Bảy Chìa Khóa Để Hiểu Bí Tích Truyền Chức Thánh

Bảy Chìa Khóa Để Hiểu Bí Tích Truyền Chức Thánh

  1. Tại sao gọi là Bí Tích Truyền Chức Thánh ?

Trước đây, từ “Ordinatio” là việc gia nhập vào một tập thể của Hội Thánh qua việc cử hành nghi thức phụng vụ. Nghi thức này là hành vi phụng vụ với ý nghĩa là thánh hiến, chúc lành hay bí tích. Ngày nay, từ “Ordinatio” chỉ dành riêng cho việc cử hành bí tích gia nhập hàng giám mục, linh mục và phó tế. Nghi thức phụng vụ có giá trị hơn việc cộng đoàn bầu cử, chỉ định, ủy nhiệm hay cắt đặt, vì ban hồng ân Thánh Thần cho phép thi hành một “quyền thánh chức” (x. Lumen Gentium 10) do chính Chúa Ki-tô ban qua Hội Thánh. Ordinatio còn được gọi là phong chức thánh, nghĩa là được Ðức Ki-tô tách riêng và bổ nhiệm để phục vụ Hội Thánh. Việc giám mục đặt tay và lời nguyện thánh hiến, làm nên dấu chỉ hữu hình của việc phong chức này. Theo nghĩa này, tiếng Việt gọi là bí tích Truyền Chức Thánh[1].

“Truyền Chức là bí tích qua đó sứ mạng Chúa Ki-tô ủy thác cho các tông đồ tiếp tục được thực hiện trong Hội Thánh cho đến tận thế; vì thế, được gọi là bí tích của thừa tác vụ tông đồ. Bí tích này gồm 3 cấp bậc : chức giám mục, chức linh mục và chức phó tế.”[2]

 

  1. Chức ?

Khi nói đến “Cấp bậc” hay “chức giám mục, chức linh mục và chức phó tế” trong Hội Thánh, người tín hữu thường nghĩ đến bí tích Truyền Chức Thánh, người “chịu chức” hoặc chức thánh theo phẩm trật trong Hội Thánh. Từ “chức” không xuất hiện trong thánh kinh nhưng được mượn trong đế chế Roma cổ. Từ “Ordo – chức” chỉ những tập thể dân sự, nhất là tập thể lãnh đạo. “Ordinatio” chỉ việc được nhận vào tập thể đó.[3]

Khoảng năm 200, Turtulianô đã mượn từ “chức” này đề nói về giám mục, linh mục và phó tế. Từ đó, “chức” muốn nói đến các vị có chức thánh như giai cấp tư tế. Tuy nhiên, cách hiểu này hoàn toàn xa lạ với ý định của Chúa Giêsu khi lập nhóm Mười Hai.

Thực ra, Chúa Ki-tô đã thông truyền cho các tông đồ và những người kế vị các ngài quyền tư tế. Quyền này được bao gồm quyền cử hành lễ tưởng niệm cuộc khổ nạn “các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” và quyền tha tội “các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha”. Tiếp theo, các tông đồ tuyển chọn các linh mục và giám mục trong nghi thức đặt tay và cầu nguyện. Sách Tông Đồ Công Vụ đã ghi lại việc đặt các thầy phó tế :“Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông” (Cv 6,6) và việc thiết lập các kỳ mục: “Trong mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay cầu nguyện, hai ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin” (Cv 14,23).

Đặc biệt, trong thư của Thánh Phao-lô gửi cho Timôthê đã ghi nhận “Cha nhắc con hãy khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng con đã nhận được khi cha đặt tay trên con (2Tm 1,6); “con đừng thờ ơ với đặc sủng đang có nơi con, đặc sủng Thiên Chúa đã ban cho con nhờ lời ngôn sứ, khi hàng kỳ mục đặt tay trên con” (1 Tm 4,14). Thánh nhân còn dặn: “con đừng vội đặt tay trên ai, đừng cộng tác vào tội lỗi của người khác” (1 Tm 5,22). Nếu đúng như cách giải thích về việc truyền chức, thì các vị lãnh đạo Hội Thánh do các Tông Đồ đặt lên sẽ tiếp tục chuyển giao quyền hành được lãnh nhận cho người kế nhiệm qua việc đặt tay của mình.

