Xin thì được! – Chúa nhật XVII Thường niên – Năm C

Xin thì được! – Chúa nhật XVII Thường niên – Năm C

 

Để biện minh cho sự lười biếng cầu nguyện, nhiều người đã lập luận: Nếu Thiên Chúa là Đấng tốt lành và nhân hậu, thì Ngài biết rõ những nhu cầu của tôi, đâu cần phải cầu nguyện thường xuyên. Đúng, Thiên Chúa thấu hiểu nỗi lòng và nhu cầu của mỗi người, nhưng Ngài cũng muốn cho chúng ta cầu nguyện thường xuyên để thể hiện sự lệ thuộc của con người vào quyền năng và tình yêu thương của Thiên Chúa. Câu chuyện dụ ngôn trong Tin Mừng thánh Lu-ca đã minh họa chủ đề này. Người bạn đến vay bánh vào lúc ban đêm vì có khách ghé thăm. Chủ nhà khẳng định dứt khoát: “Anh đừng quấy rầy tôi” cùng với những lý do để từ chối. Ấy vậy mà trước lời đề nghị dai dẳng của người đang vay bánh, chủ nhà dù miễn cưỡng cũng phải dậy để lấy những thứ anh ta cần.

Nếu người bạn trong dụ ngôn chỉ trở dậy vì bị làm phiền, thì Thiên Chúa, Đấng chúng ta tôn thờ, lại sẵn sàng để cho người ta “làm phiền”, vì Ngài là Đấng bao dung nhân hậu. Chúa Giê-su đã dùng tình cảm của người cha đối với con cái để nói với chúng ta: nếu những người cha trần gian mà còn thương con như thế, người Cha trên trời còn thương chúng ta biết bao nhiêu!.

Thiên Chúa là Cha từ bi nhân hậu. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã viết: “Thiên Chúa không bao giờ biết mệt khi tha thứ, chính chúng ta là kẻ cảm thấy mệt mỏi khi cầu xin lòng thương xót của Người. Người là Đấng dạy chúng ta tha thứ “bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22. Hết lần này đến lần khác Người lại đến để vác chúng ta trên vai của Người… Người cho phép chúng ta ngẩng cao đầu và bắt đầu lại một lần nữa, với một sự dịu dàng, không bao giờ để chúng ta thất vọng. Trái lại, Người luôn luôn đem lại cho chúng ta niềm vui (Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng”, số 3). 

Lòng nhân hậu của Chúa được trình bày bằng một thể loại văn chương rất đặc biệt, mà chúng ta vẫn gọi là lối hành văn “như nhân” (tức là trình bày Thiên Chúa với những nét của con người) trong Bài đọc trích sách Sáng thế. Ông Áp-ra-ham quả thật là một người “quấy rầy” và “làm phiền”. Thời đó, tội lỗi ngập tràn nơi hai thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra. Thiên Chúa nổi giận muốn trừng phạt và thiêu hủy hoàn toàn. Áp-ra-ham đã dám đưa ra những lời khuyên với Thiên Chúa, như lời khuyên của hai người bạn: “Chúa đừng làm thế! Làm thế không được đâu!”. Tác giả trình bày câu chuyện giữa Áp-ra-ham với Thiên Chúa giống như hai người đang mặc cả mua bán ở chợ. Từ con số 50 người công chính như một điều kiện để Chúa bỏ ý định trừng phạt, ông Áp-ra-ham đã “cò kè” hạ xuống chỉ còn 10 người. Và, Thiên Chúa đã lùi từng bước trước lời cầu xin của ông. Tác giả sách Sáng thế đau buồn kể tiếp với chúng ta: Cuối cùng, hai thành phố ấy đã bị lửa thiêu đốt, vì không tìm được 10 người công chính để Thiên Chúa vì họ mà thay đổi ý định trừng phạt.

Câu chuyện trên vừa cho thấy sự công bằng ngay thẳng của Thiên Chúa, vừa diễn tả lòng từ bi nhân hậu của Ngài. Ngài là Đấng “nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời. Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã vọng tiếng hò reo” (Tv 30,6). Lịch sử Cứu độ là một chuỗi liên tục đan xen những yếu đuối của con người với lòng từ bi của Thiên Chúa. Mỗi khi dân phạm tội, họ lại sám hối ăn năn và Thiên Chúa lại ra tay cứu giúp.

Hình ảnh ông Áp-ra-ham trong Cựu ước cũng như người bạn xin bánh trong Tin Mừng đều tượng trưng cho những người cầu nguyện. Cầu nguyện làm nên hơi thở của đời sống Ki-tô hữu. Cầu nguyện cũng diễn tả vẻ đẹp của người có đức tin, đồng thời mang lại cho họ sự bình an nội tâm. Nhưng, cầu nguyện như thế nào? Chúa Giê-su dạy chúng ta: khi cầu nguyện, cần phải biết thưa với Chúa những gì cần thiết. Lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa là kinh “Lạy Cha” mà Chúa Giê-su dạy chúng ta. Hai tác giả là Mát-thêu và Lu-ca đều ghi lại lời cầu nguyện này, với một số điểm dị biệt. Kinh Lạy Cha có tất cả bảy ý nguyện, trong đó ba ý là cầu cho vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện và vương quốc an bình của Ngài được lan rộng nơi trần gian. Bốn ý nguyện tiếp theo là những nhu cầu cần thiết của con người.

“Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho”. Chúa Giê-su hứa với chúng ta như vậy. Hình ảnh người cha trong dụ ngôn giúp chúng ta có tâm tình phó thác cậy trông, khi chúng ta ngỏ lời với Cha chúng ta ở trên trời. Nếu chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha, là nhờ Đức Giê-su, với Đức Giê-su và trong Đức Giê-su. Thánh Phao-lô nói với chúng ta: Trong Đức Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa đã tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta. Đức Giê-su đã giải phóng chúng ta khỏi mọi chướng ngại, nhờ đó chúng ta có thể đến gần Thiên Chúa.

“Lạy Cha chúng con ở trên trời!”. Chúng ta hãy thân thưa với Chúa Cha trong tình con thảo, với lòng tín thác và cậy trông, với hy vọng Chúa sẽ nhận lời cầu nguyện của chúng ta.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

print