Bạo Lực Trong Kinh Thánh

print

Bạo Lực Trong Kinh Thánh

             Nguồn: Sách “Ơn Linh Hứng Và Chân Lý Của Sách Thánh”

trang 302-314

 

Việc trong Kinh Thánh, nhất là trong Cựu Ước, có nhiều trình thuật về bạo lực và sự tàn ác là một trong những trở ngại lớn đối với việc đón nhận Kinh Thánh như là lời được linh hứng. Có nhiều trường hợp, bạo lực và sự tàn ác lại còn do Thiên Chúa truyền dạy nữa; hoặc lắm khi đó là nội dung của những lời cầu nguyện hướng lên Đức Chúa; sau cùng, có nhiều trường hợp khác, bạo lực và sự tàn ác được tác giả thánh gán trực tiếp cho Thiên Chúa.

            Không nên coi thường sự khó chịu của độc giả thời nay. Thật vậy, sự thể trên đây khiến cho một số người có thái độ loại bỏ một số văn bản Cựu Ước, coi như là lỗi thời và không còn thích hợp để nuôi dưỡng đức tin nữa. Chính hàng giáo phẩm Công giáo đã nhận thấy những hàm ý mục vụ của vấn đề này, khi quyết định rằng trong phụng vụ công cộng, không nên đọc trọn vẹn các đoạn văn Kinh Thánh và những câu có thể gây sốc chi các Kitô hữu thì dứt khoát được bỏ đi. Do vậy, người ta có thể suy diễn không đúng rằng có một phần sách thách không được hưởng đoàn sủng linh hứng, vì có thể không “hữu ích để dạy dỗ, khiển trách, sửa chữa và để huấn luyện trong sự công chính” (2Tm 3,16)

            Thế nên, điều không thể bỏ qua là chỉ ra một số quy luật giải thích khả dĩ giúp cho có một lối tiếp cận đúng đắn hơn với truyền thống Kinh Thánh, cách riêng các bản văn đang có khó khan; những bản văn này, trong bất kỳ trường hợp nào, phải được giải thích trong văn mạch tổng thể của ách Thánh, tức là, dựa vào ánh sáng của thông điệp Tun Mừng là tình yêu, bao gồm cả tình yêu đối với kẻ thù nữa (x. Mt 5,38-48)

 

1/ Bạo lực và những phương thuốc luật pháp để chữa trị

            Ngay từ những trang đầu tiên, Kinh Thánh đã cho thấy bạo lực xâm nhập vào xã hội của con người (x. St 4,8.23-24; 6,11.13). Nguồn gốc của bạo lực nằm ở trong sự khước từ Thiên Chúa mang hình thức thờ ngẫu tượng (x. Rm 1,18-32). Sãhs Thánh tố giác và lên án bất kỳ hình thức áp bức nào, từ việc bắt làm nô lệ cho tới những cuộc chiến huynh đệ tương tàn, từ những cuộc xung đột cá nhân đến những áp bức có hệ thống, dù giữa các dân tộc với nhau hay trong nội bộ Israel (x. Am 1,3 – 2,16). Khi trình bày cho con người thấy những hệ quả đáng sợ của một trái tim đã ra băng hoại (x. St 6,5; Gr 17,1). Lời của Thiên Chúa có vai trò ngôn sứ. Lời mời gọi nhận ra sự dữ nhằm để tránh và chống lại.

