Man-Na Lương Thực Hàng Ngày Tuần III Mùa Vọng

print

Man-Na Lương Thực Hàng Ngày Tuần III Mùa Vọng

 Chúa Nhật 3 Mùa Vọng, Năm B.

Thứ Hai tuần 3 Mùa Vọng.

Thứ Ba tuần 3 Mùa Vọng.

Thứ Tư tuần 3 Mùa Vọng.

Thứ Năm tuần 3 Mùa Vọng.

Thứ Sáu tuần 3 Mùa Vọng.

 

NGƯỜI LÀM CHỨNG

Chúa Nhật 3 Mùa Vọng, Năm B

Lời Chúa: Ga 1, 6-8.19-28

Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.

Và đây là lời chứng của ông Gioan, khi người Do Thái từ Giêrusalem cử một số tư tế và mấy thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Ðấng Kitô”. Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Êlia không?” Ông nói: “Không phải.” – “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” Ông đáp: “Không.” Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?” Ông nói: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Ðức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói”. Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pharisêu. Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Ðấng Kitô, cũng không phải là ông Êlia hay vị ngôn sứ?” Ông Gioan trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Các việc đó đã xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan, nơi ông Gioan làm phép rửa.

Suy niệm

Trong bài Tin Mừng trên đây

cụm từ làm chứng được dùng đến bốn lần.

Lẽ sống của Gioan là làm chứng.

Ông được sai đến để làm chứng (x. c.6-7).

Cả câu chuyện xảy ra ở Bêtania, bên kia sông Giođan,

cũng là một lời chứng hùng hồn của ông (c.19).

Gioan không làm chứng cho mình hay về mình,

bởi lẽ ông không phải là Ánh Sáng.

Ông chỉ là ngọn đèn (Ga 5,35)

giúp mọi người tin vào Ánh Sáng thật là Ðức Kitô.

Sau khi nhiều người tuốn đến chịu phép rửa,

tiếng tăm của Gioan trở nên lừng lẫy.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo cử một phái đoàn

đến tìm hiểu con người ông.

Khi được hỏi lần thứ nhất: Ông là ai?

Gioan đã đưa ra ba câu trả lời phủ định:

“Tôi không phải là Ðức Kitô” – “Không phải” – “Không”.

Những tiếng không dứt khoát và trung thực.

Ông không nhận những danh hiệu người ta nghĩ về ông.

Ông chẳng phải là một Êlia tái giáng

hay một vị Ngôn Sứ phi thường như Môsê.

Gioan chỉ sợ người ta đánh giá quá cao về mình

khiến Ðấng ông giới thiệu bị che khuất.

Lần thứ hai được hỏi: Ông là ai?

Gioan đã định nghĩa mình là một tiếng hô trong hoang địa,

là lời mời gọi con người sửa đường cho Ðức Kitô.

Ông biết rõ mình là người đến trước

nhưng vị đến sau lại có trước ông

và trổi vượt hơn ông ngàn trùng (Ga 1,30).

“Tôi không đáng cởi quai dép cho Người.”

Làm đầy tớ cho Ðức Kitô, ông nhận mình không xứng.

Gioan tự xóa mình trước Ðức Kitô.

Ông chẳng sợ mất uy tín trước bao người ngưỡng mộ.

Ông nhìn nhận phép rửa của ông chỉ nhằm chuẩn bị

cho một phép rửa lớn hơn trong Thánh Thần.

Gioan không ngại giới thiệu môn đệ mình theo Ðức Giêsu,

và ông bình an khi người ta đổ xô đến với Ngài

để chịu phép rửa (Ga 3,26).

Có ai siêu thoát như Gioan?

Ông từ bỏ trong niềm vui hồn nhiên.

Ông hạnh phúc vì mình đã hoàn thành sứ mạng.

“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30).

Sự khiêm hạ làm cho lời chứng của Gioan đáng tin hơn.

“Có một vị đang ở giữa các ông

mà các ông không biết.”

Hôm nay Ðức Giêsu vẫn là Ðấng xa lạ với nhiều người.

