Mừng Ngân Khánh Đại Chủng Viện Thánh Quý 

print

Mừng Ngân Khánh Đại Chủng Viện Thánh Quý 

12 SỰ KIỆN ĐÁNG NHỚ

Trọng kính Đức hồng y, quý Đức cha,

Kính thưa quý cha, quý tu sĩ, chủng sinh và toàn thể quý khách.

Hôm nay chúng ta cùng mừng Đại Chủng Viện Thánh Qúy vừa tròn 25 tuổi: 1988-2013.

So với chiều dài của lịch sử, ngần ấy tháng năm chẳng là gì, có thể chỉ là một khoảnh khắc. Nhưng riêng với ĐCVTQ thì đây lại là thời điểm vô cùng ý nghĩa. Trong chương trình quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa thì mỗi phút giây hiện tại đều bao hàm cả quá khứ lẫn tương lai: quá khứ làm giàu cho hiện tại và hiện tại đang được điều hướng bởi tương lai. Chính vì thế chúng con xin Đức hồng y, quý Đức cha, quý cha và toàn thể cộng đòan phụng vụ đang có mặt nơi đây, cùng ngược dòng thời gian, điểm lại 12 sự kiện đáng nhớ của ĐCVTQ trong suốt 25 năm qua, dựa vào từng thời gian lãnh đạo phục vụ của 3 vị Giám đốc. 

 

Thời kỳ thứ I: Thời cha Giám đốc tiên khởi Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, 1988-1993.

 Tiền thân ĐCVTQ là Tiểu Chủng viện Á thánh Phêrô Đòan Công Quý của giáo phận Cần Thơ. Ngày 16-4-1961, ngay sau khi nhậm chức giám mục chính tòa Cần Thơ thay Đức cha Pl. Nguyễn Văn Bình, Đức cha Plp Nguyễn Kim Điền đã cho dời TCV từ Sóc Trăng lên Cái Răng, tại miếng đất và nhà của hãng Fontaine đã được Đức cha Phaolô mua vào năm 1957. Hiện nay chỉ còn ngôi nhà kỷ niệm như một chứng tích lịch sử, đó là nhà cha Giám đốc . Liền sau đó, ngài cho xây thêm một dẫy nhà 2 tầng, dài 64m, gọi là Khu A . Đến thời Đức cha Gcb Nguyễn Ngọc Quang, ngài cho mua thêm đất, mở rộng chủng viện về phía sau và cho xây thêm dẫy nhà mới 2 tầng, dài 102m song song với dãy nhà khu A và khánh thành vào ngày 4-8-1970, nay gọi là Khu B . Với biến cố 1975, TCV Á thánh Quý không được họat động. Cơ sở thu hẹp lại vì Khu B bị mượn làm trường Trung học Kinh Tế với hợp đồng 20 năm. Tuy vậy các cha giáo TCV vẫn còn ở lại giữ dẫy nhà khu A và tiếp tục những khóa đào tạo không chính thức, không liên tục, dưới sự điều hành của cha Giám đốc TCV, GB Phạm Minh Mẫn. Với 4 lớp Xuất Hành 1,2,3,4, giáo phận Cần Thơ đã có hơn 30 linh mục vào thập niên 1975-1985.

 

 Giấy phép mở ĐCVTQ : Căn cứ theo văn thơ số 342/QĐ. UBT.88 của UBND tỉnh Hậu giang, giáo phận Cần Thơ được phép mở ĐCV và chiêu sinh 2 năm một lần. Với sự chấp thuận của Tòa Thánh, sau khi đã hội ý với 2 giáo phận Long Xuyên và Vĩnh Long, Đức cha GiacôBê đã quyết định chuyển đổi TCV Á thánh Quý thành ĐCV liên giáo phận, nhằm đào tạo linh mục cho 3 giáo phận thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngày khai giảng ĐCVTQ, 27-12-1988, được đánh dấu bằng lễ phong chức linh mục cho 4 thầy Phó tế của giáo phận Cần Thơ. Cha giáo Pr. Lê Quang Phú đang hiện diện nơi đây là một trong bốn tân linh mục đó… Tuy đã có phép mở, nhưng tại nhiều nơi, giấy tờ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do đó vào ngày khai giảng, khóa học đầu tiên chỉ tựu về được 26 chủng sinh, mãi đến 2 năm sau mới lên tới mức 37. Ba năm sau (1991), ĐCV nhận thêm khóa thứ II với sĩ số 36 chủng sinh cho 3 giáo phận.

