Dân Làng Hồ – Chương XVII: Những Kitô Hữu Mới Ở Kon Kơ Xâm

print

CHƯƠNG XVII

NHỮNG KITÔ HỮU MỚI Ở KON KƠ XÂM

Khi dân làng Kon Kơ Xâm thấy ông Hmur đã từ bỏ các điều mê tín dị đoan một cách táo bạo như thế thì họ cho rằng ông quá liều. Tất cả bọn họ đều tin rằng sớm muộn gì Hmur cũng chết một cách tất tưởi. Cái chết không thể nào tránh khỏi này, một thời, đã là đề tài của mọi đàm tiếu trong làng. Thế nhưng, ngày lại ngày, hết tuần này đến tuần khác, tháng này sang tháng khác, thời gian trôi qua mà sức khoẻ của Hmur cứ dồi dào hơn bao giờ hết. Chưa hài lòng về việc từ bỏ ma quỷ trong ngày chịu phép rửa, ông Hmur còn khẳng định đức tin của mình hàng ngày bằng cách chê trách những hành động mê tín dị đoan của xóm làng và của chính gia đình mình. Trong khi đó, lúa của ông vẫn tươi tốt, vụ mùa của ông cứ bội thu. Dần dần, người ta không còn mạnh miệng về việc ông sắp chết nữa, rồi không còn đề cập gì nữa. Và cuối cùng, nhờ ơn Chúa giúp, vài người trong bọn tay sai thờ lạy ma quỷ hăng hái nhất cảm thấy bị lung lay và đã mở mắt đón nhận ánh sáng đức tin.

Năm người đầu tiên theo gương ông Hmur là Jiêng, Hmon, Tot, Poi và Hloi. Jiêng là vợ của Hmur. Để hiểu được người đàn bà này lạc xa chánh Đạo biết chừng nào, và để thấy được ân sủng Thiên Chúa toàn thắng thế lực hoả ngục hiển hách đường bao qua việc bà mau mắn và chân thành trở lại đạo, chỉ cần biết rằng bà ta đã từng là một Bơ Dâu. Bơ Dâu là một bà đồng bóng, hay nói cách khác, là một mụ phù thuỷ chính thức của một làng dân tộc. Những người đàn bà vô phúc này đúng là cản trở thật lớn đối với việc trở lại của anh em dân tộc. Nếu ta có thể tức khắc loại bỏ được ảnh hưởng của họ trên các dân làng thì chắc chắn tôn giáo sẽ phát triển mau chóng. Người dân tộc tin tưởng tuyệt đối vào Bơ Dâu. Bà Bơ Dâu được xem là người biết được nhiều điều bí nhiệm trong cõi chết, nào là thấy được, tiếp xúc được với thần linh; nào là biết được tương lai; ví dụ bà ta có thể nói ta còn sống được bao lâu hoặc sẽ chết như thế nào, v.v… Ai đó mắc bệnh chăng? Bơ Dâu biết được căn nguyên của bệnh và biết phải làm gì để xua đuổi bệnh tật. Bơ Dâu nói cho biết những điều dị đoan phải làm, phải tránh để được thành công trong một việc gì đó, rồi cần phải cúng lễ vật gì để tránh tai ương. Mỗi Bơ Dâu đều có một thần Grou, tức là con quỷ riêng của bà. Bơ Dâu cậy nhờ vào chính con quỷ riêng ấy để biết những điều bí hiểm mà người ta muốn hỏi bà.

