5 Phút Lời Chúa Mỗi Ngày – Tháng 03 – 2021

print

5 Phút Lời Chúa Mỗi Ngày – Tháng 03 – 2021

01/03/21 thứ hai tuần 2 mc
Lc 6,36-38

 Trở nên giống như cha

“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6,36)

Suy niệm: Chúng ta thường nói: ‘Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh’. Chúa đã cho chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha, Ngài cũng đòi hỏi chúng ta phải nên giống Chúa. Vì thế khi mời gọi: “Anh em hãy có lòng nhân từ…” Đức Giê-su không nói phải nhân từ như người này hay người khác mà là “như Cha anh em là Đấng nhân từ.” Và để thể hiện lòng từ tâm đó, Chúa đã tha thiết dặn dò cụ thể: – sống hiền lành và khiêm nhường; – không xét đoán, không lên án anh em; – tha thứ không điều kiện và không giới hạn; – quảng đại chia sẻ, cho đi mà không cần đền đáp; – có lòng thương xót, cảm thông; – luôn nhẫn nại và khoan dung.

Mời Bạn: Khi đọc lời nhắn nhủ trên đây của Đức Giê-su, chúng ta thấy đó là chuyện không thể thực hiện được? Quả thật, nhân từ như Chúa Cha thì quá cao xa. Nhưng chúng ta có Đức Ki-tô đồng thân phận con người chúng ta là mẫu gương và nguồn sức mạnh cho chúng ta. Với Ngài, điều không thể đó trở thành có thể. Kết hợp với Chúa nơi bí tích Thánh Thể và nghiền ngẫm Lời Ngài, chúng ta sẽ thấm nhuần tinh thần của Chúa và trở nên giống như Ngài. Ngày nào mỗi người chúng ta đem những lời này ra thực hành, ngày đó một nhân loại mới bắt đầu sinh ra, một giáo xứ sống đạo đích thực tồn tại và một gia đình Ki-tô hữu trở thành chứng nhân cho Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa: Bạn đang có chuyện bất hòa với một ai đó, bạn hãy xin Chúa cho ban biết tha thứ, và chủ động làm hòa.

Cầu nguyện: Hát “Kinh Hòa Bình”

 

02/03/21 THỨ BA TUẦN 2 MC
Mt 23,1-12


PHỤC VỤ NHƯ ĐỨC KI-TÔ

“Anh em đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.” (Mt 23,11-12)

Suy niệm: Trong đời sống xã hội, làm sao không cần có luật lệ cũng như tôn ti trật tự? Chính vì thế cần có sự lãnh đạo. Thế nhưng, lắm người khi vừa có chút chức quyền, đã vội lên mặt đòi hỏi người khác phải cung phụng, phục vụ  mình. Biết bao tệ nạn nhũng nhiễu, chèn ép bất công trong xã hội hiện nay là hậu quả của não trạng đó. Chúa Giê-su dạy ta noi theo mẫu gương của người lãnh đạo không ỷ vào quyền lực nhưng phục vụ trong khiêm tốn, mẫu gương đó là chính Ngài “đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Chúa không chỉ nói mà Ngài còn làm gương khi quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ; và hơn nữa công việc phục vụ cao cả nhất của Ngài là hiến thân chịu chết trên thập giá để cứu chuộc muôn người.

Mời Bạn: Có lần nào bạn trách móc bực dọc với người khác vì không chiều theo ý bạn không? Đôi khi ta thường đòi hỏi người khác mà quên đặt mình vào vị trí của họ để cảm thông chia sẻ. Thay vì đòi hỏi người khác phục vụ mình, bạn quan tâm chăm sóc người khác, đặc biệt những người bé mọn, dễ bị tổn thương nhất. Mời bạn đi theo con đường của Thầy Giê-su, đảm nhận trách nhiệm, gánh chịu những thiệt thòi về phần mình để anh chị em được hạnh phúc.

Sống Lời Chúa: Nhìn lại những thiếu sót đối với anh chị em mình, và sẵn sàng phục vụ tha nhân cách quảng đại và khiêm tốn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con phục vụ khiêm tốn như Chúa. Amen.

 

03/03/21 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 2 MC
Mt 20,17-28

 

PHỤC VỤ VÀ LÀM ĐẦY TỚ

Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.(Mt 20,26-27)

Suy niệm: Tiêu chí xác định người “làm lớn” và người “làm đầu” theo Đức Giê-su ngược lại hoàn toàn với tiêu chí của thế gian. Đối với thế gian, làm lớn và làm đầu nghĩa là nắm giữ vinh dự cho mình và quyền lực trên người khác. Còn người làm lớn theo Đức Giê-su là người đầy tớ và quên mình phục vụ tha nhân: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.” Tiêu chí Đức Giê-su đưa ra thì Người đã thực hành trước; Người trở nên gương mẫu cho ai muốn làm môn đệ đích thực của Người: “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

Mời Bạn: Xã hội ngày nay nói nhiều đến phục vụ, nhưng đa phần đó là “dịch vụ” tiền trao cháo múc. Sứ điệp của Mùa Chay nhắc nhở chúng ta phục vụ theo cung cách Tin Mừng; đó là trở nên “đầy tớ cho anh em”, sẵn sàng cho đi mà không mong được đền đáp, không mưu đồ tư lợi, không tranh dành một địa vị danh dự. Trái lại noi gương và kết hợp với Đức Giê-su “hiến thân để trở nên giá chuộc cho muôn người”.

Sống Lời Chúa: Quyết tâm không chỉ chu toàn các bổn phận của mình trong cộng đoàn mà còn sẵn sàng hy sinh làm những việc “không tên” và “hèn mọn” để giúp ích cho anh chị em mỗi khi cần đến.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con đang theo Chúa. Xin cho chúng con thấm nhuần tinh thần hiến dâng phục vụ của Chúa, ngõ hầu chúng con thực sự là môn đệ của Chúa.

 

04/03/21 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 2 MC
Lc 16,19-31

 

LIÊN ĐỚI NỐI LIỀN KHOẢNG CÁCH

“Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no.” (Lc 16,19-21)

Suy niệm: Khoảng cách từ bàn tiệc của ông nhà giàu đến cánh cổng nhà ông, nơi anh La-da-rô nghèo khó đang nằm, không bao xa, thế nhưng đối với trái tim của ông nhà giàu thật là diệu vợi, đến nỗi ông không thể nhận biết sự hiện diện của anh, nói chi đến việc cảm nhận nỗi đau đang hành hạ thân xác anh và sự thèm muốn được ăn “những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống.” Qua dụ ngôn hôm nay, Chúa Giê-su dạy không thể có hạnh phúc thật khi sống cô lập với tha nhân; cũng thế, không ai được phép hưởng dùng tài sản, khả năng, trí tuệ và cả thời gian chỉ cho riêng mình mà lại đóng cửa với người khác.

Mời Bạn: Trong thông điệp Fratelli Tutti, ĐTC Phan-xi-cô đã nhấn mạnh tình huynh đệ và sự liên đới là phương thức hữu hiệu để xây dựng một thế giới tươi đẹp, công bằng, và hòa bình hơn. Trái ngược với nó là văn hóa của sự thờ ơ, vô cảm, và đóng khung trong vỏ ốc của mình. Bạn có đóng khung tâm-trí-tầm của mình trong thói quen ích kỷ hay mở mắt-trí-lòng để cảm nhận những nỗi khổ đau, khắc khoải của tha nhân?

Sống Lời Chúa: Tiết giảm những chi tiêu không thiết yếu để dành vào việc trợ giúp những anh chị em gặp hoàn cảnh khó khăn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương lấp đầy hố sâu oán thù, đem hoà giải tha thức vào nơi hờn giận ghen ghét, đem an ủi, chia sẻ đến những ai cơ nhỡ, bị bỏ rơi.

