Sống mùa Chay với Thánh Giuse
Hàng năm, khi Hội Thánh cử hành mùa Chay, thì cũng là dịp Hội Thánh kính nhớ thánh Giuse, một sự trùng khớp mang nhiều ý nghĩa. Bởi đối với tôi, trong khi sống mùa Chay, tôi thường suy niệm gương nhân đức của thánh Giuse, từ đó rút ra những bài học nhân đức cần thiết, giúp mình sống mùa Chay tích cực hơn.
Bởi thánh Giuse là đối tượng suy niệm trong mùa Chay, vì thế, tôi thấy việc sống mùa Chay của tôi cụ thể hơn, nhờ nhìn ngắm gương sống động nơi một con người hoàn toàn là người như tôi, nhưng lại vô cùng hoàn hảo. Với một tấm gương cụ thể và sống động hoàn hảo như thế, sẽ mang lại trong tôi nhiều biến đổi, tạo cho tôi nhiều hiệu quả tích cực là bình an, hăng say dấn thân, chu toàn nhiệm vụ rao giảng trong vui tươi. Nhất là tôi tự thấy mình giống thánh Giuse hơn.
Hội Thánh thường xuyên đề nghị chúng ta tinh thần ăn chay và sống mùa Chay bằng cầu nguyện, sống bác ái. Để sống những hành động mà Hội Thánh dạy, mùa Chay năm nay, tôi tiếp tục suy niệm gương nhân đức của thánh Giuse. Tôi thấy thánh Giuse rất vui lòng đồng hành với tôi. Người thương tôi, cầu ngyện cho tôi, nâng đỡ tôi và sẵn sàng lôi cuốn tôi đi cùng Người hướng về Chúa. Những nhân đức của thánh Giuse mà tôi suy niệm trong mùa Chay năm nay cũng chỉ là những điều mà Hội Thánh tuyên dương nơi thánh Giuse từ ngàn xưa.
Cùng Hội Thánh, tôi nhìn ngắm thánh Giuse nơi đoạn Tin Mừng kể lại việc thánh Giuse nhận lời truyền tin của thiên thần Chúa: “Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: ‘Này ông Giuse, là con cháu Đavid, đừng ngại đón Maria, vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ. Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia, Thiên Chúa phán qua miệng ngôn sứ: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà…” (Mt 1, 18-25).
1. Thánh Giuse dạy tôi biết cầu nguyện.
Kinh nghiệm của Hội Thánh từ xưa tới nay cho thấy, những vị thánh có đời sống thần bí, thường được Chúa mạc khải qua thị kiến, đều là những vị thánh sống đời chiêm niệm, gặp gỡ Chúa hết sức thân mật trong sự cầu nguyện.
Chỉ nguyên việc thánh Giuse được truyền tin và nhiều lần khác được báo mộng, cho phép chúng ta khẳng định rằng, thánh nhân có một đời sống cầu nguyện lớn không thể tả. Thánh nhân có thể đối thoại với Chúa, lãnh hội ý Chúa trong sự chiêm ngắm nội tâm sâu lắng của mình.
Đặc biệt, nhiều lần Tin Mừng còn chứng minh thánh Giuse yêu chuộng sự thinh lặng. Trong lúc thiên thần truyền tin, được giải thích cho biết Đức Maria mang thai là do ý muốn của Thiên Chúa và ơn Chúa Thánh Thần, thánh Giuse đã thinh lặng, đón nhận thánh ý của Thiên Chúa. Thánh Giuse tin tưởng, phó thác và xin vâng để Chúa dẫn dắt mình đi vào quỹ đạo tình yêu và chương trình cứu độ của Chúa, Từ nay, Người đón nhận Mẹ Thiên Chúa làm bạn, Chúa Giêsu làm con của mình. Để có được một nội tâm thinh lặng, hoàn toàn không gợn, thậm chí không một chút ảnh hưởng bởi những làn sóng xuôi ngược của cuộc đời, thánh Giuse phải là con người của sự gặp gỡ Thiên Chúa hết sức thường xuyên, thân mật và trưởng thành. Đó chính là đời sống cầu nguyện của thánh Giuse. Bởi chỉ có những ai ham thích cầu nguyện, và không ngừng cầu nguyện, người đó mới có thể thấy, nhận ra thánh ý Chúa toàn vẹn trong sâu kín của tâm hồn mình.
Sống mùa chay, học lấy tinh thần cầu nguyện của thánh Giuse, chúng ta hãy đi vào thinh lặng để khám phá nội tâm của mình. Có như thế, chúng ta mới có thể gặp Chúa, lắng nghe tiếng Chúa nói. Có như thế, chúng ta mới thực sự nhận chân con người của mình: mình đã sống thế nào? Đã làm hay không làm sự lành hoặc sự xấu nào? Mình đã yêu Chúa, yêu anh em đến mức độ nào? Chỉ có thinh lặng nội tâm, cầu nguyện, gặp gỡ Chúa và khám phá chính mình, chúng ta mới mong thực sự sống mùa Chay bằng sự biến đổi chính mình cách hiệu quả nhất, để được trở nên giống Chúa Kitô, nhờ noi gương thánh Giuse.
