5 Phút Lời Chúa Từ 11-20/12/2018

print

 5 Phút Lời Chúa Từ 11-20/12/2018

 

11/12/18 THỨ BA TUẦN 2 MV Mt 18,12-14.

12/12/18 THỨ TƯ TUẦN 2 MV Đức Mẹ Gua-đa-lu-pê Mt 11,28-30.

13/12/18 THỨ NĂM TUẦN 2 MV Th. Lu-xi-a, trinh nữ, tử đạo Mt 11,11-15.

14/12/18 THỨ SÁU TUẦN 2 MV Th. Gio-an Thánh Giá, linh mục, tiến sĩ HT Mt 11,16-29.

15/12/18 THỨ BẢY TUẦN 2 MV Mt 17,10-13.

16/12/18 CHÚA NHẬT TUẦN 3 MV – C Lc 3,10-18.

17/12/18 THỨ HAI TUẦN 3 MV Mt 1,1-17.

18/12/18 THỨ BA TUẦN 3 MV Mt 1,18-24.

19/12/18 THỨ TƯ TUẦN 3 MV Lc 1,5-25.

20/12/18 THỨ NĂM TUẦN 3 MV Lc 1,26-38.

 

11/12/18 THỨ BA TUẦN 2 MV
Mt 18,12-14

 

KHÔNG ĐỂ HƯ MẤT MỘT AI

“Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.” (Mt 18,14)

Suy niệm: Giả sử trên thế gian này chỉ có một mình bạn, Chúa có chịu chết để cứu bạn không? Thưa, Chúa vẫn chịu chết để cứu bạn khỏi tội lỗi để ban cho bạn sự sống đời đời, vì Chúa đã quả quyết, Ngài không muốn một ai trong những kẻ bé mọn phải hư mất. Trong ý định của Thiên Chúa, mọi người dù bé mọn và yếu ớt như một phôi thai trong lòng mẹ, dù đang đắm chìm trong tội lỗi, vẫn có giá trị không thể thay thế trước mặt của Thiên Chúa, bởi họ là con người: là hình ảnh và là con của Thiên Chúa. Thậm chí, mỗi một cá nhân đều có giá trị độc đáo đến độ đám đông dù lớn cũng không thể thay thế họ, cũng như 99 con chiên không thể bù đắp cho sự thiếu vắng của một con chiên đi lạc. Đối với Chúa, con người không phải là những con số, mà là những nhân vị “hình ảnh của Thiên Chúa,” mà Ngài yêu thương “đến nỗi đã ban cho họ Con Một” của Ngài (Ga 3,16).

Mời Bạn: Thiên Chúa không muốn bạn hư mất, lẽ nào bạn lại làm cho chính mình bị hư mất. Thiên Chúa không muốn một ai trong những kẻ bé mọn phải hư mất, còn bạn, bạn có muốn thành viên nào trong gia đình hư mất không? Vậy, một cuộc trở lại sống thân tình với Chúa là sự thay đổi cần thiết lúc này cho bạn và gia đình bạn.

Sống Lời Chúa: Kêu gọi từng người trong gia đình sống thân tình với Chúa ngay từ mùa Vọng này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa xuống thế làm người và hiến thân chịu chết để không một ai trong chúng con phải hư mất. Xin cho con luôn thực thi lời Chúa truyền dạy để được sống trong ơn nghĩa Chúa và được hưởng ơn cứu độ.