Người ta không thể kể hết những bất công ghê gớm mà các mụ phù thuỷ này đã gây ra mỗi ngày. Khi có người chết, người ta đến hỏi Bơ Dâu lý do cái chết. Bơ Dâu, sau một lúc nhăn mày nhíu mặt, cốt để che mắt những kẻ đến hỏi, sẽ long trọng tuyên bố rằng người ấy chết vì bị trúng tên bắn bởi một ai đó có ‘deng’. ‘Deng’ là phép thuật bắn bằng một cái cung vô hình với một mũi tên cũng vô hình, trúng đích từ xa và gây nên cái chết không thể tránh khỏi. Người ta cũng gọi người được nghi có phép thuật này là ‘deng’. Một khi đã biết nguyên nhân của cái chết, người ta sẽ hỏi đích danh thủ phạm. Mụ Bơ Dâu khôn khéo lắm, không bao giờ tìm thấy ‘deng’ trong số các con cái hay những người đàn bà trong các gia đình dân tộc giàu có, quyền thế. Nhưng, đó luôn là một bà goá nào đó, không bà con thân thích, không tài sản, hoặc là một kẻ mồ côi khốn khổ. Thủ phạm sẽ bị bán sang Lào làm nô lệ. Cho nên, mụ Bơ Dâu chú ý chọn thủ phạm khả dĩ là món hàng tốt, dễ bán, tức là chọn trong số các bà goá hoặc những cô gái trẻ đẹp trong vùng. Và các cô gái tội nghiệp nào đó, buổi sáng thức dậy còn vui tươi, không bao giờ muốn sự dữ cho bất cứ ai, chiều đến đã bị trói chặt vì một tội ác tưởng tượng, và bị kết án một cách oan uổng, phải gánh chịu biết bao khốn khổ và tủi nhục của kiếp nô lệ nơi phương xa! Đừng tưởng một việc bất công ghê tởm như thế là rất hiếm nơi xứ Ba Na. Nó xảy ra hàng ngày, và con số nạn nhân của sự mê tín quái gở này thật là nhiều. Nhưng, đó chỉ là một trong những điều xấu xa do các Bơ Dâu gây ra. Có lẽ không bao giờ chấm dứt được, nếu tôi muốn liệt kê hết mọi tai hoạ thể xác cũng như tinh thần do ảnh hưởng đáng nguyền rủa của các Bơ Dâu.

Bây giờ ta mới hiểu, khi Thiên Chúa nhân lành cho vợ ông Hmur trở lại đạo thì Người đã phải đi tìm bà rất xa trong vương quốc của Satan, và ơn cải đạo này quả thật phi thường! Bà Jiêng đã từ bỏ cái nghề gớm ghiếc của mình. Bà đã công khai chối bỏ Grou, và vứt viên đá linh vật mà xưa nay bà vẫn dùng hành nghề mê tín dị đoan. Bà đã can đảm tuyên bố trước mặt đông đảo những người dân tộc rằng bà cũng như tất cả các Bơ Dâu khác, đã làm mọi việc chỉ để lừa gạt họ và trục lợi dựa trên sự cả tin của họ mà thôi. Bà nói rằng tất cả những gì bà đã rêu rao về sự liên lạc của bà với các thần linh, về việc bà biết được những bí ẩn, tất cả là ảo tưởng và dối trá. Bà đã lấy tên thánh rửa tội là Maria. Bà đã trở nên một Kitô hữu sốt sắng, và vẫn còn như thế cho đến bây giờ.

Hmon, em gái của Hmur, đã lãnh nhận phép rửa cùng ngày với bà Jiêng. Tôi đã nói Hmon rất giống anh của chị. Chị có những đức tính tự nhiên giống như ông Hmur, cùng một bản tính ngay thẳng, đơn sơ, xa lánh sự bất công. Cả hai anh em chỉ khác nhau một điểm này thôi: ông Hmur can đảm và nhiệt tình, đôi khi biểu lộ qua cơn giận dữ, sự bất bình và khinh bỉ trước những bất công, trong khi em gái ông lại tỏ ra hiền hậu trong mọi trường hợp. Cũng như anh mình, Hmon tin mạnh mẽ vào tất cả những điều mê tín dị đoan nơi người Ba Na, và thực hành các điều đó một cách trung thành. Vì vậy, vào ngày ông Hmur chịu phép rửa, khi ông ném các linh vật xuống sông thì chị đã khóc như mưa. Vừa khi được nhận vào đoàn chiên, goá phụ tốt lành này đã trở nên con chiên dễ dạy nhất trong đoàn chiên của vị mục tử nhân lành. Chị còn trẻ và được rất nhiều người tìm đến xin hỏi cưới, không chỉ vì sắc đẹp hiếm thấy trong số những phụ nữ dân tộc, mà chủ yếu vì những đức tính luân lý của chị. Chị sắp tái giá trước ngày chịu phép rửa tội; nhưng việc đó đã được hoãn lại; cuối cùng chị đã thay đổi ý định. Trở nên Kitô hữu, chị đã nhìn mọi người và mọi sự với một nhãn quan hoàn toàn khác. Chị cảm thấy tâm hồn ước ao có được phần tốt nhất mà Mađalêna xưa đã chọn, từ chối tình phu thê ở trần gian, khấn nguyện thủ tiết cho đến trọn đời. Chị đã lấy tên thánh rửa tội là Anna. Một ngày kia, chị nói với Cha Combes: “Con không biết những người khác có giống con không, phần con, từ ngày lãnh nhận phép rửa, bất kỳ ở đâu con cũng nghĩ đến Chúa và con chỉ hài lòng sống trong sự hiện diện của Chúa mà thôi”.

