5 Phút Giáo Lý GPCT Năm PV B 2020-2021
MỤC VỤ GIỚI TRẺ 2021:
Giáo Huấn 1: Chủ đề mục vụ năm 2021.
Giáo Huấn 2: Logo Năm Mục Vụ 2021
Giáo Huấn 3: Thư mục vụ HĐGMVN 2020.
Giáo Huấn 4: Những đức tính nhân bản của người trẻ.
Giáo Huấn 5: Mục đích của mục vụ giới trẻ.
Giáo Huấn 6: Tác nhân của mục vụ giới trẻ.
Giáo Huấn 7: Văn hóa giới trẻ ngày nay.
Giáo Huấn 8: Những lãnh vực cần quan tâm.
Giáo Huấn 9: Ngôn ngữ để tiếp cận giới trẻ.
Giáo Huấn 10: Giáo lý và luân lý cho giới trẻ
LỜI NGỎ
Kính quí Cha,
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã xác quyết:
“Ở cấp địa phương cũng như toàn cầu, Hội thánh càng dành ưu tiên cho việc Dạy giáo lý, thì Hội thánh càng tìm được trong việc Huấn giáo sức mạnh củng cố cho đời sống bên trong của cộng đoàn tín hữu, cũng như cho hoạt động loan báo Tin Mừng bên ngoài của Hội thánh…Hội thánh mong ước chúng ta đừng bỏ sót bất cứ việc gì cần thiết, cho một công cuộc dạy giáo lý có tổ chức và định hướng đúng đắn”[1].
Vì vậy, theo chương trình chung của Giáo Phận Cần Thơ, kính mời quí Cha cố gắng thực hiện “5 phút Học hỏi Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo”, cho các Cộng đoàn phụng vụ Chúa nhật nơi mỗi Họ đạo.
Năm 2021:
– Giáo huấn 1-10: Về Mục vụ Giới trẻ 2021.
– Giáo huấn 11-52: Học hỏi Giáo lý HTCG, Phần III: “Đời sống trong Đức Ki-tô” [2].
Kính mong Quí Cha tùy nghi sử dụng để trình bày, hoặc ít nhất là cho Xướng viên đọc sau khi rao lịch Công giáo mỗi Chúa nhật.
Thân mến
Ban Giáo lý/Hội Đồng Mục Vụ GPCT.
Tuần Tĩnh Tâm LMGPCT 23/11/2020.
GIÁO HUẤN 1
CHỦ ĐỀ MỤC VỤ NĂM 2021
H. Chủ đề mục vụ năm 2021 của Giáo hội VN là gì?
T. Chủ đề mục vụ năm 2021 của Giáo hội Việt Nam là “Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình”.
Dựa theo tông huấn “Chúa Ki-tô đang sống” (Christus vivit. Tắt: CV) của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã phác thảo 3 bước để đồng hành với người trẻ:
(1) Bước 1: Lắng nghe cuộc sống của người trẻ với những thuận lợi và thách đố đối với người trẻ tại Việt Nam hôm nay.
(2) Bước 2: Cùng với người trẻ phân định thánh ý Chúa dưới ánh sáng của sứ điệp Tin Mừng.
(3) Bước 3: Giúp người trẻ hành động để sống tuổi trẻ cách phong phú.
Từ đó, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đưa ra Chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm (2020 – 2022), với các chủ đề sau:
– Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.
– Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình.
– Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.
GIÁO HUẤN 2
LOGO NĂM MỤC VỤ 2021
H. Logo năm mục vụ 2021 nói lên điều gì ?
T. Logo nhắc nhớ người trẻ về đoạn Tin Mừng diễn tả cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với hai môn đệ trên đường Em-mau, để người trẻ tìm ra ý nghĩa của cuộc đời mình.
Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 15, năm 2018, đã nhìn nhận hành trình Em-mau, trong Tin Mừng Lc 24,13-35, như là một văn bản kiểu mẫu để hiểu sứ vụ của Hội thánh trong tương quan với các thế hệ trẻ, và giúp tái hiện lại cuộc đối thoại của Đức Giêsu với người trẻ hôm nay.