Con người vẫn khắc khoải đi tìm những nẻo đường cứu độ,

trong khi Ðấng Cứu Ðộ đã đến từ 2000 năm.

Xin được làm người chứng như Gioan,

giới thiệu cho bạn bè Ðấng mà họ đang tìm kiếm.

Cầu nguyện

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế Nguời là tất cả của tôi.

Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,

đến với Người trong mọi sự,

và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.

Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,

nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người

và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi. Amen. (R. Tagore).

 

 

 

 

GIOAN LÀ MỘT NGÔN SỨ

Thứ Hai tuần 3 Mùa Vọng

Lời Chúa: Mt 21, 23-27

Khi ấy, Ðức Giêsu vào Ðền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?” Ðức Giêsu đáp: “Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” Họ mới nghĩ thầm: “Nếu mình nói: “Do Trời”, thì ông ấy sẽ vặn lại: “Thế sao các ông lại không tin ông ấy?” Còn nếu mình nói: “Do người ta”, thì lại sợ đám đông, vì ai nấy đều cho ông Gioan là một ngôn sứ.” Họ mới trả lời Ðức Giêsu: “Chúng tôi không biết.” Người cũng nói với họ: “Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”

Suy Niệm

“Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?

Ai đã cho ông quyền ấy” (c. 23).

Hai câu hỏi của giới lãnh đạo tôn giáo ở Giêrusalem đặt cho Đức Giêsu.

Làm các điều ấy là vào thành thánh giữa đoàn dân tung hô vang dội,

là đuổi những người buôn bán trong Đền thờ,

là chữa bệnh và giảng dạy ở đó (Mt 21, 12-15).

Ai là Đấng đã cho ông Giêsu quyền ấy?

Đây không phải là câu hỏi để thượng tế và kỳ mục tìm thông tin.

Đây là câu hỏi để họ tìm thêm lý lẽ nhằm bắt bẻ Đức Giêsu khi có dịp.

Đức Giêsu đã không trực tiếp trả lời câu hỏi này.

Hay đúng hơn Ngài trả lời bằng cách đặt một câu hỏi khác (c. 24).

Ngài chỉ hỏi họ đúng một điều thôi, về nguồn gốc phép rửa của Gioan.

“Do trời hay do người phàm”, do Thiên Chúa hay do loài người (c. 25).

Câu hỏi này lập tức đưa họ vào thế bị động, lưỡng nan.

Nếu do Thiên Chúa, tại sao họ lại không tin Gioan? (c. 25).

Nhưng họ lại không dám bảo phép rửa của Gioan là do người phàm,

vì dân chúng tin Gioan là một ngôn sứ (c. 26),

nghĩa là người của Thiên Chúa, người được sai để nói lời của Ngài.

Các thượng tế và kỳ mục đã không dám trả lời câu hỏi của Đức Giêsu.

Nếu nhìn nhận phép rửa của Gioan là đến từ Thiên Chúa,

thì họ cũng phải nhìn nhận Đức Giêsu,

vì Gioan làm chứng Đức Giêsu là Đấng Mêsia.

Điều này thì họ không hề muốn, vì nó đòi họ phải thay đổi cuộc sống,

thay đổi mọi lối suy nghĩ và mọi niềm tin xưa nay.

Ngược lại nếu coi thường phép rửa của Gioan, họ lại sợ dân chúng.

Họ không dám đi ngược với cái nhìn của dân, vì muốn được lòng dân.

Rõ ràng họ không có tự do để chọn một trong hai.

Đức Giêsu đã bắt họ phải công khai quan điểm của mình.

Nhưng họ đã chọn thái độ né tránh: “Chúng tôi không biết.” (c. 27).

Nói câu này trước mặt dân chúng thì quả là khó nghe và khó tin.

Làm sao họ lại không biết chuyện quan trọng đó?

Vì họ không thỏa mãn điều kiện Đức Giêsu đưa ra (c. 24),

nên Ngài sẽ không trả lời cho họ biết Ngài dùng quyền nào (c. 27).

Thành thật với chính mình thật khó biết bao!

Đón nhận sự thật với trọn cả tâm hồn đòi phải trả giá.

