5 Phút Lời Chúa Mỗi Ngày Từ 14-30/11/2022

print

5 Phút Lời Chúa Mỗi Ngày Từ 14-30/11/2022

video 5 phut Loi Chua

14/11/22 THỨ HAI TUẦN 33 TN.

15/11/22 THỨ BA TUẦN 33 TN.

16/11/22 THỨ TƯ TUẦN 33 TN

17/11/22 THỨ NĂM TUẦN 33 TN.

18/11/22 THỨ SÁU TUẦN 33 TN.

19/11/22 THỨ BẢY TUẦN 33 TN.

20/11/22 CHÚA NHẬT TUẦN 34 TN – C.

21/11/22 THỨ HAI TUẦN 34 TN.

22/11/22 THỨ BA TUẦN 34 TN.

23/11/22THỨ TƯ TUẦN 34 TN.

24/11/22 THỨ NĂM TUẦN 34 TN.

25/11/22 THỨ SÁU TUẦN 34 TN.

26/11/22 THỨ BẢY TUẦN 34 TN.

27/11/22 CHÚA NHẬT TUẦN 1 MV – A.

28/11/22 THỨ HAI TUẦN 1 MV.

29/09/22 THỨ BA TUẦN 1 MV.

30/11/22 THỨ TƯ TUẦN 1 MV.

14/11/22 THỨ HAI TUẦN 33 TN

Lc 18,35-43

LÒNG TIN CỦA ANH ĐÃ CHỮA ANH

“-Lạy ông Giê-su con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! -Anh muốn tôi làm gì cho anh? -Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy! -Anh hãy thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” (Lc 18,35-43)

Suy niệm: Trong việc Chúa chữa người mù hôm nay, có một thông điệp cần được lưu tâm và đào sâu thích đáng. Chúa Giê-su không nói: “Ta cứu chữa anh”, nhưng Người nói: “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh!” Người cho thấy tác nhân của sự cứu chữa là chính lòng tin của đương sự. Và đây không phải là lần duy nhất Chúa Giê-su tuyên bố điều này. Chúa cũng đã như thế: với người đàn bà bị băng huyết (Lc 8,48), với ông đại đội trưởng Rô-ma (Mt 8,13), với hai anh mù (Mt 9,29), với người phụ nữ Ca-na-an có đứa con gái bị quỉ ám (Mt 15, 28), v.v… Sau này, Thánh Phao-lô sẽ xác nhận mạnh mẽ rằng vai trò chữa lành và cứu độ thuộc về đức tin chứ không thuộc về Lề Luật (x. Rm 1,16-11.36; Gl 3,15-29).

Mời Bạn: Xác tín vững chắc rằng lòng tin vào Đức Ki-tô đồng nghĩa với sự chữa lành. Ơn cứu độ của Thiên Chúa đã dành sẵn cho chúng ta nơi Đức Ki-tô, như một tấm ngân phiếu đã ký sẵn! Chỉ cần điền thêm lòng tin của chúng ta. Lòng tin của chúng ta sẽ cứu chữa chúng ta!

Sống Lời Chúa: Đừng vội thắc mắc tại sao Chúa không chữa lành cho mình về bệnh này tật nọ. Bạn đang cần sự chữa trị loại nào (thể lý, tâm lý, tâm linh)? Và bạn hãy tự hỏi lòng tin của mình vào Thầy Thuốc Giê-su đang ở mức nào. (Chẳng hạn, bạn đánh giá thế nào về ý nghĩa của mỗi lần mình rước lễ?)

Cầu nguyện: Đọc Kinh Xin Chúa Thương Xót, với tất cả lòng thành, mỗi câu 2 lần.

15/11/22 THỨ BA TUẦN 33 TN

Th. An-be-tô Cả, giám mục, tiến sĩ HT
Lc 19,1-10

 

ĐỪNG DÁN NHÃN THÀNH KIẾN

“Người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham.” (Lc 19,10)

Suy niệm: Ông Da-kêu là “đứng đầu những người thu thuế và là người giàu có.” Với ‘lý lịch’ ấy, ông bị mặc định dán cho cái nhãn là “người tội lỗi”. Và vì thế ‘theo đúng qui trình’, ông bị khinh rẻ, bị loại trừ. Tuy nhiên, Chúa Giê-su nhắc cho người Do Thái nhớ, ông Da-kêu còn một cái nhãn khác được gắn vào chính căn tính của ông: “Người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham,” giống như họ. Và vì thế, Ngài cho biết ông xứng đáng được tôn trọng, được cứu độ vì Ngài “đến để tìm và cứu những gì đã mất”.

