Chương V: Tình Cảm Quân Bình

print

Chương V

TÌNH CẢM QUÂN BÌNH

Sở dĩ tình cảm của con người trở nên lệch lạc là vì người ta thường suy nghĩ theo cảm tính. Thay vì căn cứ vào các sự kiện xác thực để tìm giải pháp tháo gỡ vấn đề thì ta lại sử dụng tình cảm để lý luận. Khi đó, cảm tính trở thành yếu tố quan trọng để đưa ra những quyết định mà thiếu sự can thiệp của lý trí. Để có một tình cảm quân bình là điều không dễ, trước tiên chúng ta hãy nhận diện sự diễn biến rất phức tạp của nó nơi chính mình.

  1. TÌNH CẢM YÊU – GHÉT

Xem ra con người luôn sống theo cảm tính, nghĩ theo cảm giác, làm theo cảm xúc. Những thứ cảm đó đều phát sinh từ Yêu và Ghét. Đây là hai dục vọng (ái, ố) làm thành động cơ thúc đẩy mọi hành động của con người.

  1. Hành xử theo cảm xúc

Theo xu hướng của bản năng, con người luôn hành động theo những gì mình thích, loại bỏ những gì mình không ưa, nên đã đưa đến lệch lạc ngay từ trong tâm cảm. Bởi vậy, ca dao có câu:

Thương nhau củ ấu cũng tròn

Ghét nhau đến quả bồ hòn cũng vuông.

Hoặc: Yêu nhau yêu cả đường đi. 

Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng.

Yêu và Ghét là một cặp đối lập và đối đầu nhau liên tục. Khi đã yêu điều gì thì người ta thì thèm khát nó, ca tụng nó, cho nó là giá trị, thấy nó là hoàn hảo. Khi đã ghét cái gì thì chê bai, lên án, tránh xa, thấy nó đầy khiếm khuyết, không có giá trị… Trong cách đối xử với nhau hằng ngày cũng vậy, tình cảm thiên lệch làm cho người ta ra mù quáng, không thấy trong kẻ mình yêu có điều xấu; trong kẻ mình ghét có điều tốt; trong kẻ mình kính có điều tầm thường; trong kẻ mình khinh có điều đáng trọng…

Yêu và ghét trong ái tình lại là một dục vọng trái ngang nhất, vì nó sôi nỗi, lãng mạn, và nhiều khi rất mơ hồ và bay bỗng đến nỗi: Yêu mà “Không cần biết em là ai, không cần biết em từ đâu, không cần biết em ngày sau…” (Diệu Hương).

Yêu mà “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở.
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề.” (Xuân Diệu). 

Yêu mà “Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé…” (Hồ Dzếnh). 

Người ta hay nại vào lý do không thể định nghĩa được tình yêu để mặc sức cho cảm xúc của mình tung bay, cho những rung động diệu kỳ của con tim ve vuốt và nhảy múa, căn cứ vào đó để quyết định và đánh giá con đường tình. Đến khi cảm xúc hay sự rung động suy giảm và mất đi thì kết luận: tình yêu đã hết, đường ai nấy đi. Thế rồi lại tiếp tục thay thế bằng những cảm xúc mới với đối tượng mới. Rốt cục, tình yêu chỉ là cuộc phiêu lưu tình cảm không có đích điểm.

Đã đặt ra vấn đề yêu-ghét, ta khó lòng mà giữ được tính khách quan. Vì thế, ta cần nhận ra hành tung của nó về sự mâu thuẫn trong tâm lý, có khi rất phức tạp vì nằm sâu trong vùng vô thức. 

  1. Từ trong vô thức

Yêu và Ghét là mấu chốt tạo ra bao chuyện đời thật lâm ly bi đát, dở khóc dở cười. Hai mặt của vấn đề này luôn diễn biến phức tạp nơi lòng người, tùy theo tư tưởng, cách nghĩ, cách cảm nhận mà một người đã được giáo dục từ gia đình và ảnh hưởng từ xã hội. Đó còn là những yếu tố nằm trong vô thức mà không hiểu vì sao ta lại yêu hay ghét cái đó, người đó. Sự lệch lạc trong tình cảm khiến người ta không còn quan tâm đến tính hợp lý của vấn đề, nhưng nó lại được biện minh bằng những lý lẽ xem ra có sức thuyết phục. Đây là trạng thái tự đánh lừa mình và người khác, và không còn phát giác ra sự thật.

