Học Kinh Thánh của Cha Carôlô Hồ Bạc Xái: Luca Chương 13

print

BÀI 59: KÊU GỌI SÁM HỐI – DỤ NGÔN CÂY VẢ (13,1-9)

        Một lần nữa Đức Giêsu kêu gọi gấp rút lo ăn năn sám hối.

GIẢI THÍCH

c 1 Biến cố Philatô: không thấy sử sách ghi gì về biến cố này, nhưng cũng dễ hiểu. Thời đó người Do thái thỉnh thoảng nổi loạn chống lại đế quốc Rôma, đặc biệt người miền Galilê còn hăng hái hơn nữa. Philatô với tư cách bảo vệ quyền lợi của đế quốc Rôma cũng thường xyên thẳng tay trừng trị, không ngại đổ máu.

        Chuyện này có lẽ như sau: một số người Galilê lên Giêrusalem dâng lễ tế rồi gây lộn xộn và bị Philatô sai quân Rôma tới đàn áp.

c 2 Quan niệm thông thường: kẻ gặp tai nạn là người tội lỗi bị phạt. Vậy ai không bị nạn tức là người công chính (hoặc ít ra là ít tội lỗi hơn).

        Theo quan niệm đó, người Do thái trước biến cố trên đã một mặt coi các nạn nhân là tội lỗi, mặt khác coi mình là công chính hoặc ít tội.

c 3 Biến cố thứ hai về tháp Silôa: Ở Giêrusalem có một con kênh dẫn nước từ ngoài vào một cái hồ nhỏ mang tên Silôa. Bên bờ kênh này có nhiều tháp. Cái tháp nói trong chuyện này cũng là một trong số đó và cũng mang tên Silôa. ột hôm nó sập và đè chết 18 người dân Giêrusalem.

        Chuyện thứ nhất liên quan tới một số người Galilê, thì chuyện này liên quan trực tiếp tới người Giêrusalem. Trước đây họ dửng dung trước tai nạn xảy đến cho những người ‘ở xa’, bây giờ thì chuyện xảy đến cho chính những người trong thành phố của họ.

        Đức Giêsu dùng biến cố này để dạy cùng một bài học, nhưng với giọng điệu mạnh mẽ hơn.

c 6-9 Dụ ngôn cây vả:

        – Trong Cựu Ước nhiều lần Israel được sánh với cây vả (Ga 1,7; Gr 8,3).

        – Đây là một dụ ngôn với nhiều chi tiết ẩn dụ hóa:

        * Cây vả là Israel.

        * Ông chủ là Thiên Chúa.

        * Người làm vườn là Đức Giêsu.

        – Dụ ngôn này cũng là hình tượng hóa bài học sám hối ở trên: Israel tội lỗi lẽ ra phải bị phạt, nhưng Đức Giêsu đã xin Thiên Chúa cho họ một thời gian nữa để ăn năn, nếu họ không lo ăn năn thì hình phạt sẽ đến.

        Tuy bài học nhắm trực tiếp tới dân Israel, nhưng cũng nhằm gián tiếp tới chúng ta: mọi người đều tội lỗi, nên mọi người đều phải ăn năn sám hối.

 

BÀI 60: CHỮA MỘT PHỤ NỮ CÒNG LƯNG

   – CÁC DỤ NGÔN VỀ NƯỚC TRỜI (13,10-21)

I- CHỮA MỘT PHỤ NỮ CÒNG LƯNG (10-17)

        Sau tường thuật Đức Giêsu chữa một đứa trẻ bị kinh phong (9,37-43), Lc tạm ngưng suốt 3 chương, không tường thuật các phép lạ nữa. Mãi đến bây giờ, Lc mới lại ghi các phép lạ và từ đây cho đến lúc Đức Giêsu chết, chỉ có phép lạ này và 3 phép lạ nữa (14,1-6  17,11-19  18,35-43). Những phép lạ của loạt mới này không còn để dẫn khán giả đến câu hỏi ‘Giêsu là ai?’ nữa (11,14tt), nhưng mỗi phép lạ có một mục tiêu riêng.

c 10-11  Câu này giới thiệu khung cảnh và nhân vật

        – Khung cảnh: vào một ngày ‘sabbat’ và trong ‘hội đường’.

