Suy gẫm và cầu nguyện để đi đàng Thánh Giá với Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II

print

SUY GẪM VÀ CẦU NGUYỆN ĐỂ ĐI ĐÀNG THÁNH GIÁ

VỚI ĐỨC THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

 

  1. Một chút lịch sử về Chặng Đàng Thánh Giá

Từ thời được hòa bình do vua Contantinô (313), từng đoàn Kitô hữu đã  muốn hàng năm đến Giêrusalem vào tuần Thương khó của Chúa Kitô và lặp lại con đường mà Chúa Kitô đã đi qua vào những ngày trước khi chịu chết. Họ muốn sống lại biến cố, muốn đồng hóa với Chúa Kitô và nhờ đó cảm tạ Người.

          Các tu sĩ dòng Phanxicô đã tưởng tượng và phổ biến vào thế kỷ XIV và XV lòng tôn kính Đàng Thánh giá. Được canh giữ các nơi thánh từ thế kỷ XIV, nhờ đã thỏa thuận với người Thổ nhĩ Kỳ, các tu sĩ đó điều hòa ở Giêrusalem mọi họat động thiêng liêng của các người hành hương, về con đường đau khổ mà Chúa Kitô đã đi từ tòa Philatô ở nơi thấp trong thành, lên đỉnh Núi Sọ. Họ đã có ý định chuyển hình thức suy gẫm về cuộc khổ nạn vào trong khuôn khổ đời thường của các tín hữu, để nhờ đó những người nghèo và những ai không thể đi đến Đất Thánh cũng có thể chu toàn được công việc như các người đi hành hương. Để làm như vậy, họ thực hiện ở ngoài trời hoặc trong các nhà thờ một số các gợi ý (bảng vẽ, tượng ảnh, thánh giá…), những cảnh tượng diễn tả Chúa Kitô lên đường tới đỉnh núi Canvê, họ giúp các tín hữu cầu nguyện và suy gẫm ở mọi chặng đàng. Số các chặng đàng thay đổi cho tới thế kỷ XVIII, thì được đức giáo hoàng Clêmentê XII, Benoit XIV ấn định là 14 Chặng Đàng Thánh Giá, cho đến ngày nay. Từ năm 1958 và từ khi xây 15 Chặng Đàng Thánh giá ở Lộ Đức, thì có thói quen kết thúc cuộc hành hương này “với Đức Maria trong hy vọng được sống lại như Chúa Kitô”. (Trích trong Từ điển THEO, trang 772)

  1. Suy gẫm và cầu nguyện để đi Chặng Đàng Thánh Giá tại Côlôsê (Thứ sáu Tuần Thánh 2000) do Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đích thân biên soạn.

Cho tới nay đã có hàng trăm tác giả thuộc mọi địa vị trong giáo hội và xã hội biên soạn bài suy gẫm và cầu nguyện để Đi Đàng Thánh Giá: giáo hoàng, hồng y, giám mục, bề trên dòng, giáo sư thần học, nhà báo…Thật là trăm hoa đua nở, mỗi hoa một nét đẹp riêng biệt. Tôi đã có dịp đọc nhiều bài. Và mùa Chay năm nay tôi muốn chia sẻ cho độc giả một bài làm tôi tâm đắc nhất, do Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đích thân biên soạn, giúp Đi Đàng Thánh Giá tại hí trường Côlisê ở Rôma vào dịp Đại Năm Thánh 2000. Tôi chọn bài này để chuyển dịch gửi độc giả, vì nội dung của bài giúp tôi hiểu biết sâu xa hơn, mới mẻ hơn công trình Cứu Chuộc mà Ba Ngôi Thiên Chúa đã thực hiện cho loài người chúng ta. Con người thời nay cần được gặp Chúa Kitô chịu đóng đinh thập giá và sống lại, cần được thấm nhuần những tư tưởng và tâm tình đầy Niềm Vui Phúc âm này.

          Sau đây là bản dịch từ tiềng Pháp, trong cuốn Les prières de Jean-Paul II, Bayard,2003

Kinh nguyện mở đầu.

Chặng thứ nhất

Chặng thứ hai

Chặng thứ ba

Chặng thứ tư

Chặng thứ năm

Chặng thứ sáu

Chặng thứ bảy

Chặng thứ tám

Chặng thứ chín

Chặng thứ mười

Chặng thứ mười một

Chặng thứ mười hai

Chặng thứ mười ba

Chặng thứ mười bốn

Kinh nguyện mở đầu.

“Nếu ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá của mình và theo Ta” (Mt 16,24)

Chiều thứ Sáu Tuần Thánh. Từ hai mươi thế kỷ nay, Giáo hội tập họp trong buổi chiều này để nhớ lại và sống lại những biến cố trong giai đoạn cuối cùng trên  trần gian của Con Thiên Chúa. Hôm nay, như mọi năm, Giáo hội Rôma tập họp ở Côlisê, để theo Chúa Giêsu “ đích thân vác thánh giá, ra đi về phía Núi Sọ hay Canvê, tiếng Hibá gọi là Golgôta” (Ga 19,17) .

          Chúng ta gặp nhau ở đây, xác tín rằng Đàng Thánh Giá của Con Thiên Chúa không phải chỉ là chuyện bước đi tới nơi để chịu tử hình. Chúng ta tin rằng mỗi bước đi của Đấng bị kết án, mỗi cử chỉ của Người, và mỗi lời nói của Người, kể cả những gì mà những người đã sống và đã tham dự vào thảm kịch này vẫn đang tiếp tục nói với chúng ta. Cũng chính trong đau khổ và cái chết của Người mà Chúa Kitô mặc khải cho chúng ta sự thật về Thiên Chúa và về con người. Trong năm Thánh toàn xá này, chúng ta muốn suy nghĩ vói một cường độ đặc biệt về nội dung của biến cố này, để nó nói lên với một sức mạnh mới mẻ cho tâm trí và cho trái tim chúng ta, và để nó trở nên nguồn ân sủng cho một cuộc tham dự đích thực. Tham dự có nghĩa là dự phần vào. Việc dự phần vào thập giá Chúa Kitô muốn nói lên điều gì? Nó muốn nói rằng đó là có kinh nghiệm trong Chúa Thánh Thần về tình yêu mà thập giá Chúa Kitô ẩn giấu trong nó. Nó muốn nói rằng đó là nhận biết, nhờ ánh sáng của tình yêu, đó chính là thập giá của riêng mình. Nó muốn nói rằng đó là vác nó trên vai và, luôn luôn nhờ vào tình yêu đó, mà bước đi…Bước đi suốt dọc cuộc đời, bằng bắt chước Đấng sẽ “cam chịu thập giá mà chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai tòa của Thiên Chúa” (Dt 12,2).

          Chúng ta cầu nguyện. Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin đổ đầy lòng chúng con ánh sáng của Thần Trí Chúa, để đi theo Chúa trên con đường sau cùng của Chúa, chúng con hiểu biết cái giá của cuộc cứu chuộc chúng con và để chúng con nên xứng đáng tham dự vào những hoa quả của cuộc Khổ Nạn, của Sự Chết, của cuộc Sống lại của Chúa. Amen!

