Người Tôi Tớ Đau Thương của Gia-vê Thiên Chúa

print

Người Tôi Tớ Đau Thương của Gia-vê Thiên Chúa

 Chúa Nhật 24 Thường Niên B

vo ha

Trốn tránh đau khổ, chạy đua đi tìm hạnh phúc  bằng mọi giá, là lối sống  thường tình của con người. Trong 24 giờ một ngày, sống sung sướng  không mấy khi. Nhưng lo toan tính toán, khổ sở nhiều bề, vây phủ lấy ta.

Trong Kinh Lạy Nữ Vương Salve Regina nguyên gốc Latin, có mấy dòng tiêu biểu cho tình cảnh nầy: chúng con, con cháu E-và, thân phận lưu đày,  ngửa trông lên Mẹ, thở than  khóc lóc, nài nỉ kêu van, trong cái thung lũng,  nước mắt dư đầy.

Nhưng về mặt  tinh thần, cực khổ và đau thương cũng có giá trị riêng biệt của nó. Như cha mẹ vui lòng cực khổ nuôi dạy con cái, vì  yêu thương theo cách con người. Thêm nữa, nhiều nhà khoa học dám lấy thân mình, làm vật thí nghiệm,  vì lợi ích nhân sinh. Khi xuống cõi trần, Chúa Giêsu lại dùng rất thánh giá – biểu tượng cho thương đau – mà chuộc tội và đem lại sự sống thật cho loài người, vì yêu thương theo  đường lối của Thiên Chúa.  Ta cùng đọc những dòng Lời Chúa bên dưới và xin ơn thêm soi sáng.

BÀI ĐỌC I: Is 50, 5-9a    “Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi”.

Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn. Ðấng xét tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được? Chúng ta hầu toà, ai là kẻ thù địch của tôi, hãy đến đây! Này đây Chúa là Thiên Chúa bênh đỡ tôi, ai dám kết tội tôi?

BÀI ĐỌC II: Gc 2, 14-18. “Ðức tin không có việc làm là đức tin chết”.

Bài trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, nếu ai nói mình có đức tin, mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Ðức tin như thế có thể cứu được nó ư? Nếu có anh chị em nào không cơm ăn áo mặc, mà có kẻ trong anh em lại bảo họ rằng: “Chúc anh chị em đi bình an, và ăn no mặc ấm”, mà anh em lại không cho họ những gì cần dùng cho thân xác, thì nào có ích gì? Về đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm, là đức tin chết tận gốc rễ. Nhưng có người sẽ nói: “Anh, anh có đức tin; còn tôi, tôi có việc làm”. Anh hãy tỏ cho tôi thấy đức tin không việc làm của anh, và tôi sẽ lấy việc làm mà chỉ cho anh thấy đức tin của tôi.

PHÚC ÂM: Mc 8, 27-35.  “Thầy là Ðấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Kitô”. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả. Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”. Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình”

Đôi dòng ghi chú và tâm tình

Theo định nghĩa thông thường, “Tôi Tớ”  là người ở dưới quyền sai bảo của người khác.

Đại danh từ ” Tôi” trong tiếng Việt, theo Vị Thầy Ngữ Học là Cố Giám Mục Hoàng Văn Đoàn (1912-1974) có nghĩa là “Tôi Tớ”. Như vậy, tự thân, người Việt Nam rất khiêm cung khi xưng hô hoặc giao tế. Ý nghĩa của từ ngữ nầy đã được tiềm ẩn hầu hết trong bài đọc trên của tiên tri I-sa-i-a, nơi phần Đệ Nhị (Ch. 40-55).

Người Tôi Tớ nầy, đươc Giavê chọn lựa, và sai bảo. Người vốn vô tội, nhưng phải gánh lấy rất nhiều đau thương vì tội lỗi của loài người.

Người Tôi Tớ này là hình ảnh của Đấng Messia. Chính  Giêsu đã làm theo lộ đồ của  lời tiên tri này: Người đã chịu nạn, chịu chết trên Thập giá để cứu chuộc loài người, chỉ vì yêu họ hnơ chính mình.

Người   bị bao vây giữa muôn vàn đau khổ nhưng vẫn một lòng tin tưởng Thiên Chúa và hy vọng Chúa sẽ giải thoát. Cuối cùng của tình yêu Chúa Giêsu đã chết cho loài người và Cúa Cha đã cho người phục sinh.

Qua Bài Tin Mừng hôm nay có hai ý chính:

Chúa Giêsu dò hỏi tình hình qua các môn đệ, coi dư luận nghĩ Ngài là ai. Các môn đệ trả lời: có nhiều nguồn dư luận, nhưng chốt gọn lại,  mọi người  nghỉ Đức Giêsu là một Vị Tiên Tri. Riêng Tông Đồ Phêrô lên tiếng nói thay cho những anh em khác: “Thầy là Đức Kitô”: là Vị phải qua đau khổ để vào vinh quang.

