Giáo Lý Dự Tòng – Gp Vĩnh Long- Phần III: Đời Sống Đức Tin 

print

WCT: Năm nay GPCT thường huấn LM theo chủ đề Huấn Giáo. Vì thế chúng tôi xin giới thiệu cuốn Giáo Lý Dự tòng của GPVL để Các Đấng tham khảo.

 Giáo Lý Dự Tòng – Gp Vĩnh Long- Phần III: Đời Sống Đức Tin 

Nguồn: giaophanvinhlong.net

 

PHẦN III: ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN 

Bài 25: SỐNG THEO THÁNH Ý CHÚA.

Bài 26: ĐIỀU RĂN I

Bài 27.ĐIỀU RĂN II

Bài 28: ĐIỀU RĂN THỨ III

Bài 29.ĐIỀU RĂN THỨ IV.

Bài 30: ĐIỀU RĂN THỨ V.

Bài 31: ĐIỀU RĂN THỨ VI VÀ IX.

Bài 32: ĐIỀU RĂN THỨ VII VÀ X.

Bài 33: ĐIỀU RĂN THỨ VIII

Bài 34: SÁU ĐIỀU RĂN HỘI THÁNH.

TÓM LƯỢC GIÁO LÝ CÔNG GIÁO.

CÁC KINH QUEN THUỘC.

CÁC KINH ĐỌC NGÀY CHÚA NHẬT.

SÁU ĐIỀU CẦU KÍP  HẾT MỌI NGƯỜI PHẢI TIN CHO ĐẶNG RỖI LINH HỒN.

BẢN GỢI Ý XÉT MÌNH XƯNG TỘI

BẢN XÉT MÌNH DỰA VÀO 10 ĐIỀU RĂN ĐỨC CHÚA TRỜI

ĐẠO HIẾU TRONG ĐẠO ÔNG BÀ và ĐẠO CÔNG GIÁO.

Bài 25: SỐNG THEO THÁNH Ý CHÚA

  1. GHI NHỚ.

H. Làm thế nào ta biết được ý Chúa ?

T. Ta biết được ý Chúa qua tiếng lương tâm, qua các lề luật, nhất là sống theo tinh thần Phúc âm.

2. THÁNH KINH.

“Ai yêu mến Ta, thì giữ lời Ta, Ta sẽ yêu mến người ấy, và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy”.

  1. GIẢI THÍCH.

Khi yêu mến ai, ta muốn sống chiều theo ý muốn người đó. Khi ta muốn yêu mến Chúa, ta cần biết được ý Chúa để Sống theo ý Chúa. Thực hiện ý Chúa, tuân giữ điều răn Chúa, tức là GIỮ ĐẠO. Ý Chúa thể hiện qua:

  1. Lương tâm : là luật mà Chúa đã ghi sẵn nơi tâm hồn mỗi người, để soi dẫn ta, dạy ta làm lành lánh dữ.

Ai trong chúng ta cũng cảm thấy khi ta làm điều lành, tâm hồn ta vui mừng, khi làm điều ác, sẽ thấy tâm hồn áy náy, lo âu… đó là do tiếng lương tâm ngay chính, Chúa ghi khắc trong tâm hồn mỗi người. Để được lương tâm ngay chính, ta cần cầu nguyện, siêng học Lời Chúa , lãnh các Bí tích và xa các dịp tội.

  1. Các Điều Răn : Đó là ý Chúa muốn dạy ta tuân giữ lề luật để sống đẹp lòng Chúa và tạo hạnh phúc với nhau.

Mười điều răn Đức Chúa Trời : là các điều luật Chúa ban cho Dân Do Thái, qua ông Môsen, trên núi Sinai, gồm tóm trong 2 điều : Kính Chúa và yêu người. Chúa Giêsu tiếp tục và kiện toàn các điều răn.

Sáu điều răn Hội Thánh : là những điều luật Hội Thánh lập ra để dạy ta áp dụng cụ thể việc yêu mến Chúa.

  1. Tinh thần Phúc âm : là 8 mối phúc thật, đó là bài giảng trên Núi của Chúa Giêsu, dạy ta ăn ở nhân hiền với nhau, hầu đạt hạnh phúc Nước Trời.
  2. TỘI : là không sống theo Ý Chúa, là sự lỗi điều răn Chúa, làm điều xúc phạm đến Chúa, gây tổn thương cho bản thân hay cho tha nhân.

Phạm tội trong tư tuởng, lời nói, việc làm hay bỏ những bổn phận phải làm. Có 2 thứ tội : Tội trọng và tội nhẹ.

Tội trọng : là cố tình phạm, phạm điều luật nặng, mà ta đã hiểu biết. Tội nhẹ : là thiếu 1 trong 3 điều kiện trên.

Tội trọng rất tai hại, vì làm ta mất sự sống siêu nhiên, dứt tình nghĩa với Chúa, nếu không kịp ăn năn hối cải, sẽ bị xa cách Chúa đời đời.

Muốn được tha tội : ta phải ăn năn, sám hối và lãnh bí tích Giải tội. Các tội ta thường phạm thường do 7 nết xấu, quen gọi là 7 Mối Tội đầu.

  1. THỰC HÀNH.

Quyết tâm từ bỏ các nết xấu và sống theo lương tâm ngay chính. Học thuộc 10 điều răn Đức Chúa Trời, 6 Điều răn Hội Thánh và 7 mối Tội đầu. (Xem Phần Kinh nguyện)

  1. CẦU NGUYỆN.

Lạy chúa, xin thương xót con là kẻ có tội, xin cho con quyết tâm từ nay biết từ bỏ tội lỗi và sống theo thánh ý Chúa. Amen.

Bài 26: ĐIỀU RĂN I: THỜ PHƯỢNG VÀ KÍNH MẾN CHÚA

  1. GHI NHỚ.
  2. Điều răn thứ nhất dạy ta những gì ? T. Điều răn thứ nhất dạy ta thờ phượng và kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự.
  3. THÁNH KINH.

  “Có một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giêsu để thử Ngài rằng :”Thưa Thày, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào lớn nhất ?” Đức Giêsu đáp : ” Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn trọng nhất …” (Mt 22, 35-38).

  1. GIẢI THÍCH.

 Điều răn thứ nhất : Dạy ta phải thờ phượng Chúa. Lý do ta phải thờ phượng Chúa vì Ngài là Tạo Hóa sinh dựng nên ta, đồng thời là Chúa Tể trời đất muôn vật. Là thụ tạo, ta không thể không nhớ tới Đấng sinh thành. Sự “nhớ tới” này được biểu hiện qua lòng việc thờ phượng. Và chỉ tôn thờ một mình Chúa mà thôi (Mt 4,10). Việc thờ phượng Thiên Chúa trước hết ở trong tâm hồn là tin tưởng, kính mến, nhận Ngài là Chúa tể, coi Ngài là tối thượng, không gì và không ai sánh bằng. Ngoài ra, con người chúng ta còn có thân xác cụ thể, nên việc thờ phượng Ngài cũng cần những nghi thức bên ngoài do Hội thánh qui định như đọc kinh, cầu nguyện, dự thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích, giữ các Điều răn v.v. Việc thờ phượng chính thức của Hội Thánh là Phụng Vụ. Đối với Đức Mẹ và các Thánh là những đấng đã sống cuộc đời hoàn hảo, có nhiều nhân đức đáng nêu gương. Các Ngài được Chúa thưởng công trong vinh quang Thiên Quốc. Hội Thánh thay mặt Chúa, tuyên dương các Ngài lên bậc hiển thánh, để chúng ta tôn kính và noi gương, đồng thời xin các Ngài bầu cử cho chúng ta trước mặt Chúa. Chúng ta cần nhớ : Đối với Chúa thì phải suy tôn thờ phượng, còn Đức Mẹ, các Thánh thì chúng ta chỉ sùng mộ tôn kính mà thôi. Các Tội nghịch điều răn thứ nhất : Thờ các loài thụ tạo, mê tín dị đoan, phạm thánh và chối đạo.

