Linh Mục Người Gìn Giữ Các Linh Hồn

print

GIẢNG LỄ TUẦN TĨNH TÂM LINH MỤC GP. CẦN THƠ

THỨ TƯ, CN 34 TNC

LINH MỤC NGƯỜI GÌN GIỮ CÁC LINH HỒN

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 21,12-19)

Khi ấy, ĐGS nói với các môn đệ rằng: Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được linh hồn mình.

—————————————————-

Kính thưa quý Đức cha, cha Tổng Đại Diện, Quý cha quản hạt, quý cha giáo là những bậc thầy của con, cùng toàn thể quý cha.

Mỗi lần chuẩn bị cho bài giảng, như Môisê trước khi nói chuyện với dân Chúa, thì con đều hỏi Chúa: “Lạy Chúa, Chúa muốn con nói gì với dân Chúa đây?”. Và hôm nay đây để chuẩn bị cho bài giảng khá đặc biệt này. Con hỏi Chúa: “Lạy Chúa, Chúa muốn con nói gì với những người Chúa chọn, là các linh mục đang hiện diện nơi đây?”.

Trong thâm tâm con, Chúa nói: Con hay nói lên bổn phận chính yếu của linh mục mà không ai có quyền thay thế, qua câu lời Chúa : “Có kiên trì, anh em mới giữ được linh hồn mình”. Trong câu Lời Chúa nói đó, có 2 cụm từ: Giữ Linh hồn và kiên trì”.

Giữ linh hồn đó là chức vụ chính yếu của linh mục. Linh mục phải giữ linh hồn mình và linh hồn của người giáo dân. Và để có thể gìn giữ linh hồn mình và của người giáo dân, Chúa muốn vị linh mục phải kiên trì: “Có kiên trì, anh em mới giữ được linh hồn”

  1. Bổn phận giữ linh hồn của linh mục:

Lời mở đầu của Sắc Lệnh Về Chức Vụ Và Đời Sống Linh Mục, Công Đồng Chung có nói: Linh mục giữ một bổn phận tối quan trọng… trong việc coi sóc các linh”. 

ĐHY Fx. Nguyễn Văn Thuận nói: “ Chu toàn bổn phận là vé vào Nước Trời”, bổn phận gìn giữ các linh hồn là tấm vé cho các linh mục vào Nước Trời. 

Trong sách: Đời Sống Linh Mục, của Tiểu chủng viện Hoan Thiện, Huế, 1964, Cha Benoit Valung ngài viết, có bốn hạng linh mục:

  1. Hang I: Linh mục nhiệt thành lo cho phần rỗi mình/ và giáo dân. Các ngài là thánh và là tông đồ. 
  2. Hạng II Linh mục nhiệt thành lo cho phần rỗi của mình/ mà không để ý tới phần rỗi giáo dân. Các ngài chỉ là giáo dân tốt, nhưng không phải là linh mục tốt. 
  3. Hạng III: Những linh mục nhiệt thành cứu linh hồn giáo dân/ nhưng lại không lo cho linh hồn mình. Đó là những người thợ liêm sỉ, giúp việc cho Giáo Hội. 
  4. Hạng IV: hạng cuối cùng, đó là những linh mục không lo phần rỗi mình/ và kẻ khác. Họ không phải là giáo dân, không phải là tông đồ. Họ chỉ là những linh mục bất lương, không muốn mở Thiên Đàng cho mình và cho kẻ khác.

Trong bốn hạng này, chỉ có hạng linh mục thứ nhất: nhiệt thành lo phần rỗi mình và của giáo dân, mới có vé vào được Nước Trời. 

Thực sự đây là một bổn phận cao trọng, Chúa chỉ trao cho linh mục: Đương cử trong bí tích giải tội: Dù có trăm Thiên thần, hay Đức Mẹ, Thánh Giuse hay các Thánh: cũng không thể giải tội được cho một hối nhân, nhưng chỉ duy linh mục mới có thể, ngay cả lúc ngài tội lỗi bất xứng.

Bổn phận càng cao quý thì gắn nặng càng sâu, cạm bẫy càng rộng, những khó khăn kéo ghì linh mục xuống. Linh mục gánh còng lưng, rung cảm đến nhói tim, và thao thức đến bạc đầu.

Vì thế, Chúa dạy một nhân đức cần có, đó là phải kiên trì.