12/12/18 THỨ TƯ TUẦN 2 MV
Đức Mẹ Gua-đa-lu-pê
Mt 11,28-30

 

HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG

“Anh em hãy học với tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng.” (Mt 11,29)

Suy niệm: Lời Chúa nghe quen quen. Na ná những mẩu quảng cáo gia sư trên các tờ bướm người ta phát vội tại các cổng trường hay các ngã tư đèn đỏ. Cũng một thông điệp là: tôi là thầy đây, tôi muốn dạy học đây, bạn đến học với tôi đi! Ồ, nhưng thật ra khác lắm. Các gia sư giới thiệu mình ‘đáng tín nhiệm’ bằng cách kê ra những chứng chỉ, những bằng cấp, cả những chức danh dài ngoằng mà mình đã hay đang giữ. Còn Thầy Giê-su thì chỉ có cái này để ‘khoe’: “hiền lành và khiêm nhường”! Và một điều khác biệt nữa, thật căn bản: Thầy Giê-su không dạy các môn luyện thi như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngoại Ngữ… cho học sinh. Thầy dạy môn SỐNG, môn LÀM NGƯỜI cho hết mọi người, nhất là cho những ai “đang vất vả mang gánh nặng nề.”

Mời Bạn: Dù bạn là ai, nếu bạn nhìn lại và tự thấy đời mình chưa thật sự bình an và hạnh phúc, nếu bạn nhìn nhận mình còn cần học sống, học làm người, thì Thầy Giê-su sẵn sàng giúp bạn đó. Miễn phí. Và bí quyết của Thầy là “hiền lành và khiêm nhường.”

Chia sẻ: Đọc Phúc Âm, bạn cảm kích nhất về sự hiền lành và khiêm nhường của Thầy Giê-su trong trường hợp nào?

Sống Lời Chúa: Thỉnh thoảng có một cung cách hay thái độ hiền lành và khiêm nhường thì khá dễ. Điều quan trọng là hiền lành và khiêm nhường thật sự sâu xa trong lòng, mọi nơi mọi lúc. Để được vậy thì ta phải cho phép Thầy Giê-su sống trong mình mọi nơi mọi lúc.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su khiêm nhường và hiền lành, xin dạy con ngày hôm nay biết sống hiền lành và khiêm nhường hơn. Amen.

 

13/12/18 THỨ NĂM TUẦN 2 MV
Th. Lu-xi-a, trinh nữ, tử đạo
Mt 11,11-15

 

CAO TRỌNG TRONG NƯỚC TRỜI

Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.(Mt 11,11)

Suy niệm: Gio-an có nhiều lý do để được Chúa Giê-su ca ngợi là “chưa có ai cao trọng hơn ông”: – Gio-an đã nhận được ơn cứu độ ngay từ trong lòng mẹ (x. Lc 1,43-44); – ông là vị ngôn sứ duy nhất của Cựu Ước trực tiếp giới thiệu Đấng Cứu Thế cho dân Ít-ra-en; – hơn nữa, ông tự tay mình làm phép rửa cho Ngài tại sông Gio-đan. Thế nhưng chính Gio-an cho biết lịch sử đã sang trang khi Đức Ki-tô là “Đấng trổi vượt hơn tôi” “tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (x. Ga 1,15.27) xuất hiện. Điều làm cho “kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời” còn cao trọng hơn Gio-an là ông không được chứng kiến mầu nhiệm tình yêu cứu độ được mạc khải cách trọn vẹn khi Đức Ki-tô chịu chết trên thập giá.

Mời Bạn: Được cao trọng hơn Gio-an, có phải vì vậy mà bạn tự cao tự đại? Bạn có được cao trọng hơn Gio-an là nhờ được lãnh nhận ân sủng của Đức Giê-su chịu chết và phục sinh. Bạn diễm phúc hơn Gio-an vì bạn nhìn thấy trái tim của Thiên Chúa nơi trái tim bị đâm thâu của Chúa Ki-tô trên thập giá. Tuy nhiên, không phải vì “cao trọng hơn Gio-an” mà đương nhiên được vào Nước Trời. Trái lại, phải dùng sức mạnh để “vác thập giá mình hằng ngày” (Lc 9,23) mà theo Đức Ki-tô.

Sống Lời Chúa: Làm những hy sinh hãm mình hằng ngày là phương thế để vác thập giá theo Chúa Ki-tô.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa ban thưởng Nước Trời cho chúng con như bảo chứng. Xin ban thêm cho chúng con lòng khao khát khi thực hiện ước muốn vào Nước Trời.