  1. THỰC HÀNH.

 Quyết tâm tôn thờ yêu mến một Chúa cho đến trọn đời.

  1. CẦU NGUYỆN.

Lạy Chúa, con chúc tụng Chúa là Chúa Tể càn khôn, Chúa đã sinh dựng và gìn giữ dưỡng nuôi con. Xin dạy con biết hết lòng thờ phượng kính mến Chúa, để đáp lại phần nào tình Chúa thương con. Amen.

Bài 27: ĐIỀU RĂN II – TÔN KÍNH TÊN CHÚA 

  1. GHI NHỚ.

H. Điều răn thứ hai dạy ta những gì ?

T. Điều răn thứ hai dạy ta phải tôn kính Danh thánh Chúa, và giữ những điều nhân danh Ngài mà thề hứa.

2. THÁNH KINH.

 “Ngươi không được kêu tên Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, mà làm điều bất xứng, vì Thiên Chúa không dung tha những kẻ kêu tên Ngài mà làm điều bất xứng”. ( Xh 20,7)

  1. GIẢI THÍCH.

– Khi trả lời cho Môsê hỏi Thiên Chúa là ai, Chúa nói : “Ta là Đấng hằng có” (Xh 3,14), nghĩa là Ngài có từ muôn thuở, tự mình hiện hữu chớ không ai dựng nên Ngài, không có tên tuổi gì. Tuy nhiên, để xưng tụng Ngài, người Do thái đã gọi Ngài bằng một tên thật đẹp là “Thiên Chúa Gia-vê”, còn mọi dân mọi nước trên khắp thế giới, có nơi gọi Ngài là Tạo Hóa, là Thượng Đế, nơi khác lại gọi là Đấng Tối Cao, là Thiên Chúa, cũng có nơi như Việt Nam ta chẳng hạn, ngoài những Tên trên, còn gọi Ngài là Ông Trời hay Ông Thiên. – Dù dùng tên gì để chỉ về Chúa, ta phải xưng tụng một cách cung kính. Kêu Tên Chúa cách ngạo mạn hay buồn phiền trách móc lòng nhân lành Chúa hoặc nói phạm đến các Thánh … đều là xúc phạm đến Chúa. Điều răn thứ hai còn cấm ta không được dùng Tên Chúa mà thề vặt hay thề dối. Về vấn đề thề thốt, chính Đức Giêsu đã dạy :”Đừng thề thốt chi cả, đừng lấy trời mà thề vì trời là ngai Thiên Chúa. Đừng lấy đất mà thề vì đất là bệ chân Ngài. Lời của các ngươi phải có thì nói có, không thì nói không ! Kỳ dư là tự ác tà mà ra cả” (Mt 5,34-37). Do đó không bao giờ ta được thề gian dối. Chỉ khi nào cần thiết và điều thề là chân thật và quan trọng, thì lúc đó mới nên thề. Ngoài ra, điều răn thứ hai này dạy ta phải trung thành với lời đã khấn hứa. Đã hứa với Chúa điều gì thì phải thực hiện cho trọn. Vô cớ mà bỏ thì phạm tội bội hứa với Chúa.

  1. THỰC HÀNH.

Luôn tôn kính thánh danh Chúa. Không bao giờ thề gian thề dối.

  1. CẦU NGUYỆN.

Lạy Chúa, xin cho con luôn biết sùng mộ và tôn kính thánh Danh Chúa. Đồng thời cho con được trung thành theo Chúa đến cùng. Amen.

Bài 28: ĐIỀU RĂN THỨ III  – THÁNH HÓA NGÀY CHÚA NHẬT 

  1. GHI NHỚ .

H. Điều răn thứ ba dạy ta những gì ?

T. Điều răn thứ ba dạy ta thánh hóa ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc.

2. THÁNH KINH.

“Ngươi hãy nhớ ngày Sa-bat, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó ngươi không được làm công việc nào…” (Xh 20,8-10) .

  1. GIẢI THÍCH.

 Trong Cựu Ước, Thiên Chúa buộc người Do Thái phải tuân giữ ngày thứ bảy (sa-bát ). Trong ngày đó, mọi người Do Thái, kể cả súc vật, phải tuyệt đối nghỉ ngơi. Việc duy nhất được làm và phải làm là thớ phượng Chúa. Sau thời Tân Ước, Hội thánh chọn ngày Chúa nhật để thờ phượng Thiên Chúa thay vì ngày thứ bảy. Lý do rất dễ hiểu là vì Đức Giêsu, Đấng sáng lập đạo ta, đã sống lại vinh quang vào Ngày Chúa nhật. Để giữ ngày Chúa nhật, Hội thánh đã qui định hai việc phải làm : một là dự thánh lễ, hai là kiêng việc xác. Về việc dự lễ, bất cứ tín hữu nào từ có tuổi khôn trở lên đều phải đến nhà thờ dự lễ. Nếu vô cớ mà bỏ thì khó tránh khỏi tội nặng, vì phạm điều luật quan trọng. Tuy nhiên, có khi không đi lễ mà không mắc tội, như già yếu, bệnh tật, coi bệnh nhân, nuôi con thơ, giữ nhà, công tác chung, ở xa nhà thờ v.v.. Trong những trường hợp này nếu ai có khả năng (có sức, có giờ) thì phải đọc kinh bù lại, như lần chuỗi 5 chục hay đọc và suy niệm lời Chúa. Nghỉ việc xác thì sao ? Hội thánh muốn ta nghỉ lao động để có thời giờ thờ phượng Chúa và thăm viếng nhau hay làm công tác tông đồ … Hơn nữa thân xác ta ngày tận thế sẽ được sống lại vinh quang, nên ta cần phải tôn trọng nó, đồng thời cũng phải bảo vệ sức khỏe cho nó, vì ta là người chứ không phải cổ máy. Tuy nhiên, những ai nghèo túng cần làm việc để có của sinh sống, thì Hội thánh cho phép làm, miễn là trình báo cha giải tội để được chấp thuận (mỗi năm xin một lần). Cần nhớ rằng : được làm việc xác nhưng vẫn buộc phải đi dự lễ.

  1. THỰC HÀNH.

Siêng năng đi lễ ngày Chúa nhật.

  1. CẦU NGUYỆN.

Lạy Chúa, xin cho con biết quí trọng ngày Chúa nhật, vì là ngày của Chúa, để con siêng năng tham dự thánh lễ và thăm viếng bạn bè, nhất là những người già cả, neo đơn, bệnh tật, hầu tỏ tình liên đới anh em. Amen.

Bài 29.ĐIỀU RĂN THỨ IV – THẢO KÍNH CHA MẸ 

  1. GHI NHỚ.

H. Điều răn thứ bốn dạy ta những gì ?

T. Điều răn thứ bốn dạy ta thảo kính cha mẹ, và chu toàn bổn phận đối với gia đình, xã hội và Hội Thánh.

2. KINH THÁNH.

 “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi, ban cho ngươi”(Đnl 5,16).

