Suy Niệm Chúa Nhật IV Thường Niên B – 2021

print

CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN B – 2021

Thế Lực Thù Địch

Lm. Giuse Nguyễn

Vua nước Tấn nghi quan Đại phu Loan Doanh có ý mưu phản, nên đem binh đánh diệt họ Loan. Con của Loan Doanh là Loan Phường trốn ra nước ngoài. Một hôm vua nước Tấn đi chơi thuyền với các quan. Cuộc du ngoạn đang vui thì nhà vua hỏi các quan bằng một giọng lo lắng:

  • Có ai biết Loan Phường bây giờ ở đâu không?

  Các quan đều nín lặng, không ai trả lời. Một tên chèo thuyền tên là Thanh Quyên tiến lên, hỏi vua rằng:

  • Nhà vua hỏi Loan Phường làm gì?

   Vua Tấn đáp:

  • Dòng họ Loan chưa chết hết, ta vẫn sợ họ báo thù nên lo đề phòng.

   Thanh Quyên đáp:

  • Nếu nhà vua biết sửa sang chính trị nước Tấn, cho dân chúng an cư lạc nghiệp thì dẫu họ Loan có mượn được quân nước ngoài về, dân nước Tấn cũng sẽ vì vua đánh đuổi họ Loan đi. Bằng không, nếu nhà vua bỏ bê việc triều chính, nhân dân đói khổ thì chính những người ở trong thuyền này cũng có thể là “thế lực thù địch” của nhà vua. Nhà vua đề phòng sao cho hết được.

Vua Tấn phục lời nghị luận của Thanh Quyên là chí lý.

(St)

Thù địch được định nghĩa là kẻ ở phía đối lập có mối hận thù một cách sâu sắc dẫn đến hành động chống lại quyết liệt vì lẽ sống còn. Có nhiều cách diễn tả “thế lực thù địch”. Đối với Kitô hữu, thế lực thù địch chính là ma quỷ.

Ngày nay, nhiều người không tin có ma quỉ. Họ thường giải thích các hiện tượng siêu nhiên do ma quỉ làm nơi con người thuần túy chỉ là những triệu chứng của bệnh thần kinh. Đang khi Kinh Thánh lại luôn khẳng định về sự hiện hữu của ma quỷ.

Trong Kinh Thánh, ma quỉ được gọi là “Con Mãng Xà”, “Xa-tan” hay “Thần ô uế” (x. Kh 20,2 ; Mc 1,23). Chúng vốn là thiên thần trên trời, nhưng do phản nghịch với Thiên Chúa nên đã bị phạt xuống hỏa ngục (x. Gd 1,6 ; Kh 20,7-10); Chúng được Thiên Chúa cho phép thử thách đức tin của người ta như trường hợp ông Gióp (x. G 1,6-2,7); Chúng cám dỗ người ta phạm tội như cám dỗ bà E-và (x. St 2,24), cám dỗ Đức Giê-su (x. Lc 4,2); Chúng ám hại người ta như đã giết 7 người chồng của bà Xa-ra (x. Tb 3,8 ; 6,14); Chúng trói buộc người ta bằng cách làm cho họ bị bệnh tật (x. Lc 13,16)…

Sứ mạng của Đức Giê-su là tiêu diệt ma quỉ (x. Mc 1,24). Người không nhờ tướng quỉ mà trừ quỉ (x. Mc 3,22-26), nhưng nhờ quyền năng Thiên Chúa (x. Mt 12,22tt). Kết quả là ma quỉ phải chịu khuất phục (x. Ga 14,30). Người cũng ban cho các Tông đồ được quyền trừ quỉ (x. Mc 6,7). Giờ Tử Nạn và Phục Sinh của Người là lúc ma quỉ bị tống ra ngoài và bị xét xử (x. Ga 12,31; 16,11).

