31/7: Thánh Phêrô Đoàn Công Quí (1826-1859)

print

31/7: Thánh Phêrô Đoàn Công Quí (1826-1859)

  Thánh Phêrô Đoàn Công Quí là con ông Antôn Đoàn Công Miêng và bà Anê Nguyễn Thị Trường; cha mẹ vốn dòng đạo đức, quyền quí, nguyên quán ở Đàng Ngoài (miền Bắc), đã từng phò vua giúp nước.

  Không rõ vì lý do nào (có thể vì lý do tôn giáo), vào cuối đời vua Gia Long (1802-1820), hai ông bà cùng vài người con di cư vào Nam, ngụ tại Búng, thuộc làng Hưng Định, tổng Bình Chánh, tỉnh Thủ Dầu Một, nay là tỉnh Bình Dương. Chính tại nơi đây, Phêrô Đoàn Công Quí, con út trong sáu người con, mở mắt chào đời vào năm 1826, dưới triều vua Minh Mạng. Tên của các anh chị của cậu Phêrô Quí là: Phêrô Đoàn Công Thới, Maria Đoàn Thị Bường, Augustinô Đoàn Thị Đã, Micae Đoàn Công Rạng, Antôn Đoàn Công Báu.

  Với tư chất thông minh, được cha mẹ cho học chữ nghĩa, hấp thụ nền Nho học, lại được sống trong một gia đình lễ giáo, cho nên cậu Quí có nhiều điều kiện phát triển thuận lợi. Từ lâu, cậu Quí có lòng ước ao hiến thân cho Chúa trong đời sống linh mục, phụng sự Chúa và phục vụ các linh hồn. Cậu thường lui tới và học hỏi với Cha Tám, bổn sở họ Búng, và rất mong muốn được ở luôn với Cha, để tập tành đời sống tu trì.

  Tuy nhiên, cha mẹ thấy cậu con út thông minh, rất có tương lai, nên giữ cậu ở lại nhà, cố gắng lo liệu để cậu chuyên chăm theo đường học vấn, làm vẻ vang cho cả gia tộc, giữ nghiệp tông đường; và vì thế, đã thu xếp cho người anh của cậu là Antôn Báu đi tu. Thế nhưng, sau môt thời gian sống đời tu trì, cảm thấy không thích hợp, người anh liền xin rút lui, trở về gia đình. Lúc bấy giờ, cha mẹ mới bằng lòng cho cậu Phêrô Quí tiếp tục thực hiện ý định ban đầu.

  Năm 1847, cậu được cha Tám giới thiệu với cha bề trên Gioan Miche (sau này là giám mục). Lúc đầu, cậu học tiếng Latinh tại nhà cha bề trên; sau đó, cậu được nhận vào chủng viện thánh Giuse, lúc đó đặt tại Thị Nghè, do cha Borelle (Hoà) làm bề trên. Năm sau, 1848, thầy Quí được gởi đi du học tại đại chủng viện Hội Thừa Sai Paris ở Pénang (Mã Lai). Sau 7 năm được hướng dẫn, học tập và tu đức tương đối đầy đủ, thầy lên đường trở về quê hương vào ngày 11-4-1855. Sau khi đến chào Đức Cha Lefèvre (Ngải), thầy được phép về thăm gia đình, nhưng không còn gặp được phụ thân, vì ông Đoàn Công Miêng đã qua đời…

  Lúc ấy, vua Tự Đức đang cấm đạo gắt gao. Năm 1851, nhà vua ra lệnh: “tây dương đạo trưởng thì phải trảm quyết, ném đầu xuống sông, xuống biển; đạo trưởng bổn quốc, dù quá khoá hay không, cũng phân thây; ai điềm chỉ, hay bắt đặng, thì được thưởng tám lạng bạc, lại còn được ăn nửa phẩn gia tài của đạo trưởng; còn ai chứa chấp, thì phải phân thây, quăng xuống sông; trẻ em nhà ấy thì phải đày đi phương xa…”

  Thoạt đầu, Đức Cha Lefèbre (Ngải) dặn thầy phải tạm ẩn náu qua ngày; nhưng sau đó, lại sai thầy đi săn sóc, dạy dỗ, an ủi giáo hữu các họ đạo. Thầy đã từng đến rao giảng, an ủi và giúp đỡ bổn đạo tại Rạch Giá, Năng Gù.. Thầy có lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ một cách đặc biệt. Với tài hát xướng được phú bẩm, thầy ca tụng Đức Maria bằng những bài thánh ca mà thầy rất ưa thích.