 

 Tổ chức nhân sự đào tạo : Cùng cộng tác với cha Giám đốc Gioan Baotixita trong vai trò đào tạo, có 2 cha Phó Giám đốc đại diện 2 giáo phận Long Xuyên và Vĩnh Long, là cha Pr. Lê Văn Kim và cha Pr. Dương Văn Thạnh, thêm 4 cha giáo đang thường trú trong ĐCV: cha Aug. Ngọan, cha Gs. Tài, cha At. Chương, cha Mt. Ninh, và thầy phó tế Pl. Khánh, làm phụ tá quản lý. Hai năm sau, năm 1990, Đức cha Emmanuel cho thêm cha Đa-minh Tính từ Bôna về chủng viện làm giám học, và năm 1991, thêm cha Stp. Thiên, cha Gs. Long về chủng viện thế cho cha Gs. Tài đi nghỉ bệnh, cha Aug. Ngọan đổi ra xứ.

 

 Đường hướng đạo tạo : Tuy đã có một số kinh nghiệm đào tạo linh mục từ 4 lớp Xuất Hành trong hơn 10 năm qua, nhưng cha Giám đốc Gioan Baotixita vẫn thao thức tìm kiếm một định hướng chung cho việc đào tạo. Ngày 25-3-1992, Đức Gioan Phaolô II đã ban hành Tông huấn Pastores dabo vobis (PDV), đưa ra những nguyên tắc và định hướng cho việc đào tạo linh mục trong hoàn cảnh hôm nay. Nắm bắt cơ hội, cha Giám đốc cùng với Ban đào tạo chia nhau dịch ra Việt Ngữ tài liệu này và vận dụng cách khéo léo để cho ra tập Chỉ Dẫn Cần Thiết (CDCT), hướng dẫn việc đào tạo và tự đào tạo trong ĐCV. Đây thực là kim chỉ nam quí giá cho ĐCVTQ trong suốt 25 năm qua. Ngày 11-4-2012, khi HĐGMVN phổ biến tài liệu “Đào tạo linh mục, định hướng và chỉ dẫn ”, gọi tắt là Ratio, chúng con rất vui và tự hào vì thấy tập CDCT của ĐCVTQ đã theo sát với định hướng và chỉ dẫn của Hội Thánh toàn cầu và Hội Thánh tại Việt Nam.

 

 Thời kỳ thứ 2: Thời cha Giám đốc Đa-minh Nguyễn Thành Tính, 1993-2004.

 

 Phong chức : Bước vào năm thứ 5 (1993), ĐCV đang chuẩn bị nhận thêm khóa thứ III. Trưa 15-5-93, Đức cha Emmanuel vào ĐCV thông báo một tin vui: Tòa Thánh đã cất nhắc cha Giám đốc Gioan Baotixita làm Giám mục Phó giáo phận Mỹ Tho! Ba tháng sau, 11-8-93, ngày khóa IIIA tựu trường cũng là ngày lễ tấn phong Giám mục cho cha Giám đốc Gioan Baotixita ngay tại sân banh của ĐCV. Để các sinh họat trong ĐCV không bị xáo trộn, Đức cha Emmanuel đã bổ nhiệm cha Giám học Đa-minh Nguyễn Thành Tính làm Giám đốc. ĐCVTQ bước qua trang sử mới. Thời của cha Giám đốc Đa-minh được mở đầu bằng lễ phong chức linh mục thật long trọng trước tượng đài Thánh Qúy. Ngày 30-6-94, 27 thầy Phó tế (K1) thuộc 3 giáo phận đã được lãnh thánh chức linh mục do Đức cha Emmanuel chủ phong và Đức cha Phó giáo phận Mỹ Tho cũng hiện diện để chúc lành cho 27 linh mục đầu đàn của ĐCVTQ.

