Dòng Đức Bà Truyền Giáo đáp lời “Thương quá Sài Gòn ơi!”

Dòng Đức Bà Truyền Giáo đáp lời “Thương quá Sài Gòn ơi!”

Dòng Đức Bà Truyền Giáo đáp lời “Thương quá Sài Gòn ơi!”

TGPSG — Hãy làm tất cả những gì có thể làm được vì ‘Thương quá sài Gòn ơi!’

Vào một ngày đầu tháng 7, Văn phòng Tỉnh dòng Đức Bà Truyền Giáo (ĐBTG) nhận được thư của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh kêu gọi các giáo phận, các cấp Caritas, các giáo xứ, các dòng tu, các cộng đoàn và anh chị em giáo dân hãy khẩn cấp ra tay, hãy làm tất cả những gì có thể làm được vì ‘Thương quá sài Gòn ơi!’

Ngay sau đó, thông tin được chuyển đi đến các cộng đoàn ĐBTG đang hiện diện trong nước cũng như hải ngoại, với lời nhắn nhủ: “Chị em hãy lắng lòng để lắng nghe và mau mắn thực hiện lời giáo huấn này của Chúa Giêsu: ‘Các con đã nhận lãnh nhưng không thì hãy cho đi nhưng không’, Mẹ sáng lập Dòng đã làm như thế, và chúng ta cũng hãy làm như thế trong khả năng và hoàn cảnh của mỗi cộng đoàn”.

Đáp lời ‘Thương quá Sái Gòn ơi!’, chị em ĐBTG đã nhanh nhẹn nối vòng tay lớn, cộng tác với các giáo xứ, với anh chị em Trợ tá Truyền Giáo (TTTG) và các ân nhân để gởi trao về Sài Gòn thân thương tất cả những gì có được trong tầm tay.

Từ Giáo phận Nha Trang, chị em ĐBTG cộng đoàn Vinh Trang đã chia sẻ bằng lời cầu nguyện và với những gì mình có: những bó rau chị em trồng, những quả thanh long, những nải chuối, nồi cá kho, thịt gà kho… dù chỉ là một chút xíu, nhưng tất cả phát xuất từ tấm lòng yêu thương.

Từ Giáo Phận Đà Lạt, hai cộng đoàn ĐBTG Đà Lạt, Nam Ban cũng nhiệt thành nổi lửa yêu mến:

  • Chị em ĐBTG cộng đoàn Đà Lạt mỗi ngày cộng tác với nhóm TTTG và nhóm Caritas của Giáo xứ Thánh Mẫu, dưới sự điều động của cha chánh xứ Phêrô Mai Vinh Sơn, lặn lội đến các vườn rau cắt và đóng thùng gởi về cho anh chị em ở các vùng dịch. Chị em cộng tác với Hội chữ Thập Đỏ và nhóm anh chị em Phật Tử tại ‘Quán cơm Không đồng’ chia sẻ các phần ăn vào mỗi thứ Bảy và Chúa nhật hằng tuần.

 

  • Chị em ĐBTG cộng đoàn Nam Ban, rất ít nhân sự, nhưng vẫn hăng hái cộng tác với chương trình của Giáo xứ Nam Ban, hái rau, đóng gói, chuyển hàng… để gởi về Sài Gòn.

Từ Giáo Phận Phú Cường, với số nhân sự ít ỏi đếm trên đầu ngón tay, chị em ĐBTG cộng đoàn Củ Chi cũng nỗ lực trao “năm chiếc bánh và hai con cá” mình kiếm được vào đôi tay quyền năng của Chúa Giêsu:

Từ Giáo Phận Xuân Lộc, hai cộng đoàn ĐBTG Quang Lâm và Thạch An cũng “chất thêm củi vào bếp tình thương” của Chúa và Giáo hội:

  • Chị em ĐBTG cộng đoàn Quang Lâm, chỉ có vài người thôi, cũng hết lòng cộng tác với giáo xứ miền Quang Lâm (Tân Phú- Đồng Nai) vào bếp làm chà bông (ruốc thịt heo), tìm vườn rau, xin và cắt rau, mua những nhu yếu phẩm cần thiết, liên lạc xe, thức đêm để đợi xe chuyển hàng đi Sài Gòn, với tâm nguyện: ‘Lá rách đùm lá tả tơi’…

  • Chị em ĐBTG cộng đoàn Thạch An, vì ‘Đồng Nai thân yêu’, đã cộng tác với cha xứ giáo xứ Thạch An (đặc biệt, cả cha Chính xứ và Cha phó cùng vào bếp), cùng với Hội đồng Giáo xứ nấu các phần ăn cho các y bác sĩ đang phục vụ tại trung tâm phòng chống dịch huyện Vĩnh Cửu, và những người lao động nghèo trong khu vực cách ly, phong tỏa của huyện.