Từ đầu thế kỷ thứ III, các Giáo Phụ cũng làm chứng về sự hiện hữu của thừa tác vụ trong Hội Thánh cũng như việc bổ nhiệm thừa tác vụ qua nghi thức phụng vụ.

Công Đồng Tridentinô khẳng định trong Hội Thánh Công Giáo có một chức tư tế hữu hình và khả giác (Ds 961), một phẩm trật do ý muốn Thiên Chúa thiết lập (Ds 966), nghĩa là một chức tư tế đặc biệt và một cấp bậc tư tế đặc biệt (ordo in esse) khác hẳn với cấp bậc giáo dân theo bản chất. Bí Tích đặc biệt đó là Bí Tích Truyền Chức Thánh (ordo in fieri hay là ordinatio). Qua bí tích này người tín hữu được đón nhận vào cấp bậc tư tế. Công Đồng tuyên bố sẽ bị vạ tuyệt thông kẻ nào nói rằng trong Tân Ước không có chức tư tế hữu hình, hoặc không có quyền bính nào để thánh hiến và dâng hiến Mình Máu Chúa và tha thứ tội lỗi. Cũng bị vạ tuyệt thông kẻ nào nói rằng việc truyền chức thánh không phải là bí tích đích thực do Chúa Ki-tô thiết lập (Ds 963).

Như vậy việc đặt tay, ban hồng ân Thánh Thần trên ứng viên là cho phép họ thi hành “quyền chức thánh” do chính Chúa Ki-tô ban qua Hội Thánh. Việc giám mục đặt tay và lời nguyện thánh hiến, làm nên dấu chỉ hữu hình của việc thánh hiến này. Nghi thức này là dấu bề ngoài của bí tích Truyền Chức Thánh.

  1. Ba cấp bậc của Bí Tích Truyền Chức: Giám mục, linh mục và phó tế

“Thừa tác vụ do Thiên Chúa thiết lập trong Hội Thánh được thi hành bởi những người có chức vụ khác nhau: giám mục, linh mục và phó tế”[4].

Giáo lý Công Giáo được diễn tả trong phụng vụ, huấn quyền và cách thực hành liên tục trong Hội Thánh thừa nhận có hai cấp bậc tham dự như thừa tác viên vào chức tư tế của Đức Ki-tô: Hàng giám mục và hàng linh mục. Riêng hàng phó tế có nhiệm vụ giúp đỡ và phục vụ các giám mục và linh mục. Từ “tư tế” (sacerdos) chỉ được dùng để chỉ các giám mục và các linh mục, không chỉ các phó tế. Tuy nhiên, giáo lý Công Giáo cũng dạy rằng những cấp bậc tư tế thừa tác (giám mục và linh mục) và cấp bậc phục vụ (phó tế) cả ba đều được trao ban qua hành vi phụng vụ là bí tích Truyền Chức Thánh[5].

Giám mục

Công đồng Va-ti-ca-nô II dạy : “Khi được tấn phong, các giám mục nhận lãnh trọn vẹn bí tích Truyền Chức mà tập tục phụng vụ Hội Thánh và các thánh giáo phụ gọi là chức tư tế tối cao và nhận lãnh thực tại toàn vẹn của thánh vụ[6].

Như vậy, giám mục có nhiệm vụ thánh hoá, giảng dạy và quản trị. Qua việc đặt tay và qua các lời nguyện thánh hiến, ấn tín ơn Chúa Thánh Thần được thông ban, nên các giám mục thi hành nhiệm vụ của chính Đức Ki-tô là Thầy, Mục tử và Thượng tế và hành động trong cương vị của Người”[7].