Mời Bạn: Trong đời sống hằng ngày, rất nhiều khi chúng ta đánh giá người khác theo thành kiến. Chúng ta căn cứ một số biểu hiện, hành động bên ngoài của họ và gán cho họ là cái nhãn cố định không thể thay đổi. Họ là như thế và sẽ mãi là như thế, không bao giờ họ khác đi được. Nếu bạn đang có cái nhìn thành kiến như vậy về một ai đó, bạn hãy học nơi cái nhìn của Chúa Giê-su, một cái nhìn không định kiến, nhưng thấu hiểu và có sức hoán cải Da-kêu nói riêng, và nói chung với tất cả những ai, giống như Da-kêu, là những người tội lỗi nhưng khao khát nhìn thấy Chúa để được tha thứ, là những bệnh nhân nhưng mong gặp thầy gặp thuốc để được chữa lành. Trong đó cũng có cả bạn nữa.

Sống Lời Chúa: Tập loại bỏ cái nhìn thành kiến bằng cách khám phá được những nét ưu điểm nơi những người mà bạn vẫn mặc định coi là người xấu xa đáng ghét.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con là những kẻ tội lỗi, nhưng Chúa nhìn thấy nơi chúng con ước muốn hoán cải. Xin cho chúng con cũng nhìn thấy điều tốt đẹp nơi người khác để chúng con xoá bỏ thành kiến với họ. Amen.

 

16/11/22 THỨ TƯ TUẦN 33 TN


Th. Ma-ga-ri-ta Xcốt-len, trinh nữ
Lc 19,11-28

 

sinh lợi cho nước trời

“Sao anh không gửi bạc của tôi vào ngân hàng?” (Lc 19,23)

Suy niệm: Người đầy tớ nhận một yến bạc đem đi chôn lại còn cố biện bác, thế nhưng lý lẽ của anh đã không có sức thuyết phục tí nào lại còn ngầm oán trách ông là “người khắc nghiệt”. Ông chủ đánh giá các đầy tớ không phải ở chỗ họ bỏ ra công sức nhiều hay ít mà ở chỗ họ có sinh lợi từ số vốn ban đầu. Ít ra việc “gửi bạc vào ngân hàng” để sinh lợi cũng là một giải pháp chấp nhận được, thế mà anh ta đã không làm. Ông chủ có vẻ “kỹ tính” như thế nhưng thật ra, ông lại rất rộng lượng: phần thưởng ông dành cho người tôi tớ tài giỏi và trung thành thật hậu hĩ: Ông cho họ đồng cai trị với ông. Cơ sở để ông tín nhiệm là họ đã “trung thành trong việc rất nhỏ” thì họ có khả năng trung thành trong việc lớn hơn.

Mời Bạn: Thiên Chúa đã trao ban cho mỗi người vô vàn “yến bạc”. Đó không chỉ là sự sống, tài năng, sức khỏe, mà còn những “yến bạc” có vẻ vô hình hơn, đó là thời gian, môi trường, cộng đoàn chúng ta đang sống, và cả những khó khăn, bệnh tật, đau khổ… cũng là những “yến bạc” ta được giao cho để sinh lợi. Nhưng bạn ơi, đừng quá lo mình không đủ tài sức để làm việc đó. Chúa nói qua thánh Phao-lô: “Ơn Ta đủ cho ngươi!” (2Cr 12,9). Chúa không đòi hỏi những gì vượt quá sức của chúng ta. Hãy trung thành chu toàn những bổn phận rất nhỏ, Chúa sẽ ban cho bạn khả năng để hoàn thành những việc lớn lao hơn.

Sống Lời Chúa: Tâm niệm với thánh Tê-rê-xa: Chu toàn những bổn phận nhỏ nhất nhưng với tình yêu lớn nhất.

Cầu nguyện: Lạy Chúa! Xin cho chúng con luôn sẵn sàng dấn thân phục vụ, như những đầy tớ tốt lành và trung tín của Chúa. Amen.

 

17/11/22 THỨ NĂM TUẦN 33 TN


Th. Ê-li-sa-bét Hung-ga-ri
Lc 19,41-44

 

CHUNG THÂN PHẬN NGƯỜI

“Khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giê-su khóc thương.” (Lc 19,41)

Suy niệm: Đối với Đức Giê-su, Giê-ru-sa-lem không chỉ là bầu trời tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm của những lần cùng cha mẹ lên đền hành hương. Đây còn là “nhà cầu nguyện”, “nhà Cha của Ngài” (x. Lc 19,46; Ga 2,16), là nơi Ngài phải đến để thực hiện chương trình cứu độ của Chúa Cha (x. Lc 13,33; 18,31). Hôm nay, khi trông thấy đền thánh huy hoàng tráng lệ, Chúa Giê-su lại khóc. Dù là Thiên Chúa, Ngài đã khiêm hạ mặc lấy thân phận con người (x. Pl 2,7) nên Ngài thấu hiểu, cảm thông “mọi nỗi yếu hèn của chúng ta” (x. Hr 4,15). Nhưng Đức Giê-su không chỉ “khóc” như một cảm xúc theo tính tự nhiên. Ngài “khóc” vì dân riêng của Chúa thờ ơ trước sứ điệp bình an Ngài đem lại; Ngài “khóc” vì họ đã “không nhận biết thời giờ họ được Thiên Chúa viếng thăm.”