Khi nói tôi không sợ là chính lúc tôi đang sợ. Khi nói tôi không cần thì tôi lại rất cần mà không được. Khi nói tôi dư sức lại là lúc tôi đang thiếu hụt. Tôi chê bai người khác là vì tôi đang ghen tị với họ. Tôi bất mãn và phản kháng là vì không được yêu. Tôi khinh thường những gì người khác có là vì tôi không có… Tất cả được diễn tiến trong sự vô thức mà phần ý thức là cái vỏ để chống đỡ, để che đậy sự yếu kém, hẹp hòi hay thiếu thốn của mình. 

Thật ra, vô thức chỉ là cái kho chứa đựng mọi ý thức đã qua….

Trong cái xấu có cái tốt, trong cái dở có cái hay… hoặc trái lại cũng thế. Không phải ghét Khổng Tử mà câu nào của ông, ta cũng thấy khó chịu. Cũng không vì yêu Jack Ma hay Bill Gates mà cái gì của họ cũng hay. Vì dễ dàng chấp nhận theo cái tư duy méo mó như vậy, nên vô tình người ta lại vun trồng và củng cố cho mình một thứ tình cảm bung xung. Trường hợp này được nhà Phật xếp vào loại “vô minh bẩm sinh”, nghĩa là tâm trí bị vây hãm, không thoát nỗi cái vòng cương tỏa của cái “Tôi”. Vì thế mà con người luôn phải đối phó với nó một cách khổ sở, hết tung rồi tới hứng, hết yêu rồi tới ghét, hết trợt vỏ dưa tới đạp vỏ dừa…

  1. Đưa tới thái độ bên ngoài

Yếu tố vô thức làm cho ta không hiểu được lý do mà mình hành động, hay mang một ấn tượng nào đó. Có khi rất quí mến người đó, nhưng rồi lại rất ghét người đó, như câu chuyện sau:

Theo phép tắc của nước Vệ, ai đi trộm xe của vua thì bị tội phải chặt chân. Thế nhưng Di Tử Hà đã dám lấy xe của vua mà chở mẹ đi chữa bệnh. Vua rất yêu Di Tử Hà, nghe thấy vậy liền khen rằng: Có hiếu thật, vì hết lòng với mẹ mà quên cả tội chặt chân. Ngày kia, Di Tử Hà theo vua đi chơi ở ngoài vườn, đang ăn quả đào thấy ngọt, còn một nửa bèn đưa cho vua. Vua khen: Yêu ta thật! Của đang ngon miệng mà biết để nhường ta. Về sau, vua không còn yêu Di Tử Hà như trước nữa. Một hôm phạm lỗi, vua giận nói rằng: Di Tử Hà trước dám liều lấy xe của ta mà đi, lại còn cho ta ăn quả đào thừa. Nói xong đem Di Tử Hà ra trị tội.

Cứ sự thường thì không thể vô duyên vô cớ mà người ta ghét mình, cũng có lý do nào đó như câu chuyện sau đây:

Ngày nọ, cú mèo gặp chim gáy. Chim gáy bèn hỏi: Bác sắp đi đâu đấy? Cú mèo trả lời: Tôi sắp qua phương đông.

Chim gáy hỏi tiếp: Tại sao bác phải đi xa như thế?

Cú mèo trả lời: Vì ở đây, nghe tiếng của tôi kêu, người ta ghét, cho nên tôi phải dời đi chỗ khác.

Chim gáy góp ý: Bác phải đổi tiếng kêu mới được, chứ nếu không đổi tiếng kêu, thì dù sang tới phương đông, người ta cũng ghét bác thôi, vì nhân tình đâu mà chẳng thế…

Đây là ngụ ngôn mang tính giáo dục. Xét trên phương diện con người, ta không thể nào thay đổi bản tính hay một nhân cách khác, nhưng ta hoàn toàn có thể xóa mờ những vết đen, bào mòn những thô nhám, cắt tỉa những lởm chởm và gai góc nơi cá tính mình. Bản năng vẫn còn đó, cá tính không thể triệt tiêu, nhưng nếu có động lực mạnh mẽ, ta sẽ làm nên một nhân cách cao đẹp.

