Đức Thánh cha viếng thăm thành phố nổi Venezia
Chúa nhật, ngày 28 tháng Tư năm 2024, Đức Thánh cha Phanxicô đã dành tám tiếng đồng hồ để thực hiện chuyến viếng thăm mục vụ tại Venezia, thành phố nổi ở mạn đông bắc Ý, cách Roma 514 km đường bộ và 400 km đường chim bay.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Cơ hội cho cuộc viếng thăm này là cuộc triển lãm nghệ thuật thứ 60, được tổ chức hai năm một lần, và lần này được tổ chức tại thành phố Venezia, trong đó cũng có một gian hàng của Tòa Thánh do Bộ Văn hóa của Tòa Thánh đảm trách. Ngoài ra, dịp này cũng trùng vào ngày mừng kính thánh Marcô (25 tháng Tư), tác giả sách Tin mừng, cũng là bổn mạng của thành Venezia.
Cao điểm trong cuộc viếng thăm là thánh lễ Đức Thánh cha cử hành lúc quá 10 giờ sáng, tại Quảng trường thánh Marcô, ở trung tâm thành phố.
Viếng thăm và gặp gỡ nữ tù nhân
Trước đó, lúc 6 giờ sáng, Đức Thánh cha đã rời Roma bằng trực thăng để bay đến đảo Giudecca, thuộc Venezia, vào lúc 8 giờ. Đức Thánh cha đến thăm và gặp gỡ khoảng 80 nữ tù nhân tại đây, cùng các nhân viên và những người thiện nguyện của nhà tù. Đây là nhà tù nữ thứ tư tại Ý và là nhà tù thứ mười chín được Đức Thánh cha thăm viếng.
Khi trực thăng đáp xuống sân nhà tù, và Đức Thánh cha được Đức Thượng phụ Francesco Moraglia, Bộ trưởng Tư pháp cùng với đại diện chính quyền miền và ban giám đốc cải huấn của nhà tù, đón tiếp.
Nhắn nhủ của Đức Thánh cha
Trong số các tù nhân tại nhà tù, tất cả đều bị kết án chung kết, có 42 người Ý và 36 người nước ngoài, thuộc mười bốn quốc tịch khác nhau.
Trong lời chào thăm các nữ tù nhân tại cuộc gặp gỡ, Đức Thánh cha nhắc nhở các nữ tù nhân rằng nhà tù có thể trở thành một nơi tái sinh về tinh thần và vật chất, mặc dù thực trạng đau thương tại Giudecca này cũng như bao nhiêu nhà tù khác ở Ý, như tình trạng quá chật chội, thiếu các cơ cấu và tài chánh, nhưng – Đức Thánh cha nói – “Thời gian ở nhà tù có thể đánh dấu khởi đầu của một cái gì mới mẻ, qua sự tái khám phá những vẻ đẹp bất ngờ nơi chúng ta và những người khác, như biến cố nghệ thuật, mà chị em đang chứng kiến và cũng đóng góp tích cực vào công trình này này. Trong cơ hội này, chị em có thể nhìn nhận và lượng giá một cách can đảm cuộc sống của mình, loại bỏ những gì không hữu dụng, cồng kềnh, gây hại hoặc nguy hiểm, thảo ra một dự án, rồi tái khởi hành bằng cách đặt nền móng và đưa ra ánh sáng những kinh nghiệm đã trải qua, quyết liệt xây dựng. Để đạt được điều này, điều căn bản là hệ thống nhà tù cống hiến cho các tù nhân nam nữ những phương tiện và không gian để tăng trưởng về mặt nhân bản, tinh thần, văn hóa và nghề nghiệp, kiến tạo những tiền đề cho sự tái hội nhập của họ vào xã hội”.
Đức Thánh cha nói thêm: “Chúng ta đừng quên rằng tất cả chúng ta đều có những lầm lẫn cần tha thứ cho nhau và có những vết thương cần chữa lành, và tất cả chúng ta đều có thể trở thành những người được chữa lành, và mang lại sự chữa lành cho những người khác, trở thành những người được tái sinh mang lại sự tái sinh”.
Gặp gỡ các nghệ nhân
Giã từ các nữ tù nhân, Đức Thánh cha đến nhà thờ thánh Madalena, cũng ở đảo Giudecca, được dùng làm nhà nguyện của nhà tù. Tại đây, Đức Thánh cha gặp gỡ các nghệ nhân đang tham gia cuộc triển lãm.
Hiện diện tại buổi gặp gỡ, có Đức Hồng y Jose Tolentino de Mendonça, Tổng trưởng Bộ Văn hóa Giáo dục của Tòa Thánh và cũng là người phụ trách gian hàng của Tòa Thánh tại Hội chợ quốc tế về nghệ thuật vừa nói. Gian hàng này được đặt ở trong khuôn viên nhà tù, trên đảo Giudecca và đã được Đức Hồng y Mendonça khánh thành, hôm 19 tháng Tư vừa qua.
