TPÂH Lòng Tha Thứ – Chương Sáu: Con Đường Dẫn Vào Tha Thứ

print

CHƯƠNG SÁU

CON ĐƯỜNG DẪN VÀO THA THỨ

 

1.Điều quan trọng trong cuộc sống là tha thứ.

2.Những lợi ích của tha thứ.

3.Muốn tha thứ cho người khác phải biết tha thứ cho chính mình.

4.Ứng dụng vào cuộc sống gia đình.

1.Điều quan trọng trong cuộc sống là tha thứ

Cách đây nhiều năm, một người bạn của Piero Ferrucci  thường hỏi mọi người: “Đâu là điều quan trọng nhất của cuộc sống?” Câu trả lời thường rơi vào một trong những trường hợp phổ biến: Sức khoẻ, tình yêu, sự bảo đảm tài chính; và thường đi cùng với lời giải thích, như thể người trả lời không chắc chắn và muốn xác định nó cho chính mình. Một hôm, bạn Piero Ferrucci đã đặt câu hỏi tương tự với cha của mình. Họ đang ở trong bếp, ông ấy đang tự pha một tách cà phê. Câu trả lời của ông rất đơn giản, bình tĩnh và tự phát, “tha thứ”. Chúng ta không cần phải suy diễn gì thêm.

Cha bạn Piero Ferrucci là người Do Thái. Toàn bộ gia đình ông đã bị tiêu diệt trong thảm hoạ tàn sát người Do Thái thời Hitler. (Sau này, ông tái hôn và di cư đến Úc, nơi bạn tôi sinh ra). Piero Ferrucci đã từng nhìn thấy các bức ảnh chụp gia đình ông, chúng được cất giữ trong một chiếc hộp thiếc. Đó là tất cả những gì còn lại sau tấn thảm kịch nói trên. Đó là những bức ảnh của mọi người như bạn và tôi, họ hoàn toàn không hề ý thức được những gì sắp giáng xuống đầu mình.

Bức ảnh chụp một cô gái nhỏ lưu lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất. Tôi có thể tưởng tượng rằng cô bé đang đi học, chơi đùa hay trò chuyện với cha mẹ. Một cô bé rất xinh đẹp, nhưng giờ không còn sống nữa. Tôi muốn tìm hiểu xem người đàn ông này cảm thấy thế nào khi biết rằng ông đã mất đi cô con gái dễ thương, cũng như vợ, cha mẹ, anh em, công việc và nhà cửa của mình. Tôi đã cố tìm hiểu, với sự mơ hồ và vết tích nhạt nhoà, để hình dung tính chất tàn bạo của thời khắc đó, sự hoài nghi và cả nỗi đau không thể nguôi ngoai.

Tuy nhiên, người đàn ông này đã quyết định tha thứ cho tất cả. Không chỉ có vậy, ông còn khẳng định rằng tha thứ chính là phẩm chất quan trọng nhất trong cuộc sống. Tôi xem thái độ đó của ông là một chiến thắng vĩ đại. Nhờ vào chiến thắng này (còn kỳ diệu hơn những kỳ công của ngành điện tử, di truyền và du hành vũ trụ) nhân loại tiếp tục tồn tại. Nhờ người đàn ông này và nhiều người khác như ông mà chúng ta được sống trong một xã hội yên bình.

Chúng ta có thể cũng đang có thái độ đó. Đọc báo hàng ngày, các bạn có lẽ sẽ xúc động trước số lượng những hận thù chưa được hoá giải trên trái đất. Để hiểu rõ điều này, tôi yêu cầu bạn hãy tưởng tượng về một khả năng: sự nghịch lý.

Sáng mai, chúng ta thức dậy và thấy mọi người đã tha thứ cho tất cả những gì đáng được tha thứ. Và điều gì sẽ xảy ra nếu sớm mai thức dậy, bạn nhận thấy từng cá nhân cũng tha thứ cho nhau vì những sai lầm?

Tất cả chúng ta đều có thể thở phào nhẹ nhõm. Bầu không khí sẽ trở nên hạnh phúc và sáng sủa hơn. Lần đầu tiên trong đời, rất nhiều người sẽ trải nghiệm được điều kỳ diệu khi sống với hiện tại, thay vì chỉ mải mê nhớ về quá khứ, với ý định cáo buộc và đòi người khác phải nhận tội do những gì đã từng gây ra. Mối quan hệ giữa người với người sẽ trở nên cởi mở hơn. Tất cả năng lượng dành cho sự trách móc, lòng căm ghét và thù hận sẽ chuyển sang cho hàng ngàn những ý định mới. Những ý định mới sẽ mang lại hạnh phúc cho con người.[1] 

2. Những lợi ích của tha thứ

Đâu là lợi ích của việc tha thứ? Chúng ta chờ đợi điều gì qua việc tha thứ? Đâu là hoa quả của việc tha thứ mà chúng ta sẽ phát huy?

