chiếc bánh và một bình nước. Ăn uống xong, ông cảm thấy khoẻ khoắn và lạc quan trở lại, đi một mạch suốt 40 ngày đêm lên tận đỉnh núi Horép.
Thứ bánh thần diệu đã bổ sức cho tiên tri Êlia chỉ là hình bóng của Thứ Bánh mà Đức Giêsu sẽ ban cho loài người, tức là Mình Thánh Chúa. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu tuyên bố “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”. Thực vậy, mỗi lần chúng ta rước lễ là ta được ăn chính Mình Thánh Chúa, và của ăn đó đem lại cho người rước lễ biết bao ơn quý giá.
Nhiều người đã từng ở tù sau khi về nhà đã thuật lại rằng cuộc sống trong đó thật là cực khổ, tinh thần xuống dốc, đâm ra bi quan, chán đời. Nhưng đối với những người công giáo, nếu thỉnh thoảng được Rước Mình Thánh Chúa thì họ cảm thấy được an ủi rất nhiều, dù sức chịu đựng những sự cực khổ, tinh thần vững vàng và còn lạc quan vui vẻ giúp đỡ những anh em khác nữa. Trong hoàn cảnh khốn đốn như thế, người ta mới thấy rõ MTC thực là của ăn cần thiết cho tâm hồn mình.
Còn chúng ta, hoàn cảnh của chúng ta dễ dãi, có lẽ chúng ta không thấy được sự cần thiết của MTC. Cũng giống như người ăn nhiều quá nên không còn biết ngon nữa, chúng ta cũng thế : chúng ta có thể rước MTC hằng tuần, hằng ngày nếu quá quen và quên để ý đến những giá trị vô cùng cao quý của MTC.
. MTC là biểu hiệu của một sự gần gũi rất thân thiết và rất sẵn sàng : nghĩa là trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn có thể rước lễ và được Chúa ở gần cạnh ta để an ủi, nâng đỡ, khích lệ ta. Trong cuộc đời chúng ta, có thể có những lúc chúng ta cảm thấy rất cô đơn, mọi người đều xa cách ta, kể cả những người thân thiết nhất cũng bỏ ta. Chỉ có Chúa là không xa ta, không bỏ ta,. Ta rước lễ là được MTC đến ở trong lòng ta, gần thật gần, thân thật thân, và Chúa sẽ an ủi nâng đỡ khích lệ ta.
. MTC còn là biểu hiệu của một sự trao hiến trọn vẹn đầy yêu thương : Yêu thương là cho đi. Rước Lễ là một cuộc gặp gỡ giữa hai người yêu nhau trao quà tặng cho nhau. Đức Giêsu trao tặng chúng ta cái quý giá nhất là chính thân xác của Ngài. Còn chúng ta cũng trao cho Chúa những cái quý nhất của chúng ta : Những việc bác ái chúng ta đã làm được, những hy sinh chúng ta đã chịu và cả những tâm sự buồn phiền ray rứt đang dằn xé tâm can ta.
