Ba Ngọn Nến Yêu Thương

print

̃ THÁNH GIA THẤT NĂM A 2019

Ba Ngọn Nến Yêu Thương

Lm. Giuse Nguyễn

Tôi rất thích bài hát: “Ba ngọn lên lung linh” của nhạc sĩ Ngọc Lễ: “Ba là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến hồng, ba ngọn nến lung linh, thắp sáng một gia đình”. Tại sao Ngọc Lễ không lấy hình ảnh gì khác mà lấy hình ảnh “cây nến” để chỉ về từng thành viên của gia đình? Tại sao không chọn màu nào khác mà chọn màu vàng cho cha, màu xanh cho mẹ và màu hồng cho con?… Có lẽ do là người công giáo, nên Ngọc Lễ biết rõ hình ảnh biểu tượng của ngọn nến là sự tiêu hao, là sự từ bỏ mình đi để đem lại hạnh phúc cho người khác. Độc đáo hơn, nhạc sĩ Ngọc Lễ còn dùng màu sắc để chỉ về đặc tính của từng thành viên trong gia đình. Màu vàng tượng trưng cho một niềm tin sắt son, màu xanh cho niềm hy vọng vững vàng, và màu hồng cho một tình mến nồng nàn.

Từ hình ảnh “3 ngọn nến lung linh”, chúng ta hãy biến gia đình của mình thành một cộng đoàn hy sinh, từ bỏ, đem lại lợi ích cho người khác như ngọn đèn; và biến gia đình chúng ta thành cộng đoàn đức tin, đức cậy, đức mến theo màu sắc vàng, xanh, hồng của 3 cây nến.

  1. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
    1. Bài Đọc I: (Hc 3, 2-14)

Đoạn sách Huấn ca này nói về bổn phận của một người con: “Con ơi hãy săn sóc cha con khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi” (Hc 3, 12). Đồng thời nói về lợi ích của việc hiếu thảo: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu” (Hc 3, 3). Dĩ nhiên con cái hiếu thảo với cha mẹ không phải để tìm lợi ích cho mình, nhưng vì nó đặt nền tảng trên Thiên Chúa: “Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái, quyền lợi bà mẹ, người củng cố trên đàn con”. Như vậy điều căn bản của lòng hiếu thảo chính là niềm tin vào Thiên Chúa, để từ đó thực thi tình mến đối với đấng sinh thành là đối tượng được Thiên Chúa gởi đến để đại diện Ngài chăm sóc chúng ta.

  1. Bài Đọc II: (Cl 3, 12-21)

Đức mến được thánh Phaolô chọn làm nền tảng cho các nhân đức trong đời sống gia đình: “Trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc mọi điều toàn thiện” (Cl 3, 14). Quả thật, chỉ có “đức yêu thương” mới làm cho “người vợ phục tùng chồng”. Chỉ có tình yêu mến mới khiến cho “người làm chồng yêu thương chứ không cay nghiệt với vợ”. Chỉ có tình yêu mới khiến những đứa con “vâng lời cha mẹ trong mọi sự”… Như vậy đức mến sẽ làm cho mọi thành phần trong gia đình biết từ bỏ chính mình và góp phần che chắn cho ngọn nến yêu thương trong gia đình càng cháy sáng, cháy mạnh.

  1. Tin mừng: (Mt 2, 13-15.19-23)

Đoạn Tin Mừng về thời thơ ấu của Chúa Giêsu phát họa cho chúng ta hai nét chính.

Nét thứ nhất chính là sự hy sinh, từ bỏ, không nề gian khó của Thánh Giuse và Đức Maria để lo cho gia đình Thánh Gia. Hài Nhi Giêsu vừa sinh ra đã bị sự ghen tương, thanh trừng của hoàng đế Hêrôđê. Vì vậy 2 ông bà phải vất vả vượt biên sang Ai Cập để lánh nạn. Một ông chồng dắt một người vợ vừa sinh con đi vượt biên, nhất là đứa con đó nằm trong đối tượng bị truy sát “trẻ em từ 2 tuổi trở xuống”. Chúng ta có quyền tưởng tượng Đức Mẹ phải giấu Hài Nhi trong chiếc giỏ mỗi khi gặp lính tráng, sợ hãi khi bị khám xét, lỡ Hài Nhi khóc lên thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra? Cũng có thể Hài Nhi nằm chung với những món hàng mà Thánh Giuse và Đức Mẹ là những con buôn vận chuyển hàng hóa…  Khi mới tạm thời ổn định bên Ai Cập, được lệnh, thánh Giuse lại dắt Đức Mẹ và Chúa Giêsu trở về đất nước Israel. Về nước nhưng không dám về quê là Giuđêa, vì vua con kế vị cũng gian ác không thua gì vua cha. Vì vậy 2 ông bà phải trú ngụ ở một xứ khác là Galilêa.