Trong một thí nghiệm nổi tiếng, các đối tượng được yêu cầu phải nhớ lại hai lần mình bị phản bội, một lần là từ cha mẹ, một lần từ đối tác. Đồng thời, mỗi người được gắn một chiếc máy phát hiện nói dối để kiểm tra huyết áp, nhịp tim, độ căng cơ trước trán, cũng như phản ứng kích thích da. Và những phát hiện mới là rất thú vị. Mọi người thường rơi vào hai trường hợp riêng biệt: hoặc dễ dàng tha thứ, hoặc rất khó tha thứ. Những người khó tha thứ thường có chỉ số đo lường mức độ căng thẳng cao hơn. Nhưng người dễ dàng tha thứ lại ít gặp vấn đề sức khoẻ và ít phải đi gặp bác sĩ. Trong một cuộc nghiên cứu khác, người ta thấy rằng những ai dễ dàng tha thứ sẽ sống mạnh khoẻ hơn, ít lo âu và suy nhược hơn. Tha thứ giúp gia tăng sức khoẻ cả thể chất lẫn tinh thần.[2]

Quả thật, tha thứ mang lại rất nhiều lợi ích cho thể xác cũng như tinh thần:

Giảm căng thẳng: Khi giữ mối hận thù sâu trong lòng, bạn sẽ không ngừng suy nghĩ về người đã gây ra sự giận dữ hay đau đớn cho bạn. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến căng thẳng. Mối ác cảm ấy liên tục đeo bám, bạn sẽ không thể tập trung vào những thứ khác, chẳng hạn như công việc, gia đình, hạnh phúc, sở thích…Con người phải có cảm xúc, nhưng nếu không biết rũ bỏ hay chọn cách tha thứ, bạn sẽ mãi đắm chìm vào trạng thái tiêu cực. Do đó, theo các chuyên gia tâm lý, giữ lòng thù hận là một cảm giác rất mạnh mẽ cần phải được loại bỏ để ngăn chặn mức độ căng thẳng gia tăng.

Giảm đau: Nghe có vẻ phi lý, nhưng theo một nghiên cứu gần đây được thực hiện tại Trung tâm Y khoa Đại học Duke (Mỹ), một trái tim giàu lòng vị tha có thể làm giảm cả nỗi đau thể xác và tinh thần, bởi khi tha thứ, bạn sẽ cảm thấy được thoải mái hơn so với việc lấp đầy sự oán giận trong lòng.

Giúp tim khỏe: Trong một nghiên cứu gần đây được tiến hành tại Mỹ với số lượng lớn người tham gia đã cho thấy những người giữ mối hận thù trong lòng có nhịp tim cao hơn những người có tấm lòng bao dung và biết học cách tha thứ.

Tăng tuổi thọ: Những người luôn giữ mối hận thù dường như luôn lo lắng và ở trong tâm trạng xấu. Giữ mối oán hận có thể khiến chất lượng cuộc sống giảm sút, tuổi thọ cũng rút ngắn lại. Kết quả một số nghiên cứu cho thấy những người luôn biết tha thứ có xu hướng sống lâu hơn những người ích kỷ, hẹp hòi.

Giảm huyết áp: Theo Eblogfa, một nghiên cứu gần đây cho biết sự tha thứ có liên quan đến huyết áp thấp. Những người bị huyết áp cao là do thường gặp nhiều tình huống căng thẳng trong cuộc sống, có thể được gây ra bởi một số thứ, bao gồm cả việc không thể tha thứ.[3]

 

2.1. Sự tha thứ liên quan đến thể xác và tinh thần

Richard P.Johnson kể rằng: “Tôi còn nhớ như in cái ngày một bệnh nhân 34 tuổi bước vào văn phòng tư vấn của tôi. Đối với tôi thì ông vẫn là ví dụ hàng đầu của việc tha thứ… Ông là một kế toán viên vừa bị cắt ba phần tư dạ dày và được bác sĩ phẫu thuật giới thiệu đến với tôi. Dạ dày của ông bị loét quá nhiều chỗ đến nỗi bác sĩ phẫu thuật dự đoán rằng cuộc sống của người đàn ông trẻ này có điều gì đó bất ổn.

Tôi phỏng vấn ông và thấy rõ ông không có những đặc tính mà một kế toán viên thường phải có. Thật vậy, khi tôi cho ông làm trắc nghiệm nhân cách theo mẫu “Chỉ báo nhân cách” của Myers Briggs,[4] hóa ra ông thuộc cùng một loại nhân cách với tôi! Kết quả ấy khiến tôi sửng sốt, bởi vì tôi nghĩ rằng loại nhân cách của kế toán viên phải khác với nhân cách của một nhà tư vấn Kitô Giáo. Tôi chắc chắn rằng giữa hai chúng tôi hẳn có những điểm tương đồng, nhưng sự thường thì hai loại nghề nghiệp khác nhau sẽ đưa đến hai loại nhân cách khác nhau. Bởi đó, tôi buộc phải hỏi ông: “Làm sao anh đã trở thành kế toán viên?” Ông trả lời: “Mẹ tôi nghĩ đó hẳn là một công việc tốt,”

Tại sao tôi nêu ra ví dụ này? Rõ ràng là vì người đàn ông này cần tha thứ. Theo tôi nghĩ, trước hết ông cần tha thứ cho cha mình. Và một điều khác cũng cấp bách không kém, đó là ông cần tha thứ cho mẹ mình. Xem qua lịch sử gia đình của cha mẹ ông, chúng ta có thể giải thích tại sao ông phải tha thứ như thế. Ông là con cả trong gia đình, về mặt cảm xúc, cha ông kể như không có mặt trong gia đình suốt một thời gian dài. Trong quá trình phỏng vấn, tôi thấy rõ ông đã thiết lập mối tương quan “liên minh” với mẹ ông, như kiểu nói của các nhà chuyên môn. Mối tương quan này đã phát triển trong quá trình hình thành nhân cách của ông. Vì mẹ ông thiếu vắng tình cảm của chồng, nên ông đã trở nên chỗ dựa cho bà về mặt cảm xúc. Bà cậy dựa vào ông quá nhiều, cho nên tác động cảm xúc tiếp tục róc rách suốt cuộc đời của ông.

