Lên Đồi Với Chúa: Nicôđêmô – Người Đi Tìm Chân  Lý

print

Nicôđêmô – Người Đi Tìm Chân  Lý

Phaolô Phạm Khánh Linh, S.J.

dongten.net

Đồi Canvê khi hoàng hôn buông xuống, buồn rười rượi. Buồn không chỉ bởi cảnh sắc đất trời, nhưng còn vì cuộc đời. Đời đã cho Gioan một người Thầy tuyệt vời, nay đời lại lấy đi cách nghiệt ngã. Xác Thầy còn chết treo nhục nhã trên thập giá, nhưng máu tình thương và nước ân sủng của Thầy đã chảy cạn cả rồi. Thầy đã chết thật rồi ư! Gạt nước mắt, Gioan trở về với thực tại. Trời đã sập tối, Thầy còn ở trên kia. Chẳng còn ai, chỉ còn mình ông với mấy người phụ nữ ỉ ôi than khóc và cảnh đồi hoang vắng đã tắt nắng. Phải làm gì đây? Gioan nhìn lên rồi lại nhìn xuống, bối rối và bế tắc: an táng thì không làm nổi, để vậy cũng chẳng xong. Bỗng đâu có hai người đang  tiến lên đồi, Gioan nhận ra ngay, một trong hai người chính là Nicôđêmô – người khao khát đi tìm Chân lý.

Thật tình mà nói, chính nhờ hai vị khách đặc biệt này mà việc an táng Thầy Giêsu mới thật chu đáo và mau chóng. Nếu không, chẳng biết kiếm đâu ra thuốc thơm  và một ngôi mộ tươm tất để Thầy an nghỉ. Khi cửa mộ   đã được lấp lại, Gioan nhìn sang Nicôđêmô và tự hỏi, điều gì đã đưa một người Pharisêu có thế giá này dám bỏ tất cả danh dự, để đứng về phía một người tử tội nhục nhã và ê chề như Thầy  Giêsu?

Gioan chợt nhớ cái lần đầu tiên gặp Nicôđêmô, đó là một đêm tối trời. Khi mà Thầy trò đang ngủ say sau một ngày dài rao giảng thì ông âm thầm đến tìm Thầy. Không phải giữa thanh thiên bạch nhật nhưng là lúc đêm hôm khuya khoắt. Trong ánh lửa bập bùng, Gioan thấy được một khuôn mặt có đôi chút sợ sệt nhưng cũng đầy khao khát, một khao khát đi tìm chân lý. Thế nhưng, chân lý mà ông đi tìm dường như mới dừng lại nơi lời rao giảng và phép lạ của một Ngôn Sứ – người nói Lời, chứ chưa phải chính Ngôi Lời đã làm người. Thế nên Chúa Giêsu đã mời ông khởi đầu một tìm kiếm mới, không phải những điềm thiêng dấu lạ bên ngoài, nhưng là một sự tái sinh  từ bên trong, sự tái sinh của Thần  khí.

Lần thứ hai là khi dân chúng bắt đầu xôn xao về gốc tích của Thầy Giêsu và kéo nhau theo Ngài. Để ngăn hỗn loạn, nhóm thủ lãnh và Pharisêu muốn bắt giam để tra hỏi và dằn mặt Thầy. Lúc đó Nicôđêmô xuất hiện. Lần  này ông mạnh dạn lên tiếng giữa ban ngày chứ không phải lúc canh khuya. Lần này là giữa bầu khí căng thẳng và thù địch chứ không còn riêng tư và an toàn như lần trước: “Lề Luật của chúng ta đã cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không”. Tiếc thay, lý trí vùng lên nhưng cũng bị dập tắt bởi lý trí, Lề Luật có lên tiếng rồi cũng bị chính Lề Luật và  truyền thống bóp nghẹt. Thế nên, Nicôđêmô có lẽ đã uất ức đến nghẹn lòng sau lời phản bác của những Pharisêu khác. Một sự bế tắc và giới hạn của lý trí con người!