. MTC còn là biểu hiệu của một sự hiện diện đầy quyền năng của một vị lãnh tụ của chúng ta. Đó là khám phá của một nhà trí thức Ấn Độ, ông Chidambaram. Là một người trí thức luôn đi tìm chân lý hoàn hảo nhất, ông khởi sự đi tìm trong nghề là báo, nhưng sau đó ông thấy rằng nghề báo cũng dầy dẫy những sự gian dối. Ông theo đạo Bàlamôn và là một tín đồ nhiệt thành, nhưng ông cũng không thoả mãn,. Ông sang Ấn giáo vì cho rằng Ấn giáo là thứ đạo Bàlamôn được cải tiến tốt đẹp hơn. Dù vậy ông cũng thất vọng. Cuối cùng ông gia nhập đạo Công giáo, ông thấy thoả mãn và trung thành với Đức tin công giáo cho đến hơi thở cuối cùng. Vậy cái gì trong Công giáo đã làm thoả mãn khát vong của ông ? Thưa chính là Phép Thánh Thể MTC. Ông đã nhận thấy rằng việc Đức Giêsu hiện diện thật sự trong MTC, và khi rước lễ chính Đức Giêsu đến ở thật sự trong lòng các tín hữu là một điều quý giá vô cùng mà không một tôn giáo nào trên khắp thế giới có được. Thần thánh của các tôn giáo kính vị viễn chi (nghĩa là kính nhưng mà phải ở xa xa). Còn trong đạo Công giáo, nhờ có bí tích MTC, Đức Giêsu ở thật gần với tín hữu của mình, thấu hiểu hết mọi tâm tư nguyện vọng của mình, thông cảm với mọi nỗi khó khăn của mình, và nâng đỡ thêm sức hướng dẫn mình trong từng chi tiết từng biến cố trong đời sống mình. MTC quả là một sáng kiến vô cùng thông minh của quyền phép TC và cũng là một ơn vô cùng cao quý cho con người.
Nếu mỗi lần chúng ta rước lễ mà chúng ta hiểu được, cảm được và sống được những tâm tình như vậy thì chắc chắn MTC sẽ trở thành một thứ lương thực bổ dưỡng cho linh hồn chúng ta, đúng như Lời Chúa phán trong bài Tin mừng hôm nay : Ta là bánh hằng sống bởi trời xuống, ai ăn bánh này thì sẽ được sống đời đời.
* 2. Bánh hằng sống
Trong kho tàng văn hóa Việt Nam có chuyện “Thoại Khanh Châu Tuấn”. Đó là tên của hai vợ chồng trẻ. Nhà họ nghèo, lại phải nuôi một người mẹ già yếu. Nhưng người vợ trẻ hy sinh chịu cực khổ làm lụng để cho chồng học hành đi thi, rồi đến ngày người chồng từ giã mẹ và vợ lên đường về kinh đô ứng thí. Rủi là trong lúc đó gia đình lâm cảnh đói rách rất thê thảm, người mẹ già đói quá sắp chết. Người vợ trẻ đã cam đảm lấy dao lóc thịt mình để nuôi mẹ chồng. Nhờ đó mà người mẹ già mù loà có thể sống được cho tới ngày con trai đổ đạt vinh quy về nhà.
Câu chuyện cổ tích tưởng tượng trên cũng cảm động như câu chuyện thực sự diễn ra hàng tuần, hàng ngày trong Thánh Lễ : Đức Giêsu lấy chính Thịt Máu Mình để nuôi sống linh hồn chúng ta : “Ta là bánh hằng sống”.
Nhưng phải thú nhận ngay rằng : Khi nghe câu chuyện Thoại Khanh Châu Tuấn ta thấy cảm động, còn khi nghe câu “Ta là bánh hằng sống” chúng ta thấy vẫn trơ trơ. Tại vì tai ta đã nghe câu đó quá thường rồi. Thực ra, đây không phải là một câu nói bóng bảy văn chương, mà là một sự thật : Mình Thánh Chúa thực là một thứ của ăn có sức bổ dưỡng thần diệu :
1/ Ngày xưa tiên tri Êlia bị bà hoàng hậu Giêzabel gian tà hung ác săn đuổi. Ông quá mệt mỏi đói khát, nằm vật xuống đất chỉ chờ chết đi. Nhưng Thiên Chúa sai một Thiên Thần đem lại cho ông một chiếc bánh nhỏ,. Ông ngồi dậy ăn vào và có sức đi suốt 40 ngày tới đỉnh núi Carmel hội kiến với Thiên Chúa. Đó chỉ là một hình bóng của Cựu Ước thôi, huống chi thực tại Rước Lễ của Tân Ước còn có sức bồi dưỡng đến mức nào !