Sự thật bao giờ cũng đòi ta đổi đời, không để ta yên.

Chính vì thế ta thích quanh co và dễ né tránh sự thật.

Nhưng dù ta có né tránh sự thật, thì sự thật vẫn cứ theo đuổi ta luôn.

Chẳng ai làm át được tiếng nói của sự thật.

Mùa Vọng là thời gian ra khỏi bóng tối của dối trá, để đón lấy sự thật.

Chỉ cần bớt một chút cứng cỏi của tự mãn về cái tôi,

thêm một chút mềm mại của tình yêu khiêm hạ,

là ta có cơ may gặp được chân lý như đám đông dân chúng.

Và chân lý sẽ cho ta được tự do (Ga 8, 32).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

xin dẫn con vào nhà của con,

căn nhà của trái tim,

căn nhà vừa quen vừa lạ.

Xin hãy cho con thấy

những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co,

những mâu thuẫn và vô lý nơi con.

Xin hãy cho con thấy

những nhỏ mọn, ích kỷ,

những yếu đuối, khô khan,

những cứng cỏi và tự ái nơi con.

Xin cho con ý thức

những lo âu, sợ hãi

đang đè nặng làm con ngột ngạt,

những nỗi đau thầm kín khiến đời con mất vui,

những vết thương không biết bao giờ lành,

những đổ vỡ khiến lòng con khép lại.

Lạy Chúa Giêsu,

xin giúp con dọn những bề bộn nơi tim con.

Xin biến đổi tim con, để nó trở nên đơn sơ hơn,

hồn nhiên hơn và tươi tắn hơn.

Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người,

bằng trái tim bao dung của Chúa.

Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình,

trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn

để yêu mến mọi người. Amen.

 

 

HỐI HẬN NÊN LẠI ĐI

Thứ Ba tuần 3 Mùa Vọng

Lời Chúa: Mt 21, 28-32

Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các thượng tế và kỳ mục rằng: “Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho”. Nó đáp: “Con không muốn đâu!” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đây!” nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Họ trả lời: “Người thứ nhất.” Ðức Giêsu nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, sau đó các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”

Suy niệm

Dụ ngôn hôm nay là một dụ ngôn đặc biệt, với nội dung đơn sơ.

Đức Giêsu nói dụ ngôn này cho các thượng tế và kỳ mục.

Một người cha có hai con trai.

Ông sai đứa con thứ nhất đi làm vườn nho.

Lúc đầu anh ta từ chối, nhưng sau đó hối hận nên lại đi (c. 29).

Ông gặp đứa con thứ hai và kêu anh làm cùng một việc.

Anh mau mắn nhận lời, nhưng rốt cuộc lại không đi (c. 30).

Đức Giêsu kết thúc dụ ngôn bằng việc hỏi họ một câu khá dễ:

“Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của cha?”

Không mấy khó khăn, các thượng tế và kỳ mục đã trả lời đúng.

Nhưng họ không ngờ mình mắc bẫy của Ngài

như xưa vua Đavít đã mắc bẫy của ngôn sứ Nathan (2 Sm 12, 5).

Bởi chính họ là đứa con thứ hai, nhận lời, nhưng rồi lại không đi,

chính họ là những người không thi hành ý muốn của Thiên Chúa.

Hẳn giới lãnh đạo ở Giêrusalem sẽ tức điên lên vì nhục nhã

khi nghe Đức Giêsu nói đứa con thứ nhất

chính là những kẻ thu thuế và các cô gái điếm (c. 31).

Theo Đức Giêsu, những người tội lỗi này sẽ vào Nước Trời

trước cả giới lãnh đạo tôn giáo đầy uy tín, đạo đức, oai phong.

Tại sao lại có chuyện oái oăm đó?

Chính thái độ tin hay không tin ông Gioan tạo ra sự khác biệt này.

Gioan xuất hiện như một hiện tượng nổi bật, ai cũng thấy.

Các vị chức sắc tôn giáo cũng thấy,

nhưng sau đó họ không hối hận mà tin (c. 32).