  Ba năm sau, nhận thấy thầy là người có nhiều khả năng về học thức, đạo đức và tinh thần tông đồ, Đức Cha đã lần lượt cho thầy chịu chức “cắt tóc”, và phó tế. Vào tháng 9 năm 1858, Đức Cha truyền chức Linh mục cho thầy tại Thủ Dầu Một.

  Thánh lễ “mở tay” được cử hành đơn sơ tại họ Gò Cầy (bây giờ là ở cuối đường Lò Chén Chùm Sao, đi vào khoảng một trăm mét). Trong khi cha Phêrô Quí còn nán lại ở nhà ông Trùm Tín một thời gian, thì có tin báo về cai tổng Lại ở Lái Thiêu, là một người rất ghét đạo: “nhà ông Tín chứa chấp cố đạo”. Ở Lái Thiêu có một viên thư ký quen thân với nhà ông Tín; khi nghe biết câu chuyện, liền lấy ngựa chạy đến nhà ông Tín, vừa báo tin cho ông, vừa xin hốt thuốc cho người mẹ. Ngay chiều hôm đó, ông Tín liền sai con cả của mình là ông Chư, dùng một chiếc ghe, xuôi đường con rạch cầu Cây Trâm, hướng ra phía vàm Búng và đi thẳng về Bà Lụa, đưa cha Phêrô Quí đi lánh nạn. Khi đi dọc theo bờ rạch, có người nhìn thấy, và hỏi, thì ông Chư vừa chèo ghe, vừa trả lời: “Anh này (chỉ cha Phêrô Quí) là người quen ở Bà Lụa, rủ tôi lên đó để bắt chim quốc”… Tối hôm đó, cai tổng Lại cùng một tốp lính đền nhà ông Tín, lục soát khắp nơi, nhưng không tìm ra giáo sĩ nào cả.

  Cha Phêrô Quí được tuyển chọn vào cánh đồng truyền giáo trong giai đoạn đặc biệt của đất nước. Tháng 9 năm 1855, quân Pháp và Tây Ban Nha đem quân đánh phá ở Cửa Hàn (Đà Nẵng), khiến nhà vua càng căm ghét các giáo sĩ nước ngoài và đạo Thiên Chúa; nhà vua ra chiếu chỉ thứ hai, không những lùng bắt các đạo trưởng, mà còn bắt cả giáo hữu phải xuất giáo, triệt hạ các thánh đường, phá huỷ các cơ sở tôn giáo. Và ngày 7.6.1857, chiếu chỉ cấm đạo lần thứ ba, kèm theo những hình phạt càng gắt gao hơn trước. Cuộc bách hại ngày càng khốc liệt hơn.

 Thế nhưng, nhiệt tình truyền giáo đã làm cho cha vượt thắng mọi gian khổ, đe doạ, hiểm nguy. Sau một thời gian phục vụ tại các giáo xứ Lái Thiêu, Gia Định và Kiến Hoà, cha Phêrô Quí được bổ nhiệm làm phó xứ họ đạo Cái Mơn (Vĩnh Long), do cha Tùng làm cha sở.