  1. GIẢI THÍCH.

  Công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ đối với con cái thật to lớn như trời biển. Nhưng vì ích kỷ, nhiều khi con cái quên đi bổn phận phải đáp đền bằng tình hiếu thảo, vì thế mà Chúa đã ra lề luật để loài người nhớ mà thi hành.

Chúng ta phải báo hiếu cha mẹ thế nào ? Phải báo hiếu các ngài khi còn sống cũng như lúc đã qua đời. Khi các ngài dạy bảo những điều hay lẽ phải, con cái phải vâng nghe, phải ăn ở ngoan ngoãn nết na để các ngài vui lòng. Trong gia đình, lớn việc lớn, nhỏ việc nhỏ, phải siêng năng làm việc giúp đỡ cha mẹ. Khi có công ăn việc làm, hãy đem lương bổng về phụ giúp gia đình. Đến khi cha mẹ lớn tuổi, không còn khả năng lao động tự túc, con cái phải dưỡng nuôi chăm sóc tận tình. Trường hợp cha mẹ đau yếu, con cái phải lo thuốc thang, cơm cháo phần xác và các Bí tích phần hồn. Nếu cha mẹ qua đời thì phải lo chôn cất theo truyền thống đạo đời, đồng thời xin bà con đọc kinh, dự lễ cầu nguyện cho linh hồn các ngài mau được hưởng vinh quang Nước Chúa. Và suốt đời, ngoài các ngày kỵ giỗ phải giữ trọn, con cái còn phải tiếp tục làm nhiều việc thiện để cầu cho linh hồn ông bà cha mẹ.

Ngoài ông bà cha mẹ phải thảo hiếu, chúng ta còn phải tôn kính, vâng lời các bậc trưởng thượng, bề trên như : chú bác, cô dì, cậu mợ, các thầy cô giáo hay những người lớn tuổi đáng bậc cha anh. Nhất là các Đấng bậc trong Hội thánh như Giám mục, linh mục, tu sĩ … và các vị lãnh đạo chánh quyền nhà nước. Điều răn này cũng dạy bậc làm cha mẹ cũng phải chu toàn bổn phận đối với con cái, qua việc sinh sản, nuôi dưỡng và giáo dục con cái theo lề luật Chúa, nhất là làm gương sáng cho con cái noi theo.

  1. THỰC HÀNH.

Luôn thảo hiếu, vâng lời ông bà cha mẹ và các bậc bề trên.

  1. CẦU NGUYỆN.

Lạy Chúa, xin giúp con biết hết lòng thảo hiếu với ông bà, cha mẹ khi các ngài còn sống cũng như lúc đã qua đời, để con được nên giống Chúa Giêsu nơi thánh Gia thất xưa. Amen.

Bài 30: ĐIỀU RĂN THỨ V –  CHỚ GIẾT NGƯỜI 

  1. GHI NHỚ.

H. Điều răn thứ năm dạy ta những gì ?

T. Điều răn thứ năm dạy ta tôn trọng, bảo vệ thân xác và mạng sống của mình và của người khác.

2. THÁNH KINH.

 “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng : Chớ giết người. Ai giết người thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thày, Thày bảo cho anh em biết : ai giận anh em mình, thì phải bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì phải bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì phải bị lửa hỏa ngục thiêu đốt ” (Mt 5,21-22).

  1. GIẢI THÍCH.

– Tại sao ta phải tôn trọng và giữ gìn mạng sống ? Vì mạng sống con người là quà tặng Chúa ban, được Chúa yêu thương và cứu chuộc. Chỉ một mình Chúa là chủ sự sống. Cấm Giết người : Giết người là vô cớ làm cho người ta phải chết như cầm súng bắn, lấy dao đâm, thuốc độc hay bằng những hành động gây thiệt hại c ho thân thể người khác như đánh đập, gây thương tích v.v…Người đây, dĩ nhiên là người đang sống trong xã hội, nhưng còn người đang sống ở trong bụng mẹ, là thai nhi, chúng ta cũng phải tôn trọng sự sống của nó, tức là không được phá thai bằng bất cứ hình thức nào. Cấm tự tử : đó là giết mình như : nhảy xuống sông, lao đầu vào xe đang chạy, uống thuốc độc, thuốc ngủ v.v… Cấm huỷ hoại thân xác hoặc gây nguy hiểm cho sức khoẻ, do những hành động sa đọa của mình mà thân thể bị hao mòn tàn tạ, dẫn tới cái chết như : xì-ke ma tuý, rượu chè, bài bạc, chặt tay chặt chân… Về mặt tinh thần, điều răn thứ năm còn cấm giận hờn, ghen ghét, chửi rủa, thù oán hay là xúi giục kẻ khác làm hại người ta, hoặc làm gương xấu khiến kẻ khác bắt chước mà phạm tội. Về mặt tích cực, điều răn thứ năm dạy ta phải thương yêu giúp đỡ mọi người, phần xác cũng như phần hồn. Giúp phần xác như cho kẻ đói ăn mặc, thăm viếng ủi an những người bệnh tật, cô đơn, già yếu … Giúp phần hồn như khuyên bảo người ta ăn ngay ở lành, tha thứ cho kẻ làm hại mình, nhịn nhục người khinh dể ta, cầu nguyện cho kẻ đang sống cũng như người đã qua đời.

  1. THỰC HÀNH.

 Không bao giờ chửi bới, đánh đập bất cứ ai.

  1. CẦU NGUYỆN.

Lạy Chúa, xin cho con luôn biết tôn trọng mọi người, vì bất cứ ai cũng đều là hình ảnh của Chúa. Amen.

Bài 31: ĐIỀU RĂN THỨ VI VÀ IX –  KHÔNG LÀM SỰ DÂM DỤC 

  1. GHI NHỚ.

H. Điều răn thứ sáu và thứ chín dạy ta những gì ?

T. Điều răn thứ sáu và thứ chín dạy ta giữ đức Trong sạch trong tư tưởng, lời nói và hành động.

2. THÁNH KINH.

 “Thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác” (1Cr 6,13).

 

  1. GIẢI THÍCH.

 – Giới răn thứ sáu cấm làm mọi hành vi dâm ô bên ngoài như nói lời tục tĩu, xem sách báo, tranh ảnh khiêu dâm, làm điều dâm ô nơi thân xác mình hay nơi thân xác kẻ khác, hưởng thụ bất chính những khoái lạc sinh lý. – Giới răn thứ chín cấm mọi ước muốn những điều dâm ô. Vì Thiên Chúa trong sạch vô cùng, nên chỉ một tư tưởng xấu xa cũng đã làm hoen ố tấm áo rửa tội và xúc phạm đến Chúa. “Ai nhìn người nữ mà ước muốn phạm tội với họ thì cũng đã phạm tội rồi ” (Mt 5,28). – Sự hoan lạc trong việc truyền sinh của vợ chồng là chính đáng và được Chúa chúc phúc. Nhưng ai lạm dụng hoặc không được phép hưởng mà làm thì đều có tội. Những người không là vợ chồng của nhau tất nhiên không được tìm sự hoan lạc này. Những ai đang ở bậc vợ chồng thì không được ao ước hay làm việc dâm ô với vợ chồng người khác hay với người khác phái nào đó. Những tội nghịch phạm đến hôn nhân : ngoại tình, ly dị, đa phu đa thê, loạn luân, đồng tính luyến ái, tự do sống chung như vợ chồng ngoài hôn nhân. Mặt tích cực: Hai điều răn này dạy chúng ta giữ đức Trong sạch. Muốn được thế, ta cần biết:

– Luôn nhớ mình yếu đuối để sáng suốt đề phòng. – Luôn sống tiết độ trong ăn uống … và nết na đức hạnh. – Siêng năng cầu nguyện và lãnh các Bí tích. – Tránh dịp tội cho mình và cho người khác.

