Giải Thích Về Thượng Hội Đồng Giám Mục

print

Giải Thích Về Thượng Hội Đồng Giám Mục

Christa Pongratz-Lippitt | Áo quốc

Trong một cuộc phỏng vấn dài tại Đức, người phụ nữ đầu tiên là phụ thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục nói rằng các quyết định của Giáo hội phải bao hàm việc lắng nghe càng nhiều người Công giáo càng tốt.

Nathalie Becquart, nữ tu người Pháp được bổ nhiệm làm phụ thư ký Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng 2 vừa qua, nói rằng các vị chủ chăn Giáo hội cần thu nhận nhiều ý kiến đa dạng trong quá trình ra quyết định để tránh tán thành một quan điểm hạn chế về thế giới.

Vị nữ tu 52 tuổi thuộc Dòng Nữ tu Thừa sai Xaviere là người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm vào vị trí điều hành trong ban thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục.

Và khi Thượng Hội đồng Giám mục tổ chức phiên họp toàn thể kỳ tới vào tháng 10 năm 2023, bà sẽ ghi dấu mốc lịch sử một lần nữa khi trở thành người phụ nữ đầu tiên được bỏ phiếu tại một cuộc họp quan trọng như vậy.

Bà Becquart nhận thức sâu sắc rằng điều đó sẽ mang đến ý nghĩa biểu tượng to lớn như thế nào đối với nhiều người Công giáo.

Nhưng trong một cuộc phỏng vấn dài 12 trang được phổ biến bởi Podcast Himmelklar của Công giáo Đức, bà nhấn mạnh rằng nếu quá trình ra quyết định thực sự mang tính đồng nghị (hiệp hành), thì cuộc bỏ phiếu ở giai đoạn cuối sẽ “ít nhiều mang tính cách thể thức”.

 

Một Hội Thánh trong đó mọi người đều có tiếng nói

Bà nói: “Nói một cách khá đơn giản, tính đồng nghị (hiệp hành) có nghĩa là cùng nhau đi trên một con đường chung và trở thành một Giáo hội đồng hành, trong đó tất cả những người đã được rửa tội cùng làm việc với nhau.

Vị phụ thư ký cho biết một Giáo hội đồng nghị là một Giáo hội trong đó mọi người đều có tiếng nói. Bà gọi đó là một Giáo hội bao hàm, quan tâm đến các mối tương quan.

Và bà giải thích rằng những nhân viên trong ban thư ký ở Rôma đã cố gắng tiếp xúc với càng nhiều người Công giáo khác nhau càng tốt, để thực sự lắng nghe những gì họ nói.

Họ đã sắp xếp các cuộc họp với các hội đồng giám mục và các hiệp hội Công giáo ở cấp độ lục địa.

Bà lưu ý: “ĐTC Phanxicô đã nói rõ rằng Thượng Hội đồng sắp tới phải là kết quả của một quá trình phát xuất từ chính cội nguồn của Giáo hội.

Điều quan trọng nhất là phải chú ý đến sự đa dạng.

Giáo hội đồng nghĩa với hiệp hành

Đó là lý do tại sao giai đoạn đầu tiên của việc chuẩn bị cho kỳ họp Thượng Hội Đồng kế tiếp được dành để thu thập ý kiến ​​phản hồi ở cấp giáo phận.

Cuộc tập hợp thực sự vào tháng 10 năm 2023 sẽ là bước cuối cùng sau khi các cuộc thảo luận ở cấp giáo phận, cấp quốc gia và cấp châu lục đã diễn ra.

Sơ Becquart nói rằng tính đồng nghị có nghĩa là làm việc cùng nhau, trước hết là lắng nghe nhau và sau đó là với Chúa Thánh Thần.

Bà nói, ngay từ đầu, Giáo hội thực sự đồng nghĩa với đồng nghị. Vị nữ tu người Pháp này chỉ ra rằng Giáo hội sơ khai thực hiện các quyết định theo cách thức đồng nghị và cộng đoàn.