Chặng thứ nhất

Chúa Giêsu bị kết án tử hình

–          Chúng con thờ lạy Chúa Giêsu Kitô…

“Ông có phải là vua dân Do Thái không?” (Gn 18,33)

“Nước tôi không thuộc về thế gian này; nếu Nước tôi thuộc về thế gian này thì thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Không, Nước tôi không thuộc chốn này” (Gn 18, 36). Philatô thêm: “Vậy ông là vua sao?” Chúa Giêsu trả lời: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Philatô đối đáp lại: “Sự thật là gì?” Nói thế rồi, tổng trấn Rôma coi như cuộc thẩm vần đã chấm dứt. Ông ra gặp người Do Thái và nói với họ: “Phần ta, ta không tìm ra nơi ông lý do gì để kết án” (xem Gn 18, 37 – 38).

          Thảm kịch của Philatô ẩn giấu trong câu hỏi: sự thật là gì? Đây không phải một câu hỏi triết lý về bản chất sự thật, nhưng là một câu hỏi có tính hiện sinh về mối liên hệ của nó với sự thật. Đó là một mưu toan muốn lẩn tránh tiếng nói lương tâm truyền lệnh cho mình phải biết sự thật và phải tuân theo sự thật. Con người mà không để cho mình được sự thật hướng dẫn, thường dễ dàng để cho mình phát biểu một câu kết án người vô tội. Những người đã kết án đoán được sự yếu đuối của Philatô và vì thế họ không nhượng bộ ông. Với sự quyết đoán, họ đòi phải giết chết trên thập giá. Những biện pháp nửa vời mà Philatô dùng đến không giúp ông gì. Hình phạt dữ dội của cuộc đánh đòn mà bị cáo phải chịu không đủ. Khi tổng trấn bảo đem trình diện Chúa Giêsu bị đánh đòn và đội mũ bằng gai ra trước đám đông, ông dường như tìm một lời mà theo ý ông phải làm cho đám đông chịu nhún nhường. Khi giới thiệu Chúa Giêsu, ông nói: “Đây là người!” Nhưng câu trả lời là: “Đóng đinh nó đi, đóng đinh nó đi!” Bây giờ Philatô tìm cách tranh luận: “Các ông cứ đem đi và đóng đinh vào thập giá; phần ta, ta không thấy lý do gì nơi người này để kết tội” (Gn 19, 5 – 6). Ông luôn luôn xác tín hơn rằng bị cáo là vô tội, nhưng điều đó không đủ để ông đưa ra một quyết định xử trắng án. Những người tố cáo nại đến một lý lẽ sau cùng: “Nếu ngài tha cho nó, ngài không phải là bạn của hoàng đế. Ai xưng mình là vua thì chống lại hoàng đế” (Gn 19, 12). Mối đe dọa đã rõ ràng. Đoán được mối nguy hiểm, Philatô nhượng bộ cách dứt khoát và đưa ra bản án. Nhưng không phải là không làm một cử chỉ hèn nhát, đó là rửa tay: “Tôi vô can trong vụ đổ máu người này; mặc các người liệu lấy!” (Mt 24, 24). Chính bằng cách đó mà Chúa Giêsu bị kết án tử hình trên thập giá, Người là Con Thiên Chúa hằng sống, là Đấng cứu chuộc thế gian.

          Suốt dọc các thế kỷ, việc chối bỏ sự thật đã phát sinh đau khổ và chết chóc. Chính là những người vô tội phải trả giá cho tội đạo đức giả của loài người. Những biện pháp nửa vời không đầy đủ. Cả như việc rửa tay cũng là không đầy đủ. Cái trách niệm đối với máu của người vô tội vẫn còn đó. Chính vì điều đó mà Chúa Kitô đã cầu nguyện với tất cả nhiệt tình cho các môn đệ Người ở khắp mọi thời: «  Lạy Cha, xin thánh hiến họ bởi sự thật: Lời Cha là sự thật”. (Gn 17, 17).

          Cầu nguyện : Lạy Chúa Kitô, Chúa đã chấp nhận một cuộc xử án bất công, xin ban cho chúng con, cũng như cho mọi người ở thời chúng con, ơn trung tín với sự thật: xin đừng để sức nặng của trách nhiệm đối với đau khổ của những người vô tội rớt xuống trên chúng con và trên những người đã đến sau chúng con. Xin dâng lên Chúa Giêsu, Đấng xét sử công minh, danh dự và vinh quang đến muôn đời. Amen

Lạy Cha chúng con…

Có thể hát một câu ngắn…

Chặng thứ hai

Chúa Giêsu vác thập giá

–          Chúng con thờ lạy Chúa Giêsu Kitô…

Thập giá. Dụng cụ của cái chết ô nhục. Từ xưa tới nay không được phép kết án tử hình một công dân Rôma: làm thế là quá hạ nhục. Lúc mà Chúa Giêsu Nazaret bị buộc vác thập giá để mang lên đồi Canvê là đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử của thập giá. Là dấu chỉ của một cái chết ô nhục, chỉ dành cho loại người thấp hèn nhất trong loài người, thập giá trở nên một chìa khóa. Từ nay, với cái chìa khóa này, con người sẽ mở cửa vào những thâm sâu của mầu nhiệm về Thiên Chúa. Nhờ cử chỉ của Chúa Giêsu đón nhận lấy thập giá, như dụng cụ bóc lột Chúa, mà loài người biết rằng Thiên Chúa là tình yêu.

Một tình yêu không bờ bến: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một mình; nhờ đó tất cả mọi người tin vào Người sẽ không phải chết, nhưng sẽ được sống muôn đời”. (Gn 3, 16).

Sự thật về Thiên Chúa này được mặc khải bởi thập giá. Nó có thể được mặc khải một cách khác không? Có thể chứ. Tuy nhiên Thiên Chúa đã chọn thập giá. Chúa Cha đã chọn Thập Giá cho Chúa Con, và Chúa Con đã vác lấy trên vai, đã vác lên đồi Canvê, và trên thập giá Chúa Con đã hiến dâng mạng sống Người.

“Trên thập giá, có đau khổ, trên thập giá có cứu rỗi, trên thập giá có một bài dạy yêu” .   

Ôi lạy Chúa, một khi ai đã hiểu biết Chúa thì không ước muốn gì khác nữa, không tìm kiếm gì khác nữa. Thập giá là một dấu chỉ của tình yêu không bờ bến.

