Li Dị Là Một Thảm Hoạ – Lm Piô Ngô Phúc Hậu

Li Dị Là Một Thảm Hoạ

Em.

Em  là người không tín ngưỡng, nhưng lại muốn kết hôn với một chàng thanh niên công giáo. Tự do tín ngưỡng, tự do hôn nhân, đó là quyền của Em, vì đó là nhân quyền. Tôi xin Đức Giám Mục chuẩn hôn nhân khác đạo cho Em. Em nhìn tôi bằng ánh mắt biết ơn và trìu mến.

Chiều nào Em cũng đến văn phòng của tôi thật sớm để nghe thuyết giảng về giáo lý hôn nhân. Em chăm chú lắng nghe như muốn nuốt từng lời, từng chữ. Thấy mà ham!

Sau khi kết thúc loạt bài về hôn nhân, tôi kiểm tra bài của Em dưới dạng phỏng vấn.

– Gia đình Kitô giáo chỉ có một vợ một chồng. Luật này ra đời vào năm nào?

– Luật này có từ thời Chúa Giêsu đi truyền đạo.

– Thế giới thời đó hoan nghênh luật này không?

– Không. Phụ nữ công giáo thời đế quốc La Mã bị chế giễu là: “Con mẹ một chồng”. Khi đạo truyền sang Việt Nam, tác giả cuốn Gia Tô Bí Lục coi luật một vợ một chồng là chánh sách ngu dân của Đức Giêsu.

– Con muốn là “con mẹ một chồng” hay là muốn làm bà mệnh phụ có nhiều chồng?

– Một vợ một chồng là hay nhất. Đa thê lộn xộn lắm.

Nguyên đánh ghen không cũng đủ chết.

– Thì đừng nghen. Ăn chia đồng đều.

– Con hổng chịu đâu.

Thấy Em thông minh quá, tôi đặt câu hỏi khó hơn.

– Đạo công giáo là Giáo Hội quá khắt khe đối với tín đồ. Tuy nhiên các nhà làm luật vẫn cho rằng: ly dị là thảm hoạ của xã hội. Họ thường nói “Cho ly dị, nhưng đừng ly dị” !

Để kết thúc tôi nghiêm nghị hỏi Em:

– Vậy con có sẵn sàng thề hứa sẽ chung thủy với chồng không điều kiện và vĩnh viễn không ?

– Vợ chồng nào cũng muốn ăn đời kiếp với nhau. Nhưng con không dám hứa, vì ai biết được ngày mai sẽ như thế nào?

Tôi cụt hứng… Em ra về, tỉnh bơ. Tôi lên phòng, buồn man mác.

EM.

  1. Phải chăng ly dị là một trào lưu đang lớn lên? Trên màn ảnh ký ức của tôi còn in lờ mờ hình ảnh của kỹ sư Thủy. Kỷ sư Thủy là một nhân vật của cuốn phim “Tôi Và Chúng Ta”. Thủy nói với người yêu: “Em chả biết thủy chung là gì, Em chỉ biết là ngày mai phải hơn ngày hôm nay”.

Với Thủy thì chỉ có đổi mới là quan trọng. Chung thủy là một cái gì rất xa lạ, đến mức độ chả cần biết nó là gì. Còn đối với Em thì chung thủy vẫn còn có giá, nhưng giá lại quá cao sợ trả không nổi.

Hịên nay các đôi vợ chồng trẻ ở Luân Đôn đã ly dị tới mức sáu mươi phần trăm rồi. Nó chưa dừng lại. Tỷ lệ vẫn gia tăng, mà phảp luật không lập được bảng thống kê, vì giới trẻ có khuynh hướng kết hôn không làm hôn thú, để ly dị thoải mái, khỏi ra toà lôi thôi, khỏi tốn tiền đóng cho tòa. Luân Đôn đang dẫn đầu về số ly dị. Luân Đôn không đi một mình. Sau lưng Anh quốc, các nước đang nối đuôi dài dài.