 

05/03/21 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 2 MC
Mt 21,33-43.45-46

 

thuốc đặc trị vi-rút sự ác

“Bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó.” (Mt 21,37)

Suy niệm: Con vi-rút quái ác Corona xuất hiện từ cuối năm 2019 đến nay làm điên đảo cả thế giới. Các nhà khoa học gần đây vừa tìm ra một số loại vắc-xin để ngăn chặn sự lây nhiễm thì đã phát hiện thêm ít là 3 biến thể mới, lây nhanh hơn, độc lực mạnh hơn. Về mặt thiêng liêng, còn có một cơn đại dịch khác độc hại hơn, lây lan nhanh hơn, vốn đã có từ khởi thuỷ, đến nay vẫn còn đang hoành hành: cơn đại dịch của sự ác. Có thể nói, tất cả độc lực của con vi-rút sự ác: ghen ghét, đố kị, tham lam, giết chóc… được khắc hoạ nơi “những tá điền sát nhân” khiến chúng tấn công huỷ diệt không trừ ai, từ những đầy tớ cho chí người con yêu dấu của ông chủ. Chính trong cơn bĩ cực ấy, Chúa lại ban “thuốc đặc trị”: “Tảng đá bị loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường”, đó là Đức Giê-su, Đấng “bị treo lên cây gỗ mà giết đi” đã sống lại và “đem lại ơn sám hối và ơn tha tội” (x. Cv 5,30-31).

Mời Bạn: Cơn đại dịch của sự ác vẫn không ngừng làm khuynh đảo lòng người, tuy nhiên Chúa đã gửi đến cho chúng ta phương thuốc vô cùng hiệu quả để tiêu diệt con vi-rút sự ác; phương thuốc gồm hai vị chính: Lời Chúa và các Bí tích, hiệu quả tốt nhất khi dùng kết hợp với nhau, đồng thời với các biện pháp linh đạo trị liệu là cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái.

Sống Lời Chúa: Quyết tâm áp dụng phương thuốc đặc trị sự ác trên đây vào “thực đơn” hằng ngày của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết loại bỏ sự gian ác và thù ghét ra khỏi mọi suy nghĩ và hành động của con. Amen.

 

06/03/21 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 2 MC
Lc 15,1-3.11-32

 

TẤM LÒNG NGƯỜI CHA

Người con thứ còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để… Ông bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay cậu, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng.” (Lc 15,20-23)

Suy niệm: Đứa con thứ muốn bỏ cha, cha không thể cản. Ông chỉ có thể… buồn và đợi chờ! Nó quay về vì đói, vì rách chứ không hẳn vì nhớ, vì thương cha. Nhưng, cha đang chờ sẵn và đón nhận con một cách niềm nở đến mức không ngờ. Tình yêu và sự tha thứ của cha vẫn luôn có sẵn đó, tròn đầy, ngay khi nó còn đi hoang! Và, có lẽ chính lúc này, nếm cảm tấm lòng cha, nó mới thật sự quay về với cha trong sâu thẳm cõi lòng mình. Còn người con cả, ở trong nhà cha, nhưng tấm lòng của anh đã xa cha nghìn trùng! Anh làm việc cho cha mà so kè tính toán – như một người làm công chứ không như một người con. Cha vẫn xem “mọi sự của cha là của con”, nhưng anh thì chưa hề nghĩ như thế. Anh chỉ chăm bẳm nghĩ đến phần của mình – đến nỗi cuối cùng anh tố cáo tình yêu của cha dành cho đứa em của anh, đứa em mà thật ra từ lâu rồi anh không còn nhìn nhận là em của anh nữa. Anh gọi nó là “thằng con của cha đó…”!

Mời Bạn: Nghĩ đến mối tương quan của mình với Thiên Chúa trong hiện tại. Tôi có đang đi hoang như người con thứ hay đang tính toán với Chúa như người con cả?

Sống Lời Chúa: Luôn nhớ rằng Chúa đang yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho bạn. Bạn sắp xếp để lãnh bí tích hòa giải càng sớm càng tốt.

Cầu nguyện: Hết lòng thành khẩn, bạn đọc Kinh Ăn Năn Tội.

 

07/03/21 CHÚA NHẬT TUẦN 3 MC – B
Ga 2,13-15

 

PHỤC HỒI SỰ LINH THÁNH

Đức Giê-su liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra và lật nhào bàn ghế của họ. (Ga 2,15)

Suy niệm: Gio-an dùng những hình ảnh thật mạnh mẽ để mô tả cảnh Đức Giê-su phẫn nộ đánh đuổi những người buôn bán trong đền thờ. Lạ một điều là không ai trong bọn họ dám ‘hó hé’ phản đối. Giả như Đức Giê-su lật đổ bàn thờ dâng hương trong Nơi Thánh của Đền Thờ ắt họ đã chẳng để yên cho Ngài đâu. Đến như các thượng tế và kinh sư, mà thánh Gio-an gọi chung là “người Do Thái” cũng không dám manh động mà chỉ chất vấn: “Ông lấy quyền gì để làm như thế?” Phải chăng họ cũng thấy việc sử dụng sân đền thờ làm nơi buôn bán là một sự lạm dụng, xúc phạm đến chính Thiên Chúa là Đấng ba lần Thánh? Phục hồi ý thức về tính cách linh thánh, đó là điều ai cũng công nhận và là điều Đức Giê-su sẽ thực hiện bằng cái chết và sự phục sinh của Ngài.

Mời Bạn: “Đền thờ Thiên Chúa” còn là chính con người và cả vũ trụ. Trong thời đại tục hoá này, tính cách linh thánh của những đền thờ ấy đang bị coi thường, thậm chí bị phủ nhận. Mời bạn kiểm điểm bản thân và thảo luận trong cộng đoàn xem mình đang bị nhiễm tinh thần tục hoá đến mức nào: – trong cách ăn mặc cư xử trong nhà thờ, khi cử hành phụng vụ; – trong việc tôn trọng và bảo vệ sự trong sạch tâm hồn, thân xác của mình cũng như người khác; – trong cách sử dụng tài nguyên thiên nhiên, chia sẻ vật chất với người khác.

Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc gì, bạn nguyện tắt xin ơn Chúa thánh hoá.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thánh hoá con, và dùng con như khí cụ để Chúa thánh hoá anh chị em con.

 

08/03/21 THỨ HAI TUẦN 3 MC
Th. Gio-an Thiên Chúa, tu sĩ
Lc 4,24-30

 

NỖI BUỒN TRÊN QUÊ HƯƠNG!

Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.(Lc 4,24)

Suy niệm: “Chùm khế ngọt quê hương” lại có vị đắng trong ngày Đức Giê-su về Na-da-rét “hiển đạt vinh qui.” Dù phục Chúa “sát đất” về những lời giảng dạy, nhưng người đồng hương lại không đón nhận Người, do họ có thiên kiến về nguồn gốc của Người. Họ tưởng họ biết rõ thân thế, tông ti họ hàng của Người: Là bác thợ, con bà Ma-ri-a và bác thợ Giu-se trong làng. Chính cái “biết” đầy định kiến ấy khiến họ vấp ngã, không nhận ra căn tính Cứu Thế nơi Người. Do đó, họ đã để vụt mất ơn cứu độ từ người đồng hương ‘cận mà không thân’, để rồi cơ hội ấy được chuyển sang dân ngoại, tiêu biểu qua hình ảnh ông Na-a-man và bà góa thành Xa-rép-ta. Họ được Thiên Chúa ban ơn lành nhờ lòng khiêm nhường, tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa qua những dấu chỉ của các ngôn sứ thời Cựu ước.

Mời Bạn:Chấp nhận sự thật và sống sự thật được mạc khải trong Đức Ki-tô” là lời mời gọi của Đức Phan-xi-cô trong sứ điệp Mùa Chay 2021 này. Mời bạn đặt tin tưởng vào Đức Ki-tô, Đấng đem lại ơn cứu độ cũng như giúp bạn có cái nhìn bác ái bao dung, phá bỏ định kiến về người khác: Chỉ có cái nhìn được tình bác ái biến đổi mới có thể giúp chúng ta nhận ra phẩm giá của người khác” (Thông Điệp Fratelli Tutti, 187).

Sống Lời Chúa: Xin ơn khiêm tốn, để không có cái nhìn thiên kiến về người khác, nhất là người mình không thích.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, những người đồng hương của Chúa không tin vì ảo tưởng mình “biết rõ” về Ngài. Xin thêm đức tin cho chúng con để có thể nhận ra Chúa qua những dấu chỉ nơi cuộc sống thường ngày của chúng con.