Khi làm kế toán viên, bệnh nhân loét dạ dày trên đây đã nhồi nhét cảm xúc hiềm thù mà ông không biết, đến mức ông đã gây chiến với chính mình. Sự hỗn loạn của ông thể hiện nơi thân xác; ông chịu đựng cảm xúc xung đột và thể lý hóa cảm xúc ấy (somaticize). Thể lý hóa cảm xúc có nghĩa là chuyển cảm xúc bên trong ra ngoài thân xác. Trong trường hợp người đàn ông nói trên, mục tiêu của việc thể lý hóa cảm xúc chính là dạ dày của ông và rốt cuộc ông cần phải giải phẫu dạ dày để cứu vãn tình thế.

Tôi hân hạnh tuyên bố rằng, dù ông vẫn tiếp tục làm kế toán viên, ông đã thay đổi thói quen làm việc một cách đáng kể. Bạn thấy đấy! Việc ông phải làm mỗi ngày là gặm nhấm các con số trên màn hình vi tính. Một nhân cách như ông thì không nên làm những công việc như vậy, bởi vì ông sẽ bị loét dạ dày hết lần này đến lượt khác. Bây giờ thì ông đã thay đổi thói quen làm việc và thuê hai nhân viên lành nghề ngồi trước máy vi tính để gặm các con số suốt ngày. Còn ông thì đi ra ngoài và ăn trưa với khách hàng. Đó là việc ông thật sự muốn làm”.[5]

2.2.sự tha thứ kích thích sự tăng trưởng của đời sống tâm linh.

Thật vậy, nếu không tha thứ, đời sống tâm linh nếu có tăng trưởng thì cũng sẽ tăng trưởng rất ít. Nếu không tha thứ, đời sống tâm linh sẽ bị chận đứng tại khe rãnh tỵ hiềm, và chúng la phải tốn nhiều năng lực khi không tha thứ. Khi buông bỏ gánh nặng than trách, chúng ta có thể giải toả năng lực trước đây đã bị ngăn chặn và không sinh hoa trái vì sự oán giận, nhờ đó chúng ta có thể sử dụng năng lực ấy nhằm gia tăng và cải thiện đời sống tâm linh. Bám giữ sự tỵ hiềm là một việc hao tốn nhiều công sức, bào mòn khí lực và sức chịu đựng của chúng ta; đồng thời làm cho đời sống tâm linh thiếu sinh lực và đời sống tình cảm bị tê liệt.[6]

2.3.Sự tha thứ giải tỏa năng lực mà bạn đã phung phí khi bám chặt vào sự hận thù.

Khi than trách, chúng ta thường than trách kẻ khác, nhưng nhân vật số một mà chúng ta than trách và không tha thứ là chính mình. Sự tha thứ đem đến cho chúng ta lời hứa là mình sẽ được thanh luyện, nếu chúng ta xưng thú tội lỗi và khao khát được tha thứ (1 Ga 1,9). Cùng với lời hứa ấy, chúng ta sẽ được bình an, một sự bình an siêu việt mọi hiểu biết nhân loại.[7]

2.4.Nhờ sự tha thứ mà chúng ta sống một cách dồi dào hơn.

Norman Cousins đã viết trong tác phẩm Trước hết là trí óc: “Tôi đã biết được rằng cuộc đời là một cuộc mạo hiểm trong tha thứ. Không gì làm cho linh hồn xao động hơn sự hối tiếc, oán hờn và giận dỗi.” Ngoài việc xao động, Cousins còn nói thêm rằng sự hối tiếc, oán hờn và giận dỗi sẽ làm tê liệt toàn bộ hệ thống miễn nhiễm là tác nhân số một trong việc chống lại bệnh tật, ít nữa là một cách tạm thời. Sự tha thứ sẽ đánh thức hệ thống miễn nhiễm.[8]

2.5.Tha thứ là cây cầu dẫn tới Thiên Chúa

Biểu tượng của bí quyết này là cây cầu. Lên án, phê phán, chê bai và than trách làm ô nhiễm dòng nước tuôn chảy giữa chúng ta và cuộc sống mà Thiên Chúa đã dự định cho chúng ta. Tha thứ là chiếc cầu bắc qua dòng nước ô nhiễm ấy. Khi tha thứ, chúng ta thắng vượt đau khổ, ngờ vực và sợ hãi. Khi tha thứ, chúng ta tạo cơ hội cho vẻ đẹp, sự thật và sự tốt lành trong lòng được bùng nổ trong cuộc sống. Chúng ta để cho “lòng tin” được thể hiện qua cuộc sống (x. Mt 9,2).[9]

3.Muốn tha thứ cho người khác phải biết tha thứ cho chính mình

3.1. Những nguyên nhân chính đưa đến sự coi thường chính mình

Tha thứ cho chính mình xuất hiện cho ta như điểm quay vòng của tiến trình tha thứ. Những sự tha thứ cho Thiên Chúa và cho tha nhân trước hết phải đi qua sự tha thứ mà bạn trao ban cho bạn. Kẻ muốn tha thứ nhưng không tha thứ cho chính mình giống như một người bơi lội mà sóng biển cứ kéo ra khơi, mãi xa bờ. Mọi nỗ lực mà bạn sử dụng để tha thứ cho kẻ khác sẽ bị mất tác dụng vì sự hận thù mà bạn mang lại cho chính bạn. Ngay cả trường hợp người ta không chịu một xúc phạm hay chửi rủa đặc biệt nào, sự tha thứ cho chính mình vẫn là một trong những thực hành lớn có tính cách tâm lý và thiêng liêng để được chữa lành. Một nhà phân tâm đã nói : “Cái cốt yếu của việc trị liệu, chính là bạn học tha thứ cho chính bạn”.