Vì là đại diện của Đức Ki-tô, mỗi giám mục có trách nhiệm mục vụ trong Giáo Hội địa phương được trao phó cho ngài, đồng thời, vì là người kế nhiệm hợp pháp của các tông đồ do Chúa thiết lập, nên các giám mục phải liên đới trách nhiệm với sứ mạng tông đồ của Hội Thánh[8].

Linh mục

Là cộng tác viên của giám mục để thi hành sứ mạng tông đồ mà Đức Ki-tô giao phó, chức linh mục liên kết với chức giám mục, nên cũng được tham dự vào quyền bính mà chính Chúa Ki-tô đã dùng để kiến tạo, thánh hóa và cai quản Thân Thể Người. Qua bí tích Truyền Chức, linh mục được Chúa Thánh Thần xức dầu và như thế, các ngài nên giống Chúa Ki-tô Linh Mục, đến nỗi có quyền thay mặt Chúa Ki-tô là Đầu mà hành động[9].

Như vậy, qua bí tích Truyền Chức, linh mục được thánh hiến theo hình ảnh Đức Ki-tô, Thầy Cả Thượng Phẩm vĩnh viễn (x. Dt 5,1-10;). Các ngài có nhiệm vụ “rao giảng Tin Mừng, chăm sóc tín hữu và cử hành việc phụng tự Thiên Chúa với tư cách tư tế đích thực của Tân Ước”[10]. Tuy nhiên, các linh mục chỉ có thể thi hành phận vụ khi tùy thuộc vào giám mục và hiệp thông với ngài. Lời hứa vâng phục giám mục khi chịu chức và cái hôn bình an của giám mục vào cuối nghi thức truyền chức, cho thấy giám mục nhận các linh mục như cộng sự viên, như con cái, như anh em, như bạn hữu; vì thế, linh mục phải đáp lại bằng lòng yêu mến và vâng phục[11].

Nhờ bí tích Truyền Chức, tất cả các linh mục liên kết mật thiết với nhau bằng một tình huynh đệ do bí tích; cách đặc biệt trong một giáo phận, khi được chỉ định phục vụ dưới quyền giám mục của mình, các ngài hợp thành một linh mục đoàn duy nhất[12]. Tính duy nhất của linh mục đoàn được biểu lộ trong phụng vụ: sau giám mục, các linh mục đặt tay lên đầu tân linh mục trong lễ nghi phong chức.

Phó tế

“Ở bậc thấp hơn nữa của hàng giáo phẩm, có các phó tế, người đã được đặt lên, không phải để lãnh nhận chức vụ linh mục, nhưng để phục vụ”[13]. Khi phong chức phó tế, chỉ mình giám mục đặt tay. Điều này cho thấy phó tế được liên kết đặc biệt với giám mục trong trách nhiệm phục vụ[14].

Bí tích Truyền Chức in ấn tín vĩnh viễn làm cho các phó tế nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, Đấng trở thành người phục vụ, nghĩa là tôi tớ của mọi người (x. Mc 10,45; Lc 22,27). Nhờ đó các phó tế tham dự vào sứ mạng và ân sủng của Đức Ki-tô.

Phận vụ phó tế là phụ giúp các giám mục và linh mục trong việc cử hành mầu nhiệm thánh, nhất là thánh lễ, trao Mình Thánh Chúa, chứng kiến và chúc lành cho đôi hôn phối, công bố và rao giảng Tin Mừng, chủ tọa lễ nghi an táng và đặc biệt là việc bác ái[15].

 

  1. Tổ chức đào tạo Ứng Sinh linh mục[16]

Các Đại chủng viện Việt Nam đào tạo các ứng sinh linh mục dựa theo hướng dẫn của Tông Huấn Pastores Dabo Vobis do Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 25 tháng 3 năm 1992, với những nét chính như sau:

  1. Mục tiêu: đào tạo các chủng sinh trở thành “những mục tử như lòng Chúa mong muốn” (Pastores Dabo Vobis, số 1, câu đầu tiên)
  2. Công cuộc đào tạo bao gồm 3 giai đoạn: Trước, trong và sau Đại chủng viện:

– Trước khi được vào Đại chủng viện, các em được đào tạo trong hệ thống “dự tu” tại các giáo xứ, giáo hạt và giáo phận. Thời gian tùy mỗi giáo phận ấn định.