Nhưng điều gì đã đưa Nicôđêmô đến đồi Canvê  này?

Câu hỏi đó vẫn luẩn quẩn trong lòng  Gioan.

***

Gia Đình Nicôđêmô, Trưa Thứ Sáu Tuần  Thánh

Nicôđêmô vẫn nặng lòng trước cuộc xét xử Thầy Giêsu và lời của Thầy, “phải được sinh lại”. Ông chẳng biết phải làm gì trước tình huống cam go này: nếu bênh vực Thầy, ông không thể tự lý giải “là Đấng Cứu Độ thì  tại sao lại không tự cứu được mình kia chứ” và ông cũng chẳng đủ dũng cảm để đánh đổi tất cả địa vị và danh dự mình đang có; nhưng nếu lờ đi, lương tâm của ông cứ dằn vặt và thao thức “tôi lại bỏ mặc Chúa tôi hay sao?”. Bế tắc, do dự nên thôi thì ở lại với nơi mà mình thấy vui và bình an nhất, đó là gia đình, nơi có vợ đang mang thai và thằng con yêu quý. Nghĩ thế, Nicôđêmô ngồi im lặng để tận hưởng hạnh phúc đơn sơ của mình.

Thằng bé thích thú áp tai nghe em bé cựa quậy trong bụng mẹ. Nghe chán, nó ngước nhìn mẹ rồi hỏi:

-Mẹ ơi, em bé to quá, làm sao mẹ sinh em bé ra được?

 Mẹ hơi bối rối với câu hỏi bất ngờ của con, nhưng rồi lại vui vẻ xoa đầu nó và  đáp:

-Không sao đâu con, mẹ sinh em bé bằng tình yêu mà.

-Nhưng tình yêu là gì vậy mẹ, nó có to bằng em bé không?

-À, tình yêu thì chẳng có hình dạng nên con không thể cầm nắm nó được. Nhưng con có thể cảm nhận được nó bằng trái tim mình. Con sẽ nhận ra tình yêu khi người yêu con muốn làm tất cả để con được sống, kể cả hy sinh cả mạng sống của  họ.

Nghe đến đây, Nicôđêmô bỗng bừng tỉnh, dường như mọi vướng mắc trong lòng ông được tháo cởi. Tất cả là Tình yêu, Tình yêu sẽ giải đáp tất cả, Tình yêu làm một trong Chân lý. Với Tình yêu, con người mới hiểu tại sao Thiên Chúa lại cho mưa tắm mát và nắng sưởi ấm cả người tốt lẫn kẻ xấu. Với Tình yêu, mầu nhiệm khổ giá trở nên tất yếu để sự sống mới được nở hoa. Với Tình yêu, thấy người mình yêu được cứu độ được hạnh  phúc là trọn vẹn, không còn ước muốn gì hơn nữa. Thế nhưng, nếu món quà chỉ trở nên giá trị khi có người tặng và người nhận, thì Tình yêu sẽ chỉ có sức mạnh tái sinh khi con người nhận ra và dám nên một với Tình  yêu.

Thế là, không đợi lâu hơn, Nicôđêmô đứng lên và ra đi.

 ***

Giờ đây, khi cả hai cùng đứng trước mộ của Thầy,

 Gioan bắt đầu cảm thấy được vị ngọt trong những giọt nước mắt. Từ hạt lúa bị mục nát và chết đi trong đất, đã có những bông hạt đầu mùa báo hiệu một cánh đồng bát ngát tốt tươi đang reo vui trong ánh nắng Phục Sinh. Cánh đồng đó đang gọi mời những người môn đệ dám để cho mình được tái sinh, và giúp người khác cũng được tái sinh trong Thần  Khí.

(Bài viết được phóng tác theo ba đoạn Tin Mừng Ga 3,  1-27; Ga 7,  40-52; và Ga 19,   38-42)