Khi bạn bị tổn thương sâu sắc, bạn không còn có thể do dự tha thứ cho chính mình nữa. Bằng mọi cách, bạn đã bị dồn vào đó. Một cú cay đắng đã phải nhận chịu, nhất là khi nó lại đến từ một người thân yêu, sẽ phá tan thành mảnh sự hòa điệu nội tâm của bạn. Lúc ấy, những sức mạnh đối địch sẽ được phát động lên trong bạn. Chỉ có sự tha thứ khiêm tốn mà bạn trao ban cho mình sẽ thành công trong việc tái lập trong bạn sự bình an và hòa điệu, đồng thời mở lòng bạn ra với sự có thể tha thứ cho người khác được thôi.

Người ta có thể biện phân ba nguồn chính của sự coi thường chính mình : trước hết là sự thất vọng vì đã không đạt được đỉnh cao lý tưởng mơ ước ; tiếp đến là những sứ điệp tiêu cực nhận được từ cha mẹ và những người có ý nghĩa đối với mình.

3.1.1.Trước hết là sự thất vọng vì đã không đạt được đỉnh cao lý tưởng mơ ước

Nguồn thù địch đầu tiên với chính mình đến từ sự kiếm tìm hạnh phúc và một sự hoàn hảo tuyệt đối, giống như các thần thánh hay tiên nữ, hoặc ít nhất như hoàng tử và công chúa. Cái ước vọng vô biên nầy luôn hành động trong mình, mặc dầu những giới hạn và bất lực của mình vốn là thọ tạo. Dần dần, ta phải học chấp nhận sự hữu hạn của mình và chịu đựng tình cảm có lỗi không hoàn hảo của mình. Việc chấp nhận cụ thể trạng thái tạo vật của mình luôn luôn được xem như một bước lớn trên con đường sức khoẻ tâm lý và thiêng liêng. Người ta gọi đó là “đức khiêm nhường”. Nhân đức nầy giúp nhận lấy đúng kích thước của mình. Nó cho phép tha thứ cho mình không những vì bị giới hạn và sai lầm, mà còn vì tưởng rằng mình là toàn năng, toàn tri, không thể chê trách được và hoàn hảo về mọi phương diện.

3.1.2.Tiếp đến là những sứ điệp tiêu cực nhận được từ cha mẹ và những người có ý nghĩa đối với mình.

 Nguồn thứ hai buộc tội và chê ghét chính mình đến từ những sứ điệp tiêu cực về phía những nhân vật mà người ta coi là quan trọng trong cuộc đời mình. Những sứ điệp này thuộc trật tự không lời hay bằng lời. Trước hết, chúng ta hãy xem những sứ điệp tiêu cực không lời. Ðứa trẻ cảm nhận trong thân thể nó cả một lô những sứ điệp không lời, như những cử chỉ thiếu nhẫn nại và bạo lực của cha mẹ. Sự mệt mỏi, suy sút, từ chối vô thức của đứa trẻ, thiếu sót các chăm sóc vệ sinh, sự xâm nhập vào tính sâu kín trẻ con của nó, những hành động bạo lực, những lạm dụng tình dục, trẻ con ghi hết tất cả vào trong hệ thống thần kinh và ký ức của nó.

Về sau, sự coi thường và cả sự thù hận chính mình sẽ lớn lên theo sau những sứ điệp bằng lời có nghĩa xấu, chẳng hạn những lời nói làm mếch lòng, những phê phán ác ý, những so sánh, những chế nhạo, những biệt hiệu…  Sự tích lũy các sứ điệp bất lợi tạo nên nơi con người một mặc cảm tự ti, chẳng hạn nó không ngừng tự so sánh mình với một lý tưởng không thể được vì lẫn lộn và được định nghĩa sai. Thất vọng về mình và luôn luôn thua kém, người đó càng lún sâu trong phiền muộn và những trạng thái trầm uất định kỳ, có khi bị xô đẩy tới chỗ tự tử là hình thức cao nhất của sự từ chối tha thứ cho chính mình.

3.1.3. Bóng tối nhân cách.

Sau cùng là những tấn công của bóng tối cá nhân được hình thành trong phần lớn tiềm năng nhân bản và thiêng liêng bị dồn nén, và do đó không phát triển được.

Bóng tối bao gồm tất cả mọi phương diện của mình mà người ta đã không thể hay không biết phát triển, vì nghĩ rằng chúng không thể được môi trường xã hội chấp nhận. Bị hoảng sợ trước những phần của mình mà mình cho rằng không thể đón nhận được, người ta chôn giấu chúng trong vô thức. Ðó là cái mà người ta thường làm, chẳng hạn với sự bạo lực mà người ta sợ phải đương đầu. Bạo lực nầy nổi lên ngay lúc bị xúc phạm và đòi trả chỗ cho nó. Nếu lúc ấy mà nó không được đón nhận và chấp nhận, thì sẽ có nguy hiểm là nó quay lại chống người không biết đến nó. Thay vì là liên minh, nó sẽ quay sang hàng ngủ kẻ thù để tấn công dưới hình thức tự buộc tội mình một cách bệnh hoạn.[10] 

3.2. Để có thể tha thứ cho người khác, trước hết phải biết tha thứ cho chính mình, nhưng trong thực tế lại có những người tự cho mình không thể được tha thứ.