 

 Cơ sở đào tạo có thêm Khu B,C,Đ : Kể từ khóa III, để việc đào tạo đạt hiệu quả cao, tuy tuyển sinh 2 năm 1 lần, nhưng Đức cha Emmanuel đã quyết định cho nhập vào ĐCV mỗi năm một nửa. Từ đó có khóa 3A, 3B (60 cs), 4A, 4B (55 cs), 5A, 5B (40 cs) và 7A, 7B (46). Năm 1996, số chủng sinh tăng cao, có tất cả 5 lớp. Cơ sở vừa chật hẹp, cũ kỹ, lại không phù hợp với việc đào tạo của một ĐCV. Chưa biết làm sao thì Chúa quan phòng đã giải quyết khó khăn này: Khu B đã được trả lại. Trường Trung học Kinh Tế còn để lại 2 dẫy nhà, một dẫy làm căn tin và văn phòng gọi là khu C, một dẫy dành cho nhân viên gọi là khu Đ. Cha Giám đốc Đa-minh cùng các cha trong Ban đào tạo, đã trở thành những người thợ “bất đắc dĩ”, để gấp rút lo xây lại tường rào, sửa lại khu B làm chỗ sinh họat cho các lớp thần học, sửa thêm khu C làm chỗ ở cho các phó tế, và dành riêng khu Đ làm khu vực để tĩnh tâm.

 

 Nhân sự đào tạo thay đổi : Đây là thời gian trong Ban đào tạo có nhiều thay đổi nhất. Đức cha Emmanuel đã liên tục đưa về chủng viện một số cha như sau: Năm 1994 thêm cha Cr. Hồ Bặc Xái, cha Mt. Lê Ngọc Bửu từ họ đạo về thường trú trong chủng viện. Năm 1995 , cha Pr. Điệu từ Thới Lai về làm quản lý thay cha Pl. Khánh. Năm 1999 , cha Pr. Phú về thay cha Pr. Điệu, cha Stp. Thiên vừa đi du học về, cũng vô giúp chủng viện. Năm 2000cha Gs. Chỉnh về thế cha Mt. Bửu đi học. Năm 2001 , cha GB. Hòa về thay cha Pr. Phú đi học. Năm 2002 , Cha Mt. Bửu từ Phi về làm linh hướng thế cha Mt. Ninh được lệnh chuyển đi Ô môn. Năm 2003 , Cha Gs. Cường, quản hạt Đại Hải được điều về chủng viện để đặc biệt coi sóc lớp năm tu đức . Đặc biệt, để chia sẻ gánh nặng với giáo phận Cần Thơ, Đức cha Long Xuyên cũng gởi hỗ trợ thêm cho ĐCV cha Pr. Tâm . Năm 2002, cha Gs. Thụydu học từ Pháp về thế để cha Pr. Tâm đi du học. Ngoài 12 lần thay đổi các cha trong Ban đào tạo như đã kể trên, để việc đào tạo đươc sâu sát hơn, năm 1998, Đức cha Emmanuel còn quyết định chia ĐCV thành 2 khoa, đặc trách khoa Thần là cha At. Vũ Huy Chương và đặc trách khoa Triết là cha Cr. Hồ Bặc Xái. Và kể từ năm 1999 (Khóa 6), bắt đầu áp dụng có năm Tu đức trước khi học 2 năm Triết.

 

 Các cha giáo làm Giám mục : Bị chao đảo vì nhiều đổi thay, ĐCV còn bị choáng váng vì mất thêm 6 cha giáo. Năm 1999 ngày 29-6, cha Gs. Trần Xuân Tiếu , giáo sư luân lý của ĐCV được tấn phong làm Giám mục Phó giáo phận Long Xuyên. Cha Gs. Ngô Quang Kiệt , được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa giáo phận Lạng Sơn. Cha mới chỉ đi họp ban giảng huấn ĐCV một lần duy nhất, rồi đi luôn ra Bắc không về. Năm 2000 , ngày 15-8, cha Tôma Nguyễn Văn Tân , giáo sư luân lý của ĐCV được tấn phong làm Giám mục Phó giáo phận Vĩnh Long. Khi bước vào tuổi trăng tròn (15 ), ĐCV lại phải chứng kiến thêm 3 cuộc chia ly: ngày 18-2-2003 tại sân khu B, có lễ tấn phong Giám mục Phó giáo phận Cần Thơ, cha Step. Tri Bửu Thiên , cha giáo luân lý. Sáu tháng sau, ngày 5-8-2003, cha At. Vũ Huy Chương , cha giám học cũng là cha giáo tín lý của ĐCV, được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa giáo phận Hưng Hoá. Với tinh thần Fiat, ngài đã “xin vâng” bỏ Nam ra Bắc, để lại cho chủng viện một “vườn chặng đàng” đầy ắp những kỷ niệm. Năm sau, ngày 29-6-2004, ĐCVTQ lại chứng kiến sự thay đổi chủ nhân của tòa nhà Cha Giám Đốc : do nhu cầu của giáo phận, Đức cha Emmanuel đã quyết định thuyên chuyển cha Đa-minh Nguyễn Thành Tính về làm cha sở nhà thờ Chính Tòa Cần Thơ và bổ nhiệm cha Cr. Hồ Bặc Xái làm Giám đốc ĐCVTQ.