Đến thời Giáo Hội Sơ Khai, Phi-líp-phê đã nhờ Thánh Thần mà trừ quỉ (x. Cv 8,7); Phao-lô cũng có khả năng trừ quỉ (x. Cv 19,11-12). Ngày nay ma quỉ vẫn đang hoành hành bằng cách nhập vào những người yếu đức tin (x. Mt 13,43-45); Chúng hành hạ người ta như sàng gạo vậy (x. Lc 22,31). Chúng giống như sư tử luôn rình mồi cắn xé người ta (x. 1 Pr 5,8). Hội Thánh vững tin sẽ toàn thắng ma quỉ khi đến ngày tận thế. Bấy giờ ma quỉ cùng những kẻ đi theo chúng sẽ bị giam phạt trong hoả ngục đời đời. (x. Mt 25,41; Lc 10,18)”

(LM ĐAN VINHV-HSTM)

Như vậy nguồn gốc của “thế lực thù địch” là chính các thiên thần nhưng đã phản nghịch cùng Thiên Chúa. Chúng luôn luôn chống đối Thiên Chúa và muốn phá hại những gì liên quan đến Ngài. Con người chính là đối tượng ma quỷ nhắm đến vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa, là công trình tốt đẹp của Ngài; ma quỷ không muốn con người được hạnh phúc vì chúng đã mất hạnh phúc.

Cơn cám dỗ trong vườn địa đàng và sự sa ngã của ông bà nguyên tổ đã nói lên sự thật về ma quỷ và con người, rằng ma quỷ không để con người yên và con người nếu không cẩn thận sẽ sa ngã vì “thế lực thù địch” luôn ở kề bên. Tuy nhiên Thiên Chúa cũng đã hứa ban ơn cứu độ, sự giải thoát trong ngày Adam và Eva bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng với hình ảnh người phụ nữ đạp nát đầu con rắn.

Lời hứa ấy hôm nay được Môsê giới thiệu cho dân chúng trong những lời giã biệt khi ông nhắc lại lời Đức Chúa: “Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ và Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy” (Đnl 18, 18).

Vị ngôn sứ đó chính là Đức Giêsu trong trang Tin Mừng hôm nay, đầy quyền năng trong lời nói và việc làm: “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người” (Mc 1, 22) , và ma quỷ khiếp sợ khi Ngài quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” (Mc1, 25). Ngài khiến Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!”. (Mc 1, 28).

“Thế lực thù địch” của con người dù mạnh đến mức nào cũng phải khuất phục trước quyền năng của Thiên Chúa. Nhưng con người phải luôn luôn ý thức vì ma quỷ như sư tử rảo quanh tìm mồi cắn xé, và tự sức con người không thể nào đối đầu với ma quỷ.

“Thế lực thù địch”, tay sai của ma quỷ ngày hôm nay sẽ có những nét sau đây:

