5 Phút Lời Chúa Từ 11-20 Tháng 02/2021

print

11/02/21 THỨ NĂM TUẦN 5 TN
Đức Mẹ Lộ Đức
Mc 7,24-30

 

KIÊN TRÌ KÊU XIN CHÚA

“Chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.” (Mc 7,28)

Suy niệm: Chúa Giê-su là “ngai Thiên Chúa”,“nguồn ân sủng” mà con người có thể mạnh dạn tiến lại gần để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần (x. Dt 4,16). Người phụ nữ dân ngoại đã vượt qua rào cản ngăn cách giữa Do Thái và Hy Lạp để sấp mình dưới chân Chúa Giê-su mà kêu xin Người chữa đứa con gái bị quỷ ám. Chúa Giê-su có ý thử thách bà nên chưa nhận lời ngay với lý do dành ưu tiên cho dân Do Thái trước hết. Dù biết phận mình là dân ngoại, nhưng người phụ nữ này quyết không bỏ cuộc. Bà tiếp tục nài nỉ với những lời lẽ đầy khiêm hạ và tin tưởng: “Thưa Ngài, chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con”. Rốt cục, lòng chân thành và nhẫn nại của bà đã được Chúa Giê-su đoái đến. Người đã giải thoát đứa con gái bà khỏi quỷ ám.

Mời Bạn: Thánh Âu-gút-ti-nô nói: “Cầu nguyện là sức mạnh của con người và là sự yếu đuối của Thiên Chúa”. Do đó, chúng ta cần lòng kiên nhẫn để kêu xin Chúa luôn mãi, vì không phải bất cứ lời cầu xin nào cũng được toại nguyện ngay tức khắc. Bạn hãy tin rằng, nếu điều mình xin đẹp ý Chúa, thì chắc chắn Chúa sẽ nhận lời vào lúc Người muốn và theo cách Người muốn.

Sống Lời Chúa: Kiên trì xin Chúa ban một ơn nào đó mà Người ‘có vẻ’ chưa nhậm lời: chẳng hạn, xin cho cơn đại dịch mau chấm dứt.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã dạy cầu nguyện luôn, đừng sờn lòng nản chí, nhưng chúng con thường hay ngã lòng khi đối diện với những vấn đề gai góc. Xin  giúp chúng con biết kiên trì kêu xin Chúa để được xót thương và trợ giúp.

 

 

12/02/21 THỨ SÁU TUẦN 5 TN
Mồng Một Tết. Cầu bình an năm mới
Mc 6,25-34

 

LỜI CHÚC ĐẦU NĂM CỦA CHÚA

“Anh em đừng lo lắng tự hỏi : ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây ? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,31-33)

Suy niệm: Trong những ngày đầu năm mới, chúng ta vẫn có thói quen chúc nhau nững điều thật tốt đẹp. Thế nhưng chúng ta cũng mường tượng rằng những lời chúc đó nếu không phải là những ngôn từ rập theo khuôn sáo thì cùng lắm cũng chỉ là những ước mơ mà thôi. Phần Chúa, Ngài cũng dùng Lời Ngài mà chúc chúng ta, cách đặc biệt trong phụng vụ ngày đầu năm mới. Lời chúc của Ngài nhắm thẳng vào những nhu cầu thường nhật nhưng cấp thiết, là những mối bận tâm lo lắng hàng đầu của chúng ta : “ăn gì, uống gì, lấy gì mà mặc”. Thế nhưng, tất cả những thứ đó “Chúa đã biết thừa”. Ngài sẵn lòng ban cho chúng ta những điều đó, – “ban  thêm” – sau khi Ngài ban cho chúng ta điều quan trọng hơn, quí giá hơn nhiều; đó là chính trọng tâm lời chúc của Ngài: “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người”. Lời chúc cũng là lời hứa. Mà đã hứa thì Chúa sẽ thực hiện.

