52 Năm Chuột Máy Tính
TẾT CANH TÝ
Năm 2020, CHUỘT MÁY TÍNH tròn 52 tuổi. Càng “già” chuột càng đẹp, càng tiện ích hơn. Càng ngày “công nghệ chuột” được cải thiện về chất lượng và tính năng như: nhẹ, đẹp, rẻ, hình dáng nhỏ gọn vừa lòng bàn tay, có loại đặc biệt cho người thuận tay trái, độc đáo theo sở thích và thời trang, nhạy hơn, chính xác hơn.
Cha đẻ của chuột
Sau 2 năm nghiên cứu, chuột máy tính chào đời vào một ngày cuối năm 1968. Nhà phát minh người Mỹ, Tiến sĩ Douglas Engelbart nhận Giấy Chứng Nhận Bằng Sáng Chế số: 3.541.541, cấp ngày 17.11.1970, ghi rõ tên đầu tiên của chuột là “bộ định vị x-y”.
Douglas Engelbart chào đời năm 1925, tại bang Oregon, Mỹ.
Năm 1942, ông theo học ngành kỹ sư điện tử tại trường đại học bang Oregon, sau hai năm gián đoạn để gia nhập quân đội, ông tốt nghiệp loại xuất sắc vào năm 1948.
Ra trường, ông làm việc tại phòng thí nghiệm NACA Ames, tiền thân của viện NASA ngày nay. Chính từ đây, ông bắt đầu hình thành khái niệm “phát triển ý tưởng nhân loại”.
Cụm từ “phát triển ý tưởng nhân loại” của ông mang ý nghĩa làm sao cho mọi người có cơ hội để được nâng cao và phát huy khả năng của mình, để có thể giải quyết được những tình huống phức tạp trong đời sống, vừa đạt tới sự hiểu biết đủ để đáp ứng cả những nhu cầu rất riêng tư.
Ông đã đơn giản hoá cách vận dụng máy vi tính, biến nó từ một loại “siêu máy móc”, chỉ những nhà khoa học cao siêu mới sử dụng được, trở thành một công cụ gần gũi với tất cả mọi người!
Năm 1964, “con chuột” đầu tiên ra đời chỉ với mục đích phục vụ những người thiết kế đồ hoạ trên máy tính.
Năm 1968, Douglas Engelbart đã có một buổi thuyết trình trước công chúng dài 90 phút về hệ thống máy tính “mạng lưới” (net-work) tại trung tâm nghiên cứu mở rộng đại học Stanford, và đây là lần đầu tiên “các đứa con” của ông đã ra mắt mọi người: “con chuột” và hệ điều hành Windows.
Năm 1970, Douglas Engelbart nhận được bằng sáng chế cho mẫu “con chuột”có vỏ hộp bằng gỗ gắn hai bánh xe nhỏ bằng kim loại nối với máy tính bằng một đoạn dây. Ông miêu tả nó như một sáng chế mang tính ứng dụng cao, một “vật chỉ thị vị trí trên màn hình vi tính”, nó cho biết bạn “đang ở đâu”! Douglas Engelbart bật mí: tôi đặt tên nó là “con chuột” ví nó có một “cái đuôi” dài thò lò ra đấy thôi.
Tiến sĩ Douglas Engelbart đã được vinh dự nhận được giải thưởng Lemeson – MIT năm 1997 cùng số tiền thưởng 500.000USD. Đây là giải thưởng lớn nhất dành cho các phát minh mang tính đổi mới trên toàn thế giới.
Năm 1998, tên của ông được đưa vào toà nhà kỷ niệm những nhà phát minh quốc gia Hoa Kỳ.
Năm 2000, Douglas Engelbart được Tổng thống Mỹ lúc đó là Bill Clinton tặng thưởng Huy chương Công nghệ quốc gia, huy chương cao nhất trong lĩnh vực công nghệ.
Cha đẻ của chuột máy tính qua đời vào năm 2013 ở tuổi 88.
