Những Cám Dỗ Trong Cuộc Đời

print

Chúa Nhật I Mùa Chay Năm B – 2021

Những Cám Dỗ Trong Cuộc Đời

Lm. Giuse Nguyễn

Sinh thời, cụ Tú Xương phán “Một trà, một rượu, một đàn bà – Ba thứ lăng nhăng nó quấy ta – Chừa được thứ nào hay thứ ấy – Có chăng chừa rượu với chừa trà”. Cụ Tú đã cảm nhận được những cám dỗ trong cuộc đời của cụ; và cụ cũng biết mình đang bị cám dỗ nào đeo bám. Mỗi người đều cảm nhận được những thứ đang đeo bám khiến mình cảm thấy nặng nhọc và những gì khiến ta phải nhọc nhằn để chiến đấu.

Chính vì thế hằng năm Giáo hội dùng mùa Chay thánh để nhắc nhở ta: “Mãi tin Chúa bao la lòng thương xót – luôn nhớ mình lận đận kiếp bụi tro”. Vì “lận đận kiếp bụi tro” nên ta phải thường xuyên đương đầu với những cám dỗ cho đến khi ta trở về với tro bụi.. Trong sự “lận đận” đó, Giáo hội mời gọi ta mãi tin vào Chúa là Đấng bao la lòng thương xót, vì hơn ai hết Thiên Chúa qua Đức Giêsu thấu hiểu và cảm thông với tro bụi kiếp người của chúng ta.

Đoạn Tin mừng ngắn ngủi hôm nay cho ta thấy rõ điều đó khi Đức Giêsu dù là Con Thiên Chúa vẫn phải chịu ma quỷ. Maccô tường thuật quá ngắn gọn nên ta không biết Đức Giêsu bị cám dỗ về điều gì. Ông chỉ viết: “Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu ma quỷ cám dỗ, sống giữa loài dã thú” (Mc 1, 13). Còn Matthêu và Luca tường thuật chi tiết hơn những cơn cám dỗ của Đức Giêsu: hóa đá thành bánh để ăn, gieo mình xuống từ nóc đền thờ để được thiên thần che chở, sấp mình bái lạy ma quỷ để được vinh hoa lợi lộc thế gian (x.Mt 4, 1-11). Nói chung lại, dù Maccô có tường thuật thêm những cám dỗ của Đức Giêsu, thì tất cả vẫn là để Ngài không làm theo thánh ý Chúa Cha. Chính vì thế chung quy lại những cám dỗ trong cuộc đời vẫn là để ta xa cách Chúa bằng nhiều hình thức khác nhau.

Những cơn cám dỗ của Đức Giêsu trong Tin Mừng Luca chính là những cơn cám dỗ “mẫu” cho con  người.

  1. Đầu tiên ma quỷ cám dỗ khi Đức Giêsu đói (x. Lc 4, 1-4). Nó cám dỗ để Ngài nghĩ rằng “có thực mới vực được đạo”, phải lo cho cái ăn trước, có đủ đầy mới nghĩ tới chuyện đạo hạnh, thờ phượng.

Như vậy có phải khi còn nghèo túng, thiếu thốn, không đủ ăn là người ta không thể thờ phượng Chúa? Và những người đã “có thực” rồi họ có lo để “vực được đạo” không? Thưa không gì là chắc chắn khi người ta không đặt Thiên Chúa ở trung tâm của cuộc đời mình, ngược lại khi Thiên Chúa là chủ tể thì dù cuộc đời người đó có ra sao họ vẫn cảm thấy đủ đầy, hạnh phúc.

Vì thế dù giàu có, đầy đủ hay nghèo khổ, thiếu thốn người ta vẫn thờ phượng Chúa một cách tốt đẹp nếu họ ý thức Thiên Chúa là căn nguyên của cuộc đời mình. Ngược lại khi họ không có ý thức về niềm tin, không xem Thiên Chúa là chủ tể vạn vật thì dù họ có là tỉ phú họ cũng không nhớ đến Thiên Chúa.
Những người đã được rửa tội mà không còn đi lễ ngày Chúa Nhật nữa dù họ giàu hay nghèo, đầy đủ hay thiếu thốn… thì mọi lý do chỉ là ngụy biện cho một sự loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống mình mà thôi.