Để thực hiện gian hàng của mình tại Venezia, Tòa Thánh đã xin sự cộng tác của một nghệ nhân người Ý, ông Maurizio Cattelan, 63 tuổi. Cuộc triển lãm ở Venezia diễn ra từ ngày 20 tháng Tư đến ngày 24 tháng Mười Một năm nay, với chủ đề: “Những người nước ngoài ở mọi nơi” (Stranieri Ovunque), và gồm các bộ môn nghệ thuật, kiến trúc, điện ảnh, âm nhạc, vũ, kịch nghệ và văn khố lịch sử.
Diễn văn của Đức Thánh cha
Lên tiếng tại buổi gặp gỡ, sau lời chào mừng mở đầu của Đức Hồng y Jose Tolentino Mendonça, Đức Thánh cha tha thiết kêu gọi các nghệ nhân hãy đi xa hơn, và hãy phân biệt nghệ thuật với thị trường. Ngài nhận xét rằng: “Chắc chắn thị trường thăng tiến và đề cao, nhưng luôn có nguy cơ “ma-cà-rồng hóa” sự sáng tạo, cướp đoạt sự hồn nhiên, và sau cùng là hướng dẫn một cách lạnh lùng điều gì phải làm… Tôi nhiệt liệt cầu mong rằng nghệ thuật thời đại ngày nay có thể mở rộng cái nhìn của chúng ta, giúp chúng ta đề cao giá trị một cách thích hợp sự đóng góp của các phụ nữ, như những người cùng giữ vai chính trong cuộc phiêu lưu của nhân loại”.
Gặp gỡ giới trẻ
Tiếp nối cuộc gặp gỡ với các nghệ nhân, Đức Thánh cha dùng thuyền máy rời khỏi đảo Giudecca, đến Vương cung thánh đường Đức Mẹ Sức Khỏe để gặp gỡ khoảng 1.000 bạn trẻ thuộc Tổng giáo phận Venezia và các giáo phận miền Veneto, đông bắc Ý. Họ đứng đầy khu vực trước thánh đường, trong bầu khí nhộn nhịp, hân hoan.
Sau lời chào mừng của hai đại diện giới trẻ nam nữ, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc nhở họ hai điều, qua hai động từ, như Đức Maria đã làm, sau khi được sứ thần truyền tin, đó là đứng dậy và ra đi.
Trước tiên là đứng dậy. Đức Thánh cha nói: “Đứng dậy để thưa với Chúa: ‘Này con đây!’, Chúa tin tưởng nơi chúng ta. Đứng dậy để đón nhận hồng ân là chúng ta, để nhìn nhận trước mọi người rằng chúng ta quý giá và không thể thay thế được. Đó không phải là sự tự tín, nhưng là thực tại!”
“Trong thực tế, nhiều khi chúng ta phải chiến đấu chống lại hấp lực tiêu cực kéo chúng ta xuống, chống lại sự ù lì đè nén, muốn làm cho chúng ta thấy mọi sự là u ám. Làm sao đây? Để trỗi dậy, trước tiên chúng ta cần được để cho mình được nâng dậy, để Chúa cầm tay, Chúa là Đấng không bao giờ làm cho những ai tín thác vào Ngài phải thất vọng. Chúa luôn nâng dậy và tha thứ.
Động từ thứ hai là ra đi. Nếu trỗi dậy là đón nhận mình như hồng ân, thì ra đi có nghĩa là trở thành hồng ân, thành món quà. Nếu cuộc sống là hồng ân, thì tôi được kêu gọi sống bằng cách trở thành hồng ân. Các bạn thân mến, quả thực là bao nhiêu điều trên thế giới không ổn, nhưng bầu không khí bấp bênh mà chúng ta đang cảm nghiệm không thể là cái cớ để ta dừng lại để than vãn: chúng ta ở trên trần thế để cho mình “khó chịu”, để gặp những người cần chúng ta. Đó là cách thức chúng ta tìm lại chính mình”. Các bạn có biết tại sao chúng ta ngỡ ngàng, lạc hướng? Thưa, vì chúng ta bay quanh cái bóng của chúng ta. Trái lại, ai xả thân cho người khác thì tìm lại bản thân, vì chúng ta chỉ đạt được sự sống bằng cách cho đi. Nhưng nếu chúng ta luôn xoay quanh cái tôi của mình, quanh những nhu cầu của chúng ta, những gì chúng ta thiếu, thì chúng ta luôn trở lại điểm khởi hành, khóc thương cho chính mình, với cái mặt sầu muộn, nhiều khi nghĩ rằng mọi người đều chống lại chúng ta”.
