SCĐ Chúa Nhật V TN. C
Chủ đề :
Mau mắn đáp lời Chúa gọi
“Họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Ngài”
(Lc 5,11)
Sợi chỉ đỏ :
– Bài đọc I tường thuật ơn gọi của ngôn sứ Isaia : Khi nghe tiếng Chúa gọi “Ta sẽ sai ai đây ?”, Isaia đã nhanh chóng đáp lại : “Dạ con đây, xin sai con đi”.
– Bài Tin Mừng tường thuật ơn gọi của Simon Phêrô, Giacôbê và Gioan. Cũng đáp lời mời gọi cách nhanh chóng : “Họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Ngài”.
– Trong bài đọc II, Phaolô nói về ơn gọi của mình : mặc dù ông không xứng đáng, bởi ông đã từng bách hại đạo Chúa, nhưng vì chính Chúa gọi ông làm tông đồ nên ông đáp lại lời Ngài và sẵn sàng chịu đựng mọi khó khăn để rao giảng Tin Mừng của Ngài.
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Từ Chúa nhật đầu mùa Thường niên, chúng ta đã từng bước đi theo hành trình sứ vụ của Chúa Giêsu. Hôm nay Phụng vụ dẫn chúng ta tới lúc Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên là Simon Phêrô, Giacôbê và Gioan. Điểm đáng chú ý trong chuyện này là các ông đã mau mắn bỏ hết mọi sự để đi theo Chúa.
Ngày hôm nay Chúa vẫn tiếp tục kêu gọi chúng ta. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng Ngài và hãy mau mắn đi theo Ngài.
II. Gợi ý sám hối
– Vì mải mê lo những công việc thế tục, chúng ta đã phớt lờ đi những lần Chúa lên tiếng kêu gọi chúng ta.
– Có nhiều thứ chúng ta quá quyến luyến nên không thể từ bỏ mặc dù biết là nó xấu.
– Cũng như thánh Phêrô ngày xưa, giờ đây chúng ta hãy khiêm tốn thưa cùng Chúa : “Lạy Chúa, con là kẻ tội lỗi”.
III. Lời Chúa
- Bài đọc I (Is 6,1-8)
Tường thuật ơn gọi của Isaia. Chúng ta hãy để ý đến tâm trạng và phản ứng của ông :
– Trong một thị kiến, Isaia thấy mình đang ở trong Đền thờ. Qua những hiện tượng đặc biệt như cảnh các thiên thần tung hô, các cửa đền thờ rung chuyển, đền thờ nghi ngút khói v.v. Isaia, biết là có Thiên Chúa đang hiện diện.
– Cảm giác đầu tiên của Isaia là thấy mình quá tội lỗi khi đứng trước Thiên Chúa thánh thiện.
– Nhưng khi Thiên Chúa sai một thiên thần thanh tẩy Isaia và sau đó mời gọi ông làm ngôn sứ, thì Isaia đã mạnh dạn đáp lời.
- Đáp ca (Tv 137)
Đây là bài ca được hát trong đền thờ, “giữa chư vị thiên thần, con đàn ca kính Chúa”. Thánh vịnh này rất hợp với tâm tình của Isaia khi được Chúa kêu gọi.
- Tin Mừng (Lc 5,1-11)
Bài tường thuật việc Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên trong Tin Mừng Luca có nhiều chi tiết hơn bài tường thuật ngắn gọn trong Mt 4,19-22 :
– Họ đang giặt lưới để dẹp cất, vì suốt đêm đánh không được con cá nào.
– Chúa Giêsu bảo họ thử đánh một mẻ nữa. Phêrô không tin vào sự thành công, nhưng nễ lời Ngài nên ông thả lưới.
– Một mẻ lưới nhiều cá quá sức tưởng tượng đã khiến Phêrô và các bạn khám phá ra thân phận siêu phàm của Chúa Giêsu đồng thời cũng ý thức thân phận hèn hạ tội lỗi của mình.
– Khi đó Chúa Giêsu lên tiếng gọi họ theo Ngài làm môn đệ. Và họ đã từ bỏ mọi sự để theo Ngài.