Có người đã thêm vào ngụ ngôn đó như sau: Thời gian sau gặp lại cú mèo, thấy có vẻ phởn phơ, chim gáy hỏi: Chắc ở nơi mới tốt hơn nên trông bác có vẻ phát tướng?

Cú mèo đáp: Nào có chuyển đi đâu. Dịp ấy nghe lời bác, tôi chán chẳng thiết dọn nhà, chọn cách rụt cổ thu cánh, tưởng cứ thế cho đến lúc mãn kiếp. Không ngờ được chọn vào danh sách “quy hoạch”, thế là không kêu không được. Lạ là chẳng ai kêu hay tỏ ra ghét bỏ cả! Thậm chí có người còn khen nữa! Đấy, bây giờ bác nghe tiếng kêu của tôi thế nào? Chim gáy gật gù: Được đấy, nghe kỹ cũng có nét hay!

Đoạn thêm vào có vẻ châm biếm về một tình trạng xã hội rối reng, nhưng lại rất hay nếu ta biết ứng dụng. Tiếng kêu đúng lúc, lời nói đúng chỗ, sẽ mang lại hiệu quả cho sự thiện ích chung. Quan trọng là ta biết được đúng thời điểm để có cách hành xử hay tiếng nói của mình được mọi người trân trọng và đón nhận.

  1. VƯỢT LÊN TÌNH CẢM YÊU GHÉT

Hai mặt của vấn đề Yêu và Ghét luôn hiển hiện trong cuộc sống của mỗi người chúng ta. Làm sao đặt lại cho mình một tâm thế đúng đắn, quân bình, không nô lệ cho cảm tính?

  1. Theo Đạo học Đông phương

Trước tiên, chúng ta cần tiếp nhận từ nhiều nguồn ánh sáng của những bậc đại trí, những vị đã khám phá ra những phương cách hữu hiệu để điều hòa cuộc sống nhân sinh, cách riêng là tư tưởng của đạo học Đông phương, vì gần gũi với chúng ta hơn cả.

– Giáo lý Trung Đạo của Nhà Phật.

Giáo lý trung Đạo biểu hiện bằng con đường ở giữa, tức là sắc sắc – không không (sắc tức là không, không cũng là sắc – có mà không, không mà có). Nghĩa là không có sự cố chấp hay bám níu vào bất cứ cái gì, không lệ thuộc vào cái có, không câu nệ vào cái không. Không được để mình bị ràng buộc, chấp chiếm, thiên lệch vào bất cứ sự việc hay sự vật nào. Không chấp mê vào hai cực đoan “có và không” mà chọn con đường ở giữa.

Khi chưa hiểu con đường trung đạo, con người thường hay bị dính mắc vào hai thái cực của thế giới nhị nguyên: được hay mất, có hay không, tôn giáo hay không tôn giáo, cho phép hay cấm đoán, tri thức hay không tri thức, chánh hay tà, yêu-hận, thương- ghét, thắng-thua, đẹp-xấu, ngon-dở, giàu-nghèo, sang-hèn, tốt-xấu, đúng-sai, phải-trái, trên-dưới, trắng-đen,… Do vậy không tránh khỏi những khổ lụy trong đời sống hằng ngày.

Phải luôn quán xét mọi việc dưới con mắt trí tuệ để tránh chấp mê theo kiểu phân biệt và loại trừ, mà cần tìm ra sự hòa hợp để quân bình hóa mọi nhận thức và tính cách của mình.

– Đạo lý Trung Dung của Khổng Tử

Trọng tâm triết lý của Trung Dung (中庸) có điểm tương tự với triết lý Trung Đạo của Nhà Phật.

  • Trung(中): ở giữa, không thiên lệch, không thái quá (cực đoan, cố chấp, thành kiến…), không bất cập (vô tâm, bất chấp, bất cần…), tùy cảnh tùy thời mà xử cho thích đáng.
  • Dung(庸) là giữ ở một mực vừa phải, chừng mực, tiết độ, không bị biến dạng hay biến động, cũng không thay đổi thất thường theo sự lôi kéo của cảm xúc.

Tâm trạng lên xuống thất thường thì không còn trung dung nữa. Cốt lõi của đạo Khổng là Chánh Tâm. Muốn Chánh Tâm thì phải giữ tâm ở trạng thái quân bình. Khi Mạnh Tử hỏi Chánh Tâm là gì, Tử Tư trả lời, “Khi vui quá, buồn quá, giận quá thì Tâm không Chánh được”. Tâm không Chánh tức là không yên, nên hậu quả là “thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị”: nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu, ăn mà không ngon.

