Học Kinh Thánh của Cha Carôlô Hồ Bạc Xái: Luca Chương 10

BÀI 44: SAI PHÁI 72 MÔN ĐỆ (10,1-20)

I- GIẢI THÍCH

c 1 – Cần lưu ý rằng Mt và Mc chỉ ghi lại một bài sai truyền giáo của Đức Giêsu cho nhóm 12 (Mt 10,1-16; Mc 3,16-19). Phần Lc thì ghi một bài sai cho nhóm 12 (9,1-6), và một bài sai khác cho các môn đệ (ở đây). Khi được sai đi truyền giáo, các môn đệnày chẳng thua kém gì các tông đồ: họ cũng được Đức Giêsu tôn trọng trao trách nhiệm (9,16) cũng được coi là đại diện của Đức Giêsu (10,16), cũng có quyền trên ma quỷ (10,17), và cũng rao giảng về Nước Trời (10,9.11). Sau khi sống lại, Đức Giêsu lại sai đi rao giảng không phải chỉ nhóm tông đồ mà còn cả nhóm môn đệ này nữa (24,33-36). Lc muốn nhấn mạnh rằng không riêng gì các tông đồ, mà tất cả mọi người đều được Đức Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng. Ý này lại được làm rõ thêm với con số 72.

     – “Bảy mươi hai”: nhiều thủ bản ghi 70. Đây là số dân của loài người mà St 10 đã liệt kê (bản Hy Bá Lai ghi 70, bản Hy Lạp ghi 72). Vậy 72 hoặc 70 môn đệ, ngụ ý Đức Giêsu muốn sai họ đi truyền giáo cho tất cả nhân loại.

     Tóm lại, việc chọn và sai 72 môn đệ có nghĩa là sứ mạng loan Tin Mừng không phải chỉ được Đức Giêsu giao cho các Tông đồ, mà còn giao cho mọi người tín hữu.

     – “Chúa”: Lc gọi Đức Giêsu là ‘Chúa’, nghĩa là Ngài sai họ đi trong tư cách Ngài là chủ của mọi tác vụ trong GH.

     – “Từng nhóm hai người”:

  1. a) Theo luật thì lời chứng của từ hai người trở lên mới có giá trị (Đnl 19,15; Mt 18,16). Vậy các môn đệ được sai đi với tư cách nhân chứng.
  2. b) Việc loan Tin Mừng không phải là việc của một cá nhân riêng lẻ, mà là việc của cộng đoàn, không phải là độc quyền của riêng ai, nhưng phải liên đới và liên kết với nhiều người khác.
  3. c) Sách Công vụ cung cấp nhiều minh họa cho chi tiết này: cặp Phaolô và Barnabê (Cv 13,2-4), Barnabe và Marcô, cặp Phaolô và Sila (cv 15,39-40).

     – “Đi trước Ngài”: như những sứ giả dọn đường.

     – “vào tất cả các thành, các nơi mà chính Ngài sẽ đến”: thêm một chi tiết nữa về tính phô quát.

c 2 “Mùa màng, thợ gặt”: hình ảnh mùa gặt (cũng như hình ảnh lưới cá) mốn nói đến việc quy tụ nhiều người lại thành một cộng đoàn dân Chúa.

     – “Hãy cầu xin”: việc đầu tiên mà nhà truyền giáo phải làm là ‘cầu xin’, Thiên Chúa là chủ mùa gặt, nhận ai vào Nước Thiên Chúa là quyền của Ngài và là ơn của Ngài. Đức Giêsu bảo cầu xin là để các môn đệ ý thức rằng họ được gọi là nhờ ơn Chúa, và để có thêm nhiều người nữa nhận được ơn ấy.

c 4a “Như chiên non vào giữa sói rừng”: có 2 ý nghĩa:

  1. a) Đức Giêsu khuyến cáo các môn đệ về những hiểm nguy và sự thù nghịch mà có thể họ sẽ gặp phải.
  2. b) Ngài dạy họ sống như ‘những người nghèo chẳng có gì che chở, chẳng có tiền, bao bị, giày dép. Một sự nghèo nàn tuyệt đối, bởi vì ‘nghèo’ là điều kiện để được vào Nước Thiên Chúa (6,20) cho nên người loan báo Nước Thiên Chúa cũng phải nghèo.