            Để cổ võ sựhiểu biết điều thiện cần phải thi hành (x. Rm 3,20) và để thúc đẩy tiến trình hoán cải. Sách Thánh công bố luật của Thiên Chúa, như một cái thắng để kìm lại sự lan tràn của bất công. Torah của Thiên Chúa không những chỉ ra con đường của sự công chính ai ai cũng được mời gọi trung thành đi theo, nhưng còn truyền phải có thái độ nào trước mặt người lỗi phạm, để cho sự dữ bị khu trừ (x. Đnl 17,12; 22,21.22.24; v.v…) để các nạn nhân được đền bù và binh an được tái lập. Một sự áp đặt như thế không thể bị kết án là bạo lực được. Sự trừng phạt thật ra là cần thiết, không phải chỉ để cho thấy rõ sự gian ác và nguy hiểm của tội ác nhưng, vượt quá việc đưa ra một sự thưởng phạt công minh, sự trừng phạt còn nhằm mục tiêu là sửa chửa người lỗi phạm và, khi khơi lên tâm tưởng sợ bị phạt, nó giúp cho xã hội cũng như cá nhân giữ cho mình khỏi làm điều ác. Hủy bỏ hoàn toàn sự trừng phạt có lẽ cũng tương đương với việc dong dưỡng tội ác, trở thành những kẻ đồng lõa với tội ác. Hệ thống hình phạt, dược chi phối bởi “luật talion”, gọi là luật trả báo (“mắt đền mắt, răng đền răng”: Xh 21,24; Lv 24,20; Đnl 19,21) là một phương thế hữu lý để cổ võ công thiện. Dẫu bất toàn vì có những phương tiện cưỡng chế và một số những cách thức trừng phạt, một hệ thống như thế đã được đón nhận, với những điều chính thích hợp, bởi hệ thống tư pháp của mọi thời đại và mọi xứ sở, bởi vì hệ thống này được đặt căn bản một cách lý tưởng trên tính cách tương xứng giữa tội ác với sự trừng phạt, giữa thiệt hại đã gây ra với thiệt hại phải chịu đựng. Thay vì trả thù độc đoán, người ta đã ra một giới hạn cho sự phản ứng công bình đối lại một điều gian ác.

            Người ta có thể phản bác rằng một số biện pháp trừng phạt đã được bộ luật của Cựu Ước tiên liệu ra như tàn ác không thể chịu đựng được (chẳng hạn như việc đánh đòn -x. Đnl 25,1-3 – hoặc chặt tay – Đnl 25,11-13) và thậm chí án tử hình được tiên liệu cho các tội ác nghiêm trọng nhất ngày nay cũng được tranh cãi ở rất nhiều nơi. Đối diện với những bản văn như thế, độc giả Kinh Thánh phải nhìn nhận một đàng là tính cách lịch sử của luật pháp theo Kinh Thánh, ngày nay đã trở thành lỗi thời nhờ một sự am hiểu sâu xa hơn về những quyền lợi bất khả nhượng của ngôi vị con người, trong việc thực thi công lý; đàng khác là những chỉ thị cổ xưa được lưu ký trong Kinh Thánh củng cố chức năng cảnh giác về tính cách nghiêm trọng của một số tội ác, đòi hỏi phải có biện pháp thích đáng để tránh làm cho sự dữ lan tràn.

            Trong Sách Thánh, khi tác giả gán cho Thiên Chúa và cho vị thẩm phán con người thái độ phẫn nộ khi thực thi công lý trừng phạt, thì đó không phải là một cách xử sự không thích hợp: thực vậy, không được để cho sự dữ không bị trừng phạt, và quan trọng là các nạn nhân phải được trợ giúp và được đền bù. Trên một bình diện khác, Kinh Thánh liên kết cái nhìn về một Đấng Thiên Chúa nhẫn nại, chịu đựng (x. Xh 34,6; Ds 14,18; Tv 103,8; v.v…) và nhất là mở rộng sẵn sàng thứ tha cho những người lỗi phạm (x. Is 1,18; St 4,11), sự tha thứ được ban cho những người biết ăn năn sám hối bằng lời nõi và hành động (x. St 3,10; Ed 18,23). Kinh Thánh đề ra cho con người, người chịu trách nhiệm về công lý và sự an hòa trong xã hội, khuôn mẫu của Thiên Chúa, Đấng nối kết sự nghiêm ngặt và kỷ luật cần thiết với viễn quan của sự tha thứ đẻ con người có thể noi theo.

 

2/ Luật tru diệt

            Cách riêng trong sách Đệ Nhị Luật, chúng ta đọc thấy Thiên Chúa truyền cho Israel phải tận diệt các dân tộc Canaan và phó chúng cho lời nguyền của hủy diệt (x. Đnl 7,1-2; 20,16-18). Giôsuê trung thành thực hiên (x. Gs 6-12) và cũng được thực hiện trong thời kỳ đầu tiên của thể chế quân chủ (x. 1Sm 15). Những bản văn này là cực kỳ gai góc, thậm chí còn hơn tất cả các cuộc chiến tranh và những việc tàn sát được Cựu Ước thuật lại nữa. Ta không thể chấp nhận dựa vào những bản văn ấy để hợp thực hóa một chính sách phò dân tộc chủ nghĩa, biện minh cho bạo lực để chống lại các dân tộc khác, điều này thật ra làm sai lệch ý nghĩa của thông điệp Kinh Thánh.