Biết rằng con người dễ bị chi phối và lệch lạc bởi thất tình: hỉ, nộ, ái, ố, ai, cụ, dục. Nhưng nếu biết giữ cho nó trung dung: đúng tiết, có chừng mực, phải cách, đúng lúc, thì bảy thứ tình cảm này cũng sẽ trở thành hữu ích, rất nhân văn và nhân bản. 

Trung dung ở đây còn gọi là trung hòa. Đó là cái Hòa với chính mình, với Trời đất, với mọi người, với vạn vật. Chẳng hạn như thấy việc tốt thì vui mừng, thấy việc tội thì chán ghét, thấy hoạn nạn thì xót thương, thấy bất công thì phẫn nộ… (nhưng luôn ở mức Trung và Hòa), cho nên “vô khả, bất vô khả” (Không có cái gì nhất định là nên hay không nên).

Trong việc đối nhân xử thế, con người càng phải kiềm chế cảm xúc và làm chủ bản thân, không quá cương hay quá nhu, không nghiêng bên này ngã bên kia. Sống hài hòa với mọi người nhưng phải có tư duy độc lập; lắng nghe quan điểm và lập trường của người khác nhưng phải giữ gìn chính kiến của mình, không bị lôi cuốn và lung lạc theo đám đông. Trung dung là đạo người quân tử: Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa”.

Nhân tính chính là Trung Dung, là dung hòa được mọi nhịp sống của trời đất muôn vật. Hòa với đất tức là đạo thành nhân; hòa với trời là đạo thành thánh. Đây là sự quân bình rất tự nhiên, nhưng vì con người hay bất đồng và mâu thuẫn với chính mình, nên phải tu tập để hợp nhất thân tâm. Sự hợp nhất này khiến con người trở về với lối sống thuần phát, đơn sơ, hồn nhiên, làm cho cả vạn vật, trời đất đều yên ổn và trật tự, sản sinh mọi điều tốt lành. 

Đạo Vô Vi của Lão Tử

Cũng như Phật giáo, trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử cho thấy dục vọng là đầu mối tác loạn đời sống con người. Nhưng Lão không chủ trương diệt dục mà chủ trương sống Vô Vi: “vi vô vi, sự vô sự, đại tiêu đa thiểu, báo oán dĩ đức” (làm mà không làm, lo mà không lo, nếm mà không mùi, xem lớn như nhỏ, coi nhiều như ít, lấy đức báo oán). Cũng như: “vi học nhật ích, vi đạo nhật tổn, tổn chi hựu tổn, dĩ chí ư vô vi” (theo học càng ngày càng thêm, theo đạo càng ngày càng bớt, bớt rồi lại bớt, đến mức vô vi).

Chính cái lòng tham muốn, yêu bản thân và ghét cái gì khác với mình, nên mới sinh bao điều tai hại “Cửu mạc đại ư dục đắc” (không gì hại bằng ham muốn cho được nhiều). Bởi vậy: “Bậc thánh nhân không thu giữ, càng vì người càng thêm có, càng cho người mình càng thêm nhiều, đạo của trời lợi mà không hại, đạo của thánh nhân làm mà không tranh”. Không thu giữ, không tích trữ thì cũng không tranh giành. “Không tranh với ai cho nên cũng chẳng ai tranh với mình”. Khi sống vô vi thì mọi vật, mọi sự sẽ được bình ổn, thoát được mọi ràng buộc trong sự yêu-ghét, thuận theo lẽ tự nhiên của trời đất mà sinh hóa. 

Đến đây, ta cần hướng nhìn về Đức Giêsu, vì ngoài những quan niệm và cách thức mang tính tâm lý và đạo đức để giải quyết vấn đề yêu-ghét, thì còn một tính cách nhẹ nhàng hơn là xem xét động cơ của hành vi và đồng thời mở rộng con tim: là lòng bao dung.

  1. Giáo huấn của Đức Giêsu

– Động cơ thúc đẩy

Thánh Luca kể câu chuyện sau đây:Đức Giêsu vào một làng người Samari. Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem. Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” Nhưng Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông. (Lc 9, 51-56).