 

09/03/21 THỨ BA TUẦN 3 MC
Th. Phan-xi-ca Rô-ma, nữ tu
Mt 18,21-35

 

HÃY THA THỨ CHO NHAU

Đức Giê-su nói: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18,22)

Suy niệm: Khi bị xúc phạm, ta cảm thấy cay đắng và giận dữ. Trả thù có thể làm ta hả cơn giận, nhưng sau đó lại để lại nơi ta một quả tim rỗng tuếch. Lấy oán báo oán, oán còn mãi; lấy ân báo oán, oán tiêu tan. Chúng ta phải tha thứ cho nhau vì một lý do cao trọng hơn nữa: vì Chúa đã tha thứ cho mình đến vô cùng. Thử suy nghĩ về hình ảnh đầy ấn tượng mà Chúa Giê-su đưa ra: người đầy tớ nợ vua 10.000 yến vàng, tương đương với 100 triệu quan tiền, một món nợ kếch xù, vượt mọi khả năng đền trả của anh, bởi nếu mỗi ngày công của anh được trả 1 quan tiền, thì phải mất hằng trăm ngàn năm làm việc anh mới mong trả hết! Còn người bạn của anh chỉ mắc nợ anh 100 quan tiền, 1 phần triệu so với món nợ mà anh được tha. Thế mà anh lại không tha cho bạn được sao?

Mời Bạn: Nhận ra mình thật hẹp hòi nhỏ mọn khi cư xử với anh chị em của mình, nhất là cứng cỏi không tha thứ cho người khác. Trong khi mình luôn được Chúa tha thứ: Những điều tôi xúc phạm đến Chúa thật lớn lao, thế mà Ngài luôn luôn tha thứ, không mệt mỏi không điều kiện, tha thứ đến vô cùng.

Sống Lời Chúa: Bạn đang có mối bất hòa với ai, đang tính trả đũa người anh em nào? Ban đang đòi người nào phải đền tội đích đáng thì mới tha? Hãy tha thứ qua lời cầu nguyện và nếu có thể, làm hòa với nhau trong Mùa Chay này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con quả tim của Chúa, xin cho con vượt qua mọi sự trả thù ti tiện, để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ. Xin cho con luôn biết tha thứ cho người khác vì biết rằng mình đã được Chúa tha thứ nhiều. Amen.

 

10/03/21 THỨ TƯ TUẦN 3 MC
Mt 5,17-19

 

ĐẤNG HOÀN CHỈNH MỌI LỀ LUẬT

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5,17)

Suy niệm: Có vẻ như Đức Giê-su là người coi thường luật lệ Do Thái: nào là không giữ luật rửa tay, nào là chữa bệnh trong ngày Sa-bát… Thế mà ở đây, Ngài lại cho rằng mình không phá bỏ, nhưng lại hoàn thành lề luật! Thật ra, Ngài lên án cách giữ luật theo hình thức và phá bỏ những luật lệ mà các thầy Ráp-bi bày vẽ và áp đặt trên người khác một cách vô nhân đạo. Hơn nữa, Ngài làm cho lề luật có được ý nghĩa trọn vẹn. Thiên Chúa là Đấng thấu suốt con mọi điều bí ẩn trong tâm can con người, do đó, Đức Giê-su mời gọi ta đừng giữ luật chỉ ở hình thức mà phải đạt được điều quan trọng nhất, là trọng tâm của tất cả lề luật, đó là “công bình, nhân nghĩa và thành tín” (Mt 23,23).

Mời Bạn: Đừng tuân giữ 10 điều răn Đức Chúa Trời, 5 điều răn Hội thánh và tất cả các luật lệ như một nô lệ, nghĩa là coi các luật lệ đạo đời như một áp lực từ bên ngoài, một áp lực do Hội Thánh, do đoàn thể, do xã hội hoặc do dư luận, lời khen tiếng chê của người chung quanh. Bạn hãy giữ luật với cả tâm hồn, với lòng yêu mến và với niềm tin rằng luật sẽ đưa ta đến hạnh phúc thật sự.

Sống Lời Chúa: Thử xem trong các luật lệ của Hội Thánh, của cộng đoàn, tôi hay sai lỗi hoặc coi thường điều nào hơn cả và tìm phương cách khắc phục.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con thường có dị ứng với mọi thứ luật lệ nào chúng con không ưa thích. Xin cho chúng con biết nhận ra mục đích của luật lệ trong đời sống và vui vẻ tự nguyện tuân giữ. Xin cho lề luật không chỉ được in nơi sách vở, nhưng cũng được in đậm nét nơi tâm hồn chúng con.

 

11/03/21 THỨ NĂM TUẦN 3 MC
Lc 11,14-23

 

NHỜ CHÚA, THẮNG MA QUỶ

“Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.” (Lc 11,20)

Suy niệm: Một số người tố cáo Đức Giê-su dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun để trừ một tên quỷ. Đức Giê-su đã vạch ra cái mâu thuẫn sừng sững trong lập luận của họ: Làm sao Sa-tan có thể tự chia rẽ chống lại chính mình được? Chúa Giê-su nói Ngài “dùng ngón tay Thiên Chúa” để khẳng định uy lực vô song của Ngài trên ma quỷ. Chính quyền năng của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su giải phóng con người khỏi quyền lực Sa-tan và mọi thứ ác thần. Quả thật, Đức Giê-su là Đấng giải thoát đích thực mà nhân loại cần đến. Dù cho ma quỷ có lộng hành “như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (x. 1Pr 5,8), thì những Ki-tô hữu chính danh không hề bị khuynh đảo, vì Chúa Giê-su đã chiến thắng ma quỷ cách dứt khoát.

Mời Bạn: ĐGH Phan-xi-cô lưu ý rằng đời sống Ki-tô hữu là một cuộc chiến đấu không ngừng chống lại ma quỷ (x. Tông huấn Hãy vui mừng hoan hỉ, số 159). Nhưng nếu bạn hoàn toàn cậy dựa vào quyền năng của Thiên Chúa hoạt động nơi Đức Giê-su Ki-tô, thì chiến thắng của bạn đã được bảo đảm rồi. Bạn có tin rằng “khi tử thần chích nọc độc vào Chúa, thì nó đã tự sát” không?

Sống Lời Chúa: Xét mình xem ma quỷ dùng mưu chước gì để xúi giục bạn, và xin Chúa Giê-su giải thoát khỏi những ảnh hưởng của chúng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, mùa Chay là thời gian luyện tập, chiến đấu thiêng liêng để chống lại mưu thâm chước độc của ma quỷ. Xin giúp chúng con biết vững tâm chiến đấu dưới màu cờ của Chúa với những vũ khí mạnh mẽ là ăn chay, cầu nguyện và làm việc lành phúc đức. Amen.

 

12/03/21 THỨ SÁU TUẦN 3 MC
Mc 12,28b-34

 

QUY TẮC VÀNG

Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” (Mc 12,28)

Suy niệm: Nhiều người đến lúc phải chia ly, nhất là trong giây phút kịch tính trên giường hấp hối, mới hối tiếc mình đã không nói với nhau những lời yêu thương, chưa hoà giải những mối bất hoà, chưa yêu thương người mình phải yêu thương, chưa dành đủ thời gian cho những người thân thiết bên cạnh mình… Lúc đó người ta mới nhận ra điều đáng kể nhất, quy tắc vàng cho cuộc sống chính là thực thi giới răn thứ nhất và duy nhất là yêu thương, thể hiện qua hai mối quan hệ cơ bản: với Thiên Chúa và với người lân cận. Yêu Chúa trên hết mọi sự và yêu người lân cận như chính mình: Hai mối quan hệ này thực sự chỉ là một khi người ta nhận ra Chúa trong tha nhân và đối xử với tha nhân như với chính Thiên Chúa. Một khi nhận thức được như thế, chúng ta “không còn xa Nước Thiên Chúa” nữa đâu.

Mời Bạn: Bạn đã thực hiện quy tắc vàng này như thế nào? Trong thực tế, có khi bạn cảm thấy khó thống nhất việc “mến Chúa” với “yêu người”. Điều gì đang ngăn cản bạn nhìn thấy Chúa nơi anh chị em mình? Để biến quy tắc vàng trở nên hiện thực, bạn hãy bắt đầu bằng việc niềm nở tươi cười với người mà bạn cho là dễ ghét nhất bạn gặp hằng ngày, và bạn dành sự chăm sóc ân cần cho người bị lãng quên nhưng gần gũi nhất trong gia đình, cộng đoàn của bạn.

Sống Lời Chúa: Thực hiện một cử chỉ vui tươi nhã nhặn, hoặc một việc phục vụ ân cần để tập thái độ quan tâm chăm sóc đến tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở rộng trái tim con, giúp con nhìn thấy khuôn mặt của Ngài nơi người lân cận, và giúp con tỏa sáng tình yêu Chúa với tất cả những người mà con gặp gỡ hằng ngày.