3.2.1. Có những người tin rằng mình không thể được tha thứ

Họ có cảm tưởng rằng lỗi của họ quá lớn đến đổi không bao giờ người ta có thể tha thứ cho họ. Hình như những người thuộc loại nầy mỗi lúc một hiếm đi trong xã hội tục hóa. 

3.2.2.Những người không tin vào tính nhưng không của tình yêu

Trên nguyên tắc, họ chấp nhận có thể có một tình yêu vô điều kiện, nhưng trong thực hành thì họ chẳng tin là có thứ tình yêu ấy, bởi vì họ xác tín rằng chẳng có gì là nhưng không cả và mọi cái đều phải trả giá, vào một ngày nọ hay một ngày kia thôi, kể cả sự tha thứ. Những người này thường đã có những cha mẹ không bao giờ biểu lộ cho họ một tình yêu nhưng không. Họ chỉ được yêu thương như phần thưởng cho những điểm cao đạt được ở trường, cho hạnh kiểm tốt hoặc những việc phục vụ họ đã làm.

3.2.3. Hạng người thứ ba từ chối sự tha thứ

Họ không cảm thấy cần đến nó chút nào cả, vì xem ra họ chẳng cảm thấy chút nào có lỗi, về phương diện cá nhân cũng như về phương diện xã hội. Họ sống trong một thứ trống rỗng về luân lý và thiêng liêng. Họ đau khổ vì một bệnh thần kinh thiêng liêng và luân lý làm cho họ vô cảm với mọi nhu cầu tha thứ. Phải chăng đó là thân phận của nhiều người đương thời của chúng ta ? Một số tư tưởng gia quả quyết rằng sự thiếu mẫn cảm luân lý này là nguyên nhân của một con số tự tử lớn lao nơi các người trẻ.

3.2.4. Hạng thứ tư là những người chối bỏ cách đơn giản sự có lỗi như một thiếu sót tâm lý

Một số trường phái tâm lý coi cảm giác có lỗi và nhu cầu tha thứ như một sự thiếu trưởng thành và thiếu tự lập. Người ta lẫn lộn ở đây cảm giác có lỗi bị ám ảnh và bệnh hoạn với cảm giác có lỗi lành mạnh. Trong khi cảm giác có lỗi loạn thần kinh hành hạ và nghiền tán cá nhân, thì tình cảm có lỗi lành mạnh và bình thường báo động cho người ấy về cái thực sự là nó : một hữu thể bị giới hạn và sai lầm. Cái nhìn chân lý nầy trên cá thể giải thoát nó và có thể dẫn đưa nó xác định cho mình một lý tưởng luận lý thiết thực.

Chấp nhận lãnh nhận sự tha thứ mà không cảm thấy bị nhục mạ hoặc bị hạ thấp, đó là thách đố. Nhiều người từ chối sự tha thứ đúng là để tránh sự sỉ nhục. Khi mô tả thảm kịch tha thứ của Chúa nơi các nhân vật của Bernanos, Philippe Le Touzé làm nổi bật sự từ chối đó : “Nhưng con người khép kín với tha thứ, vì tha thứ hạ nhục nó và cướp đi của nó cái ảo tưởng tự lập để giao nộp nó cho người khác muốn làm gì thì làm, do đó thời đại mới toan tính làm lại một vũ trụ không có Thiên Chúa“. Một cái nhìn biến thể về tự lập đẩy tới những hành động của sự độc lập giả trá, trong khi sự tự lập đích thực tạo nên khả năng chọn lựa những sự tùy thuộc của mình.

Tóm lại, xem ra hiển nhiên rằng người nào không yêu mình và không tha thứ cho mình sẽ không còn có thể yêu thương và tha thứ cho kẻ khác nữa. Vả lại, tình yêu mình và tha thứ cho mình xem ra không thể thực hiện được và là ảo tưởng, nếu không có sự ân cần của Ðấng Khác. Bấy giờ xem ra là thiết yếu chấp nhận biết mình đáng tha thứ và đã được tha thứ để có thể tha thứ khi đến phiên mình.[11]

4. Ứng dụng vào cuộc sống gia đình

4.1. Mẹ tha thứ cho con

Cánh cửa để ngỏ – Cherrin Kim

Tại Grasscow thuộc Scotland, có một cô gái như nhiều cô gái trẻ khác: chán ghét cuộc sống gia đình tẻ nhạt và sự quản lý nghiêm khắc của cha mẹ.

Cô rời bỏ gia đình, quyết định làm một người có tên tuổi trên đời. Nhưng chẳng lâu sau, mỗi khi cô tràn trề hy vọng đi kiếm việc làm thì đều bị từ chối thẳng thừng. Cô đành lang thang ngoài đường, bắt đầu hành nghề bán hoa cho khách làng chơi. Nhiều năm trôi qua, cha cô qua đời, mẹ cô cũng già đi, nhưng cô vẫn ngoi ngóp trong đám bùn lầy của thế nhân.