Kiểu mẫu này mong muốn gửi đến người trẻ bài học về sự trưởng thành đức tin, thông qua tiến trình 3 bước theo diễn biến tâm lý của hai môn đệ trên hành trình Em-mau, đó là:
– Để Chúa Giê-su bước vào trong đêm tối của cuộc đời.
– Khi lắng nghe Người, họ cảm thấy lòng ấm lên và trí sáng ra; khi Người bẻ bánh, mắt họ mở ra.
– Chính họ chọn đi trở lại ngay lập tức trên con đường vừa đi, để về với cộng đoàn, và chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục sinh.
Cụm từ “Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình” là chủ đề được HĐGMVN chọn như một lời mời gọi, một xác nhận về sứ vụ đồng hành và dìu dắt của Giáo Hội dành cho người trẻ từ những điều cốt lõi và cơ bản nhất là gia đình, để họ được cung cấp đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm, giáo lý Đức Tin, sẵn sàng bước vào bậc sống gia đình.
GIÁO HUẤN 3
THƯ MỤC VỤ HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VN 2020
H. Thư mục vụ nhận định gia đình là gì với người trẻ hôm nay?
T. Gia đình là nơi giúp người trẻ tập sống các mối tương quan:
. Với Thiên Chúa trong việc cầu nguyện.
. Với cha mẹ trong sự hiếu thảo.
. Với anh chị em trong tình huynh đệ.
– Cầu nguyện với Thiên Chúa nơi Gia đình: Giáo lý Hội thánh Công Giáo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc gia đình cầu nguyện:
“Gia đình Ki-tô giáo là nơi đầu tiên để giáo dục việc cầu nguyện. Được xây dựng trên bí tích Hôn Nhân, gia đình Ki-tô giáo là giáo hội tại gia, nơi con cái Chúa học tập cầu nguyện như Giáo Hội và kiên trì trong việc cầu nguyện” (số 2685).
– Chữ hiếu: Chữ Hiếu là bài học đầu tiên của “Đạo làm người”, là nền tảng đạo đức của xã hội. Thầy Mạnh Tử nói: “Không trọn đạo với cha mẹ thì không đáng làm người”. Hơn nữa, khi chúng ta tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ chính là lúc chúng ta tỏ lòng thảo kính với chính Thiên Chúa là Đấng dựng nên tất cả chúng ta.
– Tình huynh đệ: Tình huynh đệ trong một gia đình tỏa sáng cách đặc biệt khi chúng ta thấy sự ân cần, kiên nhẫn, tình thương bao bọc một đứa em trai hay em gái nhỏ yếu đuối, bệnh tật, hoặc tật nguyền. Và việc giúp đỡ nhau giữa các anh chị em là điều thật tốt đẹp. Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải mang tình huynh đệ vào trung tâm của xã hội kỹ thuật và quan liêu của chúng ta.
GIÁO HUẤN 4
NHỮNG ĐỨC TÍNH NHÂN BẢN CỦA NGƯỜI TRẺ
H. Những đức tính nhân bản nào được người trẻ học tập trong gia đình?
T. Những đức tính nhân bản đó là : Trung thực, quảng đại, phục vụ, và tinh thần trách nhiệm, để đào tạo thành con người trưởng thành toàn diện.
Giáo dục Nhân bản là giáo dục nhằm giúp nhận biết con người thật của mình là hình ảnh của Thiên Chúa, duy nhất, độc đáo, độc lập, trọn vẹn giá trị.
Ngày nay có nhiều bậc cha mẹ rất quan tân đến việc giáo dục nhân bản cho con cái trong gia đình. Tuy nhiên, vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ các cha mẹ bận rộn suốt ngày, nên đôi khi phó mặc việc giáo dục con cái trong gia đình cho ông bà, bảo mẫu hoặc thậm chí còn lơ là bỏ qua.
Trong bối cảnh của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhất là dưới sự tác động của toàn cầu hóa, hệ giá trị gia đình ở Việt Nam đang có sự biến đổi rất lớn. Bên cạnh những giá trị cổ truyền như “kính trên, nhường dưới”, lòng trung thực, quảng đại, phục vụ và tinh thần trách nhiệm… thì những giá trị mới như “quyền tự do cá nhân”, “bình đẳng giới”, “quyền trẻ em”, “sự tự chủ – tự lập” cũng ngày càng được lưu tâm.