  1. Kế đến ma quỷ cám dỗ Đức Giêsu về việc lầm tưởng vinh quang của Thiên Chúa với những vinh hoa lợi lộc ở đời này (x.lc 4, 5-8). Ma quỷ lường gạt Đức Giêsu: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai là tùy ý”. Đó là một sự dối trá trắng trợn thể hiện sự lộng ngôn phạm thượng khi muốn chiếm đoạt quyền của Thiên Chúa là chủ tể vạn vật.

Tất cả mọi vinh hoa, lợi lộc, những gì tốt đẹp ở thế gian này đều là tốt khi con người đặt nó dưới quyền thống trị của Thiên Chúa. Khi con người quên Thiên Chúa trong những thành công, trong những gì tốt đẹp là họ đang bị ma quỷ lường gạt một cách trắng trợn: “Của tôi đó!”. Khi con người tự cao, tự đại về những khả năng của mình, nhất là những khả năng góp phần cho cộng đồng xã hội và trong Giáo hội thì họ đang là tay sai của ma quỷ.

  1. Sau cùng ma quỷ cám dỗ để Đức Giêsu thách thức Thiên Chúa (x. Lc 4, 9-12). Ma quỷ nhắc cho Đức Giêsu biết Thiên Chúa sẽ cho thiên thần nâng đỡ, chở che con người trên mọi bước đường, nên Ngài cứ việc làm những điều nguy hiểm, sẽ có thiên thần phù hộ Ngài.

Chắc một điều Thiên Chúa không bỏ rơi con người, nhưng con người sẽ tự bỏ rơi khi họ thách thức Thiên Chúa để sống trong sự nguy hiểm. Những luận điệu: còn trẻ cứ việc ăn chơi, khi nào già lo sám hối ; Tôi cứ làm chuyện xấu, nếu có Chúa, thì Chúa cho một dấu lạ để cảnh tỉnh tôi ;… hoặc không phải là suy nghĩ nhưng là những hành động: Tin Chúa mà xem thầy xem bói, đó là kiểu thách thức Chúa rõ ràng, giống như một người đã có gia đình, còn rước vợ bé về ngay trước mặt vợ mình… Đó là tội Thiên Chúa ghê tởm, Ngài gọi là ngoại tình.

Ý thức sự lận đận của kiếp bụi tro, mỗi người chúng ta hãy tận dụng Mùa Chay thánh để tiếp thêm sức mạnh hầu chống trả lại cám dỗ trong cuộc đời. Bắt chước Đức Giêsu để đứng trước cám dỗ về vật chất, chúng ta biết nói: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4) để chúng ta biết sặp xếp thời gian ưu tiên cho việc thờ phượng Chúa. Đừng lấy lý do bận rộn đến mức không có giờ đi lễ ngày Chúa Nhật. Chúng ta phải ý thức tất cả mọi sự đều do bởi Chúa. Nếu Chúa muốn thì mọi sự sẽ trở về không và từ không cũng có thể trở nên mọi sự.

Kế đến phải nhớ lời Thánh Kinh: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi” (Lc 4,8) để không bị ma quỷ cám dỗ chỉ lo tôn thờ những giá trị trần gian và tự hào tự mãn về những gì mình có. Khi tự mãn như vậy là chúng ta đang loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình.  Ngược lại khi được gì chúng ta phải luôn nhớ: “Tôi có là gì cũng nhờ ơn Thiên Chúa” (1Cr 15, 10).

Sau cùng chúng ta phải tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, không thử thách Ngài bằng việc chờ đợi những dấu lạ điềm thiêng, hoặc tin tưởng vào các thế lực khác ngoài Chúa.

Trong mọi sự hãy luôn ý thức ma quỷ “như sư tử rảo quanh tìm mồi cắn xé, anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1Pr 5,8). Hãy tín thác cuộc đời vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa để luôn tìm cách làm đẹp lòng Chúa Cha, chứ đừng bị ma quỷ cám dỗ thôi làm theo ý Chúa.
Xin Mẹ Maria, thánh cả Giuse và các thánh cầu bầu cùng Chúa cho chúng con “khỏi sa chước cám dỗ” hầu chúng con sống đẹp lòng Chúa hơn.