Còn những người tội lỗi, giống đứa con thứ nhất,

lúc đầu từ chối cha, nhưng sau đó đã hối hận và vâng lời (c. 29).

Họ đã tin Gioan và bước vào đường công chính (c. 32).

Từ chỗ nói: “Thưa cha, con đây”, đến chỗ thực sự đi làm vườn nho,

có một khoảng cách khá lớn, khiến nhiều người ngần ngại.

Chấp nhận tin là chấp nhận lên đường, bước vào cuộc phiêu lưu.

Con đường công chính đầy thách đố, bấp bênh và bất trắc.

Tin vào Gioan đòi hỏi sám hối, để đón Đấng Thiên Sai.

Nhưng ít người muốn nhận mình có lỗi.

Có khi cô gái điếm lại dễ hối hận hơn một người công chính.

Có khi anh thu thuế lại dễ ăn năn hơn một người đạo hạnh.

Dù sao tin vào Gioan khiến mọi người không được sống như xưa.

Hơn nữa, niềm tin ấy thế nào cũng dẫn đến tin vào Đức Giêsu.

Tin vào Đức Giêsu là chấp nhận mất đi những chỗ dựa ổn định.

Không dám mất thì cũng chẳng dám tin.

Nhiều Kitô hữu hôm nay gặp khó khăn không nhỏ về đức tin,

vì sống đức tin đòi họ phải trả một giá quá lớn.

Nếu chúng ta đã có lần nói: Con không muốn đi!,

thì chúng ta luôn có thời gian suy nghĩ lại, để tự điều chỉnh,

và sau đó nói: “Này con đây, xin hãy sai con.”

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát,

vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,

nhưng lại không dám đem ra thực hành.

Chính vì thế

Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

Xin cho chúng con

đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,

đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,

để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con

được xây trên nền tảng vững chắc,

đó là Lời Chúa,

Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con. Amen.

 

 

CÒN PHẢI ĐỢI AI

Thứ Tư tuần 3 Mùa Vọng

Lời Chúa: Lc 7, 19-23

Khi ấy, ông Gioan sai hai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu rằng: “Thầy có thật là đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Khi đến gặp Ðức Giêsu, hai người ấy nói: “Ông Gioan Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Thầy: “Thầy có thật là ‘Ðấng phải đến’ không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Chính giờ ấy, Ðức Giêsu chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy. Người trả lời hai người ấy rằng: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe tin mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”

Suy niệm

Đường lối của Thiên Chúa lúc nào cũng làm con người ngỡ ngàng.

Ngài có lối nghĩ, lối đi rất riêng, khó đoán trước được.

Chính vì thế con người dễ bắt hụt Ngài.

Ngài ở đây mà ta lại cứ đi tìm Ngài ở kia.

Nhiều khi ta kêu ca vì không sao gặp được Ngài

ở những điểm hẹn quen thuộc.

Phải đổi cái nhìn xưa, ra khỏi lối nghĩ cũ, mới hy vọng gặp được Ngài.

Gioan có một hình ảnh khá rõ về Đấng Mêsia.

Ngài như người cầm nia rê lúa và đốt thóc lép trong lửa

hay như cái rìu chặt những cây không sinh trái.

Đấng Mêsia thích dùng lửa để thanh luyện cái xấu (Lc 3, 9, 16-17).

Gioan rất xác tín về hình ảnh này của mình.

Vì thế ông sốt ruột khi không thấy Đức Giêsu làm điều ông chờ đợi.

Trong bóng tối của nhà tù nằm ở phía đông Biển Chết,

Gioan còn phải chiến đấu với bóng tối của sự nghi ngờ nơi mình.

Đức Giêsu mà ông loan báo có đúng là Đấng Mêsia không?

Ông sai hai môn đệ đến tận nơi gặp Đức Giêsu, để hỏi cho ra lẽ.

“Thầy có thật là Đấng-phải-đến không,

hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (c. 19).

Câu trả lời của Đức Giêsu cho thấy một khuôn mặt Mêsia khác hẳn.