Việc giáo dục nhân bản không chỉ được thực hiện bằng lời dạy, mà còn bằng chính cuộc sống của cha mẹ. Gương sáng của cha mẹ chính là cuốn sách sống động về giáo dục nhân bản cho con cái. Người trẻ thẩm thấu từ cha mẹ cách yêu thương chính mình và yêu thương người khác, các quan niệm và giá trị, các hành động, ứng xử, giải quyết vấn đề và các chọn lựa trong cuộc sống.
GIÁO HUẤN 5
MỤC ĐÍCH CỦA MỤC VỤ GIỚI TRẺ
H. Mục vụ giới trẻ nhằm mục đích gì?
T. Mục vụ Giới trẻ nhằm khơi dậy, và đào sâu kinh nghiệm đức tin. Nghĩa là tạo điều kiện để các bạn trẻ gặp gỡ Chúa Giê-su, và vui bước theo Người (x. CV 212).
– Tông huấn “Chúa Kitô đang sống” mời gọi một sự thay đổi sâu xa trong cách nhìn và cách làm mục vụ giới trẻ, từ chỗ áp đặt chương trình đào tạo có sẵn (tín lý, luân lý, phụng vụ…) đến chỗ khơi dậy và đào sâu kinh nghiệm đức tin nơi người trẻ. Trên đường Em-mau, Chúa Giê-su đã không “lên lớp” hai môn đệ trước nhưng Người đồng hành với họ, khơi dậy những thao thức và băn khoăn của họ, lắng nghe họ tâm sự, rồi mới giúp họ khám phá ý nghĩa của các sự kiện trong chương trình của Thiên Chúa.
– Tông huấn nói đến việc phải đánh thức và đào sâu kinh nghiệm đức tin nơi người trẻ hơn là hấp thụ kiến thức. Thông thường, những kinh nghiệm này được khơi dậy không phải bằng những bài học lý thuyết nhưng qua những con người, biến cố, sự kiện cụ thể. Vì thế, chuyện kể, chia sẻ chứng từ, gương sống là những cách thế đem lại hiệu quả nhiều hơn.
– Tông huấn đề nghị phải quan tâm nhiều hơn đến chiều kích cộng đoàn và phục vụ trong mục vụ giới trẻ, vì thế sinh hoạt nhóm nhỏ, cùng với những chuyến hành hương, dã ngoại, làm công tác xã hội… là những cách thế rất tốt trong mục vụ giới trẻ.
GIÁO HUẤN 6
TÁC NHÂN CỦA MỤC VỤ GIỚI TRẺ
H. Ai là tác nhân của Mục vụ Giới trẻ? Vì sao?
T. Chính người trẻ là tác nhân của Mục vụ giới trẻ. Vì chính người trẻ biết cách nào là tốt nhất để quy tụ, tổ chức, cũng như cách thức loan báo Tin Mừng (x. CV 203.210).
– Tông huấn “Chúa Kitô đang sống” mời gọi một sự thay đổi về nhận thức : người trẻ không chỉ đóng vai trò thụ động trong mục vụ giới trẻ (chỉ biết đón nhận và tuân theo những gì người hướng dẫn chỉ bảo), nhưng đóng vai trò chủ động (biết cách nào là tốt nhất để quy tụ các bạn trẻ, tổ chức các sự kiện, loan báo Tin Mừng qua mạng xã hội).
Các nghị phụ khẳng định, “Người trẻ Công giáo không chỉ là người đón nhận hoạt động mục vụ. Người trẻ giúp cho Hội Thánh phong phú trong chính hiện hữu của mình chứ không chỉ trong những hoạt động. Người trẻ là hiện tại chứ không chỉ là tương lai của Hội Thánh” (Final Document, số 54).
– Điều cần thiết là phải để cho giới trẻ có không gian tự do để họ có thể phát huy khả năng. “Người trẻ tích cực tham gia nhiều hoạt động của Hội Thánh bằng sự phục vụ quảng đại, nhất là qua việc dạy Giáo lý, cử hành phụng vụ, chăm sóc người đau yếu, việc từ thiện cho người nghèo. Các phong trào, hội đoàn tôn giáo cũng tạo cho người trẻ cơ hội phát huy sự dấn thân và tinh thần trách nhiệm.