Chuột không ngừng tiến hóa
Chuột được Tiến sĩ Douglas Engelbart và các cộng sự thai nghén năm 1963. Mẫu đầu tiên của nó được tạo ra để sử dụng với giao diện người dùng đồ hoạ (GUI, graphical user interface). Lúc đó, chuột là một khối gỗ vuông với một nút bấm màu đỏ và hai bánh xe kim loại đựơc bố trí vuông góc với nhau.
Ngày 9.12.1968, chuột chính thức chào đời khi được đưa ra trình diễn trong một buổi giới thiệu kéo dài 90 phút trước khoảng một ngàn chuyên gia máy tính tại một hội nghị tổ chức ở California (Mỹ). Tiến sĩ Douglas Engelbart khiến các đồng nghiệp của ông phải kinh ngạc khi dùng chuột để điều khiển con trỏ trên màn hình từ khoảng cách trên 40m.
Chuột còn có một người anh em sinh đôi là bàn phím có 5 phím bấm. Ý tưởng của Engelbart là để tương tác với màn hình máy tính, người dùng chỉ cần một tay cầm chuột, còn tay kia cầm bàn phím số, và sẽ chẳng cần đến cái bàn phím như hiện nay. Thế nhưng qua gần 4 thập kỷ thì chỉ một mình chuột trở thành một trang bị tiêu chuẩn của máy tính cá nhân, việc mà ông Engelbart cho là “điều bất ngờ ngọt ngào”. Trong trong khi đó thì cái bàn phím 5 phím bấm chẳng biết đi về nơi đâu. Có lẽ vì nếu muốn thay thế bàn phím đánh chữ bằng 5 phím bấm đó, người sử dụng máy tính buộc phải nhớ đến 512 kiểu đánh phối hợp. Ngược lại để sử dụng chuột, người ta chỉ cần cầm nó di chuyển vòng vòng, kéo tới kéo lui trên miếng lót.
Ban đầu để sử dụng đựơc chuột “thuỷ tổ” phải mất vài… tháng để làm quen. Đến năm 1973, Bill English, một thành viên trong nhóm nghiên cứu của Douglas Engelbart, thực hiện những cải tiến lớn đầu tiên. Bill English “giải phẫu thẩm mỹ” chuột bằng việc đặt bên dưới chuột một hòn bi lớn bằng thép có khả năng ghi nhận các chuyển động của tay để thay thế cho hai bánh xe kim loại bên trong như thiết kế cũ, lại gắn thêm 2 nút bấm thành 3 nút. Chuột bi này của Bill English được Xerox PARC (Trung tâm Nghiên cứu Xerox tại Palo Alto) tung ra cùng với chiếc máy tính đầu tiên sử dụng GUI.
Ý tưởng chuột bi của Bill English được tiếp tục phát triển qua những tiến hoá: từ 3 nút còn lại 2 nút, rồi thêm bánh lăn… Thế rồi đến năm 1981, Richard Lyon của Xerox và Steve Kirsh của tập đoàn Mouse Systems cùng lúc phát minh mẫu chuột quang đầu tiên, nhận dạng chuyển động bằng vi cảm biến ánh sáng đặt dưới thân chuột, giải quyết chuyện bi bị bám bụi. Năm 1983, Apple tung ra mẫu máy tính cá nhân thương mại đầu tiên là Apple Lisa được trang bị GUI và chuột. Apple Lisa không thành công, nhưng chuột Apple vẫn được giữ lại để dùng với máy Apple Macintosh sau đó. Trong những năm cuối thập niên 20, người dùng máy tính quen liên tưởng mẫu chuột có phím cuộn kèm với cái tên Microsoft, nhưng thực ra Genius đã đi trước Microsoft một năm, với mẫu chuột Genius EasyScroll được tung ra thị trường năm 1995. Đến năm 2004, Logitech tung ra mẫu chuột laser đầu tiên, thay thế toàn bộ đèn LED bên trong chuột quang.