Đức Thánh cha cử hành thánh lễ
Sau cuộc gặp gỡ với giới trẻ, Đức Thánh cha cùng một đoàn đại diện các bạn trẻ đi tới Quảng trường thánh Marcô, trung tâm thành Venezia. Tại đây, ngài được chính quyền miền Veneto và thành Venezia đón tiếp, trước khi cử hành thánh lễ cho mọi người, vào lúc quá 10 giờ, trước sự hiện diện của 5.000 tín hữu đại diện cho các giáo phận miền Triveneto ở miền đông bắc nước Ý.
Đồng tế với Đức Thánh cha, có các giám mục miền này, cùng với hàng trăm linh mục. Đức Thượng phụ Moraglia của giáo phận sở tại đã thay ngài cử hành các nghi thức tại bàn thờ.
Bài giảng của Đức Thánh cha
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh cha quảng diễn ý tưởng trong bài Tin mừng theo thánh Gioan: “Chúa Giêsu là cây nho và chúng ta là những cành nho. Và Thiên Chúa, là Cha đầy từ nhân và thương xót, như người nông dân kiên nhẫn, ân cần chăm sóc chúng ta cuộc sống chúng ta được đầy hoa trái. Vì thế, Chúa Giêsu nhắn nhủ chúng ta hãy cẩn giữ hồng ân quí giá là mối liên hệ với Ngài, cuộc sống và sự phong phú của chúng ta tùy thuộc mối liên hệ ấy. Chúa nhắc đi nhắc lại “Các con hãy ở lại trong Thầy và Thầy ở trong các con… Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì họ sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,4). Chỉ ai kết hiệp với Chúa Giêsu mới mang lại hoa trái”.
Đức Thánh cha giải thích rằng: “Biểu tượng cây nho, một đàng, biểu lộ sự chăm sóc yêu thương của Thiên Chúa đối với chúng ta, nhưng đàng khác, cảnh giác chúng ta, vì nếu chúng ta cắt đứt mối liên hệ với Chúa, thì chúng ta không thể mang lại hoa trái cuộc sống tốt đẹp và làm chính chúng ta có nguy cơ trở nên nhưng cành cây khô, bị cắt bỏ đi.
“Nhưng ẩn dụ xuất phát từ Trái Tim Chúa Giêsu cũng có thể được đọc bằng cách nghĩ về thành phố được xây dựng trên nước này, và được công nhận vì tính độc đáo duy nhất như một nơi nhiều gợi ý nhất trên thế giới. Venezia là một với nước trên đó nó nổi lên, và nếu không có sự chăm sóc và giữ gìn thì quang cảnh thiên nhiên này có thể ngưng hiện hữu. Cũng vậy, đời sống chúng ta, cả chúng ta, cũng luôn chìm trong tình thương của Thiên Chúa, chúng ta được tái sinh nhờ nước và Thánh Linh, và được tháp nhập vào Chúa Kitô như những cành nho. Trong chúng ta có nhựa sống tình thương tuôn chảy, nếu không nó sẽ trở thành những cành khô, không mang lại hoa trái”.
“Anh chị em thân mến, điều đáng kể là chúng ta ở lại trong Chúa. Động từ ở lại này không được giải thích như một cái gì tĩnh, như thể nói chúng ta đứng im, đậu lại trong sự thụ động, trái lại, nó mời gọi chúng ta hãy chuyển động, vì ở lại trong Chúa có nghĩa là tăng trưởng trong tương quan với Chúa, đối với thoại Chúa, đón nhận Lời Chúa, bước theo Chúa trên con đường của nước Chúa. Vì thế, đây là bước theo Chúa, để cho mình được Tin mừng của Chúa khuyến khích và trở thành những chứng nhân về tình yêu của Chúa”.
Sau thánh lễ, Đức Thượng phụ Venezia đã ngỏ lời nồng nhiệt cám ơn Đức Thánh cha và Đức Thánh cha đã tặng cho giáo phận một chén lễ quý giá.
Sau cùng, Đức Thánh cha mời gọi mọi người hát kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng chào kính Mẹ Thiên Chúa. Nhưng trước đó, ngài không quên nhắc nhở các tín hữu đặc biệt cầu nguyện cho dân nước Haiti, từ lâu ở trong tình trạng hỗn độn, nhất là hệ thống y tế ở thủ đô Port-au-Prince bị sụp đổ. Đức Thánh cha cũng tái kêu gọi cầu nguyện cho dân nước Ucraina đau thương, cho Palestine, Israel, Myanmar và các nước đang đau khổ vì chiến tranh.
Sau thánh lễ, Đức Thánh cha còn kính viếng hài cốt thánh Marco trong Vương cung thánh đường, cạnh Quảng trường, cũng như tiến qua các lối đi ở quảng trường để chào thăm các tín hữu, rồi đáp trực thăng bay trở về Vatican, kết thúc khoảng tám giờ đồng hồ thăm viếng thành phố nổi Venezia.