        – Nhân vật: một phụ nữ bị còng lưng đã 18 năm. Câu 16 phía sau cho thấy thêm tại sao Đức Giêsu chọn bà này để cứu chữa; đó là một ‘con cháu của Abraham’, nhưng ‘bị Satan trói buộc’.

        Trong khung cảnh như thế đó và với một nhân vật như thế đó, việc Đức Giêsu chữa bệnh có nghĩa là: điều mà Do thái giáo bất lực không làm nổi thì Đức Giêsu đã làm được. Do đó Ngài mới chính là trọng tâm của tôn giáo mới.

        Vài chi tiêt khác:

        – “bà không thể đứng thẳng lên được”: hầu như mất nhân cách. Khi Đức Giêsu đặt tay trên bà thì ‘tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa’: Đức Giêsu trả lại tư cách làm người và làm con Thiên Chúa cho bà.

c 14 Phản ứng: Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giêsu chữa bệnh trong ngày sabbat nhưng không dám nói thẳng với Ngài mà bói xiên xéo qua đám đông “Đã có 6 ngày làm việc thì đến mà xin chữa bệnh trong những ngày đó, đừng có đến vào ngày sabbat”. Nhiều người Do thái, nhất là nhóm pharisêu và luật sĩ, cho rằng việc chữa bệnh cũng là một việc không được phép làm trong ngày sabbat (6,7 và 14,1-2). Họ nghĩ vậy vì họ dựa vào Xh 20,9.

c 15-16 Phản ứng của Đức Giêsu:

        – Chú ý: Lc dùng tước hiệu ‘Chúa”. Với tư cách là ‘Chúa’ là chủ của ngày sabbat. Đức Giêsu có thẩm quyền giải thích luật về ngày đó. Ngài dùng lý luận a fortiori: luật rabbi cũng cho phép  cởi dây bò lừa và dắt chúng đi uống nước trong ngày sabbat, huống chi bà này: bà không phải là súc vật mà là ‘con cháu Abraham’, bà không chỉ khát bước mà còn ‘bị satan trói buộc đã18 năm’, chẳng lẽ lại không cởi trói cho bà sao! Việc làm và lời giải thích của Đức Giêsu giúp cho người ta hiểu đúng ý nghĩa của luật ngày sabbat: đó là ngày giải phóng, để tưởng niệm ơn giải phóng khỏi ách nô lệ Ai cập xưa (Đnl 5,14).

c 17 Bởi thế tất cả những kẻ chống đối Ngài phải xấu hổ, còn đám đông thì vui mừng.

II- NHỮNG DỤ NGÔN VỀ NƯỚC TRỜI (18-21)

        Tiếp theo Đức Giêsu nói 2 dụ ngôn (các chuyên viên gọi là dụ ngôn sinh đôi, nghĩa là cùng một ý nghĩa) để so sánh với Nước Thiên Chúa.

        – Hai hình ảnh: hạt cải được gieo xuống vườn, nấm men được vùi vào thùng bột.

        – Những chi tiết có ý nghĩa: a) nhỏ trở thành lớn  b) quá trình phát triển tuy âm thầm nhưng chắc chắn.

        Những dụ ngôn về Nước Thiên Chúa này được Đức Giêsu nối liền sau phép lạ chữa một phụ nữ còng lưng nên cũng có liên hệ với nhau: Hiện tại xem ra Nước Thiên Chúa còn quá nhỏ bé, nhưnmg vì nó có sức phát triển nội tại nên chắc chắn sau này nó sẽ lớn mạnh. Việc giải thóat một người con cháu Abraham hôm nay là dấu chỉ cho việc Nước Thiên Chúa giải phóng tất cả mọi người sau này.

        Ta cũng nên biết, ý tưởng về sức phát triển mạnh mẽ của Nước Thiên Chúa là môt ý tưởng quan trọng của Lc. Ông sẽ triển khai ý tưởng này trong sách Công vụ.