Ngài bảo hai môn đệ của Gioan về thuật lại cho thầy mình

những gì họ mắt thấy tai nghe vào chính giờ họ đến gặp (c. 21).

Có sáu dấu chỉ của thời đại Mêsia, thời của Đấng Thiên Sai:

người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch,

kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy,

và người nghèo được nghe Tin Mừng (c. 22).

Đây là những dấu chỉ Ngài đã và đang làm cho dân chúng.

Những dấu chỉ này làm cho bao lời ngôn sứ Isaia ngày xưa

được ứng nghiệm (Is 26, 19; 29, 18-19; 35, 5-6; 42, 18; 61,1).

Như thế Đức Giêsu quả là Đấng Mêsia,

nhưng không phải là Mêsia như Gioan chờ đợi.

Ngài không phải là một Mêsia đến phán xét hay tiêu diệt ác nhân,

cho bằng là một Mêsia khiêm nhu và đầy lòng thương xót.

Đức Giêsu đến để công bố một năm hồng ân cứu độ (Lc 4, 19).

“Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (c. 23).

Muốn tránh vấp ngã, Gioan phải đổi cái nhìn của mình về Đấng Mêsia.

Đổi cái nhìn về Thiên Chúa không phải chuyện dễ.

Nhiều khi chúng ta thích một Thiên Chúa chiến thắng vẻ vang,

một Thiên Chúa quyền uy, dùng sức mạnh để chinh phục lòng người.

Chúng ta không chịu được một Thiên Chúa kiên nhẫn với cỏ lùng,

và để cho kẻ ác nhởn nhơ tác oai tác quái.

Ước gì chúng ta không mất đức tin khi đứng trước máng cỏ,

trước Hài Nhi Giêsu, nhỏ bé và yếu ớt, lặng lẽ và khiêm hạ,

vì chúng ta tin Ngài cứu độ thế giới bằng chính sự yếu đuối.

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải,

để con làm bật rễ khỏi lòng con

những ích kỷ và khép kín.

Xin cho con đức tin can đảm

để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến,

chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.

Xin cho con đức tin sáng suốt

để con thấy được thế giới

mà mắt phàm không thấy,

thấy được Đấng Vô hình,

nhưng rất gần gũi thân thương,

thấy được Đức Kitô nơi những người nghèo khổ.

Xin cho con đức tin liều lĩnh,

dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,

dám tiến bước trong bóng đêm

chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,

dám lội ngược dòng với thế gian

và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.

Xin cho con đức tin vui tươi,

hạnh phúc vì biết những gì

đang chờ mình ở cuối đường,

sung sướng vì biết mình được yêu

ngay giữa những sa mù của cuộc sống.

Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp

qua những cọ xát đau thuong của phận người,

để dù bao thăng trầm dâu bể,

con cũng không để tàn lụi niềm tin

vào Thiên Chúa và vào con người. Amen.

 

 

HƠN CẢ NGÔN SỨ NỮA

Thứ Năm tuần 3 Mùa Vọng

Lời Chúa: Lc 7, 24-30

Khi những người ông Gioan sai đến đã ra về, Ðức Giêsu bắt đầu nói với đám đông về ông Gioan rằng: “Anh em đi xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Hẳn là không! Thế thì anh em đi xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Những kẻ áo quần lộng lẫy, đời sống xa hoa thì ở trong cung trong điện. Thế thì anh em đi xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Ðúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết: đây còn hơn cả ngôn sứ nữa! Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng: ‘Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến!’ Tôi nói cho anh em biết: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gioan; tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông. Nghe ông giảng, toàn dân, kể cả những người thu thuế, đều nhìn nhận Thiên Chúa là Ðấng Công Chính và đã chịu phép rửa của ông. Còn những người Pharisêu và các nhà thông luật thì khước từ ý định của Thiên Chúa về họ, và không chịu phép rửa của ông.”

Suy niệm

“Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Lc 7, 23).

Dưới góc độ nào đó, có thể nói Gioan đã “vấp ngã” vì Đức Giêsu.

Khuôn mặt của Ngài không như những gì ông nghĩ và mong đợi.

