Kinh Mân Côi với Đời Dâng Hiến – Mầu nhiệm Thương (3): Nỗi đau tinh thần

Kinh Mân Côi với Đời Dâng Hiến – Mầu nhiệm Thương (3): Nỗi đau tinh thần

3. Đức Giêsu chịu sỉ nhục

Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu

Rồi họ khạc nhổ vào mặt và đấm đánh Người. Có kẻ lại tát Người và nói: “Ông Kitô ơi, hãy nói tiên tri cho chúng tôi nghe đi: ai đánh ông đó?” (Mt 26,67-68)

Bấy giờ lính của tổng trấn đem Ðức Giêsu vào trong dinh, và tập trung cả cơ đội quanh Người. Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ. Rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: “Vạn tuế Ðức Vua dân Dothái!” Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người. Chế giễu chán, chúng lột áo choàng ra và cho Người mặc lại áo của mình, rồi điệu Người đi đóng đinh vào thập giá. (Mt 27,27-31)

Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: “Mi là kẻ phá được Ðền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!” Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói:  “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là vua Ítraen! bây giờ hắn cứ xuống khỏi thập giá đi, thì chúng ta tin hắn liền! Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: “Ta là Con Thiên Chúa!” Cả những tên cướp cùng bị đóng đinh với Người cũng sỉ vả Người như thế. ( Mt 27,39-44)

 Suy niệm:

 Bên cạnh những đớn đau về thể lý, Đức Giêsu cũng phải gánh chịu một nỗi đau rất lớn về tinh thần trong cuộc thương khó. Ngài bị một trong số các môn đệ bán rẻ. Ngài phải hứng chịu sự vô tâm của các môn đệ còn lại. Ngài bị đám dân hùa nhau vu khống. Ngài bị quân lính đem ra làm trò đùa để cười giỡn. Ngài bị người ta bỏ mặc. Ngài bị mọi người thách thức, khinh khi, bỡn cợt. Dường như tất cả đã quay lưng lại với Ngài. Họ đã không chân nhận những điều tốt đẹp Ngài làm đã đành, nay lại còn phủ nhận và đang tâm thủ tiêu Ngài như diệt trừ một hậu họa. Họ hả dạ như thể mình là người thắng thế. Họ hăm hở nghĩ ra đủ trò để đọa đày Ngài cho thỏa chí đắc thắng. Giêsu càng bị tủi nhục, họ càng coi đó là niềm vui. Cái niềm vui khi nghĩ là mình đã chiếm được thế thượng phong và có quyền trên người khác thường làm cho người ta điên đảo và khoái chí. Và cứ thế, họ chẳng còn ý thức được người đang đứng trước mặt mình là ai, là Đấng nào, có quyền năng ra sao, có vị thế ở đâu trong toàn cõi vũ trụ.

Khi rơi vào tình thế ngặt nghèo, người ta thường dễ chấp nhận nỗi đau thể lý hơn là tinh thần. Nỗi đau của thế lý có thể làm ta đau buốt, nhưng nó sẽ qua đi nhanh chóng. Còn nỗi đau về tinh thần thì cần rất nhiều thời gian để giúp nguôi ngoai. Bởi thế nên ta thường xem trọng cái danh dự của mình. Danh dự là cả con người, là chính mình. Danh dự bị xúc phạm, chính là ta bị xúc phạm. Người ta xem thường cái danh của ta, ấy là người ta đã không coi chính ta ra gì. Chà đạp danh dự, làm ảnh hưởng xấu đến nhân phẩm là điều làm cho chúng ta thấy tủi nhục nhất, khiến ta đau khổ nhất, bởi khi đó, ta đã bị hạ bệ xuống một phẩm giá khác, thấp hơn, kém cỏi hơn. Chính vì vậy mà khi danh dự bị mất, nhiều người đã không còn thiết sống nữa. Họ muốn kết liễu cuộc đời mình vì họ không còn mặt mũi nào để đối diện với người ta. Tiếng đòn tiếng roi, có đôi khi lại dễ chịu hơn miệng đời xét đoán. Thà bị đánh tả tơi một trận rồi cho qua mọi chuyện, còn hơn là cứ bị những lời lầm bầm, léo nhéo, sỉ nhục làm khủng bố tinh thần.