 

BÀI 61: CỬA HẸP – BỎ DO THÁI VÀ GỌI CHƯ DÂN (13,22-30)

I- GIẢI THÍCH

c 22 “Tiến lên thành Giêrusalem”: Đây là hướng đi của Đức Giêsu trong Tin Mừng Lc. Ở đây Lc nhắc lại một lần nữa điệp khúc này, hình như để đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc hành trình ấy (13,22-17,10)

c 23 Câu hỏi được đặt ra cho Đức Giêsu phản ánh quan tâm của người Do thái đương thời về số lượng những kẻ được cứu. Các nhóm khác nhau có những suy đoán khác nhau về số lượng này.

        a/ Pharisêu: ‘Mọi người Israel đều có phần trong thế giới sẽ đến’. (Sanhêdrin 10,1)

        b/ Essêni: chỉ những thành viên của nhóm họ mới được cứu.

        c/ Có nhóm còn bi quan hơn nữa: ‘Những kẻ hư mất sẽ đông hơn những người được cứu’ (4 Esdras 9,15); ‘Thế giới sẽ đến chỉ mang sự an ủi cho một số lượng nhỏ, còn đối với nhiều người thì nó chỉ mang đến khổ sầu’ (IV Er 5,47)

Khi đặt vấn đề dựa theo số lượng, người ta sẽ có thái độ không thích hợp: nếu mọi người Israel đều được cứu thì thái độ sẽ là ỷ lại; còn nếu có một số nhỏ được cứu thì thái độ sẽ là chán nản, cố gắng làm chi cho uổng công.

c 24 Câu trả lời của Đức Giêsu: Đức Giêsu không trả lời thẳng câu hỏi. Người ta hỏi về số lượng, Đức Giêsu trả lời về cách thức làm sao cho mình được ở trong số lượng những kẻ được cứu ấy.

        Không phải chỉ ở đây, mà nhiều lần khác, nhất là trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu thường chuyển hướng vấn đề. Lý do là người ta đã hiểu sai vấn đề nên mới hỏi sai như vậy. Đức Giêsu không trả lời đúng câu hỏi mà chuyển hướng để dưa vấn đề tới đúng chỗ của nó.

        – “Cửa hẹp”: hình ảnh diễn tả sự cố gắng. Cách thức để được cứu chính là phải cố gắng. Vào Nước Trời thì phải cố gắng nhiều (và khó khan như lạc đà chui qua lỗ kim (Mt 19,24; Mc 10,25; Lc 18,25).

        – “Qua cửa hẹp mà vào”: Động từ ‘qua’ (passer) giúp hiểu rõ hơn về sự cố gắng: Cố gắng làm điều gì? Thưa, cố gắng thay đổi cách sống. Có rất nhiều người đứng trước cái cửa hẹp ấy, nhưng chỉ những ai biết ‘đi qua’ (thay đổi cách sống) thì mới vào nhà được.

        – “Nhiều kẻ tìm vào mà không được”: nhiều người cho rằng câu này là thành phần của câu 25 kế tiếp ‘khi chủ nhà đứng lên khóa cửa lại rồi’. Nếu câu 2 này là nối tiếp nhau thì câu sau là lý do giải thích câu trước: tại sao nhiều kẻ tìm vào mà không được? Thưa, tại vì họ chậm chạp, không cố gắng đi vào kịp thời. Do đó, muốn vào Nước Trời, không phải chỉ cần cố gắng, mà còn phải nhanh nhẹn cho kịp thời nữa. Ở đây ta thấy thêm lý do thứ hai khuyến khích cố gắng thay đổi nếp sống: vì thời gian cấp bách lắm rồi, chẳng bao lâu nữa cửa sẽ đóng lại.

c 25 “Ta không biết các ngươi”: không phải là lời nói dối, nhưng là kiểu nói thông dụng của người Do thái diễn tả một sự chối từ không nhìn nhận kẻ trước mặt là người thân của mình.