          Cầu nguyện :Lạy Chúa Kitô, Chúa đã đón nhận thập giá từ tay loài người, để làm cho thập giá trở nên dầu chỉ của tình yêu cứu rỗi của Thiên Chúa cho loài người, xin ban cho chúng con, cũng như cho mọi người trong thời đại chúng con, ơn biết tin vào tình yêu vô biên này, để khi chuyển giao dấu chỉ của thập giá sang ngàn năm mới, chúng con là những chứng nhân đích thực của công cuộc cứu chuộc. Xin dâng lên Chúa Giêsu, linh mục và lễ vật, lời ngợi khen và vinh quang đến muôn đời. Amen

          Lạy Cha chúng con…

          Có thể hát một câu ngắn…

Chặng thứ ba

Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất

–          Chúng con thờ lạy Chúa Giêsu Kitô…

“ Thiên Chúa đã nhận lấy tội lỗi của tất cả mọi người chúng ta” (xem Is 53, 6).

“Chúng ta tất cả đều lang thang như chiên, mỗi người theo con đường của mình, nhưng Thiên Chúa đã làm cho tội lỗi của tất cả mọi người chúng ta đổ xuống trên Người” (IS 53, 6). Chúa Giêsu ngã xuống dưới thập giá. Người ngã xuống ba lần trên con đường tương đối ngắn ngủi, “đường đau khổ”. Người ngã xuống vì kiệt sức. Thân xác nhuốm máu do bị đánh đòn, đầu đội mũ kết bằng gai. Tất cả mọi chuyện đó làm cho Chúa kiệt sức. Chúa ngã xuống, và thập giá với sức nặng của nó đè bẹp Chúa xuống đất. Cần phải tìm về những lời của vị tiên tri vào nhiều thế kỷ trước đã thấy được việc ngã xuống này. Nó giống như là vị tiên tri chiêm ngắm sự ngã xuống bằng chính đôi mắt của mình trước người tôi tớ của Thiên Chúa nằm dưới đất dưới sức nặng của thập giá, Người chỉ rõ lý do đich thật khiến Người ngã xuống: “Thiên Chúa đã nhận trên mình mọi tội lỗi của tất cả chúng ta”.

Chính là những tội lỗi đã đè bẹp dưới đất Đấng Thánh bị kết án. Chính các tội lỗi đã ấn định sức nặng của thập giá mà Người vác trên vai. Chính các tội lỗi đã làm cho Chúa ngã xuống. Chúa Kitô vất vả gượng dậy để tiếp tục đi. Các binh lính hộ tống tìm cách thúc giục Người bằng những tiếng la ó và những đòn đánh. Sau một lúc, đoàn người lại lên đường. Chúa Giêsu ngã xuống và đứng lên. Chính bằng cách này mà Chúa Cứu thế đã nói, không bằng một lời nào, cho tất cả những ai đang ngã xuống. Người khuyến khích họ đứng lên.“Trong thân xác mình, Người đã mang các tội lỗi của chúng ta trên cây gỗ của thập giá, cốt để chúng ta có thể chết cho tội lỗi của chúng ta và sống trong công chính. Nhờ các thương tích của Người, chúng ta được chữa lành” ( xem 1 Pr 2,24 ) .

          Cầu nguyện : Lạy Chúa Kitô, Chúa đã ngã xuống dưới sức nặng của tội lỗi chúng con, và Chúa đã đứng dậy để làm cho chúng con nên công chính, chúng con cầu xin Chúa, xin giúp chúng con, cũng như giúp những ai bị đè bẹp vì tội lỗi, được đứng dậy để tiếp tục lên đường. Xin ban cho chúng con sức mạnh của Thánh Thần để cùng với Chúa, chúng con mang thập giá của sự yếu đuối của chúng con. Xin dâng lên Chúa Giêsu, bị đè bẹp dưới sức nặng của tội lỗi chúng con, lời ngợi khen và tình yêu của chúng con đến muôn đời.Amen

          Lạy Cha chúng con…

          Có thể hát một câu ngắn…

Chặng thứ tư

Chúa Giêsu gặp Mẹ Người

–          Chúng con thờ lạy Chúa Giêsu Kitô…

“Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai và sinh một con trai; và đặt tên là Giêsu.Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao, Đức Chúa là Thiên chúa sẽ ban cho Người ngai vàng của Đavit, tổ tiên Người. Người sẽ tri vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Nguòi sẽ vô cùng vô tận”(Lc1,30-33).Đức Maria nhớ lại những lời này. Mẹ thường trở lại những lời này trong sâu kín của tâm hồn. Khi, trên đường thập giá, Mẹ gặp Chúa Con, có lẽ đúng ngay lúc những lời đó trở lại trong tâm trí Mẹ. Với một sức mạnh đặc biệt. “Người sẽ cai trị. Và Nước của Người sẽ vô cùng vô tận”, thông tín viên từ trời đã nói. Bây giờ, đang xem thấy Con mình, bị kết án tử hình, vác thập giá mà trên đó Người sẽ chịu chết, Mẹ có lẽ sẽ tự hỏi, nói theo kiểu loài người: làm sao những lời đó có thể thực hiện được? Bằng cách nào Người sẽ cai trị trên nhà Đavit? Và làm thế nào Nước của Người sẽ vô cùng vô tận? Nói theo loài người, những câu hỏi đó có thể hiểu được. Tuy nhiên đức Maria nhớ rằng sau khi nghe sứ thần loan báo, Mẹ đã trả lời: “Này tôi là tôi tớ Chúa, xin cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38). Bây giờ Mẹ thấy lời này thực hiện như là lời của thập giá. Bởi vì Mẹ là Mẹ, đức Maria đau khổ sâu xa. Tuy thế bây giờ Mẹ cũng trả lời như Mẹ đã trả lời lúc được Truyền Tin: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Bằng cách đó, Mẹ mang trong cánh tay một cách giống như là người mẹ, cả thập giá cùng với Đấng thần linh bị kết án. Trên đường thập giá, đức Maria tỏ mình ra như Mẹ Đấng Cứu Chuộc trần gian. “Các bạn tất cả là khách qua đường, hãy trông xem, có đớn đau nào giống như đớn đau hành hạ thân tôi chăng” (Ai 1,12). Đó là Mẹ của đau khổ đang nói, là nữ tỳ vâng phục cho đến cùng, là Mẹ của Đấng Cứu Chuộc thế gian .

          Cầu nguyện : Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã đi qua con đường thập giá với Con Mẹ, lòng Mẹ bị xé rách vì đau khổ, nhưng Mẹ luôn nhớ lời Xin Vâng của Mẹ, và xác tín tận thâm sâu rằng Đấng mà không có gì lại không làm được sẽ có thể thực hiện những lời hứa của Người, xin Mẹ khấn nài cho chúng con và cho những người thuộc thế hệ mai sau được ơn biết phó thác cho tình yêu Chúa. Xin làm cho chúng con, dù đối mặt với đau khổ, với từ chối, với thử thách, dẫu có kéo dài và khốc liệt, chúng con không bao giờ nghi ngờ ở tình yêu Chúa. Xin dâng lên Chúa Giêsu, Con Mẹ, danh dự và vinh quang đến muôn đời. Amen!