c 4b “Đừng chào ai dọc đường”: việc chào hỏi của người phương Đông thường kéo theo những câu chuyện rề rà rất lâu. Trong khi sứ mạng loan in Mừng đòi phải gấp. Nên lưu ý là tất cả những người lãnh sứ mạng trong Lc đều vội vã: Maria, các mục tử Philip (Cv 8,30).

c 5-6“Bình an cho nhà này”: đây vừa là một lời chúc vừa là một lời ban ơn bởi vì nó có sức tạo nên điều nó chúc (Is 45,23).Người rao giảng Tin Mừng phải là ‘con cái của sự bình an’. Họ phải có bình an trong mình và sau đó đem bình an ấy ban lại cho người khác. Nếu nhà nào đáng được hưởng ơn bình an thì được bình an, nếu không thì ơn bình an trở lại cho người chúc.

c 7 “Cứ ở lại nhà ấy”: gặp nhà nào đầu tiên cho ở thì người môn đệ hãy ở đó. Đừng tìm hiểu nhà để so sánh chọn lựa nhà nào tiện nghi hơn. Điều quan trọng là loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa chứ không phải tiện nghi cho mình hoặc cách người ta tiếp rước mình.

     – “Ăn uống của người ta cung cấp cho mình”: Sứ mạng của môn đệ đừng để bị ảnh hưởng bởi những quan tâm có tính cách trần thế (đòi hỏi hoặc e ngại những của ăn uống người t lo cho mình)

     –  “Thợ đáng trả lương”: đây là một nguyên tắc (1Tm 5,18; 1Cr 9,11). Nhưng người thừa sai cũng có thể tự ý từ chối (1Cr 9,14-18).

c 8 “Người ta dọn thức gì cứ ăn thức ấy”: Người rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu không còn bị bận vướng bởi luật Môsê về sự phân loại thức ăn nào sạch, thức ăn nào dơ (1Cr 10,27)

c 9 “Hãy chữa lành các bệnh nhân”: Đây là dấu hiệu ước Thiên Chúa gần đến.

c 11“Phủi bụi chân”: Người Do thái thường phủi bụi chân khi từ một vùng đất ngoại trở về đất Palestina vốn được coi là đất thánh. Cử chỉ này có nghĩa là không có chung đụng giữa Israel và dân ngoại. Thành nào không đón nhận sứ điệp của Đức Giêsu thì cũng cắt đứt liên hệ với dân Thiên Chúa, trách nhiệm là thuộc về họ.

c 12 – Thành đó sẽ đáng chịu phán xét trong ngày chung thẩm, họ sẽ bị trừng phạt nặng nề còn hơn cả Sodoma ngày xưa. Việc các thừa sai đến loan Tin Mừng là cơ hội cho người ta chọn lựa để hoặc được cứu độ hoặc bị luận phạt.

c 17 – Sau một thời gian đi rao giảng, các môn đệ trở về và báo cáo kết quả. Nhân dịp này Đức Giêsu nhận xét về kết quả ấy của họ: Thành công của các môn đệ là đã chữa được bệnh, được người ta đón nghe, nhưng quan trọng hơn cả là khuất phục được quyền lực Satan. Bởi đó họ hớn hở. Họ đã cảm nghiệm được rằng: Vương triều Thiên Chúa đã bắt đầu hoạt động nơi Thầy mình. Do đó họ gọi Ngài là Chúa.

c 18“Thầy đã thấy Satan hnư tia chớp từ trời sa xuống”: đây không phải là một thị kiến của Đức Giêsu, mà chỉ là một cách nói bóng bẩy rằng: Satan đang bị đánh bại. Chiến thắng của các môn đệ trên Satan là tiền vị của hoa quả sẽ gặt hái được sau này qua sự chết và sống lại của Đức Giêsu (Ga 12,31).

c 19 “Giẫm trên rắn và bọ cạp”: Thánh Kinh coi những thứ này là công cụ của Satan. Đức Giêsu đã cho các môn đệ thông phần quyền lực của Thiên Chúa, họ không còn nằm trong vòng quyền lực của Satan nữa mà bằm trong quyền lực của Thiên Chúa (Rm 8,37-39).

c 20 – Nhưng niềm tin lớn nhất của thừa sai chính là tên họ được ghi trên trời. Các thành phố thời xưa ghi tên công dân của mình vào sổ bộ của thành. Được ghi tên, tức là được quyền công dân. Thừa sai được nhận vào cuộc sống vĩnh cửu.

