Thánh Grêgôriô Cả

print

THÁNH GRÊGÔRIÔ CẢ

Giáo Hoàng, Tiến Sĩ Hội Thánh (540 – 604)

Kính thưa quý vị, các bạn thân mến, trong lịch sử Giáo hội, mỗi khi niềm tin của các tín hữu gặp khó khăn thử thách, Thiên Chúa lại cho xuất hiện một vị thánh để nâng đỡ đời sống và củng cố đức tin cho họ. Thánh giáo hoàng Grêgôriô Cả mà hôm nay Giáo hội mừng kính đã xuất hiện trong hoàn cảnh như thế. Ngài là vị giáo hoàng thứ hai được tuyên phong tước hiệu “Tiến sĩ Hội Thánh” và là một trong bốn vị tiến sĩ của Tây phương.

Thánh nhân được sinh ra vào khoảng năm 540 trong một gia đình danh giá và đạo hạnh tại Roma. Cha ngài là ông Gordianô một nghị viên được mọi người trong xã hội tôn trọng, và mẹ ngài là bà Sylvia một người phụ nữ đức hạnh. Theo bước thân phụ, Grêgôriô đã tham gia vào con đường quan quyền và từng giữ chức tổng trấn ở Rôma khi mới 34 tuổi (574). Thế nhưng đời sống nơi quan trường không làm cho ngài thỏa mãn. Tận sâu thẳm trong lòng ngài được Chúa thôi thúc nên đã từ bỏ mọi chức tước trong xã hội để bắt đầu cuộc sống đan tu năm ngài 35 tuổi.

Được thừa kế số tài sản lớn của người cha, Grêgôriô đã dùng số tiền ấy thiết lập bẩy tu viện. Năm năm sau, ngài được phong chức phó tế được coi sóc một trong bảy miền ở Roma và được cử đi Constantinopple làm đại diện cho Đức giáo hoàng. Sau đó ngài được chọn làm giám mục Rôma. Vào ngày 3 tháng 9 năm 590 sau khi Đức Giáo Hoàng Pêlagiô II qua đời, Grêgôriô được chọn lên ngôi kế vị thánh Phêrô. Lúc ấy thành Roma gặp thiên tai và cơn đại dịch tàn phá, Giáo hoàng Grêgôriô đã tổ chức những cuộc hành hương cầu nguyện trong thành phố. Đang lúc cầu nguyện, ngài thấy tổng lãnh thiên thần hiện ra tay cầm thanh gươm sáng. Thiên thần vừa tuốt gươm ra, cơn đại dịch bỗng nhiên ngừng hẳn, vì thế người dân Roma chào đón Đức giáo hoàng mới như một vị thánh làm được phép lạ. Triều đại của đức giáo hoàng Grêgôriô kéo dài trong mười bốn năm (590-604), đó là khoảng thời gian dân thành Roma đang suy sụp tinh thần vì quân đội của Lombardi quấy phá. Thêm nữa, đời sống đạo ở các địa phận có phần lỏng lẻo, điều này đòi hỏi vị giáo hoàng phải hết sức khôn ngoan can đảm dành trọn sức mạnh tinh thần và sự thánh thiện mới có thể quản trị và điều hành giáo triều.

Thánh giáo hoàng Grêgôriô đã được trao danh hiệu Grêgôriô Cả vì những đóng góp đáng kể của ngài cho Giáo hội. Ngài có sự hiểu biết sâu sắc về Kinh Thánh và các vị Giáo phụ. Ngài đã biên soạn nhiều tác phẩm có giá trị. Bút tích của ngài còn lưu lại trong tập “Những bài giảng luân lý trong sách Gióp”, bài giảng về sách ngôn sứ Ezekiel, bài giảng về Tin Mừng và “Những hướng dẫn mục vụ”. Thánh giáo hoàng Grêgôriô còn được gọi là “tông đồ của nước Anh” vì chính ngài đã ao ước đi truyền giáo để cải hóa lương dân ở vùng Saxon. Vì hoàn cảnh không cho phép nên ngài đã trao phó nhiệm vụ đó cho các đan sĩ thuộc đan viện thánh Andrê đảm nhiệm. Ngài luôn chăm lo giúp đỡ người nghèo, củng cố và truyền bá đức tin. Hoạt động của thánh nhân luôn được nuôi dưỡng nhờ đời sống chiêm niệm.

Thánh giáo hoàng Grêgôriô đã dâng cả cuộc đời để phụng sự Chúa và Giáo hội trong cương vị là “tôi tớ của những tôi tớ”. Ngài qua đời ngày 12 tháng 3 năm 604 khi vừa đúng 64 tuổi và được mai táng trong đại giáo đường thánh Phêrô. Để nói về cuộc đời của ngài, người ta khắc trên bia mộ của ngài dòng chữ Latin là “Chánh án của Thiên Chúa”. Khi đế quốc Roma đang hồi hấp hối, thánh Grêgôriô là điểm nối giữa thời các giáo phụ với thời các giáo hoàng, giữa vinh quang của thành Roma lịch sử với vinh quang của kinh thành Thiên Chúa.

Đời sống phục vụ và gương mẫu của thánh Grêgôriô mời gọi chúng ta thêm lòng yêu mến Chúa và Giáo hội, bởi lẽ khi sự thánh thiện trong Giáo hội gặp khó khăn, có nghĩa là thân mình Chúa Kitô cũng gặp thử thách. Thánh nhân đã từng giảng dạy rằng: “Người phạm tội không đuổi Chúa bằng lời nói nhưng bằng chính việc làm của họ”. Ở mọi thời, Giáo hội luôn cần đến những tâm hồn thánh thiện mới có thể giữ vững đức tin trước bao thế lực của trần gian, mới đứng vững trước bao cơn cám dỗ của hưởng thụ, quyền lực và tiền bạc vật chất. Là thành phần của Giáo hội, chúng ta được mời gọi noi gương thánh Grêgôriô Cả trong việc sống và làm chứng cho Chúa trước mọi nghịch cảnh.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con ý thức ơn gọi nên thánh của mình, đồng thời biết nỗ lực cộng tác với ơn Chúa xây dựng Giáo hội thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô luôn vững mạnh và tràn đầy sức sống tình thương. Amen.

Nt. Anh Thư   

RV