  1. Kiên trì trong bổn phận gìn giữ các linh hồn:

1.Kiên trì trước Chúa: Kiên trì trong đời sống cầu nguyên để thấu cảm sự hiện diện của Chúa: “Này đây, thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Cầu nguyện để buông bỏ sức riêng, ý riêng mà cây dựa vào sức mạnh không ngoan của Chúa, và làm theo ý Chúa. Nhạc sĩ Thái Nguyên với ca khúc Tình Chúa yêu Con, ngài viết: “Khi con hoang mang ngàn nỗi âu lo… cho đôi tay con ôm ghì lấy Chúa, lòng chẳng lo gì”. 

  1. Kiên trì trước giáo dân: Truyện kể của một vị linh mục khi ngài đi cử hành lễ an táng cho một người mẹ là tân tòng trong gia đình đều là người lương dân. Khi người con lớn ra rước ngài xuống thuyền để đi đến nhà tang lễ, nhưng vì đường xa nên vị linh mục đến trễ giờ họ đã hẹn với ngài. Người con lớn vừa tắp vỏ lãi vào bờ thì nói một lời xúc phạm: “ĐM ông cha, huốt giờ rồi đến làm con mẹ gì”. Vị linh mục biết nay là họ mê tín coi ngày giờ chôn cất. Thực sự lúc ấy ngài rất nóng, chỉ muốn bỏ về. Nhưng Ngài nén lại để tiếp tục xuống vỏ lãi qua bờ bên sông dâng thánh lễ. Trong bài giảng, ngài chia sẻ Lời Chúa, tâm hồn họ được ơn hoán cải. Sau thánh lễ, như trương trình thì họ còn tụng kinh Phật, nhưng sau đó họ lại không làm. Rồi từ ngày ấy, các anh em của gia đình này rất có thiện cảm với Ngài và tới lui nhà thờ. Chinh sự kiên trì, mà vị linh mục thi hành tốt bổn phận linh mục: gìn giữ linh hồn.
  2. Kiên trì với chính mình: Truyện kể về vị linh mục cao niên U80 ngã khụy khi đi tĩnh tâm: Trong buổi sáng đầu tuần tĩnh tâm, từ xa con nhìn thấy một cảnh tượng đáng nhớ. Một cha cao niên, ngài đi lên tam cấp và đã ngã khụy xuống. Liền sau đó, khoảng năm cha ở kế bên chạy lại đỡ ngài lên. Tưởng chừng ngài trở về phòng của mình mà nghỉ ngơi, nhưng ngài bước tiếp để đi hội họp cùng anh em linh mục. Cảnh tượng ấy cho con thầm nghĩ: Suốt cuộc đời của ngài chắc hẳn đã kiên trì trong mọi biến cố. Rồi con cũng nhắc nhớ mình. Trên hàng trăm vạn bước đi, chắc chắn cũng có những lúc con vấp ngã vì: sức khỏe yếu đau, vì thân xác yêu hèn… dù vì bất cứ thứ gì đi nữa. Con đều cậy nhờ anh em linh mục đoàn, vị Giám mục của con. Các ngài sẽ nâng đỡ tôi lên để kiên trì đi tiếp trong bổn phận đời linh mục.

 Tóm lại:  Lời Chúa hôm nay nhắc nhớ chúng ta về bổn phận chính yếu của đời linh mục là gìn giữ các linh hồn, điều đó chỉ có thể thực hiện nhờ sự kiên trì trước Chúa, trước giáo dân, trước chính mình.

Để kết thúc bài giảng: Con xin mượn hình ảnh linh mục dang tay trên bàn thờ: Linh mục như một người dang rộng hai tay đứng bên bờ vực thẳm của chiều Canvê. Một tay nắm lấy Chúa, một tay nắm lấy tất cả giáo dân của mình đang dưới vực sâu của ma quỷ, thế gian và xác thịt.

– Linh muc muốn cứu giáo dân mà không nắm lấy Chúa: giáo dân sẽ kéo linh mục xuống vực sự chết.

-Linh mục cứ khư khư bám Chúa mà buông giáo dân: giáo dân sẽ rơi xuống vực thẳm. Linh mục là người có lỗi khi Chúa hỏi: Giáo dân của con đâu?

– Linh mục phải nắm lấy Chúa và nắm lấy giáo dân để rồi đôi tay ngài kéo lại, nhờ đó giáo dân đến được với Chúa là nguồn sống.

Lạy Chúa, xin ban thêm sức mạnh trên đôi tay đã được Ngài thánh hiến của các linh mục, để đôi tay các ngài thêm kiên trì nắm lấy Chúa và tha nhân trên đường lữ hành đức tin.

Chủng Viện Thánh Quý 23.11.2022

Lm. Hiên Vắng