 

 Thời kỳ thứ 3. Thời cha Giám đốc Carôlô Hồ Bặc Xái từ năm 2004 tới nay.

 Bổ sung nhân sự đào tạo : Khởi đầu thời của cha Giám đốc Carôlô xem ra có được nhiều thuận lợi hơn. Trước hết, bên giáo phận Vĩnh Long , Đức cha Tôma đã cho cha Pr. Thạnh ở chủng viện thường xuyên hơn, đến năm 2010, ngài cho cha Pr. Huỳnh Văn Hai ở thường trú trong chủng viện, phụ trách Giám học thay cha Gs. Thụy, và 2012, chính thức bổ nhiệm cha làm Phó Giám đốc thay cha Pr. Thạnh. Bên giáo phận Long Xuyên , năm 2009, Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu cũng đã chọn cha Luy Gonz. Huỳnh Phước Lâm làm Phó Giám đốc thay cha Pr. Kim đã xin nghỉ hưu, và mới đây 2013, ngài cũng đã chính thức bổ nhiệm cha Gs. Trần Đình Thụy thay cha Luy Gonz. Lâm đang nặng vai với trách nhiệm Tổng Đại diện giáo phận Long Xuyên. Riêng giáo phận Cần Thơ , Đức cha Emmanuel tiếp tục gởi thêm cho ĐCV các cha cựu học viên vừa đi du học về: năm 2005, cha Vc. Thọ , cha GB. Hòa từ Ý về; năm 2006, cha Ga. Dung , cha Pr. Phú từ Phi về; năm 2008, chaEm. Quận từ Pháp về; năm 2010 cha Gs . Ngà về thay cha Ar. Chương, cha Pr. Lợi từ Ý , cha At. Hùng từ Mỹ về thế chỗ cho cha Ga. Dung, cha GB. Hòa chuyển ra TGM. Riêng cha Mt. Bửu lại chuyển từ chủng viện ra làm tuyên úy dòng CQP.

 

 Thay đổi phương thức đào tạo : Nhờ có thêm nhiều cha trong Ban đào tạo, với kinh nghiệm 10 năm trong ĐCV, cha Giám đốc Carôlô đã mau chóng thay đổi phương thức đào tạo, từ tháp tùng chuyển sang đặc trách . Mỗi lớp đều có một cha đặc trách để tiếp cha Giám đốc đồng hành sâu sát với các chủng sinh thuộc lớp mình phụ trách. Các cha linh hướng, mỗi cha 2 lớp, âm thầm hỗ trợ bên trong giúp chủng sinh tích cực và chủ động tự đào tạo dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

 Tuyển sinh mỗi năm : Kể từ năm 2007 trở đi, ĐCV chiêu sinh từng năm, bắt đầu từ khóa X (2007), mỗi năm tuyển vào chủng viện 36 chủng sinh. Và tới năm học 2014-2015, lần đầu tiên ĐCV sẽ đủ 7 lớp từ nhỏ tới lớn: 1 lớp tu đức, 2 lớp triết, 4 lớp thần, nếu tính cả lớp đi thử và lớp đi thực tập mục vụ ở ngoài ĐCV, tất cả là 9 lớp. Với số chủng sinh đầy đủ như vậy thì đội ngũ đào tạo cũng phải hoàn chỉnh vào năm tới là 12 vị gồm 1 cha giám đốc, 4 cha linh hướng, 7 cha đặc trách 7 lớp . Năm 2010, với biến cố Đức cha Emmanuel mất, Đức cha Stêphanô còn bổ nhiệm cha Giám đốc Carôlô làm Tổng Đại diện giáo phận Cần Thơ. Làm giám đốc ĐCV đã nặng, nay lại nặng hơn. Xin cho cha có quả tim đủ lớn để vui nhận mọi thánh giá Chúa gởi. 

