4 Bài Ca về Người Tôi Trung Trong Tuần Thánh

print

4 Bài Ca về Người Tôi Trung Trong Tuần Thánh

Anthony Đinh Minh Tiên, OP

loinhapthe.com

 

Thứ Hai Tuần Thánh

Bài đọc: Isa 42:1-7; Jn 12:1-11.

1 Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng,Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân.2 Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường.3 Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. 4 Nó không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu. Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo.5 Đây là lời Thiên Chúa, lời ĐỨC CHÚA, Đấng sáng tạo và căng vòm trời, Đấng trải rộng mặt đất với hoa màu tràn lan, Đấng ban hơi thở cho dân trên mặt đất, ban sinh khí cho toàn thể cư dân.6 Người phán thế này: “Ta là ĐỨC CHÚA, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, 7 để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.

 

Người Tôi Trung Thực Thi Sứ Vụ Tới Cùng.

Bài ca thứ nhất về Người Tôi Trung của Thiên Chúa:

  1. Liên hệ giữa Thiên Chúa và Người Tôi Trung:

Đây không phải là một người thường, nhưng là Người được Thiên Chúa tuyển chọn: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho Thần Khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân.”

 

Thiên Chúa, Đấng sáng tạo mọi sự trong vũ trụ, Đấng trải rộng mặt đất với hoa màu tràn lan, Đấng ban hơi thở cho dân trên mặt đất, ban sinh khí cho toàn thể cư dân. Người phán thế này: “Ta là Đức Chúa, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta.”

 

  1. Sứ vụ và cách đạt mục đích của Người Tôi Trung:

(1) Sứ vụ của Người Tôi Trung: làm sáng tỏ công lý của Thiên Chúa trước mặt muôn dân: “Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.”

(2) Cách thi hành sứ vụ: Rất khác với cách của con người thường. Những đức độ của Người Tôi Trung được tiên tri Isaiah mô tả như sau:

– Khiêm nhường: “Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường.”

– Thương yêu: “Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi.”

– Trung thành đến cùng: “Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. Nó không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu. Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo.”

 

Thứ Ba Tuần Thánh

Bài đọc: Isa 49:1-6; Jn 13:21-33, 36-38.

1 Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây, hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: ĐỨC CHÚA đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi.2 Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người.Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người.3 Người đã phán cùng tôi: “Hỡi Ít-ra-en, ngươi là tôi trung của Ta.Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang.”4 Phần tôi, tôi đã nói: “Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì.”Nhưng sự thật, đã có ĐỨC CHÚA minh xét cho tôi, Người dành sẵn cho tôi phần thưởng.5 Giờ đây ĐỨC CHÚA lại lên tiếng. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ

để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Gia-cóp về cho Người và quy tụ dân Ít-ra-en chung quanh Người. Thế nên tôi được ĐỨC CHÚA trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi. 6 Người phán: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Gia-cóp, để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.”

Người Tôi Trung hoàn toàn tin cậy nơi Thiên Chúa.

Bài ca thứ hai về Người Tôi Trung của Thiên Chúa

1.Phải ghi nhớ muôn đời những gì Thiên Chúa đã làm, và loan báo cho mọi người được biết:

Người Tôi Trung tường thuật những gì Thiên Chúa đã làm cho ông: “Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây, hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người.” Tất cả những gì tôi sở hữu đến giờ này là do Người ban: tài năng, sức mạnh, sự hiểu biết. Người bảo vệ tôi như người dũng sĩ cất giấu các mũi tên bên mình, chứ không hoang phí một mũi tên nào.

Sẽ có những lúc Người Tôi Trung cảm thấy mệt mỏi, vì thấy những cố gắng của mình bị khoang phí và không mang lại kết quả như lòng mong ước, và phải thốt lên: “Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì.” Nhiều khi Người Tôi Trung còn phải lãnh nhận những hậu quả ngược lại điều mong ước: phản bội thay vì thương yêu, oán thù thay vì ân nghĩa.

2. Phải tin tưởng hoàn toàn vào sức mạnh của Thiên Chúa:

(1) Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi: Những lúc chao đảo như thế, Người Tôi Trung cần định thần để nhớ lại đâu là nguồn sức mạnh đích thực của mình, và đâu là sứ vụ đã được trao phó: “Nhưng sự thật, đã có Đức Chúa minh xét cho tôi, Người dành sẵn cho tôi phần thưởng. Giờ đây Đức Chúa lại lên tiếng. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Jacob về cho Người và quy tụ dân Israel chung quanh Người. Thế nên tôi được Đức Chúa trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi.”