2. Thánh Giuse dạy tôi sống bác ái.
Ngày nhận lãnh Đức Maria về nhà mình, phát hiện Đức Maria đã mang thai “ngoài ý muốn”, theo luật Dothái, thánh Giuse có quyền tố giác, buộc Đức Maria phải chịu tội vì đã mang thai – một bào thai, cứ nhìn theo phương diện loài người, rõ ràng, vô thừa nhận. Nhưng “người công chính” Giuse đã không làm điều đó, lại chỉ muốn kín đáo ra đi.
Tôi nhận ra, hành động, cách xử sự của thánh Giuse hoàn toàn là hành động của một người đầy lòng yêu thương. Chính tình yêu đã nung đốt nơi tâm hồn thánh Giuse nghĩa cử bác ái cao thượng: bỏ qua “tội” quá rõ ràng của Đức Maria. Chính thánh Giuse đã sống bác ái, vì thế, tâm hồn bác ái ấy làm cho thánh Giuse vượt qua và vượt trên lề luật, điều mà không phải bất cứ ai trong thời thánh nhân có thể có được. Bởi người ta giữ luật nghiêm nhặt. Và luật tôn giáo trở thành đời sống tinh thần của con người như máu, như huyết chảy trong lồng ngực. Nó thấm vào tim óc. Nó điều khiển mọi hành vi. Nó chi phối cả đời sống xã hội lẫn cá nhân. Bởi đó, phải có một trái tim chan chứa yêu thương và bác ái đến vô cùng, mới có thể có hành động, cách cư xử thoát luật cách hết sức tuyệt vời như thánh Giuse.
Sống mùa Chay, Hội Thánh đề cao tinh thần tương trợ, chia sẻ cho nhau. Bác ái mà Hội Thánh đề nghị không chỉ là lãnh vực vật chất, của cải, mà còn là tương trợ trong tình hiệp nhất, cảm thông, lắng nghe, quan tâm, tìm nâng cao giá trị nhân bản, nhân phẩm và đời sống toàn diện của con người…
Chính Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, trong sứ điệp mùa Chay 2006 đã đòi hỏi như thế: “Nếu chúng ta cổ võ sự phát triển cho đầy đủ, “cái nhìn” của chúng ta trên nhân loại phải được đo lường theo cái nhìn của Chúa Kitô. Trên thực tế, điều hoàn toàn không được làm, là phân tách sự đáp ứng cho những nhu cầu vật chất và xã hội của dân chúng khỏi sự hoàn thành những ước muốn sâu sắc của lòng họ… Vì lẽ này, sự đóng góp hàng đầu mà Hội Thánh cống hiến cho sự phát triển nhân loại và cho các dân tộc không chỉ chú trọng tới những phương tiện vật chất hay là những giải pháp kỹ thuật. Nói đúng hơn, sự đóng góp đó bao hàm sự công bố chân lý về Chúa Kitô, Đấng giáo dục các lương tâm và dạy dỗ phẩm giá đích thực của con người và của lao động; điều đó có nghĩa là cổ võ một nền văn hóa thật sự đáp ứng với tất cả những vấn đề của nhân loại…”.
Như vậy, hiểu được căn tính đích thực của hành vi bác ái là đề cao giá trị con người, thì việc làm bác ái của mỗi người được đòi phải chia sẻ thật lòng bằng cả tâm tư, bằng những nội lực lắng sâu, xuất phát tận trái tim của tâm hồn. Bác ái ấy đòi ta chấp nhận hao mòn, chấp nhận thiệt thòi, chấp nhận hy sinh bằng tất cả thời gian, sức lực, suy tư, cả đến những mất mát, những gian nan… Như cây nến, một khi chấp nhận thắp sáng, tỏa sức nóng, sẽ tan dần. Lòng bác ái đích thực, sẽ làm cho chúng ta bị đánh mất, bị tan chảy thực sự. Để trang bị cho mình một tâm hồn yêu thương và bác ái, giúp mình sống mùa Chay, ở mức độ cao như thế, ta hãy đến cùng thánh Giuse. Nơi thánh Giuse, ta học bài học của tình yêu, bác ái và hy sinh lớn lao.
Thú thực, dù luôn tự nhủ rằng, mình cần phải học và chiêm ngắm gương của thánh Giuse để sống mùa Chay, nhưng thực tế, bản thân tôi còn phải cố gắng nhiều. Tôi rất mong ước trở nên như thánh Giuse. Nhưng giữa sự mong ước và nỗ lực của tôi vẫn còn một khoảng cách mà chính tôi phải cố gắng hơn nữa. Mùa Chay đã đi gần một phần ba đoạn đường. Hôm nay, chuẩn bị mừng lễ thánh Giuse, có dịp định tâm lại, đồng thời có dịp học tập gương thánh Giuse, tôi mới hoảng hốt giật mình vì mình còn xa cách ý Chúa muốn quá. Tôi thành tâm xin Chúa tha thứ cho tôi. Đồng thời xin Người dạy tôi, ban ơn cho tôi để tôi hoàn thành tốt hơn việc sống mùa chay ở giai đoạn còn lại. Tôi cũng tha thiết nài xin thánh Giuse, Đấng bảo trợ Con Thiên Chúa làm người, hãy cầu bàu cho tôi, phù giúp tôi sống mùa Chay, nhất là giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ làm Con Thiên Chúa của chính tôi.
Lm. Vũ Xuân Hạnh