Mời Bạn: Bạn có dám tin, dám nhận vào lời hứa-chúc của Chúa không ? Mà dám tin cũng có nghĩa là dám liều : dốc sức việc “tìm kiếm Nước Thiên Chúa” trước, và sẵn sàng phó thác những sự khác “ăn gì, uống gì hay lấy gì mà mặc” để cho Chúa tuỳ nghi định liệu.

Sống Lời Chúa: Trong ngày đầu năm mới bạn và gia đình bạn đọc kinh gia đình và dâng lên Chúa lời cầu xin và quyết tâm của toàn thể gia đình.

Cầu nguyện: Đọc Kinh Trông Cậy hoặc hát “Con vẫn trông cậy Chúa”.

 

 

13/02/21 THỨ BẢY TUẦN 4 TN
Mồng Hai Tết. Kính nhớ tổ tiên
Mc 15,1-6

 

THỜ CHA KÍNH MẸ MỚI LÀ ĐẠO CON

“Ngươi hãy kính thờ cha mẹ.” (Mt 15,4)

Suy niệm: Cha ông ta dạy: “Bách thiện, hiếu vi tiên”, trong trăm điều thiện, việc hiếu thảo luôn đứng đầu. Đạo hiếu trong văn hoá Việt Nam không xa lạ với giáo huấn của Chúa. Sau ba điều răn đầu trong Mười Điều Răn dạy ta phải phụng thờ Thiên Chúa, thì điều răn thứ tư, điều răn đầu tiên nói về bổn phận đối với tha nhân là “hãy thảo kính cha mẹ.” Thánh Phao-lô đã nói như thế: “Hãy thảo kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất” (Ep 6,2). Nghiêm khắc hơn, Chúa Giê-su nhắc cho chúng ta, “Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải xử tử.” Và chính Chúa Ki-tô trong những năm tháng ẩn dật tại Na-da-rét cùng với Đức Ma-ri-a và thánh cả Giu-se, “Người hằng vâng phục các ngài.” Người ki-tô hữu tôn kính tổ tiên là thực hành giới răn của Chúa, vừa đền đáp công ơn vừa phá tan thành kiến: “theo đạo là bỏ ông bỏ bà”.

Mời Bạn: Tết là dịp làm mới lại lòng thảo hiếu với ông bà cha mẹ. Bạn sẽ làm gì để bày tỏ lòng hiếu kính: thăm viếng, mừng tuổi các ngài? Mời bạn làm một việc thật ý nghĩa để nói lên lòng hiếu thảo của bạn và thể hiện điều đó trong suốt năm nay và mai sau nữa. Nếu bạn không cho mình một cơ hội làm điều đó ngay hôm nay thì biết đâu ngày mai bạn không còn dịp nào khác nữa. Không lúc này thì lúc nào? Hãy làm ngay hôm nay, kẻo muộn màng.

Sống Lời Chúa: Sự vô tâm của người Ki-tô hữu đối với tổ tiên, cha mẹ đã gây nên hiểu lầm và cản trở công cuộc loan báo Tin Mừng, thì nay, chúng ta xin lỗi Chúa, xin lỗi ông bà, cha mẹ và quyết tâm sống đạo hiếu như Chúa dạy.

Cầu nguyện: Xin cho làn hương trầm trong dịp tết diễn tả được lòng thành của chúng con đối với Chúa và với ông bà tổ tiên. Amen.

