5 Phút Lời Chúa Từ 21-31 Tháng 10/2020

print

5 Phút Lời Chúa Từ 21-31 tháng 10/2020

  

21/10/20 THỨ TƯ TUẦN 29 TN
Lc 12,39-48

 

NGƯỜI QUẢN GIA TRUNG TÍN VÀ KHÔN NGOAN

“Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở?” (Lc 12,42)

Suy niệm: Lo cho cuộc sống được an toàn không chỉ là biết làm cho của cải ngày càng dồi dào trong kho lẫm, nhưng còn phải trông chừng để không bị hư hao hay thất thoát. Điều này đòi hỏi  bất cứ người quản lý tốt nào cũng phải khôn ngoantrung tín với chủ. Khôn ngoan để sinh lợi và trung tín để bảo tồn. Khôn ngoan là biết nhạy bén, nhanh nhẹn với phương cách làm tăng thêm hoa trái; trung tín là tỉnh thức, không chè chén say sưa hoang phí của cải. Sự khôn ngoan và trung tín ấy được nuôi dưỡng bởi một đức tin son sắt vào Thiên Chúa quyền năng, niềm hy vọng vào Thiên Chúa quan phòng, cũng như một lòng mến vào Thiên Chúa nhân hậu. Chính niềm tin yêu và hy vọng vào Thiên Chúa ấy giúp nâng đỡ tâm trí, lời nói, hành động của người quản gia trong mọi hoàn cảnh, dù thuận hay nghịch, chứ không theo gió đổi chiều.

Mời Bạn: Vững tâm, chắc tay chèo trong mọi hoàn cảnh được Tin Mừng gọi là “chuẩn bị sẵn sàng” cho ngày giờ Chúa đến. Biết là như thế, song lắm khi chúng ta vẫn cứ như người mơ ngủ, lẩm bẩm nơi miệng “còn lâu chủ ta mới về.” Để rồi có lúc ta phải hối tiếc!

Sống Lời Chúa: Người khôn ngoan như Tin Mừng dạy lại bị coi là dại khờ dưới con mắt của người thế gian. Vì thế, ta cần sự kiên định khi theo Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã tin tưởng giao cho con làm quản gia những gì Chúa ban tặng cho đời con. Xin cho con sử dụng cách khôn ngoan và trung tín theo ý Chúa muốn, kiên vững nơi sự quan phòng của Chúa “như kiềng ba chân.” Amen.

 

22/10/20 THỨ NĂM TUẦN 29 TN
Th. Gio-an Phao-lô II, giáo hoàng
Lc 12,49-53

 

THẦY ĐẾN ĐỂ GÂY CHIA RẼ?

“Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.” (Lc 12,51)

Suy niệm: Sống trên đời, ai cũng mong muốn hòa bình, bình an, hạnh phúc. Thế mà khi đến trần gian, Thầy Giê-su lại nói Ngài đến đem sự chia rẽ. Thầy định gây sốc hay muốn bị “ném đá” hay sao? Thật ra, đôi khi chúng ta sai lầm khi nghĩ rằng hòa bình có nghĩa là không có biến động nào xảy ra. Ta vẫn hay nói “bình an vô sự” đó sao! Đâu phải thế! Hòa bình, nói theo kiểu của nhà văn Vegetius: Nếu muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh. Như thế, hòa bình là một tiến trình rèn luyện, đấu tranh. Hòa bình Chúa Giê-su mang đến là ánh sáng, tự bản chất, nó phân rẽ với bóng tối; hòa bình ấy đòi hỏi người tin theo Ngài phải nỗ lực chiến đấu chống lại với khuynh hướng xác thịt nơi bản thân, ảnh hưởng xấu của môi trường xã hội, và lực cản sống theo Tin Mừng ngay chính nơi người thân của gia đình mình.

Mời Bạn:Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau.” Lời Chúa Giê-su nói nghe sao chướng tai quá! Nhưng thật ra, khi bạn đón nhận Ánh sáng Chân lý Giê-su thì, ngay chính trong bản thân bạn cũng đã chia rẽ: giữa lựa chọn thiện và ác, theo Chúa hay theo Danh-lợi-thú. Chia rẽ mà Chúa Giêsu mang đến là vậy đó!