- Bài đọc II (1 Cr 15,1-11)
Nhiều người chống đối Phaolô, cho rằng ông không đủ tư cách làm tông đồ.
Để trả lời họ, Phaolô nói rằng tất cả những gì ông rao giảng đều là những gì ông đã lãnh nhận từ giáo huấn của Chúa Giêsu. Phaolô cũng chứng mình rằng chính Chúa Giêsu đã chọn ông như đã chọn các tông đồ khác.
IV. Gợi ý giảng
* 1. Chúa gọi
Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta hiểu được rất nhiều điều về ơn gọi.
a/ Con người không chọn Chúa, mà chính Chúa kêu gọi con người : Isaia tin có Chúa đang hiện diện trong Đền thờ, nhưng ông không dám nghĩ tới việc được “thấy” Chúa và được Ngài “gọi” (bài đọc I). Phaolô đang trên đường lùng bắt các môn đệ Đức Kitô thì được gọi (bài đọc II). Còn Phêrô và các bạn chài thì đang lo đánh lưới bắt cá nhưng lại được gọi làm những kẻ quăng lưới bắt người (bài Tin Mừng). Đúng như lời Chúa Giêsu nói : “Không phải các con chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con”.
b/ Có khi ơn gọi phát sinh từ một cuộc gặp gỡ đặc biệt với Chúa. Cuộc gặp gỡ đặc biệt làm nẩy sinh một cảm nghiệm sâu sắc. Rồi cảm nghiệm sâu sắc cuốn hút con người vào một tương quan thân thiết mới mẻ với Chúa. Như trường hợp của Isaia, ông vẫn biết Thiên Chúa là Đấng vĩ đại và mạnh mẽ hơn các thần khác. Nhưng hôm ấy trong Đền thờ ông biết thêm rằng Ngài là Đấng hoàn toàn khác, là Đấng 3 lần thánh. Điều đó khiến ông xúc động mạnh. Ông diễn tả cảm xúc mạnh mẽ ấy qua những hình ảnh các trụ của đền thờ rung chuyển và khói tỏa mịt mù khắp Đền thờ. Còn Phaolô thì mô tả việc Chúa gọi ông đột ngột như “một đứa trẻ sinh non” trước khi đủ ngày đủ tháng. Phần Phêrô, mẻ cá lạ làm ông chợt nhận ra Chúa Giêsu không phải chỉ là con người mà còn là Đức Chúa, đồng thời ông ý thức thân phận tội lỗi bất xứng của mình. Ông đã thốt lên “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”.
c/ Nhưng nhiều khi Chúa gọi con người trong những hoàn cảnh rất bình thường. Như Phêrô và các bạn khi ấy đang làm công việc thường ngày là đánh cá. Hoàn cảnh thì bình thường, nhưng ý nghĩa lại đặc biệt : nó khiến con người khám phá một chân lý quan trọng, nó thôi thúc con người làm một cuộc lựa chọn mới mẻ chuyển hướng cả cuộc đời. Hôm đó Phêrô và các bạn đã bỏ tất cả mà đi theo Chúa Giêsu.
Dù gặp Chúa trong hoàn cảnh đặc biệt hay trong cuộc sống bình thường, hễ gặp được Chúa thì cuộc đời chắc chắn sẽ biến đổi.
* 2. Bất xứng và tín nhiệm
Ba bài tường thuật ơn gọi hôm nay đều có những nét giống nhau :
– Tất cả những người được gọi đều cảm thấy bất xứng : Isaia thốt lên “Khốn thân tôi, tôi chết mất, vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế” ; Phaolô tự nhận “Tôi là người hèn mọn nhất trong số các tông đồ, tôi không đáng được gọi là tông đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa” ; Phêrô thì sấp mình xuống dưới chân Chúa Giêsu “Lạy Chúa xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi”.
– Nhưng tất cả đều được Thiên Chúa tín nhiệm : Isaia được trao sứ mạng ngôn sứ ; Phêrô được chọn làm tông đồ ; Phaolô được sai đi làm tông đồ cho lương dân.