Thời gian này, cô và mẹ chẳng hề có liên hệ gì. Nhưng khi mẹ cô nghe nói con gái bị thất cơ lỡ vận, bà đã không ngại khó khăn vất vả, đi khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố để tìm con. Mỗi lần đến nơi phân phát từ thiện, bà đều dừng chân lại hỏi: “Xin cho tôi được dán tấm hình này ở đây, có được không?”. Trên tấm hình là một bà mẹ đang mỉm cười, đầu tóc bạc phơ, bên dưới có viết một hàng chữ: “Mẹ vẫn yêu con… Con hãy về nhà ngay nhé!”.

Mấy tháng sau, một cô gái đang hớn hở bước vào một điểm phân phát từ thiện để lấy một hộp cơm miễn phí. Cô xếp hàng chờ, ánh mắt lơ đãng lướt qua bảng thông báo. Chính lúc đó, cô nhìn thấy một gương mặt quen thuộc: “Đấy có phải là mẹ mình không?”.

Cô rời khỏi đám đông, đi lên phía trước nhìn. Không sai! Đó chính là mẹ của cô, bên dưới có hàng chữ: “Mẹ vẫn yêu con… Con hãy về nhà ngay nhé!”.

Lúc đó, trời đã tối, nhưng cô kiên quyết về nhà ngay. Khi cô bước vào nhà thì đã là nửa đêm. Đứng trước cửa, cô chần chừ, không biết có nên vào hay không? Cuối cùng, cô gõ cửa. Lạ thật! Cửa tự mở ra, sao lại chẳng khóa gì thế này?! Không hay rồi! Chắc chắn là có kẻ trộm vào nhà. Nghĩ đến sự nguy hiểm của mẹ, cô lao vào phòng ngủ, nhưng mẹ vẫn đang nằm đó như chẳng có chuyện gì xảy ra. Cô lay mẹ tỉnh dậy: “Mẹ ơi, con đây! Con đây! Con của mẹ đã về rồi đây!”.

Người mẹ không dám tin, bà dụi mắt, quả thật là con gái bà. Hai mẹ con ôm nhau thật chặt, đứa con hỏi: “Mẹ ơi, sao cửa lại không khoá thế này? Con còn nghĩ là ăn trộm vào trong nhà ta nữa đó!”.

Người mẹ đáp hiền từ: “Từ khi con rời khỏi nhà, cánh cửa này chẳng bao giờ khép lại cả”.[12] 

4.2. Vợ tha thứ cho chồng

Đã năm năm trôi qua kể từ ngày Paul, chồng tôi, nhận ra lỗi lầm và quay về sau một thời gian bỏ nhà đi theo nhân tình, song, ám ảnh của sự phản bội đêm đêm vẫn len lỏi vào giấc ngủ của tôi, giày vò trái tim tôi. Dù cố gắng đến mấy, tôi cũng không thể tự làm nguôi ngoai nỗi đau trong lòng mình được.

Tôi đã từng nghĩ đến việc ly hôn như là một giải pháp tối ưu nhằm giải thoát bản thân khỏi sự tra tấn về tinh thần, bởi tôi biết khó mà tha thứ cho anh được. Mỗi hành động ân cần của anh đều bị tôi đáp lại bằng thái độ chỉ trích, dè bỉu; mỗi cử chỉ hòa nhã của anh đều có thể châm ngòi nổ cho bản năng phản kháng trong tôi; những biểu hiện quan tâm chân thành của anh lại càng làm ngọn lửa oán giận trong tôi bùng lên dữ dội. Cuộc sống cứ thế trôi đi; ngày lại ngày, chúng tôi cứ sống lặng lẽ bên nhau như hai chiếc bóng.

Nhưng đến một ngày, tôi chợt nhận ra rằng mình sẽ không thể quẳng đi gánh nặng muộn phiền một khi vẫn còn để oán giận gặm nhấm tâm hồn. Tôi cố tìm cho mình những lý do để tha thứ. Dần dần, tôi đã tìm lại được sự thanh thản. Dù sao, trong suốt năm năm qua, Paul cũng đã nỗ lực rất nhiều trong việc hàn gắn tình cảm vợ chồng; hơn nữa, tình yêu tôi dành cho anh cũng không phải đã hoàn toàn lụi tắt.

Tôi nghiệm ra rằng, đôi khi, trong cuộc sống, chúng ta cần phải biết quên đi những gì không đáng nhớ. Tha thứ cho lỗi lầm của người khác không đồng nghĩa với việc chúng ta quên hẳn nó; nhưng khi đã tha thứ thì hoài niệm về biến cố đã xảy ra sẽ không còn gây đau đớn cho tinh thần chúng ta nữa. Khi mở lòng tha thứ, sự khoan dung, lòng nhân ái sẽ khiến ta lớn lên, niềm tin và sự thanh thản sẽ được xây dựng lại.

Tha thứ không phải là một việc dễ dàng. Sau trải nghiệm của cá nhân mình, tôi thấy rằng có ba trở ngại chính cho sự tha thứ.

Thứ nhất là bởi chúng ta thật khó nhìn nhận những lỗi lầm của riêng mình, chúng ta không thể thú nhận rằng chúng ta không hoàn hảo và rằng chúng ta có khả năng làm tổn thương đến người khác.