2/ Tin Mừng cũng kể rằng có lần dân chúng tấp nập đón Đức Giêsu đi ngang qua những người bệnh tật cố sức chạm tới mình Ngài, rờ tới gấu áo Ngài, hay ít ra được bóng Ngài che phủ lên mình thì lập tức bao bệnh hoạn liền biến mất. Huống chi ngày nay chúng ta được Rước chính Mình Thánh Chúa vào kết hợp mật thiết với thịt máu ta, hoà tan trong thịt máu ta.
3/ Tục ngữ VN chúng ta có câu “Trời đánh tránh bữa ăn” : khi cùng dùng cơm chung với nhau một bàn, người ta phải dẹp bỏ mọi xích mích để cố hòa hợp đoàn kết với nhau. Bữa ăn thường còn thế, huống chi bữa ăn thánh của những người cùng là con cái Chúa và anh em với nhau.
Những so sánh nho nhỏ trên cho ta thấy rằng MTC thật là một thứ bánh hằng sống có thể thêm sức cho chúng ta trên con đường dương thế, có thể tẩy xoá mọi yếu đuối bệnh tật trong linh hồn chúng ta và có thể giúp chúng ta đoàn kết yêu thương nhau.
Nhưng thực tế là chúng ta đã rước lễ biết bao nhiêu lần mà vẫn chẳng thấy ích lợi bao nhiêu. Chính các tông đồ cũng vậy : Thánh Lễ đầu tiên do chính Đức Giêsu cử hành trong nhà Tiệc ly, tất cả 12 tông đồ đều rước lễ, nhưng sau đó đâu phải tất cả 12 đều được thánh hóa : Giuđa vội ra đi tính việc bán Chúa, Phêrô sau đó đã chối Chúa 3 lần, chỉ có Gioan là vẫn theo sát bên Chúa trên đường tử nạn.
Thực ra cũng chẳng có gì là khó hiểu : như một dĩa thức ăn thật bổ dưỡng, nhưng nếu người ta mà không tiêu hóa thì cũng vô ích thôi, có khi còn sinh ra trúng thực hay bội thực nữa. Nếu chúng ta rước lễ thường xuyên mà chẳng được ích lợi thì không phải tại MTC mà tại chính chúng ta. Vì thế cũng cần xét lại cách chúng ta rước lễ như thế nào. Xin đưa ra một vài mẫu gương để chúng ta cùng chiêm ngắm :
1/ Các tín hữu sơ khai gọi Thánh Lễ là tiệc bẻ bánh : Khi tới nhà thờ, mọi người đều cố gắng đem phần bánh của mình đến. Người nghèo đem ít, người giàu đem nhiều, kẻ túng thiếu có khi không mang gì hết. Chủ tế thu nhận tất cả rồi truyền phép biến bánh thành MTC. Sau đó mọi người chia đều nhau, ai có phần nấy, lại có một số phần để dành đem chia cho những người giả cả yếu đau không thể tới dự nghi lễ bẻ bánh rượu. Người ta đã đến dự lễ với tấm lòng quảng đại, với trái tim yêu thương đùm bọc nhau. Kết quả là họ đạo trở thành một tổ ấm khiến lương dân phải trầm trồ khen ngợi “Kìa xem họ thương yêu nhau đến mức nào”.
2/ Tới thời Rôma bị bắt đạo, các tín hữu phải ẩn trốn trong các đường hầm ở ngoại ô gọi là những hang toại đạo. Họ cử hành Thánh Lễ trên mồ chôn các thánh tử đạo. Họ dâng lễ bằng chính những hy sinh gian khổ của họ đang chịu vì Chúa, và họ rước lễ như rước lấy nghị lực của Đấng cũng đã từng chịu nạn chịu chết như họ. Và kết quả là họ đã có một đức tin kiên vững, gian lao không sờn, chết chóc không nản, hận thù không giết chết trái tim yêu thương của họ. Ngày nay trong các hang toại đạo, du khách vẫn còn thấy vẽ những hình về Bí tích Thánh Thể như những đĩa bánh, những chùm nho, những con cá… và những câu tràn đầy yêu thương tha thứ tin tưởng như sau : “Bình an”, amor “tình yêu thương”, Christus vincit “Đức Kitô chiến thắng”…
Đường đời chúng ta như một cuộc lữ hành gian nan nhọc mệt.