Trong quá trình “tiến hoá”, chuột cũng được cải thiện về chất lượng: nhẹ, đẹp, rẻ; hình dáng nhỏ gọn vừa lòng bàn tay, thậm chí có loại đặc biệt cho người thuận tay trái, hoặc độc đáo theo sở thích và thời trang. Về tính năng chuột cũng nhạy hơn, chính xác hơn, thậm chí có chuột 2 trỏ. Về sự thuận lợi, từ chuột có dây, chuột rút dây cho đến chuột không dây, chuột sóng radio; từ chuột dễ bị bám bụi và “chết” nếu không biết làm vệ sinh bi đến chuột quang, chuột laser…
Thuật ngữ “chuột” (mouse) trở thành một phần của từ vựng hiện đại cho đến khi Apple biến thiết bị này thành tiêu chuẩn của hệ thống máy tính Macintosh ra mắt lần đầu tiên vào năm 1984. Sau đó, sự xuất hiện của Microsoft cùng hệ điều hành Windows và trình duyệt web đã khiến cho con chuột dần trở nên phổ biến trong những năm 90 của thế kỷ trước.
Ngày nay chẳng còn ai gọi bằng cái tên cúng cơm đầy tính công nghệ “bộ định vị x-y”, mà chỉ gọi bằng cái nickname chuột. Cho dù một số mẫu chuột mới sử dụng công nghệ không dây, không còn “đuôi” nhưng chuột vẫn là … chuột. Dẫu vậy, các nhà phát minh vẫn tiếp tục tìm kiếm những kiểu áo mới, và cả gắn cho chuột thêm những chức năng hiện đại khác.
Hiện nay, người ta đã bắt đầu tính đến một số giải pháp thay thế hoàn hảo chuột máy tính như cảm biến chuyển động của cơ thể (Kinect) hay các công nghệ “sóng não” như trong phim viễn tưởng của thế kỷ trước. Không biết trong tương lai gần, chuột còn tồn tại không? Nhà phân tích Steve Prentice của Gartner cho biết: “chuột là một phần không thể thiếu trong giao diện đồ họa dành cho người dùng”. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng chuột không phải là tương lai mà thay vào đó là màn hình cảm ứng trên các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính xách tay, touchpad và bộ điều khiển video nhúng. Thậm chí ông còn tiên đoán một tương lai không xa, chỗ dành cho chuột máy tính sẽ là ở viện bảo tàng công nghệ.
Lòng biết ơn.
Tiến sĩ Douglas Engelbart luôn được xem là người “đi trước thời đại”. Thoạt tiên, khi ông đưa ra những ý tưởng… hơi bị “hoang đường” nhiều người cười ông, nhưng về sau khi chính ông hoặc người khác biến chúng thành hiện thực thì mọi người lại mang ơn ông!
Douglas Engelbart từng nói: “thật là tuyệt vời khi có thể thôi thúc được các người khác miệt mài theo đuổi, phấn đấu để đạt được ước mơ của mình!”. Phát minh ra “con chuột” vi tính và hệ điều hành Windows là những điều tuyệt vời mà ông đã làm để thực hiện câu nói này.
Khi Douglas Engelbart hình dung “con người đang ngồi trước máy vi tính, vô số… vô số những thông tin hiển thị, lướt rất nhanh và ngày càng nhanh hơn cứ như “bay bay” trong không gian màn hình, sẽ giúp người ta trình bày và thiết lập các ý tưởng của mình một cách linh hoạt, với tốc độ… “không thể nào tưởng tượng được”!
Năm Mới Canh Tý – Năm Con Chuột, khi bạn đang bay lượn lướt web hay đang làm việc trên máy vi tính qua những thao tác nhẹ nhàng nhấp chuột, xin nhớ đến Tiến sĩ Douglas Engelbart với tất cả lòng biết ơn.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An