Sống Lời Chúa: Đọc Lời Chúa mỗi ngày, để Ánh sáng Lời Chúa phân rẽ những bóng tối trong tâm hồn ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là Hoàng tử Bình an của nhân loại. Xin ban hòa bình cho thế giới, an bình cho tâm hồn, cộng đoàn con. Xin thêm sức mạnh để con cố gắng xây dựng hòa bình theo cung cách Chúa dạy. Amen.

 

23/10/20 THỨ SÁU TUẦN 29 TN
Th. Gio-an Ca-pet-tra-nô, linh mục
Lc 12,54-59

 

DẤU CHỈ CỦA THỜI ĐẠI

“Còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?” (Lc 12,56)

Suy niệm: Khi thấy mây tụ ở phía tây – phía Địa Trung Hải – người Do Thái biết rằng trời sắp mưa. Cũng vậy, thấy gió phía nam – phía sa mạc – thổi, họ biết rằng trời sẽ oi bức. Kinh nghiệm bao đời do quan sát thời tiết giúp người Do Thái có được đúc kết như vậy. Cũng vậy, bằng kinh nghiệm quan sát thực tại, khoa học ngày nay tiến bộ rất xa: từ những nghiên cứu vi mô như nguyên tử, phân tử, cho đến những nghiên cứu vĩ mô như các ngân hà, thiên hà. Khoa học đi một bước dài đến độ những kiến thức bình thường hôm nay nhưng lại xa lạ với các đầu óc thông thái ngày xưa như Socrates, Khổng Tử. Chẳng hạn: trái đất xoay quanh mặt trời; vận tốc ánh sáng nhanh hơn vận tốc âm thanh. “Cái biết” của con người đã đạt được đến thế, nhưng đôi khi con người lại vô tình, hoặc cố ý thản nhiên bỏ qua vấn đề tìm hiểu những điều sinh tử đụng chạm đến thân phận con người: Chết rồi con người đi về đâu? Cuộc sống này vô nghĩa hay ý nghĩa? Chúa Giê-su nói rằng: “Còn thời đại này, sao các ngươi lại không biết nhận xét?”

Mời Bạn: Tháng 10 Giáo hội nhắc nhớ người Ki-tô hữu bổn phận truyền giáo bằng việc cử hành Thánh lễ Khánh nhật Truyền giáo. Theo bài Tin Mừng hôm nay, bạn loan báo Tin Mừng bằng việc xác tín, làm chứng rằng Chúa Giê-su là dấu chỉ của thời đại: ơn cứu độ đã khai mở cho nhân loại rồi!

Sống Lời Chúa: Tôi nỗ lực trở nên dấu chỉ về sự hiện diện của Chúa Giê-su.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con nhạy bén nhận ra dấu chỉ sự hiện diện của Chúa trong thế giới này. Xin giúp con can đảm làm chứng cho sự hiện diện của Chúa. Amen.

 

24/10/20 THỨ BẢY TUẦN 29 TN
Th. An-tôn Ma-ri-a Cla-ret
Lc 13,1-9

 

CẬY VÌ DANH CHÚA NHÂN TỪ

“Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này … tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao?… Không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.” (Lc 13,2-3)

Suy niệm: Một thực tế rõ ràng là nếu được hỏi bạn có phải là người tội lỗi không, chắc chắn ta sẽ đáp ‘có.’ Nhưng khoảng cách từ lời thú nhận đến hành vi sám hối thì thật là xa. Câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình cho chúng ta thấy điều đó. Nghe Chúa nói: “Ai không có tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”, những người vừa hung hăng đòi ném đá, lần lượt kẻ trước người sau bỏ đi (x. Ga 8,1-11). Nhưng liệu mấy ai trong số đó thực tình sám hối? Kể từ ngày ông bà nguyên tổ phạm tội, các ngôn sứ trong Cựu Ước, rồi Đức Giê-su trong Tân Ước, đã luôn nhắc nhở chúng ta phải nhớ mình là tội nhân, đồng thời kêu gọi sám hối để nhận được ơn tha thứ. Thiên Chúa luôn khoan dung, vì “nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được’’ (Tv 130,3). Nhờ lòng nhân từ của Chúa chúng ta khỏi phải chết đời đời. Nhưng lòng nhân từ ấy đòi chúng ta cộng tác bằng hành vi sám hối, đổi đời.