          Lạy Cha chúng con…

          Có thể hát một câu ngắn…

Chặng thứ năm

Ông Simong ở Xirênê

vác đỡ Thánh giá Chúa.

–        Chúng con thờ lạy Chúa Giêsu Kitô…

Quân lính Rôma trưng dụng ông Ximong (xem Mc 15,21). Họ làm như vậy vì sợ rằng người bị kết án kiệt sức không thể vác thập giá tới Golgôta. Họ sẽ không thể thi hành bản án là phải đóng đinh người bị kệt án vào thập giá. Họ tìm kiếm một ai giúp Người vác thập giá. Họ nhắm tới ông Ximong. Họ trưng dụng ông để trao cho ông gáng nặng đó. Ta có thể tưởng tượng ông đã không đồng ý và ông đã chống cự. Vác thập giá của một người bị kết án có thể bị coi là xúc phạm đến phẩm giá của một con người tự do. Dù là phải miễn cưỡng. Ông Ximong vác thập giá để giúp đỡ Chúa Giêsu. Trong một bài hát Mùa Chay có lời ca này: “Dưới sức nặng của thập giá, Chúa Giêsu đón tiếp người xứ Xirênê”. Đó là những lời để cho ta thoáng thấy  một sự thay đổi hoàn toàn về cách nhìn: Đấng Thánh bị án tử đã xuất hiện như một người nào đó đã làm cho thập giá trở thành ân huệ, theo nghĩa nào đó. Phải chăng Chúa đã nói: “Ai không vác thập giá của mình và không theo Ta thì không xứng đáng với Ta” ? (Mt 10,38).

          Ông Ximong nhận được một ân huệ. Ông đã trở nên xứng đáng với ân huệ đó. Dưới con mắt của đám đông, điều có thể xúc phạm đến phẩm giá của Chúa, thì ngược lại, Chúa đã ban cho nó một phẩm giá mới trong cách nhìn vào công cuộc cứu chuộc. Con Thiên Chúa đã làm cho ông được tham dự một cách độc đáo vào công cuộc cứu rỗi. Ông Ximong có ý thức như vậy không? Thánh sử Máccô thì đồng hóa ông Ximong ở Xirênê với người được coi như là “thân phụ của Alexandre và Rufus” (Mc 15,21). Nếu các con ông Ximong ở Xirênê được cộng đồng Kitô hữu đầu tiên biết đến, ta có thể nghĩ rằng đúng là chính ông, khi ông vác thập giá, ông đã tin Chúa Kitô. Ông chuyển qua một cách tự do từ chỗ bị bó buộc sang thái độ sẵn sàng vâng theo, dường như ông đã bị cảm kích thâm sâu bởi những lời này: “Ai không vác thập giá của mình và không theo Ta thì không xứng đáng với Ta”. Khi ông đã vác thập giá, ông được dẫn đưa đến hiểu biết phúc âm của thập giá. Từ khi đó, phúc âm nói cho nhiều người, cho vô số những người ở Xirênê được mời gọi suốt dòng lịch sử để vác thập giá với Chúa Giêsu.

          Cầu nguyện : Lạy Chúa kitô, Chúa đã ban cho ông Ximong ở Xirênê được phẩm giá vác thập giá, xin cũng đón nhận chúng con dưới sức nặng của thập giá, đón nhận tất cả mọi người và ban cho mỗi người ơn biết sẵn sàng theo Chúa. Xin làm cho chúng con đừng ngoảnh mặt không nhìn đến những người đang bị đè nặng bởi thập giá do bệnh tật, do cô đơn, do đói khát, do bất công. Xin làm cho chúng con, khi mang đỡ gánh nặng cho nhau, chúng con trở thành những chứng nhân cho phúc âm của thập giá, những chứng nhân đáng tin cậy về Chúa, là Đấng hằng sống và hằng trị muôn đời.Amen!

          Lạy Cha chúng con…

          Có thể hát một câu ngắn…

Chặng thứ sáu

Bà Vêrônica lau mặt Chúa Giêsu.

–          Chúng con thờ lạy Chúa Giêsu Kitô…

Bà Vêrônica không có mặt trong các sách phúc âm. Tên này cũng không được nhắc đến, mặc dầu có tên một số phụ nữ khác xuất hiện bên cạnh Chúa Giêsu. Như vậy có thể là tên đó diễn tả công việc phụ nữ đó làm thì đúng hơn. Quả thật, theo truyền thống, trên đường Canvê có một phụ nữ đã mở đường giữa đám binh lính hộ tống Chúa Giêsu và, với một tấm khăn bà lau mồ hôi và máu trên mặt Chúa. Hình mặt Chúa được in trên tấm khăn; một phản ánh trung thực của một “hình thánh đích thực”. Chính với việc này mà về sau người ta nối kết với cũng cái tên Vêrônica. Nếu là như vậy thì cái tên làm cho ta nhớ đến cử chỉ được phụ nữ này thực hiện, cũng bao gồm đồng thời sự thật sâu xa nhất về bà. Một hôm, để khêu gợi sự chỉ trích của cử tọa, Chúa Giêsu lên tiếng bảo vệ một phụ nữ tội lỗi đã đổ dầu thơm trên chân Chúa và lấy tóc mình mà lau. Lúc đó để trả lời cho ý kiến bắt bẻ Chúa, Chúa nói: “Tại sao lại gây chuyện với phụ nữ này? Cô ấy vừa làm một việc nghĩa cho Thầy.[…].Nếu cô đã đổ dầu thơm này trên thân xác Thầy, thì đó là cốt để mai táng Thầy đó.” (Mt 26,10.12). Ta cũng có thể áp dụng các lời này cho bà Vêrônica. Như thế, tầm ảnh hưởng sâu xa của biến cố đó đã được biểu lộ. Đấng Cứu chuộc thế gian ban cho bà Vêrônica một hình ảnh chính xác về hình mặt của Người. Tấm khăn có in hình mặt Chúa Kitô trở nên một sứ điệp cho chúng ta. Nó nói lên ý nghĩa là: mọi hành động tốt lành, mọi cử chỉ yêu thương đích thực đối với người thân cận,  đều làm cho người thực hiện việc đó trở nên giống như Đấng Cứu Chuộc thế gian đến thế nào. Các hành vi yêu thương không qua đi. Mọi cử chỉ tốt lành, cảm thông, phục vụ, để lại trong lòng một dấu hiệu không thể xóa được, nó làm cho họ luôn giống như Đấng “lột bỏ chính mình để mang lấy thân phận tôi tớ” (Pl 2,7).Căn tính của con người được hình thành như vậy, đó là tên thật của họ.

Cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã chấp nhận một cử chỉ yêu thương vô vị lợi của một phụ nữ và để bù lại Chúa đã làm cho muôn thế hệ một cách nào đó nhớ đến việc ấy cùng với cái tên nói đến hình mặt Chúa. Xin làm cho mọi hành động của chúng con, và mọi hành động của những người sẽ đến sau chúng con, trở nên giống như Chúa, và để lại cho thế giới phản ánh của tình yêu vô biên của Chúa. Xin dâng Chúa Giêsu, sự huy hoàng của vinh quang Chúa cha, sự ca ngợi và vinh quang đến muôn đời. Amen!