Mời Bạn: Thánh Gio-an Kim Khẩu nói: “Con Thiên Chúa làm người để con người được làm con Thiên Chúa”. Đức Ki-tô sống trọn kiếp người để đồng cảm với những khổ đau của chúng ta. Hơn nữa, Ngài còn thí mạng sống mình trên thập giá để giành lại cho chúng ta sự sống và chức vị làm con cái Chúa. Ngài yêu thương và thân cận với chúng ta như thế, vậy bạn còn ngần ngại gì mà không bày tỏ với Ngài mọi nỗi niềm, để Ngài giúp bạn biết cách hành động thế nào cho xứng tầm là con cái Chúa.

Sống Lời Chúa: Trước khi làm hoặc nói điều gì, bạn tự hỏi trong trường hợp này Chúa sẽ hành động như thế nào. Và bạn hãy hành động như Chúa soi sáng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã làm người để con được làm con Chúa. Xin cho con luôn hành động như người con thảo của Chúa. Amen.

18/11/22 THỨ SÁU TUẦN 33 TN


Cung hiến thánh đường thánh Phê-rô và Phao-lô    
Lc 19,45-48

 

GIẬN VÌ THƯƠNG

Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán và nói với họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” (Lc 19,45-46)

Suy niệm: Ngày hôm qua, chúng ta chứng kiến Đức Giê-su khóc, hôm nay ta lại nhìn thấy cơn giận của Ngài. Khóc vì thương và giận cũng vì thương. Nếu lòng yêu thương Chúa Cha và con người là sợi chỉ đỏ xuyên suốt ngày sống của Đức Giê-su, thì hôm nay cũng vì lòng yêu mến con người và Chúa Cha ấy mà Ngài nổi giận. Ngài nổi giận vì thấy những phường buôn bán bóc lột khách hành hương một cách công khai trắng trợn. Họ là những “kẻ cướp ngày” đội lốt tôn giáo. Đức Giê-su phản kháng là vì quyền lợi của những khách hành hương thấp cổ bé họng đó. Đồng thời, Ngài cũng phục hồi lại tính linh thánh của Đền thờ đã bị tục hóa vì những việc mua bán mặc cả ồn ào bên ngoài, cũng như đầu óc trục lợi nơi các vị tư tế.

Mời Bạn ngắm nhìn khuôn mặt buồn giận của Đức Giê-su và nhận ra lòng yêu thương vô hạn qua cử chỉ buồn giận đó. Chúa buồn giận vì yêu thương con người, Ngài buồn giận vì thấy nơi tôn nghiêm thờ phượng Chúa bị xúc phạm. Còn bạn, bạn thường buồn giận vì động lực nào?

Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn dành ít phút cầu nguyện và làm một việc hy sinh để đền bù những điều người ta xúc phạm đến Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa buồn giận không phải vì Chúa bị xúc phạm, mà vì người tín hữu bị bóc lột và vì Chúa Cha bị coi thường. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa, không nổi giận khi tự ái của mình bị tổn thương, mà chỉ vì Danh Thánh của Chúa và quyền lợi của anh em. Amen.

 

19/11/22 THỨ BẢY TUẦN 33 TN


Lc 20,27-40

 

CON CÁI SỰ SỐNG LẠI

“Họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.” (Lc 20,36)

Suy niệm: Điều gì sẽ xảy đến sau cái chết? Chết rồi sẽ đi về đâu? Số phận sẽ thế nào? Hay chỉ là hư vô? Đó là những câu hỏi ám ảnh tâm trí con người mọi nơi, mọi thời. Lý trí tự nhiên, quan sát kinh nghiệm, máy móc hiện đại không thể đưa ra câu trả lời thỏa đáng. Những người thuộc phái Sa-đốc không tin có sự sống lại. Để bác bỏ, họ dựa vào luật Mô-sê để đưa ra trường hợp một người phụ nữ lần lượt cưới bảy anh em ruột vì họ kẻ trước người sau đều chết mà không có con nối dòng. Dựa vào đó họ chất vấn Đức Giê-su: khi sống lại, chị ta sẽ là vợ của ai. Chúa Giê-su cho biết: trong cuộc sống mai sau, không có việc dựng vợ gả chồng như ở đời này; trái lại người ta sẽ sống trong mối tương quan thiêng liêng: người ta sẽ sống như các thiên thần.

Mời Bạn: Đối với Ki-tô hữu, việc kẻ chết sống lại là chân lý đức tin. Đức Ki-tô đã chết và đã phục sinh. Ngài sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Cuộc sống nơi trần gian không còn là “một cõi đi về, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” (Trịnh Công Sơn), nhưng là hành trình tiến về quê trời. Chúa Ki-tô mời gọi ta hoán cải, cùng chết đi cho tội lỗi để cùng sống lại với Ngài.

Sống Lời Chúa: Với tầm nhìn hướng về cuộc sống vĩnh cửu mai sau, bạn có thể sống khoan dung, nhẫn nại, hy sinh và tha thứ như Chúa là Cha trên trời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su. Chúa đã chết và đã phục sinh để cứu chúng con khỏi chết và ban cho sự sống mới. Xin cho chúng con luôn ý thức và sống xứng hợp với địa vị chúng con là con cái Chúa. Amen.