  1. THỰC HÀNH.

– Ăn nói nết na đức hạnh. – Không đến chỗ có dịp tội.

  1. CẦU NGUYỆN.

 Lạy Chúa, xin cho con luôn biết giữ gìn thân xác con trong sạch, để xứng đáng là Đền thờ Chúa Thánh Thần ngự. Amen

Bài 32: ĐIỀU RĂN THỨ VII VÀ X – CHỚ LẤY CỦA NGƯỜI 

  1. GHI NHỚ.

H. Điều răn thứ bảy và thứ mười dạy ta những gì ?

T. Điều răn thứ 7 và thứ 10 dạy ta giữ đức Công bình, không được lấy, hay muốn lấy của cải của người khác làm của mình.

2. THÁNH KINH.

“Người không được trộm cắp” Ngươi không được ham muốn nhà cửa của người ta” ( Xh 20, 15, 17 ).

  1. GIẢI THÍCH.

 Chiếm đoạt tiền bạc, của cải của người khác làm của mình là phạm tội lỗi đức Công bình. Đến như loài người có luật pháp trừng trị kẻ trộm cướp, phương chi Thiên Chúa, Đấng công bình vô cùng, làm sao Ngài có thể làm ngơ được. Chính vì thế, Chúa đã ban hai điều luật thứ bảy và thứ mười, dạy loài người giữ đức công bình bằng cách tôn trọng của cải của người khác. Hành vi lỗi đức công bình có nhiều lắm: Trước hết, nó phát xuất từ trong tư tưởng như ước muốn chiếm đoạt, nghĩ ra mưu kế hay xúi giục kẻ khác lấy …dù chưa lấy được cũng đã có tội rồi ! Kế đến là hành động chiếm lấy như : trộm cắp, vay mượn mà không trả, trả công không xứng, cho vay nặng lời …Hay trong lãnh vực công cộng như tham nhũng, móc ngoặc, buôn lậu, trốn thuế v.v… Tội lỗi đức công bình, dù xưng thú, cũng chưa được tha, mà phải đền trả đủ mới hoàn toàn được khỏi. Tốt hơn hết, ta không bao giờ lấy của ai bất cứ cái gì, giá trị hay tầm thường, để cho lương tâm được yên ổn. Mặt tích cực : Hai điều răn này dạy ta tôn trọng quyền tư hữu, tài sản riêng của người khác. Hãy biết sử dụng của cải trong tinh thần liên đới, chia sẻ giúp đở mọi người. Hãy tôn trọng tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn môi sinh, môi trường vì ích lợi của mọi người.

  1. THỰC HÀNH.

Không bao giờ gian tham, trộm cắp, dù là những của rất nhỏ mọn.

  1. CẦU NGUYỆN.

Lạy Chúa, xin cho con đủ nghị lực, để chống trả mọi cám dỗ gian tham trộm cắp. Xin cho con luôn sống công bình với mọi người, về cả tinh thần lẫn vật chất. Amen.

Bài 33: ĐIỀU RĂN THỨ VIII –  CHỚ LÀM CHỨNG DỐI 

  1. GHI NHỚ.

H. Điều răn thứ tám dạy ta những gì ?

T. Điều răn thứ tám dạy ta sống thành thật, tôn trọng sự thật, và danh dự của người khác.

2. THÁNH KINH. “Hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác qui” (Mt 5, 37 )

3. GIẢI THÍCH. Tại sao ta phải sống thành thật ? Vì Thiên Chúa là Đấng chân thật, ta con là con Chúa cũng phải sống như thế. Vì sự thật làm tăng giá trị và uy tín con người. Vì sự thật rất cần cho đời sống chung huynh đệ. Phải tôn trọng Danh dự con người, vì danh dự ví như mạng sống. Mất danh dự có nghĩa là bị người ta khinh chê, coi rẻ, không còn tín nhiệm và không ai dám cộng tác làm ăn nữa. Như thế thì sống cũng như chết rồi còn gì ! Quyền lợi tinh thần và cả vật chất sẽ bị tổn hại to lớn. Bởi đó, loại tội xúc phạm danh dự thường rất nặng. Ngoài việc sám hối xưng tội, còn phải đền trả tiếng tốt. Nếu gây thiệt hại vật chất nữa thì phải bồi thường đầy đủ mới được khỏi tội. Để tôn trọng sự thật, không bao giờ chúng ta được ăn gian nói dối, dù để chữa mình hay bênh vực người khác. Ăn gian nói dối có những hình thức như : nói hành, nói xấu, nói dối, vu khống, cáo gian, làm chứng gian, bội thề, khen khi người khác làm điều xấu hay từ chối làm chứng cho sự thật. Nói hành nói xấu: là tật xấu mà đa số ta thường phạm, khi tỏ ra cho người khác biết những lỗi lầm, tật xấu của người khác (còn kín hay công khai), làm tổn hại uy tín của họ, khi không có lý do chính đáng. Nói dối : là nói sai sự thật với ý định đánh lừa người khác. Tội này nặng nhẹ tuỳ mức độ nói sai sự thật, tùy hoàn cảnh gây ra thiệt hại nhiều hay ít. Ngoài ra, ta cũng không được phép tiết lộ bí mật riêng tư của người khác, trừ khi vì lợi ích chung bắt buộc. Tuy nhiên, cha giải tội thì tuyệt đối giữ kín bí mật của Toà giải tội. Muốn không vi phạm điều răn này, tốt nhất ta luôn ” nghĩ tốt, nói tốt, làm tốt” cho mọi người.

4. THỰC HÀNH. Tập luôn nghĩ tốt, nói tốt và làm tốt cho mọi người.

5. CẦU NGUYỆN. Lạy Chúa, xin giúp con luôn ăn ở ngay thẳng thật thà, luôn nghĩ tốt, nói tốt và làm tốt cho mọi người, như Chúa Giêsu đã dạy và nêu gương. Amen.

Bài 34: SÁU ĐIỀU RĂN HỘI THÁNH

  1. GHI NHỚ.

H. Sáu điều răn Hội thánh dạy ta những gì ?

T. Sáu điều răn Hội thánh dạy ta : – Dự lễ và kiêng việc xác ngày Chúa nhật và lễ buộc, – Xưng tội hằng năm và Rước lễ trong Mùa Phục Sinh, – Ăn chay, kiêng thịt những ngày Hội thánh dạy.

2. KINH THÁNH.

“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ ” dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thày đã truyền cho anh em ” (Mt 28, 19-20).