Cuộc đời chúng ta như một cuộc chiến đấu cực khổ đau thương.
Cuộc sống chúng ta với người khác nhiều khi bực bội như hoả ngục.
Đức Giêsu muốn giúp chúng ta, nên Ngài đã hiến thân làm bánh hằng sống để ban nghị lực cho chúng ta có thể đi trọn đường dài, ban ơn nâng đỡ cho chúng ta chịu đựng những khổ đau, ban thêm tình thương để chúng ta sưởi ấm lòng mình và sưởi ấm lòng những kẻ sống với mình.
Nhưng chúng ta cũng phải cố gắng giúp chính chúng ta nữa bằng cách tham dự Thánh Lễ và rước lấy thứ Bánh Hằng Sống đó một cách sốt sắng. Rước Lễ sốt sắng là có dọn mình trước khi dự lễ, kết hợp sâu xa với Ngài đã ngự vào lòng ta, và sau đó cùng đồng hành với Ngài bước vào cuộc sống với tâm tình lạc quan, yêu thương, quảng đại.
Tần Thủy Hoàng là vị vua Trung Quốc, sống trước Chúa Giáng Sinh khoảng 200 năm. Ông là người đã truyền xây Vạn Lý Trường Thành dài hơn 2.000 dặm. Đó là kiến trúc duy nhất trên trái đất, mà các phi hành gia có thể nhìn thấy từ ngoài không gian. Theo tạp chí National Geographic, Tần Thủy Hoàng rất sợ chết, ông muốn được trường sinh bất tử, nên tìm đủ mọi cách để được cải lão hoàn đồng. Một ngày kia, các chiêm tinh gia kể cho ông nghe về một hòn đảo thần tiên ở biển Đông, dân cư ở đấy đã khám phá ra bí quyết trường sinh.
Tần Thủy Hoàng liền phái một số tàu thuyền chất đầy châu báu lên đường, hy vọng đổi được bí quyết trường sinh. Nhưng dân chúng không đổi cho ông bí quyết trường sinh của họ.
Thế rồi ông lo xây nhà mồ như cung điện nguy nga rộng lớn, lấy châu ngọc làm tinh tú, lấy thủy tinh làm sông Ngân Hà, lấy vàng bạc lát tường và chôn sống hàng trăm cung nữ trong đó, để kiếp sau được sống như thần tiên. Nhưng kẻ tàn bạo ham sống ấy chỉ làm vua được hơn chục năm và sống trên năm mươi tuổi thì chết đi.
*
Trường sinh bất tử là ước mơ ngàn đời của con người. Cứ mỗi lần một người thân giã từ cõi thế, thì ước mơ được sống mãi lại càng dày vò con người dữ dội hơn. Nên không lạ gì khi Đức Giêsu nói về cuộc sống trường sinh thì mọi người tuôn đến như đi tìm kho báu.
Nhưng mầu nhiệm về “Sự sống đời đời” lại rất xa tầm trí mọn của đám dân chúng. Đức Giêsu không giúp họ thoát khỏi cái chết của thân xác, vì chính Người cũng vui lòng chết như mọi người. Nhưng Người cứu họ thoát khỏi cái chết của linh hồn : cái chết vĩnh viễn xa lìa Thiên Chúa và hoàn toàn ly biệt với tha nhân, cái chết đi vào trầm luân muôn kiếp, cái chết dẫn đến cõi tiêu diệt muôn đời.