 

14/12/18 THỨ SÁU TUẦN 2 MV
Th. Gio-an Thánh Giá, linh mục, tiến sĩ HT
Mt 11,16-29

 

NHIỆT TÌNH HƯỞNG ỨNG

“Tụi tôi thổi sáo mà các anh không múa nhảy…” (Mt 11,17)

Suy niệm: Qua hình ảnh mấy đứa trẻ ương ngạnh bắt người khác hưởng ứng trò chơi theo ý thích của mình, Chúa Giê-su ám chỉ dân Do thái “cứng đầu cứng cổ”, luôn khước từ ý Chúa nhưng lại bắt Chúa phải theo ý mình. Họ phê phán sự khắc khổ của Gio-an Tẩy Giả, họ lại chỉ trích lòng nhân hậu của Chúa Giê-su. Cách nào họ cũng không hài lòng, thật đúng như câu ca dao: “Ở sao cho vừa lòng người, ở rộng người cười, ở hẹp người chê”! Chúa dạy chúng ta không nản lòng trước những lời phê phán bất nhất, nhưng hãy làm chứng đức tin bằng hành động thiết thực.

Mời Bạn: Người ta thường chủ trương một thái độ dửng dưng, một chủ nghĩa “mackeno” (mặc kệ nó) tránh tối đa mọi liên luỵ để chỉ “xin hai chữ bình an.” Vì thế mà việc chung cứ bị thoái thác, đùn đẩy. Hơn nữa đã không làm thì chớ, lại còn bất mãn triền miên, phê phán chỉ trích người làm… Mời bạn ý thức trách nhiệm người ki-tô hữu trưởng thành, biết làm thăng tiến cộng đoàn bằng những ý kiến tích cực và những việc làm xây dựng cộng đoàn cách thiết thực.

Chia sẻ: Khi làm việc chung, bạn có biết tìm kiếm ý Chúa, nhắm đến mục đích chung, và đón nhận những sáng kiến của người khác thay vì khăng khăng với ý kiến riêng của mình chưa?

Sống Lời Chúa: Kiểm điểm để nhận ra khuyết điểm của mình và quan sát, lắng nghe để nhận ra và tán thưởng ưu điểm, sáng kiến của người khác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết mau mắn cộng tác với công cuộc cứu độ của Chúa. Này lòng trí con đây, đôi tay đôi chân con đây, xin Chúa sử dụng, để con đem ơn cứu độ của Chúa đến với muôn người. Amen.

 

15/12/18 THỨ BẢY TUẦN 2 MV
Mt 17,10-13

 

NGÀI ĐẾN THẬT BÉ NHỎ

“Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.” (Mt 17,12)

Suy niệm: Ngài đã đến rồi, sao người ta không nhận ra Ngài? Người Do Thái vẫn trông chờ Đấng Cứu Thế, và theo lời ngôn sứ (x. Ml 3,23) thì tiên tri Ê-li-a sẽ xuất hiện để dọn đường cho Ngài. Nhưng Chúa Giê-su cho biết họ đã hụt lỡ mất cơ hội ngàn năm ấy, bởi vì Ê-li-a đã đến, nhưng không phải trên “cỗ xe bằng lửa” (x. 2V 2,11) như họ vẫn tưởng. Nếu họ không nhận ra Ê-li-a đã đến nơi sứ mạng của Gio-an, người “mặc áo lông lạc đà, ăn châu chấu và mật ong rừng” thì họ cũng không thể nhận ra Đấng mà Gio-an giới thiệu: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Họ lại càng không nhận ra Đấng Cứu Thế khi Ngài đến như một con người thật bé nhỏ nghèo hèn. Cái chết vì sứ mạng của Gio-an cũng là lời tiên báo rằng Đấng Cứu Thế cũng sẽ chịu chung số phận như vậy: “Họ đã đối xử với ông theo ý họ muốn. Và Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như vậy.”