        – “Từ đâu đến”: cũng là cách nói Do thái, đồng nghĩa với ‘là ai’ (Ta không biết các người là ai).

c 26 Những kẻ đã ‘từng ăn uống trước mặt’ Đức Giêsu và nghe Ngài ‘giảng nơi phố xá của họ’ tức là những người Do thái.

c 27 “Hữi những kẻ làm điều bất chính”: Đức Giêsu từ chối họ không phải vì họ là Do thái, mà vì họ làm điều bất chính. Không phải hễ thuộc dòng giống Israel, hễ là người đương thời với Đức Giêsu, hễ có liên hệ với Ngài hoặc đã có nghe Ngài giảng mà đương nhiên được vào Nước Chúa. Vấn đề quan trọng là phải đón nhận Ngài và thi hành những Lời Ngài dạy, vì ‘Phúc cho những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thi hành’ (11,28).

c 28-29 Ơn cứu độ và Nước Trời thường được mô tả bằng hình ảnh bữa tiệc, được ăn cùng bàn với các Tổ phụ và các Ngôn sứ (Is 25,6; Lc 14,15.16-24  22,16.18.30)

        – “Than khóc nghiến răng”: Đây không phải là những hình ảnh tả chân về Hỏa ngục, nhưng chỉ là một cách diễn tả tình trạng đau khổ. Thiên đàng và Hỏa ngục không phải là những nơi chốn, mà là những tình trạng. Newman đã viết: “Chúng ta tưởng rằng Thiên đàng là một nơi sung sướng nếu chỉ cần ta tới được nơi đó. Thế nhưng một người dữ dù có được đưa lên Trời cũng chẳng hề biết rằng mình đang ở trên trời. Trái lại, dù ở đó nó cũng cảm thấy lửa Hỏa ngục đang tiêu đốt trong lòng của nó…”

        – “Từ Đông Tây Nam Bắc”: Tất cả các dân chứ không riêng gì dân Do thái. Hễ ai thi hành Lời Chúa thì đều có thể vào Nước Chúa thay chỗ cho dân Do thái.

c 30 Mt ghi ‘những người sau rốt thành kẻ đầu tiên, và những kẻ đầu tiên thành người sau rốt’ (Mt 20,16). Lc sửa lại nhẹ hơn ‘có một số (certains) người sau rốt thành kẻ đầu tiên, và có một số kẻ đầu tiên sẽ thành người sau rốt’. Không phải là quy luật áp dụng cho tất cả những ai không thi hành Lời Chúa.

Thực tế đúng như vậy: một số lương dân đã vào GH trước hơn một số người Do thái (Cv 13,46-48  28,25-28)

II- KẾT LUẬN

        Vấn đề quan trọng để được cứu là theo lời mời gọi của Đức Giêsu và thi hành Lời Ngài, chứ không phải là thuộc dân Do thái, không phải là môn đệ Ngài, không phải là đã nghe Ngài giảng “Không phải những kẻ kêu Lạy Chúa, Lạy Chúa mà được vào Nước Trời, mà là những kẻ thi hành ý Cha trên Trời” (Mt 7,21).

 

BÀI 62: TRƯỚC CÁI CHẾT GẦN KỀ (13,31-35)

        Đoạn này gồm 2 phần: a/ Cảm nghĩ của Đức Giêsu về cái chết sắp tới (cc 31-33); b/ Lời Ngài nhắn gởi  thành Giêrusalem trước viễn tượng Ngài sắp chết (cc 34-35)

I- CẢM NGHĨ ĐỨC GIÊSU TRƯỚC CÁI CHẾT

c 31  Một số người pharisêu đến khuyên Đức Giêsu trốn đi kẻo bị Hêrôđê giết chết.

        – Lc không quá thành kiến với những người pharisêu như các tác giả Tin Mừng khác.

        – Lời khuyên của họ bề ngoài biểu lộ một ý tốt, những một số nhà bình luận cho đây là do ác cảm hơn là thiện cảm: họ mong Đức Giêsu đi cho khuất mắt.