II- KẾT LUẬN

            Những đòi hỏi đối với các môn đệ và đối với nhóm 12 đều như nhau (9,1-6). Đó cũng là những đòi hỏi cho tất cả mọi tín đồ đối với nhiệm vụ truyền giáo, loan báo sự bình an của Đấng Cứu Thế trong cung cách nghèo nàn, dịu hiền, phục vụ vô vị lợi, chấp nhận thiếu thốn. Chỉ với giá đó thì quyền lực Satan mới bị khuất phục và người thừa sai được ghi tên trên trời.

BÀI 45: MẶC KHẢI CHO NHỮNG KẺ BÉ MỌN (10,21-24)

            Thành công của các môn đệ trong chuyến đi rao giảng đã khiến Đức Giêsu vui mừng thốt lên lời tạ ơn Thiên Chúa.

GIẢI THÍCH

c 21 “Ngay giờ ấy”: ngay sau khi các môn đệ từ chuyến công tác truyền giáo trở về báo cáo kết quả (x. bài trên)

     – “mặc khải cho những kẻ bé mọn”: Trong Lc, kiểu nói ‘những kẻ bé mọn’ chỉ những người nghe lời loan báo của các môn đệ. Trong bài trước, chúng ta đã thấy các môn đệ được sai đi loan báo Tin Mừng cho những làng mạc xa xôi và lời loan báo đó được nhiều người đón nhận. Sự việc này khiến Đức Giêsu ‘vui mừng hớn hở’, một sự vui mừng hớn hở được tác động bởi chính ‘Thánh thần’. Trong tâm tình ấy, Đức Giêsu lên tiếng ‘ngợi khen Chúa Cha’.

     – “Vì đó là điều đẹp ý Cha”: việc những kẻ bé mọn đón nhận Tin Mừng không những là niềm vui của Đức Giêsu, đó còn là điều đẹp ý Chúa Cha nữa.

c 22 – Đón nhận Tin Mừng tức là được ‘biết’ Chúa Cha. Thực ra đây là chuyện độc hữu của Thiên Chúa: chỉ Chúa Cha biết Chúa Con, cũng như chỉ Chúa Con biết Chúa Cha. Thế nhưng vì yêu thương, Chúa Cha đã để cho Chúa Con mặc khải cho những kẻ bé mọn, cho họ được chia sẻ sự ‘biết’ này. Vì thế, được ‘biết’ Thiên Chúa là một đặc ân rất quý, đến nỗi Đức Giêsu phải vui mừng hớn hở và cảm tạ Thiên Chúa vì những kẻ bé mọn được chia sẻ đặc ân ấy.

c 23 – Sau khi nói đến đặc ân của ‘những kẻ bé mọn’, Đức Giêsu nói đến đặc ân của chính các môn đệ mình. Họ cũng rất hạnh phúc vì nhận được mặc khải về Thiên Chúa: biết bao người khác, kể cả các bậc ngôn sứ và vua chúa đã từng ước ao như vậy mà không được.

BÀI 46: NGƯỜI SAMARIA TỐT LÀNH (10,25-37)

I- GIẢI THÍCH

c 25 “Hỏi thử Ngài”: luật sĩ này hỏi Đức Giêsu không phải vì thành tâm muốn tìm hiểu, mà nhằm gài bẫy Ngài.

