Giới Thiệu Quốc Gia & Giáo Hội Công Giáo Marốc Nơi Đức Thánh Cha Phanxicô Sẽ Viếng Thăm Từ 30 – 31/3/2019

Giới thiệu quốc gia Marốc 

Đặng Tự Do

Marốc, tên tiếng Anh là Morocco /məˈrɒkoʊ/, theo nguyên ngữ, Marốc có nghĩa là “nơi mặt trời lặn”. Tên chính thức của quốc gia này là Vương quốc Marốc.

Người Việt Nam thường dùng cụm từ “Tết Marốc” để chỉ một điều không bao giờ xảy ra. Thật ra, người Marốc một năm ăn Tết đến 3 lần: vào ngày đầu Năm Dương Lịch, vào ngày Higgrea là ngày đầu Năm theo lịch Hồi Giáo, và ngày Tết của dân tộc Amazigh, một sắc dân Ả rập. Người Marốc dù không phải là người Amazigh cũng ăn Tết này.

Marốc là một quốc gia miền Tây Bắc Phi, có biên giới với Algérie về phía đông, đối diện về phía Bắc với Tây Ban Nha qua eo biển Gibraltar. Từ bên này bờ biển Marốc sang bờ biển bên kia của Tây Ban Nha chỉ có 13 km. Tây Ban Nha còn có ba thành phố Ceuta, Melilla và Peñón de Vélez de la Gomera nằm ngay bên bờ phía Nam, là những mảnh đất tranh chấp với Marốc. 

Diện tích lãnh thổ là 710,850 km2. Thủ đô là Rabat và thành phố lớn là Casablanca.

Theo thống kê vào tháng Bẩy 2018, Marốc có 34.3 triệu dân, 99% là người Ả Rập và người Berber hoặc người lai hai dân tộc này. 99% theo Hồi Giáo Sunni. Tiếng Ả Rập và Berber là ngôn ngữ chính thức. Tiếng Pháp cũng được nói ở các thành phố.

Từ khi lập quốc vào năm 788 sau Chúa Giáng Sinh, quốc gia này được cai trị liên tiếp bằng các triều đại, đỉnh cao là vương triều Almoravid và Almohad.

Trong vòng 44 năm, từ năm 1912 đến năm 1956, Marốc là xứ bảo hộ của Pháp và Tây Ban Nha. Tháng Ba năm 1956, người Pháp trao trả độc lập cho Marốc. Một tháng sau, Tây Ban Nha cũng theo gót người Pháp ra đi nhưng vẫn giữ lại ba thành phố Ceuta, Melilla và Peñón de Vélez de la Gomera cho đến nay. Một thành phố thứ tư Tây Ban Nha giữ lại sau khi trao trả độc lập cho người Marốc là thành phố Ifni biệt lập ở miền Nam Marốc đã được trả lại vào năm 1969.

Năm 1957, Vua Mohammed V là ông nội của nhà vua hiện nay lên ngôi. Sau khi nhà vua qua đời, Vua Hassan II là con cả của nhà vua lên nối ngôi vào năm 1961. Ông được mô tả là một trong các vị vua tàn ác của Marốc. Năm 1963, Marốc tổ chức tổng tuyển cử lần đầu tiên, nhưng vua Hassan II ban hành tình trạng khẩn cấp và giải tán Quốc Hội mới được bầu lên khiến lòng người uất hận. Năm 1971 đã xảy ra âm mưu lật đổ nhà vua. Phản ứng lại, ông bắt giữ hơn 10,000 người trong đó ít nhất 592 người bị giết.

Năm 1999, vua Hassan II qua đời và con ông lên thay là quốc vương Mohammed VI hiện nay. 

Nền kinh tế Marốc chủ yếu dựa vào nông nghiệp nhưng hai ngành du lịch và công nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng. 