– Thời gian đào tạo chính thức tại Đại chủng viện là chín năm: 1 năm dự bị, 1 năm tu đức, 2 năm triết học. 1 năm thử tại các họ đạo bên ngoài, và 4 năm thần học. Trong những năm thần học này chủng sinh được nhận lãnh các tác vụ đọc sách, giúp lễ và được tiếp nhận làm ứng viên phó tế.

– Sau khi kết thúc thần học, chủng sinh còn phải tiếp tục 1 năm mục vụ nữa. Trong năm này họ được phong chức phó tế và linh mục. Và mặc dù đã là linh mục, họ còn được giáo phận quan tâm bồi dưỡng thêm cách đặc biệt trong 5 năm kế tiếp, thời gian này được gọi là “Năm năm đầu đời linh mục”. Sau đó họ mới hòa nhập chung với tất cả các linh mục trong chương trình Thường huấn.

  1. Việc đào tạo này có tính cách toàn diện bao gồm 4 chiều kích: nhân bản, đạo đức, trí thức và mục vụ. Tất cả 4 chiều kích ấy đều nhắm đến mục tiêu giúp họ làm mục vụ sau này với một con tim như Chúa Giêsu mục tử dạt dào đức ái mục tử.

 

  1. Diễn tiến thánh lễ phong chức linh mục

 

Bí tích Truyền Chức Thánh được diễn ra trong thánh lễ phong chức. Nghi thức chính yếu của bí tích Truyền Chức (cho cả ba cấp bậc) là giám mục chủ phong đặt tay trên đầu tiến chức, cùng với lời nguyện phong chức xin Thiên Chúa ban cho tiến chức đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần và những ân sủng đặc biệt để chu toàn thừa tác vụ sắp lãnh nhận[17]. Diễn tiến nghi thức phong chức linh mực như sau:

  • Phụng vụ Lời Chúa liên quan đến lễ phong chức hoặc trong thánh lễ được cử hành hôm ấy;
  • Giới thiệu tiến chức và thẩm vấn của giám mục:

Sau phần phụng vụ Lời Chúa, tiến chức được xướng tên và tiến đến trước mặt giám mục. Sau lời thỉnh cầu của linh mục do giám mục ủy thác, giám mục sẽ ban huấn từ cho cộng đoàn và tiến chức về nhiệm vụ linh mục. Sau bài huấn dụ, giám mục sẽ thẩm vấn tiến chức trước dân chúng về quyết định liên quan đến chức vụ sẽ lãnh nhận.

  • Tiến chức hứa vâng phục giám mục;
  • Kinh cầu các thánh và lời nguyện phong chức;
  • Nghi thức diễn nghĩa: xức dầu thánh vào lòng bàn tay tiến chức, mặc phẩm phục, trao lễ vật (bánh và rượu để cử hành thánh lễ) và trao hôn bình an.
  • Phụng vụ Thánh Thể như thường lệ.

 

  1. Luật độc thân linh mục công giáo theo nghi lễ La-tinh.

Luật độc thân dành cho linh mục Công giáo là một quyết định có tính cách kỷ luật về mục vụ hơn là thần học. Giáo hội tiếp tục khẳng định lời cam kết này trong những giáo huấn hiện tại. Giáo Lý Công Giáo dạy:“trong Giáo Hội La-tinh, trừ các phó tế vĩnh viễn, mọi thừa tác viên có chức thánh thường được tuyển chọn từ những người nam sống độc thân và có ý giữ độc thân “vì Nước Trời” (Mt 19,12). Ðược mời gọi tận hiến cho Chúa để “lo việc của Người” (x. 1Cor 7, 32), các ngài hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa và con người. Ðời sống độc thân là dấu chỉ của sự sống mới mà các thừa tác viên của Hội Thánh được thánh hiến để phục vụ. Nếu hân hoan đón nhận đời sống độc thân này, các ngài sẽ loan báo Nước Trời hữu hiệu hơn[18].

