Học hỏi Phúc âm Chúa nhật lễ Lá năm C
CÂU HỎI
1. Đọc Lc 22,39-46. Đối với Đức Giêsu cầu nguyện có khó không? Tại sao khó ? Các môn đệ có cầu nguyện không ? Hậu quả của việc không cầu nguyện là gì?
2. Đọc Lc 22,47-53. Cho thấy Đức Giêsu là Đấng đầy lòng thương xót khi Ngài bị bắt trong Vườn Dầu.
3. Đọc Lc 22,54-62. Tại sao khi Chúa Giêsu nhìn Phê-rô thì ông khóc thảm thiết? Theo bạn, ánh mắt ấy có gì đặc biệt?
4. Đọc Lc 23,1-7. Những lời tố cáo Đức Giêsu của các nhà lãnh đạo Do-thái giáo trước mặt Philatô có đúng không?
5. Đọc Lc 23,8-12. Bạn nghĩ gì về thái độ im lặng của Đức Giêsu trước Hêrôđê? Tại sao Ngài im lặng?
6. Đọc Lc 23,1-25. Philatô tuyên bố Đức Giêsu vô tội mấy lần? Tại sao Philatô lại không dám tha Đức Giê-su?
7. Đọc Lc 23,35-43. Cho biết ba cơn cám dỗ đến với Đức Giêsu trên thánh giá. Bởi đâu Đức Giêsu thắng được ba cơn cám dỗ này?
8. Đọc Lc 23,39-43. Bạn nghĩ gì về anh trộm lành?
9. Đọc Lc 23,44-48. Đâu là những điều xảy ra khi Đức Giêsu sắp lìa đời? Đâu là hoa trái do cái chết của Đức Giêsu mang lại?
CÂU HỎI SUY NIỆM: Bạn thấy mình giống nhân vật nào trong bài Thương Khó này? Đâu là những nét giống nhau giữa bạn với nhân vật đó?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Như đoạn Tin Mừng trên đây (Lc 22,39-46) cho thấy, có khi cầu nguyện thật là khó với Đức Giêsu. Vì cầu nguyện giúp Ngài thấy ý của Cha và cũng thấy ý của mình. Chính vì thế giờ cầu nguyện cũng là giờ chiến đấu gay gắt (Lc 22,44). Có sự giằng co giữa ý Con với ý Cha (Lc 22,42). Như chúng ta, Đức Giêsu cũng sợ chết khi còn quá trẻ, sợ khổ đau và nhục nhã. Ngài đã thắng được cám dỗ này bằng cầu nguyện khẩn thiết và cuối cùng Ngài đã đón nhận ý Cha. Hai lần Ngài kêu mời các môn đệ cầu nguyện để khỏi sa cơn cám dỗ (Lc 22,40.46). Họ đã không cầu nguyện và đã sa ngã.
2. Khi bị bắt trong Vườn Dầu (Lc 22,47-53), Đức Giêsu tỏ ra khoan dung với nụ hôn phản bội của Giuđa, đã can ngăn các môn đệ không được dùng gươm gây bạo động, và đã chữa lành tai của người đầy tớ bị chém. Sau cùng Ngài đã chấp nhận để cho người ta bắt.