  1. Cho ly dị, nhưng đừng ly dị. Có lẽ luật pháp của các quốc gia trên thế giới đều cho phép ly dị. Nhưng các nhà văn lập luật, các quan toà đều khuyên người ta đừng ly dị. Nữ văn sĩ Pearl Buck, giải Nobel văn chương năm 1938, kết hôn năm 25 tuổi, ly dị năm 43 tuổi, đã phát biểu về vấn đề này như sau: “Nên cho ly dị lần thứ nhất, vì khi kết hôn giới trẻ chưa hiểu rõ cuộc đời vợ chồng. Không nên cho ly dị lần thứ hai. Nếu xin ly dị lần thứ ba, thì nên nghi ngờ là người ấy không đủ khả năng lập hôn ước”.

Khuyên “Đừng ly dị”, hay “Nên cho ly dị một lần thôi” đều là những tiếng nói ngập ngừng trước một sự kiện mà hậu quả của nó là khôn lưởng. Không cho ly dị ư? Tội nghiệp quá! Tôi nghiệp cho đương sự. Cho ly dị ư? Tội nghiệp hơn nhiều! Tội nghiệp cho con cái. Tội nghiệp cho cả xã hội. Từ chết đến chết!

  1. Đừng ly dị, vì ly dị là một thảm hoạ của gia đình và xã hội. Xin Em ghi khắc lời ấy vào trong não, vào trong tim. Khắc thật sâu. Khắc để không bao giờ bị xoá nhoà. Suy đi nghĩ lại và suy nghĩ mãi mãi điều ấy, rồi Em sẽ biết phải làm gì.

Những thảm hoạ của xã hội đang xảy ra khắp mọi nơi do các em thiếu niên gây nên. Các em ấy là con của ai và tội ác của các em là gì? Em cứ hỏi cảnh sát quốc tế (Interpol) thì biết.  Ở đây tôi chỉ kể cho Em một câu chuyện nho nhỏ xẩy ra trong một gia đình nhỏ tí xíu:

Hạnh lấy chồng, khi sanh được một đứa con trai, thì hai đứa đòi ly dị. Thằng cu tí lớn lên chỉ nhờ hơi mẹ. Khi được năm tuổi, nó cảm thấy mình thua bạn bè quá xa, nó bèn hỏi mẹ cho ra lẽ.

– Mẹ ơi! Cha con đâu?

– Tao cấm mày không được nhắc đến thằng chó đẻ đó. Mày mà còn nhắc đến tên nó, tao không cho mày ăn nữa. Thằng bé khóc hu hu…

Câu chuyện này không có tính phổ biến, nhưng không hi hữu lắm đâu. Nó chưa phải là thảm hoạ, nhưng thảm hoạ bắt đầu từ đó.

  1. Yêu đến thế, rồi lại ghét đến thế. Tại sao? Ông Nguyễn Du trả lời:

            “Trong khi chắp cánh hiền lành

            Mà lòng rẻ rúng để dành một bên”.

Yêu nhau thì chắp cánh liền cành. Đó là thế giới của tình yêu và tình dục. Thế giới tuyệt vời. Chắp cánh liền cành là một sinh hoạt nổi cộm nhất của đời sống vợ chồng. Nhưng nếu có lần nào đó tình dục đi bơ vơ một mình mà vắng bóng tình yêu, thì chắp cánh liền cành chỉ là lăng nhục người phối ngẫu, chỉ là bỉ ổi và ghê tởm đến buồn nôn. Chắp cánh liền cành trong nhiều trường hợp được đặt tên là hãm hiếp. Cái bỉ ổi ấy, cái lăng nhục ấy nếu được lặp lại thường xuyên, thì không ai chịu nổi thật. Kết cuộc chỉ là tan vỡ thảm thê.

Em ơi! Hãy suy nghĩ kỹ, rồi hãy can đảm thề chung thủy, vì đó là con đường đúng nhất và tốt nhất.

print