  1. Dùng những phương thế ngọt ngào để phá vỡ sự hiệp thông trong Giáo hội: Điều ma quỷ sợ nhất là sức mạnh của sự hiệp thông, vì khi có hai ba người hiệp nhau cầu nguyện thì có Chúa ở giữa họ. Đó là điều Đức Giêsu đã khẳng định. Vì vậy ma quỷ sẽ nhiều khi trà trộn vào một tập thể nào đó, cũng làm việc đạo đức, nhiều khi sốt sắng hơn người khác; cũng làm việc từ thiện, đôi khi hăng say hơn người ta; cũng góp công, góp của, góp của xây dựng Giáo hội đôi khi là tất cả… nhưng dấu hiệu để nhận ra tay sai của ma quỷ là nó luôn luôn gây mất đoàn kết, mất hiệp thông trong cộng đoàn, trong tập thể. Làm việc chung mà cứ bắt người ta làm theo ý mình, làm việc tốt mà cứ đi nói xấu người khác… nghĩa là bằng mọi giá nó sẽ phá hủy một tập thể.
  2. Kiêu ngạo, không muốn ai hơn mình: Tội lớn nhất của ma quỷ là tội kiêu ngạo vì không muốn suy phục Thiên Chúa dù nó là thụ tạo của Ngài. Chính vì thế một trong những biểu hiện tay sai của ma quỷ là không muốn ai hơn mình trong mọi việc. Thấy người ta làm việc tốt nó cũng tìm đường nói ra cho xấu. Thấy người ta làm việc thiện nó cũng tìm cách xen vào để việc đó trở nên việc tà. Thấy người ta bố thí nó cũng nói cho đồ dư, đồ thừa, đồ hư, đồ thối… Sâu xa của những lời nói, việc làm của ma quỷ là vì không muốn ai hơn mình.
  3. Không biết yêu thương: Dấu hiệu rõ ràng nhất của “thế lực thù địch”, tay sai của ma quỷ là không biết yêu thương. Họ chỉ nghĩ đến bản thân của mình mà sẵn sàng ức hiếp những người thấp cổ, bé miệng. Họ ăn trên những đồng tiền xương máu của người khác, bằng mọi giá “Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”. Họ làm ngơ trước những giọt nước mắt, trước lời van xin của anh chị em mình, đôi khi là người thân thích, ruột thịt. Họ thiếu công bằng chứ chưa nói đến bác ái.

Để có thể thoát khỏi sự kiềm kẹp của ma quỷ, để không còn là tay sai của chúng và trở thành “thế lực thù địch” chúng ta phải luôn luôn tỉnh thức và cầu nguyện.

Cầu nguyện bằng những phương thế Giáo hội đã chỉ dạy và tạo điều kiện như những giờ kinh riêng, nhất là kinh hôm chung trong gia đình; tâm sự với Chúa trong mọi hoàn cảnh; đọc lời nguyện tắt: Lạy Chúa Giêsu xin thương xót con; tham dự Thánh lễ và siêng năng lãnh nhận các Bí tích…

Tỉnh thức để nhìn nhận sự thật nơi con người của mình có những điều sai. Chúng ta muốn trở thành điều tốt mà không chịu sửa sai thì không bao giờ tiến bộ vì không ai là người hoàn hảo. Ý thức giới hạn của mình là bước đầu tiên để tránh xa gọng kiềm của ma quỷ.

Kế đến phải tin tưởng tuyệt đối vào Chúa. Mê tín dị đoan chính là hình thức tinh vi nhất ma quỷ gieo vào trong đầu người Kitô hữu để họ đi nước đôi, đi hai hàng, cuối cùng họ mất hết tất cả mà tưởng rằng mình được cả hai. Đức Chúa trong cựu ước nói Ngài kinh tởm những kẻ ngoại tình. Còn Thiên Chúa trong tân ước thì nói những kẻ không nóng, không lạnh sẽ bị mửa ra.

Phương thế sau cùng để giúp ta thoát khỏi mà quỷ là biết sống yêu thương và làm việc bác ái. Ma quỷ sợ tình yêu thương, sự hiệp thông và chia sẻ. Vì thế khi chúng ta biết sống yêu thương bằng những hành động cụ thể, ma quỷ sẽ sợ chúng ta.

“Thế lực thù địch” là điều chúng ta phải luôn luôn chiến đấu để chống trả. Một điều chúng ta ý thức là chỉ có sức mạnh Thiên Chúa mới có thể khống chế được ma quỷ. Vì vậy chúng ta phải tuyệt đối tin tưởng, cậy dựa vào Ngài; đồng thời hiệp thông với nhau để có thêm sức mạnh chống lại “thế lực thù địch”.

Đức Maria, thánh cả Giuse và các thánh cũng là những vị có sức mạnh cầu bầu mà ma quỷ khiếp sợ. Vì vậy chúng ta hãy kêu cầu và bắt chước đời sống các ngài để thêm sức mạnh giúp mình chiến thắng ma quỷ.