     Câu hỏi của luật sĩ: Mt 22,36 ghi “Thưa Thầy, trong Luật mệnh lệnh nào trọng nhất?”. Mc 12,28 ghi “Trong các mệnh lệnh, điều nào trọng nhất?”. Nghĩa là Mt và Mc chú ý đến phương diện luật pháp. Còn Lc sửa lại “Con phải làm cho để được hưởng sự sống muôn đời?”. Nghĩa là Lc thích nghi với độc giả của mình, nhấn mạnh đến mục đích của Luật.

c 26 – Đức Giêsu không trả lời trực tiếp, nhưng hỏi lại, làm như thế Ngài buộc kẻ đối thoại phải tỏ lập trường.

c 27 – Luật sĩ trả lời bằng cách trích phần đầu của kinh Shema mà mọi người Do thái phải đọc mỗi ngày hai lần ‘Hãy yêu mến Thiên Chúa… hết cả tâm tư con nữa’ (Đnl 6,5). Nhưng anh ghép thêm một câu trong sách Lêvi ‘và thương yêu cận thân như chính bản thân mình’ (Lv 19,18).

     Hai khoản luật này có sẵn trong Cựu Ước nhưng nằm xa nhau. Điều đặc biệt là anh đã nối kết chúng lại với nhau. Thực ra anh không phải là người đầu tiên nối kết như thế, mà là chính Đức Giêsu. Phải chăng luật sĩ này là người đã thấm nhuần giáo huấn của Đức Giêsu? Chưa chắc, vì c. 25 đã nói rõ là anh muốn ‘thử’ nghĩa là gài bẫy Đức Giêsu. Để dễ gài bẫy anh khởi sự bằng cách nói đúng giáo huấn của Ngài mà anh đã được nghe, để rồi sau đó lừa dịp quật ngược lại.

c 28 – Đức Giêsu công nhận anh nói thế là đúng (dù nói với thiện chí hay nói với ý đồ gài bẫy), nhưng Ngài thêm: điều quan trọng không phải là anh nói mà là thực hành.

c 29 – Luật sĩ chưa chịu bỏ cuộc vì ý định gài bẫy chưa thực hiện, anh hỏi câu thứ hai ‘nhưng ai là cận thân của tôi?’.

     Câu hỏi thứ nhất của anh (c. 25) thực ra không quan trọng, vì giáo huấn của Đức Giêsu và của nhóm luật sĩ hầu như giống nhau, có khác là ở chỗ Đức Giêsu đã nối kết hai khoản luật lại. Chính câu hỏi thứ hai này mới rắc rối và có thể mở ra một cuộc tranh luận giữa anh với Đức Giêsu, bởi vì đối với người Do thái từ trước tới giờ, ‘cận nhân’ nghĩa là bất cứ người Do thái nào ở bên cạnh mình, trừ ra người ngoại (Xh 20,16-17  21,14.18.35; Lv 19,11.13.15-18…) còn đối với Đức Giêsu thì, như phần sau sẽ cho thấy, Ngài hiểu kiểu nói này rộng hơn nhiều..

c 30 – Một lần nữa Đức Giêsu không trả lời thẳng mà dùng một dụ ngôn. Đây là kiểu paradygme, nghĩa là đưa ra một câu chuyện mẫu mực cho người ta sống theo.

     Làm như thế Đức Giêsu đã chuyển trọng tâm của cuộc tranh luận: người luật sĩ muốn tranh luận về lý thuyết (định nghĩa ai là cận nhân), Đức Giêsu chuyển sang giai đoạn thực hành: ta phảo cư xử thế nào để chứng tỏ mình là ‘cận nhân’ của kẻ khác. Chính vì chú ý tới phương diện thực hành nên đoạn Tin Mừng này đã dùng rất nhiều chữ ‘làm’ (c 28.37a.37b).

     – “Giêricô”: Giêrusalem nằm ở độ cao 740m trên mực nước biển. Còn Giêricô thì ở 350m dười mực nước biển. Do đó Lc viết là ‘xuống’ Giêricô. Khoảng cách giữa hai thành phố này chứng 27km, con đường vừa hẻo lánh vừa lởm chởm nên bọn cướp thường rình sẵn để cướp bóc.