Sau đó Chúa Giêsu báo trước về cuộc khổ nạn của Người. Nên Phêrô  can ngăn, thì liền bị Chúa khiển trách nặng nề là: Sa-tan, hãy lui ra. Phía sau là hàng của tôi tớ, đợi ở đó và chờ chủ sai đi. Rồi Chúa cho biết: muốn làm môn đệ của Ta thì cũng phải theo Ta, đi con đường thập giá (c.33-35). Chính Chúa đã sai Phêrô làm Thủ Lãnh hội Thánh, đi truyền giảng đạo Chúa và chịu đóng đinh như Thầy. Các môn đệ khác cũng đi cùng một con đường đó.

Ý chính thứ hai là ai muốn theo Chúa cũng phải “Từ bỏ chính mình”   để trở nên giống Chúa,  cùng “vác thập giá mình”  là đón nhận những khổ cực đau thương của mình.

Cũng như tử tội thời xưa tại Trung Đông, tự vác thanh ngang của hình phạt đóng đinh ra chổ hành hình.  Tức là tự coi như mình đã chết để được trở nên đồng dạng và đồng mệnh với Chúa  Giêsu.

Thêm nữa, xin Chúa giúp con hiểu và thực hành điều  trên. Đây thực sự không phải là “vong thân, mất chính mình” mà là trở lại với  mình.  Vì chưng, ngay  từ đầu Thiên Chúa đã dựng nên con người “giống hình ảnh” Ngài.  Nên nay, được quay về với Ngài – có mình trong đó – qua con đường Thập giá,  không những bằng lòng mà lại vui lòng nữa.  Ý tưởng nầy, đã manh nha từ hơn 4000 năm trước, như Atman (tiểu thiên, tiểu thể, tiểu hồn) đã  nội tại, nằm sẳn hay được chứa đựng sẳn trong Brahma (đại thiên, đại thể, đại hồn của vạn vật & vũ trụ) trong triết học hay Đạo Bà La Môn bên  bên Ấn Độ.

Trở lại bài đọc 2,  thử nhìn vào những nơi  hay vùng miền,  được cách ly cho an toàn vì dịch cúm Corona 19. Nếu mà người dân được lệnh ở trong nhà mà không có  thức ăn thức uống, nhưng được bảo rằng họ đang được chăm sóc mọi mặt, thì từ 2000 năm trước, Thánh Giacô bê đã gọi việc đó nào có ích chi,nếu chưa phải là phi lý.

Lời dạy trong thư thánh Giacôbe không khó  hiểu: dùng trái tốt chứng minh do cây tốt. Xoắn tay áo lên, thực hiện  những hành động cụ thể vì  thương yêu, để chứng tỏ đức tin của mình.

Nói cách khác, cũng dể hiểu lắm: tin Chúa, miệng nói thương người, mà không làm gì, là đức tin chết. Vậy, tôi và bạn hãy chổi dậy, bước ra, đưa tầm tay ngắn dài trong khả năng, giúp đỡ những ai do duyên lành gặp được. Làm chút ít như vậy, sẽ nuôi dưỡng đức tin sống mãi trong  Chúa và với nhân loại.

Xin dâng lời cầu.

Chúa Giêsu đã xuống trần gian, cứu chuộc nhân loại bằng   thập giá, để đưa mọi người đến vinh quang Nước Trời. Đây chính là con đường mà mọi người phải tự đi qua để lên trời với Chúa.

Xin cho mọi thành phần dân Chúa trong Hội Thánh,  luôn trung thành bước đi theo Đức Giêsu trên đường thập giá, không ái ngại trước mọi khó khăn thử thách.

Xin cho chính quyền các cấp và dân chúng trong các  nước đang gặp khó khăn,   biết đoàn kết xây dựng đất nước trên tinh thần công lý cùng hòa thuận thương yêu nhau.

Xin cho mọi người đang gặp khổ đau trước kia và đặc biệt  trong mùa đại dịch corona 19, nhận ra ý nghĩa và  hi vọng cho cuộc sống, bằng cách kết họp đời mình, qua  mọi  thương đau, cùng  với Người tôi Tớ Giêsu Kitô.

Xin cho mọi giáo dân trong Họ đạo chúng con   trung thành đi theo Chúa và sẵn sàng mở tai mở miệng vì Chúa và nước của Ngài.

Mỗi người chúng con tan nát cõi lòng vì bao khổ đau. Xin giúp chữa  lành những tâm hồn gần gũi khiêm cung chạy đến với Ngài. Lạy Chúa.  Amen.