Nguyên nhân thứ hai chính là sự giận dữ. Nếu chúng ta không vượt qua được sự cay đắng, sự giận dữ hay thù ghét mà cứ bám víu vào những “lực đẩy” có tính phá hoại rất lớn này, chúng ta mãi mãi không thể tìm thấy sự dung hòa trong cuộc sống.

Sau cùng, nhiều người có những quan niệm sai lầm về sự tha thứ; và vì thế mãi vật lộn trong cuộc đấu tranh tinh thần: có nên tha thứ hay không?

Với riêng tôi, khi tha thứ cho Paul, tôi như tìm thấy cho mình một lối thoát ra khỏi “nhà tù” của sự oán hờn, cay đắng. Đã rất nhiều lần, tôi muốn tìm ra cốt lõi của sự đổ vỡ tình cảm vợ chồng, và vì sao anh ấy lại phản bội. Tuy nhiên, cuối cùng tôi nhận ra rằng, sự thật là chúng ta có thể tha thứ cho một người phạm lỗi ngay cả khi chúng ta không bao giờ khám phá ra được lý do khiến họ gây đau đớn cho chúng ta.

Chúng ta sẽ tha thứ khi cảm thấy có thể tha thứ được. Đó là chọn lựa của riêng mỗi cá nhân. Nhưng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi chúng ta thật lòng tha thứ, chúng ta sẽ khiến một người tù được tự do, và người tù đó không ai khác hơn là chính bản thân mình.[13]

4.3. Chồng tha thứ cho vợ

Ở bìa một ngôi làng nhỏ êm đềm nổi lên một trang trại mà nhà cửa mới sơn quét. Ðó là trang trại của Alfred, một con người tự hào, thanh liêm và hơi ba hoa. Thân người to lớn nhưng gầy, cằm thon, mũi khoằm, ông được dân chúng vừa kính trọng vừa sợ. Hơi ba hoa, nhưng khi ông nói là để tuyên bố những câu châm ngôn về giá trị của công việc hay sự nghiêm túc của cuộc đời.

Bà Adèle, vợ ông, luôn có nụ cười niềm nở và giọng nói duyên dáng. Dân chúng thoải mái khi có mặt bà. Bà âm thầm đau khổ bên cạnh một người chồng dè sẻn lời nói và vuốt ve. Nàng nuối tiếc trong lòng là đã cưới một người quá ham việc, vốn đã từng làm cho người cha quá cố của nàng ngưỡng phục. Chắc chắn Alfred đã làm cho nàng sống thoải mái và hằng trung thành với nàng, nhưng vì quá bù đầu vào công việc, chàng chỉ dành cho nàng quá ít thời gian thân mật và vui thú.

Một hôm, Alfred quyết định rút ngắn ngày sống. Thay vì làm việc đến tối mịt, chàng trở về nhà sớm hơn dự tính. Trước sự sửng sốt, chàng bắt được quả tang Adèle với một người đàn ông láng giềng ngay trên giường ngủ của vợ chồng chàng. Người đàn ông mau lẹ nhảy qua cửa sổ chạy trốn, còn Adèle lúng túng qùy sụp dưới chân Alfred van xin tha thứ. Alfred đứng khựng như một pho tượng : mặt trắng bạch vì phẫn nộ, môi thâm lên vì giận dữ, nhưng nén giữ được làn sóng cảm xúc tấn công mình. Thấy mình bị cắm sừng như vậy, tình cảm của chàng đi từ bị lăng nhục đến tức giận, qua một nỗi đau sâu xa. Không phải là người lớn tiếng, chàng chỉ biết im lặng. Nhưng ông nghĩ ngay rằng thái độ im lặng sẽ làm cho Adèle bị một sự hành hạ lớn hơn mọi lời nói hay cử chỉ bạo lực.

Không hiểu vì sao vụ việc Adèle được lan truyền trong làng và những kẻ “xấu miệng” tha hồ mà tán hươu tán vượn. Người ta đoán trước rằng Alfred sẽ đòi chia tay. Nhưng, để làm thất bại những chuyện ngồi lê đôi mách đó, thì nầy đây vào lễ trọng ngày Chúa nhật, Alfred đi vào lối giữa, đầu ngước cao, với Adèle bước lon ton theo sau. Là một tín hữu tốt, ông dường như đã hiểu những lời của Kinh Lạy Cha : “Xin tha thứ cho chúng con như chúng con tha thứ cho những kẻ xúc phạm chúng con”. Nhưng cái vinh quang tha thứ của Alfred được kín đáo nuôi dưỡng bởi sự xấu hổ của Adèle.

Ở nhà, Alfred tiếp tục khơi lửa hiềm thù, bằng thái độ câm lặng và những cái liếc nhìn đầy khinh miệt đối với nữ tội nhân. Tuy nhiên, trên trời không để bị giễu cợt bởi những vẻ bên ngoài của nhân đức, nên vội vã sai một thiên thần đến vực dậy tình trạng này. Cứ mỗi lần Alfred phóng cái nhìn cứng rắn và tối tăm trên Adèle thì thiên thần để rơi vào trái tim ông một hòn sỏi to bằng cúc áo. Mỗi lần như thế, Alfred cảm nhận một nhói đau khiến mặt ông phải nhăn nhó. Quả tim ông chĩu nặng đến đỗi ông phải khom người bước đi và phải khó nhọc ưỡn cổ ra để thấy rõ phía trước.