Mời Bạn: Thần Chết sẽ viếng thăm hết mọi người, không trừ một ai và không biết giờ nào. Bạn và tôi được mời gọi luôn sẵn sàng đón nhận với thái độ sám hối, trông cậy vào lòng từ bi của Chúa. Có gì phải sợ lắm đâu, bạn nhỉ!

Chia sẻ: “Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ.’’ Làm sao nhận được lòng nhân từ của Chúa, nếu bạn không nhân từ với tha nhân, nhất là người tội lỗi?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa biết chúng con vốn mỏng dòn, yếu đuối, nhưng lại hay kiêu căng, tự phụ. Xin thêm lòng yêu mến và cậy trông, để chúng con cũng biết sống nhân từ với tha nhân như Chúa vậy. Amen.

 

25/10/20 CHÚA NHẬT 30 TN – A
Mt 22,34-40

 

VÌ MẾN CHÚA NÊN YÊU NGƯỜI

“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn ngươi… Ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình.” (Mt 22,37.39)

Suy niệm: Bất cứ người Do Thái nào cũng thuộc nằm lòng hai điều răn quan trọng nhất là mến Chúa yêu người, vì họ vẫn đọc hai điều răn ấy mỗi ngày trong lời kinh Shema. Tuy nhiên, với nhiều người hai điều răn ấy như thể độc lập, tách rời nhau. Chính vì thế, điều răn nào trọng nhất vẫn là đề tài tranh biện giữa các nhà thông luật. Đức Giê-su đã đưa ra một sự mới mẻ độc đáo khi nối kết hai điều răn mến Chúa và yêu người trở thành một điều răn độc nhất, diễn tả trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức lực và hết trí khôn, trên hết mọi sự thì phải yêu mến người anh em như chính mình. Hay nói cách khác, tình yêu Thiên Chúa thúc bách ta phải yêu thương người anh em mình.

Mời Bạn: Mến Chúa, yêu người là điều răn mỗi Ki-tô hữu chúng ta ai cũng thuộc nằm lòng. Thế nhưng, trong thực tế, nhiều người có xu hướng tách rời hai điều răn ấy. Họ vẫn đọc kinh, dâng lễ mỗi ngày nhưng lại thiếu bác ái trong lời nói, trong việc làm, với người khác, hoặc họ sống theo kiểu đạo tại tâm, chỉ cần sống tốt, cư xử tử tế với mọi người là đủ, chứ không cần phải đến nhà thờ để phụng sự Chúa. Còn bạn thì sao?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn quyết tâm làm ít nhất một điều tốt cho người khác vì lòng yêu mến Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con cảm nghiệm sâu hơn tình yêu, lòng nhân hậu Chúa dành cho con. Xin cho con nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi người anh em, để con sống bác ái và cư xử tử tế với mọi người. Amen.

 

26/10/20 THỨ HAI TUẦN 30 TN
Lc 13,10-17

 

TÌNH YÊU LÀ TRÊN HẾT

“Chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao?” (Lc 13,16)

Suy niệm: Trong cuộc đời rao giảng công khai, Chúa Giê-su nhiều lần đụng chạm nảy lửa với những người Pha-ri-sêu và luật sĩ nhất là khi liên quan đến việc tuân giữ Lề Luật, như ăn chay, rửa tay, chữa bệnh trong ngày Sa-bát… Những người Pha-ri-sêu và luật sĩ giữ luật đến cứng nhắc, chi li từng câu chữ đến mức trở thành gánh nặng cho con người, còn Ngài thì gọi đó là “đạo đức giả”. Hôm nay, lại xảy ra cũng một xung đột đó: Chúa chữa lành cho bà còng lưng trong ngày Sa-bát. Chúa không chỉ nhắc lại mục đích của Lề Luật: “Ngày Sa-bát được lập ra vì con người” (Mc 2,27), Ngài còn nhấn mạnh việc giải thoát con người khỏi xiềng xích của Sa-tan là việc ưu tiên hơn cả ngày Sa-bát. Người đã mang đến tinh thần mới cho lề luật và việc giữ luật, đó chính là Tình Yêu. Lề luật chính là để nâng đỡ và làm cho con người được tự do và yêu thương nhiều hơn bởi vì: “Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).