  Điều nổi bật nơi Cha Phêrô Quí, đó là lòng ước ao được đổ máu mình ra vì danh Đức Giêsu Kitô. Theo lời cha Borelle kể lại:

  Đến Cái Mơn được 3 tháng, ngày 10-12-1858, xảy ra vụ quân lính đến bao vây tu viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, để truy lùng các giáo sĩ; nhưng không tìm thấy vị nào ở đó. Sau lúc cướp phá, quân lính liền bắt giam 5 chức việc trong làng và các nữ tu để tra tấn, khai thác về chỗ ở các đạo trưởng. Không sợ nguy hiểm, sẵn sàng trao hiến mạng sống vì đàn chiên, thay vì ẩn mặt theo như sự khôn ngoan thường tình, cha Phêrô Quí đã đến giữa đám quân lính, thuyết phục họ thả các chức việc ra, bằng cách cho họ một vài trăm quan tiền. Sau đó ít hôm, lòng ước ao được tử đạo càng nung nấu khi nghe biết những hình khổ ghê rợn mà các nữ tu Matta Lành và Ysave Ngọ phải gánh chịu trong tù, cha liền viết cho cha bề trên Borelle những lời lẽ sau đây:

  “Thưa cha, thật con đang ở giữa những nguy hiểm, nhưng Thiên Chúa gìn giữ, chưa để con phải bị bắt, vì tội lỗi con còn nhiều, chưa được phúc chịu khổ vì Chúa. Thế nhưng,  ngày xưa Chúa Cứu Thế đã phải chết treo trên thánh gia. Ôi, chớ gì con được mang gông cùm và xiềng xích. Tuy nhiên, con chưa đáng được trang điểm bằng những dấu chỉ như thế. Con rất ước ao được đến dinh tổng đốc để khuyến khích các vị tuyên xưng đức tin. Khi nào cha cho phép con làm điều đó?”

  Khi cha Borelle nhờ người chuyển lời đến cha Phêrô Quí là nên rời xa giáo xứ, để tránh những cuộc lục soát, bắt bớ, thi cha trả lời:

– “Nếu Cha muốn con đi khỏi nơi đây, con xin cha viết cho con lệnh truyền chính thức; nếu không, con sẽ ở lại tại nhiệm sở như là không có lệnh nào của cha cả”. Cha Phêrô Qúi chỉ bỏ ý định này, khi có lệnh rõ ràng của cha bề trên Borelle (Hoà).

  Lần khác, với một sự rung cảm đạo đức sốt sắng, cha diễn tả lòng ước ao được tử đạo: “Chớ thì tôi không được diễm phúc chiến đấu và chết vì vinh quang của Chúa sao?- Ước gì xiềng xích trở thành những vòng đeo cổ quí giá, gông cùm trở thành vòng đeo tay! Than ôi, hãy xem các bạn hữu đã được ngành lá chiến thắng; còn một mình tôi ở đây như người lính canh bị bỏ quên. Ôi! Lạy Chúa, xin ban phúc tử đạo cho con”.

  Từ đó, cha cải trang thành thường dân, đi thăm viếng, an ủi và ban các bí tích cho bổn đạo.

  Lúc bấy giờ, theo lời cố vấn của Đức Cha, cha Borelle đã gởi một chiếc thuyền và một vài tín hữu để đưa cha Phêrô Quí ra khỏi sự nguy hiểm tiềm ẩn, bằng cách đưa cha đến với cha Borelle; và hai ngày sau đó, 27-12-1858, cha đến họ đạo Đầu Nước (Cù Lao Giêng), tỉnh An Giang, là thủ phủ của huyện, như là cha sở mới, trú ngụ tại nhà ông Câu Emmanuel Lê Văn Phụng; lúc ấy, cũng có cha Jean Claude Pernot đang ở đó. Với tính tình vui vẻ, hiền lành, hoà đồng với mọi người, cho nên mới ở đặng mấy ngày mà các giáo hữu rất trân trọng, kính mến cha Phêrô Quí. Cha luôn luôn an ủi những người đau khổ, nhủ bảo những kẻ khô khan nguội lạnh, thương yêu giúp đỡ những ai túng thiếu.. nhờ đó mà tinh thần đạo đức rất sốt nóng, phấn khởi, lan rộng..

