Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 05 Thường Niên

print

Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 05 Thường Niên

 

Chúa Nhật 5 Thường niên, năm B.

Thứ Hai tuần 5 Thường niên.

Thứ Ba tuần 5 Thường niên.

Thứ Tư tuần 5 Thường niên.

Thứ Năm tuần 5 Thường niên.

Thứ Sáu tuần 5 Thường niên.

Thứ Bảy tuần 5 Thường niên.

 

CHIỀU VÀ SÁNG

Chúa Nhật 5 Thường niên, năm B

Lời Chúa: Mc 1, 29-39

Hôm ấy vừa ra khỏi hội đường Caphácnaum, Ðức Giêsu đi đến nhà hai ông Simon và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.

Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Ðức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.

Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Ông Simon và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”. Rồi Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

Suy niệm

Sốt không phải là một bệnh nan y.

Nhưng người bị sốt cao không dậy nổi, chỉ nằm thôi.

Khi Ðức Giêsu và các môn đệ đến thăm nhà ông Simon

thì bà mẹ vợ ông đang sốt, nằm trên giường.

Ðức Giêsu đem niềm vui đến cho gia đình ông.

Ngài lại gần, nhẹ nhàng cầm lấy tay bà và nâng dậy.

Cơn sốt lui ngay khiến bà có thể đi lại phục vụ.

Một cơn bệnh đơn giản, một cách chữa bệnh đơn giản.

Ðức Giêsu chẳng nói một lời, chỉ làm một cử chỉ thân ái.

Ngài cầm lấy tay bà và nâng dậy,

như sau này Ngài cầm tay đứa con ông trưởng hội đường,

một cô bé mười hai tuổi đã chết lại đứng dậy được (x. Mc 5,41),

như sau này Ngài cầm tay cậu bé bị động kinh nằm trên đất,

nâng cậu dậy và cho cậu đứng lên (x. Mc 9,27).

Cầm tay, nâng dậy, để một người nằm có thể đứng lên.

Sức sống nào truyền qua cử chỉ cầm tay ấy?

Quyền năng nào nâng con người trỗi dậy?

Chúng ta cũng cần được Chúa cầm tay khi không dậy nổi,

cần được Chúa đưa tay ra nắm lấy khi gần chìm như Phêrô.

Khi mặt trời lặn là lúc kết thúc ngày sabát.

Người ta đem đến cho Ðức Giêsu bao người yếu đau đủ loại.

Căn nhà ông Simon hẹp quá khiến nhiều người phải đứng ngoài.

Không rõ bao nhiêu người được chữa lành chiều tối hôm đó.

Nhiều người đã có thể tự về nhà một mình…

Ðức Giêsu đụng chạm đến biển khổ của nhân loại.

Ngài không mong múc cạn, chỉ mong làm vơi đi,

chỉ mong cùng chia sẻ và ban cho nó một ý nghĩa.

Thế giới hôm nay vẫn phải đối đầu với bệnh tật.

Những bệnh nan y như ung thư, tim mạch, sida (aids), siêu vi…

Cần có những người làm vơi nhẹ nỗi đau như Ðức Giêsu.

Sau một ngày bận bịu và mệt mỏi,

Ðức Giêsu đã thức dậy sớm, khi các môn đệ còn ngủ say.

Ngài tìm được một chỗ cầu nguyện khá kín đáo.

Cầu nguyện là nhu cầu thật sự của Ðức Giêsu.

Ngài cần có thời gian rút lui, sống riêng tư một mình.

Ngài cần sống bên Cha, tâm sự về gánh nặng công việc,

về nỗi đau khổ của loài người, về cuộc chiến chống Satan.

Ðức Giêsu thấy mình cần được Cha cảm thông và nâng đỡ,

cần ánh sáng và nghị lực để làm tròn sứ mạng.

Ngài cần gặp Cha vì Ngài là Con, và vì Ngài được Cha sai.

Ngài sống hết mình cho con người, cho đám đông,

nhưng Ngài cũng say sưa cầu nguyện và hoạt động.

Cầu nguyện đưa Ngài đến với con người,

hoạt động đưa Ngài đến với Cha.

Thành công ở Caphácnaum không làm Ngài dừng chân.