– Dù biết mình bất xứng mà Thiên Chúa vẫn tín nhiệm, nên các ngài đã nhiệt thành chu toàn sứ mạng được trao phó : Isaia mạnh dạn thưa lại với Chúa “Dạ con đây, xin sai con đi” ; Phêrô “đưa thuyền vào bờ rồi bỏ hết mọi sự mà theo Ngài” ; Phaolô dám khoe “Tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là Thiên Chúa ở cùng tôi”.
- Thành quả vàng son
Thánh Gioan Vianney, lúc còn là chủng sinh, học rất chậm. Ngày kia, một giáo sư thần học, thừa lệnh Đức Giám Mục đến khảo sát Vianney xem có đủ khả năng học vấn để tới chức linh mục chăng ?
Tuy đã dốc hết sức học hành, Vianney vẫn không thể trả lời được câu nào cho trôi chảy.
Nổi nóng, vị giáo sư đập bàn nói : “Vianney, anh dốt đặc như con lừa ! Với một con lừa như anh, Giáo Hội hy vọng làm nên trò trống gì”.
Vianney khiêm tốn bình tĩnh trả lời : “Thưa cha, ngày xưa Samson chỉ dùng một cái xương hàm con lừa mà đánh bại 3000 quân Philitinh. Vậy với cả một con lừa này, Thiên Chúa không làm được việc gì sao ?”
Quả thật, con lừa của Thiên Chúa đó, sau này không chỉ trở thành một cha sở, mà còn được tôn phong làm thánh bổn mạng của các cha sở.
Hôm nay, Simon cũng vất vả suốt một đêm chài lưới mà không bắt được một con cá nào, nhưng : “Vì lời Thầy con sẽ thả lưới” (Lc 5,5). Và lạ thay, một mẻ cá lớn bất ngờ, đến nỗi lưới hầu như sắp rách. Trước tình thế này, Simon chỉ còn biết bỏ thuyền, chạy đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà nói : “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8).
Kẻ nhận mình là tội lỗi yếu hèn đó, sau này đã trở thành Phêrô, người thuyền trưởng của con thuyền Giáo Hội.
Có một điểm gì đó rất giống nhau, rất tương đồng giữa Vianney và Phêrô. Đó chính là nhận mình yếu hèn khuyết điểm và hoàn toàn để Chúa lèo lái điều khiển đời mình. Nhờ đó, Chúa đã ban tặng cho các ngài những đậc ân vô cùng lớn lao. Vì ơn Chúa chỉ ban xuống cho những kẻ khiêm nhượng.
“Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không bắt được gì hết. Nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới” (Lc 5.5). Đây là lời bày tỏ sự bất lực của con người, để chính sự bất lực này sẽ làm nổi bật quyền năng của Thiên Chúa : Chính sự vâng phục của con người trước uy quyền của Thiên Chúa sẽ đem lại hiệu quả vượt sức tự nhiên loài người.
Từ vâng phục dẫn đến phép lạ, từ phép lạ dẫn đến niềm tin : Trước mẻ cá, Simon xưng Chúa Giêsu là Thầy : “Vì lời Thầy, con sẽ thả lưới”, nhưng sau mẻ cá diệu kỳ, người lại tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa : “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”. Qua phép lạ mẻ cá, Simon đã nhận ra quyền năng Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu và đã tin vào Người. Đây chính là lời tuyên xưng thiên tính nơi Chúa Giêsu.
Chính khi tin vào quyền năng Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu, mà Simon đã ý thức thân phận tội lỗi bất xứng của mình trước sự thánh thiện vô song của Thiên Chúa. Đó cũng là kinh nghiệm của ngôn sứ Isaia trước Thiên Chúa : “Khốn cho tôi, tôi chết mất, vì lưỡi tôi dơ bẩn” (Isaia 6, 5). Nhưng sau khi được than hồng là lửa tình thương Chúa thanh tẩy, ông đã mau mắn xin vâng, ra đi làm ngôn sứ cho Chúa : “Lạy Chúa, xin hãy sai con”. Hôm nay, Chúa cũng trấn an Phêrô : “Đừng sợ hãi, từ đây các con sẽ là kẻ chinh phục người ta” (Lc 5,10). Thành ngữ này thường gặp trong Cựu ước, để trấn an con người hãy tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa. Ở đây Chúa Giêsu muốn trấn an các Tông đồ, đặc biệt ba vị là Phêrô, Giacôbê và Gioan, để các ngài tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa khi đón nhận và thi hành sứ mạng Chúa giao.
