NHỮNG MÓN QUÀ TRONG CUỘC SỐNG
Quý vị và các bạn thân mến,
Ivan Sergeyevich Turgenev là một nhà văn và cũng là nhà soạn kịch tài năng và nổi tiếng của Nga vào thế kỉ XIX. Dù là một nhân vật lỗi lạc, ông Turgenev vẫn giữ những thói quen và sinh hoạt rất bình dị như bao người khác. Người ta kể lại rằng vào một buổi chiều mùa đông, khi ông đi tản bộ ở khu vực gần nhà mình thì gặp một người ăn mày lớn tuổi quần áo tả tơi. Nhìn thấy ông, người ăn mày quỳ rạp xuống đất, chìa bàn tay vừa dơ bẩn vừa hôi hám về phía ông, nói:
– “Thưa ngài, ngài có thể cho tôi xin một chút đồ ăn được không ạ?”
Ông Turgenev nhìn người ăn mày thân thể gầy yếu, động lòng thương. Ông vội đưa tay lục các túi quần túi áo của mình xem có cái bánh nào hay ít tiền để cho ông lão này không. Các túi đều trống rỗng. Ông mới nhớ ra là mình không mang theo gì cả. Lúc đó, ông cảm thấy thật có lỗi, và hết sức áy náy. Ông ngồi xuống, nắm chặt lấy bàn tay ông lão ăn mày, thành khẩn nói:
– “Ông bạn ơi, thật xin lỗi, vì hiện giờ tôi không có chút gì để cho ông cả”.
Không ngờ, ông lão ăn mày ràn rụa nước mắt, giữ chặt lấy bàn tay của nhà văn Turgenev, gương mặt xám xịt của ông chợt bừng sáng một nụ cười và ông rối rít đáp:
– “Xin cảm ơn ngài, cảm ơn ngài. Được như vậy là đã đủ cho tôi rồi”.
Thì ra, từ trước đến giờ ông lão ăn mày này luôn nhận phải sự khinh bỉ và xa lánh của mọi người. Chưa bao giờ ông nhận được cái nắm tay đầy thân thiện và được trân trọng gọi là “ông bạn”, như cách văn sĩ này vừa cư xử với ông. Sự trân trọng ấy đáng quý hơn bất cứ thứ gì mà người ăn mày ấy nhận được trong đời mình.
Quý vị và các bạn thân mến,
Của cải, vật chất là những điều thiết yếu trong cuộc sống con người. Bất cứ ai cũng cần có nơi ăn, chốn ở và cơm ăn, áo mặc. Đặc biệt, những điều này lại càng cần thiết biết bao đối với những người vô gia cư nghèo khổ, phải sống nhờ lòng thương hại và sự bố thí của người khác. Tuy nhiên, không phải vì lòng thương hại và chút của bố thí mà người thi ân lại cho mình cái quyền khinh miệt, coi thường người được mình thi ân. Cổ nhân có dạy: “Của cho không bằng cách cho”. Đây là một lời nhắc nhở hậu thế hãy lưu ý đến thái độ của mình khi trao tặng cho ai bất cứ thứ gì. Cách hành xử của văn sĩ lỗi lạc người Nga mà chúng ta vừa nghe biết trong câu chuyện bên trên là một minh họa rất xác thực về thái độ của người cho và người nhận. Ngay cả khi không có gì trong túi để chia sẻ cho người ăn xin, đang van nài khẩn thiết trước mặt mình, văn sĩ ấy cũng có thể trao tặng hơi ấm tình người từ đôi tay của mình và câu nói đầy yêu thương, trân trọng. Về phía người ăn xin, ông đang đói và cần một mẩu bánh có thể làm ấm bụng hay có được vài đồng bạc để mua cái gì đó lót dạ. Ông đã không nhận được điều mình mong chờ nhưng nhận được những điều lớn lao và quý giá hơn, vượt cả sức tưởng tượng: một cái bắt tay thân thiện ấm áp tình người và câu một câu nói nâng giá trị con người của ông từ một kẻ ăn mày thấp hèn trở thành người bạn của một người đàn ông hết sức thanh lịch. Và như vậy, đối với người ăn mày là quá đủ, quá ấm lòng.
Cuộc sống hôm nay có quá nhiều điều phức tạp nên việc trao đi và nhận được có nhiều sự đắn đo, cân nhắc, quay lưng và nặng lòng. Bên cạnh những mảnh đời thật sự khốn khổ phải sống nhờ tình thương của tha nhân, vẫn có nhiều người dùng các mánh khóe để lợi dụng tình thương và làm tổn thương niềm tin của người khác. Do vậy, người ta bắt đầu cảm thấy ngần ngại khi cho đi và trước khi cho đi điều gì, người ta cũng có sự dò xét đối tượng cẩn thận xem họ có thật sự xứng đáng nhận điều mà mình thi ân hay không. Thực trạng của việc bố thí trong cuộc sống hằng ngày nhắc chúng ta nhớ đến bố thí là một trong ba việc thực hành đạo đức mà mọi người Kitô hữu được mời gọi nỗ lực thực hiện một cách đặc biệt trong suốt trong Mùa chay. Ước gì trong khi thực thi việc bố thí, chúng ta ý thức được những của cải vật chất mà mình đang sở hữu là ân huệ nhưng không của Thiên Chúa và là phương tiện cần thiết giúp chúng ta xây dựng tình liên đới với tha nhân qua việc quan tâm và chia sẻ tình thương cho anh chị em mình.
Lạy Chúa, thật dễ khi chúng con chìa tay ra đón nhận những món quà mà người khác trao tặng cho mình, nhưng thật khó khi phải đưa bàn tay mình ra chia sẻ điều gì đó cho tha nhân. Xin tình yêu của Chúa lấp đầy những khoảng trống của sự vô tâm, nghi ngờ và hẹp hòi trong lòng chúng con, để chúng con biết quảng đại mở cửa tâm hồn và mở rộng đôi tay chia sẻ cho tha nhân như Chúa đã luôn quảng đại tuôn đổ muôn ơn lành trên cuộc đời của chúng con. Amnen.
Nt. Rosa Lê Ngọc Thùy Trang, MTGCQ