(2) Không chỉ giải thóat Israel, mà còn trở nên ánh sáng cứu độ cho tòan thế giới: Sứ vụ của Người Tôi Trung không chỉ giới hạn trong vòng dân tộc Do-thái, nhưng được mở rộng cho tòan thế giới, vì như Thiên Chúa phán: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Jacob, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.”

 

Thứ Tư Tuần Thánh

Bài đọc: Isa 50:4-9; Mt 26:14-25.

4 ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ,để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ.5 ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.6 Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu.Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.7 Có ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.8 Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên. Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu toà! Ai muốn kiện cáo tôi? Cứ thử đến đây coi! 9 Này, có ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội?Này, tất cả chúng sẽ mục đi như chiếc áo, và sẽ bị mối ăn.

Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu toà! Ai muốn kiện cáo tôi? Cứ thử đến đây coi!

1. Sống làm chứng cho Thiên Chúa: Trước khi có thể chu tòan sứ vụ làm chứng cho Thiên Chúa, Người Tôi Trung phải biết dành thời giờ để cầu nguyện và lắng tai nghe như một người môn đệ: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ.” Một khi đã hiểu biết kế họach khôn ngoan của Thiên Chúa, Người Tôi Trung sẽ không lùi bước trước những khó khăn trước mặt: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.”

Người Tôi Trung sẵn sàng chịu mọi cực hình để làm chứng cho Thiên Chúa: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.” Khi phải chịu cực hình, Người Tôi Trung chịu đựng với một niềm tin: “Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.” Tất cả những điều này trở nên rõ ràng khi chúng ta chứng kiến Chúa Giêsu chịu mọi cực hình trong Cuộc Thương Khó của Ngài.

2.Ai có thể thắng nổi Thiên Chúa? Nguồn sức mạnh của Người Tôi Trung là ở nơi Thiên Chúa, Đấng tạo dựng, quan phòng, xét xử, và yêu thương con cái Ngài. Ông hãnh diện tuyên xưng Thiên Chúa và thách thức mọi kẻ thù: “Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên. Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu toà! Ai muốn kiện cáo tôi? Cứ thử đến đây coi!

Này, có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội? Này, tất cả chúng sẽ mục đi như chiếc áo, và sẽ bị mối ăn.” Sức mạnh và uy quyền của thế gian, nếu so sánh với quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa, chỉ như lấy trứng chọi vào đá.

Thứ Sáu Tuần Thánh

 Bài đọc: Isa 52:13 – 53:12

52

13 Này đây, người tôi trung của Ta sẽ thành đạt, sẽ vươn cao, nổi bật, và được suy tôn đến tột cùng. 14 Cũng như bao kẻ đã sửng sốt khi thấy tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa, 15 cũng vậy, nó sẽ làm cho muôn dân phải sững sờ, vua chúa phải câm miệng, vì được thấy điều chưa ai kể lại, được hiểu điều chưa nghe nói bao giờ.

53

1 Điều chúng ta đã nghe, ai mà tin được? Cánh tay uy quyền của Đức Chúa đã được tỏ cho ai? 2 Người tôi trung đã lớn lên tựa chồi cây trước Nhan Thánh, như khúc rễ trên đất khô cằn. Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. 3 Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới. 4 Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề. 5 Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. 6 Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng Đức Chúa đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta. 7 Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng. 8 Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu. Dòng dõi của người, ai nào nghĩ tới? Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt.9 Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn, bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa. 10 Đức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu. 11 Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ. 12 Vì thế, Ta sẽ ban cho nó muôn người làm gia sản, và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt, nó sẽ được chia chiến lợi phẩm, bởi vì nó đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thực ra, nó đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi.

Bài ca thứ tư về Người Tôi Trung của Thiên Chúa

Trong Bài ca thứ tư, Thiên Chúa cho biết lý do tại sao Người Tôi Trung phải chịu đau khổ: (1) để gánh chịu hình phạt cho nhân lọai, và (2) để đạt được vinh quang tuyệt đỉnh.