“Mọi người đang tìm Thầy”, mọi người vẫn cần Thầy.

Nhưng Ngài biết còn nhiều chỗ khác cũng đang rất cần.

“Hãy đi nơi khác”, Tin Mừng cần được gieo vãi ở mọi nơi.

Giữ được tính tự do và cơ động, Ðức Giêsu lại lên đường.

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa, Đấng ưa thích sự thinh lặng,

xin dạy chúng con thinh lặng

để ở một mình với Ngài,

trò chuyện, lắng nghe

và thấm nhuần Lời hằng sống.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi con mắt,

biết nhắm lại trước những vấp váp của tha nhân,

biết quay đi trước những dịp tội gây xao xuyến.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi đôi tai,

để nghe được tiếng kêu của người nghèo đói,

để khép lại trước những mời mọc của ma quỷ.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi miệng lưỡi,

để biết ca tụng Chúa

và đem lại an vui cho muôn người,

tránh mọi lời nói gây đớn đau, đổ vỡ.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi trí khôn,

để mở ra trước sự thật và khép lại trước dối trá.

Cuối cùng

xin dạy chúng con thinh lặng nơi quả tim,

để tránh xa mọi ích kỷ, thù hằn, ghen ghét,

để yêu mến và ước ao Thiên Chúa trên mọi sự. Amen.

(theo Thánh Têrêxa Calcutta)

 

 

 

 

CHẠM ĐẾN THÌ ĐƯỢC KHỎI

Thứ Hai tuần 5 Thường niên

Lời Chúa: Mc 6, 53-56

Khi qua biển rồi, Ðức Giêsu và các môn đệ ghé vào đất liền tại Ghennêxarét và lên bờ. Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Ðức Giêsu. Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì người ta cáng bệnh nhân đến đó. Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở chỗ công cộng, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.

Suy niệm

Tiếng Việt có nhiều động từ nói về xúc giác:

sờ, mó, đụng, chạm, rờ…

Xúc giác là một trong năm ngũ quan.

Nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy, có khi vẫn chưa đủ.

Người ta còn muốn sờ thấy, xem đằng mặt, bắt đằng tay.

Sờ là một cách kiểm chứng đôi khi được coi là đáng tin hơn thấy.

Đức Giêsu Phục Sinh đã nói với các môn đệ:

“Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà!

Cứ rờ xem, ma đâu có xương thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24, 39).

Thánh Tôma xem ra thích kiểm chứng bằng đụng chạm:

“…nếu tôi không đặt ngón tay tôi vào lỗ đinh,

không đặt bàn tay tôi vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25).

Đức Giêsu Phục Sinh đã chiều Tôma (Ga 20, 27).

Thiên Chúa đã chiều nhân loại, khi cho Con Ngài làm người như ta,

nhờ đó chúng ta có thể đụng chạm đến Thiên Chúa theo nghĩa đen.

Thánh Gioan đã reo lên khi loan báo Tin Mừng này:

“Điều vẫn có ngay từ lúc đầu, điều chúng tôi đã nghe,

Điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng,

và bàn tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống” (1 Ga 1, 1).

Bài Tin Mừng hôm nay là một bản tóm lược dài về quyền năng của Đức Giêsu.

Quyền năng này được thi thố qua việc chữa bệnh.

“Người ở đâu thì người ta cáng bệnh nhân đến đó.

Người đi tới đâu…người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở chỗ công cộng” (cc. 55-56).

Dân chúng tin vào sức mạnh xuất phát từ chính con người Đức Giêsu.

Ở đây không phải là chuyện Ngài đụng chạm vào các bệnh nhân để chữa họ,

mà là các bệnh nhân xin “ít là được chạm đến tua áo choàng của Người;

và “bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi” (c. 56).

Cái chạm của bệnh nhân là cái chạm của lòng tin vào Đức Giêsu.

Nó giống với cái chạm của người phụ nữ bị băng huyết (Mc 5, 28).

Không phải chỉ là chạm bằng tay, mà bằng cả con người.

Nơi đáy lòng con người vẫn có khát khao được đụng chạm đến Thiên Chúa,

cả nơi những người không tin có Ngài hay bướng bỉnh như Tôma.

Truyền giáo là giúp người ta thực hiện ước mơ chính đáng: chạm đến Thiên Chúa.