  Thế nhưng, như cha Borelle kể lại: “Trong khi tôi muốn đưa cha đi khỏi chỗ nguy hiểm, thì lại đưa cha đến chỗ tử đạo như cha hằng ước mong”.

  Bởi vì, vừa đến nơi được mười hôm, thì một cuộc đại bố ráp xảy đến.

  Nguyên do là vì, có hai anh em bên lương, chuyên hút sách và bài bạc tên là Trần Văn Mưu và Trần Văn Nên, ở làng Tân Đức (Cù Lao Giêng), muốn lợi dụng cơ hội làm tiền, dựa theo sắc lệnh cấm đạo của nhà vua, bởi vì món tiền thưởng vốn có một hấp lực với một số lương dân trong vùng. Khi thấy những người tín hữu đang làm nhà thờ tại Cù Lao Giêng, hai tên này liền đến cảnh báo cho biết là họ vi phạm luật nước, cố ý moi tiền của họ đạo. Ông Câu Phụng vì được quan huyện bao che, nên không thèm để ý đến những lời đe doạ của hai tên này, và cũng không cho chúng gì cả. Khi nhà thờ được xây dựng xong, hai tên này đến tố giác với quan tổng đốc. Quan tỉnh sai quan huyện điều tra như thường lệ; quan huyện nhắm mắt làm ngơ, nên mọi việc vẫn êm xuôi.

  Hai tên bất lương nén giận, rình cơ hội khác. Từ năm 1855, ông Câu Phụng đón tiếp một vị thừa sai người pháp, cha Jean Claude Pernot (Định). Bọn chúng đã nghi ngờ, theo dõi, quyết tâm tìm bắt quả tang, để trả thù ông Câu Phụng và để nhận món tiền thưởng. Sau nhiều ngày theo dõi, một đêm nọ, hai tên này trèo lên cây xoài, phía sau nhà ông Phụng, ẩn nấp, rình rập. Vào khoảng 7 hay 8 giờ tối, cha Pernot, không hề biết có nguy hiểm, đã đi ra khỏi hầm trú để hít thở không khí trong lành, bị chúng trông thấy. Hôm sau, chúng liền đi tố cáo với quan tổng đốc Châu Đốc là Cao Hữu Dực: “ Nhà ông Phụng có chứa chấp Tây Dương Đạo Trưởng, ở đó có nhà dòng, nhà thờ và chủng viện, vi phạm lệnh cấm của nhà vua”. Chúng cũng không quên xin phái quan lãnh binh đi bắt, chứ đừng báo quan huyện, vì quan này thông đồng với người Công giáo.

  Nhận được tin chắc chắn, ngay lập tức, quan tổng đốc cho gọi quan lãnh binh, ra lệnh chuẩn bị khoảng 20 chiếc thuyền và khoảng ba trăm quân lính đến Cù Lao Giêng. Biết được lý do có cuộc hành quân đó, một người giáo dân vội vàng báo tin cho ông Câu Phụng. Ông Câu Phụng thoạt đầu không tin, vì cho rằng: ông huyện Cù Lao Giêng rất tốt đối với ông, chắc chắn phải nói cho ông biết.

  Trong lúc đó, các chiếc thuyền đã đến Chợ Thủ, cách họ đạo Đầu Nước khoảng 6 km. Rồi, thuyền đi chậm lại để đến đêm thì tới nhà ông Phụng.

  Tại Chợ Thủ, có một họ đạo nhỏ; khi nhìn thấy một số đông thuyền bè và quân lính, ban quới chức biết chắc là, họ đến để bắt nhà truyền giáo, ông Câu Phụng và các kitô hữu họ đạo Đầu Nước. Ngay lập tức, ông Biện Phan Văn Vĩnh liền tức tốc báo tin cho ông Câu Phụng biết. Đến nơi, thấy ban quới chức còn tụ họp tại nhà, ông liền kể lại những điều ông đã thấy. Ông Câu Phụng vẫn còn hoài nghi, vì quá tin nơi quan huyện.