 

20/11/22 CHÚA NHẬT TUẦN 34 TN – C


CHÚA KI-TÔ, VUA VŨ TRỤ
Lc 23,35-43

 

CÓ TRỜI MỚI BIẾT

“Ông Giê-su ơi ! Khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi.” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng.” (Lc 23,35-43)

Suy niệm: Một tử tội sắp chết lại hứa hạnh phúc thiên đường cho một tử tội khác ngay trên thập giá là một chuyện vừa mỉa mai vừa kỳ lạ đến mức phi lý. Mỉa mai vì không hợp tình hợp cảnh: động cơ nào khiến tên tử tội kia lại xin một ơn huệ tréo ngoe đến buồn cười: “Khi nào ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”; và cũng kỳ lạ nữa vì chỉ “có trời mới biết” Đức Giê-su là ai mà dám tuyên bố điều đó. Thế nhưng ngày nay ai cũng biết “anh trộm lành” này đã “ăn trộm” được thiên đàng trước cả chúng ta, vì lời cầu xin của anh bao hàm một niềm tin mạnh mẽ: Đức Giê-su chính là Đấng Cứu Thế.

Mời Bạn: Danh xưng “Vua” ngày nay có thể gợi lại cho chúng ta hình ảnh đáng buồn của một chế độ phong kiến đã lỗi thời. Nhưng ý nghĩa cốt lõi của từ này vẫn diễn tả mối tương quan cơ bản của muôn loài đối với Thiên Chúa: Đấng cầm quyền sinh tử mọi loài Người đã dựng nên. Thế mới thấm thía lời kinh đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa: “Xin hãy làm vua cai trị hết mọi người…”

Chia sẻ: Đức Giê-su có phải là Vua của lòng bạn? Bạn có đặt vận mạng của bạn trong tay Ngài không? Nếu không thì đó là ai, là cái gì? Tiền bạc? Danh vọng? Lạc thú? Hay một thứ ô dù nào đó?

Sống Lời Chúa: Nếu đã tin nhận Đức Giê-su là sự sống lại và là sự sống thì việc thần phục Ngài là Vua của bạn là một hệ luận tất yếu. Hãy thờ phượng Ngài bằng cả đời sống bạn.

Cầu nguyện: Lạy Trái Tim Chúa Giê-su là Vua cai trị mọi loài. Xin Trái Tim Chúa làm vua cai trị lòng con suốt đời.

 

21/11/22 THỨ HAI TUẦN 34 TN

Đức Mẹ dâng mình
Mt 12,46-50

 

THUỘC VỀ GIA ĐÌNH CHÚA

Đức Giê-su giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.” (Mt 12,49)

Suy niệm: Đức Ma-ri-a dâng mình trong Đền thánh theo thói quen đạo đức thời ấy để có thể thuộc trọn vẹn về Chúa ngay từ những tháng ngày thơ ấu của mình. Dâng mình cho Chúa là đặt đời mình trong tay Chúa, dưới sự hướng dẫn, điều động của Ngài. Vì lẽ đó không lạ gì sau này Đức Ma-ri-a mau mắn nói tiếng “Xin vâng,” vui lòng chấp nhận làm Mẹ Con Thiên Chúa, rồi “vội vã” lên đường giới thiệu Chúa cho người chị họ Ê-li-sa-bét. Nếu không được chuẩn bị tâm hồn từ trước, Mẹ sẽ rất đắn đo, thậm chí khó lòng thuận theo ý muốn viễn tưởng đó dù từ Thiên Chúa trên trời. Sự vâng theo thánh ý Chúa ấy là mẫu gương cho các tín hữu, đồng thời cũng liên kết Mẹ với các phần tử khác trong đại gia đình Thiên Chúa.

Mời Bạn: Chúng ta không được sinh ra – theo huyết thống – để trở thành anh chị em ruột thịt của Thiên Chúa; nhưng chúng ta được phép trở thành người nhà của Ngài khi lắng nghe, tuân giữ và đem ra thực hành những điều Chúa dạy bảo. Chúa biến đổi bạn, từ người xa lạ, trở nên người thân của Ngài, được thông phần gia nghiệp sự sống đời đời. Bạn hãy luôn cảm tạ Ngài.

Sống Lời Chúa: Được chọn gọi để trở thành môn đệ Đức Ki-tô, con cái Thiên Chúa, ta phải suy nghĩ về ân huệ cao quí này và luôn để tâm làm những điều đẹp ý Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, noi gương Mẹ Ma-ri-a, hôm nay con xin tận hiến toàn thân để thuộc trọn về Chúa là gia nghiệp đời con. Xin cho con luôn ý thức từ tâm khảm mọi điều con nghĩ, mọi việc con làm, mọi lời con nói, đều cho thấy Chúa đang ở trong con. Amen.

