Dấu Chỉ Và Biểu Tượng Trong Phụng Vụ

print

Dấu Chỉ Và Biểu Tượng Trong Phụng Vụ

Lời phi lộ:

Trong tông thư Desiderio Desideravi, Đức giáo hoang Phanxicô rất ưu tư về hiện trạng tham gia cử hành phụng vụ trong Giáo Hội, khi ngài nêu lên “vấn đề cơ bản là làm sao để phục hồi khả năng sống trọn vẹn các cử hành phụng vụ ? Đây là mục tiêu cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II. Thánh đố là vô cùng khắc nghiệt – vì con người hiện đại – đang sống trong những nền văn hoá không ngang tầm với nhau – đã mất đi khả năng tham gia vào những hành vi mang tính biểu tượng, môt đặc điểm thiết yếu của hành vi phụng vụ.” (số 27).

Trước ưu tư này, chúng tôi muốn chia sẻ bài viết về Dấu Chỉ và Biểu Tượng trong phụng vụ để độc giả có thể hiểu thêm và phục hồi lại khả năng tham gia tích cực hơn vào cử hành phụng vụ.

Lm. Gs. Lê Ngọc Ngà

I. Cử chỉ và Biểu Tượng trong phụng vụ Thánh

Đặc điểm thiết yếu của phụng vụ chính là tham gia vào những hành vi mang tính biểu tượng, và để có thể cử hành phụng vụ cách tích cực, ý thức và sinh hiệu quả, không gì khác hơn là cần hiểu biết về ý nghĩa của cử chị và biểu tượng, để khi các thực hiện hành động mang tính biểu tượng khi tham gia phụng vụ, Dân Chúa phục hồi khả năng sống trọn vẹn các cử hành phụng vụ.

Như vậy, mọi thành phần Dân Chúa cần được đào tạo về phụng vụ, không phải bằng những giáo huấn trừu tượng, nhưng bằng những giải thích sống động về những cử chỉ, dấu chỉ và biểu tượng đơn giản gắn liền với phụng vụ và đời sống. Thí dụ như: quỳ và đứng, thềm cửa và cửa nhà thờ, nước thánh và hương, hoa, nến và chuông, bánh và rượu, chén thánh và khăn thánh… Tất cả những sự việc này đều là thành phần của phụng vụ.

Điều quan trọng không phải là suy tư về chúng mà đơn giản là thực hành những dấu chỉ thánh đó: đưa tay làm dấu thánh giá, cử chỉ nhúng tay vào nước thánh để vẽ lên người, hay cúi mình khi vào nhà thờ… Những “ngôn ngữ cơ thể” tự nó nói lên nhiều điều. Do đó, khi chúng ta không còn nghe được điều mà những sự vật ấy nói nữa, thì chúng ta cũng giống như kẻ mù chữ không đọc được cuốn sách của tạo thành, không hiểu gì về phụng vụ thánh.

 

II. Giáo Lý Công Giáo nói về Dấu Chỉ và Biểu Tượng

Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công giáo nhắc chúng ta rằng mọi dấu chỉ bí tích đều hàm chứa ba chiều kích. Trước hết, trong các bí tích, những dấu chỉ nền tảng là nước, bánh và rượu, dầu, là “hoa mầu ruộng đất và lao công của con người”.

Kế đến, dấu chỉ bí tích không chỉ đơn thuần là dấu chỉ tự nhiên mà là “dấu chỉ của Giao Ước. Từ các dấu chỉ tự nhiên, biểu tượng của cuộc sống, Thiên Chúa ban cho Dân Người những “dấu chỉ của Giao Ước” như cắt bì, hy lễ, Lễ Vượt Qua…theo dòng lịch sử của Dân Chúa.

Cuối cùng, Đức Kitô dùng cả những “dấu chỉ tự nhiên”, thí dụ: khi xức dầu chữa bệnh, và những dấu chỉ từ Cựu Ước, thí dụ: Bữa Ăn Vượt Qua, và cả hai mang một ý nghĩa mới: chúng trở thành những dấu chỉ của Người, chính Người nói và hành động trong những dấu chỉ ấy.

Trong phụng vụ bí tích của Hội Thánh, ba chiều kích này luôn hiện diện. Nếu người tham dự muốn hiểu biết về các bí tích, thì cần phải ý thức về ba chiều kích này, cũng như hiểu về những dấu chỉ phụng vụ được trình bày trong giáo lý và cử hành phụng vụ như thế nào. Một phương pháp sư phạm tốt nhất để hiểu các dấu chỉ bí tích là thực hành và từ trong thực hành, người tham dự cử hành sẽ rút ra bài học cho mình. Thí dụ,  Đêm Vọng Phục Sinh, khi ngọn nến phục sinh được thắp lên trong bóng tối đang bao trùm nhà thờ, mọi người cùng bước đi trong đêm tối, chính kinh nghiệm ấy dẫn tín hữu đến với Đức Kitô, nguồn Ánh Sáng.

(còn tiếp).