  Tuy nhiên, việc xuất hiện của đội thuyền làm cho giáo dân xôn xao. Không còn nghi ngờ gì nữa, vì có tiếng mái chèo đập nước nghe rất rõ. Vội vàng người ta cất giấu đồ thờ phượng, tượng ảnh, và che giấu cha Pernot. Dưới sự hướng dẫn của ông Gabriel Trần Văn Vị, giữa đêm khuya, cha Pernot ẩn trốn trong rừng rậm, và cũng khuyên cha Phêrô Quí cùng đi, nhưng vị linh mục bản xứ, không nao núng sợ hãi, trả lời:

– “Thưa Cha, xin Cha trốn nhanh đi, còn con, con là người An nam, con sẽ không gặp khó khăn đâu”.

  Bấy giờ cha Pernot ra đi; còn cha Phêrô Quí ở lại, cố gắng thu xếp, cất giấu đồ đạo, và ẩn nấp dưới sàn nhà.

  Sau một lúc, quân lính đến nhà ông Câu Phụng, siết chặt vòng vây, để không ai có thể chạy thoát. Họ lục soát khắp nơi, nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy gì cả. Ông lãnh binh giận dữ, nắm cổ ông Câu Phụng, tát vào mặt, buộc phải khai báo nơi giấu Tây Dương Đạo Trưởng. Trước câu trả lời của ông Câu Phụng là không có một linh mục tây phương nào ở nhà ông, ông lãnh binh liền quát:

– “Vậy thì đạo trưởng ở đâu?-“ Và đe doạ, nếu không tuân lệnh, sẽ bị đánh đòn. Thấy chủ nhà sắp sửa bị tra khảo,  cha Phêrô Quí liền đứng ra, khẳng khái tuyên xưng:         

– “Chính tôi là Đạo trưởng ”.

– “Không phải! Mày không phải là đạo trưởng; hãy nộp ngay Tây Dương Đạo Trưởng ra đây! vì có kẻ đã trông thấy và tố cáo”.

– “Không hề có một Tây Dương Đạo Trưởng nào ở đây cả. Chính tôi là đạo trưởng; tôi rất vinh dự dạy đạo cho những ai muốn nghe”, cha Phêrô Quí khẳng định.

  Thấy người vừa trả lời rất hùng hồn còn quá trẻ, ông ta không tin; nhìn thấy một em bé trai khoảng 10 tuổi, con nuôi của ông Câu Phụng đang ở đó, liền hỏi nó. Nó không nói. Ông ta sai lính đánh cậu bé mấy roi, bắt cậu phải chỉ chỗ đạo trưởng đang ở. Bị đành đòn đau, đứa bé liền chỉ cha Phêrô Quí: “Chính ông này”.

  Không chần chờ, ông ta ra lệnh trói chặt cha Phêrô Quí, ông Câu Phụng và 32 giáo dân khác, điệu về Châu Đốc. Hôm đó là ngày 07-01-1859, nhằm lễ Ba Vua.

 Đến Châu Đốc, cha Phêrô Quí bị dẫn ra trước mặt quan tổng trấn của tỉnh. Ong ta hỏi cha có phải là đạo trưởng hay không. Cha trả lời:

– “Tôi là đạo trưởng”.

– “Ông có muốn tuân lệnh vua và bỏ đạo không?-“

– “Tôi giữ đạo Chúa trên trời, tôi sẽ không bỏ đạo; cho dù quan có lên án tôi thế đi nữa, tôi sẵn sàng chấp nhận”.              

Sau đó, các cuộc hỏi cung cứ tiếp tục.

Người ta hỏi cha Phêrô Quí:

– “Cha mẹ ông ở đâu?-“

– “Cha mẹ tôi đã mất”.

– “Ai đã dạy dỗ ông?-“

– “Tôi đã đi đến các nước phương Tây, tôi đã trở về qua đường Kampot, Ou-Dong, và tôi đến nhà ông Lê Văn Phụng”.