Mời Bạn: Đây chính là lời chất vấn của Đức Giê-su dành cho bạn và mỗi chúng ta. Tôi đã giữ luật vì sợ tội, sợ hỏa ngục, vì thể diện hay vì lòng yêu mến? Tôi được mời gọi sống tin tưởng và phó thác để Ơn Chúa thực sự biến đổi tôi. Để lề luật không còn là ràng buộc nhưng được tự do; để yêu thương mọi người nhiều hơn như Chúa mong muốn.

Chia sẻ: Bạn đã tìm thấy niềm vui nào khi tuân giữ luật Chúa, luật Giáo hội?

Sống Lời Chúa: Dành ít phút để suy ngẫm câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 12,7).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su,  xin cho con biết học nơi Chúa lòng yêu mến tha nhân và dám quảng đại dấn thân cho tình yêu ấy. Amen.

 

27/10/20 THỨ BA TUẦN 30 TN
Lc 13,18-21

 

HẠT CẢI VÀ NẮM MEN

“Nước Trời giống như chuyện hạt cải… và chuyện nắm men” (Lc 13,19.21)

Suy niệm: Hạt cải liên hệ đến đàn ông (gieo trồng, chăm sóc…) và nắm men liên hệ đến việc làm bánh của đàn bà (theo S. Abogunrin). Dù là nam hay nữ, thành quả họ có được trong đời sống, trong cách đạt tới Nước Trời, đều bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất. Ở đây không có chuyện “nước lã mà vã nên hồ,” nhưng mọi sự đều có khởi đầu, nguyên nhân, rồi mới có kết thúc và kết quả. Cái khởi đầu Chúa ban cho ta là hạt cải, nắm men; cái kết thúc là cây cao bóng cả cho chim trời, là lá cải, hạt cải gia vị trong bữa ăn, là bánh mì, các loại bánh trên bàn tiệc. Cũng vậy, ta đạt tới Nước Trời từ khả năng bé nhỏ Chúa ban, khả năng ấy ở trong tầm tay mỗi người, chỉ cần ta quan tâm, phát triển, sử dụng theo ý Chúa.

Mời Bạn: Đời người có thể ví như một tấm thảm, được đan dệt bằng cả ngàn vạn sợi chỉ màu. Mỗi sợi chỉ giống như hạt cải, nắm men của đời thường, được sử dụng với ý hướng phụng sự Chúa, phục vụ đồng loại. Tấm thảm màu cuộc đời ấy sẽ được trình diện Chúa trong ngày cuối cùng của đời bạn. Hãy biết chắt chiu từng sợi chỉ, đừng coi thường, cẩu thả, kẻo làm cho tấm thảm mất vẻ đẹp đáng có của nó.

Sống Lời Chúa: Hãy biến giây phút hiện tại như là cơ hội cuối cùng của cuộc đời trước khi bạn đến trình diện với Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, hạt cải để lâu ngày không gieo sẽ vô hiệu; nắm men không được vùi vào bột đúng giờ đúng lúc sẽ làm hư bột. Con cầu xin Chúa giúp con biết tận dụng khả năng, cơ hội Chúa ban, không chần chừ hay phung phí nén bạc Chúa gửi đến cho mình. Amen.

 

28/10/20 THỨ TƯ TUẦN 30 TN
Th. Si-mon và Giu-đa, tông đồ
Lc 6,12-19

 

TÌNH BẠN VỚI CHÚA GIÊ-SU

Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông đồ. (Lc 6,13)

Suy niệm: Có nhiều người đi theo Thầy Giê-su, được gọi chung là môn đệ. Nhưng Thầy muốn thiết lập tình bạn thân thiết hơn với một nhóm nhỏ. Nhóm nhỏ ấy sẽ ở lại, chia sẻ cuộc sống và sau nay tiếp nối sứ mạng của Thầy, được gọi là Tông đồ. Việc chọn lựa này rất hệ trọng nên Thầy phải “thức suốt đêm để cầu nguyện cùng Thiên Chúa.” Sáng hôm ấy đã có nhiều kinh ngạc nơi người được gọi tên, cũng như các cảm xúc nơi kẻ được chọn. Không ai biết được tương lai mình thế nào, nhưng chắc chắn họ ý thức được mời gọi đi vào mối tương quan thân thiết hơn với Thầy. Các ông chỉ ở với Thầy trong vài ba năm, nhưng lại dành trọn cuộc đời còn lại của mình để làm chứng về Thầy cho đến “tận cùng thế giới.” Các ông được chọn gọi, được giao sứ vụ chăm sóc Hội Thánh của Thầy. Tiếng gọi nối tiếp tiếng gọi; hành trình tiếp nối hành trình.