            Cần phải bắt đầu bằng cách ghi nhận rằng những bản văn này không được trình bày như là những trình thuật có tính cách lịch sử: quả vậy, trong một cuộc chiến tranh thật sự, các tường lũy của một thành phố không thể nào sụp đổ do bởi tiếng kèn (x. Gs 6,20) và ta cũng không hiểu là việc phân chia trong hòa bình các miền đất bằng cách rút thăm thực sự đã diễn ra như thế nào (x. Gs 14,2). Đằng khác luật pháp trong sách Đệ nhị luật truyền phải tru diệt những người Canaan có hình thức thành văn ở vào một một thời đại lịch sử lúc các dân tộc này không còn hiện hữu trên đất của Israel nữa. Vì thế, cần phải cẩn thận xác định lai văn loại của những trình thuật này. Như những nhà giải thích tuyệt nhất của truyền thống giáo phụ đã gợi ý, trình thuật bản hùng ca đánh chiếm đất có thể hiểu như một loại dụ ngôn, trình bày những nhân vật có giá trị biểu tượng. Còn luật liên quan đến việc tru diệt đòi có một sự giải thích không phải theo nghĩa sát chữ, tương tự như trường hợp lệnh truyền của Chúa dạy phải chặt tay hoặc móc mắt, nếu như chúng gây ra cớ vấp phạm (x. Mt 5,29; 18,9).

            Như vậy, chúng ta cần phải tìm biết đường hướng để đọc những trang khó này như thế nào. Phương diện tranh cãi thứ nhất về truyền thống văn chương đã được nhắc đến là việc đánh chiếm đất, được hiểu như là hủy diệt cư dân của một miền đất và thay vào đó bằng những người chiếm đóng. Việc nại vào quyền của Thiên Chúa để phân chia miền đất, vì cho mình là những người được Người ưu tiên chọn lựa (x. Đnl 7,6-11; 32,8-9) chắc chắn không là thuyết phục, bởi vì việc đó chối bỏ những đòi hỏi hợp pháp của những dân tộc địa phương. Dằng khác, những lối tiếp cận thuyết phục hơn thật ra đã được chính bản văn kinh Thánh cung cấp rồi. Trước hết, trình thuật trình bày sự xung đột giữa hai nhóm có sức mạnh kinh tế và quân đội khác nhau: nhóm của người Canaan, rất mạnh (x. Đnl 7,1; cũng x. Ds 13,33; Đnl 1,28; Am 2,9; v.v…) và nhóm của người Israel, yếu và không có khả năng phòng vệ. Vì thế, trình thuật không kể lại – để làm khuôn mẫu – chiến thắng của kẻ mạnh nhất, nhưng ngược lại, chiến thắng của người bé mọn, phù hợp với một “kiểu mẫu” đã được chứng nhận trong tất cả Kinh Thánh cho đến tận Tân Ước (Lc 1,52; 1Cr 1,27). Điều này trình bày một cách đọc lịch sử theo tinh thần ngôn sứ, tức là nhìn thấy chiến thắng của những người “hiền lành”, trong một cuộc thánh chiến, chính sự thiết lập của Vương Quốc Thiên Chúa trên mặt đất này. Ngoài ra, theo chứng từ của Kinh Thánh, những người Canaan bị Thiên Chúa coi là lỗi phạm về nhiều tội ác nghiêm trọng (x. St 15,16; Lv 18,3.24-30; 20,23; Đnl 9,4-5; v.v…) trong số đó có tội giết những đứa trẻ con của họ trong các nghi lễ đồi bại (x. Đnl 12,31; 18,10-12). Như vậy trình thuật trình bày sự thực thi công lý của Thiên Chúa trong lịch sử. Và ông Giosuê tỏ ra là “người tôi tớ của Đức Chúa” (Gs 24,29; Tl 2,8) khi nhận trách nhiệm thực thi công lý này: các chiến thắng của ông luôn được gán cho Đức Chúa và cho quyền năng siêu phàm của Người. Vì thể mô típ văn chương về việc xét xử các dân đã xuất hiện ngay từ những trình thuật đầu tiên của Kinh Thánh rồi, khji được các ngôn sứ và các văn phẩm khải huyền chứng nhận, nó sẽ được áp dụng cho các dân tộc khác. Mỗi khi Đức Chúa xét xử thì một dân tộc – điều này sẽ là trường hợp của Israel – đáng bị trừng phạt.

