Lá thư ngỏ gửi phu nhân Tổng trấn Philatô – Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

print

Lá thư ngỏ gửi phu nhân Tổng trấn Philatô

Chị Philatô mến!

Tôi định bụng gọi Chị là “phu nhân Tổng Trấn”, thì lại buột miệng gọi Chị là “Chị”. Chị thông cảm nhá. Lẽ ra Chị phải kiêu sa như một bà mệnh phụ, thì Chị lại hiền hòa và thân thương như một bà hàng xóm láng giềng. Chị hiểu tôi rồi chứ?

Chị ơi! Đêm hôm qua Thầy Giêsu của tôi đã phải sống những giờ phút cô đơn đến tận cùng.

1. Nhìn lên trời cao thăm thẳm, để tìm một lời an ủi, thì cánh cửa thiên đàng dường như đã cài chốt rồi. Chúa Cha đã quyết tâm để cho con của Ngài phải chết oan, chết nhục và chết đau, để cứu độ nhân thế. Bất giác Thầy tôi đã phải kêu lên thống thiết, “Lạy Cha, nếu được thì xin cho Con khỏi uống chén đắng này…”. Khổ quá, cay quá, nhưng vẫn phải vâng lời Chúa Cha, Thầy tôi lại gục đầu thổn thức: “Nhưng xin đừng theo ý Con mà chỉ theo ý Cha thôi”.

Trời lạnh như thế, mà mồ hôi Người toát ra đầm đìa. Hai vai nhô lên thụt xuống như người hấp hối. Thương quá là thương!

2. Mười hai tông đồ thân tín, thì chỉ còn mười một. Mười một đệ tử thân thương bây giờ chỉ còn là mười một bị thịt vô tâm. Ba lần Thầy năn nỉ “Hãy tỉnh thức mà cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”. “Tại sao không thức được với Thầy lấy một giờ ư?”. Ba lần Thầy đánh thức. Ba lần Thầy năn nỉ tha thiết. Ba lần đệ tử cứ lăn lưng ra mà ngủ, mà ngáy khò khò. Trò vô tư đến thế đấy! Thầy cô đơn biết chừng nào!

3. Giuđa, người đệ tử thứ mười hai thì lạnh như chồn, khôn như rắn. Hắn năng nổ như rắn hổ đi săn đêm. Hắn theo dõi giờ Thầy ra ngủ ở vườn Cây Dầu. Hắn ghi nhận địa điểm Thầy cầu nguyện ở dưới gốc cây ôliu nào, cách xa các đệ tử bao nhiêu thước. Hắn nắm vững trong tay thời điểm và địa điểm sinh hoạt của Thầy, để hiến kế cho Thượng Tế bắt Thầy một cách chính xác. Hắn khẳng định với Thượng tế Caipha rằng: “Tôi hôn ai, thì cứ bắt người ấy – ngay chóc – không lầm”. Học trò mà chơi đểu với Thầy như thế đó. Thầy buồn đến chết được.

4. Ở làng Bêtania có anh Ladarô. Anh ta chết và được an táng trong mộ bốn ngày rồi. Thế mà Thầy Giêsu đã cho anh sống lại. Uy tín của Thầy tôi bao trùm toàn vẹn vùng thủ đô. Ai cũng công nhận Thầy tôi là Đấng Thiên Sai.

Thấy thế, Thượng tế Caipha và Công Nghị hoảng hồn. Họ tuyên bố sẽ ra vạ tuyệt thông cho bất cứ người nào tin theo Thầy Giêsu. Lòng dân hâm mộ Thầy Giêsu đang bốc lên phừng phực thì bỗng xẹp xuống. Ai nấy đều thương Thầy tôi, nhưng chỉ thương trong lòng, không dám biểu lộ ra bên ngoài. Vạ tuyệt thông là nỗi sợ khủng khiếp đè xuống lương tâm mọi tín đồ Do Thái. Họ sợ vạ tuyệt thông hơn cả hỏa ngục. Thế là Thầy tôi lại rơi vào tình thế cô đơn. Cô đơn giữa một rừng người hâm mộ. Ôi nhân tình thế thái!