          Lạy Cha chúng con…

          Có thể hát một câu ngắn…

Chặng thứ bảy

Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai.

–          Chúng con thờ lạy Chúa Giêsu Kitô…

“Và tôi, tôi là sâu bọ không phải là người,bị mọi người chế giễu, bị muôn dân ruồng bỏ” (Tv 21(22).7).

          Những lời trên của thánh vịnh đến trong tâm trí khi đang khi chúng ta nhìn xem Chúa Giêsu ngã xuống dưới thập giá lần thứ hai. Đây là người bị kết án nằm trong bụi đường, bị đè bẹp dưới sức nặng của thập giá. Sức lực của người luôn luôn từ bỏ Người nhiều hơn nữa. Nhưng, cố hết sức Người đứng dậy để tiếp tục đường mình đi. Lần ngã xuống đất thứ hai này có ý nghĩa gì với chúng ta là kẻ tội lỗi? Còn hơn là lần trước, nó dường như khuyến khích chúng ta chỗi dậy, chỗi dậy một lần nữa trên đường thập giá của chúng ta .

          Cyrian Norwid đã viết: “không phải là ở đàng sau chính chúng ta với thập giá của Chúa Cứu thế, nhưng là ở đàng sau Chúa Cứu Thế với thập giá của chúng ta”. Câu châm ngôn ngắn gọn nhưng lại nói dài. Nó giải thích theo nghĩa nào mà Kitô giáo là đạo của thập giá. Nó để ta hiểu rằng hết mọi người đều gặp ở dưới đất này Chúa Kitô Đấng vác thập giá và Đấng ngã xuống dưới sức nặng của thập giá. Còn đến lượt Chúa, trên đường Canvê, Chúa Kitô gặp hết mọi người và,, khi ngã xuống dưới sức nặng của thập giá, Người không ngừng loan báo Tin Mừng. Từ  2000 năm nay, Phúc âm của thập giá nói cho con người. Từ hai mươi thế kỷ nay, Chúa Kitô Đấng chỗi dậy sau khi ngã gặp gỡ con người ngã xuống. Suốt dọc hai ngàn năm qua, nhiều người đã có kinh nghiệm rằng: ngã xuống không có nghĩa là cùng đường. Nhờ gặp gỡ Đấng Cứu Thế, họ cảm thấy an tâm bởi Người: “Ơn của Ta đủ cho con, vì sức mạnh của Ta được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr.12,9). Họ được nâng dậy khỏe lại và họ truyền đạt cho thế gian lời củahy vọng vọt lên từ thập giá. Ngày nay, một khi vượt qua ngưỡng cửa của ngàn năm mới, chúng ta được mời gọi đi sâu vào nội dung của cuộc gặp gỡ này. Thế hệ chúng ta cần phải truyền lại cho các thế kỷ mai sau tin mừng về sự chỗi dậy của chúng ta trong Chúa Kitô.

          Cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa ngã xuống dưới sức nặng của tội lỗi loài người và Chúa chỗi dậy  mang lấy tội lỗi  vào mình để xóa bỏ nó đi, xin cho chúng con, là những con nguòi yếu đuối, được sức mạnh vác lấy thập giá hàng ngày và chỗi dậy từ những sa ngã của chúng con, để truyền lại cho các thế hệ sắp tới phúc âm của sức mạnh cứu rỗi của Chúa. Xin dâng lên Chúa Giêsu, Đấng nâng đỡ sự yếu đuối của chúng con, lời ngợi khen và vinh quang đến muôn đời. Amen !

          Lạy Cha chúng con…

          Có thể hát một câu ngắn…

Chặng thứ tám

Chúa Giêsu an ủi các phụ nữ

thành Giêsusalem.

–          Chúng con thờ lạy Chúa Giêsu Kitô…

“Hỡi các chị em thành Giêrusalem, chớ khóc thương Tôi làm chi! Hãy khóc thương cho phận mình và con cái mình ! Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: “Phúc thay những đàn bà hiếm hoi, những người không sinh đẻ, những kẻ không cho bú mớm!” Bấy giờ người ta nói với núi non: “hãy rớt xuống chúng tôi, và với gò nổng, hãy vùi lấp chúng tôi.Vì nếu cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế thì cây khô héo sẽ ra sao?” (Lc23,28-31). Đó là những lời Chúa Giêsu nói với các phụ nữ thành Giêrusalem đang khóc than, họ bày tỏ như vậy lòng cảm thương của họ đối với Người bị kết án.“Đừng khóc thương Tôi! Hãy khóc thương cho phận mình và con cái mình!” Vào thời gian ấy chắc khó có thể hiểu được ý nghĩa các lời đó. Các lời đó chứa chất một lời tiên tri sẽ mau chóng trở thành sự thật. Trước đó một ít Chúa Giêsu đã khóc thương thành Giêrusalem, loan báo số phận khủng khiếp sẽ đánh xuống thành. Bây giờ hình như Người đang dựa vào lời tiên báo này: “Hãy khóc thương con cái mình…”

          Hãy khóc thương, bởi vì chúng sẽ là, chính xác chúng sẽ là những chứng nhân và những người tham dự vào cuộc tàn phá thành Giêrusalem, cái thành Giêrusalem đãkhông nhận ra thời giờ mà Thiên Chúa viếng thăm” (xem Lc 19,44). Nếu, đang khi chúng ta theo Chúa Giêsu trên đường thập giá, mà lòng chúng ta được thức tỉnh bởi nỗi cảm thương đối với đau khổ của Người, thì chúng ta không thể quên lời cảnh báo này. “Nếu cây xanh mà họ còn đối xử như vậy thì cây khô sẽ ra sao?” Đối với thế hệ chúng ta, đang ở khúc quanh của ngàn năm mới, thì đây chính là lúc để “nhận ra thời giờ mà thành được Chúa thăm viếng”, hơn là để khóc thương vì Chúa Kitô phải chịu tử đạo. Bình minh của việc Chúa Phục sinh đã rực sáng. “Bây giờ là lúc Thiên Chúa thi ân, bây giờ là ngày cứu rỗi” (2Cr 6,2). Cho mỗi người chúng ta, Chúa Kitô nhắn gửi những lời này trong sách Khải huyền: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Nếu ai nghe tiếng Ta và mở cửa, Ta sẽ vào nhà người ấy;Ta sẽ dùng bữa với người ấy và người ấy sẽ dùng bữa với Ta. Ai thắng, Ta sẽ cho ngự bên Ta trên ngai của Ta, cũng như chính Ta sau khi đã thắng, Ta đến ngự bên Cha Ta trên ngai của Người” (Kh 3,20-21).