 

14/02/21 CHÚA NHẬT TUẦN 6 TN – B
Mồng Ba Tết. Thánh hoá công ăn việc làm.
Mt 25,14-30

 

SIÊNG NĂNG VIỆC ĐỨC CHÚA TRỜI

“Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tùy khả năng riêng mỗi người.” (Mt 25,15)

Suy niệm: Nói theo ngôn ngữ hiện đại, những yến bạc là vốn liếng ông chủ giao cho nhân viên để đầu tư để sinh lợi, chứ không phải là đồng tiền nhàn rỗi cất giấu trong két sắt. Yến bạc, đó là ơn Chúa ban “tuỳ theo khả năng riêng mỗi người.” Bổn phận trước tiên của chúng ta là nhận thức được yến bạc Chúa trao và dâng lời cảm tạ Chúa vì mọi sự mình có đều là hồng ân Chúa ban. Mỗi người có sứ mạng dùng những khả năng ấy để sinh lợi cho Nước Trời. Người nhận được nhiều không vì thế mà huênh hoang tự đắc, vì ai được Chúa ban cho nhiều, thì phải sinh lợi nhiều hơn (x. Lc 12,48); còn người nhận được một nén cũng không buồn phiền tự ti, vì Chúa không đòi hỏi vượt quá sức riêng mỗi người như Ngài nói với thánh Phao-lô: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh” (2Cr 12,9).

Mời Bạn: Dân gian thường nói: “Giàu đâu những kẻ ngủ trưa, sang đâu những kẻ say sưa tối ngày.” Kinh “Cải tội bảy mối” dạy “Thứ bảy: siêng năng việc Đức Chúa Trời, chớ làm biếng.” Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chừa bỏ tính lười biếng, để luôn siêng năng việc thờ phượng Chúa và phục vụ tha nhân ngay trong công việc làm ăn và đời sống gia đình và cộng đoàn của mình.

Sống Lời Chúa: Ngày hôm nay, tôi sẽ làm một việc hữu ích để phục vụ những người thân của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin phó dâng công việc làm ăn của gia đình con trong năm mới này nơi sự quan phòng của Chúa. Xin cho chúng con luôn biết cộng tác với ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, để ra công làm việc không chỉ cho đời sống vật chất đời này, nhưng còn cho hạnh phúc Nước Trời mai sau.

 

 

15/02/21 THỨ HAI TUẦN 6 TN
Mc 8,11-13

 

NỖI BUỒN CỦA TÌNH YÊU

“Người thở dài não nuột.” (Mc 8,12)

Suy niệm: Thật khó hiểu cho thái độ của những người Pha-ri-sêu, sau biết bao dấu lạ, nhất lạ sau phép lạ Chúa hoá bánh ra nhiều cho hơn bốn ngàn người ăn, mà đây không phải là lần đầu và chắc chắn họ có nghe biết, thế mà họ vẫn đòi Chúa làm “một dấu lạ từ trời để thử Ngài”. Chúng ta lại dễ hiểu nỗi buồn của Chúa khi Ngài “thở dài não nuột” trước sự cứng lòng của người Pha-ri-sêu, nỗi buồn của một tình yêu bị từ chối, mà đây lại là tình yêu của Thiên Chúa, “Đấng đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” để ai tin Người Con đó sẽ được sống muôn đời. Trước những tấm lòng chai đá như thế, Chúa Giê-su cũng phải ‘cạn lời’: Ngài không ban cho họ thứ dấu lạ như họ đòi hỏi. Nhưng tấm lòng của Chúa thì không thể cạn: Ngài hứa sẽ ban cho họ “dấu lạ Gio-na” (Mt 12,39), nghĩa là dấu lạ của cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài, để ai tin vào dấu lạ đó sẽ được sống muôn đời.

Mời Bạn: Chắc hẳn Chúa cũng phải nhiều lần “thở dài não nuột” với chúng ta vì chúng ta cũng ‘cứng lòng’ không kém những người Pha-ri-sêu đó. Chúng ta hãy mở mắt, mở tai và mở lòng để nhận ra hồng ân Chúa trong đời ta. Đó chính là những “dấu lạ” mà Ngài vẫn thực hiện trong cuộc sống thường ngày. Qua đó, chúng ta nhận ra tình yêu mà Ngài dành cho mỗi người chúng ta.