Nét thứ hai là gia đình này sáng ngời 3 nhân đức đối thần tin cậy mến. Thánh Giuse, người gia trưởng trong gia đình như thể là con người của điềm báo, của giấc chiêm bao. Đoạn Tin Mừng này có tới 3 lần thánh Giuse nhận được điềm báo từ sứ thần. Và lần nào cũng vậy, ông lập tức thi hành chứ không một lời thắc mắc, hỏi han. Điều đó thể hiện một niềm tin tưởng vững vàng của Giuse vào chương trình của Thiên Chúa dành cho bản thân ông và gia đình ông. Đức Maria, người hiền mẫu trong gia đình thì rạng ngời nhân đức trông cậy, phó thác. Quả thực, Mẹ hoàn toàn không biết gì về chương trình của Thiên Chúa đã định liệu cho Mẹ. Nơi Mẹ chỉ có tiếng Xin Vâng, nhưng không phải xin vâng trong mờ tối, mà xin vâng trong sự phó thác vào chương trình của Thiên Chúa và trông cậy vào thánh Giuse, người sẽ thay mặt Thiên Chúa để lo lắng cho Mẹ.

Đức Tin nơi thánh Giuse và Đức Cậy nơi Đức Mẹ được đặt nền tảng trên tình yêu vào đứa con là Hài Nhi Giêsu. Quả thật nếu không có nguồn cội tình yêu này thì làm sao họ có thể Tin và Cậy vào chương trình của Thiên Chúa được?

Nói tóm lại, chúng ta thấy một gia đình thánh là một gia đình biết hy sinh để mưu tìm hạnh phúc cho nhau; và nhất là một gia đình rạng ngời 3 nhân đức đối thần tin cậy mến. Đó là hình ảnh của 3 ngọn nến vàng, xanh, hồng đang tiêu hao để cháy sáng.

  1. THÁNH HÓA GIA ĐÌNH

Chúng ta chiêm ngắm máng cỏ là chiêm ngắm gia đình Thánh để từ đó tìm được bài học cho chúng ta.

1.Hy sinh cho nhau

Trước hết từng thành viên trong gia đình phải biết hy sinh cho nhau. Nghĩa là chấp nhận những mất mát, những thiệt thòi cho gia đình của mình. Câu chuyện đẹp nhất trong số những câu chuyện Giáng Sinh là câu chuyện về hai vợ chồng biết bỏ đi điều bản thân mình yêu thích để đáp ứng điều người yêu của mình mong muốn. Người chồng hy sinh chiếc mặt đồng hồ để mua chiếc lược cho người vợ. Người vợ hy sinh mái tóc của mình để mua sợi dây đồng hồ cho người chồng. Cuối cùng hai món đồ đó trở nên vô dụng, nhưng điều quan trọng nhất họ có được chính là một tình yêu sẵn sàng hy sinh tất cả cho người mình yêu.

Xét lại trong tình yêu vợ chồng, nhất là những cặp vợ chồng trẻ ngày nay chưa có được sự hy sinh nhiều lắm. Người chồng, người cha vẫn còn nghĩ đến bản thân của mình nhiều quá, để lo tìm những điều mình thích hơn là làm cho những người yêu của mình được hạnh phúc. Họ chưa dám hy sinh những cuộc vui, những chầu nhậu, những tệ nạn với hình thức cờ bạc,… để cho gia đình mình được niềm vui trọn vẹn.