  1. GIẢI THÍCH.

 Căn cứ vào chức năng giảng dạy mà Chúa Giêsu trao cho, Hội thánh đã ban hành 6 điều luật để giải thích và giúp ta thực thi 10 điều răn của Chúa. Điều răn thứ 1 và 2: dạy thánh hoá ngày Chúa nhật : Điều răn thứ 3 của Chúa chỉ nói trống là “giữ ngày Chúa nhật”. Để người tín hữu biết phải làm gì để giữ trọn luật đó, Hội thánh qui định là phải đi dự lễ và nghỉ việc xác. Các ngày lễ lớn trong năm đều rơi vào Chúa nhật, trừ lễ Giáng sinh (lễ buộc) là mừng đúng ngay ngày 25 tháng 12 mỗi năm, ngày đó có thể rơi vào ngày thường. Việc dự lễ ngày Chúa nhật là bắt buộc. Còn làm việc xác thì Hội thánh thường uyển chuyển, nhất là đối với những người thiếu thốn túng nghèo. Điều răn thứ 3 và 4 : dạy ta Xưng tội trong một năm và rước Mình Thánh Chúa trong Mùa Phục sinh :

Người tín hữu sốt sắng thì siêng năng Xưng tội Rước lễ thường xuyên. Tuy nhiên, để thúc đẩy những người khô khan trễ nải, Hội thánh ra luật truyền họ phải Xưng tội mỗi năm ít là một lần và Rước lễ trong mùa phục sinh. Mùa Phục sinh bắt đầu từ thứ tư lễ Tro cho đến hết lễ Thiên Chúa Ba Ngôi. Ai cố tình bỏ thì phạm luật Hội thánh, mắc tội nặng. Điều răn thứ 5 và 6 : Giữ chay, kiêng thịt : Để noi gương Đức Giê-su ăn chay 40 đêm ngày và để giúp người tín hữu hãm mình đền tội, Hội thánh ra luật Ăn chay (hiện nay chỉ ăn chay mỗi năm hai lần vào thứ tư lễ Tro và thứ Sáu tuần thánh ). Ăn chay theo thể thức đạo Công giáo là: sáng và tối không ăn gì hay chỉ ăn chút ít thôi, trưa thì ăn no. Tuổi Ăn chay là từ 18 đến 60 . Kiêng thịt cũng là cách hãm mình đền tội. Luật chung Hội thánh buộc kiêng thịt các ngày thứ sáu trong tuần. Nếu vì lý do chính đáng như phải tiếp khách, đi ăn giỗ, ăn cưới … thì có thể ăn thịt, nhưng sau đó cần làm việc lành nào khác thay thế, như đọc kinh thêm hay làm phước bố thí.

  1. THỰC HÀNH. Quyết tâm không bao giờ bỏ lễ Chúa nhật.
  2. CẦU NGUYỆN. Lạy Chúa, xin gìn giữ Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám mục và hàng linh mục, cùng toàn thể dân Chúa. Xin Chúa ban cho Hội thánh sự hiệp nhất và bình an. Amen.

TÓM LƯỢC GIÁO LÝ CÔNG GIÁO

TIN – GIỮ – LÃNH – XIN

1. NHỮNG ĐIỀU PHẢI TIN TRONG ĐẠO

 Gồm tóm trong Kinh TIN KÍNH, có 3 điều tin chính yếu 1. Tin Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành trời đất. 2. Tin Chúa Con là Ngôi Hai xuống thế làm người, sinh bởi Mẹ Maria đồng trinh, đã chịu đau khổ, chịu chết trên Thánh giá và sống lại để Cứu chuộc ta. 3. Tin Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hoá, Tin Hội Thánh Công giáo, tin phép tha tội, tin xác sống lại và sự sống vĩnh cữu.

2. NHỮNG ĐIỀU PHẢI GIỮ TRONG ĐẠO

Đó là giữ 10 điều răn ĐCT và 6 điều răn Hội Thánh : Gồm tóm trong 2 điều : KÍNH CHÚA VÀ YÊU NGƯỜI. Yêu thương là giữ trọn luật đạo, vì Chúa là Tình yêu. Muốn được Chúa tha tội, cần phải An năn tội và đi Xưng tội.

3.  NHỮNG VIỆC CẦN LÃNH TRONG ĐẠO 

Cần lãnh nhận Ơn Chúa, qua Phụng vụ và 7 BÍ Tích. Phụng vụ là việc tôn thờ Thiên Chúa và thánh hoá con người, quan trọng nhất là Phụng vụ Thánh Lễ. Bí tích là những phương thế Chúa Giêsu lập để ban ơn thánh. Muốn lãnh Bí tích : cần có lòng tin, có ý ngay lành và dọn hồn dọn xác cho xứng đáng.

4. NHỮNG ĐIỀU CẦN XIN TRONG ĐỜI SỐNG

 Những ý nguyện tín hữu gồm tóm trong KINH LẠY CHA: 3 lời tôn vinh Chúa : – Nguyện Danh Cha – Nước Cha, -Ý Cha. 4 lời xin nhu cầu : Lương thực – Tha nợ – khỏi cám dỗ – khỏi sự dữ. Cần SỐNG ĐỨC TIN, SỐNG CẦU NGUYỆN, SỐNG CHỨNG NHÂN CK.

 

CÁC KINH QUEN THUỘC 

 LÀM DẤU THÁNH GIÁ 

 Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

KINH CHÚA THÁNH THẦN

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng, chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần/ xuống đầy lòng chúng con là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con. Chúng con xin Đức Chúa Trời/ cho Đức Chúa Thánh Thần xuống, sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con. Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần/ xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời/ cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống, an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành. Vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con./ Amen.

KINH TIN

Lạy Chúa con, con tin thật có một Đức Chúa Trời/ là Đấng thưởng phạt vô cùng ; con lại tin thật Đức Chúa Trời có Ba Ngôi, mà Ngôi Thứ Hai đã xuống thế làm người, chịu nạn chịu chết mà chuộc tội cho thiện hạ. Bấy nhiêu điều ấy, cùng các điều Hội Thánh dạy, thì con tin vững vàng, vì Chúa là Đấng thông minh và chân thật vô cùng, đã phán truyền cho Hội Thánh./ Amen.

KINH CẬY

Lạy Chúa con, con trông cậy vững vàng, vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu, thì Chúa sẽ ban ơn cho con giữ đạo nên ở đời này, cho ngày sau đặng lên thiên đàng/ xem thấy mặt Đức Chúa Trời hưởng phước đời đời, vì Chúa là Đấng phép tắc và lòng lành vô cùng, đã phán hứa sự ấy, chẳng có lẽ nào sai đặng/. Amen.

KINH MẾN

Lạy Chúa con, con kính mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự, vì Chúa là Đấng trọn lành vô cùng; lại vì Chúa, thì con thương yêu người ta như mình con vậy./ Amen.

KINH SẤP MÌNH

 Lạy Chúa con, con sấp mình xuống trước mặt Chúa con. Con tin thật Chúa ở khắp mọi nơi thông biết mọi sự, hằng xem thấy con, hằng nghe lời con cầu nguyện. Xin Chúa rất nhân từ/ hãy đoái xem sự nghèo ngặt con và nhậm lời con nguyện. Lạy Chúa, xin hãy mở miệng lưỡi con ra, thì con sẽ cao rao những lời ngợi khen Chúa.

LÀM DẤU THÁNH GIÁ KÉP

Lạy Chúa chúng con, vì Dấu (Thánh giá, xin chữa (chúng con, cho khỏi (kẻ thù. Nhân danh Cha (và Con và Thánh Thần. Amen.

KINH LẠY CHA

Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con/ như chúng con cũng tha/ kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

KINH KÍNH MỪNG

 Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu Con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội/ khi này và trong giờ lâm tử./ Amen.

KINH SÁNG DANH

Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen.

KINH SÁNG SOI

 Cúi xin Chúa sáng soi, cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ, cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành, đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen

 

KINH ĂN NĂN TỘI 

 Lạy Chúa con, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng. Chúa đã dựng nên con và cho Con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì con ; mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa. Thì con lo buồn đau đớn, cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự. Con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa thì con sẽ lánh xa dịp tội, cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen.

