Tình Thương Không Biên Giới

Tình Thương Không Biên Giới

Người ta kể rằng: Có một vị giáo sư chuyên nghiên cứu về loài gà. Một ngày kia, ông phát hiện trong rừng có một con chim trĩ đẻ được khá nhiều trứng, liền lặng lẽ nhặt lấy ba cái trứng chim trĩ mang về. Vừa lúc đó, vườn nghiên cứu của ông có một con gà mẹ cũng đẻ trứng. Ông bèn lấy đi ba quả trứng của gà mẹ rồi bỏ ba cái trứng chim trĩ rừng vào đó và âm thầm quan sát.

Ông thấy gà mẹ do dự nhìn những cái trứng không giống nhau một hồi, nhưng vẫn chấp nhận ấp những quả trứng lạ này, vừa điềm đạm lại vừa cẩn thận, như là đang ấp trứng của chính mình. Sau một thời gian, chim trĩ con nở ra, gà mẹ dẫn chúng đi vòng quanh vườn, dùng móng đào bới đất, tìm kiếm sâu bọ giữa đất và rễ cây và liên tục cất tiếng gọi mấy con chim trĩ non đến ăn.

Chứng kiến cảnh ấy, vị giáo sư hết sức ngạc nhiên. Bởi vì, lũ gà con vốn đều được cho ăn thức ăn nhân tạo, còn chim trĩ con thì không ăn thức ăn chăn nuôi mà chỉ thích ăn giun dế. Làm sao gà mẹ có thể biết điểm khác nhau này của những con chim trĩ, và có thể nhận diện chúng giữa bầy gà con của mình mà chăm sóc chúng đúng cách?

Ông lại lấy một số trứng vịt cho gà mẹ ấp. Cũng như lần trước, gà mẹ vẫn không quản nhọc ấp số trứng ấy, nở ra đàn vịt con. Sau đó, gà mẹ lại dẫn đàn vịt con đến bên hồ nước để chúng tập bơi lội. Hai sự việc bất ngờ ấy giúp vị giáo sư chợt nhận ra một đạo lý: Loài gà vốn bị cho là “não nhỏ”, ngốc nghếch, không có tình cảm nhưng thực ra chúng vừa có tình thương, lại có trí tuệ. Gà mẹ không chỉ bao dung, ấp số trứng lạ không phải mình đẻ ra, mà nó còn hiểu được đặc tính của những con trĩ con, vịt con ấy rồi dẫn dắt chúng thực hành kĩ năng sinh tồn mà tạo hóa đã ban cho.

Quý vị và các bạn thân mến,

Tình thương là một tình cảm hết sức thiêng liêng, được thể hiện bằng những hành động và cử chỉ quan tâm, chăm sóc mà con người dành cho nhau. Tuy nhiên, không chỉ có con người mới biết thương nhau mà rất nhiều loài động vật cũng biết cách thể hiện tình thương của chúng. Qua nghiên cứu của vị giáo sư trong câu chuyện vừa nghe, chúng ta thấy con gà mái có thể nhận biết đâu là những cái trứng của mình và đâu là những cái trứng của giống loài khác. Lẽ ra, con gà mái ấy không có bổn phận và trách nhiệm với những cái trứng khác. Trứng của nó thì nó ấp, không phải trứng của nó, nó có thể làm lơ đi và mặc kệ chúng. Thế nhưng, nó vẫn dùng tình mẫu tử của mình mà bảo vệ sự sống và chăm sóc tốt cho những sinh vật bé nhỏ, yếu đuối khác đúng theo nhu cầu, tập tính sống khác biệt của từng loài.

Thật dễ chịu khi để mất công sức, thời gian và thậm chí là tiền của cho con cái và những người ruột thịt trong gia đình! Nhưng rất khó để nuôi con của kẻ khác và chăm chút chúng theo những nhu cầu khác nhau! Vậy mà một con gà mái đã có thể làm được điều kỳ diệu đó! Con người với trí tuệ và cảm xúc của mình chắc chắn phải có khả năng làm những điều kỳ diệu hơn, nhưng cũng có thể làm những việc tồi tệ hơn. Ông bà ta có câu: “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”. Câu ca dao đó phản ánh thực trạng những người phụ nữ khó lòng mà thương yêu con của người khác. Quan niệm đó có lỗi thời rồi chăng, khi mà chúng ta nhìn thấy thực trạng xã hội hôm nay có biết bao người mẹ đối xử tệ và vứt bỏ chính con ruột của mình, thì mong chi những đứa bé mồ côi, con của người khác được nuôi nấng tử tế?

Kinh thánh đã cho chúng ta thấy những câu chuyện rất đẹp về tình cảm của những người cha, người mẹ với đứa con không cùng huyết thống của mình. Đó là câu chuyện công chúa Ai Cập động lòng thương đứa bé Do Thái bị thả trôi sông, đem về nuôi dưỡng. Đứa bé đó chính là Môsê – vị lãnh đạo dân Israel tuyệt vời của Thiên Chúa. Đó là chuyện ông Moócđokhai đã cưu mang đứa cháu gái của mình và cô gái ấy lớn lên trở thành hoàng hậu Ette giải thoát được dân Do Thái. Và rồi là câu chuyện về thánh Giuse đã dưỡng nuôi Chúa Giêsu – Đấng cứu độ nhân loại. Trong những phút cầu nguyện này, chúng ta cầu nguyện cho những người nam, người nữ vì hoàn cảnh không thể sinh ra những đứa con ruột thịt biết sẵn sàng chào đón những đứa trẻ mồ côi hoặc bị bỏ rơi, như một phần của gia đình mình và hết lòng yêu thương, chăm sóc chúng thật chu đáo. Nhờ đó, nhiều trẻ em sẽ tìm được một ngôi nhà an toàn và tràn đầy tình yêu thương.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết quảng đại san sẻ tình yêu thương không chỉ cho những người cùng chung huyết thống trong gia đình mình, mà còn biết thực hiện những cử chỉ bác ái, lưu tâm đến tất cả mọi người bởi vì họ là những người anh chị em có chung một Cha trên trời với chúng con. Amen.

Duy An 

print