Quả thật, ngay sau đó các Tông đồ đã “bỏ mọi sự mà đi theo Người “ (Lc 5, 11). Đó là ơn gọi của Phêrô, con người đã gặp gỡ Chúa và đã được Chúa thu hút chinh phục, để rồi Phêrô lại ra đi chinh phục các tâm hồn về cho Người.
Trước khi gặp Chúa, Simon dù có vất vả suốt đêm cũng không được một con cá nào ; sau khi gặp Chúa, Chúa đã hướng dẫn ngài kéo lên một mẻ cá bội thu. Nhưng dù cá có nhiều đến rách lưới ngài cũng không màng, vì từ đây mục đích đời ngài không phải là thành quả vàng son mà chính là Chúa mà thôi.
*
Lạy Chúa, từ bỏ mọi sự là điều kiện để đi theo Người. Xin cho chúng con một đức tin can đảm, dám từ bỏ những gì chúng con đã từng bám víu, cũng chẳng sợ thiệt thòi khi đã hiến dâng.
Xin cho chúng con một đức tin liều lĩnh, sẵn sàng mất đi tất cả, để chỉ xin giữ trọn một mình Chúa mà thôi. Vì Chúa chính là gia nghiệp và là phần phúc cuộc đời chúng con. Amen. (TP)
- Thất bại và thành công
Phêrô và các bạn “đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả”. Chán nản, mỏi mệt, các ông không đánh cá nữa và đi giặt lưới.
Cho dù đã làm hết sức mình nhưng con người vẫn có thể gặp thất bại. Người học sinh luyện thi rất chăm chỉ, nhưng rồi thi rớt. Vận động viên thể thao cố gắng chơi hết sức mình, vậy mà lại thua. Cha mẹ đã làm tất cả để giáo dục con nên người tốt, nhưng nó lại làm người xấu. Hầu hết chúng ta đều có khi gặp thất bại như thế.
Khi Phêrô và các bạn bị thất bại, Chúa Giêsu có thể trách các ông “Các anh đã hành nghề bao nhiêu năm trời rồi, thế sao đánh lưới suốt đêm mà không bắt được con cá nào hết vậy ?” Nhưng Ngài đã không trách. Tại sao ? Vì Ngài thông cảm với các ông. Đã cố gắng hết mình rồi mà vẫn thất bại, điều đó đã làm các ông đau khổ lắm rồi. Không cần trách móc để các ông càng đau khổ thêm. Thất bại đã là một vết thương, không cần sát muối vào cho nó càng xót xa thêm.
Điều người ta cần khi bị thất bại là có ai đó vẫn tin mình, an ủi mình và khuyến khích mình vươn lên. “Thất bại không phải là nằm dưới, mà chỉ là đang đứng ở dưới thôi” (Failure is not the falling down, but staying down)
Vả lại, thành công là gì ? Thành công không phải là tất cả. Ta có thể thành công cãi thắng một cuộc tranh luận, nhưng rồi bị mất một người bạn. Ta có thể thành công trong cuộc tranh dành một địa vị cao hơn, nhưng sau đó các mối tương quan với đồng nghiệp trở thành lạnh nhạt hơn. Hương vị của ly rượu thành công có thể rất ngọt ngào ngây ngất ngay lúc đó, nhưng về sau hầu hết đều cạn dần và cuối cùng là trống rỗng.
Chúa Giêsu không trách Phêrô và các bạn, nhưng Ngài không cho các ông cứ ở đó mãi để gậm nhấm nỗi chua cay. Ngài kích thích họ làm lại : “Hãy chèo ra chỗ nước sâu và thả lưới bắt cá”.
Emerson nói rằng mỗi người chúng ta đều có một tiềm năng to lớn, giống như một căn phòng, một vòi nước chưa bao giờ được mở ra. Cần có ai đó chỉ cho ta biết tiềm năng đó và khuyến khích chúng ta mở ra : “Hãy chèo ra chỗ nước sâu”.