Cuộc sống vĩnh cửu ấy, hôm nay Đức Giêsu đã mạc khải : “Ta là Bánh ban Sự Sống… Ai ăn Bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga.6,47). Vậy bí quyết trường sinh mà Tần Thủy Hoàng khó nhọc đi tìm kiếm tận các đảo thần tiên, lúc nào cũng hiện diện trước mặt chúng ta, trong mọi thánh đường Công giáo. Chính là Đức Giêsu nguồn mạch trường sinh.
Người đang hiện diện với chúng ta bằng thần trí Người : “Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Ta, Ta sẽ ở đó với họ” (Mt.18,20).
Người còn hiện diện với chúng ta qua Lời Chúa. Lời mà Người nói cách đây 2000 năm cũng chính là Lời Người đang nói với chúng ta trong tin mừng.
Người hiện diện với chúng ta qua các linh mục trong lúc giảng dạy và trong khi cử hành các Bí tích : “Ai nghe các con là nghe Ta” (Lc.10,16).
Đặc biệt Người hiện diện thực sự với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể : “Ta là bánh hằng sống… Ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời” (Ga.6,52).
Như vậy, “Sự sống đời đời” không phải là chuyện viễn vông xa vời, nhưng là một thực tại đang triển nở trong đời sống người tín hữu. Mỗi thánh lễ là một bàn tiệc nuôi dưỡng linh hồn đưa ta về chốn trường sinh.
*
Lạy Đức Giêsu, như Tấm Bánh Thánh xin cho tâm hồn chúng con nên trong trắng, cố xa tránh những ô uế cho dù nhỏ mọn để luôn xứng đáng với Chúa.
Xin cho tâm hồn chúng con nên khiêm hạ nhỏ bé, nhưng luôn bày tỏ một tình yêu lớn lao.
Và cho tâm hồn chúng con luôn kết hợp với Chúa, để được Chúa dẫn vào cuộc sống muôn đời. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)
* 4. Mất tinh thần
Bài đọc I kể chuyện ngôn sứ Êlia. Ông đã từng can đảm dám một mình chống lại hoàng hậu Giêsabel và giết hết tất cả các sư sãi của bà này. Nhưng sau đó, bị bà này truy bắt, ông phải chạy vào sa mạc. Cuộc trốn chạy quá vất vả khiến ông chán nản không muốn tiếp tục nữa. Ông ngồi bẹp dưới gốc một cây kim tước. Ông còn xin Chúa cho ông chết đi cho rồi : “Lạy Chúa, đủ rồi. Bây giờ xin Chúa lấy mạng con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông con”.
Tâm trạng Êlia lúc đó là mất tinh thần. Khi ta mất tinh thần thì ta mất nguồn sức mạnh lớn nhất, bởi vì tinh thần đối với con người cũng giống như đôi cánh đối với loài chim, và như bộ rễ đối với loài cây vậy.
Ngay cả những nhân vật anh hùng cũng có lúc cảm thấy mệt mõi, yếu đuối và thất vọng. Nhưng không phải vì thế mà họ không còn là anh hùng. Đúng hơn, những lúc đó cho thấy họ thực sự là người. Chính Đức Giêsu cũng từng trải qua những giây phút như thế trong vườn Cây Dầu.
Nhiều người không thể chấp nhận những giới hạn do thân phận làm người của mình. Họ muốn tỏ ra lúc nào cũng mạnh. Họ cho rằng họ sẽ bị mất mặt nếu để cho người ta thấy được sự yếu đuối và sợ hãi của mình. Nhưng sự thực không phải thế. Người ta sẽ cảm động và sẵn sàng giúp ta khi thấy ta cũng là người giống như họ. Như lời Picasso nói : “Lòng bạn sẽ tràn ngập cảm thông khi bạn nhận ra rằng trong mỗi người có cả một nguồn nước mắt”.
Có người còn cho rằng cảm giác yếu đuối đó không xứng với người có đức tin. Nhưng thực ra, yếu đuối đâu có gì ngược với đức tin. Vả lại làm sao ta có thể được giúp đỡ nếu ta không thấy mình cần được giúp đỡ ?