Trong hơn mười năm, chị Anna đã là mẫu gương trọn hảo cho các tân tòng của chúng tôi. Chị đã chết lành như các thánh và tôi tin chắc rằng chị đã đến trình diện trước toà Chúa với chiếc áo rửa tội trắng tinh. Tót là con trai của chị cũng chịu phép rửa tội cùng ngày với mẹ. Lúc đó, nó khoảng mười bảy tuổi. Hiện giờ nó đã là bố của ba đứa trẻ, và luôn là một Kitô hữu tuyệt vời.

Poi, đổi tên là Lin khi chịu phép rửa, cũng xứng đáng được nhắc đến cách đặc biệt. Chắc ta còn nhớ một âm mưu suýt nữa làm chúng tôi thiệt mạng ngay khi đến ở Kon Kơ Xâm, và việc đó đã thất bại nhờ sự tận tâm đầy can đảm của ông Hmur. Poi là kẻ chủ mưu hăng hái nhất. Ân sủng của Thiên Chúa đã biến đổi sói dữ thành chiên ngoan, kẻ thù địch quyết liệt thành bạn hữu trung thành. Poi là một trong những người có niềm tin mạnh mẽ, say mê chia sẻ những xác tín của mình cho bạn bè xung quanh. Ngay khi đức tin thấm nhập tâm hồn, anh liền cảm thấy có một nhu cầu vô hạn là thông truyền đức tin này cho người khác. Nhu cầu tạo nên nhiều tân tòng, trước hết là trong số bà con thân tộc, sau là tất cả các làng, đã là một nỗi khát khao xâu xé tâm hồn anh. Trong những dịp đi qua các làng chung quanh, nhiều lần anh đã rửa tội cho các cháu bé đang hấp hối. Nhưng nhất là khi có một người ngoại đạo nào đó bệnh nặng sắp chết, lòng nhiệt thành của anh lại bừng cháy lên.

Một lần, tôi thấy anh bên giường bệnh của một người bà con. Đó là người mà anh đã thuyết phục theo đạo nhưng luôn thất bại. Trong giờ phút quan trọng, thấy một linh hồn bất hạnh sắp sa xuống hoả ngục, anh đã gia tăng lời nài van và cuối cùng, kẻ hấp hối chấp thuận, và Poi liền chạy đi báo tin cho tôi. Tôi theo anh, nhưng khi đến nơi người bệnh đã không còn nói được nữa, và có lẽ cũng đã bất tỉnh. Làm sao diễn tả hết sự đau buồn của người Kitô hữu sốt sắng kia. Lúc ấy, nhà chật người đến viếng thăm và hầu hết là ngoại giáo. Anh Poi lớn tiếng nói với họ: “Đây là một người bất hạnh! Anh ta không muốn tin lời tôi khi tôi bảo đừng có liều mình trước nỗi bất hạnh đời đời! Bây giờ, ai sẽ cứu được anh ta? Chỉ vài phút nữa, anh ta sẽ bị dìm vào lửa hoả ngục đời đời. Hỡi các bạn, những người đang chứng kiến cái chết khốn nạn này; ít ra, các bạn hãy trở lại đạo đi, các bạn đừng nhắm mắt lao mình xuống vực thẳm!” Giọng nói của anh, biểu lộ đức tin mạnh mẽ, làm cho lời phát biểu của anh sống động khiến tất cả những người dân tộc chứng kiến cảnh đó phải bồi hồi xúc động. Chắc chắn Thiên Chúa đã đoái mắt thương xem để thưởng cho lòng nhiệt thành của anh tân tòng. Người đã tỏ lòng thương xót kẻ hấp hối. Sáng hôm sau, anh ta tỉnh lại và bắt đầu thấy khá hơn. Vài ngày sau đó, dù đang phải dưỡng bệnh, anh ta đã đến gặp tôi và xin học đạo. Hiện giờ, anh là một tín hữu tốt lành, và tất cả con cái anh cũng thế. Về phần Poi, Chúa đã gọi anh về với Người khi anh còn đang độ sung sức. Cái chết của anh đã là một tổn thất to lớn đối với anh em thừa sai chúng tôi. Nhưng bản thân anh thì đã đủ chín chắn để về quê trời.