Chúa Giêsu biết Phêrô yếu đuối tội lỗi, nhưng Ngài cũng biết ông có khả năng làm được những việc to lớn. Ngài không kích thích chỗ yếu đuối tội lỗi của ông, nhưng kích thích đúng vào tiềm năng của ông. Nhờ được kích thích, các ông đã thả lưới bắt được nhiều cá. Sau đó các ông còn hăng hái bỏ mọi sự để theo Ngài thả lưới bắt người.
Con người thường thất bại. Nhưng con người cần có người tin tưởng và khuyến khích để lại vươn lên, vì “Từ thành công đền thất bại chỉ là một bước. Nhưng từ thất bại đến thành công là cả một con đường dài” (Yiddish) (FM)
* 5. “Vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới”
Ban đêm là lúc thuận tiện để đánh cá. Nếu một người nào khác nói với Phêrô “Hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”, có lẽ ông đã vặn lại “Bộ anh khùng hả ? Anh muốn cho tôi thành trò cười cho các bạn chài khác sao ? Đã thả lưới suốt đêm mà không bắt được con cá nào thì làm sao mà bắt được nữa khi trời đã sáng”.
Nhưng vì người nói câu đó là Chúa Giêsu nên Phêrô đã không vặn lại như thế. Ông cũng trình bày quan điểm của mình “Thưa Thầy, chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả”, nhưng liền sau đó thì vâng lời “Nhưng vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới”. Đối với Phêrô, lời nói của Chúa Giêsu không như lời của những người khác, vì nó có uy tín mà lời của bất cứ ai khác đều không có. Bởi thế, nếu Chúa Giêsu đã bảo, thì cho dù tình thế có vô vọng bao nhiêu đi nữa, cho dù ông đã mệt mỏi bao nhiêu đi nữa, và cho dù người ta có thể nhạo cười bao nhiêu đi nữa, Phêrô cũng phải vâng theo.
Phêrô đã tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Giêsu. Tin vào lời Ngài, ông đã thử làm điều bất khả. Sau này chúng ta lại thấy ông tin vào lời Chúa Giêsu mà bước đi trên mặt biển.
Chúa Giêsu chẳng những bảo ông thả lưới bắt cá, mà còn bảo ông làm môn đệ, chia xẻ sứ mạng của Ngài. Phêrô có đức tính gì mà được Chúa Giêsu mời gọi như thế ? Đức tính thứ nhất và quan trọng nhất Chúa Giêsu thấy nơi Phêrô là Tin vào Lời Ngài. Đức tính thứ hai là Khiêm tốn.
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay không chỉ là chuyện về đánh cá, mà còn là chuyện về lòng tin tưởng. Vì Phêrô tin tưởng vào lời Chúa Giêsu, nên Ngài chẳng những bảo ông thả lưới lại một lần nữa, mà còn kêu gọi ông lãnh nhận một sứ mạng quan trọng hơn “Từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”.
Mọi kitô hữu chúng ta cũng đều được Chúa gọi như Phêrô. Và điều quan trọng nhất Ngài chờ đợi nơi chúng ta là tuyệt đối tin tưởng vào Ngài. (FM)
- Một bước khởi đầu tốt đẹp
Isaia, Phaolô và Phêrô là những gương mặt trung tâm của các bài đọc hôm nay. Cả ba đều đã làm được những việc trọng đại cho Chúa. Tuy nhiên cả ba, ai cũng mang mặc cảm thấp hèn, coi mình là người yếu kém. Các ngài không tự mình tiến lên phía trước, nhưng được Chúa mời gọi tiến lên. Các ngài đáp lại tiếng Chúa gọi một cách miễn cưỡng vì biết mình không xứng đáng.
Bước đi đầu tiên với nhận thức về thân phận bất xứng của mình, xét theo phương diện đạo đức, đó là một bước khởi đầu rất tốt. Người nào quá tự tin tiến về phía trước thì thường làm hại hơn là làm tốt, vì người đó dựa vào khả năng của mình và tìm kiếm vinh dự cho mình. Kiêu căng và tự phụ chỉ là cát, mà xây nhà trên cát thì sẽ sụp đổ thôi.