Một hôm đang cắt lúa, Alfred nhìn thấy một nhân vật sáng láng đứng tựa vào hàng rào bảo ông : “Alfred, ngươi xem ra quá đọa rồi.” Bất thần nghe một người lạ gọi tên mình, Alfred hỏi người là ai và muốn gì. Thiên thần nói với ông : “Phải, ta biết ngươi đã bị vợ lừa dối và sự sỉ nhục hành hạ ngươi. Nhưng ngươi đang thực hiện một sự trả thù tinh vi, mà nó làm cho chính ngươi phải suy sụp tinh thần“. Alfred cảm thấy mình bị đoán đúng nên cúi đầu xuống thú nhận : “Tôi không thể lấy ra khỏi đầu óc cái tư tưởng bị nguyền rủa này : làm sao nàng đã lừa dối tôi, một người chồng trung thành và quảng đại như thế ? Ðó là một con đĩ, nàng đã làm nhơ bẩn cái giường của vợ chồng !” Nói những lời đó, Alfred nhăn mặt đau đớn. Bấy giờ thiên thần đề nghị giúp đỡ ông, nhưng Alfred quả quyết rằng không ai có thể nâng đỡ ông khỏi gánh nặng của mình : “Hỡi người lạ mặt, dù ông có thể toàn năng đi nữa, ông sẽ không bao giờ có thể xóa đi cái gì đã xảy ra được“. Thiên thần bảo ông : “Ngươi có lý, Alfred ạ, không ai có thể thay đổi được quá khứ, nhưng từ bây giờ ngươi có khả năng nhìn quá khứ một cách khác. Ngươi hãy nhận diện vết thương của mình, chấp nhận sự tức giận và sỉ nhục của ngươi. Rồi từ từ, ngươi hãy bắt đầu thay đổi cái nhìn của ngươi trên Adèle. Phải chăng chỉ một mình nàng là có lỗi ? Hãy nhớ lại sự dửng dưng của ngươi đối với nàng. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của nàng. Ngươi cần những con mắt mới và thần diệu để nhìn nỗi bất hạnh của ngươi dưới một ánh sáng mới“.

Alfred không thực sự hiểu, nhưng ông tin tưởng vào thiên thần. Làm sao ông chọn lựa làm khác được với gánh nặng thiêu đốt trái tim ? Thiếu phương tiện, ông hỏi vị khách làm sao có thể thay đổi cái nhìn của ông. Thiên thần bắt đầu chỉ dẫn cho ông thế nầy : “Trước khi nhìn Adèle, hãy làm giãn ra các nếp gấp trên trán, những nét nhăn quanh miệng và những thớ thịt khác nơi khuôn mặt ngươi. Thay vì nhìn thấy nơi Adèle một người đàn bà xấu xa, hãy thấy một người vợ đang cần sự dịu dàng. Hãy nhớ lại ngươi đã đối xử lạnh nhạt và cứng cỏi với nàng như thế nào. Hãy nhớ lại lòng quảng đại và nhiệt huyết của nàng mà ngươi rất yêu quí ngay buổi đầu hai người yêu nhau. Ðổi lại mỗi cái nhìn được đổi mới, ta sẽ cất khỏi trái tim ngươi một cục sỏi“.

Alfred chấp nhận cuộc trao đổi trong khi biện hộ cho sự vụng về tự nhiên của mình. Từ từ từng chút, cách chậm chạp, nhưng không phải là không cố gắng cách ý thức, ông chuyên chú nhìn Adèle với những cái nhìn mới. Nỗi đau trong lòng ông mờ nhạt đi dần dần. Adèle xem ra được biến đổi trông thấy : từ người vợ bất trung, nàng trở thành một con người dịu dàng và đáng yêu mà ông đã biết vào mùa xuân tình yêu của họ. Chính Adèle cũng cảm nhận được sự thay đổi. Ðược nâng đỡ, nàng tìm lại được tính khí tốt lành và nụ cười tươi vui của mình. Ðến lượt mình, Alfred  tự cảm nhận đã hoàn toàn thay đổi. Con tim còn sây sướt vì các hòn sỏi đi qua tràn ngập một sự dịu dàng sâu xa. Cảm xúc mới mẻ ngập tràn còn làm chàng lo sợ. Nhưng một chiều nọ, đầm đìa nước mắt chàng ôm Adèle trong vòng tay, không nói một lời. Phép lạ tha thứ vừa được hoàn tất.[14]

[1] Piero Ferrucci, Sức mạnh của lòng nhân ái trg 30-31

[2] Piero Ferrucci, Sức mạnh của lòng nhân ái, trg 34

[3] www.thanhnien.com.vn

[4]    Myers Briggs type indicator personality test

[5] Richard P.Johnson, The 12 keys to Spiritual Vitality, powerful lessons on living agelessly

(12 bí quyết tăng cường sức sống tâm linh) trg.128-129

[6] Richard P.Johnson, The 12 keys to Spiritual Vitality, powerful lessons on living agelessly

(12 bí quyết tăng cường sức sống tâm linh) trg.145

[7] Richard P.Johnson, sđd, trg.145

[8] Richard P.Johnson,sđd,trg.146

[9] Richard P.Johnson,sđd, trg.147

[10] Jean Monbourquette, Comment pardonner?

[11] Jean Monbourquette, Comment pardonner?

[12] Trương Hiểu Phong & Lâm Thanh Huyền, 72 câu chuyện cảm động về mẹ.trg. 273-274

[13] Jack Canfield & Mark Victor Hansen, Quà tặng tinh thần,trg. 118-122

[14]Jean Monbourquette, Comment pardonner?