Nhà truyền giáo phải là người đã có kinh nghiệm chạm đến Thiên Chúa.

Mong mỗi Kitô hữu trở nên một nhà truyền giáo

nhờ đụng chạm đến Lời Chúa và các Bí Tích mỗi ngày.

Cầu nguyện

Con đã yêu Chúa quá muộn màng!

Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính,

vừa luôn mới mẻ,

con đã yêu Chúa quá muộn màng!

Bấy giờ Chúa ở trong con

mà con thì ở ngoài,

con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài.

Con thật hư hỏng,

khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp.

Bởi thế, bấy giờ Chúa ở với con

mà con lại không ở với Chúa.

Các thụ tạo xinh đẹp kia cứ giữ con ở xa Chúa,

trong khi chúng hiện hữu được là nhờ Chúa.

Chúa đã gọi con, đã gọi to

và phá tan sự điếc lác của con.

Chúa đã soi sáng

và xua đi sự mù lòa của con.

Chúa đã tỏa hương thơm ngát

để con được thưởng thức,

và giờ đây hối hả quay về với Chúa.

Con đã nếm thử Chúa

và giờ đây con đói khát Người.

Chúa đã chạm đến con,

nên giờ đây con nóng lòng

chạy đi tìm an bình nơi Chúa. Amen.

(Thánh Âu-Tinh)

 

 

LÒNG CHÚNG THÌ XA TA

Thứ Ba tuần 5 Thường niên

Lời Chúa: Mc 7, 1-13

Khi ấy, có những người Pharisêu và một số kinh sư tụ họp quanh Ðức Giêsu. Họ là những người từ Giêrusalem đến. Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. Thật vậy, người Pharisêu cũng như mọi người Do thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. Vậy, người Pharisêu và kinh sư hỏi Ðức Giêsu: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” Người trả lời họ: “Ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: ‘Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.’ Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.” Người còn nói: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông. Quả thế, ông Môsê đã dạy rằng: Người hãy thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử!’ Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là “coban” rồi, nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa’, và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa. Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời của Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa!”

Suy niệm

Trong Bài Tin Mừng hôm nay có năm từ truyền thống (cc. 3, 5, 8, 9, 13).

Đó là truyền thống của tiền nhân, truyền thống của người phàm,

truyền thống mà các ông Pharisêu nắm giữ và muốn người khác phải theo.

Sông song với truyền thống này là điều răn của Thiên Chúa (cc. 8, 9)

Đức Giêsu tố cáo người Pharisêu đã gạt bỏ, đã coi thường điều răn này

chỉ vì muốn khư khư giữ lấy truyền thống của họ (cc 8, 9, 13).

Đây là một điều đáng tiếc,

vì mục tiêu của người Pharisêu không phải là hủy bỏ lời của Thiên Chúa (c. 13).

Trái lại, họ muốn dân Do thái sống nghiêm túc hơn ơn gọi của mình,

sống như một dân tộc thánh thiện giữa một xã hội vàng thau thời Đức Giêsu.

Chính vì thế họ chẳng những muốn tuân giữ điều được viết trong Luật Môsê

mà còn muốn sống theo những truyền thống

dựa trên luật truyền khẩu được ban cho Môsê nữa.

Họ đòi cả dân chúng cũng phải sống theo các luật về thanh sạch của các tư tế.

Bởi vậy, họ than phiền chuyện vài môn đệ của Đức Giêsu

đã không rửa tay trước khi ăn.

Thật ra chẳng phải người Do thái nào cũng giữ luật rửa tay trước khi ăn.

Các sách Cựu Ước cũng không hề đòi hỏi chuyện này (x. Lêvi 11-15).

Đáng tiếc là khi tập trung vào chuyện sạch sẽ bên ngoài,

người Pharisêu có nguy cơ bỏ rơi hay lơ là chuyện trong sạch nơi trái tim.

Đây mới là điều quan trọng mà Đức Giê su muốn nhấn mạnh.

Theo truyền thống hội đường Do Thái, có cả thảy 613 điều răn,

365 điều cấm làm và 248 điều phải làm.

Cả một rừng điều răn này chi phối toàn bộ đời sống của người Do thái giáo.