 

13/03/21 THỨ BẢY TUẦN 3 MC
Lc 18,9-14

 

CẦU NGUYỆN PHẢI KHIÊM TỐN

“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 18,14)

Suy niệm: Nhân vô thập toàn. Trước mặt Thiên Chúa, ai dám tự hào mình thánh thiện? Thế mà người Pha-ri-sêu trong dụ ngôn lại khoe thành tích rằng mình còn hơn cả “thập toàn”, luôn “vượt chỉ tiêu” so với những gì luật buộc, và qua đó, anh “tôn mình lên” rằng “con không như bao người khác… hoặc như tên thu thuế kia.” Chúa cho biết cầu nguyện như ông Pha-ri-sêu này thì không được tha thứ tội lỗi. Thực ra Chúa luôn sẵn lòng tha thứ và nhẫn nại đợi chờ tội nhân hối cải. Điều thực sự cản trở nằm ở chỗ óc kiêu căng đội lốt lòng đạo đức khiến ông không thể nhận ra tội lỗi của mình để cầu xin ơn tha tội. Vì thế khiêm nhường là điều kiện cần trong cuộc chuyện trò với Chúa. Càng kiêu ngạo, ta càng xa cách Thiên Chúa, xa cách tha nhân; trái lại, càng khiêm nhườngnhìn nhận mình tội lỗi, thì càng đáng được Thiên Chúa thương tha thứ. Bởi vì: “Chúa dẹp tan phường lòng trí kiêu căng” nhưng “nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,51-52).

Mời Bạn: Khiêm tốn không phải là tự ti, chối bỏ ưu điểm và phẩm giá của mình, mà là biết nhận ra khuyết điểm và giới hạn của bản thân đồng thời nhận biết điều tốt đẹp nơi người khác.

Sống Lời Chúa: Khi xét mình, bạn cố gắng nhận ra sự kiêu căng tiềm ẩn trong các hành vi được đánh giá tốt của bạn, đồng thời khám phá những ưu điểm, thiện ý nơi người khác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết khiêm tốn nhận thấy những yếu đuối và giới hạn của con, để con không còn tự cao tự đại, nhưng luôn biết dựa vào ơn Chúa và thấy mình cần đến Chúa. Amen.

 

14/03/21 CHÚA NHẬT TUẦN 4 MC – B
Ga 3,14-21

 

THIÊN CHÚA ĐÃ YÊU ĐẾN NỖI…

“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16)

Suy niệm: Điều độ là một nhân đức. Thế nhưng trong tình yêu của Thiên Chúa thì đức “điều độ” không còn chỗ đứng nữa: vì khi yêu, Ngài luôn luôn yêu không mức độ.

  1. Có ai yêu đến nỗi giết cả người thân của mình không? Thế mà Thiên Chúa đã yêu đến nỗi thế: Ngài đày Con Ngài là Đức Giê-su Ki-tô xuống trần gian rồi thí cả mạng người con đó miễn sao cứu được loài người mà Ngài yêu thương.
  2. Giả sử có ai đó yêu một con vật đến nỗi hoá thân làm con vật đó ắt sẽ bị coi là quá đáng thậm chí còn điên khùng nữa. Nhưng Thiên Chúa đã làm điều mà thế gian cho là điên khùng: nhờ Con Thiên Chúa làm người, Ngài nhận chúng ta làm con, và ban cho chúng ta sự sống của chính Ngài để được sống đời đời như Ngài.

Mời Bạn: Thật “quá đã” phải không bạn? Bạn có cảm thấy hạnh phúc tột cùng khi được Đấng Cao Cả là Thiên Chúa yêu đến “cỡ” đó hay không? Khi bạn được yêu như thế thì bạn làm gì nhỉ? Từ chối  chăng? Nếu thế thì thật đáng tiếc! Phải chăng tâm tình xứng hợp nhất là ca ngợi, cảm tạ tình yêu và nhất là dùng tình yêu đáp lại tình yêu?

Chia sẻ: Để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, tôi phải yêu Ngài đến “cỡ” nào?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày khám phá cho được một dấu chỉ Thiên Chúa đang yêu thương bạn, để cảm tạ Ngài và quyết sống xứng đáng để đáp đền tình yêu của Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, thật tiếc thay con đã yêu Ngài quá muộn, quá ít. Con muốn yêu Chúa gấp muôn vạn lần để bù lại những tội lỗi của tháng ngày qua.

 

15/03/21 THỨ HAI TUẦN 4 MC
Ga 4,43-54

 

NIỀM TIN MANG LẠI SỰ SỐNG

Ông tin vào lời Đức Giê-su nói với mình, và ra về. (Ga 4,50)

Suy niệm: Viên sĩ quan cận vệ nhà vua, một nhân vật có ít nhiều thế lực, nhưng ông đang lo âu, phiền muộn, thậm chí tuyệt vọng vì “đứa con sắp chết”. Giống như nhiều người khác gặp cơn khốn cùng, vô kế khả thi, ông chạy đến khẩn khoản nài xin Chúa Giê-su cứu chữa con mình. Chính trong hoàn cảnh không còn chỗ nào để cậy dựa, ông đã bám chặt vào lời Chúa quả quyết: “Ông cứ về đi, con ông sống”. Một lời nói không có dấu hiệu gì bảo đảm, thế nhưng ông đã tin và trở về nhà như lời Chúa truyền dạy. Và quả thật lời Chúa ứng nghiệm, con ông được lành mạnh, gia đình ông lại có niềm vui, hạnh phúc. Và hơn nữa, niềm tin được lan toả: ông và cả nhà ông đã tin.

Mời Bạn: Tin không phải là liều thuốc an thần khiến chúng ta ngủ mê không cảm nhận nữa những đau đớn nhức nhối của kiếp nhân sinh; chỉ có điều là càng đụng chạm đến giới hạn của con người đối diện với khổ đau cùng cực, chúng ta càng nhận ra niềm tin vào Chúa thực sự là chìa khoá đem chúng ta đến sự sống, niềm vui và hạnh phúc. Vì thế, đặt niềm tin vào Chúa, người Ki-tô hữu vẫn vui tươi, dù đang ở giữa cảnh đau khổ, khó khăn, mất mát, bệnh tật vẫn luôn hy vọng, mạnh mẽ và có thể lan toả niềm vui và hy vọng đó cho người khác.

Sống Lời Chúa: Trước mỗi công việc, bạn hướng lòng về Chúa và xin Ngài ban thêm niềm tin cậy mến và chúc phúc cho công việc bạn sắp làm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tăng thêm niềm tin cho chúng con vào sự hiện diện của Chúa trong đời chúng con. Để nhờ đó, dù giữa cuộc đời đầy chông gai thử thách, chúng con vẫn có được niềm hạnh phúc vì có Chúa ở cùng. Amen.

 

16/03/21 THỨ BA TUẦN 4 MC
Ga 5,1-3a.5-16

 

TÌNH THƯƠNG LỚN HƠN LỀ LUẬT

Người Do-thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: “Hôm nay là ngày sa-bát, anh không được vác chõng.” (Ga 5,10)

Suy niệm: Người bại liệt suốt ba mươi tám năm được Chúa Giê-su chữa lành. Người Do Thái không cần biết điều đó. Họ bực tức một điều là trong ngày Sa-bát, anh lại ngang nhiên “vác chõng mà đi”. Qua điều tra anh bại liệt, họ được biết Đức Giê-su chính là ‘thủ phạm’. Bao nhiêu nỗi bực biến thành thái độ chống đối đổ lên đầu Chúa Giê-su. Họ không chỉ thiếu lòng bao dung, mà còn câu nệ trong lề luật cứng nhắc, phủ nhận dấu chỉ của thời đại cứu thế đã đến qua hành vi chữa lành anh bại liệt chỉ vì “Chúa Giê-su chữa bệnh trong ngày Sa-bát”. Phần Chúa Giê-su, điều Ngài quan tâm chính là người bệnh mà Ngài chạnh lòng thương xót và chữa lành. Ngày Sa-bát được làm ra là vì con người, để cứu sống chứ không phải giết chết; ngày Sa-bát là ngày phụng sự Chúa trong nhân đức thánh thiện, hầu thánh hóa bản thân. Tất cả mọi điều răn giới luật đều nhắm đến mục đích là mưu cầu hạnh phúc và phần rỗi cho con người.