            Vì thế, liaạt tru diệt và việc áp dụng chính xác luật đó phải được những người tín hữu của Chúa hiểu theo những đường hướng trên. Luật pháp như thế có nền tảng là định nghĩa của dân Giao Ước là dân thánh (x. Đnl 7,6) điều này có thể biểu thị, theo một thái đọ cư xử có thể là cực đoan rằng họ hoàn toàn khác với các dân tộc khác. Hắc chắn Thiên Chúa không truyền dạy họ gây ra những sự hiếp đáp mà lại được biện minh căn cứ vào những lý do tôn giáo, nhưng Người đòi họ tuân theo một bổn phận của sự công bằng, tượng tự như sự truy nã, kết án, và xử tử một người phạm trọng tội – dù đó là một cá nhân hay một tập thể. Tỏ lòng thương xót người phạm trọng tội, khi tha cho hắn, được coi như là một hành vi bất tuân phục và bất công (x. Đnl 13,9-10; 19,13.21; 25,12; 1Sm 15,18-19; 1V 20,42). Vò thế, trong trường hợp này, hành vi xét theo bên ngoài là bạo lực phải được xem như là nhiệt tâm muốn xóa bỏ sự dữ và như vậy bảo vệ được công ích. Dòng văn chương và thần học này được cân bằng nhờ những dòng văn chương và thần học khác – trong số đó có văn chương tư tế – , khi đối diện với những sự kiện tương tự, những dòng văn chương và thần học này đã khơi lên một hướng đi an hòa rất rõ rệt. Vì thế, cần phải hiểu toàn thể biến cố đánh chiếm đất như là một loại biểu tượng, tương tự với những gì chúng ta đọc trong một số dụ ngôn Tin Mừng về việc xét xử (x. Mt 13,30.41-43.50;25,30.41; v.v…). Trình thuật về việc đánh chiếm đất này đã được đấu kết với những trang khác trong Kinh Thánh nói đến lòng thương cảm và sự tha thứ của Thiên Chúa – cả hai tạo nên một quang cảnh chung và mục đích của mỗi hành động có tính cách lích sử của Vị Chúa Tể toàn cõi đất, và nên khuôn mẫu để cho con người biết hành động chính trực.

 

3/ Lời cầu nguyện đòi báo oán

            Diễn tả bạo lực trong lời kinh là điều đặc biệt không thích hợp. Thế nhưng ngay trong tập Thánh vịnh, chúng ta thấy có những kiểu nói bộc lộ hận thù và ao ước báo thù là những điều hoàn toàn tương phản với những tâm tình yêu mến phải có đối với những kẻ thù, đã được Đức Giêsu dạy cho các môn đệ của Người (x. Mt 5,44; Lc 6,27.35). Đang khi vẫn tôn trọng quyết định khôn ngoan là bỏ ra khỏi phụng vụ những đoạn văn có thể là lý do gây cớ vấp phạm, thì cũng cần đưa ra một vài giải thích giúp những người tín hữu hôm nay có thể lấy toàn thể gia sản kinh nguyện của Israel làm lời cầu nguyện của chính mình, như trong quá khứ đã từng như thế.