          Cầu nguyện : Lạy Chúa Kitô, Chúa đã đến thế gian để thăm viếng tất cả những ai đang mong chờ ơn cứu rỗi, xin làm cho thế hệ chúng con nhận ra thời giờ mà thế hệ chúng con được Chúa viếng thăm, và xin cho thế hệ này được dự phần vào những hoa trái của ơn Cứu chuộc của Chúa. Xin đừng để cho phải khóc thương trên chúng con và trên những người của thế hệ mới, bởi vì chúng con đã dẩy lui bàn tay của Chúa Cha hằng thương xót. Xin dâng lên Chúa Giêsu sinh bởi đức trinh nữ con gái của Sion, danh dự và vinh quang đến muôn đời. Amen!

          Lạy Cha chúng con…

          Có thể hát một câu ngắn…

Chặng thứ chín

Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba

–          Chúng con thờ lạy Chúa Giêsu Kitô…

Thế là Chúa Kitô lại ngã xuống đất lần thứ ba dưới sức nặng của thập giá. Đám đông tò mò, nhìn xem Người còn có sức để chỗi dậy không. Thánh Phaolô viết rằng: “Chúa vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa; nhưng trái lại, đã hoàn toàn lột bỏ vinh quang để mặc lấy thân phận nô lệ. Trở nên giống như mọi người và được nhận ra như là thế, Người còn vâng lời hạ mình cho đến chết, và chết trên thập giá” (Pl2,6-8). Đây dường như là diễn tả chính xác nhất việc ngã xuống đất lần thứ ba: đó là sự hạ mình xuống của Con Thiên Chúa, đó là sự nhục nhã dưới cây thập giá. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ là Người đến không phải để được người ta hầu hạ mà là để phục vụ (xem Mt 20,28). Ở Bữa Tiệc ly, khi cúi mình xuống và rửa chân cho các môn đệ, Người đã muốn một cách nào đó tập cho các môn đệ làm quen với sự hạ nhục bản thân này. Khi ngã xuống đất lần thứ ba trên đường thập giá, Người còn kêu lớn tiếng về mầu nhiệm của Người cho chúng ta. Chúng ta hãy nghe lời Người! Người bị kết án này, ngã gục dưới thập giá rất gần nơi Người chịu hành hình, nói với chúng ta rằng: “Tôi, Tôi là Con Đường, là sự Thật và là sự Sống” (Ga 14,6)“Ai theo Tôi sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống”(Ga 8,12). Chúng ta đừng bối rối khi thấy một người bị kết án ngã xuống đất, kiệt sức dưới thập giá. Sự diễn tả ra bề ngoài này của cái chết gần kề đang che giấu ánh sáng của sự sống.

          Cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu Kitô, việc Chúa chịu hạ nhục dưới thập giá, đã mặc khải cho thế gian cái giá của sự Cứu Chuộc, xin ban cho mọi người trong ngàn năm thứ ba được ánh sáng của dức tin, để khi nhận biết Chúa là Người Tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa và của loài người, họ có can đảm đi theo cũng một con đường, nhờ thập giá và sự hạ mình xuống, dẫn tới sự sống muôn đời. Xin dâng lên Chúa Giêsu, Đấng nâng đỡ sự yếu đuối của chúng con, danh dự và vinh quang đến muôn đời.Amen!

          Lạy Cha chúng con…

          Có thể hát một câu ngắn…

Chặng thứ mười

Chúa Giêsu bị lột áo,

uống dấm chua và mật đắng.

–          Chúng con thờ lạy Chúa Giêsu Kitô…

“Chúa nếm, nhưng không muốn uống”(Mt27,34). Chúa không muốn uống thuốc giảm đau, vì nó có thể làm lu mờ ý thức trong cơn hấp hối. Chúa muốn hấp hối trên thập giá với ý thức tỉnh táo, chu toàn sứ mệnh đã lãnh nhận từ Cha Người. Điều này trái ngược với những phương pháp mà binh lính có bổn phận thi hành án xử quen dùng. Nhận trách nhiệm đóng đinh người bị kết án vào thập giá, họ tìm cách giảm bớt tính nhạy cảm và ý thức của Chúa. Trong trường hợp Chúa Kitô, Người không thể như vậy được. Chúa Giêsu biết rằng cái chết của Người trên thập giá phải là một lễ hy sinh đền tội. Vì thế Người muốn duy trì cho ý thức của Người tỉnh táo cho đến cùng. Thiếu ý thức, Người sẽ không thể hoàn toàn tự do, đón nhận toàn bộ mức đau khổ Người phải chịu. Người phải bước lên thập giá để dâng hiến lễ của Giao ước Mới. Người là Linh mục. Người phải đi vào bằng máu của bản thân Người, trong nơi ở đời đời, sau khi chu toàn việc cứu chuộc thế gian (xem Dt. 9,12). Có ý thức và tự do: đó là những đặc tính không thể hủy diệt được của một hành động có nhân văn đầy đủ. Thế giới có biết bao phương thế để làm suy yếu ý chí bằng cách làm cho ý thức bị lu mờ! Cần phải tích cực bảo vệ chúng chống lại mọi thứ bạo lực. Dầu có cố gắng hợp pháp để giảm nhẹ đau khổ cũng luôn phải thực hiện trong tôn trọng phẩm giá con người. Cần phải hiểu biết cho thâm sâu, hiến tế của Chúa Kitô, cần phải hợp nhất với Chúa để không lùi bước, để không cho phép sự sống và sự chết mất đi giá tri của chúng.

          Cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hiến toàn thân để chấp nhận chết trên thập giá hầu cứu rỗi chúng con, xin làm cho chúng con cũng như mọi người trên thế giói được dự phần vào hiến tế trên thập giá của Chúa, để đời sống chúng con cũng như hành động của chúng con, diễn tả ra sự dự phần vừa tự do vừa có ý thức của chúng con vào công cuộc cứu rỗi của Chúa. Xin dâng lên Chúa Giêsu là Linh mục và là Hiến tế, danh dự và vinh quang đến muôn đời. Amen!

          Lạy Cha chúng con…

          Có thể hát một câu ngắn…

Chặng thứ mười một

Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá.