Ngược lại, khi ta gặp người nào biết sợ, biết lo thì ta có thể tin tưởng người đó. Thánh Phaolô nói một câu rất nghịch lý : “Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,10). Nghịch lý nhưng rất có lý, bởi vì khi Ngài biết mình yếu thì Ngài tìm về Chúa, và chính sức mạnh của Chúa làm cho Ngài mạnh.
Khi ta biết mình yếu, Chúa sẽ thêm sức cho ta. Khi ta biết mình trống rỗng, Chúa sẽ đong đầy cho ta. Khi ta biết mình nghèo nàn, Chúa sẽ làm giàu cho ta. Khi đó ta sẽ có thể làm được công việc của Ngài, và Ngài sẽ hoàn thành trong ta những điều ta không làm nổi.
Khiêm tốn là một bước khởi đầu tốt. Nhưng không phải vì thế mà ta cứ khăng khăng chối từ. Như thế chỉ là hèn nhát, lười biếng và ích kỷ. Cứ như thế thì ta không thể cứu nổi mình, càng không thể cứu ai khác. Isaia nói rằng môi miệng ông ô uế, nhưng Chúa đã sai thiên thần lấy than hồng thanh tẩy miệng ông. Phêrô xin Chúa lánh xa ông, nhưng Chúa gọi ông chia xẻ sứ mạng của Ngài. Chúa không chê bỏ người tội lỗi, trái lại Ngài đến với những kẻ tội lỗi, để cứu họ, và để mời họ hợp tác cứu những người tội lỗi khác. Chúa giúp những người tội lỗi đi bước đầu.
Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta lòng khiêm tốn để nhận biết sự yếu đuối của mình. Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta sức mạnh để chúng ta vượt lên sự yếu đuối ấy. Rồi chúng ta hãy mạnh dạn làm theo Lời Ngài dạy bảo. Khi đó chúng ta sẽ vui mừng cảm nhận được như Phaolô là “khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (FM)
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, vì yêu thương mà Chúa đã chọn chúng ta làm người Kitô hữu, làm tông đồ của Chúa. Với tâm tình cảm tạ tri ân, chúng ta cùng dâng lời cầu xin :
- Hội thánh là Nhiệm Thể của Chúa Giêsu Kitô / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa tuôn đổ ơn Thánh thần xuống trên Hội thánh / để Hội thánh ngày càng được tinh tuyền / vững mạnh / và phát triển không ngừng.
- Hằng năm / thiên tai vẫn hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới / gây ra biết bao tang tóc cho nhân loại / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban cho mưa thuận gió hòa / để mọi người được sống trong cảnh an cư lạc nghiệp.
- Chúa Giêsu bảo thánh Phêrô : / Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá / Chúng ta hiệp lời cầu xin / cho những anh chị em đã từ bỏ mọi sự mà dấn thân theo Chúa hiểu rằng / nếu vâng theo thánh ý Chúa / họ sẽ thu được những kết quả bất ngờ.
- Đời sống đức tin của người Kitô hữu / không chỉ giới hạn trong việc đọc kinh / tham dự thánh lễ / lãnh nhận các bí tích ở nhà thờ / mà còn phải thể hiện ngoài xã hội nữa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết thể hiện niềm tin của mình / bằng đời sống bác ái yêu thương đối với hết thảy mọi người.
Chủ tế : Lạy Chúa, Chúa đã mời gọi chúng con từ bỏ mình và vác thập giá mà theo Chúa. Xin cho tất cả chúng con luôn cố gắng thực hiện lời mời gọi quan trọng ngày. Chúng con cầu xin…
VI. Trong Thánh Lễ
– Trước Kinh Lạy Cha : Chúa Cha đã sai Chúa Giêsu mang Tin Mừng cứu độ cho loài người. Chúa Giêsu lại kêu mời chúng ta chia xẻ sứ mạng ấy. Cùng với Chúa Giêsu, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha.
VII. Giải tán
“Hãy ra khơi thả lưới”. Đó là lời Chúa mời gọi chúng ta. Chúng ta hãy mau mắn đáp lại như Phêrô xưa. Chúc anh chị em ra đi bình an.