            Cách thức chính giúp giải quyết và tiến nhận những kiểu nói khó khăn trong các Thánh vịnh là hiểu văn loại của các Thánh vịnh. Như thế có nghĩa là không được hiểu sát chữ những kiểu nói chúng ta đọc thấy trong các Thánh vịnh. Trong những lời cầu nguyện khẩn nài và than van, do một người đang bị bách hại thốt lên để cầu nguyện, thường thấy có mô típ “nguyền rủa”; đây như là một lời kêu cầu tha thiết dâng lên Đức Chúa, để xin Người thực hiện ơn cứu thoát qua việc loại bỏ đi những kẻ địch thù. Trong một số Thánh vịnh, chiều kích báo oán này trở thành dai dẳng hoặc có khi còn thống lĩnh toàn Thánh vịnh nữa (như Tv 109 chẳng hạn). Nếu các cách diến tả văn chương được tác giả Thánh vịnh sử dụng có chừng mực (chẳng hạn: “Xin bắt chúng phải quay về và xấu hổ, nhưng kẻ mưu sự dữ chống con”, Tv 35,4), thì có thể đưa vào thành lời cầu nguyện dễ dàng hơn. Chính những hình ảnh thô bạo mới là những gì nan giải nhất (chẳng hạn như: “Vì tình yêu của Ngài, xin Ngài hủy diệt những kẻ thù của con” – Tv 143,12 hoặc: “Hỡi Cô Gái Babylon đáng thương, phúc thay những kẻ đáp trả cho ngươi những tai ương ngươi đã làm cho chúng ta, phúc thay những kẻ nắm lấy các trẻ thơ của ngươi mà đập chúng vào tảng đá!” – Tv137,8-9). Ở đây có ba phương diện đáng được xem xét.

            a/ Người đang cầu nguyện: con người đau khổ

            Văn loại than van hay sử dụng những kiểu nói phóng đại và trầm trọng hóa, cả trong cách miêu tả đau khổ, đau khổ bao giờ cũng là cực kỳ (“Chúng đâm thủng các tay và chân của con; con có thể đếm được hết ccs xương của mình”, Tv 22,17-18; “Những kẻ ghét con vô cớ nhiều hơn cả tóc trên đầu con”, Tv 69,4), lẫn trong lời cầu xin các phương dược cứu chữa: phải nhanh chóng và dứt điểm. Sở dĩ như thế là vì những lời cầu nguyện này diễn tả tâm trạng cảm xúc của người đang ở trong tình trạng bi thương. Vì thế, những tình cảm họ đang có không thể giữ cho họ được bình tĩnh và những lời lẽ của họ tựa như tiếng kêu gào (x. Tv 22,2). Dù sao, các hình ảnh được sử dụng này là những hình ảnh so sánh: “Bẻ gãy răng của những kẻ gian ác” (Tv 3,7; 58,7) có nghĩa là đặt dấu chấm hết cho những lời dối trá và tính tham lam của những kẻ áp bức; “Đập những đứa con của chúng vào tảng đá” (x. v 137,8-9) nghĩa là hủy diệt đi để cho trong tương lai những sức mạnh tác oai tác quái muốn phá hủy sự sống không còn dịp xuất hiện nữa; và còn nhiều lời khác tương tự như thế. Ngoài ra, người đang dùng Thánh vịnh để cầu nguyện sử dụng những từ ngữ do người khác viết ra trong những hoàn cảnh khác. Thế nên, luôn cần phải thực hiện một cuộc hoán chuyển để áp dụng những lời ấy vào trong kinh nghiệm thực tiến của mình; sự hiện tại hóa như thế sẽ đạt kết quả hơn. Nếu như lời cầu nguyện than van không chỉ được hiểu như là cách diến tả hoàn cảnh của riêng của người đang cầu nguyện, nhưng như là tiếng kêu thương của tất cả những nạn nhân suốt dòng lịch sử, như tiếng kêu của các chứng nhân (x. Kh 6,10) đang nài xin Thiên Chúa để “con thú” dữ tợn bị trừ khử vĩnh viễn khỏi mặt đất.

            b/ Người đang cầu nguyện nài xin gì?