–          Chúng con thờ lạy Chúa Giêsu Kitô…

“Họ đâm thủng tay chân tôi, tôi có thể đếm các xương tôi” (Tv 21[22], 17-18).Những lời của tiên tri đã thành sự thật. Việc hành hình bắt đầu. Những cú đánh dập tay chân của người bị kết án vào gỗ cây thập giá. Trong các lòng bàn tay, đinh được đóng vào thật mạnh. Các đinh này sẽ giữ cho người bị xử án bị treo trong cơn hấp hối đau đớn không tả được. Trong thân xác Người, cũng như trong tâm trí rất nhạy cảm của Người, Chúa Kitô đau đớn một cách không nói ra được. Cùng với Chúa, người ta đóng đinh hai kẻ bất lương, một bên phải một bên trái Người. Lời tiên tri được ứng nghiệm: “Người được liệt kê vào sổ các tội nhân” (Is 53,12). Khi các lý hình dựng thập giá lên, lúc đó bắt đầu một cuộc hấp hối kéo dài suốt ba giờ đồng hồ. Cũng cần phải ứng nghiệm lời này: “Tôi, khi nào tôi được nâng lên khỏi đất, Tôi sẽ thu hút về Tôi tất cả mọi người” (Ga 12,32). Có cái gì “thu hút” nơi một người bị kết án đang hấp hối trên thập giá? Chắc chắn là hình ảnh của một đau đớn khốc liệt như vậy phải gợi lên lòng cảm thương. Nhưng cảm thương không đủ sức thúc giục để liên kết đời sống bản thân mình với Người bị đóng đinh vào thập giá. Làm thế nào để giải nghĩa được rằng, từ thế hệ này sang thế hệ kia, cảnh tượng khủng khiếp này đã có thể thu hút những đám đông không thể đếm được, làm cho thập giá trở thành dấu hiệu đặc trưng của đức tin họ? Biết bao người nam và nữ suốt nhiều thế kỷ đã sống và đã dâng mạng sống họ khi chiêm ngắm dấu hiệu này? Từ trên thập giá, Chúa Kitô thu hút bằng sức mạnh của tình yêu, của tình yêu thần linh đã không bị loại trừ ra khỏi sự tận hiến chính mình; của tình yêu vô bờ bến, đã nâng cao khỏi đất cái sức nặng của thân xác Chúa Kitô trên thập giá, để bù trừ cái sức năng của tội lỗi xưa; của tình yêu không giới hạn, đã đổ đầy vào  mọi thiếu thốn tình yêu, và cho phép con người lại được ẩn trú trong cánh tay của Chúa Cha hằng thương xót. Ước mong Chúa Kitô được nâng lên trên thập giá thu hút chúng ta, những người nam và nữ của ngàn năm mới dưới bóng thập giá, “chúng ta hãy sống trong tình yêu như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta và phó mình cho chúng ta bằng cách dâng cho Thiên Chúa hiến tế có thể đẹp lòng Người” (xem Ep 5,2).

          Cầu nguyện : Lạy Chúa Kitô đã được nâng cao, lạy Tình yêu đã được đóng đinh vào thập giá, xin đổ đầy lòng chúng con bằng tình yêu của Người, để chúng con nhận ra trong thập giá Chúa dấu hiệu của việc cứu chuộc chúng con và, để nhờ được thu hút bởi những thương tích của Chúa, chúng con sống và chết với Chúa, Đấng thống trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, bây giờ và cho đến muôn đời. Amen!

          Lạy Cha chúng con…

          Có thể hát một câu ngắn…

Chặng thứ mười hai

Chúa Giêsu chết trên thập giá.

–          Chúng con thờ lạy Chúa Giêsu Kitô…

“Lạy Cha, xin tha cho họ: họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Trong lúc đau thương mãnh liệt nhất, Chúa Kitô không quên con người, và đặc biệt Chúa không quên  những người đã trực tiếp làm cho Người đau khổ. Người biết rằng con người, hơn tất cả mọi tạo vật khác, cần đến tình yêu; cần đến lòng thương xót, trong lúc này, đổ tràn trên trần gian. 

Thật sự, Tôi bảo cho anh, hôm nay anh sẽ được ở với Tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43).Chúa Giêsu đã trả lời như thế cho lời cầu xin của người gian phi bị treo bên phải Chúa: “Ông Giêsu ơi, xin nhớ đến tôi khi ông vào nước của ông”(Lc 23,43).Lời hứa về một cuộc sống mới. Đó là hiệu quả đầu tiên của cuộc khổ nạn và sự chết sắp xảy ra của Chúa Kitô. Một lời nói ban hy vọng cho con người. Ở dưới chân thập giá có Mẹ Chúa đứng, và gần Mẹ là môn đệ viết phúc âm Gioan. Chúa Giêsu nói: “Thưa bà đây là con của bà!” và nói với môn đệ: “Đây là Mẹ của anh!” (Ga 19,26-27).“Và kể từ giờ đó, môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19,27). Đó là di chúc của Chúa cho những người thân thiết nhất của lòng Người.

          Di chúc của Chúa cho Giáo hội. trong khi chết, Chúa Giêsu muốn tình yêu của Mẹ Maria ôm lấy tất cả những ai mà Người đã hiến mạng sống cho, đó là toàn thể nhân loại. Ngay sau khi đó, Chúa Giêsu kêu lên: “Tôi khát”(Ga 19,28). Lời nói tiết lộ ra cơn khát kinh khủng đang đốt cháy toàn thân Người. Đây là lời nói duy nhất trực tiếp bày tỏ nỗi đau đớn thể xác của Người. Rồi Chúa Giêsu thêm: “Lạy Thiên Chúa của Con, lạy Thiên Chúa của Con, sao Người bỏ rơi Con?” (Mt 27,46). Chúa cầu nguyện bằng lời của Thánh vịnh (2Tv 21,2). Dù có chứa đựng gì, câu nói làm nổi bật sự hợp nhất sâu xa của Người với Cha Người. trong những giây phút cuối cùng của đời Người trên trần gian, Chúa Giêsu hướng về Cha Người. Từ nay, cuộc đối thoại sẽ không còn diễn ra nữa giữa Chúa Con sắp chết với Chúa Cha chấp nhận hiến tế của tình yêu của Chúa Con. Khi tới ba giờ chiều, Chúa Giêsu kêu lên: “Thế là hoàn tất!” (Ga 19,30).

          Đây là giờ mà công trình Cứu Chuộc hoàn tất. Sứ mệnh  mà vì thế Chúa đến trần gian đã đạt tới đích. Phần còn lại thuộc về Chúa Cha: “Lạy Cha, con phó linh hồn Con trong tay Cha” (Lc 23,46). Nói thế xong, Chúa tắt thở. “Màn trong đền thờ bị xé ra làm hai” (Mt 27,51). Nơi “Cực thánh” trong đền thờ Giêrusalem mở ra ngay lúc Linh mục của Giao ước mới và vĩnh cửu tiến vào.

          Cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu Kitô, khi Chúa hấp hối, Chúa đã không vô tâm với số phận con người và, trong hơi thở cuối cùng, Chúa đã trao phó với yêu thương cho lòng thương xót của Chúa Cha, mọi người nam và nữ ở mọi thời cùng với những yếu đuối và những tội lỗi của họ, xin đổ đầy trên chúng con, cho chính chúng con và các thế hệ mai sau, Thánh Thần của tình yêu Chúa, để sự vô tâm của chúng con không làm cho những hoa trái của sự chết của Chúa trở thành vô ích. Xin dâng lên Chúa, lạy Chúa Giêsu chịu đóng đinh thập giá, sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa, danh dự và vinh quang đến muôn đời. Amen!