Sống Lời Chúa: Tập đọc và suy niệm Lời Chúa để cảm nhận tình yêu Chúa dành cho mỗi người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa yêu thương chúng con thật nhiều. Nhưng chúng con đã vô tâm vô tình không nhận ra. Xin cho chúng con biết dành những giây phút lắng đọng để cảm nhận được tình yêu đó. Amen.

 

 

16/02/21 THỨ BA TUẦN 6 TN
Mc 8,14-21

 

LÀ MEN, LÀ MUỐI CỦA TIN MỪNG

“Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê.” (Mc 8,15)

Suy niệm: Nước Trời giống như nắm men Tin Mừng dậy lên trong lòng thúng bột nhân loại. Thúng bột bị hư thối cũng vì men, nhưng là “men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê”. Men Pha-ri-sêu là lối sống giả hình, chuộng hư danh: giữ luật bề ngoài thật chi li nhưng lại không sống đạo đức, công bằng, nhân ái thật lòng (Mt 23,1-36). Men Hê-rô-đê là lối sống xảo trá, chạy theo quyền thế, danh vọng, hưởng thụ khoái lạc, chà đạp lên các giá trị đạo đức và phẩm giá con người. Có vẻ như hai thứ men ấy không đội trời chung với nhau, nhưng thực tế cho thấy những người Pha-ri-sêu đã cộng tác với phe Hê-rô-đê để giăng bẫy hại Chúa Giê-su – trong vấn đề nộp thuế cho Xê-da (x. Mt 22,15-22). Nguy hiểm biết bao khi chúng phối hợp với nhau để làm hư hỏng con dân Nước Trời!

Mời Bạn: Sự thâm nhập và tác hại của những loại ‘men thối’ này thường âm thầm và tiệm tiến nên khó nhận biết. Bạn có nhận thấy lối sống háo danh, giả hình, tôn sùng vật chất, óc hưởng thụ ích kỷ đang len lỏi, thấm nhiễm vào lối sống của các ki-tô hữu ngày nay không?

Chia sẻ: Cộng đoàn/gia đình bạn đang nhiễm ‘men thối’ ấy ở mức độ nào?

Sống Lời Chúa: Biện pháp phòng chống ‘men thối’: – thường xuyên kiểm điểm đời sống cách riêng về cách mua sắm, sử dụng của cải xem có đúng tinh thần Tin Mừng không; – tích cực làm dậy men Tin Mừng bằng cách thực hiện những hành vi công bình, bác ái một cách có ý thức.

Cầu nguyện: Hát hoặc đọc: “Vì con muốn là men, muốn là muối ướp cho mặn đời. Vì con muốn liều thân đem Tin Mừng đi khắp nơi.”

 

 

 

17/03/21 THỨ TƯ LỄ TRO
Mt 6,1-6.16-18

 

NHẬP VAI GIÊ-SU

“Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.” (Mt 6,4)

Suy niệm: Trong một bộ phim Tam Quốc Chí, để có thể nhập vai Quan Vũ, diễn viên đóng vai này đã phải ăn chay trường trong nhiều tháng liền. Kết quả là cung cách quân tử Tàu của Quan Vũ được thể hiện rất đạt, như nhiều khán giả cảm nhận. Hôm nay Hội Thánh bắt đầu bước vào mùa Chay. 40 ngày mùa Chay là 40 ngày các Ki-tô hữu được mời gọi sống lại tâm tình của Đức Giê-su ngày xưa, nhập vai Giê-su một cách nào đó. Phương cách để nhập vai Giê-su là ba công việc truyền thống: ăn chay, làm việc bác ái (bố thí) và cầu nguyện. Mà đã ăn chay thì bụng phải đói, phải cồn cào ruột gan. Cái đói thể lý nhắc ta về một cái đói lớn hơn: đói Thiên Chúa, khát khao Ngài; cần Ngài cho tâm hồn tựa như cần lương thực cho thân xác.