     – “Người kia”: có thể suy đoán rằng đây là một người Do thái (bởi vì người xuất phát từ Giêrusalem). Nhưng ta nên lưu ý rằng Lc không muốn xác định quốc tịch người đó mà muốn gửi đến độc giả: ‘cận nhân’ là bất cứ ai chứ không riêng gì người Do thái.

c 31-32 – Khi đưa hai nhân vật đầu là một Tư tế và một Lêvi, Đức Giêsu không có ý hạ thấp giai cấp lãnh đạo tôn giáo thời đó, mà chỉ nhằm làm nổi bật hình ảnh người thứ ba là một người Samaria. Nếu có ngụ ý điều gì thì chỉ là Ngài muốn cho thấy hai người đầu có nhiều điều kiện để thực hiện tình cận nhân, nghĩa là thể hiện bác ái (hiểu biết đạo lý, có tiền bạc nhiều hơn). Thế nhưng đáng tiếc là họ đã ‘tránh né đi qua’.

c 33 “Người Samaria” vốn bị coi là lạc giáo, không thông luật như các Tư tế và Lêvi, thế mà lại thực hành đúng tinh thần các khoản luật yêu thương và có quan niệm rộng rãi, đại đồng về ‘cận nhân’.

     Đây chính là giáo huấn mà Đức Giêsu đã nhiều lần giảng dạy: Trong bài giảng trên cánh đồng (6,32-34), trong chuyện người phụ nữ Samaria (Ga 4,23-24), khi nói về những ‘con cái thật của Thiên Chúa’ (Ga 11,53).

     – “Chạnh lòng thương”: động từ này trong Tân Ước thường được áp dụng cho Đức Giêsu.

c 34 “Rượu nho và dầu”: Y khoa thường đó thường dùng rượu nho để tẩy trùng và dầu để làm dịu đau (Is 1,6).

c 34b-35 – Chẳng những ‘sơ cấp cứu’, người Samaria này còn tận tình lo sao cho nạn nhân khỏi hẳn thì mới an tâm.

c 36 – Sau khi kể dụ ngôn, Đức Giêsu đặt một câu hỏi trong đó Ngài đã chuyển trọng tâm của vấn đề: Ai đã tỏ ra là ‘cận nhân’?

     Câu chuyện trước đó đã chứa sẵn câu trả lời: chính lòng bác ái khiến người ta trở thành cận nhân đối với mọi người. Kể cả đối với những kẻ mà xét theo dân tộc, tín ngưỡng, quan điểm.v.v… không có gì là ‘cận’ với mình cả.

c 37b – Người Luật sĩ đành chịu thua giáo huấn của Đức Giêsu. Nhưng Đức Giêsu nhấn mạnh không phải chỉ hiểu như thế mà còn phải làm theo như thế.

II- KẾT LUẬN

Bài học của Đức Giêsu trong câu chuyện này là:

     – Bất cứ ai đang cần thì đều là ‘cận nhân’ của tôi và đều có quyền được tôi thể hiện lòng bác ái bằng những việc làm cụ thể.

     – Lòng bác ái không thể bị ngăn cách bằng bất cứ rào cản nào như chủng tộc, tôn giáo, quan điểm.v.v…

BÀI 47: MATTA VÀ MARIA (10,38-42)

I- CHIỀU HƯỚNG GIẢI THÍCH

     Nhiều người có lập trường khác nhau về chiều hướng giải thích câu chuyện này:

1/ Đây là một bài học phải sống đơn giản và ăn uống đạm bạc cho hợp với đức thanh bần mà Đức Giêsu thường khuyên dạy.

2/ Origène và Ambroise: Matta đại biểu cho lối sống hoạt động, Maria đại biểu cho lối sống chiêm niệm. Người môn đệ vừa phải hoạt động vừa phải chiêm niệm, nhưng hoạt động phải hướng tới chiêm niệm.

3/ Augustinô: Matta là đại biểu cho GH hiện tại đang đón nhận Đức Giêsu trong nhà mình. Maria đại biểu cho GH tương lai không còn bận tâm lo cho người nghèo nữa, mà chỉ còn ở bên Chúa để hưởng sự khôn ngoan của Ngài (GH chiến đấu và GH vinh quang)

4/ Cyrille d’Alexandre: một bài học về sự đón tiếp các sứ giả Lời Chúa

  1. a) Chủ nhà đừng bận tâm đãi ăn cho ngon, chỉ cần thức ăn đơn giản và thanh đạm.
  2. b) Sứ giả đừng đòi hỏi, phải đáp trả bằng những ơn lành mình mang đến.