Mời Bạn xét xem mình có định kiến hẹp hòi cứng nhắc hay cư xử nghiệt ngã với tha nhân. Ngay cả khi người anh em có dấu hiệu vi phạm lề luật, nhưng có thể họ đang lâm vào một hoàn cảnh éo le mà chỉ có một tấm lòng bao dung, một thái độ yêu thương đồng cảm mới có thể giúp họ vượt qua khỏi cảnh bế tắc, ngăn trở đó.

Sống Lời Chúa: Nghiền ngẫm Lời Chúa: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 12,7).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con sống bao dung nhân ái để con biết đặt mình vào hoàn cảnh của những người đau khổ cả phần hồn lẫn phần xác, và để con đồng cảm, đồng hành với họ.

 

17/03/21 THỨ TƯ TUẦN 4 MC
Th. Pát-rích, giám mục
Ga 5,17-30

 

THIÊN CHÚA KHÔNG PHẢI LÀ…

Người Do Thái càng tìm cách giết Đức Giê-su, vì không những Người phá luật Sa-bát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình. (Ga 5,18)

Suy niệm: Giữa Đức Giê-su với giới lãnh đạo và những người Pha-ri-sêu mà Phúc Âm Gio-an thường gọi chung là “những người Do Thái” có mối mâu thuẫn âm ỉ thường xuyên được khơi lên từ ‘thùng thuốc nổ’ rất nhạy cảm là vấn đề luật ngày Sa-bát. Những người chống đối Đức Giê-su đã đồng hóa Thiên Chúa với bộ luật của họ. Đúng hơn, họ vẽ ra một ‘ông chúa’ nhăn nhó, lạnh lùng, và thậm chí dữ tợn, phi nhân. Bằng những hành động mà họ gọi là “vi phạm lề luật”, Chúa Giê-su muốn tỏ thái độ: giới thiệu gương mặt thật của Thiên Chúa là Cha thương xót và cứu độ, nhất là đối với những người cùng khổ, những kẻ tội lỗi, những ai bị gạt ra ngoài lề xã hội…

Mời Bạn: Thử dò tìm trong đáy sâu ý thức của mình, lặn xuống tận tiềm thức, để xem ‘Thiên Chúa’ của bạn là Đấng nào, Ngài có phải là Thiên Chúa là Cha yêu thương và cứu độ mà Đức Giê-su giới thiệu hay không? Bạn có thể dò tìm như vậy qua việc xem xét lại thái độ giữ luật của bạn: chẳng hạn, bạn bị bó buộc đi lễ Chúa Nhật vì luật buộc hay tham dự thánh lễ với tâm tình tha thiết muốn gặp gỡ Chúa, v.v…?

Sống Lời Chúa: Bạn hãy có một sửa đổi cụ thể trong cung cách giữ luật của mình – để chứng tỏ Thiên Chúa của bạn chính là Thiên Chúa mà Đức Giê-su rao giảng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thứ tha cho chúng con vì đã giới thiệu cho người khác một hình ảnh sai lạc về Chúa qua cung cách sống đạo máy móc, vụ lợi của chúng con. Xin giúp chúng con sửa mình, để sống đạo và làm chứng cho Chúa cách đích thực hơn. Amen.

 

18/03/21 THỨ NĂM TUẦN 4 MC
Th. Xi-ri-lô, giám mục Giê-ru-sa-lem, tiến sĩ HT
Ga 5,31-47

 

LỜI XÉT XỬ CHO TÔI HÔM NAY

“Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi.” (Ga 5,31-47)

Suy niệm: Đức Giê-su vạch rõ thái độ tôn giáo của người Do Thái và cũng là lời xét xử thẳng thắn về họ: Họ nghiên cứu Kinh Thánh, song lại không tin lời Kinh Thánh làm chứng về Đức Ki-tô. Họ nói là tin ông Mô-sê, song ông Mô-sê “vui mừng vì thấy ngày của Đức Ki-tô” còn họ thì không. Thay vì tôn vinh Thiên Chúa, “họ chỉ tôn vinh lẫn nhau”. Vì thế, đạo đối với họ chỉ là một thứ đạo “mị” nhau. Và cũng vì thế, họ chẳng thể nào tin nhận Đức Giê-su được. Còn Đức Giê-su, Ngài làm chứng rằng Ngài biết Chúa Cha, rằng Ngài được Chúa Cha sai đến, trước hết bằng chính những việc Ngài hoàn thành sứ mạng việc Chúa Cha giao phó.

Mời Bạn: Tự đặt mình trước mặt Chúa Giê-su để nghe Ngài xét xử về bạn. Giữa những gì bạn tin và những gì bạn làm có thực sự được thống nhất thành một mối trong cuộc sống của bạn không?

Sống Lời Chúa: Bạn dành 5 phút hoàn toàn thinh lặng, lắng nghe tiếng Chúa nói với mình về sự thực nơi mình – và lắng nghe những gì Ngài đề nghị cụ thể cho cuộc sống của bạn. Đây chính là một cuộc tĩnh tâm ‘bỏ túi’ của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã thẳng thắn vạch trần thái độ tôn giáo giả dối của những người Do Thái chống đối Chúa ngày xưa. Xin cho chúng con luôn biết phản tỉnh, để không tôn vinh Chúa bằng môi miệng còn cuộc sống và những việc làm thực tế thì hoàn toàn xa lạc đường lối Ngài. Amen.

 

19/03/21 THỨ SÁU TUẦN 4 MC
Thánh Giu-se, Bạn Trăm Năm Đức Ma-ri-a
Mt 1,16.18-21.24a

 

LÀM THEO Ý CHÚA

Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy. (Mt 1,24a)

Suy niệm: Giu-se đang trong một tình huống khó xử. Ông đã đính hôn với Ma-ri-a, chỉ còn chờ ngày tổ chức đám cưới để về sống chung với nhau. Thế nhưng ngày đó chưa tới thì Ma-ri-a đã mang thai mà ông không biết từ đâu. Trong trường hợp này, luật pháp cho phép người chồng tố cáo người vợ bất trung để hủy hôn. Nhưng Giu-se luôn tin tưởng sự thánh thiện nơi bạn đời của mình và nghĩ rằng việc xảy ra nơi Ma-ri-a nằm trong ý nhiệm mầu của Chúa, Giu-se chọn phương án “lìa bỏ bà cách kín đáo” để việc Chúa làm nơi Ma-ri-a được thành sự. Tuy nhiên khi nghe sứ thần mộng báo: Ma-ri-a thụ thai do quyền năng Chúa Thánh Thần, ông đã vâng phục đón nhận Đức Ma-ri-a về nhà làm vợ. Giu-se thành người được diễm phúc làm cha nuôi của Đấng Cứu Thế, cùng với Ma-ri-a cộng tác vào công trình cứu rỗi loài người.

Mời Bạn: Ơn gọi, sự thánh thiện, cũng như niềm vui và hạnh phúc của người ki-tô hữu hệ tại việc nhận biết và làm theo thánh ý Thiên Chúa. Lời Chúa, các giới răn, lời dạy của các vị bề trên là kim chỉ nam cho ta biết điều phải lựa chọn. Đứng trước những hoàn cảnh éo le, phức tạp, tiến thoái lưỡng nan, noi gương thánh Giu-se, ta biết can đảm từ bỏ ý riêng để tuân theo ý Chúa.

Sống Lời Chúa: Khi gặp chuyện khó xử, tôi biết khiêm tốn cầu nguyện, suy nghĩ bàn hỏi trước khi quyết định.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa giấu kín sự khôn ngoan của Chúa cho những người tự phụ mình thông thái nhưng lại tỏ ra cho người khiêm tốn, đơn sơ. Xin ban cho con biết nhận ra các dấu chỉ sự hiện diện và hoạt động của Chúa để con quảng đại cộng tác với ơn Chúa. Amen.