Đây là một đoạn trích tóm tắt của cuộc phỏng vấn dài 12 trang:

Khó khăn là Giáo hội vừa là con người vừa là một thực tại thiêng liêng. Như Công đồng Vaticanô II đã tuyên bố, Giáo hội là Nhiệm thể Chúa Kitô, Dân Thiên Chúa và Đền thờ Chúa Thánh Thần.

Điều đó làm cho nó trở thành một tổ chức đặc biệt và độc đáo. Tất nhiên nó có cấu trúc thế gian, nhưng chúng ta không được chỉ giới hạn nó vào chiều kích của con người. Như vậy thì điều đó sẽ giống như một quốc hội, nhưng Giáo hội không phải là một quốc hội.

Để hiểu Giáo hội trong chiều kích tổng thể của nó, chúng ta không chỉ phải nhìn vào khía cạnh con người mà còn phải nhìn vào chiều kích thiêng liêng. Tính đồng nghị là một quá trình thiêng liêng. Chúng ta phải lắng nghe Chúa Thánh Thần và cố gắng hiểu Giáo hội ngày nay phải như thế nào.

Thách thức đó là Giáo hội không phải là một tổ chức giống như bất kỳ tổ chức nào khác. Giáo hội phải tìm ra đường lối riêng của mình để thu nhận tất cả mọi thành phần thông qua một quá trình có sự tham gia, và đó là một quá trình thiêng liêng.

Điều này phải thúc đẩy nỗ lực hợp tác hơn. Vấn đề là cùng nhau biện phân và lắng nghe nhau để tìm ra phương thế yêu thương và phục vụ dân Chúa một cách tốt nhất.

Bà Becquart đã làm việc tại các văn phòng của ban thư ký Thượng Hội đồng Giám mục có trụ sở tại Rôma chỉ mới sáu tháng; và trong thời gian này, khuynh hướng giáo sĩ trị và sự lãnh đạo do nam giới nắm giữ đã là những vấn đề được thảo luận sôi nổi.

Khi được hỏi liệu bà có cảm thấy khó khăn khi phải xác định mình là một phụ nữ ở Vatican hay không, bà cho biết ngày càng có nhiều người trong Giáo hội nhận ra rằng việc bổ nhiệm thêm phụ nữ ở tất cả các cấp bậc giáo hội là cấp thiết như thế nào.

Đa dạng ý kiến là điều quan trọng bao quát

Bà cho biết, điều chính yếu là nam và nữ, giáo sĩ và giáo dân, già và trẻ cùng làm việc chung với nhau.

Bà Becquart nói: “Nếu bạn chỉ quy tụ những người đồng đều lại với nhau, bạn sẽ chỉ có một góc nhìn một chiều về thế giới.

Bà nhấn mạnh: “Sự đa dạng về quan điểm rất quan trọng. Nếu phụ nữ tham gia vào quá trình ra quyết định thì sẽ có nhiều sự đa dạng hơn. Người ta sẽ lắng nghe hơn nếu những người tham gia là những người khác nhau với những kinh nghiệm đa chiều và chúng ta (phụ nữ) cũng có những đóng góp khác”.

Đó là điều mà Giáo Hội đang học hỏi vào lúc này, đặc biệt là cuộc khủng hoảng Giáo Hội hiện nay đã khiến người ta rất quan tâm về khuynh hướng giáo sĩ trị. Bây giờ điều bắt buộc là phải tìm ra một đường lối lãnh đạo hợp tác.

Bà Becquart nhấn mạnh rằng điều quan trọng là những người ra quyết định không được xem mình như một cơ quan riêng biệt mà phải là một phần của cộng đồng.

Bà nói rằng tính đồng nghị thực sự có nghĩa là lắng nghe nhau ngay cả khi, trong trường hợp cuối cùng, một người phải gánh vác trách nhiệm duy nhất.

Bà chỉ ra rằng: “Có một sự khác biệt rất lớn nếu ai đó quyết định một mình hay biết lắng nghe cộng đồng”.

(Christa Pongratz-Lippitt viết từ Vienna, nơi bà đã có nhiều năm làm phóng viên và bình luận viên về các vấn đề của Giáo hội trong thế giới nói tiếng Đức)

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung (theo La Croix, ngày 27 tháng bảy, 2021)