Ông ngỡ ngàng vì Đức Giêsu hành động ngược với điều ông trình bày.

Rõ ràng Gioan vẫn thuộc về thời đại cũ.

Nhưng Đức Giêsu tôn trọng vị thế của Gioan,

và đã hết lời ca ngợi ông trước mặt dân chúng.

Gioan đã gây nên một phong trào rộng lớn nhằm canh tân.

Ông sinh ra một cách lạ lùng và sống cũng lạ lùng.

Hoang địa là nơi ông chọn để sống một mình và cất tiếng gọi sám hối.

Tiếng gọi này thu hút đến nỗi người ta kéo nhau đến gặp ông.

“Anh em đi xem gì trong hoang địa?”

Câu hỏi này được Đức Giêsu nhắc đến ba lần (cc. 24-26).

Gioan hẳn không phải là một cây sậy dễ uốn mình theo mọi chiều gió.

Nếu thế thì ông đã chẳng bị bắt và tống ngục.

Gioan cũng không phải là người ăn mặc sang trọng trong cung.

Ông sống khổ hạnh cả về ăn lẫn mặc (Lc 1, 15; 7, 33).

Nếu hoang địa lôi kéo bao đoàn người háo hức đổ về

thì chỉ vì người ta muốn tìm gặp một vị ngôn sứ.

Dân chúng tin Gioan là vị ngôn sứ mà họ chờ đợi đã lâu.

Họ mong được nghe Thiên Chúa nói sau thời gian dài thinh lặng.

Đức Giêsu khẳng định Gioan còn lớn hơn một ngôn sứ nữa (c.26),

bởi lẽ ông chính là người đi trước dọn đường cho Ngài (c. 27).

Ông thuộc về một thời đại đã qua, nhưng ông giới thiệu về thời đại mới.

Ông là ngôn sứ cao trọng hơn các ngôn sứ của Cựu Ước

vì ông trực tiếp chỉ cho mọi người thấy Đấng Cứu độ.

Dọn đường cho Chúa Giêsu đến là việc chúng ta vẫn phải làm.

Ngài vẫn cần những Gioan mới để mở đường cho Ngài vào,

để trở thành nhịp cầu cho con người thế kỷ 21 gặp và tin.

Chúng ta không thể mặc áo lông lạc đà hay ăn châu chấu.

Chúng ta cũng không vào hoang địa để sống độc thân.

Nhưng lối sống của chúng ta phải khiến người đương thời

đặt những câu hỏi về Đức Giêsu, về vĩnh cửu, về ý nghĩa cuộc sống.

Chấp nhận làm người dọn đường cũng phải chấp nhận thất bại.

Những người bình dân và tội nhân đã tin vào sứ điệp của Gioan (c. 29),

còn những người trí tuệ hơn lại khước từ, không chịu phép rửa (c. 30).

Khước từ Gioan là khước từ ý định cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Giêsu.

Kitô hữu chúng ta được diễm phúc hơn Gioan

vì được thuộc về Nước Thiên Chúa do Đức Kitô khai mở (c. 28).

Chúng ta đang được hưởng những ân phúc mà Gioan chưa được hưởng.

Gioan chỉ cho dân tộc mình thấy Đấng Cứu Độ,

còn chúng ta được sống tình thân với Đấng Cứu Độ và nên một với Ngài.

Kitô hữu cũng phải chấp nhận sống trong một thứ hoang địa khắc khổ nào đó,

để tiếng kêu của mình dễ được con người hôm nay nghe hơn.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,

nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,

dễ thấy Chúa hiện diện

và hoạt động trong đời con.

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,

xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,

khép kín và nghi ngờ.

Xin dạy con sự hiền hậu

để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.

Xin dạy con sự khiêm nhu

để con dám buông đời con cho Chúa.

Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,

vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,

hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

 

 

NGỌN ĐÈN CHÁY SÁNG

Thứ Sáu tuần 3 Mùa Vọng

Lời Chúa: Ga 5, 33-36

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với người Do Thái rằng: “Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gioan, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật. Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ. Ông Gioan là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian. Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gioan: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi”.