 Ổn định cơ sở : Củng cố về nhân sự, đổi mới về phương cách, rõ nét về đường hướng và nội dung đào tạo, ĐCV còn phải tiếp tục lo ổn định về mặt cơ sở : khi thành lập, ĐCV chỉ có 1 dẫy nhà khu A, 10 năm sau, Nhà Nước trả lại dẫy nhà khu B. Vì 2 dẫy nhà này đã được xây dựng trên 40 năm, rồi được nâng cấp thành ĐCV, nên cứ phải tu sửa liên tục. Đồng thời còn phải từng bước cất thêm những gì cấp thiết cho việc đào tạo như nhà nguyện chung, thư viện, 2 nhà hội chung, 7 lớp học riêng, nhà cơm, nhà bếp, nhà chơi, sân chơi, đường đi, cây kiểng, phòng ốc cho cha giáo ngọai trú, cho khách vãng lai… Đất đai thì quả là nhiều hơn mọi chủng viện, nhưng tiền tiêu lại theo chiều tỷ lệ nghịch! Cộng thêm ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế trong và ngoài nước khiến ĐCV cứ phải loay hoay xoay xở từng ngày!!! Khi mừng ĐCV được 20 tuổi, 24-11-2006 cùng một lúc, chúng con đã tân tạo ngôi nhà nguyện chung và xây mới một thư viện. Trong 4 năm qua, nhằm chuẩn bị mừng lễ 25 năm, cha Quản lý đã phải lo liệu đủ cách để hoàn thành 24 hạng mục cần sửa chữa, chuẩn bị cho niên khóa 2014-2015 sắp tới với đầy đủ 7 lớp và 240 chủng sinh Triết Thần. Việc cuối cùng phải làm trong mùa hè tới là chuẩn bị nhà cửa để nhận thêm một lớp Thần học trên 30 thầy. Đây cũng là vấn đề không đơn giản, chúng con cũng chưa biết phải giải quyết cách nào!

 Để kết :

Tổng kết sau 25 năm, qua 3 thời cha Giám đốc, ĐCVTQ đã chiêu sinh được 20 khóa với 662 chủng sinh , trong đó có 13 khóa , từ I đến IX, đã ra trường với 363 linh mục và 47 thầy đang trong năm thực tập mục vụ như Ratio 2012 qui định. Tất cả hiện đang phục vụ tại 3 giáo phận với những vai trò khác nhau. Chúng con tạm thống kê như sau: 179 cha sở ,131 cha phó , 41 cha đi du học (29 cha đã về và 12 còn đang học), 12 cha đang phục vụ tại các TGM và ĐCV . Số chủng sinh hiện đang trong thời gian đào tạo khai tâm tại ĐCV là 204 cs với 6 lớp (K16 , năm Tu đức với 36 cs – K15 , Triết 1 với 35 cs; K14 , Triết 2 với 35 cs; K12 , Thần 1 với 29 cs; K11, Thần 2 với 33 (+1) cs và K10 , Thần 3 với 28 (+4) cs), và 1 lớp đang đi thử là K13 với 38 cs).

Lướt qua 12 sự kiện đáng nhớ của ĐCV trong 25 năm qua, chúng con có 3 cảm nhận sau:

 Một : Chúng con luôn xác tín rằng việc đào tạo linh mục là công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi, được thể hiện qua và trong Giáo Hội. “Người giữ vai trò số một trong việc đào tạo linh mục, chính là Chúa Thánh Thần, các nhà đào tạo chỉ là dụng cụ của Chúa Thánh Thần, chỉ đóng vai trò trợ lực mà thôi ” (PDV69). Trong 25 năm qua, ĐCV đã bị mất khá nhiều cha giáo cột trụ. Đa số các cha được trao trách nhiệm đào tạo lại chưa được đào tạo bài bản, nhưng ai nấy cũng đầy thiện chí, nỗ lực “trở thành thợ rèn bằng cách rèn ”. Do đó tuy nhân sự có nhiều thay đổi, nhưng không gây bất ổn, có nhiều chao đảo, nhưng không bị lạc hướng, ĐCV vẫn cứ từng bước đi lên và phát triển. Chúa đã không ban cho những gì chúng con xin, nhưng luôn dự liệu để ban cho những gì chúng con cần . Chúng con xin cảm tạ Chúa vì sau 25 năm, đội ngũ đào tạo của ĐCVTQ khá chuẩn: đa dạng nhưng luôn hiệp nhất : có cả 3 giáo phận, đủ mọi lứa tuổi, từ già tới trẻ, từ U70 tới U50, gồm cả những vị có kinh nghiệm đào tạo lẫn người có học vị chuyên môn… Tính chung lại trong 25 năm qua với 363 linh mục, trung bình mỗi năm, Chúa Thánh Thần đã ban cho 3 giáo phận trên 14 linh mục . Bắt đầu từ năm 2014 trở đi, mỗi năm có khoảng trên dưới 10 tân linh mục cho mỗi giáo phận .