Mời Bạn: Được đi vào trong tương quan với Chúa Giê-su là ơn ban, nhưng cũng là đòi hỏi. Khi Chúa kêu gọi ai, Ngài có kế hoạch cho người ấy. Kế hoạch ấy có thành tựu hay không lại tùy thuộc nơi sự dấn thấn của kẻ được chọn, để ơn ban ấy có thể lớn lên, tăng trưởng và sinh ích cho người khác. Cũng như các Tông đồ khác, các thánh Si-mon và Giu-đa đáp lại ân ban đó, cũng như hoàn thành sứ mạng loan báo, làm chứng cho Thầy Giê-su tại Ba Tư, nước Iran ngày nay.

Sống Lời Chúa: Hãy nói với Chúa về ước muốn của bạn, tình bạn mà bạn đang có với Chúa và với người khác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã chọn gọi con làm tông đồ để làm chứng nhân cho Chúa. Amen.

 

29/10/20 thứ năm tuần 30 tn
Lc 13,31-35

 

giê-ru-sa-lem! Giê-ru-sa-lem ơi!

“Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem,… Đã bao lần ta muốn tập họp ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.” (Lc 13,34)

Suy niệm: Cuộc đời Đức Giê-su bị tiêu hao bởi một sự đam mê, có sức cuốn hút Người luôn hướng về Giê-ru-sa-lem. Chắc hẳn những người Pha-ri-sêu nghĩ rằng, nếu Chúa ở cách xa Thành, có thể sẽ dễ chịu hơn cho họ, nên đã đề nghị rằng: “Xin Ông đi ra khỏi đây vì Hê-rô-đê đang tìm giết Ông. Nhưng sẽ chẳng nơi đâu khác, ngoài trung tâm Dân Chúa đây mà Người muốn thực hiện sứ mạng cứu thế của Người: Lẽ nào “một ngôn sứ lại chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem?” Như gà mẹ ấp ủ gà con. Đức Ki-tô dành cho dân Ngài một trái tim, một tấm lòng người Mẹ…

Bạn có cảm nghiệm được mối tình của Đức Giê-su với Giê-ru-sa-lem không? Mời bạn đọc đi đọc lại nhiều lần: “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem,… Đã bao lần ta muốn tập họp ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu!” Chắc chắn chẳng phải vì sự nguy nga lộng lẫy của Thành hay của Đền Thờ mà Đức Giê-su say mến đến thế! Nhưng Giê-ru-sa-lem đây là Dân Riêng của Chúa, những người Chúa đã chọn gọi, yêu thương, giáo huấn và Ngài đã Nhập Thể, chịu chết để cứu chuộc họ!

Sống Lời Chúa: Mời bạn cầm lấy một cây Thánh Giá và chiêm ngắm thật kỹ, và xin ơn cảm nghiệm Tình yêu của Chúa Giê-su là như thế nào!

Cầu nguyện: Ôi Giê-su, con hiểu rồi, Giê-ru-sa-lem đây cũng là chính con nữa! Biết bao lần Chúa cũng đã lo lắng ấp ủ con, nhưng con vẫn chai lì lạnh giá. Nhưng như Mẹ hiền không thể quên con mình, Chúa vẫn yêu thương kiên nhẫn với con! Xin cho con hiểu hơn nữa tình Chúa yêu thương con. Amen.