Người Pharisêu cho rằng sự thánh thiện nằm ở chỗ chu toàn hết mọi luật này.

Còn Đức Giêsu coi sự thánh thiện nằm ở sâu nơi trái tim thuộc trọn về Chúa.

Ngài trích lời của ngôn sứ Isaia (29, 13):

“Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta.”

Làm thế nào để trái tim của chúng ta gần với Chúa?

Làm thế nào chúng ta khỏi trở thành những kẻ đạo đức giả?

Làm thế nào chúng ta giữ luật Chúa và Giáo Hội với sự mềm mại, tự do, vui tươi?

Ước gì từng hành vi giữ luật của ta được chi phối bởi trái tim đầy yêu mến.

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

xin cho con quả tim của Chúa.

Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,

nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa

vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường

để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,

mọi trả thù ti tiện.

Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,

không một biến cố nào làm xáo trộn,

không một đam mê nào khuấy động hồn con.

Xin cho con đừng quá vui khi thành công,

cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.

Xin cho quả tim con đủ lớn

để yêu người con không ưa.

Xin cho vòng tay con luôn rộng mở

để có thể ôm cả những người thù ghét con. Amen.

 

 

TỪ TRÁI TIM CON NGƯỜI

Thứ Tư tuần 5 Thường niên

Lời Chúa: Mc 7, 14-23

Khi ấy, Ðức Giêsu lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có gì từ ngoài vào trong con người, lại có thể làm nó ra ô uế; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ô uế. Ai có tai nghe thì nghe!” Khi Ðức Giêsu đã rời đám đông mà vào nhà, các môn đệ hỏi Người về dụ ngôn ấy. Người nói với các ông: “Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao? Anh em không hiểu sao? Mọi thứ từ bên ngoài vào trong con người không thể làm nó ra ô uế, bởi vì nó không đi vào trái tim, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài.” Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch. Người nói: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ trái tim, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”

Suy niệm

Sách Lêvi chương 11 nói đến một số cấm kỵ về ăn uống dành cho người Do thái.

Chỉ được ăn những con vật vừa có móng chẻ hai, vừa nhai lại.

Bởi đó không được ăn thịt lạc đà, thỏ, heo (Lv 11, 3-8).

Chỉ được ăn những con vật ở dưới nước nếu chúng có vây và có vẩy.

Chỉ được ăn các côn trùng có cánh đi bằng bốn chân,

nếu chúng có thêm càng để nhảy trên đất.

Bởi đó được ăn dế, châu chấu, cào cào (Lv 11, 20-23).

Nếu ai ăn những thức ăn bị cấm, người đó sẽ trở nên ô uế,

không được tham dự những nghi lễ ở nơi thờ tự.

Chúng ta không quên chuyện bảy anh em bị vua Antiôkhô ép ăn thịt heo,

và họ đã chấp nhận cái chết hơn là vi phạm luật Chúa (2 Mcb 7).

Ngày nay chúng ta ngạc nhiên về chuyện cấm đoán này,

nhưng vấn đề ăn uống đã từng là chuyện nóng bỏng trong Giáo Hội sơ khai.

Một câu hỏi đã khiến Giáo Hội phải suy nghĩ:

Sau khi trở nên Kitô hữu, dân ngoại có phải giữ những cấm kỵ trên không?

Công đồng đầu tiên chỉ cấm họ không được ăn huyết và thú chết ngạt (Cv 15, 20).

Lập trường của Đức Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay rất khác thường.

Ngài nói một nguyên tắc có vẻ như đi ngược với sách Lêvi:

“Không có gì từ ngoài vào trong con người, lại có thể làm nó ra ô uế” (c.15),

“Mọi thứ từ bên ngoài vào trong con người không thể làm nó ra ô uế” (c. 18).

Đối với Đức Giêsu, chính cái xấu xa từ bên trong, từ trái tim con người,

cái ấy mới làm cho con người nên ô uế. (cc. 15, 20, 23).

Con người hôm nay dễ mắc bệnh tim mạch.

Trái tim, một cơ quan nhỏ bé nằm ở bên trái lồng ngực,

thường bị căng thẳng và quá tải, dẫn đến đột quỵ.

Đức Giêsu mời chúng ta đi vào trái tim mình (c.21),

khám phá ra thế giới tối tăm ẩn khuất của nó.