Từ Tổng Giáo Phận Sài Gòn, chị em ĐBTG các cộng đoàn Tân Bình, Quận Bảy, Thị Nghè, Thủ Đức như những đợt sóng nối tiếp nhau vỗ vào bờ cát trắng… Mỗi cộng đoàn một cách khác nhau, chia sẻ các phần ăn và các nhu yếu phẩm đến anh chị em tại các khu vực cách ly, phong tỏa gần cộng đoàn của mình.

Riêng cộng đoàn Thủ Đức, có sân trường Mầm Non rộng rãi, đã trở thành nơi tập kết rau củ quả của nhóm các bạn thiện nguyện “ Siêu thị Không đồng” ( STKĐ) của TGPSG.

Vì đường xa nên các chuyến xe hàng với hàng tấn thực phẩm được tập kết vào ban đêm, các chị em phải trực để mở cổng cho xe hàng vào và phụ giúp các bạn nhóm STKĐ (nhóm chỉ có vài bạn). Có hôm mới 2 giờ sáng đã nghe điện thoại reo: “Sơ ơi, khoảng 1 tiếng rưỡi nữa xe về đến nha.” Sơ bị đánh thức trước một tiếng rưỡi, nhưng vẫn vui vẻ ngồi chờ mở cổng.

Lần khác, điện thoại lại réo rắt: “Sơ ơi, có mấy trăm ký cá cơm từ Vinh gởi vào, Sơ làm sạch và kho giùm con, cho vào túi nửa ký, sáng mai con lấy nha Sơ”. Vậy là “cá về tu viện” và lệnh “ra khơi bắt cá” được ban hành. Tất cả chị em lớn nhỏ, mỗi người một việc: Rửa cá, chuẩn bị hành tỏi, kho cá, cân ký, cho vào túi nylon, đóng thùng…

Và cứ như thế, gần một tháng trôi qua, dù không được ra đường, nhưng chị em vẫn không bị thất nghiệp, vẫn có việc làm đều đặn và có phần bận rộn hơn những ngày không có thực hiện lệnh giãn cách.

 

Cộng đoàn các Sơ cao niên nhà Hưu dưỡng và cộng đoàn Tập viện đã hy sinh nhiều hơn trong những ngày này để nhường phần ăn của mình cho vùng dịch. Việc ăn uống thanh đạm hơn để dư ra số tiền chợ khiêm tốn hằng ngày, góp vào túi tiền chung của Tỉnh dòng gởi về TGPSG theo chương trình mời gọi đóng góp quỹ Caritas của TGPSG.

Trong những ngày chưa thực hiện chỉ thị 16 cách nghiêm ngặt, các Sơ cộng đoàn Hưu dưỡng đã được “ trẻ hóa”, cùng các em cộng đoàn Đệ tử, chia sẻ các phần quà cho những người cần đến ngay tại cổng nhà dòng.

Lời nhắn nhủ của ĐTGM Giuse đã, đang và còn vang vọng trong tâm hồn của mỗi chị em ĐBTG: “tỉnh thức để nhận ra Thánh ý Thiên Chúa. Đại dịch tàn phá, nhưng chúng ta, cùng với đồng bào Việt Nam khắp nơi, trong nước cũng như hải ngoại, sẽ xây dựng một thành phố mới và một hệ thống xa lộ mới bằng vật liệu tình thương.” 

Lạy Chúa, chúng con đã được nhận lãnh cách nhưng không biết bao ân huệ từ Chúa. Giờ đây chúng con xin chia sẻ lại những quà tặng này cho anh chị em chúng con đang đau khổ giữa đại dịch. Xin giúp chúng con trong công trình xây dựng một thành phố mới và một hệ thống xa lộ mới bằng vật liệu tình thương”. Xin Chúa cho đại dịch mau chấm dứt và nhân loại chúng con được sống trong an bình của Chúa.

Sr. M. Tuyết Mai, Rndm (Dòng Đức Bà Truyền Giáo)

print