Mời Bạn tập quen nhìn ra Ngài trong hình hài một trẻ thơ bé bỏng, trong cung cách hiền lành đến độ “cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi” (Mt 12,20), trong thân phận người tôi tớ đau khổ của Chúa “mặt mày tan nát, không còn dáng vẻ người ta nữa” (Is 52,14).

Sống Lời Chúa: Tiết giảm chi tiêu không cần thiết để luôn sẵn sàng chia sẻ với người nghèo khổ, là hiện thân của Đức Ki-tô nhập thể bé nhỏ nghèo hèn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con quan tâm, kính trọng những con người bé nhỏ nghèo hèn, vì đó là cách Chúa hiện diện hữu hình với chúng con.

 

16/12/18 CHÚA NHẬT TUẦN 3 MV – C
Lc 3,10-18

 

“ĐỔI ĐỜI”

Dân chúng lũ lượt đến xin ông Gio-an làm phép rửa, họ hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải làm gì đây?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn thì cũng làm như vậy.” (Lc 3,10-11)

Suy niệm: Gio-an Tẩy Giả khi loan báo cho dân Ít-ra-en Đấng Cứu Thế sẽ đến thì đồng thời cũng kêu gọi họ sám hối. Gio-an không rao giảng một thứ sám hối chung chung nhưng hô hào mọi người biết nhìn nhận, hối hận tội đã phạm, và quyết tâm canh tân cuộc sống bằng hành động cụ thể. Đó là một cuộc “đổi đời” tận căn: thay vì tham lam, vơ vét của cải, dùng quyền lực để cưỡng đoạt, áp bức người khác, thì đối lại thực thi bác ái và công bình, liên đới và chia sẻ.

Mời Bạn: Chúng ta đang sống trong Mùa Vọng, là thời gian chuẩn bị mừng kính biến cố Con Thiên Chúa làm người đồng thời ngưỡng vọng về ngày Chúa lại đến; đồng thời Mùa Vọng cũng là thời gian hoán cải và canh tân đời sống để chuẩn bị tâm hồn xứng đáng đón Chúa đến. Đáp lại lời kêu gọi của Gio-an Tẩy Giả, mời bạn đến với Bí tích Hòa giải để lãnh nhận ơn tha thứ và bình an của Chúa đồng thời thực thi đức ái Ki-tô giáo trong cuộc sống hằng ngày.

Chia sẻ: Gia đình hoặc nhóm của bạn cần loại bỏ khuyết điểm nào trước tiên để có thể canh tân đời sống trong Năm Phụng vụ mới này? Mời bạn đề ra phương thế và việc làm cụ thể.

Sống Lời Chúa: Quyết tâm chừa bỏ một nết xấu mà mình hay phạm nhất để tỏ lòng sám hối tích cực.

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin cho con biết khiêm tốn nhìn ra tội lỗi của con đồng thời cảm nhận được tình yêu và lòng bao dung tha thứ của Thiên Chúa để sẵn sàng sám hối ăn năn trở về với Thiên Chúa và với anh em qua việc cầu nguyện và hy sinh. Amen.

 

17/12/18 THỨ HAI TUẦN 3 MV
Mt 1,1-17

 

CON THIÊN CHÚA TRONG GIA  PHẢ CỦA CON NGƯỜI

Gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu Áp-ra-ham. (Mt 1,1)

Suy niệm: Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống Hoa Kỳ hồi năm 2008, các ứng viên được dư luận săm soi kỹ lưỡng về tông chi họ hàng. Đặc biệt ông Obama, vị tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ, gốc gác tổ tiên của ông ở Kenya thế nào đều được công khai trên các phương tiện truyền thông. Chúa Giê-su cũng được đưa ra “trình làng” như một người con trong đại gia đình nhân loại bằng một bản gia phả. Gia phả ấy không chỉ gồm ba, bốn thế hệ mà ngược lên đến tận tổ phụ Áp-ra-ham, cho thấy Chúa Giê-su là người kế tục và hoàn tất giao ước Thiên Chúa ký kết với con người qua Áp-ra-ham. Gia phả ấy kể lại Ngài thuộc dòng dõi hoàng gia, nhưng cũng không che dấu những vết nhơ. Điều đó có nghĩa là Ngài tự nhận mình là bà con thân thuộc với cả những tội nhân, để đền bù muôn tội lỗi và phục hồi quyền thừa kế chức vị tư tế hoàng vương cho toàn thể nhân loại là anh em của Ngài.