22/11/22 THỨ BA TUẦN 34 TN


Th. Xê-xi-li-a, trinh nữ, tử đạo
Lc 21,5-11

 

HƯỚNG VỀ ĐỀN THỜ VĨNH CỬU

Đức Giê-su bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó, sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” (Lc 21,6)

Suy niệm: Năm 70 sau khi chiếm thành Giê-ru-sa-lem và bắt đi 97.000 tù binh, đại tướng Rô-ma là Ti-tô đã phóng hỏa đốt thành và cho cày một luống cày chính giữa Đền thờ. Thế là chấm dứt ngôi Đền thờ nổi tiếng, để rồi trong suốt gần 2.000 năm, câu chúc luôn nằm trên môi miệng người Do Thái là “Hẹn năm sau về Giê-ru-sa-lem”. Những lời tiên tri của Đức Giê-su đã được ứng nghiệm! Thế nhưng, với con mắt đức tin, ta khám phá ra một ý nghĩa khác về ngôi đền thờ như Đức Giê-su nói: “Hãy phá huỷ đền thờ này và trong ba ngày Tôi sẽ xây dựng lại”. Từ nay ngôi đền thờ vĩnh cửu mọi người phải qui hướng về là con người Đức Giê-su phục sinh. Mọi người đều được mời gọi bước vào Đền thờ-Đức Kitô phục sinh để gặp gỡ Thiên Chúa.

Mời Bạn: Nhớ rằng thân xác mỗi người cũng là đền thờ Thiên Chúa. Phải qui hướng, gắn bó với Đức Ki-tô phục sinh và Thánh Thần của Ngài. Cần thường xuyên thanh tẩy đền thờ-tâm hồn bằng ơn thánh của bí tích hoà giải.

Sống Lời Chúa: Tôi luôn kính trọng thân xác, không quá chiều chuộng, cũng chẳng khinh rẻ vì ý thức thân xác mình là đền thờ của Thiên Chúa .

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dẫn con vào nhà của con, căn nhà của trái tim, căn nhà vừa quen vừa lạ. Xin hãy cho con thấy những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co, những mâu thuẫn và vô lý nơi con. Xin hãy cho con thấy những nhỏ mọn, ích kỷ, những yếu đuối, khô khan, những cứng cỏi và tự ái nơi con. Xin biến đổi tâm hồn con thành nơi cư ngụ của Chúa.

 

23/11/22THỨ TƯ TUẦN 34 TN


Th. Clê-men-tê I, giao hoàng, tử đạo
Lc 21,12-19

 

KIÊN TRÌ ĐỂ ĐƯỢC SỐNG

“Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.” (Lc 21,19)

Suy niệm: Lời Chúa hứa hôm nay thêm sức mạnh cho các ki-tô hữu, giúp họ can đảm và kiên nhẫn chịu đựng mọi thử thách gian nan vì đức tin. Kiên nhẫn là khía cạnh nổi bật của lòng can đảm: dám đứng vững đến cùng. Họ chấp nhận mọi khổ hình, vì biết rằng: “Chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2Cr 4,17); và: “Không gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện trong Đức Ki-tô Giê-su” (Rm 8,39). Họ chấp nhận mất mạng sống – bây giờ – để được sống – đời đời, một nghịch lý mà chỉ có thể hiểu và chấp nhận dưới lăng kính đức tin. Môn đệ Chúa, Chúa luôn che chở: “một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu”. Thế thì việc gì mà sợ hãi?

Mời Bạn: Ngày mai chúng ta mừng lễ các thánh Tử Đạo Việt Nam. Đức Gio-an Phao-lô II trong dịp lễ Phong Thánh Tử Đạo (19/06/1988) đã chúc chúng ta: “Sống xứng đáng là con cháu các thánh Tử Đạo Việt Nam”. Để dám liều mạng sống minh chứng đức tin như các thánh tử đạo trước tiên phải dám kiên trì sống tinh thần tử đạo suốt cuộc đời. Trong mỗi ngày sống không thiếu dịp để ta tập kiên trì: một sự từ bỏ nho nhỏ, một sự chịu đựng điều trái ý, một thái độ vui vẻ trong cảnh thiếu thốn…

Sống Lời Chúa: Vui vẻ đón nhận những sự cố xảy ra trái với ý mình và dâng việc hy sinh đó để cầu cho các đẳng linh hồn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con ơn kiên nhẫn chịu đựng mọi hoàn cảnh khó khăn, trái ý con, trong ý thức rằng “chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời”. Amen.

 

24/11/22 THỨ NĂM TUẦN 34 TN


Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Ga 17,11b-19

 

LƯU DANH MUÔN THUỞ

“Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong Danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta.” (Ga 17,11b)

Suy niệm: Chim có tổ, người có tông. Chúng ta ai cũng có họ và có tên. Xúc phạm đến dòng họ của ai, là xúc phạm đến chính người đó. Làm vẻ vang dòng họ gia tộc là bổn phận của mỗi người. “Được gìn giữ trong Danh Cha” các thánh tử đạo Việt Nam không hổ danh, trái lại làm vinh danh “dòng họ” ki-tô hữu của mình: “Thà tôi bị lưu đày và phải chết vì Chúa, chứ tôi không chối đạo” (Th. An-rê Kim Thông). Các Ngài đã anh dũng hy sinh mạng sống để tuyên xưng niềm tin đó, “lấy tình yêu đáp lại tình yêu” (Chân phước An-rê Phú Yên), và để lưu danh muôn thuở dòng họ những người mang danh Ki-tô. Anh hùng thay, vinh quang thay.