Suy niệm

Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu nhiều lần nói về mình:

“Tôi là Ánh sáng thế gian” (8,12; 9,5; 12,46).

Ngài là Ngôi Lời, là Ánh sáng thật đến trong thế gian này

để chiếu soi mọi người chẳng trừ ai (Ga 1,9).

Tiếc thay có những người đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng,

vì các việc họ làm thì dối trá và xấu xa (3,19-21).

Người ta né tránh ánh sáng vì sợ việc mình làm bị bại lộ.

Nhưng ai sống theo sự thật sẽ bị thu hút bởi ánh sáng của Đức Giêsu.

Ai theo Ngài sẽ không phải đi trong bóng tối, không sợ vấp ngã (11,10),

nhưng sẽ có ánh sáng đem lại sự sống (8,12).

Ai tin vào Ngài sẽ không sẽ không ở lại trong bóng tối (12,46),

nhưng sẽ trở nên con cái ánh sáng (12,36).

Gioan Tẩy giả là người được Thiên Chúa sai đến

để làm chứng cho Ánh sáng là Đức Giêsu (1,7-8).

Ông là nhịp cầu để mọi người nhờ ông mà tin vào Ánh sáng.

Gioan không phải là Ánh sáng, dù ông đến trước Đức Giêsu.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài gọi ông là ngọn đèn cháy sáng (c.35).

Đức Giêsu còn nhắc lại chuyện người Do thái đã cử người đến gặp Gioan.

Và ông đã làm chứng cho sự thật (c.33; x. 1,19-28).

Sự thật là: Đức Giêsu, Đấng đến sau ông thì cao trọng hơn ông nhiều.

Ông chỉ là ngọn đèn, còn Đức Giêsu là Ánh sáng.

Đám đông đã nhờ ngọn đèn ấy mà đến với Ánh sáng.

Ngọn đèn của Gioan rực sáng giữa lúc dân Do-thái chờ mong,

và họ đã vui sướng kéo đến với Gioan để hưởng ánh sáng ấy.

Tiếc thay điều ấy chỉ kéo dài một thời gian, rồi tàn lụi.

Vì nhiều người không tin Đấng là Ánh sáng mà Gioan làm chứng.

Chúng ta đã gần đến ngày mừng Lễ Chúa Giáng Sinh.

Lễ Giáng Sinh là lễ mừng Ánh sáng đi vào thế gian tối tăm này.

Thế giới hôm nay đã được điện khí hóa, và sáng hơn xưa,

nhưng bóng tối của tội lỗi và sự chết vẫn còn đó.

Con người luôn có tự do để đón nhận hay từ khước ánh sáng.

Bóng tối sẽ bủa vây khi tôi đóng cửa lòng mình.

Thực sự mừng lễ Giáng sinh là dám mở ra trước Ánh sáng,

không dấu diếm tình trạng tăm tối, lạc hướng của mình,

nhìn nhận mình đã rời xa sự thật, sự thiện và sự sống.

Chỉ khi khiêm hạ nhận mình đang bị tối tăm đè bẹp,

ta mới đẩy lui được sự thống trị của bóng tối nơi ta.

Mừng Giáng Sinh bằng trang trí nhiều đèn màu, không đủ.

Chỉ mong tôi để Ánh sáng Chúa đi vào bóng tối đời mình,

biến tôi thành một ngọn đèn cháy sáng như Gioan

để đem lại niềm vui sống cho thế giới hôm nay.

Cầu nguyện

Lạy Chúa là Ánh sáng thân thương,

giữa những bủa vây của u sầu ảm đạm,

xin Chúa dẫn con đi.

Đêm thì tối, đường còn xa,

xin Chúa dẫn con đi,

xin giữ bước chân con.

Con đâu dám xin thấy tương lai xa xôi,

chỉ thấy một bước trước mặt cũng đủ rồi.

Chưa bao giờ con như bây giờ,

cũng chưa bao giờ con xin Chúa dẫn.

Con đã quen chọn và thấy con đường của mình.

Nhưng giờ đây,

xin Chúa dẫn con đi. Amen.

Chân phước John Henry Newman