Mời Bạn: Bắt đầu mùa Chay qua việc ăn chay một cách nghiêm túc, chay miệng lẫn chay lòng: giữ tâm hồn thanh thản, an bình, không giận dữ, không oán thù, không nóng nảy chua cay, cũng chẳng tranh giành ảnh hưởng hay tranh chấp tài sản. Làm sao để sau 40 ngày muà Chay, bạn nhập vai Giê-su đạt hơn, để không còn là bạn sống nữa mà là Chúa Giê-su sống trong bạn (Gl 2,20).

Sống Lời Chúa: Trong mùa Chay này, tôi sẽ cố gắng để thực hành ba việc: ăn chay (lòng), bố thí, cầu nguyện mỗi ngày, theo hoàn cảnh của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết sống cuộc vượt qua mỗi ngày của con. Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ, vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống. Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã. Vượt qua đêm tối cô đơn của Vườn Dầu. Vượt qua những khắc khoải của niềm tin. Vượt qua những thành kiến về người khác. Amen.    (Rabbouni)

 

 

18/02/21 THỨ NĂM SAU LỄ TRO
Lc 9,22-25

 

TÔI VÁC THÁNH GIÁ

Đức Giê-su nói với mọi người : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9,23)

Suy niệm: Sau lời tiên báo thương khó, Đức Giê-su đề cập ngay đến điều kiện các môn đệ phải có để theo Ngài. Chúa không chỉ nói với nhóm Mười Hai, mà còn với tất cả những ai đang đi sau Ngài. Điều kiện ấy là vác thập giá của mình hằng ngày. Thánh giá của mỗi người đều có dấu riêng, kết liên với kinh nghiệm và cuộc đời. Đức Hồng Y Martini nói: cũng như có hàng ngàn kiểu cầu nguyện, cũng có hàng ngàn cách tiếp cận với thánh giá và sống với thánh giá. Mỗi người có cách của mình để đảm đương thánh giá trên vai. Đó là đảm đương những bổn phận hằng ngày cách kiên trì, dù lắm khi rất nhàm chán. Dĩ nhiên, không có thánh giá nào mà không có sức nặng; chẳng có thánh giá nào mà không đòi nỗ lực, gắng sức. Chỉ có điểm chung cho mọi người môn đệ là không để thánh giá đè bẹp hay bỏ cuộc. Tất cả được kêu gọi tiến bước theo Chúa, mang cuộc đời mình theo Ngài.

Mời Bạn: Bên cạnh Đức Giê-su có hai tên trộm cướp vác thập giá và đang đi, có khi theo Đức Giê-su, lại có khi đi trước Ngài. Xét bề ngoài, họ đáp ứng đủ những đòi hỏi của Đức Giê-su. Tiếc thay lòng họ chưa muốn đi theo Ngài! Còn bạn thì sao?

Chia sẻ: Sự đều đặn của việc bổn phận có dễ làm bạn chán nản không?

Sống Lời Chúa: Bạn làm những công việc bổn phận mà không than vãn, trách móc. Bạn dâng hy sinh đó cho Chúa khi dự Thánh Lễ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con trung thành vác thánh giá theo Chúa, dù lắm khi con tưởng chừng không thể đứng lên tiếp tục tiến bước. Xin nâng đỡ con, lạy Chúa, xin nâng đỡ con.

 

 

19/02/21 THỨ SÁU SAU LỄ TRO
Mt 9,14-15

 

LỜI MỜI GỌI SỐNG MÙA CHAY

“Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay.” (Mt 9,15)

Suy niệm: Những người Do Thái đạo hạnh thường ăn chay một tuần hai lần vào những ngày thứ Hai và thứ Năm. Đây là việc ăn chay vì lòng sốt sắng chứ không bó buộc; môn đệ của Gio-an tẩy giả và người Biệt phái tuân giữ chu đáo nhưng các môn đệ của Chúa Giê-su thì lại không. Giải thích sự khác biệt này, Chúa Giê-su cho biết một hành vi đạo đức có giá trị không phải ở chính nó mà ở nơi Ngài, là Đấng Ki-tô: Ngài ví Ngài giống như chàng rể trong tiệc cưới; đó là lúc mà khách dự tiệc đến để bày tỏ niềm vui với chàng chứ không phải để chay tịnh buồn bã. Sự hiện diện của Đức Ki-tô buộc ta phải có thái độ phù hợp. Vấn đề không phải là ăn chay hay không ăn chay nhưng là phải nhận ra thời điểm ân sủng đang diễn ra.