Chúa sai một thiên thần mang đến cho Êlia bánh và nước. Nhờ thứ lương thực này, Êlia được bổ sức và đi một mạch đến núi Horép, núi của Chúa. Thực ra, tình trạng yếu đưối trước đây của Êlia không phải chỉ do thiếu lương thực mà do mất tinh thần. Bây giờ cũng thế, ông được hồi sức không phải chỉ vì có lương thực, mà còn do lấy lại được tinh thần : Ông được bảo đảm rằng Chúa luôn ở cùng ông. Chính sự bảo đảm này đã đem lại cho Êlia một nguồn sống mới và giục giã ông lên đường.
Chúng ta cũng đang hành trình lên núi Chúa, tức là sự sống đời đời. Nhiều lúc chúng ta cũng cảm thấy yếu đuối mệt mỏi. Cho nên chúng ta cũng cần được giúp đỡ ; những sự giúp đỡ của anh chị em tín hữu trong cộng đoàn, và nhất là sự giúp đỡ của Chúa. Sự giúp đỡ của Chúa chính là ý thức có Chúa ở với ta và hằng yêu thương ta. Như Êlia, chúng ta cũng cần bánh. Bánh ban sức mạnh chính là Mình Thánh Chúa trong bí tích Thánh Thể. Bánh Thánh thể được gọi là Viaticum, “lương thực đi đường”. (Viết theo Flor McCarthy).
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, Đức Giêsu đã nhắc đi nhắc lại rằng : “Tôi là bánh từ trời xuống… không ai thấy Chúa Cha, chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha”. Chúng ta hãy tin tưởng cầu xin với Người :
1. Xin cho mọi người trong Hội thánh luôn tin tưởng và tuyên xưng rằng / Đức Giêsu Kitô là Đấng từ trời đến / là Con Chúa Cha ở trên trời, và là Thiên Chúa làm người / Đấng cứu độ duy nhất ở trần gian.
2. Xin cho mọi nhà cầm quyền và mọi người theo các tôn giáo khác / được nhận biết Đức Giêsu Kitô là Đấng cứu độ mà Chúa Cha sai đến / để giải thoát và cứu độ tất cả mọi người.
3. Xin cho mọi người chưa nhận biết ơn cứu độ của Đức Giêsu Kitô / được Chúa Cha lôi kéo đến với Người / để Người ban cho họ lương thực nuôi cả xác hồn.
4. Xin cho anh chị giáo hữu trong xứ đạo chúng ta luôn siêng năng dự lễ và rước lễ / để lãnh nhận lương thực bởi trời / mà chu toàn bổn phận mình trong cuộc hành trình về Nước Chúa.
Chủ tế : Lạy Chúa chúng con cảm tạ Chúa là Cha yêu thương đã ban cho chúng con bánh từ trời xuống là Đức Giêsu Kitô. Xin cho chúng con luôn được nuôi dưỡng bằng Bánh bởi trời, để chúng con luôn có sự sống muôn đời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô.
VI. Trong Thánh lễ
– Trước kinh Lạy Cha : Khi chúng ta đọc “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày”, chúng ta đừng chỉ xin cơm bánh vật chất, nhưng hãy xin Chúa ban cho chúng ta chính bản thân Ngài, để Ngài đồng hành với chúng ta luôn mãi trong cuộc đời.
– Trước lúc rước lễ : Ngày xưa ngôn sứ Êlia đã được ăn bánh Chúa ban, nhờ đó có sức lên núi Horép gặp Chúa. Chút nữa đây chúng ta sẽ được rước chính Mình Thánh Chúa. Xin cho thứ lương thực thần thiêng này bồi dưỡng sức khoẻ tinh thần cho chúng ta trong cuộc lữ hành dương thế.
VII. Giải tán
Chúng ta đã có Chúa trong lòng. Hãy lạc quan trở về cuộc sống và cùng sống với Chúa trong từng phút giây.