Cái danh có một chỗ đứng rất quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Mọi nỗ lực của ta đều nhắm đến việc làm sao được nở mày rạng mặt, được nhiều người biết đến và tung hô. Ta thích khen hơn là bị chê cũng là vì lý do này. Ta phấn đấu học giỏi, làm lương cao, có chỗ đứng quan trọng cũng là vì chữ danh. Ta cố gắng làm người nổi tiếng, thích xuất hiện trước công chúng với hình ảnh đẹp trưng bày khắp nơi… cũng là vì danh. Ta cố gắng đính chính khi bị ai đó hiểu lầm và trách cứ vô căn cớ cũng là vì không muốn danh dự của mình bị bôi nhọ, bị làm xấu đi. Cái danh quan trọng với người ta đến nỗi, nếu không được chân nhận, họ sẽ thấy mất hết ý nghĩa cuộc đời. Chỉ nói như thế thôi, cũng đủ giúp chúng ta cảm được phần nào nỗi đau tinh thần ghê gớm mà Giêsu phải chịu khi khắp nơi đổ dồn về phía Ngài những lời cay độc, nhục mạ. Chẳng một ai lên tiếng bênh vực Ngài, an ủi Ngài. Những con người đã từng được Ngài nuôi ăn, chữa lành, làm phước… giờ đây đã đi đâu mất. Giả như có ai đó thương cảm cho Ngài thì dường như người ấy quá nhỏ bé, không đủ tiếng nói để biện hộ cho Ngài trước sức tấn công khủng khiếp của đám người khát máu kia. Giữa tất cả những đớn đau ấy, Ngài chỉ biết làm một điều: im lặng.

Khi tất cả mọi người hùa theo dòng đời mải mê đi tìm cái danh, thì người tu sĩ, noi gương Đức Giêsu, lại bằng lòng đi theo con đường ngược lại. Chức này chức nọ đối với họ chẳng còn là nơi để vui hưởng vinh quang, nhưng là phương tiện để phục vụ. Họ bị người ta chê là nghèo xơ xác vì ra đường chẳng có nhiều tiền dắt lưng. Họ bị người ta khinh là quê mùa, vì không biết xài những phương tiện kỹ thuật hiện đại theo xu hướng tân thời. Họ cũng bị nói là “hai lúa”, vì suốt ngày hay đi đâu cũng chỉ có một bộ tu phục u buồn, chứ không theo thời trang cấp tiến. Hay thậm chí, ngay tại chọn lựa đời tu của họ, có khi cũng đã là một trò cười cho người khác, những người không hiểu được lý tưởng của họ, không cảm được tình yêu siêu nhiên giữa họ với Giêsu. Người ta có thế có tiền để bảo vệ mình, còn người tu sĩ thì chỉ có một tấm thân trần cùng với một con tim đang bốc lửa làm lẽ sống. Chẳng ai có thể thấu cảm được lý do nào đã khiến họ đi đến một “quyết định dại dột” như thế.

Lối sống của người tu sĩ, theo mẫu gương của Giêsu, cũng là một điều khiến người đời khinh khi. Thật thà là gì, để rồi bị thiệt thân, bị lợi dụng! Phục vụ làm gì để rồi cũng có ai nhớ đến mình đâu! Ăn chay hãm mình làm gì, cao lương mỹ vị không thú vị hơn à! Tội gì phải khuôn mình, bỏ ý riêng để “chịu đựng” những người khó tính khó nết trong cộng đoàn, hay thậm chí là cả bề trên! Ra ngoài xã hội, bản thân người tu sĩ cũng thấy mình bị lạc lõng vì mình nằm ngoài tất cả những xu hướng chung của thời đại. Rồi có khi, biết mình cô thế cô thân, những thế lực khác còn hãm hại mình, bắt nạt mình, khiến mình không thể sống một cuộc sống bình thường và yên ổn. Những thành ý của mình còn bị bóp mép và hiểu lầm. Những hy sinh của mình lại bị cho là giả hình, dối trá. Tấm lòng của mình chẳng ai chịu nhìn đến mà cảm thông.

Quả thực, sống trong đời tu, người tu sĩ phải chịu rất nhiều áp lực. Họ giống như người làm dâu trăm họ, hay là người bỏ việc nhà vác tù và hàng tổng. Bổn phận báo hiếu cha mẹ, họ cũng tạm gác sang một bên để chuyên tâm lo việc nhà Chúa. Nhưng rất ít khi họ được người ta chia sẻ những nỗi niềm không tên này. Nhưng nhìn lên cây thập giá, chiêm ngắm một Đức Giêsu đã bị người ta tước bỏ mọi cái danh, họ thấy cái danh của mình cũng chẳng đáng là chi để mà theo đuổi. Bị người ta coi khinh cũng được, ghét bỏ cũng được, miễn là họ sống đúng với tiếng lương tâm, sống trọn tình vẹn nghĩa với Chúa, họ cũng thấy mãn nguyện rồi.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

print