– “ Những sách đạo và đồ lễ từ đâu mà có ?-

– “Sách vở và đồ đạo thuộc về một linh mục khác, tên là Thăng, đã bị đi tù cách nay 12 năm”.

Trước lệnh truyền phải chối bỏ đức tin, cha đáp lại:

– “Làm sao tôi có thể bỏ đạo cho được, bởi vì tôi là người dạy đạo?”

– “Nếu ông bỏ đạo, Ta sẽ trả tự do cho ông; nếu không, Ta sẽ lên án chém đầu ông”. Quan tổng trấn nhấn mạnh.   

– “Thưa quan lớn, nếu quan chiếu cố đến tôi, thì quan đã biểu tỏ cho tôi một nghĩa cử đặc biệt; nếu quan ra lệnh giết chết tôi, tôi sẵn sàng tuân phục phán quyết của quan; còn việc chối bỏ Thiên Chúa, tôi sẽ không bao giờ làm”.  

Trong một lần điều tra khác, cũng chính câu hỏi đó được đặt ra, cha Phêrô Quí đành phải trả lời:

– “Các ngài chỉ làm mất thời giờ vô ích; tôi sẽ không chối bỏ đức tin của tôi.”

Quan tổng trấn sai người đưa cha đến nhà của ông ta, ra sức dụ dỗ cha bỏ đạo, hứa sẽ trả tự do cho cha. Trước những lời hứa hẹn này, cha đã trả lời một cách nhã nhặn, nhưng rất cương quyết:

– “Tôi sẽ không chối bỏ đức tin của tôi.”

  Trước lời khẳng định kiên trì và can đảm này, viên quan chức hiểu rằng, tất cả những cố gắng của ông ta không có một chút kết quả nào cả. Vì thế, ông ta đã ra phán quyết kết án xử trảm cha Phêrô Quí, vì đã phạm tội rao giảng tà đạo, và ông ta gởi phán quyết này về triều đình Huế để xin nhà vua phê chuẩn.

  Nhiều tháng trôi qua trong khi chờ đợi án lệnh từ Huế. Người bị kết án vẫn sống bình thản trong việc thực hiện đức bác ái đối với các bạn tù khốn khổ, đối với binh lính và cai tù; cha chia sẻ cho họ một chút ít tiền mà cha đã nhận được từ họ đạo, hay của các người tín hữu.

  Một phần lớn trong ngày được dành để cầu nguyện, lần chuỗi, đọc sách nguyện, nguyện ngẫm.v.v. Cha ăn chay khá thường xuyên, ước muốn chuẩn bị cho ơn phúc tử đạo bằng sự hy sinh, hãm mình.

  Đối với các tín hữu đến thăm, cha đã gởi gắm những lời khuyên bảo đạo đức. Chẳng hạn như, cha nhắn nhủ với anh Phêrô Tâm, một trong số các người con của ông Câu Phụng:

– “Hãy năng đến toà xá giải, đừng bỏ việc đọc kinh cầu nguyện, đừng phạm tội, để linh hồn luôn mạnh mẽ”.

Nhiều linh mục đến thăm viếng và trao ban cho cha niềm vui và ơn huệ được tha thứ tội lỗi; trong số đó, có các cha Tùng và Khánh; còn cha Vọng thì đem Mình Thánh Chúa cho cha. Và cha Phêrô Quí cũng nài xin các cha giúp lời cầu nguyện để mình luôn kiên vững làm chứng nhân cho Đức Kitô.

  Theo lời cha Borelle kể: có hai người tín hữu bị bắt chung với cha, vì sợ cảnh lưu đày khắc nghiệt, khổ sở, đã yếu đuối chối đạo; cha liền khuyên nhủ, nâng đở họ chỗi dậy, và giúp cho họ can đảm chấp nhận phần của họ trong thập giá của Đấng Cứu Thế. Họ đã ăn năn trở lại.