Mời Bạn: Với nghi thức xức tro trên đầu, người tín hữu cùng với cộng đoàn bước vào Mùa Chay thánh. Mẹ Giáo hội muốn con cái mình chiêm ngắm Chúa Giê-su và công cuộc cứu rỗi Ngài thực hiện qua cuộc khổ nạn và phuc sinh. Đứng trước thập giá Chúa, họ được mời gọi không phải làm một khán giả vô cảm nhưng như môn đệ yêu dấu thấu cảm tình yêu của Thầy chí thánh và sẵn sàng bước theo con đường Thầy đã đi.

Sống Lời Chúa: Trong Mùa Chay, tôi dành thời gian để đọc kinh cầu nguyện, gẫm đàng Thánh giá riêng hay với cộng đoàn và gia tăng việc hy sinh và bác ái.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đến đem cho nhân loại niềm vui được cứu thoát khỏi ách thống trị của tội lỗi và lãnh nhận sự sống mới. Xin cho chúng con biết khiêm nhường sám hối để xứng đáng hưởng nhờ ơn cứu độ.

 

 

20/02/21 THỨ BẢY SAU LỄ TRO
Lc 5,27-32

 

MAU MẮN ĐỨNG DẬY

“Khi ấy, Đức Giê-su trông thấy một người thu thuế tên là Lê-vi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người. (Lc 5,27-28)

Suy niệm: Thái độ mau mắn của Lê-vi không khỏi làm ngạc nhiên nhiều người: Tại sao ông lại dễ dàng từ bỏ như thế? Vừa nghe tiếng Chúa, ông đã từ bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Ngài như thể không hề có quá khứ, chưa hề vướng bận bụi đời. Không chỉ Lê-vi, khi nghe Chúa gọi lên đường, tổ phụ Áp-ra-ham đã không cật vấn Chúa một lời, ông mau mắn từ bỏ mọi sự và cất bước. Ông Gia-kêu cũng thế, ông vội vàng dứt lìa với quá khứ tội lỗi để chấp nhận đi theo Chúa và làm lại cuộc đời. Họ cũng có quá khứ, có những trì kéo trong đời như những ai khác. Điểm khác biệt có chăng giữa họ với nhiều người khác là sự mau mắn đứng dậy đi theo Chúa. Sự mau mắn đó là hành động của đức tin. Bởi lẽ niềm tin vào Thiên Chúa không dừng lại ở một vài lời tuyên bố. Còn hơn thế, đức tin cần phải được nhập thể trong hành động của kẻ tin. Mau mắn theo Chúa là thước đo lòng tin của mỗi người.

Mời Bạn: Việc mau mắn từ bỏ tội lỗi là cách thế bạn bày tỏ lòng yêu mến Chúa. Càng chần chừ, càng khó từ bỏ.

Sống Lời Chúa: Tật xấu nào của bạn hay phạm và khó bỏ nhất? Bạn hãy quyết tâm từ bỏ tật xấu đó cách dứt khoát và triệt để ngay từ hôm nay, Mùa Chay này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đốt cháy lên những vụn than hồng của sự sống và tình thương còn sót lại dưới lớp tro tội lỗi con mang trên mình. Xin hoán cải hồn con trong bốn mươi ngày chay tịnh này, để mùa Chay trở thành con đường vươn tới Đức Ki-tô Phục Sinh, nguồn sống mới của loài người chúng con.