Đôi khi sự sẵn sàng của người trẻ lại gặp phải sự độc đoán và không tin tưởng từ phía người lớn tuổi hoặc các cha xứ, vì các ngài không nhận ra cách đầy đủ tính sáng tạo nơi người trẻ, hoặc vì họ không muốn chia sẻ trách nhiệm” (Final Document, số 54).
GIÁO HUẤN 7
VĂN HÓA GIỚI TRẺ NGÀY NAY
H. Những đặc tính nổi bật của văn hoá giới trẻ ngày nay là gì?
T. Những đặc tính đó là : ưa chuộng hình ảnh, chú ý đến cảm giác và cảm xúc, ưu tiên cho những gì cụ thể, đề cao tình bạn trên mạng xã hội, quan tâm đến đối thoại và hoà bình.
Trong Tông huấn Chúa Kitô đang sống, Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô nhận xét: “Mục vụ giới trẻ theo truyền thống đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi những thay đổi của xã hội và văn hóa”.
Cách thế các thế hệ trẻ tiếp cận thực tại có những đặc tính riêng…Trong số những đặc tính nổi bật nhất của văn hóa giới trẻ, cần ghi nhận những điểm sau:
(1) Họ ưa chuộng hình ảnh hơn những hình thái truyền thông khác (đọc, nghe);
(2) Tầm quan trọng của cảm giác và cảm xúc như một cách tiếp cận thực tại, và dành ưu tiên cho những gì cụ thể hơn là phân tích lý thuyết;
(3) Đề cao tình bạn, ví dụ thuộc về một nhóm hoặc nối kết với nhau qua mạng xã hội;
(4) Người trẻ thường hồn nhiên và cởi mở với tính đa dạng, do đó họ quan tâm đến hòa bình, sự đối thoại giữa các nền văn hóa và tôn giáo.
Nhận xét này rất đáng quan tâm, vì giúp việc đồng hành với người trẻ trong gia đình đạt được những thành quả tốt đẹp.
GIÁO HUẤN 8
NHỮNG LÃNH VỰC CẦN QUAN TÂM
H. Những lãnh vực nào cần quan tâm trong Mục vụ giới trẻ ?
T. Đó là những lãnh vực sau đây :
. Một là : Mục vụ giới trẻ và mục vụ gia đình.
. Hai là : Mục vụ giới trẻ và mục vụ loan báo Tin Mừng.
. Ba là : Đời sống nội tâm và việc đạo đức bình dân.
. Bốn là : Internet và mạng xã hội.
– Mục vụ giới trẻ và mục vụ gia đình : “Gia đình phải là nơi đồng hành đầu tiên… Vì thế, Mục vụ giới trẻ và Mục vụ gia đình cần phải phối kết với nhau, để bảo đảm sự đồng hành liên tục và thích hợp trong tiến trình ơn gọi” (CV số 242).
– Mục vụ giới trẻ và mục vụ Loan báo Tin Mừng : “Nếu biết lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần đang nói với mình, chúng ta sẽ nhận ra rằng mục vụ giới trẻ phải luôn là mục vụ Loan báo Tin mừng” (CV số 240).
– Đời sống nội tâm : người trẻ học biết nếm hưởng sống thân mật với Chúa, tôn thờ Thánh Thể và cầu nguyện dựa trên Lời Chúa; biết quý trọng những thời nhịp mạnh nhất của Năm Phụng vụ, đặc biệt là Tuần Thánh, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, và Giáng Sinh (x. CV số 224).
– Việc đạo đức bình dân : “Những biểu hiện khác nhau của lòng đạo đức bình dân, nhất là những cuộc hành hương, hấp dẫn người trẻ… Không được khinh thường những cách thức ấy, nhưng hãy khuyến khích và thúc đẩy” (CV số 238).
– Internet và mạng xã hội : Các trang mạng đang tạo nên một cơ hội đặc biệt để đối thoại, gặp gỡ và trao đổi với nhau, cũng như để tiếp cận thông tin về tri thức. Tuy nhiên, thế giới kỹ thuật số cũng là một không gian đầy cô đơn, tin giả, bị thao túng, bị khai thác, và mang tính bạo lực (x. CV số 87-89).