3. Phêrô đã chối Thầy ba lần: hai lần chối việc mình “ở với Thầy,” và chối việc mình thuộc về nhóm môn đệ của Thầy (các câu 56-60). Khi Thầy Giêsu quay lại nhìn ông thì ông khóc lóc thảm thiết (câu 62). Có thể có nhiều lý do khiến Phêrô khóc. Ông khóc vì ánh mắt của Thầy Giêsu làm ông “sực nhớ lời Chúa đã nói với ông,” lời tiên báo ông sẽ chối Thầy ba lần trước khi gà gáy (Lc 22,34). Ông khóc vì ông biết mình đã chối Thầy rồi, dù cách đây không lâu, ông đã tự tin và nói mình “sẵn sàng vào tù hay phải chết với Chúa” (Lc 22,33). Có thể Phêrô khóc vì đọc được nhiều ý nghĩa khác nơi ánh mắt của Thầy Giêsu: ánh mắt thức tỉnh ông khỏi cơn mê muội, ánh mắt buồn đau trách móc vì tội của ông, ánh mắt yêu thương tha thứ, ánh mắt cảm thông với yếu đuối của ông…
4. Lc 23,1-7. Các vị lãnh đạo Do-thái giáo trong Thượng Hội Đồng đã điệu Đức Giêsu đến với tổng trấn Philatô và tố cáo Ngài nhiều điều: sách động dân chúng, ngăn cản dân chúng nộp thuế, xưng mình là đấng Kitô, là vua (Lc 23,2), và xúi dân nổi loạn (Lc 23,5). Nói chung họ tố cáo Đức Giêsu với tòa án ngoài đời về những tội chính trị. Chắc chắn Đức Giêsu đã không ngăn cản dân nộp thuế hay kích động dân nổi loạn để tôn mình lên làm Vua người Do-thái. Ngài không hề là mối đe dọa cho đế chế Rôma. Tuy nhiên, Ngài có thể đã mặc nhiên nhận mình là Đấng Kitô trước Thượng Hội Đồng (Lc 22,66-71), và đã không trách các môn đệ khi họ tôn Ngài là Vua (Lc 19,37-40). Quả thật Ngài là Vua (x. Lc 1,32-33) và là Đấng Kitô, nhưng không theo lối hiểu chính trị (x. Lc 23,35-38). Chính vì thế khi Philatô hỏi : “Ông có phải là Vua dân Do-thái không?” Ngài không chối, cũng không nhận, mà chỉ trả lời : “Chính ngài nói đó.”
5. Đức Giêsu đã không trả lời vua Hêrôđê, cũng không làm phép lạ nào cho vua xem như vua hằng mong ước (Lc 23,8-9). Đây là một chọn lựa nghiêm chỉnh. Bởi lẽ nếu Ngài chiều ý Hêrôđê, biểu diễn vài phép lạ nhằm thỏa mãn sự tò mò của ông, ông ta có thể tha Ngài. Nhưng bây giờ Ngài đã biết ý Cha, và muốn đi đến cùng con đường đau khổ Cha muốn Ngài đi.
6. Philatô “không tìm thấy lý do nào nơi người này” để kết tội hay kết án tử hình. Ông tuyên bố Đức Giêsu vô tội ba lần (Lc 23,4.14.22). Dầu vậy ông không dám tha Đức Giêsu, vì ông chịu áp lực rất lớn từ dân chúng (Lc 23,5.18.21.23). Vào thời điểm này, rất đông người Do-thái đổ về Giêrusalem để ăn lễ Vượt Qua, lễ mừng dân Chúa được giải phóng khỏi Ai-cập. Philatô sợ dân chúng làm loạn nên ông đành chiều theo ý họ.
7. Khi chịu treo trên thánh giá, Đức Giêsu gặp ba cơn cám dỗ : từ phía các thủ lãnh (Lc 23,35), từ lính tráng (Lc 23,36-37) và từ một trong hai tên gian phi (Lc 23,39). Cả ba cơn cám dỗ này đều có lời thách đố: “hãy cứu lấy mình đi” nghĩa là hãy xuống khỏi thập giá đi. Đức Giêsu đã ở lại trên thập giá vì Ngài biết mình đang làm theo ý Cha.
8. “Anh trộm lành” nhận tội của mình và chấp nhận hình phạt, đồng thời nhìn nhận Đức Giêsu vô tội (Lc 23,40-41). Anh dám tin người tử tội bị đóng đinh này sẽ là Vua của một Nước, và anh hy vọng được Ngài nhớ đến khi Ngài vào trong Nước của Ngài (Lc 23,42-43).
9. Đức Giêsu chết trên thánh giá lúc 3 giờ chiều, giữa bóng tối vây phủ. Ngài chết với lời phó thác cho Cha trên môi. Hoa trái đầu tiên là lời tuyên xưng đức tin của viên đại đội trưởng và sự ăn năn của dân chúng (Lc 23,47-48).