 

20/03/21 THỨ BẢY TUẦN 4 MC
Ga 7,40-53

 

BIẾT VÀ KHÔNG BIẾT

Người Pha-ri-sêu nói với các vệ binh: “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu? Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa.” (Ga 7,40-53)

Suy niệm: Nhóm vệ binh được các thượng tế và Biệt Phái sai đi bắt Đức Giê-su, lại trở về tay không. Lý do, họ cho biết: “Xưa nay chưa hề có ai đã nói năng như người ấy!” Thật bất ngờ! Các vệ binh, cũng như đám đông là những người dân đen thất học, nhưng khiêm tốn, lại nhận định về Đức Giê-su đúng đắn hơn giới lãnh đạo và giới kinh sư chuyên nghiên cứu Thánh Kinh! Đấy  không phải ‘nhờ’ họ dốt nát mà là nhờ họ biết nhìn nhận rằng mình dốt nát, rằng mình không biết. Chính thái độ khiêm tốn này đã giúp họ có được khả năng quan tâm, biết nhìn, biết lắng nghe. Những người Pha-ri-sêu không chỉ nguyền rủa các vệ binh, mà ngay cả ông Ni-cô-đê-mô, một người trong nhóm họ, cũng bị họ phỉ báng vì đưa ra nhận định khách quan công bằng về Chúa Giê-su. Thì ra, cái “biết” chủ quan, thiên lệch, không chỉ giam hãm người ta trong tối tăm, nó còn có thể trở thành một xung lực mù quáng đẩy người ta tới chỗ điên cuồng dập tắt ánh sáng nơi kẻ khác!

Mời Bạn: Ôn lại những tai hại do cái biết chủ quan mà mình đã vấp phải. Có ai đã từng là nạn nhân do định kiến sai lầm của bạn không?

Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn sẽ chân thành lắng nghe hơn đối với người xung quanh, nhất là những người mà bạn vốn dễ xem thường.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho chúng con tấm lòng đơn sơ, không nuôi thành kiến để có thể gặp gỡ và đón nhận Chúa nơi người khác. Amen.

 

21/03/21 CHÚA NHẬT TUẦN 5 MC – B
Ga 12,20-33

 

ĐỂ SINH NHIỀU HOA TRÁI

“Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” (Ga 12,24)

Suy niệm: Hình ảnh hạt lúa rất gần gũi với chúng ta. Hôm nay, Giê-su mượn hình ảnh này diễn tả một lối sống hoàn hảo trong Ki-tô giáo. Hạt lúa phải thối đi, hư nát đi, bấy giờ nó mới có thể nẩy mầm và sinh nhiều bông hạt, vì trong nó có mầm của sự sống. Cũng thế, Ki-tô hữu phải chấp nhận thánh giá hằng ngày, chấp nhận mọi sự miễn sao Đức Ki-tô được rao giảng, bấy giờ Tin Mừng mới được vang xa và có cơ hội nẩy mầm trong lòng người. Thế nhưng, ta đang sống trong một thế giới hưởng thụ, dễ có mấy ai dám hy sinh chấp nhận để sống như hạt lúa! Lời Chúa ta đọc, thập giá Chúa hằng ngày ta tuyên xưng luôn nhắc ta đón nhận thánh giá và sống cho Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta. Đó là chân lý sống và là một đòi hỏi không ngừng.

Mời Bạn: Nếu thế gian đang tìm kiếm danh, quyền, tiền và hưởng thụ khoái lạc, thì Chúa đang mời ta tìm sự sống hoàn mỹ của Đức Giê-su bằng lối sống đơn sơ, khiêm hạ, khó nghèo và hy sinh.

Chia sẻ: Kể cho nhau những kết quả tốt đẹp sau những hy sinh của người Ki-tô hữu.

Sống Lời Chúa: Dành thì giờ suy ngắm thập giá Chúa Ki-tô và chọn lối sống gắn bó với Thánh Giá để nên một với Chúa trong mầu nhiệm chết và phục sinh của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là Đấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, xin uốn lòng con nên giống trái tim Chúa. Xin cho con biết sống đẹp lòng Chúa, cho dù con bị thua thiệt đến nghiệt ngã. Amen.

 

22/03/21 THỨ HAI TUẦN 5 MC
Ga 8,1-11

 

MỞ KHÔNG GIAN YÊU THƯƠNG

Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” (Ga 8,11)

Suy niệm: Ngày ấy cuộc đối đầu căng thẳng giữa Chúa Giê-su và giới lãnh đạo Do Thái đã lên tới đỉnh điểm, đến độ họ quyết định phải giết Ngài bằng mọi giá. Nhờ Chúa Giê-su làm quan tòa xét xử người phụ nữ phạm tội ngoại tình chỉ là cái bẫy để họ có cớ triệt hạ Ngài. Cái bẫy giăng ra không phải để bắt một con thú, nhưng là ném đá một con người cho đến chết, mà còn là, tinh vi hơn, có cớ để “xử” cả Chúa Giê-su. Chỉ bằng một câu nói: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi,” Chúa Giê-su phá tan âm mưu độc ác của họ, đồng thời còn mở cho họ một con đường hoán cải, hay ít là rút lui êm thắm; Ngài mời gọi họ quay lại với lòng mình, xét mình thay vì chăm chăm xét xử người khác. Để rồi, Ngài cũng dịu dàng nói với người suýt bị ném đá và mở ra cho chị một khung trời, một không gian của yêu thương và sống mới: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.”

Mời Bạn: Mùa Chay mời gọi chúng ta trở về với Chúa, để nên giống Chúa hơn mỗi ngày. Bạn và tôi hãy thả những “hòn đá” kết án, loại trừ nhau; trái lại hãy mở lòng giang rộng đôi tay đón tiếp trong không gian sống yêu thương theo những giá trị của Tin Mừng.

Sống Lời Chúa: Tôi đến viếng thăm thân thiện một người anh chị em mà tôi vốn không ưa thích.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đến, Chúa mở những cánh cửa của yêu thương và hy vọng. Xin giúp con dâng hiến cuộc đời cho Chúa, để Chúa làm trên con những làn gió mát, những nối kết yêu thương; không đóng khung, kết án. Amen.

 

23/03/21 THỨ BA TUẦN 5 MC
Th. Tu-ri-bi-ô Mông-rô-vê-khô, giám mục
Ga 8,21-30

 

LỜI CẢNH BÁO TỐI HẬU

“Nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội mình mà chết.” (Ga 8,24)

Suy niệm: Khi đưa ra lời cảnh báo nghiêm trọng này “Nếu các ông không tin… các ông sẽ chết trong tội của các ông,” Chúa đâu có muốn ‘‘doạ nạt’’ chúng ta, mà chính vì thời điểm quyết liệt đã tới. Đã đến giờ Con Người phải ra đi. Và họ, ‘‘những người Do Thái’’ sẽ tìm Ngài mà không gặp. Có những cơ hội để gặp gỡ và đón nhận Đức Ki-tô là Đấng Cứu Chuộc nhưng những cơ hội đó đến và có thể bị từ chối rồi qua đi và không bao giờ trở lại. Và từ chối đón nhận Đấng Hằng Hữu cũng đồng nghĩa với việc chuốc lấy cái chết, ‘cái chết trong tội lỗi’ của chính mình, chết vì đã không tin vào Đấng là Sự Sống.

Mời Bạn: Mùa Chay là thời điểm thích hợp để từ bỏ ‘cái chết trong tội’ mà quay trở về đón nhận Đức Ki-tô, tuyên xưng lòng tin vào Đấng Hằng Hữu, là hoán cải đời sống, sống như những người con ngoan của Thiên Chúa. Hôm nay, nếu các bạn nghe tiếng Người, các bạn đừng cứng lòng, vì đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ.

Sống Lời Chúa: Mùa Chay, chắc hẳn bạn có đi ‘‘xưng tội’’? Nhưng xin bạn đừng xưng tội như người ta đổ một cái thùng rác, để có chỗ trút vào những thứ rác rưởi mới. Trái lại bạn hãy nhận ra đây là thời điểm thuận tiện nhất dành cho bạn để hoán cải sâu xa và bày tỏ lòng tin mạnh mẽ vào Đức Ki-tô, Đấng Hằng Hữu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, vì tội lỗi con mà Chúa là Đấng Hằng Hữu phải chết. Xin cho con thực lòng ăn năn ghét tội, để con được cùng sống với Chúa muôn đời. Amen.

 

24/03/21 THỨ TƯ TUẦN 5 MC
Ga 8,31-42

 

LỜI CHÚA LÀ CHÂN LÝ

Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.” (Ga 8,31-32)

Suy niệm: Hơn bao giờ hết, thời đại chúng ta đang sống tràn ngập đủ thứ thông tin, thượng vàng hạ cám. Nhờ các phương tiện truyền thông hiện đại con người tiếp cận tin tức dễ dàng và mau lẹ hơn. Nhưng đồng thời cũng nổi lên vấn nạn đầy nguy cơ thách thức: đâu là tin thật – giả? Giữa một mớ ‘vàng thau lẫn lộn’ làm sao phân định được đâu là tốt – xấu? Chúa Giê-su đã cho chúng ta một tiêu chuẩn căn bản để có thể xác định điều chúng ta đang tìm hiểu. Chính Lời Thiên Chúa là kim chỉ nam cho đời sống của chúng ta: “Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,5). Vâng, chỉ có Lời Chúa mới đáng cho ta lấy làm tiêu chuẩn để tìm được chân lý, cho dù Lời Chúa có khó nghe và không dễ thực hành, nhưng chắc chắn Lời Hằng Sống ấy sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi sự giả dối và tìm được chân lý.