Riêng “trong các Giáo Hội Ðông Phương, từ nhiều thế kỷ nay, có một tập tục khác: chỉ các giám mục được tuyển chọn trong những người độc thân; còn linh mục và phó tế có thể được tuyển chọn trong những người đã lập gia đình. Tập tục này từ lâu vẫn được coi là chính đáng. Các linh mục này thi hành thừa tác vụ hữu hiệu giữa cộng đoàn. Hơn nữa, sự độc thân của các linh mục rất được trân trọng trong các Giáo Hội Ðông Phương và nhiều linh mục đã tự nguyện sống độc thân vì Nước Trời. Ở Phương Ðông cũng như Phương Tây, người đã nhận chức thánh không được phép lập gia đình nữa.”[19]

 

  1. Phó tế vĩnh viễn là ai ?

Ngay từ thời Giáo Hội Sơ Khai, chức phó tế có tính cách vĩnh viễn. Nhưng kể từ thế kỷ IV, trong Giáo Hội La-tinh, chức phó tế và sứ vụ được giới hạn trong phụng vụ. Chức vụ này cũng chỉ tạm thời trước khi chịu chức linh mục. Đến Công đồng Vatican II, Giáo Hội phục hồi lại vai trò phó tế như một bậc riêng và vĩnh viễn thuộc phẩm trật. Hiến chế Tín lý về Giáo Hội trình bày bản chất và vai trò của phó tế mang tính vĩnh viễn như sau:

“Ở bậc thấp hơn của hàng giáo phẩm có các phó tế, những người đã được đặt tay không phải để lãnh nhận chức vụ linh mục, nhưng là để phục vụ. Thực vậy, được ân sủng bí tích bồi bổ, các phó tế trong sự hiệp thông với giám mục và linh mục đoàn, phục vụ Dân Thiên Chúa bằng việc phụng vụ, giảng dạy, và bác ái. Khi được những vị có thẩm quyền chỉ định, các phó tế được cử hành trọng thể phép Thanh Tẩy, giữ và trao Mình Thánh Chúa, nhân danh Giáo Hội chứng kiến và chúc lành hôn phối, mang của ăn đàng cho kẻ hấp hối, đọc Thánh Kinh cho tín hữu, giáo huấn và khuyên nhủ dân chúng, chủ toạ việc phụng tự và kinh nguyện của tín hữu, cử hành các á bí tích, chủ toạ lễ nghi tang chế và an táng”[20].

Việc khôi phục thánh chức phó tế vĩnh viễn theo tinh thần của Công đồng Vatican II được chính thức áp dụng trong Giáo Hội kể từ lúc Ðức Thánh Cha Phaolô VI ban hành Tự sắc Sacrum Diaconatus Ordinem (Thánh Chức Phó Tế) ngày 18/06/1967.

 Bộ Giáo Luật 1983 cũng qui định là các ứng viên phó tế vĩnh viễn phải ít nhất là 25 tuổi nếu độc thân và không thể kết hôn sau khi thụ phong phó tế, hoặc ít là 35 tuổi nếu đã có gia đình với sự đồng thuận của người vợ và không thể tục huyền sau khi người vợ qua đời. Sau khi được truyền chức và được Ðức Giám mục sở tại bổ nhiệm, các phó tế vĩnh viễn sẽ thi hành mục vụ theo sự chỉ dẫn của vị Giám mục và với các linh mục. Mặc dầu mục vụ phó tế vĩnh viễn bao gồm các chiều kích phụng vụ, rao giảng Lời Chúa và công việc bác ái, tùy theo khả năng cũng như sở thích của mỗi cá nhân và dĩ nhiên với sự chấp thuận của Ðức Giám mục, các phó tế vĩnh viễn có thể hoạt động trong các mục vụ nhà tù, nhà thương, nhà hưu dưỡng, nhà trường,…