Chị Philatô thân mến,

Trong khi Thầy tôi phải qua một đêm khủng khiếp như thế trong vườn Cây Dầu hiu hắt, thì chị cũng bị dày vò bởi một giấc mơ khủng khiếp.

Trong giấc mơ, Chị thấy Thầy tôi máu me đầm đìa. Chị hét lên một tiếng nghe rùng rợn như tiếng người bị bức tử, làm náo động cả đồn Antonia. Sáng hôm sau mặt Chị vẫn còn thất thần. Tin này rò rỉ từ khu gia binh quân đội viễn chinh khiến giới bình luận ở thủ đô phải quan tâm. Đến gần trưa có thêm một thông tin giật gân nữa.

Khi chồng Chị đang ngồi ghế chánh án thẩm vấn Thầy tôi, Chị cho người thân tín ra nói nhỏ bên tai ông: “Ông ơi, ông đừng nhúng tay vào vụ này. Ông Giêsu là bậc thánh hiền đấy. Đêm hôm qua, bà có một giấc mơ rùng rợn về Người. Bây giờ bà vẫn chưa hoàn hồn đâu”.

Đàn bà chiêm bao, thì giới đàn ông không quan tâm. Nhưng giấc mơ của bà Đệ Nhất phu nhân tỉnh Syria, thì giới nam tử không thể bỏ qua được. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra.

– Bà này là người nước ngoài, thường trú ở tận thủ phủ Xedarê xa tắp tít mà tại sao lại biết ông Giêsu?

– Tại sao bà lại dám khẳng định ông Giêsu là người công chính, trong khi giới lãnh đạo vẫn tố cáo ông ta là một tên phá đạo?

– Tại sao bà ta lại biết ông Giêsu đang lâm nạn và đã bị công nghị kết án tử hình vắng mặt?

– Tại sao ông Giêsu lại ảnh hưởng tới tiềm thức của bà ấy và tạo được một giấc mơ ảnh hưởng tới định mệnh của vợ một quan chức đầy quyền lực?

Chị Philatô mến,

Trong khi mọi người đang vắt óc suy nghĩ, thì tôi vào cuộc. Tôi giải mã.

  1. Chị là người phụ nữ Rôma. Người phụ nữ Rôma được xã hội tôn quý, khác hẳn đàn bà trên mây Do Thái chúng tôi. Phụ nữ Rôma giống như con thiên nga. Đàn bà Do Thái như con gà trong sân. Chị xuất hiện trước quần chúng. Chị chu du đây đó. Chị quen thân với người quyền quý: người viễn xứ cũng như người bản địa.
  2. Chị là Đệ Nhất phu nhân của tỉnh Syria, thì dĩ nhiên Chị là bạn thân của các bà mệnh phụ trong tỉnh. Dinh vua Hêrôđê chỉ cách thủ phủ Xêdarê vài chục dặm đường. Ở đấy có một bà mệnh phụ rất dễ mến. Đó là bà Gioanna, vợ của ông Khugia, quản lý của vua Hêrôđê: chắc chắn chị phải biết bà này.
  3. Bà Gioanna là người hâm mộ Thầy Giêsu như một thần tượng. Bà lẽo đẽo theo Thầy tôi trên mọi nẻo đường truyền giáo. Bà thuộc lòng các bài giảng của Thầy. Bà đếm từng phép lạ Thầy làm. Gặp ai bà cũng kể chuyện về Thầy Giêsu. Thậm chí vua Hêrôđê ngồi lì trong triều đình mà cũng biết hết mọi việc Thầy tôi làm. Tôi đoán mò rằng Chị cũng bị bà Gioanna lôi cuốn. Chị cũng tò mò đi nghe Thầy tôi giảng ở đâu đó. Chị cũng bị hớp hồn bởi ánh mắt và giọng nói thần kỳ của Thầy tôi.
  4. Vợ chồng Chị cùng về thủ đô Giêsusalem nhân dịp lễ Vượt Qua. Chồng Chị đi với tư cách là Tổng Tư lệnh quân đội: đi để nắm vững tình hình an ninh chính trị; đi để đối phó với một cuộc nổi dậy có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Còn chị thì đi với tư cách là khách du lịch: đi để thấy một lễ hội lớn lao mà ngay tại thủ đô Rôma cũng không thể có được; đi để thấy một niềm tin tôn giáo mãnh liệt chưa từng thấy ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
  5. 5. Lễ Vượt Qua năm nay là lễ cuối cùng của Thầy tôi. Gần như ngày nào cũng bị dọa giết. Ngày nào cũng bị kết tội phạm thượng. Thượng tế và công nghị hội họp liên miên để tìm kế bắt và giết Thầy tôi… Chúng tôi khóc hết nước mắt. Chỉ biết khóc thôi chứ chẳng biết làm gì để cứu Người. Quần chúng gục mặt xuống hết, vì sợ bị vạ tuyệt thông…

Chị Gioanna quen biết nhiều, đôn đáo chạy chọt, nhưng kết cuộc cũng chỉ khóc hụ hụ, khóc tuyệt vọng. Chắc chắn chị ấy cũng đã gặp chị, kể hết nỗi đau tuyệt vọng cho chị nghe, hy vọng chị kêu cứu giùm.

Cuối cùng chị cũng chỉ biết khóc. Tôi biết chị thương Thầy tôi nhiều lắm. Chị muốn cứu Người. Chị năn nỉ. Chồng chị ra tay tế độ. Nhưng chị cũng thừa biết rằng anh ấy không đủ can đảm để hy sinh cái ghế và cái nồi. Cái ghế thì quá cao, cái nồi thì quá lớn. Cái ghế thì bị đe dọa cưa chân. Cái nồi thì có nguy cơ bị đập vỡ. Cái quyền và cái lợi của chức Tổng trấn tỉnh Syria đang như trứng treo đầu gậy. Nếu chị và anh ấy cứu Thầy tôi, thì có nguy cơ bị triệu hồi về Rôma. Thế là chị đành nhắm mắt quay mặt để quên Thầy tôi. Chính vì thế mà lương tâm của chị lại dằn vặt, cắn xé. Thương mà không dám thương. Muốn cứu mà không dám cứu. Không cứu thì hèn. Nhưng cứu thì chết. Ấm ức. Dồn nén. Rồi cũng vỡ trong giấc mơ. Giấc mơ khủng khiếp.

  1. 6. Chị bị giày vò suốt đêm thứ năm và suốt buổi sáng thứ sáu hôm nay. Đến trưa thì chồng chị trao Thầy tôi cho bọn lãnh đạo Do Thái lôi đi đóng đinh. Chồng chị rửa tay, mặt tỉnh bơ, miệng tuyên bố lạnh lùng: “Tôi vô tội trong vụ này”. Chị tỏ vẻ giận lây. Anh ấy bảo: “Chúng nó lãnh mọi hậu quả do vụ giết oan ông Giêsu này. Chúng nó thề rằng: “Máu nó đổ trên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi, chúng tôi chịu, ông không phải lo. Em thấy chưa. Em đừng sợ hồn chết oan về báo oán chúng ta”.

Từ đó, hai vợ chồng chị quên hẳn Thầy tôi, để giữ cái ghế và ôm cái nồi. Cái mà chị lo, cái mà chị hét ầm lên, đó là sợ hồn Thầy tôi về báo oán. Bây giờ thì không sợ nữa. Khỏe re.

Chị ơi! Tôi mong rằng trong tâm tư của chị đã có một hạt giống chân lý rơi vào. Hạt giống ấy sẽ nảy mộng và sẽ mọc lên thành cây “chân lý”. Chân lý ấy sẽ giải phóng chị.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

cgvdt.vn