 

30/10/20 THỨ SÁU TUẦN 30 TN
Lc 14,1-6

 

NHANH NHẸN GIÚP ĐỠ

“Ai trong các ông có đứa con trai hay có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa-bát.” (Lc 14,5)

Suy niệm: Khi yêu thương người khác, bạn dành ưu tiên cho họ. Bạn nhận thức được tính khẩn cấp nỗi đau của họ” (C. West). Bệnh phù thũng tuy không phải là căn bệnh nguy hiểm chết người, nhưng gây khó chịu, đau đớn cho bệnh nhân khi tay chân bị phù nề. Chúa Giê-su sánh ví ai đó có đứa con trai rớt xuống giếng, con bò sa xuống hố sâu, phải cứu ngay, vì đó là chuyển khẩn cấp. Cũng với suy nghĩ đó, Đức Giê-su cho biết Ngài không thể để người anh em đang bị đau đớn ấy phải chịu đựng thêm một ngày nữa mới chữa bệnh. Phải chữa lành cho anh ngay lập tức, không trì hoãn một giây phút nào. Ta thử tưởng tượng anh vui mừng hạnh phúc như thế nào khi được Chúa chữa lành.

Mời Bạn: “Khẩn cấp là chú ý đến các tiểu tiết đáng quan tâm, với sự tôn trọng các tiểu tiết đáng được tôn trọng, mà không trì hoãn” (R. Norton). Lòng yêu thương đòi hỏi bạn nhạy bén với từng chi tiết nhỏ nhặt nơi người khác, để nhận ra nhu cầu của họ, và tìm cách đáp ứng. Sống trong gia đình, cộng đoàn, bạn đã nhạy bén trước nhu cầu của người thân yêu, cũng như nhanh nhẹn nâng đỡ họ chưa?

Sống Lời Chúa: Tôi tập nhận ra các đau khổ, ray rứt, buồn phiền của người lân cận, và mau chóng tìm phương cách nâng đỡ, liên đới với họ, như một cách thực hiện đức ái mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn nhạy bén trước nỗi đau của con người, nhanh nhẹn giúp họ vượt qua nỗi đau. Xin cho con có được trái tim yêu thương như Chúa, nhạy cảm trước đau khổ của người chung quanh con, và giúp đỡ họ sớm hết sức có thể. Amen.

 

31/10/20 THỨ BẢY TUẦN 30 TN
Lc 14,7-11

 

KHIÊM TỐN ĐỂ ĐƯỢC TỰ DO

“Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 14,11)

Suy niệm: “Khiêm tốn không có nghĩa là ít nghĩ về mình hơn nghĩ về người khác, cũng chẳng phải là đáng giá thấp về tài năng của mình. Khiêm tốn là tự do không còn nghĩ gì về mình nữa” (Giám mục W. Temple). Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su không dạy ta bài học xử thế theo kiểu đắc nhân tâm: giả vờ khiêm tốn để được vinh dự mời lên chỗ cao hơn trong bữa tiệc; Ngài dạy ta bài học khiêm tốn chọn chỗ cuối, vị trí thấp nhất trong cuộc đời, để rồi sẽ được chính Thiên Chúa ban thưởng cho ta. Ngài đã thực hiện bài học ấy trước khi dạy ta: chọn sinh ra trong một gia đình lao động; lớn lên sinh sống bằng nghề thợ như bao lao động khác; ba năm đi rao giảng Tin Mừng như một người nghèo; chết cùng cực trên thập giá như một tử tội.

Mời Bạn: Quên mình là khiêm tốn. Khiêm tốn và tự do luôn đi đôi với nhau. Duy chỉ người khiêm tốn mới có tự do” (J. Wilson). Chỉ khi nào quên mình, ta mới thật sự là người khiêm tốn, có tự do. Tự do thoát khỏi cái tôi phình to, khuynh hướng đề cao bản ngã, thói ích kỷ vun quén cho mình, tật tìm an toàn cho bản thân. Bạn sẽ làm gì để mình thật sự là người khiêm tốn, tự do như Lời Chúa dạy hôm nay?

Sống Lời Chúa: Tôi tập chọn chỗ cuối trong gia đình, hội đoàn, cộng đoàn, chỗ đòi hỏi tôi phải khiêm tốn phục vụ người lân cận để sống Lời Chúa dạy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chọn chỗ cuối trong cuộc đời để phục vụ, đem lại sự sống đời đời cho nhân loại. Xin cho con cảm nghiệm mẫu gương của Chúa, để rồi con áp dụng bài học ấy trong đời sống mình. Amen.