Mời Bạn đọc lại chậm rãi bản gia phả Chúa Giê-su. Giữa những cái tên lạ lẫm, bạn có cảm nghiệm niềm sung sướng bồi hồi khi bắt gặp những tên gọi thật quen thuộc như “Giu-se, chồng bà Ma-ri-a, mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô” không? Những tên gọi đó có gắn liền với kỷ niệm nào liên quan đến câu chuyện bạn nhận được ơn cứu độ không? Bạn có nhận ra tình liên đới ấm áp với những người chung quanh vì cùng có chung bản gia phả cứu độ này không?

Sống Lời Chúa: Ghi tiếp bản gia phả trên như sau: “X. (tên một người mà bạn không ưa), con cái Chúa, được cứu độ trong Đức Ki-tô, là anh em của tôi.”

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

 

18/12/18 THỨ BA TUẦN 3 MV
Mt 1,18-24

 

TRUYỀN TIN CHO GIU-SE

Giu-se đang toan tính như vậy thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, là con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.” (Mt 1,20)

Suy niệm: Sự cố xảy đến cho Đức Ma-ri-a quả thật là vượt quá sức hiểu biết và lý giải của con người. Nhưng thái độ của thánh Giu-se thực sự là một mẫu gương cho chúng ta khi đứng trước mầu nhiệm. Giu-se “định tâm bỏ Ma-ri-a cách kín đáo” không phải vì nghi ngờ về đời sống thánh thiện của Đức Ma-ri-a mà ngài vì không hiểu được hoạt động của Thiên Chúa nơi bạn mình. Thái độ của Giu-se là tôn trọng bạn và tôn trọng thánh ý Chúa: rút lui để cho ý Chúa được tỏ hiện. Ngay cả khi được thiên thần báo mộng, thánh Giu-se cũng không nhận được một lời lý giải rõ ràng hơn, bởi vì ngài chỉ biết Đức Ma-ri-a thụ thai là do đâu (bởi quyền năng Chúa Thánh Thần) chứ không phải là thế nào. Mầu nhiệm vẫn nguyên vẹn là mầu nhiệm. Thái độ của thánh nhân lúc này là tin tưởng, phó thác và vâng phục: “Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà”.

Mời Bạn: Mầu nhiệm không phải là một bức tường dày đặc bịt kín mít mọi cửa ngõ. Nhưng mầu nhiệm giống như biển cả vừa bao la vừa sâu thẳm mời gọi chúng ta chìm sâu vào để tiến tới. Mời bạn bắt chước thái độ của thánh Giu-se đứng trước mầu nhiệm, đó là: tôn trọng-tin tưởng-vâng phục.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn dành ít là 5 phút cầu nguyện trong thinh lặng để quen nhìn ra thánh ý Chúa.

Cầu nguyện: Lạy thánh cả Giu-se, xin giúp con biết bắt chước Ngài luôn mến tin và vâng phục khi chiêm ngắm những mầu nhiệm diệu kỳ của Chúa. Amen.

 

19/12/18 THỨ TƯ TUẦN 3 MV
Lc 1,5-25

 

GIÁ TRỊ CỦA THINH LẶNG

Bà Ê-li-sa-bét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng. Bà tự nhủ: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.” (Lc 1,24-25)