Mời Bạn: ‘Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng,’ từ bỏ dối trá để sống theo sự thật giống như uống thuốc đắng. Bạn có đủ can đảm để dùng Lời Chúa ‘giã tật’ dối trá không? Nếu làm được như thế, bạn đã để cho Lời Chân lý ở lại trong bạn rồi đó và bạn là người thật sự tự do.

Chia sẻ: Bạn đã làm gì để được sự thật giải phóng mình khỏi điều xấu?

Sống Lời Chúa: Dành thời gian suy niệm Lời Chúa mỗi ngày để Lời Chúa hướng dẫn bạn luôn sống theo thánh ý Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con thấy Chúa, xin cho con biết con, để con thấy mình tội lỗi với những giả hình và che đạy. Xin cho con cảm nhận luôn được Chúa yêu thương, để thật sự sám hối trở về với Chúa. Amen.

 

25/03/21 THỨ NĂM TUẦN 5 MC
Lễ Truyền Tin
Lc 1,26-38

 

CHÚA CHỜ SỰ CỘNG TÁC CỦA TA

“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38)

Suy niệm: Trí tưởng tượng của con người, dù phong phú đến đâu, cũng chẳng có thể nghĩ tưởng đến việc Thiên Chúa, Đấng toàn năng đã tạo dựng mọi sự từ hư không, Đấng không có gì không làm được, giờ đây, lại hạ mình xuống bàn hỏi, để con người chấp nhận Con Một Ngài có thể bước vào lịch sử nhân loại trong hình hài một con người. Vậy mà, câu chuyện ‘động trời’ đó đã xảy đến với Đức Ma-ri-a trong biến cố Truyền tin. Qua sứ thần Gáp-ri-en, Thiên Chúa ngỏ lời với Đức Ma-ri-a và chờ đợi sự đồng ý của Mẹ, để Con của Ngài có thể trở nên Đấng Em-ma-nu-en. Biến cố ấy cho thấy một Thiên Chúa yêu thương chúng ta, hoàn toàn tôn trọng tự do của chúng ta. Thiên Chúa không chỉ mặc khải và mời gọi con người cộng tác vào chương trình cứu độ, Ngài còn kiên nhẫn chờ đợi con người chấp thuận để chương trình ấy được thành toàn.

Mời Bạn: Thiên Chúa vẫn tiếp tục chờ đợi sự đồng ý của chúng ta để Ngài có thể hiện diện, đồng hành, đỡ nâng bạn và tôi mọi ngày, nhất là lúc khó khăn hay bị bóng tối tội lỗi đe dọa. Mẹ Ma-ri-a đã mạnh dạn trở nên cộng sự viên đắc lực của Chúa qua lời đáp trả xin vâng. Còn bạn thì sao?

Sống Lời Chúa: Bắt đầu một ngày, bạn xin Chúa cho mình biết việc phải làm để cộng tác với chương trình của Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn mở lòng ra với Chúa để sống dấn thân hơn cho các giá trị của Tin Mừng, cũng như làm cho ý Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời bằng đời sống của mình. Amen.

 

26/03/21 THỨ SÁU TUẦN 5 MC
Ga 10,31-42

 

LÀM VIỆC CỦA CHÚA CHA

“Nếu tôi không làm việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó.” (Ga 10,37-38)

Suy niệm: Chúa Giê-su luôn nhận thức mình là Đấng được Chúa Cha sai đến để thực thi chương trình của Cha Ngài. Vì thế đã hơn một lần, Chúa Giê-su trưng dẫn công việc Ngài làm để chứng minh cho lý lịch thần linh của mình:  – “Cha mẹ không biết con phải làm việc của Cha con sao?”“Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy”;“Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha.”

Đối với Chúa Giê-su, làm công việc của Chúa Cha là hoàn tất những gì được tiên báo về Ngài trong Thánh Kinh, là thực hiện công cuộc cứu chuộc nhân loại bằng thập giá, là làm mọi việc theo thánh ý Chúa Cha.

Mời Bạn: Đức Giê-su là Người Con Chí Ái của Thiên Chúa khi và chỉ khi Người vâng phục ý muốn Chúa Cha và hoàn thành công việc Chúa Cha giao phó. Bạn hãy nhớ lại khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, bạn đã tuyên bố từ bỏ tà thần cùng mọi công việc của nó. Như thế, bạn đã trở thành con cái Chúa, và chỉ thực sự là con cái Ngài khi bạn tin vào Thiên Chúa và thực hiện công việc của Ngài.

Sống Lời Chúa: 1. Bạn hãy chu toàn bổn phận hằng ngày của bạn, vì đó chính là làm việc của Chúa.

  1. Trước khi làm một việc gì, bạn tự hỏi đây có phải là công việc Chúa muốn tôi làm hay không.

Cầu nguyện: Đọc kinh “Cúi xin Chúa Sáng Soi.”

 

27/03/21 THỨ BẢY TUẦN 5 MC
Ga 11,45-57

 

HIỆU ỨNG LA-DA-RÔ

“Ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt.” (Ga 11,57)

Suy niệm: Câu tục ngữ làm ơn mắc oán thật chính xác trong trường hợp của bài Tin Mừng hôm nay. Sự đời thật oái ăm, sau khi cho La-da-rô sống lại từ cõi chết, mạng sống Chúa Giê-su lại bị đe dọa trầm trọng! Tuy nhiên, với cái nhìn của đức tin, hiệu ứng La-da-rô đó lại là cơ hội để Chúa Giê-su trở thành “người chết thay cho toàn dân” cũng như là điểm “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát khắp nơi về một mối.” Khi hoàn tất sứ vụ nơi trần gian, kết thúc những ngày tháng rong ruổi rao giảng Tin Mừng, lẽ ra Chúa Giê-su phải được đón tiếp trọng thị, đàng này Ngài phải nuốt lấy trái đắng. Âu đó cũng là số phận của Con Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội đời như Gio-an Tẩy giả báo trước.

Mời Bạn: Sắp bước vào Tuần Thương khó, bạn và tôi, chúng ta cần dành thời gian nhiều hơn để chiêm ngắm Chúa Giê-su, những gì Ngài làm, những gì xảy đến cho Ngài, tâm tình, cung cách Ngài ứng xử trong những ngày đặc biệt này. Ta cũng cần nhìn lại thái độ của mình đối với Chúa Giê-su. Ngài là vật cản hay ngọn hải đăng hướng dẫn ta tiến đến đỉnh trọn lành? Tôi sẽ làm gì để dự phần vào cuộc Khổ nạn của Ngài?

Sống Lời Chúa: Nếu phải hy sinh đôi chút vì ích lợi thiêng liêng của anh chị em, ta không nên ngần ngại, suy tính thiệt hơn quá mức. Hãy dấn thân và hãy để Chúa tính toán cho.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con chiêm ngắm Chúa dấn thân làm việc lành cho người khác, không quản mệt nhọc, hy sinh. Xin cho con đừng bao giờ đồng lõa trong việc ra tay buộc trói công lý và tình thương, nhưng biết mở rộng cánh cửa tâm hồn mà đón nhận. Amen.

 

28/03/21 CHÚA NHẬT LỄ LÁ – B
Mc 14,1-15,47

 

ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI

“Quả thật, người này là Con Thiên Chúa.” (Mc 15,39)

Suy niệm: Bài Thương khó ngày lễ hôm nay cho chúng ta cái nhìn rõ nét về sự đối lập giữa “ánh sáng” và “bóng tối,” khoảnh khắc khi ánh sáng và bóng tối giao tranh. Kể từ khi Chúa Giê-su thiết lập Bí tích Thánh Thể, Mình và Máu Thánh Người trở nên lương thực, thành Bánh Sự sống cho con người (x. Ga 6,35-39). Đây chính là giờ của ánh sáng, ánh sáng của Bữa Tiệc ly, của “yêu cho đến cùng.” Do một người mà sự chết đã đến thế gian, và cũng nhờ một Người, thế gian có được sự sống. Ngược lại, bóng tối đến từ Giu-đa. Không ai có thể thâm nhập vào trong nội tâm đen tối của ông để hiểu rõ chính xác động lực nào khiến ông bán Thầy. Chúa Giê-su cũng báo trước về việc Phê-rô chối Thầy, cũng như sự nhát đảm của các môn đệ. Các ông là hiện thân của những con người với sự mong manh, giới hạn, chưa thể gánh vác sức nặng ơn gọi của mình. Tuy thế, Thầy Giê-su vẫn gọi Giu-đa là bạn, vẫn tín nhiệm Phê-rô, để ông trở nên tảng đá nâng đỡ Giáo hội của Ngài.

