Với Đức Giêsu, gia đình cùng nhau vác thánh giá

print

Với Đức Giêsu, gia đình cùng nhau vác thánh giá

https://www.youtube.com/c/VaticanNewsVI/videos

Trích đoạn Đàng Thánh Giá 2022,

Đường Thánh Giá, được uỷ thác cho các gia đình soạn

 ĐÔI VỢ CHỒNG GIÀ KHÔNG CON CÁI

Chúng con đính hôn được vài tháng, rồi cuộc sống làm chúng con xa nhau một thời gian, buộc chúng con phải trải nghiệm sự khao khát của con tim cùng thổn thức từ xa. Và khi gặp lại nhau chúng con kết hôn ngay lập tức, với sự vội vàng của những người đã sốt ruột chờ đợi quá lâu. Chúng con đã rời nhà cha mẹ để tạo dựng một  ngôi nhà cho riêng mình. Chúng con đã bắt đầu cuộc sống hôn nhân, với đầy những ước mơ và ảo tưởng của tuổi trẻ. Rồi cuộc sống đã làm cho chúng con thấy những giới hạn của mình, và thay đổi những kỳ vọng của chúng con, dẫn chúng con đi trên con đường nhiều khó khăn cho đến khi chúng con phải đối diện với một sự thật là chúng con không thể làm cha mẹ. Chúng con thường thấy mình bị tổn thương bởi những nhận xét và đánh giá tiêu cực. Người ta đã hỏi chúng con hàng ngàn lần “Tại sao các bạn không có con?”, như thể hôn nhân và tình yêu của chúng con không đủ để trở thành một gia đình. Chúng con đã phải chịu đựng nhiều ánh nhìn thiếu thiện cảm.

GIA ĐÌNH CÓ CON BỊ KHUYẾT TẬT

Con trai chúng con đã bị xét xử trước khi đến với thế giới. Chúng con đã gặp các bác sĩ chăm sóc con tôi trước khi em được sinh ra, và họ đã nói với chúng con rằng tốt hơn không nên để em được sinh ra. Và khi chúng con chọn sự sống, chúng con cũng là đối tượng của sự xét xử: “Em bé sẽ là một gánh nặng cho các bạn và cho xã hội”, họ đã nói với chúng con như vậy. “Đóng đinh nó vào thập giá!” Mặc dù Chúa đã không làm điều gì sai. Biết bao lần sự phán xét của thế gian xảy đến cách vội vàng và hời hợt và có khi chỉ bằng cái nhìn. Chúng con chịu đựng sự xấu hổ của khác biệt; thường là thương hại hơn là thấu hiểu thực sự. Khuyết tật không phải là một lợi thế hay một sự gây chú ý, đúng hơn đó là vẻ bề ngoài của một linh hồn thường thích im lặng trước những xét đoán bất công, không phải vì xấu hổ mà vì thương xót đối với kẻ xét đoán. Chúng con không miễn nhiễm khỏi thập giá của nghi ngờ hoặc cám dỗ tự hỏi chúng con sẽ thế nào nếu mọi sự diễn ra theo cách khác.

GIA ĐÌNH VỚI CHA MẸ ĐAU BỆNH

Một buổi sáng như bao ngày, vợ con đã ngất xỉu hai lần. Việc đến bệnh viện và phát hiện ra căn bệnh đã len lỏi vào tâm trí cô ấy. Phẫu thuật, phục hồi chức năng, điều trị… Và hôm nay, một chương trình hằng ngày hoàn toàn mới bắt đầu với chúng con. Chúa nói với chúng con qua những sự kiện mà không phải lúc nào chúng con cũng hiểu được và Ngài cầm tay dẫn dắt chúng ta đến điều tốt nhất dành cho chúng ta. Vợ con đã có một vai trò, một vị trí, một “tư cách” và cô ấy đã thấy mình hoàn toàn khác, trần trụi, không tự vệ, và bị đóng đinh. Và con với cô ấy, qua căn bệnh này, trên thánh giá này, chúng con đã trở thành trụ cột để các con của chúng con biết rằng chúng có thể dựa vào.

GIA ĐÌNH NHẬN CON NUÔI

Bây giờ gia đình chúng con có bốn người. Nhưng trong nhiều năm, chúng con chỉ hai người, chúng con phải đối mặt với thập giá của sự cô đơn và nhận ra mình sẽ trở thành cha mẹ theo một cách rất khác với những gì chúng con luôn mường tượng. Con nuôi là câu chuyện về một cuộc đời được đánh dấu bằng nỗi đau mất mát vốn được chữa lành bằng sự đón nhận. Nhưng nỗi đau này chưa bao giờ được chữa lành hoàn toàn. Nhận con nuôi là một thánh giá mà nơi đó cả cha mẹ và con cái cùng nhau gánh trên vai, cùng nhau mang vác, và cố gắng xoa dịu nỗi đau nhưng cũng ôm lấy chính nỗi đau này vốn là một phần trong cuộc đời đứa trẻ. Tuy nhiên, thật đau lòng khi chứng kiến ​​những đứa trẻ đau khổ vì quá khứ của chúng. Và cũng thật đau đớn khi luôn cố gắng yêu thương chúng nhưng không thể động đến một chút vào nỗi đau của chúng.