Hai dân tộc Do Thái và Samari thù ghét nhau nặng nề, nên không lạ gì nhà người Samari cửa đóng then cài không đón tiếp các khách hành hương Do Thái. Thế là hai môn đệ giận điên lên, đòi thiêu hủy cả làng. Một lần nữa các ông lại phản ứng theo cảm xúc nông nổi của mình, bất chấp lý lẽ.

Thầy Giêsu đã quay lại quở mắng hai ông, vì lối hành xử như vậy không phải là tinh thần của Ngài. Có bản văn ghi chú câu nói của Đức Giêsu là: Các ngươi không biết các ngươi ứng theo thần khí nào?” Ngài đòi các môn đệ xét xem động cơ nào thúc đẩy các ông có thái độ quá khích như thế? Thần khí nào đã khiến các ông muốn hành động như vậy? Ngài đòi các môn đệ vượt lên trên cách ứng xử thấp kém đó, để có một tâm thái quân bình. Dân làng Samari phản ứng như vậy là có cái lý của họ, sao không tìm hiểu để có một cái nhìn rộng mở và cảm thông với họ?

Thái độ của Chúa Giêsu cho thấy không ai có quyền đe dọa, áp đặt, hay ngăn chặn tự do mà Thiên Chúa đã ban cho con người. Nhiều khi chúng ta cũng như các môn đệ, thích thi thố quyền hành, thích dùng lửa khi có lửa trong tay, vì không muốn chấp nhận một Kitô giáo có vẻ yếu đuối và bị lép vế.

Tiêu diệt đối phương là một cách hành xử bạo lực càng gây thêm ly loạn. Phải làm cho họ trở thành bạn thì mới giải quyết được vấn đề. Khi A. Lincoln bị phê bình là quá mềm dẻo trong cách đối xử với kẻ thù và được nhắc nhở bổn phận của ông là diệt trừ họ, ông trả lời: “Chẳng phải tôi tiêu diệt kẻ thù khi tôi làm họ trở thành bạn hữu?”. Nhìn lại động cơ thúc đẩy ta sẽ thấy tâm ý mình đúng đắn hay sai lạc, quân bình hay lệch lạc. Điều quan trọng hơn là đừng dựa vào những gì mình thấy trước mắt mà quyết đoán một cách nóng nẩy, vội vàng, chỉ gây nên hư hại.

– Lòng bao dung

Bao dung không phải vì “cực chẳng đã”, “chẳng đặng đừng”, vì sợ gây ra đổ vỡ. Bao dung cũng không phải là nói “Amen” với tất cả những gì mà hoàn cảnh cho phép nói và làm. Bao dung không có nghĩa là đồng lõa, thỏa hiệp, xuề xòa cho qua, hoặc khỏa lấp chân lý để chọn lựa tính cách “Dĩ hòa vi quí”. Tuyệt đối không thể từ bỏ những xác tín riêng để trở thành loại người lấp lửng, “ba phải”. Không thể làm con tắc kè luôn thay màu đổi sắc với chiêu bài là để thích ứng với hoàn cảnh hay người khác.

Bao dung ở đây là mở lòng đón nhận và tôn trọng những người khác niềm tin, khác chính kiến, khác quan niệm sống, để từ đó  nhận ra những vẻ đẹp khác nhau, và thấy được cái tốt khác biệt. Bao dung đích thực đòi ta không được áp đặt trên người khác bất cứ điều gì cho dù là tốt. Trái lại, phải để người khác có những tính cách và lối nhìn riêng của họ. Với ý nghĩa như vậy, bao dung là một cách thế nêu cao tự do, giải thoát cá nhân khỏi những định kiến và thái độ giáo điều, để có thể dung chứa hết mọi loại người.

Khi nhân danh đạo đức hay lẽ phải mà thiếu lòng bao dung, thì việc nhân danh ấy trở thành vô nhân. Khi nhân danh luật lệ hay quyền bính tôn giáo mà hành xử trái ngược với lòng bao dung, thì việc nhân danh ấy trở thành vô đạo. Khi xem xét bản thân hay nhìn về một con người, cứ xem lòng bao dung của mình và của người đó mà xét thì không thể sai lầm. Tiêu chuẩn tối hậu của ngày phán xét chung cũng chính là lòng bao dung (x. Mt 25, 31-46).