Mời Bạn: Là người Ki-tô hữu Việt Nam, đức tin chúng ta được trổ sinh từ hạt giống là “máu” của các Thánh Tử Đạo, chúng ta thuộc dòng họ anh hùng và vinh quang với các ngài. Bạn có ý thức và tự hào về điều này không? Bạn đã, đang và sẽ làm gì để không làm “ô danh”, ngược lại làm “vinh danh” dòng họ? Khi có một ai xúc phạm đến Thiên Chúa và Hội Thánh, bạn phản ứng ra sao? Lẩn tránh? Dửng dưng hay bảo vệ làm chứng?

Chia sẻ: Cuộc sống của bạn, của chúng ta có thể nói gì về Chúa Giê-su cho những anh em lương dân sống chung quanh chúng ta?

Sống Lời Chúa: Ý thức rõ rằng chỉ có thể truyền giáo bằng đời sống bác ái, mỗi ngày bạn làm một việc bác ái cụ thể cho đồng bào lương dân chung quanh, thực hiện tình làng nghĩa xóm một cách thiết thực hơn.

Cầu nguyện: Đọc kinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

25/11/22 THỨ SÁU TUẦN 34 TN


Th. Ca-ta-ri-na A-lê-xan-ri-a, trinh nữ, tử đạo
Lc 21,29-33

 

NƯỚC TRỜI ĐƯỢC NHẬN BIẾT QUA ĐỜI SỐNG CỦA KI-TÔ HỮU

“Khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều đại Thiên Chúa đã đến gần.” (Lc 21,31)

Suy niệm: Không ai biết Nước Thiên Chúa cách chính xác như thế nào, nhưng qua giáo huấn của Chúa Giê-su, ta có thể nhận ra Nước Thiên Chúa ấy là trạng thái không còn đau khổ, cũng chẳng còn chết chóc, bất công; là nơi chan chứa tình thương, ngập tràn hạnh phúc, bình an vì có Thiên Chúa ngự trị. Nói cách khác, nơi nào có yêu thương đong đầy, con người cùng nhau đẩy lùi bất công, kiến tạo hòa bình, thì nơi đấy Nước Thiên Chúa đang hiện diện. Nếu giữa xã hội đang loại trừ Thiên Chúa, chạy theo lối sống hưởng thụ, tôn thờ vật chất, nhưng vẫn có những Ki-tô hữu can đảm đi ngược dòng, bền bỉ chiến đấu với sự dữ, luôn chọn Chúa, lan tỏa các giá trị của Tin Mừng; vẫn có các Ki-tô hữu coi nhẹ vật chất, bình tâm giữa khủng hoảng, miệt mài gieo yêu thương qua phục vụ, thì lối sống của họ sẽ trở nên những dấu chỉ cho con người thời đại hôm nay nhận biết Triều đại Thiên Chúa đã đến gần.

Mời Bạn: Qua dụ ngôn cây vả, Chúa Giê-su mời gọi bạn và tôi can đảm bước theo con đường chứng tá đó để làm chứng cho Nước Trời. Bạn sẽ làm gì để đáp lại lời kêu mời ấy?

Sống Lời Chúa: Bạn hãy tích cực tham gia các hoạt động của cộng đoàn đức tin, cố gắng cư xử tử tế hơn với mọi người lân cận khởi đi từ chính gia đình mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin biến đổi lòng trí chúng con để chúng con dám sống yêu thương phục vụ theo ơn gọi của người Ki-tô hữu. Nhờ đó, đời sống của chúng con trở nên chứng tá cho mọi người nhận biết Chúa và cùng sống yêu thương nhau. Amen.

26/11/22 THỨ BẢY TUẦN 34 TN


Lc 21,34-36

 

LỰA CHỌN QUYẾT ĐỊNH

“Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn.” (Lc 21,36)

Suy niệm: Thánh tử đạo Mi-ca-en Hồ Đình Hy, quan thái bộc ba đời vua triều Nguyễn, không bỗng nhiên mà khảng khái chấp nhận cái chết để trung thành với niềm tin vào Đức Ki-tô. Giây phút loé sáng của lựa chọn anh dũng đó là kết quả của cả cuộc đời trung thành: “Đã ba mươi năm phục vụ dưới ba triều vua, lúc nào hạ thần cũng là người hết lòng yêu nước, nay hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Đức Ki-tô.” Trong cuộc sống, có những lúc phải đưa ra lựa chọn mang tính quyết định, có những thử thách đột ngột xảy đến “như chiếc lưới bất thần chụp xuống trên đầu”. Để có thể đứng vững trong tình huống kịch tính như thế, “phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn” trong mọi giây phút của cuộc sống đời thường.