Marốc là một nước quân chủ lập hiến, nhà vua là nguyên thủ quốc gia, thủ tướng là người đứng đầu chính phủ. Quốc vương Marốc nắm giữ quyền lực bao la cả hành pháp lẫn lập pháp, đặc biệt là về quân sự, chính sách đối ngoại và các vấn đề tôn giáo. Quyền hành pháp được thực thi bởi chính phủ, trong khi quyền lập pháp được trao cho cả chính phủ và lưỡng viện Quốc Hội. Nhà vua có thể ban hành các sắc lệnh gọi là dahirs, có hiệu lực pháp lý. Ông cũng có thể giải tán Quốc Hội sau khi tham khảo ý kiến của Thủ tướng và chủ tịch của tòa án hiến pháp.
Source:Wiki Morocco

 ***

Giới thiệu Giáo Hội Công Giáo tại Marốc

Đặng Tự Do

Theo thống kê vào tháng Bẩy 2018, Marốc có 34.3 triệu dân, trong đó 99% theo Hồi Giáo Sunni. Giáo Hội Công Giáo tại đây chỉ có khoảng 23,000 tín hữu sinh hoạt trong hai tổng giáo phận là tổng giáo phận thủ đô Rabat và tổng giáo phận Tanger.

Tổng giáo phận thủ đô Rabat được Đức Thánh Cha Piô thứ XII hình thành vào ngày 14 tháng Chín năm 1955 từ Miền Giám Quản Tông Tòa Rabatensis được Đức Thánh Cha Piô thứ XI thành lập vào ngày 2 tháng Bẩy 1923.

Theo thống kê 2017, trong tổng số 29,900,000 dân của thủ đô Rabat, chỉ có 20,000 người Công Giáo sinh hoạt trong 28 giáo xứ, dưới sự coi sóc của Đức Tổng Giám Mục Cristóbal López Romero, dòng Salêsiêng. Tổng giáo phận có 33 linh mục trong đó có 14 linh mục triều và 19 linh mục dòng. Bên cạnh đó còn có 22 nam tu sĩ không có chức linh mục và 101 nữ tu.

Ngày 28 tháng Mười Một, năm 1630, Đức Giáo Hoàng Urbanô VIII thành lập Miền Phủ Doãn Tông Tòa Marruecos. Đến ngày, 14 tháng Tư, 1908, Đức Thánh Cha Piô thứ X nâng miền này lên hàng Giám Quản Tông Tòa. Ngày 14 tháng Mười Một, năm 1956, Miền Giám Quản Tông Tòa Marruecos được Đức Thánh Cha Piô thứ XII nâng lên hàng Tổng giáo phận và được đổi tên là tổng giáo phận Tanger.

Trong tổng số 4,325,500 dân trong vùng, người Công Giáo chỉ có khoảng 3,000 người sinh hoạt trong 7 giáo xứ, dưới sự coi sóc của Đức Tổng Giám Mục Santiago Agrelo Martínez, dòng Phanxicô.

Tổng giáo phận có 15 linh mục, tất cả đều là linh mục dòng. Bên cạnh đó còn có 21 nam tu sĩ không có chức linh mục và 77 nữ tu.

Hầu hết người Công Giáo ở quốc gia này là người nước ngoài đến từ Âu châu, phần lớn là người Pháp và người Tây Ban Nha đã có mặt từ thời thuộc địa. 

Nhóm thứ hai gồm những người nhập cư vùng Sahara, chủ yếu là sinh viên. Ngoài tiếng Ả Rập, tất cả người Âu châu có thể nói tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp. Do đó, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha là hai ngôn ngữ chính trong các thánh lễ tại Marốc. Người Công Giáo Ả Rập cũng dùng tiếng Berber và tiếng Moor trong các thánh lễ và trong việc dạy giáo lý. 

Có rất ít người cải đạo từ Hồi giáo sang Công Giáo, là tôn giáo thống trị tại Marốc. 

Trong thời thuộc địa có một số người Hồi giáo cải đạo sang Công Giáo chủ yếu là qua hôn nhân. Ngày nay, dưới các luật lệ khắt khe việc cải đạo sang Công Giáo hầu như không tồn tại. 
Source:Catholic Herald Catholic Church in Morocco

 

print