Ngọc trong đá – Gm Giuse Vũ Văn Thiên

print

Ngọc trong đá

Mầm mống thánh thiện mà Thiên Chúa đã gieo nơi sâu thẳm của tâm hồn chúng ta, chính là ngọc trong đá mà chúng ta cần khám phá và làm cho lung linh tỏa sáng mỗi ngày.

2899db6e43cd3480028de2ce3a707358

 
 

Chuyện kể về một người thợ tạc tượng đá. Dưới bàn tay tài tình cần mẫn của ông, sau một thời gian đục đẽo, những khối đá sù sì dần dần trở thành những bức tượng hoặc những tác phẩm tuyệt vời diễn tả loài cầm thú, muông chim. Trong khi ông đang tạc một bức tượng, một chú bé mỗi ngày chăm chú ngồi xem. Từ khối đá thô ráp ấy, dần dần hiện ra một con người, có đủ mắt mũi, chân tay cùng những nét biểu cảm sinh động. Khi bức tượng gần hoàn thành, chú bé đặt câu hỏi với người thợ đá: “Sao bác biết trong khối đá này có sẵn một người, để bác đục bỏ lớp đá bề ngoài để người ấy lộ ra vậy?”. Thì ra, trong suy nghĩ đơn sơ của một em bé, em cho rằng, khối đá nào cũng có sẵn một tác phẩm bên trong, công việc của người thợ chỉ là đục đẽo để tác phẩm ấy được lộ ra ngoài!
 
Hằng năm, Giáo Hội mừng lễ Các Thánh nam nữ trên trời. Tên gọi ngày lễ này có thêm chi tiết “trên trời”, dễ hướng lòng chúng ta về thiên đàng, nơi có Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị, có Đức Mẹ, các thiên thần và các thánh. Trong số các thánh mà chúng ta mừng kính, có cả ông bà che mẹ và những người thân của chúng ta. Họ là những người đã sống đẹp lòng Chúa và đã xứng đáng được hưởng phúc vinh quang. Các ngài được tham dự phụng vụ thiên quốc, với lời tôn vinh bất tận, ca ngợi quyền năng và lòng thương xót của Chúa. Một bài thánh ca đã có từ lâu, thường được hát lên trong ngày lễ này, đó là bài “Hào quang thiên quốc”. Lời của bài ca này diễn tả vẻ huy hoàng của thiên đàng, cũng như niềm vui mừng hân hoan lớn lao mà các thánh được hưởng. Tuy vậy, khái niệm “trên trời” dễ làm cho chúng ta chỉ biết ca tụng các thánh, còn mình thì an phận với cuộc sống đời thường nơi thế gian đầy khổ ải, mà quên mất lời mời gọi nên thánh mỗi ngày.
 
Mừng lễ các thánh không dừng lại ở việc chiêm ngưỡng vinh quang của các ngài, nhưng là dịp để chúng ta suy tư về ơn gọi nên thánh của người Kitô hữu. Trước Công đồng Vatican II, tức là trước năm 1965, người ta nghĩ nên thánh là việc của mấy người nhà tu, như Giám mục, Linh mục và Tu sĩ. Công đồng đã khẳng định với chúng ta, nên thánh là bổn phận và ơn gọi của tất cả những ai đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy. Công đồng viết: “Được ban cho phương tiện cứu rỗi dồi dào như thế, mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người” (Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 11). Thực ra Công đồng chẳng tuyên bố điều gì mới mẻ, nhưng chỉ là đưa chúng ta về với giáo huấn nguyên thủy của Chúa Giêsu và nhắc mọi Kitô hữu sống ý nghĩa của bí tích Thánh tẩy. Bí tích này làm cho họ trở thành con cái Thiên Chúa, nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu. Trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, đương nhiên là nên thánh và hoàn hảo theo gương Người, vì “chỉ có Chúa là đấng Thánh, chỉ có Chúa là đấng Tối cao”, như chúng ta tuyên xưng trong kinh Vinh Danh. Lời mời gọi của Chúa Giêsu được gửi đến cho hết mọi người, cách riêng những ai muốn mang danh Kitô hữu và muốn làm môn đệ của Chúa: “Anh em hãy nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48). Đây là lời mời gọi xuyên suốt lịch sử cứu độ, đã được khởi nguồn từ Cựu ước và cũng là điều mỗi người Do Thái phải thuộc nằm lòng: “Các ngươi hãy nên thánh vì Ta là đấng Thánh” (Lv 11,44).
 
Chỉ có Chúa là Đấng Thánh. Ngài là nguồn mạch của sự thánh thiện. Nếu sự thánh thiện hiện hữu nơi cá nhân người này người kia, là do chính sự thánh thiện của Thiên Chúa tiềm ẩn và biểu lộ nơi người ấy. Nói cách khác, bất cứ người nào, nếu sống tốt và có những nghĩa cử nhân hậu bao dung, là họ phản ánh sự thánh thiện của Thiên Chúa, vì Ngài là nguồn mạch của Chân, Thiện, Mỹ.
 
Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh. Ngài đặt để nơi tâm khảm của mỗi con người hạt giống của sự thánh thiện, giống như trong mỗi khối đá thô ráp có khả năng để trở thành một bức tượng, nhờ sự khéo léo của bác thợ. Đương nhiên, so sánh nào cũng khập khiễng, vì ý tưởng trong khối đã có sẵn một con người chỉ là ý tưởng đơn sơ của một em bé. Trong mỗi con người chúng ta, có mầm giống sự thánh thiện của chính Thiên Chúa. Sứ mạng của chúng ta giống như người thợ đá, làm cho mầm giống ấy được lớn lên, tỏa sáng và trưởng thành mỗi ngày.
 
Các tác giả Phúc âm đã phác họa chân dung của Đức Giêsu. Dù phác họa ấy chỉ diễn tả phần nào những tâm tình và hoạt động của Người. Qua cuộc đời dương thế hơn ba mươi năm, Thiên Chúa chí Thánh đã hạ cố làm người để làm mẫu gương nên thánh cho con người. Quả vậy, lời kêu gọi của truyền thống Cựu ước: “Các ngươi hãy nên thánh vì Ta là Đấng Thánh” xem ra rất mơ hồ và xa xôi. Hơn nữa, Thiên Chúa là Đấng Tối cao, làm sao lấy Ngài làm mẫu mực cho sự nên thánh được? Qua Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, con người không còn phải băn khoăn đi tìm kiếm cho mình mẫu gương nên thánh nữa. Chúa Giêsu đã thể hiện trong cuộc sống hằng ngày sự thánh thiện. Tất cả lời nói, việc làm, ứng xử, tâm tình của Người đều phản ánh sự thánh thiện và lòng bao dung của Thiên Chúa Cha, đến nỗi “Ai thấy Thày là thấy Cha”. Người chỉ làm những việc Chúa Cha muốn cho Người làm, vì lương thực của Người, chính là thánh ý của Chúa Cha. Mỗi khi chúng ta đọc Tin Mừng, hình ảnh, cuộc đời và hành động của Chúa Giêsu lại hiện rõ, những lời thôi thúc chúng ta hãy noi gương bắt chước Người. Đó chính là con đường nên thánh. Nhờ Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, lời mời gọi “Anh em hãy nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành” trở thành khả thi đối với con người đang sống nơi trần thế, vì chính Chúa Giêsu là mẫu mực cho chúng ta. Người là Thiên-Chúa-làm-người, là hiện thân của Cha trên trời. Nên thánh là nên giống như Chúa Giêsu, là có tâm tình và phong cách như Người.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Tông huấn mới đây về sự thánh thiện (Hãy vui mừng hân hoan – Gaudete et Exsultate) đã nói đến sự thánh thiện nơi những con người bình dân trong môi trường cuộc sống hằng ngày. Họ là những người cha người mẹ cần mẫn nuôi dưỡng con cái mình bằng tình yêu thương đùm bọc. Họ cũng là những người đang làm việc cực nhọc để kiếm sống. Theo Đức Thánh Cha, đó là hình ảnh của Giáo Hội chiến đấu. Đó cũng là sự thánh thiện đang được khơi mào nơi những con người đơn sơ bé nhỏ cần cù ấy. Ngài gọi họ là “giới trung lưu của sự thánh thiện (x. Số 7). Những người vừa được nhắc tới trên đây, trong cái nhìn của những người xung quanh, chẳng ai nghĩ họ là những “vị thánh”, nhưng thực ra, họ đang âm thầm diễn tả sự thánh thiện của Thiên Chúa giữa đời. Cách đây vài năm, một tác giả nào đó đã phát hành bản “Kinh cầu các thánh”, trong đó, những “vị thánh” được xướng tên, là những người rất “thường dân” trong cuộc sống trôi nổi nhọc nhằn, như chị lao công quét rác, bác xích lô, ông thợ xây, bà bán hàng rong, anh công nhân, cô giáo tiểu học… đó cũng là một ý tưởng giúp ta trân trọng những người lam lũ nhưng mang trái tim nhân hậu. Tâm hồn họ là những mảnh đất màu mỡ mà sự thánh thiện của Thiên Chúa đã được gieo vào, nhờ thiện chí cố gắng của bản than, sẽ nảy mầm sinh trái, tỏa hương thơm tình Chúa tình người nơi cuộc sống chúng ta.
 
Mầm mống thánh thiện mà Thiên Chúa đã gieo nơi sâu thẳm của tâm hồn chúng ta, chính là ngọc trong đá mà chúng ta cần khám phá và làm cho lung linh tỏa sáng mỗi ngày.
 
Lễ Các Thánh 2018
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên