Đức Tin Không Kết Thúc Ở Những Công Thức
Trích sách “Lên Núi Sinai” – Tác giả: ĐHY Raniero Cantalamessa;
Lm Micae Trần Đình Quảng, chuyển ngữ
Chúng ta sẽ thiếu lương thiện nếu chỉ tố cáo hình thức thờ ngẫu tượng đã phát triển trong văn hóa và triết học, mà không làm sáng tỏ ít nhiều các hình thức thờ ngẫu tượng khác đã xâm nhập ngay cả trong Giáo Hội nơi các tín hữu. Thánh Tôma Aquinô đã đưa ra nguyên tắc lớn mà chúng ta đã nhắc lại lúc đầu: “Hành vi của người tin không kết thúc ở một lời tuyên bố nhưng ở thực tại.” Khi những lời tuyên bố hoặc công thức đức tin, kể cả những tín điều là những công thức trang trọng nhất, bắt đầu được chuyển đạt và được đón nhận vì chính chúng, mà mỗi lần không mở ra như những cánh cửa cho phép tiếp cận thực tại sống động của Thiên Chúa hoặc của Đức Giêsu Kitô, khi chúng hóa thạch, nếu có thể nói như vậy, thì cuối cùng sẽ đi đến chỗ vụ hình thức. Đối với các người thực hành đạo, điều này tương đương với ý thức hệ. Khi ấy các công thức về Thiên Chúa trở thành ý tưởng về Thiên Chúa như các triết gia thường nói: đó là những cái thay thế cho Thiên Chúa hằng sống, những bản sao mờ nhạt, không liên quan đến thực tại. Các thuật ngữ và định nghĩa hơi giống các đường kinh tuyến và vĩ tuyến trên bản đồ: chúng có công dụng để định hướng cho chúng ta (và do đó rất quý giá và cần thiết) nhưng thật ngu ngốc khi thu gọn Trái đất vào giao điểm của các đường này hoặc không còn khả năng hình dung ra nó nếu không có hàng lưới mắt cáo ấy!
Làm thế nào để giải thích thái độ này? Sự tiến triển trong cách quan niệm vai trò và sứ mệnh của thần học chắc chắn đã có ảnh hưởng ở đây. Chúng ta có những công trình tốt đã tái tạo lịch sử của thuật ngữ “thần học” từ nguồn gốc của nó cho đến nay. Những nghiên cứu này làm minh bạch một sự thay đổi trong những thay đổi rõ nhất với một nét mới vào khoảng thế kỷ XII. Cho đến lúc đó, người ta hiểu thần học là “một cách nào đó biết Thiên Chúa và nói về Ngài” trong một ngôn ngữ in dấu sự ca ngợi, thờ phượng, hoàn toàn chấp nhận Thiên Chúa trong đời sống cá nhân. Đôi khi thuật ngữ thần học, có nghĩa là nói về Thiên Chúa, được sử dụng gần như đồng nghĩa với theosebeia, thờ phượng Thiên Chúa[1].
Khi trong các bản văn Kitô giáo đầu tiên lần đầu xuất hiện động từ theologein, “làm thần học”, ý nghĩa đó được xác định rõ ràng là: “nhờ các Thánh vịnh và thánh ca ngợi khen Ngôi Lời Thiên Chúa, coi Ngài như Thiên Chúa[2].” Theo Origen, các nhà thần học trước hết là các tiên tri, sau đó là Gioan Tẩy Giả, người đã công bố công khai thần tính của Đức Kitô, và nhất là chính Đức Kitô, khi Ngài nói về Chúa Cha. Truyền thống sẽ phong cho thánh sử Gioan danh hiệu “Nhà Thần Học”, vì ngài đã công bố thần tính của Ngôi Lời nhập thể. Người ta rất thường coi thần học như một sự khôn ngoan, một ân sủng, một đặc sủng. Chỉ có Chúa Thánh Thần, Đấng dò thấu những nơi sâu thẳm của Thiên Chúa, mới có thể dạy cho người ta cách nói về Thiên Chúa. Vào thế kỷ thứ IV, Evagre đã diễn tả quan điểm này trong phương trình nổi tiếng: “Nếu bạn là một nhà thần học, bạn sẽ thực sự cầu nguyện và nếu bạn thực sự cầu nguyện, bạn sẽ là một nhà thần học[3].”
Từ thế kỷ XII, dưới ảnh hưởng của Abélard và triết học của Aristote, biện chứng pháp được thừa nhận trong các khoa học thánh và thần học có được một ý nghĩa mới: đó là kiến thức có hệ thống, đầy đủ và có tính khoa học về các dữ kiện của mạc khải, một cách trình bầy hợp lý về những gì liên quan đến Kitô giáo, như thánh Tôma đã định nghĩa nó trong phần mở đầu của bộ Summa (Tổng luận). Theo nghĩa này, người ta có thể nói chính xác về một “tổng luận thần học,” một tổng thể hữu cơ và chặt chẽ các vấn đề liên quan đến Thiên Chúa và mạc khải. Đây là lúc khái niệm thần học như là khoa học ra đời[4].
Trong những ngày đầu, sự thay đổi này không đem lại điều gì đặc biệt mang tính cách mạng. Nó không hề loại trừ đặc điểm tôn giáo của sự khiêm tốn phục tùng Thiên Chúa, từ khởi thủy đã liên kết với hoạt động thần học. Nhưng mối nguy hiểm do quan niệm thần học theo phương thức mới này sớm bộc lộ. Từ thời kỳ tiếp sau thời kỳ của các bậc thầy thần học, chủ thuyết duy danh sẽ chiến thắng. Luồng tư tưởng này sẽ có ưu thế trong suốt những thế kỷ XIV và XV. “Thần học đã trở thành một cơ hội cho nhà thần học chứng tỏ sự tài khéo của mình trong việc sử dụng thuật luận lý, nhưng thiếu mối tương quan bên trong với đối tượng. Thần học không còn là học thuyết về sự cứu rỗi, và nhà thần học có thể dễ dàng miệt mài với những suy tư táo bạo vì ông ít thấy ơn cứu độ của mình hàm chứa trong hệ thống thần học của mình[5].” Trong trường hợp này, người ta không còn có thể nói về thần học đích thực nữa, bất quá nói về tài khéo thần học. Ngay cả khi các đề tài riêng cho trường phái này sau đó hầu như bị bỏ rơi, kể từ đó, người ta không bao giờ có thể hoàn toàn đi lên lại triền dốc hoặc hoàn toàn quên đi cách thức “làm thần học” đã được thiết lập lâu đời này.
Qua chủ thuyết duy danh, các ý tưởng bắt đầu mất liên hệ với hữu thể để giản lược thành những “danh xưng”, mà người ta có thể tự do thao túng vì từ đây chúng không có bất cứ nội dung thực sự nào và không bám vào “sự vật”, nghĩa là vào lịch sử cứu độ. Người ta sẽ đi đến chỗ mâu thuẫn rõ ràng nhất với nguyên tắc theo đó “đức tin không kết thúc ở những lời tuyên bố nhưng ở thực tại”.
Cũng phải để ý đến một yếu tố khác giải thích sự tiến triển tiêu cực của thần học được quan niệm như “khoa học”. Vào thời thánh Tôma và thánh Bonaventura, thần học là nữ hoàng của các khoa học. Các trường đại học đã thừa nhận nó đứng đầu trên tất cả các môn khác mà nó “tạo hình” và gợi hứng, chính những môn này còn được quan niệm trong một viễn tượng thiêng thánh và tôn giáo. Những bất tiện sẽ xuất hiện sau đó, khi mà, một cách thích đáng, các ngành khoa học sẽ được giải phóng và các mối quan hệ sẽ thay đổi theo. Triết học trở thành khoa học tuyệt vời, sau đó, trong những thế kỷ gần đây, đến lượt môn vật lý. Từ đó, các ngành khoa học khác sẽ áp đặt quy chế riêng của chúng lên thần học mà không dễ nhận ra, chủ yếu khi thần học được giảng dạy ngang hàng với các bộ môn khác trong các trường đại học thế tục. Nhà khoa học phải giữ thái độ trung lập trước đối tượng nghiên cứu của mình, đó không phải là một trong những định đề của não trạng khoa học sao? Hoặc đúng hơn, ông phải thống trị đối tượng đó và trở thành chủ nhân của nó. Để tỏ ra tôn trọng một nhà khoa học, chẳng phải người ta nói rằng ông ấy hoàn toàn “làm chủ” vấn đề của mình đó sao? Như đã thấy, làm chủ đối tượng mà chúng ta biết là một phần của chính tri thức, như Tây phương quan niệm, theo đường lối của triết học Hy Lạp.
Nguyên tắc khoa học này, hoàn toàn có giá trị ở những chỗ khác, cho thấy ngay là sai lầm nếu được áp dụng cho thần học. Làm thế nào có thể “làm chủ” Thiên Chúa và Kinh Thánh? Bởi vì trong trường hợp này, một trường hợp chắc chắn là độc nhất, đối tượng là Thiên Chúa làm chủ chủ thể là con người; người ta không thể bắt đối tượng này phục tùng và không thể giữ trung lập đối với Ngài. Tuy nhiên, chính đó là điều đã xảy ra: nguyên tắc hiện đại này đã lan truyền rất rộng, nhưng lại quá chậm, quá lan tỏa, nên rất hiếm khi người ta ý thức vấn đề. Đặc biệt là khi học Kinh Thánh và lời Chúa, người ta đã không biết tránh nguy hiểm này.
Một cách tổng quát, thần học đã mất đi chiều kích thiêng liêng mà một thời đã hoàn toàn thấm nhiễm chiều kích ấy. Thế rồi, vào một giai đoạn nào đó, người ta cảm thấy cần phải khôi phục lại giá trị này. Khi ấy người ta đưa vào một nhánh độc lập được gọi là “Thần học tu đức”. Nhưng đây luôn luôn chỉ là một môn nhiệm ý, cũng nhanh chóng được quan niệm theo kiểu một khoa học và do đó có tính khách quan và trung lập. Khuynh hướng vẫn là loại bỏ chính khái niệm “xây dựng”, vốn thuộc một thể loại thấp hơn, loại “văn chương (gọi là) xây dựng”, dành cho những tâm hồn đạo đức. Tuy nhiên, người ta có lý do chính đáng mà không viết rằng “theo quan điểm Kitô giáo, mọi sự, tuyệt đối mọi sự, đều phải phục vụ cho việc xây dựng. Tinh thần khoa học nào, cuối cùng, không đóng góp vào việc đó, thì tự thân là xa lạ với Kitô giáo[6].” Chỉ ý nghĩ thốt lên một tiếng kêu kinh ngạc và ngợi khen vào giữa diễn từ về Thiên Chúa, như cách thánh Phaolô quen làm, ngày nay dường như hoàn toàn phi lý, phản khoa học và không nghiêm túc lắm. Tuy vậy, nó lại không nằm trong lôgich hoàn hảo của các sự việc sao?
Nhà thần học không bao giờ được giống nhà địa lý mà Le Petit Prince (Hoàng tử bé) của Saint-Exupéry nói đến:
“Hoàng tử bé nhận xét:
– Hành tinh của ông rất đẹp. Nó có biển cả không?
Nhà địa lý nói:
– Tôi không thể biết.
– Vậy à! (Hoàng tử bé thất vọng). Thế còn núi?
– Tôi không thể biết.
– Và các thành thị, sông ngòi và sa mạc?
– Tôi cũng không thể biết nữa.
– Nhưng ông là nhà địa lý mà!
Nhà địa lý nói:
– Đúng vậy, nhưng tôi không phải là nhà thám hiểm. Tôi tuyệt đối không có những nhà thám hiểm. Không phải nhà địa lý sẽ đếm các thành thị, sông ngòi, núi non, biển cả, đại dương và sa mạc. Nhà địa lý quá quan trọng nên không thể đi lang thang. Ông không rời khỏi văn phòng. Nhưng ông đón nhận những nhà thám hiểm. Ông hỏi họ, và ghi lại những kỷ niệm của họ.”
Nhà thần học không thể miễn cho mình việc cầu nguyện, vì các sông, núi, biển, đại dương và sa mạc nơi “hành tinh” của Thiên Chúa chỉ có thể được khám phá bằng lời cầu nguyện.
Nếu tội lỗi mà thánh Phaolô tố cáo giác hệ tại ở chỗ biết Thiên Chúa mà không đồng thời tôn vinh và tạ ơn Ngài, thì chúng ta không thể không kết luận rằng lời này của thánh Tông Đồ cũng phán xét, và chắc chắn phán xét đặc biệt, một cách nào đó làm thần học, một cách đã chiếm ưu thế rất lâu ở châu Âu, từ đó đã được xuất khẩu sang phần còn lại của thế giới.
Kể từ Công đồng Vatican II, và thậm chí trước đó, một sự thay đổi đã hình thành. Thần học đã tìm cách tiến gần lại con người và những vấn đề cụ thể của dân Thiên Chúa; nói tóm lại là để “trở về với chính sự vật”. Đóng góp của nó quan trọng trong nhiều lãnh vực; vai trò cứu độ của nó rất cần thiết cho đời sống của Giáo Hội. Còn tu đức Kitô giáo sẽ ra sao nếu không có một thần học lành mạnh hợp lý để bảo vệ nó khỏi những nguy cơ của chủ quan thuyết và không dấn thân? Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm theo hướng khác, hướng mà thần học tiếp cận – và đặc biệt – trước hết xích lại gần Thiên Chúa. Một tác giả xưa đã viết: “Không có gì nghèo nàn hơn một tư tưởng thuyết lý về những sự việc của Thiên Chúa bên ngoài Thiên Chúa[7].”
Chúng ta hãy coi là của chúng ta kinh mà thánh Tôma Aquinô đã đọc trước khi nghiên cứu thần học:
“Lạy Thiên Chúa giầu lòng thương xót, chúng con cầu xin Chúa ban cho chúng con biết nhiệt thành khát khao điều đẹp lòng Chúa, thận trọng tìm kiếm và phát hiện ra điều ấy mà không sai lầm và hăng say thực hành. Tất cả là để ca tụng và vì vinh quang Danh Chúa. Amen[8].”
—-
[1] cf. saint Athanase, Contre les Ariens, I, 18 (PG 26, 49).
[2] Eusèbe de Césarée, Histoire Ecclésiastique, V, xxviii, 5; x. SC 41, p.75
[3] Evagre le Pontique, Traité de l’oraison, 60. x. Hausherr, Les lecons d’un contemplatif, Paris, Beauchesne, p. 85.
[4] x. Solignac, Théologie, dans D. Sp. t. XV, c. 463-487.
[5] E. Iserloh, Storia della Chiesa, V/2, Milano, 1977, p. 71.
[6] S. Kierkegaard, La maladie mortelle (cité note 49), Avant-propos, p. 165.
[7] Diadoque de Photicé, La perfection spirituelle, 7; cf. Migne, 1990, p. 18.
[8] Saint Thomas d’Aquin, Opuscules théologiques, t. 2.