Ðể thực hiện sứ vụ được giao, các phó tế vĩnh viễn cần được đào tạo một cách kỹ lưỡng. Ngày 10/03/1998, Toà Thánh đã ban hành tài liệu “Những Tiêu chuẩn Căn bản cho việc Ðào tạo Phó tế Vĩnh viễn” để bảo đảm sự thống nhất trong việc huấn luyện và mục vụ của các phó tế vĩnh viễn khắp nơi. Theo chương trình đào tạo do Toà Thánh đưa ra, các ứng viên phó tế vĩnh viễn phải có một thời gian chuẩn bị và sau đó có ít là 3 năm học hỏi và tham gia các sinh hoạt liên quan; gặp gỡ thường xuyên với một vị linh hướng được bề trên chấp thuận; có tối thiểu 1.000 giờ học về thần học, luân lý và giáo huấn xã hội .

Như thế, trong phẩm trật của Giáo Hội hiện nay có hai dạng phó tế: phó tế vĩnh viễn và phó tế chuyển tiếp dành cho những ai sẽ tiếp tục lãnh nhận chức linh mục. Dầu vậy, ở một số nơi, hình thức phó tế vĩnh viễn, nhất là phó tế vĩnh viễn có gia đình, vẫn còn là một điều xa lạ, chẳng hạn nhiều giáo phận ở Việt Nam vẫn chưa có sự hiện diện của phó tế vĩnh viễn. Lý do là thẩm quyền khôi phục phó tế vĩnh viễn tùy thuộc vào quyết định của Hội đồng Giám mục các nước và với sự chấp thuận của Toà Thánh.

Tóm lại, các phó tế vĩnh viễn có gia đình là những thừa tác viên của Giáo Hội, được trao phó sứ mạng phục vụ Dân Chúa. Các ngài giúp thăng tiến hoạt động tông đồ giáo dân. Tuy không có chức tư tế thừa tác như các linh mục, các phó tế vĩnh viễn là những thừa tác viên được phong chức để phục vụ Hội Thánh trong thừa tác vụ rao giảng Lời Chúa, lo việc phụng tự, chăm sóc cộng đoàn và thực thi bác ái. Đó là phương thế mà các ngài dấn bước theo chân Chúa Kitô, Ðấng đã làm tôi tớ cho mọi người.

Lm. Gs. Lê Ngọc Ngà

—-

[1] X. Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo (GLCG), số 1537

[2] X. GLCG, số 1536.

[3] X. GLCG, số 1537.

[4] Lumen Gentium, số 28.

[5] X. GLCG, số 1554.

[6] Lumen Gentium, số 21.

[7] Lumen Gentium, số 21.

[8] X. Piô XII, thông điệp Hồng ân đức tin ; x. Lumen Gentium, số 23.

[9] X. Presbyterorum Ordinis, số 2.

[10] Lumen Gentium, số 28.

[11] X. GLCG, số 1567.

[12] X. Presbyterorum Ordinis, số 8.

[13] Lumen Gentium, số 29.

[14] x. Thánh Hi-pô-li-tô, Truyền thống tông đồ, số 8.

[15] X. Lumen Gentium, số 29; Sacrosanctum Concilium, số 35.

[16] Lm. Carolô Hồ Bạc Xái, “Việc đào tạo linh mục tại Việt Nam và những thách đố”, trong Bản tin Hiệp Thông/ HĐGMVN, số 121, thangs 11 & 12 năm 2020.   

[17] x. Piô XII, tông hiến Bí tích Truyền Chức Thánh, DS 3858.

[18] GLCG, số 1579.

[19] GLCG, số 1580.

[20] Lumen Gentium, số 29

print