Mời bạn: Có thể bạn là người đang ở trong bóng tối, hay đang bị giằng co giữa ánh sáng và bóng tối. Ngay hôm nay và lúc này, Chúa Giê-su chịu khổ nạn mời gọi bạn dứt khoát với tình trạng của mình. Bạn có muốn bước vào miền ánh sáng, để cho tình thương cứu độ của Ngài chiếu rọi và biến đổi? Hãy can đảm để cho lòng thương xót của Ngài chạm đến bạn, như đã chạm đến Phê-rô, biến đổi đời ông!

Sống Lời Chúa: Lãnh nhận Bí tích Giao hòa, và làm một việc hy sinh, quên mình để sống Tuần Thánh tích cực hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Chúa! Amen.

 

29/03/21 THỨ HAI TUẦN THÁNH
Ga 12,1-11

 

Ý NGHĨA MỘT HÀNH ĐỘNG

Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Chúa Giê-su… Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: “Sao không bán lấy 300 đồng bạc mà cho người nghèo ?”… Chúa Giê-su nói: “Hãy để cô ấy yên, hầu cô ấy giữ lại dầu thơm này cho ngày mai táng Thầy.” (Ga 12,3.4.7)

Suy niệm: Cô Ma-ri-a đã làm một hành động gây nhiều tranh cãi. Cách đánh giá của Giu-đa thoạt nhìn bề ngoài thật tốt đẹp: “bán dầu thơm lấy tiền cho người nghèo.” Thế nhưng động cơ bên trong thì hết sức tồi tệ: người nghèo chỉ là cái cớ che đậy cho sự thâm lạm của Giu-đa. Ngược lại, dù có bị người đời thị phi thế nào đi nữa, không gì quý bằng một hành động được chính Chúa Giê-su đánh giá tốt. Chúa Giê-su bênh vực Ma-ri-a vì: – hành động của cô xuất phát từ tình yêu chân thành; – cô đã dành cho Chúa những gì tốt đẹp, quí giá nhất; – cô hoàn toàn vô vị lợi, không so đo hơn thiệt, không tính toán mưu lợi riêng tư.

Mời Bạn: Một việc tốt chỉ thực sự là tốt đẹp khi nó phát xuất từ động cơ tốt, và hướng tới mục đích tốt. Bạn hãy cẩn thận nhận định kỹ càng, kẻo việc tốt bạn làm hoá ra xấu xa, nếu như bạn làm việc đó để che lấp một lỗi lầm, hoặc nhằm tìm kiếm một tiếng khen, một mối lợi, hay chỉ để thoả mãn lòng tự ái.

Sống Lời Chúa: Bạn hãy luôn xét mình mỗi ngày để khám phá ra được những động cơ, những ý hướng xấu ẩn nấp trong những hành động tốt của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thanh tẩy tâm trí con khỏi những dục vọng đen tối, những ý hướng thấp hèn, để mỗi lời, việc làm, con chỉ nói chỉ làm vì yêu mến Chúa mà thôi. Amen.

 

30/03/21 THỨ BA TUẦN THÁNH
Ga 13,21-33.36-38

 

SỐNG TRONG ÁNH SÁNG

Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền ra đi. Lúc đó, trời đã tối. (Ga 13,30)

Suy niệm: Chỉ trong một bữa tiệc, Đức Giê-su đã ba lần cảnh báo Giu-đa; điều đó có nghĩa là Ngài biết rõ ý đồ phản bội của ông: một lần nói chung chung, lần thứ hai qua một cử chỉ thân ái, và lần cuối qua lời thúc giục trực tiếp với ông. Thế nhưng, cả ba lần ấy đều không lay động nổi trái tim Giu-đa: ông cương quyết trong dự định phản bội thầy. Không lạ gì khi Giu-đa rồi khỏi phòng tiệc, thánh Gio-an cho biết “trời đã tối.” Trời tối khi màn đêm đã buông xuống, nhưng trời cũng tối trong tâm hồn Giu-đa, tối trong tâm trí đen tối, trong cái nhìn của ông. Chính thái độ cố chấp sống trong tội lỗi ấy đã đẩy ông đi đến chỗ tuyệt vọng: treo cổ tự sát. Đang khi ấy cũng trong lúc trời tối, Phê-rô đã chối Thầy mình ba lần. Nhưng khi trời hừng sáng, tiếng gà gáy đã cảnh tỉnh ông, đưa ông ra khỏi bóng đêm, để rồi sám hối qua những giọt nước mắt ân hận.

Mời Bạn: Không đến nỗi tệ như Giu-đa, nhưng lắm lúc bạn cũng muốn ở lì trong bóng đêm của những dự tính đen tối, của thói hư tật xấu, của các mưu mô triệt hạ người khác. Mời bạn nhìn vào Giu-đa để thấy kết cục của thói quen phớt lờ trước lời cảnh tỉnh của Lời Chúa, để không theo vết xe đổ, bạn thực hiện cuộc hoán cải tận căn cho cuộc đời.

Sống Lời Chúa: Tôi xem đâu là những bóng đêm đang bao phủ đời mình, để điều chỉnh sửa đổi trong những ngày Tuần Thánh này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa kiên nhẫn cảnh tỉnh Giu-đa, nhẫn nại uốn nắn Phê-rô, chấp nhận sự nhát đảm của các môn đệ thân tín khác. Con xin lỗi Chúa vì bao lần con cũng chai lì trong các thói hư tật xấu. Xin giúp con sửa đổi trong những ngày này. Amen.

 

31/03/21 THỨ tư tuần thánh
Mt 26,14-25

 

NHẬN DẠNG SỰ DỮ NƠI MÌNH

“Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy… thà người đó đừng sinh ra thì hơn.” (Mt 26,23-24)

Suy niệm: “Sự dữ hiện diện nơi con tim mỗi người, có thể âm ỉ trong cả cuộc đời; thế nhưng, hoàn cảnh có thể làm thức tỉnh sự dữ ấy hoạt động” (Nhà văn Mỹ N. Hawthorne). Trong cuộc Khổ nạn của Đức Giê-su, ta thấy sự dữ hiện hình rõ nét nơi các thượng tế hay nơi một kẻ từng giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy mình. Với các thượng tế, giết chết Giê-su là giải pháp tốt nhất: không còn Giê-su, chẳng còn vấn đề nào cần phải giải quyết nữa! Với Giu-đa, phức tạp hơn, tiền bạc có thể làm mờ mắt ông, hay ông muốn đẩy Thầy mình vào thế phải tự vệ để khôi phục Vương quốc Ít-ra-en hùng mạnh ngày nào. Dù sao đi nữa, sự dữ ông làm cho Thầy không thể chấp nhận được!

Mời Bạn: “Ai cũng có con quỷ riêng của mình, và ta làm cho thế giới này thành hỏa ngục của ta” (Nhà văn O. Wilde). Tham lam, ham muốn, cầu an, chuộng an toàn bản thân, tự phụ, kiêu căng… luôn là con quỷ riêng của mỗi người. Bạn cần được giải thoát khỏi những con quỷ thầm lặng này, để có được tự do đích thực của người con cái Chúa trong Tuần Thánh và những ngày Phục Sinh sắp đến.

Sống Lời Chúa: Trước Thánh giá Chúa, tôi nhìn vào sự dữ nơi mình, sự dữ ấy đang ẩn mình dưới hình dáng, cung cách nào, để xin Chúa giúp trừ khử khỏi mình ngay hôm nay.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, sự dữ con người làm cho Chúa, Chúa biến thành thiện ích cho con người. Xin cho con dám can đảm nhận dạng rõ sự dữ đang hiện diện trong con, để xin Chúa ban ơn giúp con xua trừ, để con thành con người mới trong Chúa. Amen.