Chúng ta có thể ngỡ ngàng khi thấy ở đó không có tình yêu bác ái vị tha,

mà chỉ có những tình cảm hỗn độn của lòng vị kỷ (cc. 21-22).

Đức Giêsu mời chúng ta nhận ra

những cái ô uế từ ngoài đi vào bên trong trái tim (c. 19),

và những ý định ô uế từ trong trái tim xuất ra ngoài.

Những ý định này có thể biến thành hành động hết sức nguy hiểm.

Vấn đề không phải là khám tim định kỳ hay khi thấy đau ngực.

Vấn đề là thanh lọc trái tim khỏi những đam mê tội lỗi

đang làm nó bị hư hỏng từ bên trong.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

xin dẫn con vào nhà của con,

căn nhà của trái tim,

căn nhà vừa quen vừa lạ.

Xin hãy cho con thấy

những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co,

những mâu thuẫn và vô lý nơi con.

Xin hãy cho con thấy

những nhỏ mọn, ích kỷ,

những yếu đuối, khô khan,

những cứng cỏi và tự ái nơi con.

Xin cho con ý thức

những lo âu, sợ hãi

đang đè nặng làm con ngột ngạt,

những nỗi đau thầm kín khiến đời con mất vui,

những vết thương không biết bao giờ lành,

những đổ vỡ khiến lòng con khép lại.

Lạy Chúa Giêsu,

xin giúp con dọn những bề bộn nơi tim con.

Xin biến đổi tim con, để nó trở nên đơn sơ hơn,

hồn nhiên hơn và tươi tắn hơn.

Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người,

bằng trái tim bao dung của Chúa.

Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình,

trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn

để yêu mến mọi người. Amen.

 

 

NHỮNG MẢNH VỤN

Thứ Năm tuần 5 Thường niên

Lời Chúa: Mc 7, 24-30

Khi ấy, Ðức Giêsu đến địa hạt Tia. Người vào một nhà nọ mà không muốn cho ai biết, nhưng không thể giấu được. Thật vậy, một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới chân Người. Bà là người Hy lạp, gốc Phênixi thuộc xứ Xyria. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà. Người nói với bà: “Hãy để con cái ăn trước, vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó con” Bà ấy đáp: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn cũng được ăn những mảnh vụn của lũ trẻ nhỏ.” Người nói với bà: “Vì bà nói thế, bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi.” Về đến nhà, bà thấy đứa bé nằm trên giường và quỷ đã xuất.

Suy niệm

Để có được cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với người phụ nữ,

hai bên đã phải vượt qua nhiều đường ranh, nhiều rào cản.

Đức Giêsu đã bỏ đất Israel để đến vùng Tia, vùng đất ô uế của dân ngoại.

Người đàn bà dân ngoại đã vượt qua sự ngăn cách với người đàn ông Do thái.

Qua câu đáp của bà, bà cũng vượt qua được sự lụy phục thường gặp nơi phụ nữ

sống trong một nền văn hóa do đàn ông làm chủ ở thế kỷ đầu.

Trong Tin Mừng Máccô, đây là phép lạ duy nhất nhắm đến dân ngoại.

Rõ ràng Đức Giêsu không có ý làm phép lạ trừ quỷ này,

Chúng ta ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu từ chối giúp bà ta, rồi lại đổi ý.

Nhiều người không tin đây là cách cư xử vốn có của Đức Giêsu

trước nỗi đau của trái tim người mẹ có đứa con bị quỷ ám.

Tuy nhiên, nên nhớ rằng sứ vụ của ngài không bao gồm dân ngoại.

Ngài chỉ được sai đến với dân Israel,

để rồi chính môn đệ ngài sẽ chịu trách nhiệm đến với dân ngoại.

Hãy lắng nghe cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và người phụ nữ.

Bà nài xin ngài đuổi quỷ ra khỏi con gái của bà,

nhưng bà đã phải nghe một câu trả lời rất khó chịu và có thể gây tổn thương.

“Hãy để con cái ăn trước,

vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó con” (c. 27).

Đức Giêsu ví dân Do thái với những đứa con trong nhà,

còn dân ngoại là mẹ con bà, được ví với những chó con.