KINH LẠY NỮ VƯƠNG 

 Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành làm cho chúng con đặng sống, đặng vui, đặng cậy, thân lạy Mẹ ! Chúng con, con cháu E-và ở chốn khách đày kêu đến cùng Bà. Chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khấn Bà thương. Hỡi ôi, Bà là chủ bàu chúng con, xin ghé mắt thương xem chúng con. Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con đặng thấy Đức Chúa Giêsu, Con lòng Bà gồm phước lạ. Ôi khoan thay, nhơn thay, dịu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.

KINH CÁM ƠN 

 Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời, mà lại sinh ra con, cho con đặng làm người, cùng hằng gìn giữ con, hằng che chở con ; lại cho Ngôi Hai xuống thế làm người, chuộc tội chịu chết trên cây Thánh giá vì con, lại cho con đặng đạo thánh Đức Chúa Trời, cùng chịu nhiều ơn nhiều phép Hội thánh nữa, và đã cho phần xác con qua ngày (đêm) hôm nay đặng mọi sự lành, lại cứu lấy con kẻo phải chết tươi ăn năn tội chẳng kịp. Vậy các Thánh ở trên nước Thiên đàng cám ơn Đức Chúa Trời thế nào, thì con cũng hiệp cùng các thánh, mà dâng cho Chúa con lời cám ơn như vậy. Amen.

KINH TRÔNG CẬY

  Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng. Hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

KINH TIN KÍNH 

 Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất. Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi ; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh ; chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đinh trên cây thánh giá, chết và táng xác ; xuống ngục Tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại ; lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng ; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết. Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần. Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế nầy ; các thánh thông công. Tôi tin phép tha tội. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen.

CÁC KINH ĐỌC NGÀY CHÚA NHẬT 

KINH NGHĨA ĐỨC TIN 

 Ngày (Chúa nhật, Lễ… ) hôm nay, chúng con hiệp nhau kính lạy thờ phượng Chúa, không khen cảm tạ ơn Chúa, vì mọi ơn lành Chúa đã ban cho chúng con, và phạt tạ Chúa/ vì những tội lỗi chúng con đã phạm mất lòng Chúa, thì chúng con dám xin Chúa hãy khấng ban những ơn cần kíp/ cho chúng con đặng rỗi linh hồn. Nay chúng con cả lòng tin vững vàng mọi điều đạo thánh Chúa dạy, nhứt là những điều cần kíp nầy : là có một Đức Chúa Trời, phép tắc vô cùng dựng nên trời đất, mà Người có Ba Ngôi : Ngôi thứ Nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con, Ngôi thứ Ba là Thánh Thần ; Ba Ngôi cũng một tính một phép, cho nên Ba Ngôi cũng một Chúa mà thôi. Chúng con tin Ngôi thứ Hai ra đời làm người, sinh bởi Bà Maria đồng trinh, đặt tên là Giêsu ; ở thế gian 33 năm, đoạn chịu chêt trên cây Thánh giá mà chuộc tội cho thiên hạ ; đến ngày thứ ba Người sống lại, khỏi 40 ngày lên trời, đủ 10 ngày lại cho Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống/ trên các Thánh Tông đồ và Hội Thánh mới lập ; ai chẳng thông công cùng Hội Thánh ấy/ thì chẳng đặng rỗi linh hồn. Mà linh hồn là giống thiêng liêng chẳng hề chết đặng. Và đến ngày tận thế, xác loài người ta sẽ sống lại mà chịu phán xét, kẻ lành lên thiên đàng hưởng phước đời đời, kẻ dữ sa hỏa ngục chịu phạt vô cùng. Mà chúng con tin các sự ấy mà thôi thì chưa đủ cho đặng lên thiên đàng, song phải giữ Mười Điều răn Đức Chúa Trời/ cùng Sáu Luật điều Hội Thánh, và làm những việc lành phước đức. Nhơn vì sự ấy, chúng con hằng phải sợ hãi và trốn lánh các tội lỗi, nhất là Bảy Mối Tội đầu/ là căn nguyên mọi tội lỗi khác. Vậy chúng con phải ân cần lo lắng/ mà năng chịu các phép Bí tích Đức Chúa Giêsu đã truyền, là những dược linh nghiệm cho chúng con được nên thánh. Có Bảy phép Bí Tích mà thôi, song phép Rửa tội, phép Mình Thánh Chúa, cùng phép Giải tội/ là ba phép cần kíp hơn cho chúng con đặng rỗi. Ấy vậy, chúng con hằng phải ra sức lo lắng thế nào, mà năng chịu các phép trọng ấy cho nên, cùng tin thật vững vàng, mà giữ cẩn thận các điều trước nầy, thì mới đặng hưởng phước thanh nhàn đời đời kiếp kiếp. Amen.

MƯỜI ĐIỀU RĂN 

 Đạo Đức Chúa Trời có 10 Điều răn :   Thứ nhất : thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự. Thứ hai : chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ, Thứ ba : giữ ngày Chúa nhật, Thứ bốn : thảo kính cha mẹ, Thứ năm : chớ giết người, Thứ sáu : chớ làm sự dâm dục, Thứ bảy : chớ lấy của người, Thứ tám : chớ làm chứng dối, Thứ chín : chớ muốn vợ chồng người. Thứ mười : Chớ tham của người. Mười điều răn ấy tóm về hai điều nầy mà chớ : Trước, kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự. Sau, lại yêu người như mình ta vậy. Amen.

HỘI THÁNH CÓ 6 ĐIỀU RĂN Thứ nhất : Xem lễ ngày Chúa nhật cùng các ngày lễ buộc Thứ hai : Chớ làm việc xác ngày CN cùng các ngày lễ buộc. Thứ ba : Xưng tội trong một năm ít là một lần. Thứ bốn : Chịu Mình Thánh ĐCGiêsu trong mùa Phục sinh. Thứ năm : Giữ chay những những ngày Hội thánh buộc. Thứ sáu : Kiêng thịt ngày thứ sáu cùng những ngày khác Hội Thánh dạy.

BẢY BÍ TÍCH

Đạo Đức Chúa Trời có 7 phép Bí Tích : Thứ nhất : là phép Rửa tội. Thứ hai : là phép Thêm sức. Thứ ba : là phép Mình Thánh Chúa. (Thánh thể ) Thứ bốn : là phép Giải tội. Thứ năm : là phép Xức Dầu Thánh. (bệnh nhân ) Thứ sáu : là phép Truyền Chức Thánh. Thứ bảy : là phép Hôn Phối.

THƯƠNG NGƯỜI CÓ 14 MỐI

Thương xác 7 mối Thứ nhất : Cho kẻ đói ăn. Thứ hai : Cho kẻ khát uống. Thứ ba : Cho kẻ rách rưới ăn mặc. Thứ bốn : Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc. Thứ năm : Cho khách đỗ nhà. Thứ sáu : Chuộc kẻ làm tôi. Thứ bảy : Chôn xác kẻ chết.

Thương linh hồn 7 mối

Thứ nhất : Lấy lời lành mà khuyên người. Thứ hai : Mở dạy kẻ mê muội. Thứ ba : An ủi kẻ âu lo. Thư bốn : Răn bảo kẻ có tội. Thứ năm : Tha kẻ dể ta. Thứ sáu : Nhịn kẻ mất lòng ta. Thứ bảy : Cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

CẢI TỘI BẢY MỐI CÓ BẢY ĐỨC

  Thứ nhất : khiêm nhượng chớ kiêu ngạo. Thứ hai : rộng rãi chớ hà tiện. Thứ ba : giữ mình sạch sẽ chớ mê dâm dục. Thứ bốn : hãy nhịn chớ hờn giận. Thứ năm : kiêng bớt chớ mê ăn uống. Thứ sáu : yêu người chớ ghen ghét. Thứ bảy : siêng năng việc Đức Chúa Trời chớ làm biếng.