Suy niệm: Ông Da-ca-ri-a không thể đón nhận tin mừng có con cho vợ chồng ông trong lúc họ đã già mà lại son sẻ. Vì thế, Thiên Chúa đã cho Da-ca-ri-a phải sống trong thinh lặng để chiêm nghiệm tình yêu của Chúa qua quà tặng lớn lao là ban cho họ người con tên là Gio-an, tình yêu mà chỉ trong sự thinh lặng mới có thể hiểu và đón nhận. Thực vậy, trong sự ồn ào xao động, ông không thể biết được Thiên Chúa yêu thương gia đình ông dường nào, bởi Thiên Chúa chỉ nói rất rõ trong sự thinh lặng. Nếu trong thinh lặng người ta mới nghe được tiếng Chúa, thì sự “ẩn mình theo năm tháng” của vợ chồng Da-ca-ri-a đưa dẫn họ nhận biết Thiên Chúa đã thương cất nỗi hổ nhục của họ và họ được chạm đến lòng yêu thương rất kỳ diệu Ngài.

Mời Bạn: Mùa Vọng mời gọi bạn bớt đi những buổi “shopping”, thôi bận tâm quá mức sẽ mặc gì trong đêm giáng sinh hay ăn gì trong đêm lễ, nhưng dành thì giờ thinh lặng để gặp Chúa và lắng nghe lời tình tự của Thiên Chúa dành cho bạn. Như Đức Hồng Y Sarah đã nói, sự im lặng là không gian cho phép Chúa bước vào cuộc sống của ta.

Sống Lời Chúa: Cắt giảm thời giờ “tám chuyện” trên điện thoại hoặc mê man trong trò chơi và những phiền nhiễu khác, và thay vào đó, dành thời giờ để cầu nguyện trong thinh lặng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là Lời của Chúa Cha đến giữa thế giới này trong sự thinh lặng của một Hài Nhi. Chúa cho con hiểu rằng, chỉ trong thinh lặng con mới nhận ra Chúa và gặp được Chúa mà thôi.

 

20/12/18 THỨ NĂM TUẦN 3 MV
Lc 1,26-38

 

SỐNG ĐẸP LÒNG THIÊN CHÚA

“Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.” (Lc 1,30)

Suy niệm: Làm Mẹ Đấng Cứu Thế là ước mong của rất nhiều thiếu nữ Do-thái thời Chúa Giê-su. Tuy nhiên, mong ước ấy hầu hết lại phát xuất từ một động lực rất “tự nhiên” nếu không nói là “trần tục” khi xã hội đương thời vẫn quan niệm Đấng Cứu Thế của họ phải là một vị vua tái hiện thời hoàng kim của vua Đa-vít, đập tan ách thống trị của Rô-ma, làm bá chủ mọi dân nước. Chắc hẳn Đức Ma-ri-a không có tham vọng như thế khi Mẹ biết mình chỉ là một thôn nữ bình dị, nguyện sống khiết tịnh “không biết đến người nam”. Thế nhưng Thiên Chúa lại chọn những con người bé nhỏ để làm nên điều vĩ đại. Đức Ma-ri-a được tuyển chọn vào sứ mạng cao cả vì Mẹ “đạt chuẩn” của Thiên Chúa, và như lời sứ thần nói: vì Mẹ “đẹp lòng Thiên Chúa”.

Mời Bạn: Khi yêu thương ai, chúng ta sẽ cố gắng làm đẹp lòng người đó và tìm mọi cách để làm cho họ được hạnh phúc. Chẳng phải Thiên Chúa đã làm như thế cho chúng ta sao? Chính Ngài đã yêu thương chúng ta trước. Ngài chấp nhận hy sinh để con người được hạnh phúc. Đáp lại, nếu bạn yêu mến Thiên Chúa, bạn hãy thể hiện điều đó ngay trong đời sống hằng ngày bằng cách sống “đẹp lòng Thiên Chúa” nhé.

Sống Lời Chúa: Trong mùa Vọng này, bạn quyết tâm từ bỏ thói xấu lớn nhất của mình để bạn cũng được thiên thần chứng nhận rằng: “Người này đã sống đẹp lòng Thiên Chúa.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin hãy đến biến đổi tâm hồn chúng con để chúng con luôn sống đẹp lòng Chúa và xứng đáng được Chúa ngự vào. Amen.