Con cái dĩ nhiên là có quyền ưu tiên rồi, được ăn bánh trước.

Bánh của con cái đương nhiên không nên ném xuống đất cho chó con.

Với người khác, câu trả lời gây sốc của Đức Giêsu có thể khép lại mọi hy vọng.

Nhưng đối với bà, chính câu này lại mở ra niềm hy vọng mới.

“Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn

cũng được ăn những mảnh vụn của lũ trẻ nhỏ” (c. 28).

Bà khiêm tốn nhận mình là chó con,

được nuôi trong nhà, nằm dưới gầm bàn lúc mọi người ăn uống,

nên thỉnh thoảng cũng được đám con cái cho ăn những mảnh bánh vụn.

Như thế những đứa con cũng chẳng giữ riêng tấm bánh cho mình.

Chúng cũng biết chia sẻ, thậm chí cho mấy chú chó con.

Hôm nay bà chẳng xin ngài cho tấm bánh trên bàn dành cho con cái,

Bà chỉ xin ngài cho vụn bánh dành cho chó con nằm dưới bàn.

Đức Giêsu hẳn hết sức bất ngờ với câu trả lời này,

vừa tin tưởng, hy vọng, vừa khiêm tốn, khôn ngoan.

Chính câu trả lời này đã chinh phục và làm cho Đức Giêsu đổi ý.

“Vì bà nói thế, bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi” (c. 29).

Phép lạ này rất “lạ” vì Đức Giêsu đã đuổi quỷ từ xa,

và ngài cũng chẳng đưa ra một lời uy quyền nào để đuổi quỷ.

Khi người mẹ này về nhà, thì thấy con gái mình đã được bình an.

Chúng ta học được gì nơi cách cư xử của người phụ nữ?

Chúng ta học được gì nơi thái độ của Đức Giêsu?

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

có những ngày con cảm thấy

đời sống thật nặng nề;

có những lúc con muốn buông trôi,

để mặc cho dòng đời đưa đẩy;

có những khoảng thời gian dài,

con như mảnh đất khô khan cằn cỗi.

Xin cho con ánh sáng của Chúa

để con biết lối mà đi.

Xin cho con tấm bánh của Chúa

để con có sức mà dấn bước.

Xin cho con Lời của Chúa

để con vững một niềm tin.

Xin cho con sự sống của Chúa

để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,

niềm vui và sáng tạo.

Lạy Chúa Giêsu,

con thấy mình cần Chúa

trong mỗi giây phút của cuộc đời.

Ước gì ai gặp con

cũng gặp được sự hiện diện của Chúa. Amen.

 

 

NÓI ĐƯỢC RÕ RÀNG

Thứ Sáu tuần 5 Thường niên

Lời Chúa: Mc 7, 31-37

Khi ấy, Ðức Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xiđon, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Ðức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Epphatha”, nghĩa là: Hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. Ðức Giêsu truyền bảo họ không được kể chuyện đó ới ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. Họ hết sự kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”

Suy niệm

Khi đến thăm những trẻ em khuyết tật,

ta thấy mình dễ tiếp xúc, gần gũi các em mù,

hơn các em bị câm điếc.

Thật khó làm cho các em câm điếc hiểu được chúng ta,

và chúng ta cũng không hiểu được điều các em diễn tả.

Ðôi bên cứ như ở hai thế giới, không gặp được nhau.

Trong bài Tin Mừng hôm nay,

Ðức Giêsu chữa một người vừa ngọng vừa điếc.

Người ngọng là người gặp khó khăn khi trình bày,

khi phải diễn đạt bằng lời nói cho người khác hiểu.

Ta có cảm tưởng lưỡi anh bị một sợi dây trói buộc.

Ðức Giêsu đã đụng đến lưỡi anh,

và sợi dây đó được tháo cởi.

Giờ đây anh có thể nói được tự nhiên và rõ ràng.

Nói sao để người khác hiểu được mình,

đó là ước mơ của nhiều người trong chúng ta.

Nhưng ta lại thấy có cái gì đó trói buộc mình

khiến mình ngần ngại, sợ hãi, né tránh…

Nhiều người đã trở nên ngọng hay câm

vì đã trải qua những kinh nghiệm đau đớn:

kinh nghiệm bị châm chọc, bị khinh miệt, bị khước từ…

Bao kinh nghiệm làm con người mất tự tin và khép lại.