PHƯỚC THẬT TÁM MỐI 

 Thứ nhất : Ai có lòng khó khăn ấy là phước thật, vì chưng Nước Đức Chúa Trời là của mình vậy. Thứ hai : Ai hiền lành ấy là phước thật, vì chưng sẽ được đất Đức Chúa Trời là của mình vậy. Thứ ba : Ai khóc lóc ấy là phước thật, vì chưng sẽ được an ủi vậy. Thứ bốn : Ai khao khát nhân đức trọn lành ấy là phước thật, vì chưng sẽ được no đủ vậy. Thứ năm : Ai thương xót người ấy là phước thật, vì chưng mình sẽ được thương xót vậy. Thứ sáu : Ai giữ lòng sạch sẽ ấy là phước thật, vì chưng sẽ được thấy mặt Đức Chúa Trời vậy. Thứ bảy : Ai làm cho người hòa thuận ấy là phước thật, vì chưng sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời vậy. Thứ tám : Ai chịu khốn nạn vì đạo ngay ấy là phước thật, vì chưng sẽ được Nước Đức Chúa Trời làm của mình vậy. Amen.

SÁU ĐIỀU CẦU KÍP  HẾT MỌI NGƯỜI PHẢI TIN CHO ĐẶNG RỖI LINH HỒN

– Thứ nhất : Có một ĐCT là Đấng phép tắc vô cùng, thưởng kẻ lành và phạt kẻ dữ. – Thứ hai : Mỗi người có một linh hồn là tính thiêng liêng hằng sống chẳng hề chết đặng. – Thứ ba : Phải ăn năn tội thì mới đặng Chúa tha tội. – Thứ bốn : Có một ĐCT mà Người có Ba Ngôi : Ngôi thứ Nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con, Ngôi thứ Ba là Thánh Thần. – Thứ năm : Ngôi thứ Hai đã xuống thế làm người. – Thứ sáu : Ngôi thứ Hai làm người chuộc tội chịu chết vì tội lỗi loài người ta.

BẢN GỢI Ý XÉT MÌNH XƯNG TỘI

  (Những tội thường phạm) N.B: Có 2 cách Xét Mình :   1. Dựa 10 Điều răn ĐCT+ 6 Điều răn Hội Thánh + 7mối tội. 2. Xét 3 bổn phận : đối với Chúa, Tha nhân, chính mình. Trước khi xét mình, cần Đọc Kinh, cầu xin Chúa và Mẹ Maria soi sáng cho ta nhớ lại các tội lỗi ta đã phạm và sám hối ăn năn, quyết tâm dứt bỏ tội lỗi.

  1. ĐỐI VỚI CHÚA

 – Nghi ngờ quyền năng, tình thương yêu của Chúa … ? – Chối đạo, lung lạc đức tin, nản lòng trông cậy Chúa … ? – Mê tín dị đoan, xem thầy bói, bùa ngải ? – Phạm thánh, lãnh bí tích bất xứng, rước lễ lúc mắc tội trọng ? – Than phiền, trách móc, nói phạm thượng đến Chúa ? – Chống đối, phê bình, xúc phạm đến các thánh, nơi thánh, giáo sĩ, làm hại Giáo Hội ? – Thề gian thề vặt, chúc dữ, nguyền rủa ? – Không giữ lời khấn hứa, mắc lời thề ? – Bỏ Thánh lễ Chúa nhật vì lười biếng, làm việc xác không chính đáng … ? – Bỏ bỏ đọc kinh sáng tối, hay lo ra chia trí… ?

  1. ĐỐI VỚI NGƯỜI KHÁC

 – Thiếu hiếu thảo với bề trên : vô lễ, khinh bĩ, hỗn xược, ngổ ngịch, chửi rủa, cải lệnh, không vâng lời, không phụng dưỡng cha mẹ xứng đáng… ? – Với người dưới : bỏ bê, thiếu sót bổn phận, không giáo dục, cản trở việc tốt, làm gương xấu, la rầy chửi mắng, đánh đập con cháu … – Trong gia đình : bất hòa, hờn dỗi, cải cọ, trách mắng, xúc phạm trong lời nói và hành động, đay nghiến, đánh đập, lợi dụng, ăn bám, ích kỷ, không trợ cấp xứng đáng…? – Với người ngoài : xúc phạm * trong tư tưởng : nghĩ xấu, ghét bỏ, giận hờn, ganh tị, oán thù, khinh bỉ, mong điều dữ … * trong lời nói : cải cọ chửi rủa, chỉ trích, nói xấu, sỉ nhục người. * trong hành động : đánh lộn, hành hạ, gây thiệt hại, làm nhục. – Về tính dục : tư tưởng ước muốn xấu, cám dỗ khêu gợi, ăn mặc hở hang, xem sách báo phim ảnh xấu, lỗi khiết tịnh, tự do luyến ái, thủ dâm, tà dâm, ngoại tình, phá gia cang người khác … cưỡng bức hoặc từ chối việc vợ chồng thiếu lý do chính đáng, chỉ tìm thỏa mãn cá nhân, sinh con vô trách nhiệm, dùng phương pháp điều hòa sinh sản nghịch luật Giáo hội, trực tiếp hoặc cộng tác phá thai… – Về công bằng : quá lo tiền của đến quên Chúa quên anh em, không giúp đỡ người khác khi cần. Ăn cắp ăn trộm, giữ-giấu, lượm-mượn của người khác mà không trả, giựt nợ, lường gạt, gian lận, làm thiệt hại tài sản, cho vay nặng lãi, trả công không xứng đáng, thâm lạm của công, hối lộ… – Về sự thật và danh dự : nói dối, thất hứa, tiết lộ bí mật, phao tin thất thiệt, bôi nhọ danh dự, nói hành nói xấu, vu khống, cáo gian, gây nhục nhã, làm thiệt hại danh dự … ?

  1. ĐỐI VỚI CHÍNH MÌNH

 – Kiêu ngạo, phách lối, ganh tị… – Se xua, keo kiệt, hoang phí tiền của… – Nóng giận quá đáng, đòi hỏi khắt khe, hờn dỗi, la lối nạt nộ, vui buồn quá độ … – Phung phí sức khỏe, nhậu nhẹt say sưa, ăn uống quá độ, bệnh tật không chữa trị, ước muốn tự tử …

– Lười biếng việc bổn phận, ăn bám, lợi dụng lòng tốt người khác. – Có giấu tội lần trước, xưng lại chưa? Lưu ý : Sau khi Xét mình xong, thì giục lòng, đọc kinh ăn năn tội, và quyết tâm từ bỏ tội lỗi, rồi đi vào Toà Giải tội để Xưng tội.