GIÁO HUẤN 9
NGÔN NGỮ ĐỂ TIẾP CẬN GIỚI TRẺ
H. Phải dùng ngôn ngữ nào để tiếp cận giới trẻ ?
T. Phải dùng ngôn ngữ tình yêu, phục vụ và quy tụ, thể thao và âm nhạc, linh hoạt và thiên nhiên để tiếp cận giới trẻ.
– Ngôn ngữ tình yêu : “Người trẻ có thể hiểu được ngôn ngữ của những người sống hiến thân, những người sống với họ và cho họ, và cả những ai, dù còn đầy giới hạn và yếu đuối, cố gắng sống đức tin chân thành” (CV số 211).
– Ngôn ngữ của phục vụ và quy tụ : Nhiều người trẻ được lôi cuốn bởi các cơ hội giúp đỡ người khác, nhất là trẻ em và người nghèo… (x. CV số 225). Các cuộc quy tụ ở tầm châu lục, quốc gia, giáo phận… tạo điều kiện cho người trẻ đồng hành với nhau, cảm nghiệm tình huynh đệ, chia sẻ đức tin cách vui tươi và gần gũi với Hội Thánh hơn (x. Final Document, số 144).
– Ngôn ngữ của thể thao và âm nhạc : Thể thao là niềm vui được vận động, được quy tụ với nhau, niềm vui sống và đón nhận những quà tặng mà Đấng Tạo Hóa ban cho ta mỗi ngày (x. CV số 227). Âm nhạc là một môi trường thực sự và như một loại văn hóa và ngôn ngữ có khả năng khơi dậy cảm xúc và xây dựng căn tính (x. CV số 226).
– Linh hoạt và thiên nhiên : Linh động tạo cho các bạn trẻ những cơ hội để học hỏi, để chia sẻ cuộc sống… và cùng nhau gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống trong cộng đoàn (x. CV số 204). Thiên nhiên đặc biệt hấp dẫn rất nhiều bạn trẻ thanh thiếu niên… như tổ chức những ngày sống giữa thiên nhiên, và các chiến dịch cải thiện môi trường (x. CV số 228).
GIÁO HUẤN 10
GIÁO LÝ VÀ LUÂN LÝ CHO GIỚI TRẺ
H. Hai điểm chính yếu trong việc đào tạo Giáo lý và Luân lý cho Giới trẻ là gì?
T. Hai điểm chính yếu trong việc đào tạo Giáo lý và Luân lý cho Giới trẻ là : lời rao giảng tiên khởi (Kerygma) và sự phát triển trong tình huynh đệ, trong đời sống cộng đoàn và phục vụ (x. CV số 213).
Tông huấn “Chúa Kitô đang sống” cho rằng : Hai điểm chính yếu trong việc đào tạo giáo lý và luân lý cho giới trẻ là :
(1) Đào sâu lời rao giảng tiên khởi (Kerygma), vốn là kinh nghiệm nền tảng của cuộc gặp gỡ Thiên Chúa qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu… vì thế mục vụ giới trẻ nên thường xuyên tạo ra các cơ hội để làm mới và đào sâu kinh nghiệm cá vị của mỗi người về tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu của Đức Giêsu Kitô đang sống. Có thể làm điều này bằng những cách thức khác nhau như : chia sẻ chứng từ, các bài hát, giờ chầu, suy niệm Lời Chúa, và thậm chí sử dụng các mạng xã hội cách khôn ngoan (x. CV số 213. 214)
(2) Sự phát triển trong tình huynh đệ, trong đời sống cộng đoàn và phục vụ, giúp người trẻ triển nở trong tình huynh đệ, sống như anh em với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, phục vụ người khác, gần gũi với người nghèo. Nếu tình huynh đệ là “điều răn mới” (Ga 13,34), “là sự chu toàn lề luật” (Rm 13,10), thì nó phải chiếm một vị trí chính yêu trong mọi chương trình đào tạo và thăng tiến Giới trẻ. (x. CV 213. 215).
[1] X. Tông huấn về Huấn Giáo, s. 15; 64.
[2] Với các câu hỏi-thưa từ Bản Hỏi-Thưa/Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. UBGLĐT/ HĐGMVN/ Nxb. Tôn giáo 2013.