 

 Hai : Tuy rất hãnh diện vì trong vòng 25 năm qua, từ các cha giáo, ĐCVTQ có được 4 Giám mục, 1 Tổng giám mục, và 1 Hồng y, nhưng chúng con không khỏi buồn thương, tiếc nuối vì những mất mát to lớn khác. Chúa đã gọi về với Chúa 6 vị giám mục đáng kính: năm 1990, Đức cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang; 2007, Đức cha Raphael Nguyễn Văn Diệp; năm 2009, Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ; 2010, Đức cha Emmanuel Lê Phong Thuận; năm 2013, Đức cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu và Đức cha Tôma Nguyễn Văn Tân; thêm 6 cha giáo : cha Pr. Khả, cha Gs. Trình, cha Pl. Thử, cha Gs. Sơn, cha At. Văn, cha Gs. Tường. Cả các cha cựu học viên và các chủng sinh còn trẻ măng “đang mải dệt đời mình ”, Chúa cũng “cắt đứt ngay hàng chỉ ”! Tất cả 5 cha, 3 thầy : Pr. Chánh (K1), GB. Hùng (K1), Val. Vĩnh (K2), Gs. Trị (K4A), Phil. Tính (4B); 3 thầy: Pr. Nhựt (4B), Px. Vũ (K5A), Gb. Tuấn (K9) !!! Nhìn vào con số các cựu học viên trong ba giáo phận ngày càng nhiều, bóng tối có, ánh sáng có, chúng con ý thức trách nhiệm của mình cần phải tiếp tục phát huy truyền thống Tự Đào Tạo của ĐCVTQ, cả khi đã ra trường, như Đức Hồng y Garrone đã nói “Dù bất cứ trong hòan cảnh nào, trong bất cứ cương vị nào, đã là linh mục thì phải lo tự đào tạo mình vì đó là điều kiện sống còn của linh mục ”. Vâng, dù đã làm linh mục (363) hay sắp làm linh mục (47), dù đã chuyển hướng (75), chúng con vẫn cần phải tiếp tục tự đào tạo, một mặt luôn sẵn sàng từ bỏ mình để đi theo Chúa, đến với Chúa, sống thân thiết với Ngài; mặt khác cũng luôn sẵn sàng ra khỏi mình để đến với tha nhân. Chúng con được huấn luyện để làm mục tử chứ không làm công chức đền thờ . “Người chăn chiên phải có mùi chiên ”

 Ba : Được như ngày hôm nay khiến chúng con thêm xác tín rằng trong mọi hoàn cảnh, Thiên Chúa luôn dự liệu cho ĐCVTQ có những trợ lực thật đáng qui trọng, cần phải kể ra đây: đó là linh mục đòan của 3 giáo phận, các dòng tu, các họ đạo, các bậc phụ huynh, các ân nhân, các cựu học viên, nhóm cựu chủng sinh Á thánh Quý, kể cả các nhân viên trong chủng viện (có người đã phục vu chủng viện cũng tròn 25 năm). Dần dà chúng con hiểu ra rằng tất cả đều là dụng cụ Chúa dùng, mỗi người đều có chỗ của mình, Chúa cho bao nén thì cứ làm lợi bấy nhiêu nén. Tất cả đều được mời gọi trở nên người đầy tớ khôn ngoan và trung tín trong vườn nho Chúa.

Tình thương Chúa cao vút trời xanh,

Thành tín Ngài vượt ngàn mây biếc. Alleluia, Alleluia.

Xin chúc tụng và tôn vinh Chúa.

 

Xin chân thành cám ơn Đức Hồng y, quý Đức cha và quý cha, cùng tòan thể quý khách.

 Lm  Gs Nguyễn Bá Long

Linh hướng ĐCVTQ