  Cũng theo lời của cha Borelle: một tháng sau khi bản án kết thúc, khi được tin quân đội Pháp vừa đánh chiếm Sàigòn, cha Phêrô Quí liền viết thư cho cha Borelle, để cha ấy biết là, cha Phêrô Quí sợ rằng, chiến thắng này sẽ cất đi cái cơ may được tử đạo của cha. Cha Borelle hy vọng điều đó. Tuy nhiên, cha Borelle không ngừng khuyến khích cha Phêrô Quí liên lỉ hiến dâng lên Thiên Chúa lễ hy sinh đời mình, để ít nhất là có công nghiệp xứng đáng, nếu vòng hoa thiên tuế vuột khỏi tầm tay, và cũng để không bị bất ngờ, nếu hạnh phúc này được dành cho cha.

  Niềm hy vọng này đã không được thực hiện. Bản án đã được phê chuẩn, chuyển đến Châu Đốc vào khoảng 7.00 giờ tối ngày 30-7-1859, và cuộc hành quyết đã được ấn định vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, vì sợ rằng, các kitô hữu sẽ giải thoát linh mục, và biết rằng, họ tin cậy vào hiệu lực của thánh giá hơn là trong lòng dũng cảm riêng tư của họ, quân lính đã đặt các thánh giá trước tất cả các cửa khám, và đồng thời, đã xiềng xích cẩn thận tất cả các tù nhân cho đến khi nào xong cuộc hành quyết.

  Ngày 31-7-1859, từ sáng sớm, một tốp lính xếp hàng trước nhà giam. Viên chỉ huy bước vào trong và báo cho cha Phêrô Quí là đã đến giờ thi hành án.

  Cha Phêrô Quí mặc áo chỉnh tề của ngày lễ và chít “khăn đóng” đẹp đẽ trên đầu. Quân lính đeo vào cổ cha một tấm thẻ bằng gỗ, viết tên tuổi và bản án của cha. Trong thời gian đó, cha Phêrô Quí nói với ông Câu Phụng cùng bị xử với cha:

– “Đây là giờ Thiên Chúa dành cho chúng ta trong cuộc chiến đấu cuối cùng. Chúng ta hãy vui lòng can đảm chịu đựng vì Ngài”.

Đoàn hộ tống ra đi. Cha Phêrô Quí, rực sáng niềm vui, say đắm cầu nguyện, tiến bước giữa hai hàng quân lính cầm gươm giáo. Người lính đi trước, tay cầm thẻ, thỉnh thoảng đọc to:

“Tự Đức thập tam, An Giang tỉnh, kỷ vị niên, thất nguyệt, sơ nhị nhật.

Thẻ: Đạo trưởng Đoàn Công Quí, tùng gian đạo, tụ tập đạo đồ, đạo chủng, đạo thư: Bất khẳng quá khoá; vi phạm quốc pháp; luật hình trảm quyết. Tư Thẻ”.

(“ Niên hiệu Tự Đức thứ 13, tỉnh An Giang, năm kỷ vị, tháng 7, ngày mồng 2.

Thẻ: Linh mục Đoàn Công Quí, theo tà đạo, tụ họp giáo hữu, chủng sinh, sách đạo: Không chịu bước qua ảnh tượng chuộc tội, phạm luật nước, luật hình phải chém. Tư Thẻ”).

Gần đến Cây Mét, cũng được gọi là Bến Chà Và, nơi được chỉ định để hành quyết, họ dừng lại.

Rất nhiều người tín hữu đến gần cha Phêrô Quí, xấp mình cúi lạy cha 3 lạy. Cha cám ơn, và khuyên nhủ họ:

– “Anh em thân mến, trước tiên hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa, hãy lánh xa những thói hư tật xấu, hãy tập tành các nhân đức”.       

Sau đó, cha nói với ông Câu Phụng:

– “Ông hãy quì gối xuống, ăn năn thống hối, tôi sẽ ban phép giải tội cho ông”.