        – Và lời khuyên này có vẻ khôn ngoan theo sự tính toán của người đời, bởi vì Hêrôđê (đây là Hêrôđê Antipas) là một tên gian hung, dám trừ khử bất cứ ai mà ông không thích.

c 32 – Dù Hêrôđê có mưu đồ gì đi nữa, Đức Giêsu vẫn coi thường. Do đó Ngài gọi ông là ‘con cáo’. Kiểu nói này đối với người Do thái hàm ý coi thường (nếu hàm ý nể sợ, người ta sẽ gọi là’con sư tử’)

        – Tai sao Đức Giêsu coi thường? Vì Ngài biết Hêrôđê chẳng thể làm gì được Ngài trước khi thời gian dành cho sứ mạng của Ngài kết thúc. Bởi đó Ngài nói: “Hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi”. Kiểu nói này (và kiểu nói ‘ngày thứ ba’) chỉ một thời gian ngắn, nên không được hiểu chính xác theo số học.

        – “Ngày thứ ba, tôi hoàn tất”: ‘Hoàn tất’ vừa có nghĩa thời gian là kết thúc, vừa có nghĩa sự nghiệp là đã đạt mục đích. Đức Giêsu chắc chắn sự nghiệp Ngài sẽ hoàn thành trong một thời gian ngắn nữa, không ai và không gì ngăn cản được.

        – “Vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không thể được”: Đức Giêsu báo trước Ngài sẽ chết trong thành thánh.

II NHẮN GỞI GIÊRUSALEM

c 34 Đức Giêsu đặt đối chọi nhau 2 điều hiển nhiên:

        a/ Đã bao lần Ngài (và xưa kia là các sứ giả của Thiên Chúa) cố gắng tập họp họ lại như gà mẹ tập họp gà con, hầu che chở họ khỏi tai họa là cuộc phán xét của Thiên Chúa về các tội lỗi của họ.

        b/ Vì thế, số phận của họ là sẽ bị Thiên Chúa bỏ mặc (Gr 12,7: Thiên Chúa bỏ mặc Giêrusalem cho dân ngoại tàn phá).

        – Vì dân Giêrusalem đã bị Thiên Chúa bỏ mặc mãi cho đến ngày họ phải nói: “Chúc tụng Đấng nhân danh Đức Chúa”. Câu này có hai lối giải thích:

  1. a) Đức Giêsu cho biết Giêrusalem sẽ trở lại vào ngày cuối cùng (21,24 và Rm 11,25-27)
  2. b) Đến ngày Đức Giêsu vào thành Giêrusalem cách long trọng như Vua Messia, dân Giêrusalem không ‘thấy’ (nghĩa là không nhận ra Ngài là Vua Messia), khi đó những kẻ ‘thấy’ và tung hô Ngài toàn là ‘đám đông các môn đệ Ngài’ (19,38). Mãi đến ngày tận thế họ mới ‘thấy’ Ngài, nhưng khi đó Ngài đến là để phán xét chứ không phảo để tập hợp họ và che chở họ khỏi phán xét như hôm nay.

III KẾT LUẬN

        Đoạn này được nối kết với tường thuật phía trước bởi chi tiết ‘cùng vào giờ ấy’. Tác giả muốn giải đáp tại sao ‘chủ nhà’ đóng cửa phòng tiệc không cho một số đông những người đương thời vào (13,25-27); Trước đây trong cuộc biến hình, độc giả của Lc đã được biết mơ hồ về ‘cuộc xuất hành Ngài sắp hoàn thành tại Giêrusalem’ (9,31). Bây giờ Đức Giêsu nói thêm về cuộc xuất hành đó, Giêrusalem không phải chỉ là một địa điểm kết thúc cuộc hành trình của Ngài (13,22) mà còn là nơi Ngài tử đạo (cc 31-32), thậm chsi là thành gây nên cái chết của Ngài (cc 34-35). Tội ác mà nhiều kẻ đương thời của Đức Giêsu phạm khiến họ bị từ chối không cho vào phòng tiệc chính là tội giết chết Ngôn sứ Giêsu tại thủ đô của dân biệt tuyển.