GIA ĐÌNH CÓ CON QUA ĐỜI

Gia đình chúng con có năm người: tôi, chồng tôi và ba đứa con của chúng con. Cách đây năm năm, cuộc sống trở nên phức tạp. Một chẩn đoán khó chấp nhận, một căn bệnh ung thư hằn lên trên gương mặt cô con gái út từng khoảnh khắc. Dù căn bệnh chưa bao giờ dập tắt được nụ cười của con bé, nhưng lại khiến cho sự bất công khủng khiếp mà chúng con đang chịu đựng càng thêm đau đớn. Thêm vào đau khổ mà chúng con phải chịu, chỉ sau sáu năm hôn nhân, chồng tôi đã đột ngột qua đời, khiến chúng con rơi vào khoảng thời gian cô đơn tột cùng; và trong thời gian đó, hai năm sau, chúng con đưa tiễn đứa con gái nhỏ đến nơi an nghỉ. Năm năm đã trôi qua kể từ khi xảy ra những sự việc này, điều mà chúng con hoàn toàn không thể hiểu được bằng lý trí, nhưng chúng con chắc chắn rằng Chúa Giêsu đã và đang tiếp tục hiện diện trong Thánh giá nặng nề này. “Thiên Chúa không gọi những người mạnh mẽ nhưng củng cố những người được gọi”: đây là điều mà một nữ tu đã nói với chúng con vào một ngày nọ, và những lời này đã thay đổi cách nhìn của chúng con về cuộc sống trong những năm gần đây. Sự giả dối lớn nhất mà chúng con đã phải chiến đấu chống lại chính là ý nghĩ rằng chúng con không còn là một gia đình nữa. Tôi không biết có cách nào khác để chống lại nỗi đau trong lòng và nỗi đau trên thân xác tôi, ngoài việc tín thác vào Chúa, Đấng đang bước bên cạnh tôi trên hành trình trần gian này. Nhiều lần, trong những lần hóa trị của con gái tôi, tôi cảm thấy giống như Đức Maria dưới chân Thánh giá; và chính kinh nghiệm đó hôm nay khiến tôi cảm thấy – dù chỉ một chút – giống Mẹ của Chúa.

ÔNG BÀ LỚN TUỔI

Chúng con tự nhiên có khuynh hướng đối diện với sự mệt mỏi của mình và nỗi sợ hãi cái chết không thể phủ nhận, chúng con phải mang lấy một cây thánh giá bất ngờ, được đặt trên vai của chúng con cách bất chấp. Nhịp sống thường chậm rãi và vào ban đêm, sau khi mỉm cười, chúng con thấy mình đang khóc với lòng thương cảm. Nhưng việc trở thành “bình dưỡng khí” cho gia đình của con cái chúng con là một quà tặng đưa chúng con trở lại những cảm xúc mà chúng con đã cảm thấy khi chúng còn nhỏ. Người ta không bao giờ ngừng làm mẹ và làm cha.

CÁC GIA ĐÌNH UCRAINA-NGA

Chết chóc ở khắp mọi nơi. Sự sống dường như mất đi giá trị của nó. Mọi thứ thay đổi trong chốc lát. Cuộc sống của chúng con, những ngày sống của chúng con, sự vô tư của tuyết mùa đông, đưa con đi học, đi làm, những vòng tay ôm, tình bạn … tất cả. Mọi thứ bỗng nhiên mất ý nghĩa và giá trị. “Chúa ơi Ngài ở đâu? Ngài đang ẩn trốn nơi nào? Chúng con muốn cuộc sống của chúng con trở lại như trước đây. Tại sao những điều này xảy ra? Chúng con đã phạm tội lỗi gì? Tại sao Chúa bỏ rơi chúng con? Tại sao Chúa bỏ rơi dân tộc của chúng con? Tại sao Chúa lại chia rẽ gia đình chúng con như thế này? Tại sao chúng con không còn muốn ước mơ và muốn sống? Tại sao vùng đất của chúng con lại trở nên tăm tối như đồi Golgotha?”. Chúng con đã khô nước mắt. Sự tức giận đã nhường chỗ cho sự cam chịu. Chúng con biết rằng Chúa yêu chúng con, lạy Chúa, nhưng chúng con không cảm nhận được tình yêu này và điều này khiến chúng con thất vọng. Chúng con thức dậy vào buổi sáng và cảm thấy hạnh phúc trong giây lát, nhưng rồi ngay lập tức chúng con nghĩ rằng sẽ khó khăn dường nào để hoà giải chính chúng con với những điều này. Chúa ơi, Chúa đang ở đâu? Xin hãy nói với chúng con giữa sự im lặng của sự chết chóc và chia rẽ, và dạy chúng con trở thành người kiến tạo hòa bình, trở thành anh chị em, xây dựng lại những gì mà bom đạn muốn hủy diệt.