II- TÌM HIỂU Ý CỦA LUCA

c 38 “Một làng kia”: có thể đoán là làng Bêtania. Nhưng cũng nên lưu ý là Lc đã không xác định như thế. Điều này chứng tỏ tác giả không quan tâm đến những chi tiết địa dư, mà quan tâm đến bài học ông sẽ đưa ra ở câu chót (c 42: Chỉ có một điều cần, phần tốt nhất)

     – “Một phụ nữ tên Matta”: văn mạch cho ta đoán rằng bà này là chị cả và là chủ nhà.

c 39 “Người em gái ten là Maria”:cũng như các Tin Mừng Nhất lãm khác. Lc ít khi nêu tên những người đối thoại với Đức Giêsu. Nhưng ở đây ông lại nêu tên hai chị em, chứng tỏ ông có một quan tâm đặc biệt.

  1. a) Lc thường đề cao vai trò các phụ nữ trong đời Đức Giêsu và trong sinh hoạt GH.
  2. b) Hai chị em này phản ánh hai thái độ đón tiếp Đức Giêsu

     – “Ngồi bên chân Chúa”: nhiều lần Lc cho thấy đây là thái độ phải có của người môn đệ (8,35  7,38  8,41  17,16; Cv 22,3).

     – “Chúa”: cho thấy uy quyền của Đức Giêsu

     – “Lắng nghe Lời Ngài”: nhiều lần Lc cũng đề cao việc lắng nghe Lời Chúa (5,1  8,11.21  11,28). Đặc biệt câu chuyện ở Cv 6,1-6 cho thấy GH sơ khai đã coi Lời Chúa là điều quan trọng bậc nhất, quan trọng duy nhât, nên mới đặt thêm 7 Phó tế để lo việc khác, cho các Tông đồ chuyên chăm lo Lời Chúa.

c 40 – “Macta mắc lo nhiều việc”: lo những bổn phận của chủ nhà đối với khách.

     Hai chị em phản ảnh hai thái độ của người môn đệ đối với Đức Giêsu:

  1. a) Đón tiếp và phục vụ Chúa cách nhiệt tình.
  2. b) Lắng nghe Lời Chúa.

     Cả hai thái độ đều tốt và đúng. Nhưng sai lầm là ở chỗ tưởng rằng đón tiếp thôi cũng đủ, lại còn muốn bỏ đi việc lắng nghe Lời Chúa ‘xin bảo em con đi giúp đỡ con’.

c 41 – Lời Đức Giêsu như một phán quyết của trọng tài: điều quan trọng nhất, có thể nói là duy nhất của người môn đệ là lắng nghe Lời Chúa.

     Nhiều lần Đức Giêsu đã cảnh cáo thói quá lo lắng 12,11  12,22-25  8,14  21,34. Thực ra lo lắng không hẳn là xấu, nhưng phải cảnh giác vì nó khiến người môn đệ quên điều chính yếu.

     Tóm lại, Đức Giêsu đón nhận sự phục vụ của Matta cũng như Ngài đã từng nhận sự đón tiếp của những người biệt phái (7,36t  11,37  14,1) đã từng nhận việc đón tiếp của Giakêu (19,5) và đã từng dạy phải đón tiếp các sứ giả Tin Mừng (9,4  10,5-9). Nhưng Ngài đưa ra một bậc thang các giá trị. Người môn đệ phải coi trọng Lời Chúa hơn hết. Đó chính là “phần” của họ (Tv 119,57).

III- KẾT LUẬN

            Trong chuyện này Lc muốn đưa ra một quy luật sống cho người môn đệ. Quy luật này là: phải dành chỗ ưu tiên cho việc lằng nghe Lời Chúa. Những hoạt động phục vụ không phải là xấu, nhưng phải coi chừng kẻo chúng làm ta phân tâm không để ý đến điều quan trọng duy nhất kia.

print