Mời Bạn: Để có một quyết định cuối cùng đầy anh dũng như các vị tử đạo đã làm chứng, chúng ta phải sẵn sàng trước những lựa chọn liên tục và rất nhỏ bé trong cuộc đời. Nếu bạn muốn thuộc trọn về Chúa, thì bạn hãy thuộc về Chúa trong mỗi lựa chọn hằng ngày. Những lựa chọn dù nhỏ nhưng luôn đòi bạn phải vượt qua xu hướng của bản năng và những thói xấu của xã hội; những lựa chọn phù hợp với mục đích cuối cùng của đời mình, với tấm lòng tin tưởng và phó thác nơi Chúa. Đó chính là thái độ sống: “tỉnh thức và cầu nguyện luôn”.

Chia sẻ: Chia sẻ một niềm vui khi vượt qua một cám dỗ để chọn một điều tốt.

Sống Lời Chúa: Thực hành quyết tâm “trung tín trong việc rất nhỏ” để có thể “trung tín trong việc lớn” (x. Lc 16,10).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con dám can đảm chọn Chúa là gia nghiệp quý giá nhất trên cuộc đời này và dám phó thác mọi sự trong tay Chúa.

 

27/11/22 CHÚA NHẬT TUẦN 1 MV – A


Mt 24,37-44

 

CANH THỨC ĐỂ SẴN SÀNG

“Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến.” (Mt 24,42)

Suy niệm: Mùa Vọng như đặt chúng ta đứng trên chòi canh cuộc đời, nhìn lên khoảng không gian vô tận của bầu trời, nhận ra sự mênh mông của biển cả, sự vô thường của cuộc sống. Trong sự to lớn này, mỗi người tựa như hạt cát trên bãi biển, nếu không muốn nói là hư vô. Nhưng đối với Chúa, mỗi chúng ta là một nhân vị cao quý, được dựng nên theo hình ảnh Chúa, có giá trị vô song trước mặt Ngài, với một định mệnh cao cả, chứ không phải nơi trần thế này. Chúa không ngừng nhắc ta ngày Ngài đến đem ta vào cõi mênh mông đời đời: Đó là Nước Trời. Muốn vào được Nước đó, phải nỗ lực chiến đấu (x. Lc 13,24), dùng của cải đời này để mua (x. Lc 16,8), vác thập giá mỗi ngày (x. Lc 9,23)…

Mời Bạn: Thái độ thường xuyên phải có để vào Nước Trời ấy là tỉnh thức. Tỉnh thức là không mê ngủ, không bị cuốn hút do của cải, tiện nghi vật chất, mãi mê với đời sống tại thế. Tỉnh thức là biết nhận ra Đấng đang đến là ai để đón Ngài vào cuộc đời, làm chủ quả tim mình. Tỉnh thức là kiên trì làm việc lành phúc đức, chiến đấu chống lại bản năng xác thịt, các khuynh hướng xấu. Xem ra bạn có nhiều việc phải làm để có thể tỉnh thức, không phải ngày một ngày hai, mà là mọi ngày.

Sống Lời Chúa: “Hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng” (Thư gởi tín hữu Rôma, bài đọc II Thánh lễ hôm nay).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn tỉnh thức để khỏi sa chước cám dỗ, tỉnh thức để nhận ra Chúa hiện diện với con trong cuộc sống mỗi ngày. Amen.

 

28/11/22 THỨ HAI TUẦN 1 MV


Mt 8,5-11

 

LỜI QUYỀN NĂNG

“Xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi khỏi bệnh.” (Mt 8,8)

Suy niệm: Ta chiêm ngắm cuộc gặp gỡ đầy lòng thương xót, với sự tế nhị, dịu dàng. Khi vào thành Ca-phác-na-um, dường như Đức Giê-su đang đi tìm, hay đang chờ đợi một cuộc gặp gỡ bất ngờ. Nghe biết Ngài hiện diện trong thành, viên đại đội trưởng liền đích thân đến gặp Ngài, trình bày ước mong của mình. Dứt khoát chẳng chút do dự, Thầy Giê-su nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” Đến nhà người ngoại giáo, chữa bệnh cho người nhà của họ là điều cấm kỵ với Do Thái giáo, vì sẽ bị ô uế! Điều này làm một người thông thạo phong tục Do Thái như viên đại đội trưởng ngạc nhiên, nhưng ông không quên thân phận của mình. Lời ông thốt ra chứng tỏ lòng khiêm nhường, thái độ tôn trọng đối với Thầy Giê-su: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” Giáo hội luôn lặp lại lời tuyên xưng khiêm tốn, cậy trông ấy trong Thánh lễ, để con cái mình xác tín về Lời quyền năng cũng như chuẩn bị tâm hồn trước khi hiệp lễ.

Mời bạn: Chúa Giê-su đã đến trong mầu nhiệm Nhập thể, Ngài vẫn đang đến với bạn trong mỗi phút giây, đặc biệt qua Lời Chúa và Thánh lễ. Bạn có nhận ra điều ấy? Bạn đang chuẩn bị gì cho Mùa Vọng năm nay để đón tiếp Đấng dịu dàng và thương xót?