Có những đe dọa ám ảnh làm con người câm nín.

Epphatha, xin hãy mở miệng con

để con có thể hồn nhiên vén mở thế giới của mình,

hầu gặp được sự cảm thông và nâng đỡ.

Nếu bệnh ngọng làm chẳng ai hiểu tôi,

thì bệnh điếc làm tôi chẳng hiểu ai.

Tôi như người đang xem một phim trên truyền hình

mà máy đột nhiên mất tiếng.

Tôi chỉ thấy hành động, nhưng không hiểu được ý nghĩa.

Chẳng ai muốn mình bị điếc hay lãng tai,

nhưng trong thực tế, ta vẫn có thể mắc bệnh này,

nghĩa là mất khả năng lắng nghe người khác.

Chúng ta thường chỉ nghe điều mình muốn nghe,

hay lắm khi nghe điều người khác nói

nhưng lại hiểu dưới cái nhìn chủ quan của mình.

như thế vẫn là chưa hiểu được điều người kia muốn nói.

Nghe bằng tai, không đủ.

Cần lắng nghe bằng cả trái tim.

Chỉ trái tim yêu thương mới giúp ta hiểu đúng, hiểu đủ,

hiểu ý nghĩa đàng sau lớp vỏ ngôn từ.

Epphatha, xin giúp con ra khỏi cái tôi cứng cỏi,

ra khỏi những thành kiến, những suy nghĩ cứng nhắc,

để nghe được cái tôi của anh em.

Thế giới hôm nay thiếu cảm thông và đối thoại,

vì có nhiều người bị câm điếc về mặt tinh thần.

Bệnh này làm người ta thành những hòn đảo,

chẳng có gì để cho, chẳng có gì để nhận,

để rồi chết dần trong sự nghèo nàn của mình.

Xin cho con đừng câm điếc trước Thiên Chúa và anh em,

đồng thời giúp người khác ra khỏi sự câm điếc của họ.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa,

làm chân tay cho những người què cụt,

làm đôi mắt cho ai phải đui mù,

làm lỗ tai cho những người bị điếc,

làm miệng lưỡi cho người không nói được,

làm tiếng kêu cho người chịu bất công.

Lạy Chúa, xin cứ gởi con ra đồng lúa,

để đem cơm cho người đói đang chờ,

và đem nước cho người họng đang khô,

đem thuốc thang cho người đang đau ốm,

đem áo quần cho người đang trần trụi,

đem mền đắp cho người rét đang run.

Lạy Chúa, xin cứ gởi con ra đường vắng,

thắp đèn soi cho ai bước trong đêm,

đốt lửa ấm cho những ai giá lạnh,

truyền cảm thông cho lữ khách đơn côi,

nâng phẩm giá cho kẻ đời chà đạp,

đem tự do cho những kiếp đọa đày.

Lạy Chúa, xin cứ gởi con vào thôn xóm,

đem an hòa cho những ai bất thuận,

đem thanh bình cho kẻ sống âu lo,

đem ủi an cho người đang sầu khổ,

đem niềm vui cho những ai bất hạnh,

đem vận may cho người gặp rủi ro.

Lạy Chúa, xin cứ đặt con như một sự tình cờ,

đem may mắn cho những ai gặp được,

giữa đường đời khi lỡ bước bơ vơ,

cứ cho con đừng bao giờ khiếp sợ:

giữa biển đời mang con tim núi lửa

với đôi tay êm ái của mẹ hiền.

Lạy Chúa, xin cứ dùng con làm tất cả

cho mọi người được hạnh phúc yên vui;

còn phần con xin gởi hết nơi Ngài

là Thiên Chúa, Tình Yêu và Lẽ Sống.