BẢN XÉT MÌNH DỰA VÀO 10 ĐIỀU RĂN ĐỨC CHÚA TRỜI 

  1. ĐR thứ nhất : Chúa dạy kính mến Chúa trên hết mọi sự: Tôi có đọc kinh, cầu nguyện sáng tối không ? Tôi có thờ lạy ma quỉ, bụt thần không? Tôi có mê tín, dị đoan, coi bói không? Tôi có nhớ Chúa để thờ lạy Chúa không?
  2. ĐR thứ 2: Chúa dạy tôn kính danh thánh Chúa. Tôi có chưởi trời trách đất không? Tôi có thề dối, thề vặt không?
  3. ĐR thứ 3: Chúa dạy thánh hoá ngày Chúa nhật. Tôi có bỏ lễ ngày Chúa nhật không ? Tôi có làm việc xác ngày Chúa nhật ?
  4. ĐR thứ 4: Chúa dạy Thảo kính cha mẹ và chu toàn bổn phận. Tôi có bất hiếu, xúc phạm cha mẹ, ông bà ? Tôi có lỗi với bạn tôi không ? Tôi có lỗi gì với con cái không ? Đánh đập, chửi mắng?
  5. ĐR thứ 5: Chúa dạy tôn trọng thân xác và mạng sống người. Có làm thiệt hại thân xác mình và người khác? Có giết người, phá thai, tự tử ?

 ĐR thứ 6 và thứ 9 : Chúa dạy ăn ở thanh sạch. Tôi có làm chuyện dân dục ? Tôi có nói chuyện tục tỉu? Tôi có ước muốn chuyện xấu ? Ham muốn vợ chồng người ?

ĐR thứ 7 và thứ 10 : Chúa dạy giữ đức công bằng Có trộm cắp đồ vật, tiền bạc của người khác? Bao nhiêu? Tham lam, muốn trộm cắp của người? Có gian lận, cờ bạc ? Có phá hại tài sản, của cải người khác?

ĐR thứ 8 : Chúa dạy sống thật thà. Có lừa gạt người khác? Có làm mất thanh danh người khác? Có nói hành, nói xấu, vu khống người khác ?

CÁCH XƯNG TỘI 

 Khi vào toà Giải tội, cần làm Dấu Thánh giá và nói : -Thưa Cha, con là kẻ có tội, xin Cha ban phép lành cho con. -Con xưng tội trong …(1)… tháng (4 tuần). -Con đã phạm tội ….(kiêu ngạo), ….(2) lần. ….(kể tội mình nhớ được cho LM nghe, cách rỏ ràng) -Thưa cha, con xưng tội xong. Sau đó, lắng nghe cha Giải tội khuyên nhủ và giao việc Đền tội (= đọc Kinh), rồi giục lòng ăn năn tội và nghe Cha đọc Lời Xá giải. Lm : Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự chết và sự sống lại của Con Chúa mà giao hoà thế gian với Chúa, và ban Thánh thần để tha tội. Xin Chúa dùng tác vụ của Hội thánh mà ban cho con ơn tha thứ và bình an. Vậy, Cha tha tội cho con, Nhân danh Cha X và Con X và Thánh Thần X .

Đáp : – AMEN.   Khi cha bảo : Con hãy về bình an. Đáp : – Con cám ơn cha. Rồi đi ra ngoài làm việc Đền tội càng sớm, càng tốt.

 

ĐẠO HIẾU TRONG ĐẠO ÔNG BÀ và ĐẠO CÔNG GIÁO  

  1. Đạo Ông Bà là gì ?

Đạo Ông Bà là Đạo Hiếu, là đạo truyền thống của dân tộc Việt Nam, dạy con cháu phải hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, khi các ngài còn sống cũng như khi các ngài qua đời.

  1. Đạo Công Giáo là gì ?

Công là chung, Giáo là tôn giáo hay là Đạo. Công Giáo là tôn giáo chung của mọi người (không phân biệt màu da tiếng nói, dân tộc) và gồm chung mọi chân lý do Thiên Chúa đã tỏ ra để dẫn đưa loài người vào Nước Trời hưởng sự sống trường sinh bất tử.

  1. Đạo Công giáo có phải là Đạo Hiếu không ? – Đạo Công giáo rất chú trọng về Đạo hiếu và coi Đạo Hiếu như nền tảng của mình, nên Đạo Công giáo rất phù hợp với tinh thần hiếu thảo của dân tộc Việt Nam . Vì Đạo Công giáo quan niệm vũ trụ như một đại gia đình, trong đại gia đình đó, Đức Chúa Trời là Cha Mẹ sinh ra tất cả, và tất cả mọi người đều là anh em. – Như vậy, Đạo Công giáo chính là một tôn giáo của Đạo hiếu theo nghĩa chính xác nhất của nó, và Đạo hiếu này được thể hiện qua ba bổn phận rõ rệt: đối với Cha trên Trời (Thượng Phụ), đối với đất nước và Giáo Hội (Trung Phụ), và đối với cha mẹ dưới đất (Hạ Phụ). Bổn phận đối với Cha trên Trời là căn bản, các bổn phận sau xuất phát từ bổn phận căn bản trên. – Vì thế, giữa hai thứ hiếu: hiếu đối với Cha trên Trời, và hiếu đối với cha mẹ, thì hiếu trước nặng hơn hiếu sau và là nền tảng cho hiếu sau. Người Công giáo tin tưởng rằng Cha trên Trời yêu thương chúng ta gấp trăm ngàn lần cha mẹ dưới đất yêu thương chúng ta.
  2. Về hiếu thảo, Đạo Công Giáo và đạo Ông Bà có điều giống nhau : 1- Cả hai đạo đều đề cao lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ, khi các ngài còn sống cũng như khi qua đời. Con cái phải yêu mến, vâng lời, giúp đỡ cha mẹ, ông bà khi các ngài còn sống và tưởng nhớ các ngài khi qua đời. 2- Cả hai đạo đều tin rằng khi ông bà, cha mẹ qua đời, các ngài vẫn còn tồn tại và hiện diện trong trạng thái vô hình (hay khuất mặt). Vì thế, con cháu thường xuyên phải tưởng nhớ và cầu nguyện cho các ngài hoặc tổ chức giỗ hằng năm.
  3. Đạo Công Giáo và đạo Ông Bà có điều khác nhau : 1- Đạo Ông Bà thì theo truyền thống cha ông để lại một số quan niệm về lòng hiếu và một số nghi lễ thể hiện lòng hiếu thảo; không có giáo thuyết, luật lệ và tổ chức. – Đạo Công Giáo có Đấng sáng lập là Chúa Giêsu, có giáo thuyết, luật lệ và tổ chức gồm hai thành phần : giáo sĩ và giáo dân; có những điều phải tin, những điều phải giữ và các bí tích phải chịu để được Đức Chúa Trời ban sự sống thiêng liêng. 2- Trong ngày giỗ ông bà, cha mẹ : – Người đạo Ông Bà thì tưởng nhớ công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, đặt đồ cúng ở trước bàn kính gia tiên, đốt nhan khấn vái và mời các ngài về hưởng. – Ngoài việc tưởng nhớ công ơn sinh thành và dưỡng dục của ông bà cha mẹ, người Công Giáo còn chú ý đến việc thường xuyên cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ. Giáo Hội cũng dành 1 tháng trong năm (tháng 11) để tưởng nhớ và cầu nguyện cho người đã khuất . Kết : Qua sự so sánh trên, ta thấy Đạo Công giáo và Đạo Ông Bà rất gần gủi nhau về Đạo Hiếu. Theo Đạo Công giáo, không là bất nghĩa, bất hiếu với Ông bà Tổ tiên, không quên đi cội nguồn, nhưng trái lại, càng chứng tỏ lòng hiếu thảo đối với Ông bà Tổ tiên cách cao đẹp hơn và quan trọng hơn, chính là lòng hiếu thảo đối với Đấng sinh thành Ông Bà Tổ tiên, đó là Thiên Chúa.