Sống Lời Chúa: “Bạn hãy bước một bước đến với Chúa, và Người sẽ bước 10 bước tới bạn” (ĐTC Phanxicô).

Cầu nguyện: Con cảm ơn Chúa vì Chúa vẫn luôn đến, tìm kiếm con với tất cả sự dịu dàng và lòng thương xót. Xin cho con luôn tin tưởng vào Lời quyền năng có sức chữa lành và đem lại cho con Tình yêu mới. Amen.

 

29/09/22 THỨ BA TUẦN 1 MV


Lc 10,21-24

 

SỐNG TRONG NIỀM VUI

Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em thấy mà không được thấy.” (Lc 10,23-24)

Suy niệm: Ngạn ngữ Trung Quốc nói: “Tôi buồn vì không có tiền mua giày, cho đến ngày tôi gặp người cụt chân”. Trong một khóa tĩnh tâm, một người khiếm thị chia sẻ: “Tôi buồn vì không thấy những gì tôi ăn, đang khi ấy có bao người chết đói vì không có gì để ăn”, và anh cho biết suy nghĩ đó đã biến đổi hẳn đời anh. Đức Giê-su trong Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta đang được sống trong hạnh phúc mà không biết, hạnh phúc vì được thấy nhiều điều kỳ diệu: cảm thấy được Thiên Chúa đang hiện diện và ban muôn hồng ân cho mình trong cuộc đời, nhận thấy Đức Giê-su nơi người anh chị em chung quanh, nhìn thấy cuộc đời mình có ý nghĩa thế nào, và kết cuộc, đi về đâu. Khám phá hạnh phúc ấy phải làm thay đổi hẳn cuộc đời của chúng ta.

Mời Bạn: Hãy nhận ra hạnh phúc mình đang có, niềm vui mình đang được hưởng để rồi luôn biết sống tâm tình tạ ơn Thiên Chúa trong suốt cuộc đời.

Sống Lời Chúa: Để sống tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, khởi đầu một ngày sống, tôi sẽ có một tư tưởng tích cực: nghĩ điều tốt, làm điều tốt cho một người, tha thứ cho một kẻ xúc phạm…

Cầu nguyện: Lạy Cha từ ái, cảm tạ Cha đã ban cho chúng con ơn nhận biết và tin vào Đức Giê-su Con Cha, và được lớn lên trong lòng Hội thánh. Cha đã cho chúng con trí tuệ và quả tim để góp phần xây dựng một thế giới ấm no và chan chứa tình người. Ước gì sau một đời yêu thương và phục vụ, chúng con lại được cùng sống bên Cha. Amen.

30/11/22 THỨ TƯ TUẦN 1 MV


Th. An-rê, tông đồ
Mt 4,18-22

 

TIẾNG GỌI LINH THIÊNG 

“Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” (Mt 4,19)

Suy niệm: “Người biết tiếng gọi của mình sẽ tìm thấy cơ hội ở mọi nơi” (S. Adelaja). Nhận biết tiếng gọi của Đức Giê-su, An-rê đã đến tận nơi Ngài ở, lại dẫn em mình là Si-mon đến với Thầy. Rồi hôm nay, ông bỏ cả thuyền cả lưới cùng cha mẹ để đi theo Ngài. Trong ba năm theo Thầy rao giảng Tin Mừng khắp xứ Palestine, An-rê cũng nhận ra bao cơ hội để thực hiện tiếng gọi linh thiêng ấy. Giới thiệu em bé đem theo năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ để rồi từ đó, Thầy sẽ làm phép lạ kỳ diệu cho hơn năm ngàn người ăn no nê. Cùng với Phi-líp-phê giới thiệu những người Hy Lạp với Thầy mình. Sau ngày Thầy về trời, An-rê đi loan báo Tin Mừng cho vùng Bắc Hải, hoàn thành tiếng gọi lưới người ngày nào khi bị đóng đinh vào thập giá chữ X ở Achaia.

Mời Bạn: “Điều một người có thể là, người ấy phải là. Ta gọi nhu cầu ấy là tự hiện thực mình” (A. Maslow). Bạn cũng được Chúa mời gọi để là một tu sĩ trong hội dòng, người cha người mẹ trong gia đình, linh mục, giáo lý viên, hội viên đoàn thể trong giáo xứ. Hãy tự hiện thực mình cho đúng với tiếng gọi ấy bằng đời sống cầu nguyện, cảm nghiệm câu chuyện Giê-su trong đời mình, trau dồi những kỹ năng cần thiết cho việc thi hành sứ vụ.

Sống Lời Chúa: Tự hỏi xem bạn đã bao giờ quan tâm đến việc “lưới người,” để những anh em chưa biết Chúa cũng được ơn cứu độ như bạn chưa?

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn kêu gọi con người cộng tác vào công trình cứu độ nhân loại. Xin cho con cũng chia sẻ ước mơ ấy, bằng đời sống chứng tá mỗi ngày. Amen.