1.Người Tôi Trung được vinh quang tuyệt đỉnh qua đau khổ tột cùng: Tiên tri Isaiah muốn nhấn mạnh đến cách thức được vinh quang: “qua đau khổ tột cùng.” Cần chú ý đến 4 động từ dùng trong câu này: “Này đây, người tôi trung của Ta sẽ cư xử khôn ngoan (sakal), sẽ được vươn cao (rum), được tuyên dương (nasa), và được suy tôn đến tuyệt đỉnh (gabah meod). Vì Người Tôi Trung biết hành động khôn ngoan và hiệu quả, nên Người được vươn cao, được tuyên dương, và đạt tới vinh quang tuyệt đỉnh. Một người không thể đọc câu này mà không suy nghĩ đến (Phi 2:6-11, Acts 2:33, và Acts 3:13, 26). Tác giả Stier so sánh 3 giai đọan được nâng cao của Người với 3 giai đọan sống lại, lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa (Psa 110:1). Ai là Người Tôi Trung biết cư xử khôn ngoan để đạt được vinh quang tuyệt đỉnh như thế? Vua David? dân Israel? tiên tri? Chỉ có Đức Kitô mà thôi.

Đau khổ mà Người Tôi Trung phải chịu vượt quá đau khổ con người có thể tưởng tượng được: “bao kẻ đã sửng sốt khi thấy người tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ con người nữa.” Điều này tác giả muốn nhấn mạnh đến hậu quả của hình phạt: Vì chịu quá nhiều đau khổ nơi thân xác, Người Tôi Trung không còn giữ được dáng vẻ con người nữa.

Có một sự khác biệt giữa Bản Bảy Mươi và Bản Do Thái trong câu 52:15: Nhóm PVCGK dịch theo Bản Bảy Mươi: “Nó sẽ làm cho muôn dân phải sững sờ…” Theo Bản Do-thái: “Nó sẽ rẩy (yazah) trên các dân tộc …” E.J. Young cắt nghĩa: Động từ yazah là một động từ đặc biệt, dùng trong luật Moses cho việc rẩy dầu, nước, hay máu như một lễ nghi thanh tẩy bởi các tư tế (Lev 4:6, 8:11, 14:7a). Chúa Giêsu rẩy máu của người trên các dân tộc để thanh tẩy tội lỗi của họ như lời người Do-thái nói: “Máu của nó sẽ đổ trên chúng tôi và con cháu chúng tôi” (Mt 27:25).

2.Phản ứng của con người khi nhìn thấy Người Tôi Trung.

(1) Phản ứng của các vua chúa: Khi được chứng kiến tòan bộ: vinh quang tuyệt đỉnh cũng như đau khổ tột cùng của Người Tôi Trung, “các vua chúa sẽ phải câm miệng, vì được thấy điều chưa ai kể lại, được hiểu điều chưa nghe nói bao giờ.”

(2) Phản ứng của dân Chúa: “Ai mà tin được điều chúng ta đã tường thuật? Cánh tay uy quyền của Đức Chúa đã được mặc khải cho ai?” Vì điều Thiên Chúa làm quá cao siêu, vượt quá trí hiểu biết của con người; hậu quả là con người sẽ khó lòng tin được. Thánh Phaolô gọi Thập Giá là một điên rồ với người Hy-lạp, và sự sỉ nhục với người Do-thái. Họ không thể nào hiểu được một Thiên Chúa uy quyền muốn con mình chấp nhận điều đó. Nhưng Thiên Chúa uy quyền sẽ làm cho con người hiểu được Mầu Nhiệm Thập Giá và tin vào Đức Kitô, đó là Tin Mừng mà chúng ta rao giảng.

Tiên-tri tường thuật về cuộc đời của Người Tôi Trung với các động từ ở thời quá khứ tiên tri: “Người tôi trung đã lớn lên tựa chồi non trước Nhan Thánh, như khúc rễ trên đất khô cằn (Isa 11:1). Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới.”

3.Lý do tại sao Người phải chịu đau khổ: Người Tôi Trung chịu đau khổ vì con người.

* Lý do đúng: “Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta.”

* Lý do sai: “Còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề.”

“Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng Đức Chúa đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta. Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng. Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu. Dòng dõi của người, ai nào nghĩ tới? Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt. Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn, bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa.”

4.Những thắng lợi của Người Tôi Trung được hưởng.

(1) Ý muốn của Thiên Chúa được thực hiện: Người Tôi Trung là nhân vật chính trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, chính Ngài sẽ đưa kế hoạch này tới chỗ thành tựu và hòan hảo: “Đức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện.”

(2) Ức triệu sinh linh được cứu độ: Mục đích của Kế Hoạch Cứu Độ là giải thóat con người khỏi quyền lực của tội lỗi và mang lại ơn cứu độ cho muôn người: “Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ. Vì thế, Ta sẽ ban cho nó muôn người làm gia sản, và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt, nó sẽ được chia chiến lợi phẩm, bởi vì nó đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thực ra, nó đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi.”