Hloi, người thứ năm trong số các tân tòng, là một thanh niên hai mươi tuổi. Tuy thể chất yếu đuối, suy dinh dưỡng và hay ốm đau; nhưng bù lại, anh có tài trí và lòng tốt. Cha Combes biết anh rất rõ nên thương anh cách đặt biệt. Ngài đã tận tâm giúp ơn Chúa tác động trong linh hồn anh. Hloi đã tiến những bước dài trên đường nhân đức. Dù mới đây còn là đứa con của rừng núi, anh đã tiến bộ mau chóng trong đời sống thiêng liêng, mà nhiều Kitô hữu khác dù được rửa tội từ lúc mới sinh cũng mới chỉ biết trên danh nghĩa mà thôi. Một ngày kia, tôi đã có dịp xác nhận điều đó. Theo thói quen, Hloi đọc kinh tối lớn tiếng và đã không biết tôi đến thăm. Tôi ẩn mình để có thể nghe được mà không bị phát hiện. Sau khi sốt sắng đọc xong các kinh thường lệ, anh tiếp tục nói chuyện với Chúa một cách tự phát. Tôi thú nhận là mình đã sửng sờ kinh ngạc và cảm  động đến rơi nước mắt. Tôi ngước mắt lên trời và thầm thì trong lòng: “Lạy Chúa, Chúa đáng mến phục biết bao trong các Đấng thánh của Chúa! Thần Khí Người muốn thổi đi đâu tuỳ ý. Phút chốc, Người đã biến đổi hoàn toàn một linh hồn thô thiển nhất. Người đã làm cho người dân tộc bán khai này hiểu biết và cảm nếm được điều mà nhiều người đã không thể nghĩ đến. Chúc tụng Chúa muôn đời!”

Vì sức khoẻ của Hloi quá yếu, không thể làm tốt việc đồng áng, công việc thiết yếu của dân Ba Na; vả lại, cha mẹ anh cũng rất thoải mái, nên sau khi chịu phép rửa, anh đã xin đến ở luôn với Cha Combes. Anh giúp ngài dạy giáo lý cho các dự tòng bằng gương sáng của mình hơn là bằng những lời giảng dạy và chuẩn bị cho họ lãnh nhận phép rửa tội. Tôi lấy làm tiếc là không thể miêu tả thêm về vị thánh nhỏ này. Anh còn sống được vài năm nữa dù luôn suy nhược, bệnh tật. Trong những tháng cuối đời, ngoài các bệnh kể trên, anh còn mắc thêm bệnh sỏi thận. Căn bệnh làm anh đau đớn dữ dội. Chính tôi đã giúp anh trong giờ lâm chung, vì lúc đó, Cha Combes đã qua đời. Sự kiên nhẫn chịu đựng của anh thật đáng khâm phục. Anh đã nhận các phép sau hết với một lòng đạo đức làm xúc động những người chứng kiến. Thiên Chúa đã để anh hoàn toàn tỉnh táo cho đến hơi thở cuối cùng, nên anh đã không ngừng cầu nguyện trước khi nhắm mắt lìa đời. Tôi đã chôn cất anh bên cạnh mộ của Cha Combes. Cái chết không thể chia lìa hai thân xác của hai linh hồn đã rất gắn bó với nhau trong cuộc lữ hành trần thế.

Trong năm 1854 và sau đó, khoảng hai mươi người dân tộc, phần lớn là thanh niên, bà con của anh Poi và Hloi, cũng đã xin học các chân lý của đạo thánh và đã gia nhập Giáo Hội. Nhưng tôi đã không thể ghi lại cuộc đời riêng tư của từng người được.

Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi nghe nói đoàn chiên nhỏ bé này phải hứng chịu những quấy nhiễu, những sỉ nhục, những phiền toái của những người dân tộc chưa theo đạo. Thế nhưng, đối với những ai biết rõ phong hoá của người Ba Na thì sẽ thấy chuyện đó là một điều hết sức kỳ lạ, không thể giải thích theo kiểu loài người được mà phải giả thiết là có bàn tay của ma quỷ. Thật vậy, không có nơi nào trên thế giới mà mỗi cá nhân được tự do hành động, hoàn toàn độc lập với sự kiểm soát từ bên ngoài cho bằng anh em Ba Na của chúng tôi. Mỗi người có quyền nói và làm theo ý mình mà không ai khác sửa được. Ví dụ: một anh em Ba Na nào đó bỗng nổi hứng vi phạm tất cả các tập tục mê tín, nhạo báng tất cả các thần linh, nói chuyện tục tĩu nhất, sống đời truỵ lạc nhất; có lẽ người ta sẽ nói với nó là nó tự làm hại mình, nó sẽ chết trong nay mai, v.v… chỉ có thế thôi. Người ta cứ để nó tự do hành động theo ý nó. Không ai can thiệp vào công việc của nó cả, miễn là hành động của nó không gây thiệt hại cho ai khác.

Vì thế, khi các tân tòng của Cha Combes thấy mình trở thành đối tượng thường xuyên cho tất cả các trò ngược đãi của bà con, của bạn bè, và nói chung là của tất cả những người đồng hương, họ vừa kinh ngạc, vừa khổ tâm. Họ nói: “Chúng tôi cũng làm việc đồng áng như bao kẻ khác, chúng tôi không bao giờ làm điều gì thiệt hại cho ai, chúng tôi vẫn quan hệ với mọi người như xưa nay, thế mà tại sao chúng tôi lại trở thành đối tượng cho những lời chế nhạo, quấy nhiễu của mỗi người trong bọn họ? Dù chúng tôi có thực hành vài tập tục đặc biệt, dù chúng tôi có đọc kinh và không còn tin vào các điều mê tín dị đoan nữa, thì đó là việc của chúng tôi. Can chi đến họ?” Cuối cùng, vì tức quá không nói được, họ đã quyết định lập một làng riêng, kẻ thì bỏ cha bỏ mẹ, người thì bỏ anh bỏ chị. Khi đã nhất quyết rồi, anh em tân tòng liền đến trình với Cha Combes. Sau khi nghe tất cả những lời than phiền của họ, ngài mỉm cười nói với họ: “Các con muốn lìa bỏ những kẻ đáng thương này sao? Các con không nghĩ rằng Cha đã từ ngàn dặm xa đến đây cũng chính là để tìm kiếm họ sao? Các con yêu quý, những chuyện ngược đãi này là điều không thể tránh khỏi khi khởi đầu rao giảng chính Đạo tại một nơi nào đó, và ở nhiều nơi, việc ngược đãi này còn ghê gớm hơn nhiều. Vì vậy, các con hãy can đảm và nhẫn nại! Họ càng đối xử cứng rắn, bất công với các con thì các con lại càng phải tỏ ra hiền lành đối với họ. Sau này, các con sẽ thấy chính những người bây giờ quấy rối các con, dần dần lại sẽ noi gương các con, và các con sẽ chiếm được linh hồn họ. Trong khi đó, nếu như bây giờ chúng ta hèn nhát bỏ rơi họ thì họ sẽ hư mất, và con số Kitô hữu của chúng ta sẽ ít hơn bây giờ”.

Những người tân tòng tội nghiệp đó không dễ gì hiểu được những lời quá mới lạ như thế, và nhà thừa sai phải nhờ vào tất cả quyền uy của mình để làm cho họ thay đổi quyết định. Nhưng, chẳng bao lâu họ đã có thể vui mừng vì biết nghe lời dạy bảo. Số Kitô hữu tăng lên mãi, và nhiều người trong họ, trước đây đã tỏ ra thù nghịch nhất, nay lại là những người đầu tiên xin học đạo để chịu phép Thanh Tẩy.

 (Còn tiếp)