Ngài cho con tất cả niềm hy vọng

để tin yêu và vui sống trọn đời. Amen. (NCĐ)

 

 

BỊ XỈU DỌC ĐƯỜNG

Thứ Bảy tuần 5 Thường niên

Lời Chúa: Mc 8, 1-10

Trong những ngày ấy, có một đám rất đông, và họ không có gì ăn, nên Ðức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn! Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người từ xa đến.” Các môn đệ thưa Người: “Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no?” Người hỏi các ông: “Anh em có mấy chiếc bánh?” Các ông đáp: “Thưa có bảy chiếc.” Người truyền cho đám đông ngả lưng xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra. Và các ông đã dọn ra cho đám đông. Các ông cũng có mấy con cá nhỏ. Người đọc lời chúc tụng, rồi bảo các ông dọn cả cá ra. Ðám đông đã ăn và được no nê. Người ta nhặt lấy những mẩu bánh còn thừa: bảy giỏ! Mà đám đông có khoảng bốn ngàn người. Người giải tán họ. Lập tức, Ðức Giêsu xuống thuyền với các môn đệ và đến miền Ðanmanutha.

Suy niệm

Thân xác có những nhu cầu cơ bản của nó.

Nó biết đói, biết khát, biết mệt và có thế bị xỉu vì kiệt sức.

Khi Đức Giêsu làm phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi dân,

Ngài cho thấy mình chẳng hề duy linh hay duy tâm chút nào.

Tin mừng Máccô kể lại hai phép lạ bánh hóa nhiều.

Lần đầu năm cái bánh và hai con cá cho năm ngàn người (Mc 6, 32-44).

Bài Tin mừng hôm nay nói đến một phép lạ bánh hóa nhiều khác,

bảy cái bánh và mấy con cá nhỏ cho bốn ngàn người ăn.

Lần đầu Đức Giêsu chạnh lòng thương

vì dân chúng bơ vơ như chiên không người chăn dắt (Mc 6, 34).

Lần này ngài chạnh lòng thương đám đông vì họ không có gì ăn (Mc 8,1).

Đức Giêsu đã giải thích cặn kẽ các lý do khiến Ngài thương họ:

vì họ đã ở với Ngài ba ngày rồi mà không có gì ăn (c.2),

vì Ngài sợ họ sẽ bị xỉu dọc đường nếu nhịn đói mà về nhà,

vì có một số người từ xa đến (c.3).

Rõ ràng Đức Giêsu quan tâm đến sức khỏe của đám đông.

Họ đã theo Ngài, ở với Ngài và được ăn bánh tinh thần trong mấy ngày qua.

Nhưng họ cũng cần tấm bánh vật chất cho thân xác.

Có thực mới vực được đạo.

Chính Đức Giêsu, chứ không phải các môn đệ, đã nhận ra điều ấy.

Ngài gọi họ lại để nhắc họ về nhu cầu của đám đông (c.1).

Bảy cái bánh được Đức Giêsu bẻ ra và trao cho các môn đệ.

Các môn đệ lại làm cử chỉ như vậy cho đám đông.

Bẻ ra và trao đi là những hành vi của bác ái, chia sẻ.

Bẻ ra là chấp nhận bị vỡ, chẳng còn nguyên vẹn như trước.

Trao đi là chấp nhận mất mát, chẳng còn giữ lại gì cho mình.

Nhưng chỉ khi dám bẻ ra và trao đi mới đem lại hạnh phúc dư dật.

Phép lạ bánh hóa nhiều là phép lạ các Kitô hữu làm mỗi ngày,

khi họ dám bẻ ra và trao đi tấm bánh của đời họ.

Họ bỗng thấy mình sung mãn khi người khác được no nê.

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa là Tình Yêu,

xin cho con biết nhạy cảm trước nỗi đau của con người,

những trẻ em bất hạnh, những phụ nữ bị bạo hành,

những người trẻ mất niềm hy vọng, những người già neo đơn.

Trong cơn khủng hoảng hiện nay trên toàn cầu,

có bao người thất nghiệp, bao người lâm cảnh đói ăn.

Xin cho tim con chạnh lòng thương như Chúa,

dám chấp nhận sống nghèo để giúp nhiều người thoát cảnh nghèo,

dám chấp nhận liên đới và chia sẻ để thế giới được công bằng hơn.

Ước gì khi thế giới ngưng chiến tranh và các cuộc chạy đua vũ trang,

khi nước giàu chia sẻ cho nước nghèo,

khi bất công và thù hận không còn thống trị,

chúng con được hạnh phúc vì thấy Nước Chúa đã gần bên. Amen.