                “Xin cứu chúng con cho khỏi Ác thần”

            Lời cầu nguyện nguyền rủa không có ý thực hiện một hành động ma thuật có thể tạo ra hiệu quả trực tiếp cho kẻ thù của mình. Ngược lại, người đang cầu nguyện phó thác cho Thiên Chúa sứ mạng thực hiện công lý mà ngoài Thiên Chúa ra, không ai có thể thiết lập được trên cõi đất này. Lời cầu nguyện này hàm ý từ chối sự trả thù của riêng bản thân (x. Rm 12,19; Hr 10,30) và, hơn nữa, còn bày tỏ lòng tin tưởng vào hoạt động của Đức Chúa tương xứng với sự trân trọng của hoàn cảnh, hoàn toàn hợp với chính bản tính của Thiên Chúa. Những kiểu nói được những người đang cầu nguyện sử dụng ra như muốn chỉ cho Thiên Chúa biết cách để hành động; nhưng hiểu cho đúng, những kiểu nói ấy chỉ diến tả nỗi niềm khao khát sao cho sự dữ bị hủy diệt, cho những người khiêm tốn bị chà đạp được sống. Và lời kinh nguyện dâng lên Thiên Chúa muốn xin cho điều đó được xảy ra trong lịch sử, để biểu lộ Đức Chúa cho người ta thấy (x. Tv 35,27; 59,14; 109,27) và như vậy đem đến cho những con người bạo lực đó cơ hội hối cải (x. Tv 9,21; 83,18-19). Sự bách hại đối với người đang cầu nguyện, trong một số trường hợp, được coi như là một sự gây hấn chống lại Thiên Chúa (x. Tv 2,2; 83,3.13) thường có kèm theo thái độ khinh thị Đức Chúa (x. v 10,4.13; 42,4; 73,11)

            c/ Những kẻ thù của người đang cầu nguyện là ai?

            Nhận diện những kẻ thù của người đang cầu nguyện không đơn thuần là một vấn đề thuộc về chú giải, nhằm cho thấy những nhân vật nào tác giả thánh muốn ám chỉ, và trong những hoàn cảnh lịch sử nào tác giả thánh đã viết lại. Trong thực tế, hoàn cảnh được miêu tả trong các Thánh vịnh (than van) phần lớn là theo công thức có sẵn: ngôn ngữ theo cách ước lệ và thường có hình ảnh so sánh phóng khoáng, để có thể áp dụng được vào nhiều hoàn cảnh khác nhau và vào những loại chủ đề khác. Một hành vi “ngôn sứ” để giải thích trong Thần Khí như thế là cần thiết để hiểu những lời của tác giả Thánh vịnh áp dụng vào đời sống cụ thể của người đang ngâm nga Thánh vịnh than van như thế nào, và để nhận ra trong câu chuyện cụ thể này, kẻ thù đang đe dọa tác giả là ai (như trong Cv 4,23-30).

            Việc nhận diện kẻ thù tiến bộ hơn khi người ta khám phá thấy rằng kẻ thù không thuần túy là những con người đang đe dọa sự sống thể lý hoặc phẩm giá của con người, nhưng đúng hơn là sức mạnh đang đe dọa đời sống thiêng liêng của con người đang cầu nguyện (x. Mt 10,28). Những sức mạnh thù nghịch mà người ta tin đang phải đương đầu là gì? Ai, hoặc cái gì tượng trưng cho “con sư tử đang cắn xé và gầm lên” (Tv 22,14; 1Pr 5,8) hoặc “cái lưỡi của con rắn chứa nọc độc” (Tv 140,4) mà người ta phải thù ghét nó không thương tiếc (x. Tv 26,5; 139,21-22) và phải tìm ở nơi Thiên Chúa sự hủy diệt dành cho nó (x. Tv 31,18)? “Chúng ta không chiến đấu với những kẻ thù thuộc loại máu và thịt”, thánh Phaolô viết như thế (Ep 6,12); đó là Kẻ dữ, vốn đông như là “Đạo binh” (Mc 5,9), mà người đang cầu nguyện xin cho mình được thoát khỏi, bằng một việc trừ quỷ, nhờ lòng thương xót đầy quyền năng của Thiên Chúa. Và, như trong bất kỳ lần trừ quỷ nào, những lời nói là cứng cỏi gay gắt, bởi vì những lời ấy diến tả sự thù địch tuyệt đối giữa Thiên Chúa với sự dữ, giữa các con cái của Thiên Chúa với thế giới của tội (Gc 4,4)