          Lạy Cha chúng con…

          Có thể hát một câu ngắn…

Chặng thứ mười ba

Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá

và được trao cho Mẹ Người

–          Chúng con thờ lạy Chúa Giêsu Kitô…

Thật buồn sầu và đau khổ biết mấy, lạy Mẹ được chúc phúc trong tất cả các người mẹ,là Mẹ của Người Con độc nhất! Người ta đã trao trong tay Mẹ thân xác không còn sự sống của Con Mẹ. Các sách Phúc âm không nói gì về điều Mẹ cảm thấy trong lúc này. Dường như các thánh sử viết Phúc âm, dùng sự thinh lặng để tỏ ý muốn kính trọng nỗi đau khổ của Mẹ, những tình cảm và những kỷ niệm của Mẹ. Hoặc đơn giản dường như các ngài tự đánh giá mình không có khả năng để diễn tả ra. Chỉ có lòng đạo đức của hàng thế kỷ đã bảo tồn trong bức tượng Pieta, ghi khắc lại trong trí nhớ của dân Kitô giáo, sự biểu hiện đau thương nhất của mối liên hệ tình yêu khôn tả, đã phát sinh từ trái tim Đức Mẹ ngày Mẹ được Truyền Tin, và chín mùi trong khi chờ đợi Người Con của Thiên Chúa giáng sinh. Tình yêu này được mặc khải trong hang đá Bêlem, nó đã phải chịu thử thách trong khi trình dâng Chúa trong Đền Thờ, nó đã được sâu lắng xuống đồng thời với những biến cố được gìn giữ và suy gẫm trong trái tim Mẹ (xem Lc 1, 37). Bây giờ mối tình yêu bền chặt phải được chuyển biến thành một sự hợp nhất vượt lên trên mọi biên giới của sự sống và sự chết. Và sẽ phải là như vậy dọc theo các thế kỷ: mọi người ngừng lại trước bức tượng Pieta (Trinh nữ thương xót) của họa sĩ Michel Ange, quỳ gối trước ảnh Người Ân nhân đau khổ trong nhà thờ của các Nữ Tu dòng Phanxicô bên Ba lan, trước Đức Mẹ Bảy sự thương khó, bổn mạng của xứ Slôvania, và họ tôn kính Mẹ trong nhiều Đền Thánh trên khắp thế giới. Như thế họ học được một tình yêu đòi hỏi và khắt khe, không chạy trốn trước đau khổ nhưng dấn thân cách tin tưởng vào tình âu yếm của Thiên Chúa, Đấng không có gì mà không thể làm được (xem Lc 1, 37).

          Cầu nguyện : Kính chào Nữ Vương, Mẹ nhân lành, là sự sống dịu hiền và là hy vọng của chúng con. Chúng con kêu cầu Mẹ ghé mắt nhân từ nhìn đến chúng con, và sau cuộc sống trần gian xin tỏ cho chúng con được thấy Chúa Giêsu con được chúc phúc của lòng Mẹ. Xin cho chúng con được ơn đức tin, đức cậy và đức mến, để giống như Mẹ chúng con cũng biết bền chí dưới chân thập giá cho đến hơi thở cuối cùng. Xin dâng lên con của Mẹ, Chúa Giêsu là Đấng cứu chuộc chúng con, cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, mọi danh dự và mọi vinh quang đến muôn đời. Amen!

          Lạy Cha chúng con…

          Có thể hát một câu ngắn…

Chặng thứ mười bốn

Thân xác Chúa Giêsu

Được mai táng trong mộ.

–          Chúng con thờ lạy Chúa Giêsu Kitô…

“Người đã chịu đóng đinh, chịu chết và chịu mai táng…” Thân xác không còn sự sống của Chúa Kitô đã được đặt trong mộ. Tuy thế, hòn đá che mộ không phải cái dấu ấn dứt khoát cho ngôi mộ. Tiếng nói sau cùng không thuộc về dối trá, về hận thù, hay về lạm dụng quyền bính. Tiếng nói sau cùng sẽ được phát biểu do Tình yêu, nó còn mạnh hơn cả sự chết. “Nếu hạt lúa mì rớt xuống đất không chết đi, nó vẫn trơ trội một mình; nhưng nếu nó chết đi nó sinh ra nhiều hạt khác” (Ga 12, 24). Ngôi mộ là giai đoạn cuối cùng của cái chết của Chúa Kitô trong suốt cuộc đời ở trần gian; đó là dấu hiệu hiến tế tối cao của Người. Cho chúng ta và cho sự cứu rỗi của chúng ta. Từ đây ngôi mộ này sẽ rất mau chóng trở nên lời loan báo đầu tiên để ngợi khen và ca tụng Con Thiên Chúa trong vinh quang của Chúa Cha. “Người đã chịu đóng đinh, chịu chết và chịu mai táng, [….] ngày thứ ba người đã sống lại từ trong kẻ chết”. Cùng với việc mai táng trong mộ thân xác không còn sự sống của Chúa Giêsu, dưới chân Golgota, giáo hội bắt đầu canh thức trong Ngày Thứ Bảy Thánh. Đức Maria gìn giữ và suy gẫm trong lòng cuộc khổ nạn của Con mình; các phụ nữ hẹn gặp nhau vào sáng hôm sau, sau ngày sabat để xức dầu thơm cho xác Chúa Kitô. Các môn đệ tập họp lại để ẩn trốn trong nhà tiệc ly cho đến khi ngày sabat qua đi. Cuộc canh thức đó kết thúc bằng việc gặp gỡ nơi mộ, ngôi mộ trống rỗng của Đấng Cứu Thế. Lúc đó ngôi mộ, là chứng nhân câm lặng của việc sống lại, ngôi mộ mới nói lên. Hòn đá lăn ra, bên trong trống rỗng, những giải khăn nằm dưới đất, đó là cái mà Gioan thấy, khi đến mộ với Phêrô: “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20, 8). Và cùng với ông, giáo hội đã tin, giáo hội từ lúc đó không ngừng truyền đi cho thế giới sự thật làm nền tảng cho đức tin của mình: “Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết để trở thành người đầu tiên trong các kẻ chết được sống lại”(1Cr 15, 20).

Ngôi mộ trống là dấu chỉ của hy vọng, không lừa dối ai (Rm 5, 5). « Nhờ hy vọng của chúng ta, chúng ta đã có sự bất tử. » (Xem Kn 3, 4).

          Cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, đã được Chúa Cha hướng dẫn từ bóng tối sự chết đến ánh sáng của một đời sống mới trong vinh quang, xin làm cho dấu hiệu ngôi mộ trống nói với chúng con, và nói với cả những thế hệ mai sau, và dấu hiệu đó trở nên nguồn mạch của đức tin sống động, của đức mến quảng đại và của đức cậy vững vàng. Xin dâng lên Chúa, lạy Chúa Giêsu, đang hiện diện cách ẩn giấu và chiến thắng trong lịch sử thế giới, danh dự và vinh quang đến muôn đời. Amen

          Lạy Cha chúng con…

          Có thể hát một câu ngắn…

Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

Nhà Hưu dưỡng linh mục Cần Thơ 2018