Khi nghe những lời đó, viên quan ra lệnh cho binh lính:

– “ Hãy để họ làm gì thì làm, sau đó chúng ta sẽ tính”.   

  Sau khi đọc công thức tha tội, cầm tượng Đức Mẹ trong tay, trên ngực đeo một hộp nhỏ đựng xương các thánh, đến lượt mình, cha Phêrô Quí quì xuống, giục lòng ăn năn thống hối; sau đó, gỡ giải băng trên đầu, cha trao cho Gioan Baotixita Chính, một thanh niên đã giúp đỡ cha trong tù. Anh này cúi lạy cha ba lạy, và thưa:

– “Thưa cha, khi cha về trời, xin cha cầu nguyện cho con!”

Viên quan, kiên nhẫn theo dõi những lời từ biệt rất cảm động, sau khi thấy rằng, mọi sự đã xong, liền ra lệnh cho lý hình:

– “Sau ba hồi chiêng, các ngươi hãy chém đầu bằng 3 nhát!”

  Tên lý hình cột chặt đôi tay của cha ra phía sau lưng; nâng đầu cha lên cao, bảo cha quì xuống và giữ thẳng đứng; sau đó, hắn rút gươm ra và chém. Nhát thứ nhất chỉ làm một vết thương, nhát thứ hai làm đứt một phần xương cổ, nhát thứ ba đứt đến cổ họng, và sau cùng, nhát thứ tư tách lìa đầu khỏi thân.

  Cha Phêrô Quí hưởng phúc tử đạo, từ giã cõi đời, trở về quê hương vĩnh cửu, lúc vừa tròn 33 tuổi, sau một năm thi hành chức vụ linh mục.

 Trong khi chịu hình khổ ghê gớm, cha Phêrô Quí vẫn giữ vẻ bình thản, điềm tĩnh, không sợ hãi, rên la, than van… Quan quân và đám rất đông dân chúng chứng kiến, rất ngạc nhiên về sự can đảm phi thường đó, đã nhắc đi nhắc lại:

– “Chưa bao giờ, chưa bao giờ chúng ta đã nhìn thấy một người chết như thế!”                                 

  Thân xác của cha Phêrô Quí để nằm tại nơi hành quyết từ 9 giờ sáng cho đến 7 giờ chiều, theo như lệnh truyền.

  Lúc bấy giờ, ông G.B. Chính xin phép được cử hành những nghi lễ cuối cùng cho người chết, và sau khi đã nhận được sự chấp thuận, ông lau chùi những vết máu, gở lấy hộp xương thánh và tượng Đức Trinh Nữ mà đấng tử đạo còn cầm trong tay, lắp đầu vào thân, đặt thân xác cha vào trong một linh cữu.

  Di hài của cha Phêrô Quí và Ông Câu Emmanuel, người cùng được phúc tử đạo với cha, được rước về một lượt. Đến Vàm Nao, gọi là Thuận Vàm, thì có cha Vọng và các quí chức họ đạo Năng Gù đón nhận thân xác của cha Phêrô Quí đưa về nhà thờ Năng Gù, để cho mọi người kính viếng, một ngày một đêm. Sau đó, được an táng trong nhà thờ, theo nghi lễ Hội Thánh.

  Năm 1959, nhân dịp kỷ niệm Bách chu niên cuộc tử đạo, thi hài của cha được cải táng đưa về chủng viện Cù Lao Giêng.

  Để tuyên dương công trạng, nhân đức và công nghiệp một vị tông đồ đầy nhiệt huyết, Đức Thánh Cha Piô X đã phong cha Phêrô Đoàn Công Quí lên bậc Chân Phước (Á Thánh) vào ngày 02-5-1909, cùng với Ong Câu Emmanuel Lê Văn Phụng.

  Và ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nâng cha Phêrô Quí lên bâc Hiển Thánh, cùng với Ông Câu Emmanuel Lê Văn Phụng và 115 vị tử đạo khác.