Người vợ, người mẹ cũng chưa biết hy sinh cho gia đình khi còn nghĩ đến bản thân của mình nhiều quá. Một trong những điểm thể hiện đó là người vợ ngày hôm nay không biết đảm đang nữ công gia chánh; người mẹ không chăm chỉ nuôi con như ngày xưa. Khi sinh con họ sợ đau nên sinh bằng phương pháp mổ. Khi nuôi con họ sợ xấu nên cai sữa thật sớm. Khi chăm sóc con họ sợ mệt nên mướn người nuôi… Còn đâu những câu ca dao cảm động về hình ảnh người mẹ nữa: “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ, năm canh chày thức đủ vừa năm”, mà ngày nay người ta thay bằng: “Gió quạt Lifan mẹ mở Iphone cho con ngủ. Năm canh chày, mẹ ngủ vừa năm”.

Con cái chưa biết hy sinh cho cha mẹ mình vui khi chưa cố gắng học tốt, cố gắng xa tránh những điều xấu, mà vẫn còn mê chơi game, nói dối cha mẹ để tụ tập với bạn bè xấu. Lấy tiền bạc của gia đình để đánh bài, cá độ, thậm chí là hút chích… Nếu đã vào đời thì chưa cố gắng làm ăn mà vẫn còn ăn chơi lêu lỏng, khiến cha mẹ đã khổ vì nuôi con, nay càng khổ hơn vì phải lo cho con…

Tất cả những điều đó là vì người ta chưa biết hy sinh, chưa chấp nhận để cho mình tan chảy. Chính vì vậy mà ngọn nến sẽ từ từ tàn lụi đi chứ không thể cháy sáng được.

2.Rạng ngời nhân đức đối thần

Điều quan trọng nhất của một gia đình là phải rạng ngời 3 nhân đức đối thần: Tin Cậy Mến.

Điểm đầu tiên để người ta thấy một gia đình rạng ngời chính là họ biết cầu nguyện với nhau. Người ta thấy sáng sáng hai vợ chồng dắt nhau đi lễ. Chiều chiều cha hoặc mẹ dẫn con lại nhà thờ. Tối tối cả nhà quây quần bên nhau để đọc kinh chung…

Điểm kế tiếp của một gia đình rạng ngời là từng thành viên trong gia đình tham gia các sinh hoạt của họ đạo. Người chồng, người cha là hội đồng giáo xứ, ca đoàn hoặc một hội đoàn nào đó. Người vợ, người mẹ là hiền mẫu, Legio, hoặc một nhóm cầu nguyện. Người con sinh hoạt trong thiếu nhi, huynh trưởng, hoặc giới trẻ…

Điểm thứ 3 thể hiện một gia đình rạng ngời 3 nhân đức Tin, Cậy, Mến là gia đình đó có người dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì. Bởi vì để có một người đi tu, thì gia đình đó phải cầu nguyện, phải hy sinh nhiều lắm. Dĩ nhiên đây không phải là nguyên tắc tuyệt đối, vì có những gia đình không có người đi tu vẫn sống đức tin thật tốt. Ngược lại có những gia đình có con đi tu nhưng cha mẹ và anh chị em chẳng ra gì…

Tóm lại, các gia đình Công giáo được mời gọi noi gương gia đình Thánh Gia để biết tiêu hao chính bản thân mình đi vì hạnh phúc gia đình, nghĩa là biết hy sinh cho nhau. Đồng thời phải rạng ngời nhân đức Tin, Cậy, Mến trong gia đình. Hãy làm cho gia đình của chúng ta trở nên thánh thiện. Nhiệm vụ đó trước hết là của người cha, người mẹ phải biết sống đức tin của mình cho vững vàng, sau đó mới có thể hướng dẫn con cái sống đức tin mạnh mẽ. Vì vậy tôi ước mong trong tuần lễ này, những người chồng, những người vợ dám mạnh dạn đề nghị gia đình mình tổ chức đọc kinh hôm chung với nhau; những người con, nhất là giới trẻ hãy quyết tâm để cùng với cha mẹ mình biến gia đình của mình thành Hội Thánh tại gia. Dù mọi thứ xung quanh có quay cuồng, nhưng gia đình nào còn giữ được đức tin thì giống như họ có được chiếc neo vững chắc giữa phong ba bão táp đời.