Quả thật, lòng bao dung bị bỏ quên thì tôn giáo bị lầm lạc, lẽ phải bị thất lạc, đức hạnh bị sai lạc. Đành rằng khi bao dung là chấp nhận sự liều lĩnh, có nguy cơ bị phản phúc và tệ hại hơn. Nhưng nếu không như vậy thì ta sẽ tiêu diệt bừa bãi sự sống và tự do của con người. Lòng bao dung chính là giáo lý nồng cốt của Đức Giêsu khi Ngài nêu lên vấn đề yêu và ghét: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”. (Mt 5, 43-44). Thật ra ta không thể yêu kẻ thù như yêu người thân. Về mặt tình cảm thì khó mà thực hiện, nhưng Ngài mời ta yêu bằng hành động. Yêu là làm ơn, là chúc lành, là cho vay mượn, là cầu nguyện cho họ.

Khi làm điều tốt cho kẻ thù, ta được giải phóng khỏi cái tôi ăn miếng trả miếng, và người kia cũng được giải phóng khỏi cái tôi ích kỷ của họ. Khi yêu bằng hành động tử tế, ta không coi người kia là kẻ thù nữa. Hãy đặt mình vào trường hợp người bị ghét bỏ ta mới thấy rằng, ai cũng muốn được yêu thương, ai cũng muốn thấy mình tốt. Tại sao lại cứ phải ngăn chặn người khác và coi họ là sự cản trở hay bất lợi cho mình? Đừng biện minh nhưng hãy khơi rộng lòng mình để đón nhận. Chẳng ai là kẻ thù hay đáng ghét, mà chỉ là thái độ thù hằn và đáng ghét của ta mà thôi.

Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy vượt lên trên những thứ yêu – ghét thường tình. Không lụy vào cảm giác yêu – ghét đã đành, mà còn phải vượt lên trên nó, phủ xuống nó bằng một tình yêu cao thượng: Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”. (Mt 5, 43-45).  

Đức Giêsu nêu lên tình yêu của Chúa Cha để làm mẫu mực cho tình yêu con người. Tình yêu thật sự thì không sống theo kiểu thường tình: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi?… Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu?… Vậy anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 46-48). Mệnh lệnh: “Hãy nên hoàn thiện” là hãy sống bao dung nhân hậu như Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu người lành không phải vì họ lành, mà vì họ là con cái. Ngài không ghét kẻ dữ vì họ dữ, nhưng vì biết họ cần lòng xót thương.

Giáo lý của Đức Giêsu tuy cao siêu nhưng lại thiết thực, mang tính khả thi, vì mọi người đều được Thiên Chúa phú bẩm một một tâm hồn biết khao khát sự thiện, và có khả năng thực hiện điều đó bằng một tình yêu cao độ. Đó là tình yêu vượt qua mọi ranh giới của cảm tính làm hạn chế đời sống con người. Mẫu mực yêu thương là chính Đức Giêsu:“Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13,34).  

Thánh Phaolô cũng đã diễn tả tình yêu cao độ đó bằng từ ngữ đức mến: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tuông, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tât cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1 Cr 13,4-13). Với lòng bao dung đó thì cái ghét không còn nữa, vì đã vượt trên mọi cảm xúc tiêu cực, chỉ còn lại thái độ tích cực của tình yêu.

Tóm lại, là con người ai cũng thích thú cái “chuyện yêu”, vì nó mang đầy vẻ chiều chuộng, ngọt ngào, sản khoái, có sức hấp dẫn như một ma lực. Nhưng rồi mặt trái của nó thì hoàn toàn ngược hẳn, kéo theo những đổ vỡ và thương tâm, làm dấy lên sự ghen ghét, hận thù và sâu xé lẫn nhau.

Phật, Khổng, Lão đã rọi những tia sáng để thấy bộ mặt thật của vấn đề yêu ghét, đã tìm cách điều hòa và điều tiết nó, đem lại sự quân bình cho đời sống con người. Đặc biệt nơi giáo giáo huấn và đời sống của Đức Giêsu, chúng ta còn tìm ra động cơ và sức mạnh của lòng bao dung để thăng hoa mọi tình cảm. Hơn nữa, chính Chúa mới có thể gia tăng nghị lực và thay đổi tự bên trong để giúp chúng ta quân bình hóa mọi biến chuyển phức tạp trong tình cảm yêu-ghét của con người. Cho dù trong hoàn cảnh nào nào hay vì bất cứ lý do nào, thì chúng ta vẫn có thể mở rộng con tim để hóa giải những điều nan giải.